BY: HOÀNG THẠCH
Nhìn vào bản đồ ghi dấu thời điểm vào thế kỷ 11 ở trên, người ta thấy nước Chàm đã một thời tồn tại cùng với nước Việt Nam. Cũng từ bản đồ này, người ta thấy dân Việt đã đồng hóa một dân tộc thiểu số khiến đất nước Chàm không còn tồn tại trên bản đồ thế giới. Ngày nay dân tộc Chàm đã hội nhập vào xã hội Việt Nam và nếu không tới vùng đất năm xưa để nghe tiếng nói của dân địa phương miền Trung, người ta khó có thể nhận ra nguồn gốc của họ.
Tình hữu nghị giữa hai dân tộc Việt-Chàm không chỉ được chứng minh qua sự chung sức chống lại các cuộc xâm lăng của Hán triều và Mông Cổ, mà còn thể hiện qua cuộc tình Huyền Trân công chúa và vua Chàm Chế Mân, mà người dân Việt đã tiếc thương cho số phận nàng qua hai câu ca dao:
Tiếc thay cây quế giữa rừng,
Để cho thằng Mán, thằng Mường nó leo!
Ngoài ra, một số nhạc sĩ đã phổ nhạc và thi sĩ làm thơ nói lên nỗi lòng của Công chúa Huyền Trân như: *-Về âm nhạc: Trường ca Con đường Cái Quan (Phạm Duy), Tiễn Biệt Huyền Trân (PD), Huyền Trân Công Chúa (Nguyễn Hiền), Nhớ (Châu Kỳ), Tình sử Huyền Trân (Nam Lộc), Sương Gió Chiêm Thành (Cổ nhạc). *-Về thơ:
-Công chúa Huyền Trân (Hoàng Cao Khải)
-Tiễn Biệt Huyền Trân (Đào Tiến Luyện)
1-ĐÔI HÀNG LỊCH SỬ VỀ SỰ TƯƠNG QUAN GIỮA HAI NƯỚC VIỆT-CHÀM (CHĂMPA - CHĂM)
Vương quốc Chămpa bao gồm các khu vực ngày nay thuộc miền Trung và miền Nam Việt Nam có từ khoảng năm 192 đến năm 1697. Các tên gọi khác nhau của vương quốc này theo dòng lịch sử là Hồ Tôn Tinh, Tượng Lâm, Lâm Ấp, Hoàn Vương Quốc và Chiêm Thành. Vương quốc này bắt đầu suy tàn từ cuối thế kỷ 11 (sau khi vua Lê Thánh Tông sai quân chiếm đóng vào năm 1471). Chămpa trở thành chư hầu của Việt Nam năm 1697 và bị thôn tính hoàn toàn vào thập niên 1720, thời kỳ các chúa
Nguyễn, khởi đầu từ Nguyễn Hoàng.
Theo sử thì nước Chămpa được thành lập sau cuộc nổi dậy của quan địa phương tên là Khu Liên (Kiu-lien) chống lại chính quyền nhà Hán năm 192 tại khu vực ngày nay là Huế. Lãnh thổ của Chămpa là thành phố Đà Nẵng và các tỉnh Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Thuận. Trong thời kỳ đầu Chămpa chịu ảnh hưởng lớn của văn hóa và tôn giáo Trung Hoa. Nhưng sau các cuộc chiến với quốc gia láng giềng Phù Nam và bị thôn tính vào thế kỷ 4, thì văn hóa Chămpa có sự hòa trộn văn hóa Ấn Độ.
Lịch sử của vương quốc Chămpa là các cuộc xung đột với Trung Hoa, Đại Việt, Khmer và Mông Cổ, cũng như xung đột nội bộ. Các cuộc chiến tranh là nguyên nhân làm cho Chămpa mất dần lãnh thổ vào tay Đại Việt, một quốc gia có tổ chức chính quyền và quân sự hoàn hảo hơn. Chămpa trong quá khứ từng là một nước chư hầu của các triều đại phong kiến Trung Hoa và Đại Việt; nhưng dân Chàm vẫn giữ được bản sắc văn hóa của mình. Người Chàm là những chiến binh giỏi đã sử dụng địa hình đồi núi để chiếm ưu thế trong các cuộc chiến. Năm 1471, người Chàm chịu tổn thất nặng nề trong cuộc chiến với Đại Việt dưới triều vua Lê Thánh Tông. Vương quốc này còn tiếp tục kháng cự đến năm 1720 trong các vùng núi xung quanh Nha Trang cho đến khi quốc vương cuối cùng đem con cháu chạy sang Campuchia. Các thế lực của người Chàm chỉ khuất phục Việt Nam hoàn toàn vào năm 1832, dưới thời vua Minh Mạng.
Tôn giáo và văn hóa chính của người Chàm chịu ảnh hưởng Ấn Độ giáo. Tuy nhiên, ngày nay phần lớn người Chàm theo Hồi giáo do ảnh hưởng của người Mã Lai. Trong số các di tích văn hóa còn lại có Thánh địa Mỹ Sơn gần Hội An đã được Liên Hiệp Quốc (UNESCO) công nhận là di sản văn hóa thế giới.
2-CÁC VƯƠNG TRIỀU CHIÊM THÀNH
Tuy là một nước nhỏ, nhưng Chiêm Thành cũng đã nhiều lần đem quân tấn công nước Việt.
Các triều đại của nước Chàm gồm:
-Triều đại Bhrigu / khoảng 877
-Indravarman II khoảng 896-905
-Jayasimhavarman 905-910
-Bhadravarman II 911-971
-Indravarman III năm 989-?
-Vijaya Shri Harivarman II khoảng 989
-Yanpuku Vijaya Shri
- Triều đại miền Nam 1041-1059:
-Jayasimhavarman II 1059-1060?
-Bhadravarman III khoảng 1060
-Rudravarman khoảng 1081
-Jaya Indravarman IV?-1086
-Paramabodhisattva 1086-1139
-Jaya Indravarman V 1139-1147
-Jaya Indravarman VI 1147-1163
-Jaya Harivarman VI 1163 -?
-Jaya Indravarman VII?-1190
-Jaya Indravarman VIII 1226 -?
-Jaya Parameshvaravarman IV?-1237
-Jaya Indravarman X 1266-?
-Indravarman IX?-1307
-Jayasimhavarman IV 1307-?
-Mahendravarman 1342-1360
-Bo-dê1360-1390.
Chế Bồng Nga
Chế bồng Nga là một trong các vua nổi tiếng nhất trong sử sách của dân Chàm. Ca sĩ Chế Linh gốc người Chàm cũng một thời nổi danh với bản nhạc "Hận Đồ Bàn" có nội dung gợi lại nỗi nhớ thương một thời vàng son của vương quyền Chămpa và kinh đô Đồ Bàn đã bị xóa tên trên bản đồ. Năm 1360, Chế Bồng Nga, được dân tộc Chăm tôn vinh là một nhà chính trị, một nhà quân sự đại tài, đã từng đem quân đánh nước Việt nhiều lần, ra tới Kinh đô Thăng Long.
-Năm 1361, Chế Bồng Nga đánh phá hải cảng Di Lý (?) của Đại Việt (theo Khâm định Việt sử thông giám Cương mục thì Chế Bồng Nga đánh phủ Lâm Bình) -Năm 1368, Chế Bồng Nga đánh thắng đoàn quân Đại Việt ở Chiêm Động (?) -Năm 1370, Chế Bồng Nga tiến quân chiếm thành Thăng Long lần thứ nhất. (Theo Khâm định Việt sử thông giám Cương mục là năm 1371.) -Năm 1377, Chế Bồng Nga đánh thắng đoàn quân Đại Việt sang tấn công thủ đô Vijaya và giết chết vua Đại Việt là Trần Duệ Tông, sau đó đem quân cướp phá thành Thăng Long lần thứ hai -Năm 1380, Chế Bồng Nga đánh Nghệ an, Diên Châu và Thanh Hóa -Năm 1382, Chế Bồng Nga lại đánh phá Thanh Hóa. -Năm 1383, Chế Bồng Nga đem quân chiếm đóng đồng bằng sông Hồng một lần nữa. (Theo Khâm định Việt sử thông giám Cương mục thì Chế Bồng Nga đánh phủ Quảng Oai.) -Năm 1389, Chế Bồng Nga lại xuất quân đánh Đại Việt và bị quân Đại Việt do tướng Trần Khát Chân chỉ huy giết chết trong một trận thủy chiến ở Hải Triều.
II-CUỘC TÌNH ĐỔI CÔNG CHÚA LẤY ĐẤT HAI CHÂU
Theo sử liệu thì Vua Trần Nhân Tông húy Khâm, sinh ngày 11.10 năm Mậu Ngọ (7.11.1258), có công đánh tan cuộc xâm lược cuối cùng của Nguyên Mông. Ông nhường ngôi lại cho con, lên làm Thái Thượng Hoàng năm 1293. Sau đó Vua ẩn tu tại am Ngọa Vân núi Yên Tử vào năm 1299, lấy pháp hiệu Hương Vân Đại Đầu Đà, khai sáng thiền phái Trúc Lâm và được tôn xưng Điều Ngự Giác Hoàng. Vua Nhân Tông băng hà ngày mồng 3.11 năm Mậu Thân (6.12.1308), để lại nhiều tác phẩm, trong đó Khoá Hư Lục nổi tiếng nhất. Con trưởng của Vua Nhân Tông là Trần Thuyên, tức Trần Anh Tông, sinh ngày 17.9 năm Bính Tý (25.10.1276), lên ngôi ngày mồng 9.3 năm Quý Tỵ (16.4.1293), chết năm 1320.
Sau chiến tranh đánh tan quân Mông Cổ, năm 1301 Vua Trần Nhân Tông du hành qua Chàm và được Quốc vương Chế Mân (Jaya Shimhavarman III, tức thái tử Harijit thời chống Nguyên) ân cần đón tiếp. Thấy Chế Mân phong thái anh hùng và nghĩ tình hoà hảo giữa hai nước Việt-Chiêm, Ngài hứa gả công chúa út là Huyền Trân, mặc dù Chế Mân đã có hoàng hậu người Java. Chế Mân nhớ lời hẹn ước, sai sứ đem vàng ngọc, sản vật quí sang cống hiến và xin cưới. Vua Trần Anh Tông và triều thần bàn bạc mãi và không biết quyết định ra sao. Chế Mân không nản lòng, bèn xin dâng đất châu Ô và châu Lý làm sính lễ. Công chúa Huyền Trân vì chữ hiếu bằng lòng trao thân gửi phận, vì nước ra đi làm dâu xứ người.
Tháng Sáu năm Bính Ngọ 1306, Anh Tông cử một phái đoàn đưa em gái sang làm dâu Chămpa và tiếp nhận đất đai. Qua tháng Giêng năm sau, dân Chàm các thôn La Thủy, Tác Hồng, Đà Bồng chống đối, vua sai hành khiển Đoàn Nhữ Hài vào dẹp, đổi tên châu Ô ra châu Thuận, châu Lý ra châu Hoá, cùng thuộc phủ Lâm Bình với ba châu cũ, chọn người bản xứ cho làm quan cai trị, cấp ruộng đất và miễn tô thuế ba năm cho dân chúng.
Huyền Trân Công chúa rất được Chế Mân sùng ái; nhưng chẳng may, cuộc tình duyên quá ngắn ngủi! Tháng 5 năm Đinh Mùi (1307), Chế Mân qua đời. Sợ em mình bị đưa lên dàn hỏa thiêu theo tục lệ Chàm, đến tháng Mười, Anh Tông sai Trần Khắc Chung và Đặng Văn sang dùng mưu đón công chúa và thế tử Chế Đa Đa (chắc là con của Huyền Trân) về nước... Mối giao hảo Việt-Chàm bị tan vỡ từ đó. Quốc vương Chàm thường xuyên đánh phá đất Việt và đòi lại hai châu. Quân Nhà Trần nhiều lần tấn công, khi thắng khi bại. Dân chúng ở đây lâm vào cảnh chiến tranh cho đến khi vua Lê Thánh Tông mở rộng biên giới về phía Nam năm 1470-1471 mới ổn định được tình hình.
III-MỘT SỐ DI TÍCH VĂN HÓA CỦA NGƯỜI CHÀM
1-Thành Đồ Bàn
Thành còn gọi là thành Chà Bàn hoặc thành Hoàng Đế thuộc địa phận xã Nhơn Hậu, huyện An Nhơn và cách thành phố Qui Nhơn (tỉnh Bình Định) 27 cây số về hướng Tây Bắc. Năm 982 dưới triều đại vua Yangpuku Vijaya thành Đồ Bàn được xây dựng. Đây là kinh đô cuối cùng của vương quốc Chămpa và các vua đã đóng đô ở đây từ thế kỷ 11 đến thế kỷ 15.
Năm 1376, vua Trần Duệ Tông đem 12 vạn quân thủy, bộ chiếm thành Đồ Bàn bị Chế Bồng Nga đánh bại, Trần Duệ Tông tử trận. Năm 1403, Hồ Hán Thương sai tướng đem 20 vạn quân vây đánh thành Đồ Bàn ngót hai tháng trời, nhưng bị quân Chiêm Thành phản công quyết liệt, phải rút quân về nước. Năm 1471, Vua Lê Thánh Tông đem một đoàn thủy, lục quân hùng mạnh sang đánh Chămpa. Sau khi chiếm được, Lê Thánh Tông ra lệnh phá hủy thành Đồ Bàn. Năm 1776 (có tài liệu là 1778), Nguyễn Nhạc tự xưng là Trung Ương Hoàng Đế, đóng đô ở đây, nên còn gọi là Hoàng Đế thành. Nguyễn Nhạc cho mở rộng về phía Đông, xây dựng nhiều công trình lớn. Năm 1799, thành bị quân nhà Nguyễn chiếm, đổi lại là Bình Định. Ngày nay, Thành Hoàng Đế là một trong những di tích có giá trị về lịch sử quân sự và khảo cổ học.
Đặc điểm: Di tích Đồ Bàn hiện nay không còn nguyên vẹn, chỉ còn sót lại các bức tường thành xây bằng đá ong, có hào và đường lát đá hoa cương. Trong thành có di tích cũ của người Chàm như giếng vuông, voi; bên cửa hậu có gò Thập Tháp, trên gò có 10 ngôi tháp. Đặc biệt có tháp Cánh Tiên cao gần 20m, góc tháp có tượng rắn làm bằng đá trắng, 2 voi đá và nhiều tượng quái vật. Tháp này được đánh giá là biểu tượng phong hóa Bình Định, có niên đại hậu bán thế kỷ 11, đầu thế 12, nằm trong giai đoạn lịch sử từ triều Harivarman IV (1074-1081) đến triều Harivarman V (1113-1139). Phía Bắc thành có Chùa Thập Tháp Di Đà, phía Nam có chùa Nhạn Tháp, đều là những ngôi chùa cổ. Trong đó còn giữ được nhiều di tích, hiện vật liên quan đến văn hóa Chàm và Tây Sơn. Trong lăng còn chiếc lầu bát giác cổ kính, trong lầu còn tấm bia đá khắc công tích của Ngô Tùng Châu và Võ Tánh (năm 1800). Bia bằng đá trắng, chịu nhiều gió bụi thời gian đến nay đã mòn cả những chữ Hán khắc trên đó.
2-Thành cổ Châu Sa
Thành lũy được người Chàm xây dựng bằng đất vào TK 9 tại xã Tịnh Châu, huyện Sơn Tịnh tỉnh Quảng Ngãi. Đây là loại thành bằng đất duy nhất ngày nay vẫn còn dấu tích. Thành nằm trên quốc lộ 24B đi cảng Sa Kỳ - Dung Quất, cách thành Quảng Ngãi 7 cây số về phía Đông Bắc; phía Nam giáp sông Trà Khúc, Bắc giáp sông Hàm Giang chảy về cảng Sa Kỳ.
Năm 1924, kiến trúc sư người Pháp Henry Parmentier đã tìm thấy ở đây các di chỉ văn hóa và đưa về trưng bày tại Bảo tàng viện điêu khắc Chàm ở Đà Nẵng. Các dấu vết cho thấy thành cổ Châu Sa đã từng là trung tâm kinh tế của châu Amaravati thuộc Vương quốc Chàm trước kia. Năm 1994, tức sau 70 năm được phát hiện, thành mới được công nhận là di tích văn hóa cấp quốc gia của Việt Nam.
3-Po Nagar – Tháp Bà
Tháp Bà là ngôi đền nằm trên đỉnh một ngọn đồi nhỏ cao khoảng 50 mét so với mực nước biển, ở cửa sông Cái (sông Nha Trang) Nha Trang, cách trung tâm thành phố khoảng 2 cây số về phía Bắc, nay thuộc phường Vĩnh Phước. Tên gọi "Tháp Po Nagar“ được dùng để chỉ chung cả công trình kiến trúc này, nhưng thực ra nó là tên của ngọn tháp lớn nhất cao khoảng 23 mét. Ngôi đền này được xây dựng trong thời kỳ đạo Hindu (Ấn Độ) đang cường thịnh, vào thời kỳ Hoàn Vương Hoàn. Vì thế tượng nữ thần có hình dạng của thần Umar, vợ của thần Shiva.
-Truyền thuyết 1:
Nữ vương Po Nagar, còn gọi là Yan Pu Nagara, Po Ino Nagar hay Bà Đen (nguời Việt Nam gọi là Thiên Y Thánh Mẫu Ana) là vị nữ thần được tạo nên bởi áng mây trời và bọt biển, người tạo dựng ra trái đất, sản sinh gỗ quí, cây cối và lúa gạo. Bà có 97 chồng, trong đó chỉ một mình Po Yan Amo là người có uy quyền và được tôn trọng hơn cả. Bà có 38 người con gái, tất cả đều hóa thân thành nữ thần, trong đó có ba người được người Chăm chọn làm thần bảo vệ đất đai và còn thờ phụng cho tới ngày nay là Po Nagar Dara, nữ thần Kauthara (Khánh Hòa); Po Rarai Anaih, nữ thần Panduranga (Ninh Thuận) và Po Bia Tikuk, nữ thần Manthit (Phan Thiết). Tương truyền, tượng bà Thiên Y Thánh Mẫu Ana theo tín ngưỡng phồn thực của người Chăm, không có quần áo. Po Nagar hiện nay được người Việt Nam sử dụng, nhưng đã cho nữ thần ăn mặc theo kiểu Phật.
-Truyền thuyết 2:
Ngày xưa tại núi Đại An (Đại Điển) có hai vợ chồng tiều phu đến cất nhà và làm rẫy trồng dưa nơi triền núi. Suốt một thời gian dài, hễ trái dưa nào chín đều bị mất. Ông lão rình và một hôm bắt gặp một cô bé khoảng 9-10 tuổi hái dưa rồi chơi dỡn dưới trăng. Thấy cô bé dễ thương, ông bèn đem về nuôi và thương yêu như con ruột. Hôm đó, trời mưa to gió lớn, cảnh vật tiêu điều buồn bã, cô bé lấy đá chất thành ba hòn dã sơn và hái hoa lá cắm vào rồi đứng ngắm chơi vui. Ông lão không ngờ cô bé là tiên giáng trần buồn nhớ cảnh bồng lai. Đang buồn lại chợt nhìn thấy một khúc kỳ nam theo nước trôi đến, cô bé bèn biến thân vào khúc kỳ nam cho sóng đưa đẩy. Khúc kỳ nam trôi ra biển rồi tấp vào đất Trung Hoa, hương toả ngào ngạt. Dân địa phương lấy làm lạ kéo đến xem. Thấy gỗ tốt, họ bèn xúm vào khiêng, nhưng người đông bao nhiêu cũng không khiêng nổi. Thái tử Bắc Hải nghe tin đồn bèn tìm đến xem hư thực và giơ tay nhấc thử. Thật kỳ lạ, khúc gỗ bỗng nhẹ như tờ giấy. Chàng liền đem về cung và nâng niu như báu vật.
Một đêm, dưới ánh trăng mờ, Thái tử thấy có bóng người thấp thoáng nơi để khúc kỳ nam, nhưng khi lại gần xem thì tứ bề vắng vẻ, chỉ phảng phất mùi hương từ khúc kỳ nam bay ra. Những đêm sau đó, Thái tử vẫn tiếp tục theo dõi... Rồi một đêm, chàng thấy từ trong khúc kỳ nam bước ra một giai nhân tuyệt sắc. Chàng vụt chạy đến, ôm choàng lấy nàng. Không biến kịp vào khúc gỗ, giai nhân đành theo Thái tử về cung và cho biết lai lịch cũng như danh tính là Thiên Y Ana. Thái tử thấy nàng Ana xinh đẹp khác thường bèn tâu phụ hoàng xin cưới làm vợ. Vợ chồng ăn ở với nhau rất tương đắc, sinh được hai con, một trai một gái, dung mạo khôi ngô tuấn tú.
Một hôm, vì nỗi nhớ quê hương, Thiên Y bồng hai con nhập vào kỳ nam trở về làng cũ. Núi Đại An còn đó, nhưng vợ chồng ông tiều phu đã về cõi âm. Thiên Y xây đắp mồ mả cho cha mẹ nuôi và sửa sang nhà cửa để phụng tự. Thấy dân địa phương còn lạc hậu, bà dạy cày cấy, kéo vải, dệt sợi và đặt ra các lễ nghi... Từ đó, ruộng nương luôn tươi tốt, đời sống dân chúng mỗi ngày thêm phong phú. Đến một ngày, có con chim hạc từ trên mây bay xuống, Thiên Y cùng hai con cưỡi hạc bay về trời. Dân chúng địa phương nhớ ơn đức của Bà Thiên Y nên năm 817 đã xây tháp và tạc tượng thờ phụng. Hàng năm, vào ngày bà thăng thiên (23.3 âm lịch) đều có tổ chức lễ múa bóng dâng hoa rất long trọng.
-Lịch sử
Ngôi tháp bằng gỗ trước kia thờ nữ vương Jagadharma (công chúa Tchou Koti hay Thiên Y Thánh Mẫu) (cai trị Lâm Ấp từ năm 646 đến năm 653) được Prithi Indravarman cho xây dựng lại bằng vật liệu cứng tại Aya Tră (Nha Trang), trên một ngọn đồi cao cạnh cửa sông Cái (Xóm Bóng), để thờ tượng nữ thần Bhagavati (bằng vàng). Năm 774, quân Nam Đảo (Java, Indonesia) vào cướp phá. Đền Po Nagar, bị quân Nam Đảo phá hủy, sau đó được Satyavarman cho dựng lại bằng gạch, năm 784 thì hoàn thành và tồn tại cho tới ngày nay. Sau này quốc vương Harivarman I và con trai làVikrantavarman III có thể đã lần lượt xây dựng thêm 5 tháp nữa.
-Kiến trúc
Từ dưới chân núi ngay sát quốc lộ, theo những bậc đá đi lên là một khu đất bằng phẳng khoảng hơn 200m2, có 10 trụ gạch lớn cao trên 5m xếp thành bốn hàng trên nền gạch rộng. Theo các bậc đá lên cao mãi tới đỉnh núi là một nền đất rộng khoảng 500m2. Nơi này hiện có bốn ngôi tháp, hai miếu thờ và một nhà nghỉ. Hai ngôi tháp lớn, một cao 18m, một cao 22,48m, được xây bằng gạch nung. Tháp lớn xây thành 4 tầng, mỗi tầng đều có cửa giả, tượng thần và hình thú bằng đá. Tại 4 góc có 4 tháp nhỏ, tạo nên những đường nét hết sức độc đáo. Tháp lớn nhất thờ nữ thần Ponagar (tiếng Chăm có nghĩa là Mẹ Xứ Sở). Tượng nữ thần bằng đá hoa cương, đặt trên bệ đá hình đài sen, lưng tựa vào phiến đá lớn hình lá đề. Tượng cao 260cm. Đường nét trên thân hình tượng nhìn rất sống động, hai bầu vú căng tròn đầy sức sống và những nếp nhăn ở bụng khi nhìn người ta có cảm tưởng như nó đang phập phồng theo hơi thở.
Po Nagar gồm 3 tầng, đi từ dưới lên trên.
-Tầng thấp: Ngang mặt đất bằng là ngôi tháp cổng mà nay không còn nữa. Từ đấy có những bậc thang bằng đá dẫn lên tầng giữa.
-Tầng giữa: Nơi đây hiện chỉ còn hai dãy cột chính bằng gạch hình bát giác, mỗi bên 5 cột có đường kính hơn 1 mét và cao hơn 3 mét. Ở hai bên các dãy cột lớn có 12 cột nhỏ và thấp hơn, tất cả lại nằm trên một nền bằng gạch cao hơn 1 mét. Dựa vào cấu trúc này người ta cho rằng đây vốn là một tòa nhà rộng lớn có mái ngói, là nơi để khách hành hương nghỉ giải lao và sắm sửa lễ vật trước khi lên dâng cúng ở các điện bên trên. Từ tầng giữa này, lại có một dãy bậc thang bằng gạch dốc hơn dẫn lên tầng trên cùng.
-Tầng trên cùng: Là nơi các tháp được xây dựng, ngay trước mặt ngôi tháp chính. Những bậc thang này từ lâu đã không hề được sử dụng. Bậc thang bằng đá ong thấy hiện nay ở phía nam tháp Bà rộng lớn hơn được xây vào thập niên 1960 do nhu cầu du lịch gia tăng. Ở tầng trên, có hai dãy tháp được bao quanh bởi bốn bức tường đá mà nay chỉ còn lưu lại tường phía tây và nam mà thôi. Dãy tháp phía trước có 3 ngôi, và dãy phía sau vốn có dấu vết của 3 ngôi tháp khác, thế nhưng nay chỉ còn 1, chúng chạy song song với nhau. Cả 4 tháp còn lại được xây dựng theo kiểu tháp của người Chăm, gạch xây rất khít mạch, không nhìn thấy chất kết dính. Lòng tháp rỗng tới đỉnh, cửa tháp quay về hướng đông. Mặt ngoài thân tháp có nhiều gờ, trụ, đấu. Trên đỉnh các trụ, thường đặt gạch trang trí hoa văn hình vòm tháp, trông như chiếc tháp nhỏ đặt lên một tháp lớn. Trên thân tháp còn có nhiều tượng và phù điêu bằng đất nung, trong đó có hình Po Nagar, thần Tenexa, các tiên nữ, các con nai, ngỗng vàng, sư tử...
(Tổng kết theo tài liệu
Bách Khoa Toàn Thư, Từ điển địa danh văn hóa và mạng lưới Bình Định)