Dân Chúa Âu Châu

BY: SH.TRẦN CÔNG-LAO (LẠC-ĐÀ ĐIỀM-ĐẠM)

 

Năm nay (2007), tổ-chức Hướng-đạo thế-giới long-trọng cử-hành kỷ-niệm Đệ-nhất Bách-chu-niên ngày thành-lập Phong-trào Hướng-đạo. Một phong-trào giáo-dục đặc-biệt dành cho thanh-thiếu-niên, để bổ-túc nền giáo-dục học-đường, do sáng-kiến của huân-tước Baden Powell, một cựu tướng lãnh trong quân-đội hoàng-gia Anh.
Dịp nầy, cũng chính là cơ-hội rất tốt để các Bạn đọc Nguyệt-san Dân Chúa Âu Châu cùng nhau nhìn lại thân-thế và sự-nghiệp của một vị tướng-lãnh lỗi-lạc, đã xây-dựng được một phương-pháp giáo-dục khá hấp-dẫn đối với người trẻ. Qua phương-pháp nầy đã hun-đúc được nhiều nhân-vật quan-trọng, làm lợi-ích cho các quốc-gia dân-tộc trên hoàn-vũ, trải dài trong một thế-kỷ qua.

 

Đề-tài duy-nhất được chọn để cho những nam-nữ hướng-đạo-sinh trên các châu lục sinh-hoạt trọn năm 2007, cũng như cho trại họp bạn thế-giới lần thứ 21 (21ème Jamboree Mondial Scout) tổ-chức tại Anh-quốc, chiếc nôi hướng-đạo, để mừng

 

kỷ-niệm 100 năm ngày thành-lập là: «2007, một thế-giới, một lời hứa».
Trại Họp Bạn nầy, không thể tổ-chức tất cả mọi sinh-hoạt ngay trên hải-đảo «lịch-sử» Brownsea, nơi mà Baden Powell đã thực-hiện cuộc cắm trại thí-nghiệm đầu tiên, vì địa-thế nhỏ hẹp, nhưng một phần lớn sẽ diễn ra tại Chelmsford Hylands Park (Essex), cách thủ-đô Luân-đôn 50 km về phía Đông-Bắc. Thời-gian sinh-hoạt sẽ bắt đầu từ ngày 27 tháng 7 đến ngày 8 tháng 8 năm 2007. Quy-tụ 40.000 tham-dự-viên: 28.000 đoàn-sinh, tuổi từ 14 đến 17, cùng 12.000 trưởng hướng-đạo, thuộc 150 quốc-gia trên khắp thế-giới. Mỗi ngày, theo người ta dự-đoán, sẽ có 80.000 du-khách đến tham-quan.
Để vinh-danh vị sáng-lập phong-trào, ngày 22 tháng 2 năm 2007, ở tại Kenya, châu Phi, các thủ-lãnh hướng-đạo cùng hàng ngàn đoàn-sinh đã tập-trung tại làng Nyeri, cách thủ-đô Nairobi 120 km ở về phía Bắc, nơi có phần mộ của Huân-tước Baden Powell, đã long-trọng cử-hành nghi-thức đầy ý-nghĩa tượng-trưng: thắp lên ngọn đuốc «tinh-thần hướng-đạo». Ngọn đuốc nầy đang được mang đi khắp châu Phi và châu Âu. Đến đêm 31.7.2007, sẽ được rước tới đảo Brownsea, Anh-quốc, để sáng ngày 1.8.2007, lúc rạng đông, sẽ hiện-diện trên phần đất đã do huân-tước Baden Powell tổ-chức cuộc cắm trại đầu tiên, cách đây 100 năm về trước.

 

1.- BADEN POWELL, VỊ SÁNG-LẬP

 

Huân-tước Baden Powell hay Sir Robert Stephenson Smyth, sinh ngày 22.02.1857 tại Landoge thuộc thành phố Luân-đôn, là người con thứ 8 và cũng là con trai út. Thân-sinh là giáo-sư vật-lý tại đại-học Oxford và cũng là một nhà thần-học danh-tiếng với nhiều tác-phẩm giá-trị. Nhưng ông không được may-mắn, vì mới 3 tuổi đã phải chịu cảnh mồ côi. Nhờ bà Henrietta Grace, người mẹ can-đảm, đầy yêu thương và nhiều nghị-lực săn-sóc dưỡng-dục, Baden Powell đã tốt-nghiệp được bậc trung-học, rồi năm 19 tuổi, gia-nhập trường võ-bị Hoàng-gia Anh.
Trong thời-gian huấn-luyện, ông đã tỏ ra xuất-sắc về kỵ-binh lẫn bộ-binh. Đời sống chiến-sĩ, xem ra rất thích-hợp đối với sở-trường thiên-phú của ông. Vì ông có óc phiêu-lưu mạo-hiểm, nên sau khi ra trường (1878) với cấp bậc trung-úy, ông đã gia-nhập đoàn quân viễn-chinh qua Á rồi đến Phi-châu.
Năm 1887, ông được thuyên-chuyển về Ấn-độ với cấp bậc cao hơn là đại-úy, nắm giữ nhiều địa-vị quan-trọng. Mãi đến năm 1889, ông được cử đi tham-dự trận đánh, chống với quân dấy loạn Boers ở Nam Phi.

 

Trong trận chiến-tranh giữa dân Boers và quân-đội Hoàng-gia Anh-quốc, ông đã dùng nhiều mưu-lược khá kỳ-lạ đối với thời buổi bấy giờ. Khi thành Mafeking bị bao vây ngặt-nghèo, chỉ một lực-lượng không đầy 1000 quân, đại-tá Baden Powell phải cầm cự với hơn 9000 quân Boers, trong 217 ngày, để chờ đợi đoàn quân tiếp-viện.
Trong những ngày giao-chiến, ông đã dùng đủ mọi mưu-kế để đánh lừa địch-quân như: đặt mìn chỗ nầy, rồi cho nổ súng chỗ kia, khiến quân địch lầm tưởng chiến-địa phòng-thủ đâu đâu cũng được bố-trí cẩn-mật và quân số chống cự bên trong, cũng đông-đảo không kém gì quân-số tấn-công bên ngoài của họ.
Ông lại có thể chế-tác được một số đèn rất ít ỏi. Nhưng số đèn nầy đã được luân-phiên đem đi chiếu trên nhiều địa-điểm khác nhau, làm như góc trời nào cũng có đèn chiếu cả. Ông cũng có thể chế ra được một loại lựu-đạn bằng loong thiếc… và đặc-biệt nhất là ông đã khéo-léo nuôi-dưỡng tinh-thần chiến-đấu bền dai, dũng-cảm và kỷ-luật của toàn thể binh-sĩ.

 

Nhờ đó, Baden Powell đã chống-cự được lâu dài, cho đến ngày được tiếp-viện, rồi chiến-thắng. Hoà-bình vãn-hồi, nữ-hoàng Anh-quốc đã tôn phong ông lên chức đại-tướng. Rồi sau đó, vào năm 1903, đã đặc-cử giữ chức thanh-tra tổng kỵ-binh.
Ông mất ngày 08.01.1941, thọ 84 tuổi. Thi-hài được an-táng tại chân núi Kenya, Phi châu, giữa một khung-cảnh núi rừng hùng-vĩ của thiên-nhiên. Đây cũng là ước-nguyện của ông khi còn sinh-tiền. Ông đã đi vào lòng người mãi mãi, không chỉ riêng ở Anh-quốc, mà chung cho cả thế-giới. Vì mỗi khi nói đến phong-trào Hướng-đạo, thì không thể không đề-cập đến Baden Powell.

 

2.- DIỄN-TIẾN PHONG-TRÀO

 

Sau vụ bình-định cuộc nội-loạn dân Boers nói trên, Baden Powell đã trở về Luân-đôn, thăm quê-hương. Điều làm ông đau lòng là thấy cảnh nhiều thanh-niên lang-thang, bê-tha dọc phố xá, sống đời vô tư vô vị, có thể sa ngã vào đường tội-lỗi bất cứ lúc nào. Ông nghĩ rằng, những phần-tử ấy, có thể trở thành những công-dân xứng-đáng, hữu-ích cho xã-hội, nếu có người biết cách dìu-dắt chúng.

 

Những năm ở Phi châu và Ấn-độ, Baden Powell đã quen sống trong cảnh núi cao rừng rậm, nên ông đã thu-thập được một số kinh-nghiệm quý báu để chiến-thắng hoàn-cảnh và đào-tạo con người có óc tự-lập, tinh-thần tháo vát để xoay-xở cho riêng mình lúc cần và để phụng-sự tập-thể.
Khi ông sắp được phong chức thống-tướng, một chức-vụ cao nhất trong quân-đội thì bỗng-nhiên ông lại xin từ chức, từ bỏ địa-vị, bổng-lộc… vì ông cảm thấy mình có một sứ-mệnh phải hoàn-thành: việc cải-tạo lại tinh-thần thanh-niên xứ sở, đó là bước đầu của phong-trào Hướng-đạo thế-giới ngày nay.
Ông bắt tay vào công-việc ngay: Mùa hè năm 1907, sau khi đã qui-tụ được 22 đứa trẻ thuộc đủ mọi giai-cấp, ông đem chúng ra đảo Brownsea, ngoài khơi Anh-quốc, chia thành 4 đội (Sói, Quạ, Cun-cút và Bò rừng). Đây chính là đoàn Thiếu đầu tiên. Từ ngày 1 đến ngày 9 tháng 8, ông bày cho chúng lối sống tập-thể; chỉ cách tự lo lấy bữa ăn của mình ở ngoài trời; dạy cách-thức đi điều-tra, thám-hiểm; chỉ-dẫn cách tiến, cách lùi, cách ngụy-trang đồng-thời cách chiến-đấu để tự-vệ lúc cần. Đối với tuổi trẻ, nếp sống mới nầy rất hấp-dẫn và thu-hút được nhiều cảm-tình, nên chuyến thí-nghiệm nầy rất thành công.
Rút tỉa kinh-nghiệm trong những cuộc sinh-hoạt như thế nầy, sau đó không lâu, ông đã đặt ra Bản Nội-qui về sinh-hoạt, lấy khẩu-hiệu «Hãy sẵn-sàng» cùng với những lời tuyên-thệ cho những kẻ mới gia-nhập phong-trào: «Trên danh-dự, tôi xin thề làm tròn bổn-phận tôi đối với Chúa và Vua. Tôi sẽ tận-dụng khả-năng tôi để giúp-đỡ đồng-bào bất cứ với giá nào. Tôi đã thông-thạo luật Hướng-đạo và quyết-tâm tôn-trọng».

 

Vào tháng 8 năm 1907, Baden Powell đã chính-thức thành-lập phong-trào. Ấn-định lối đồng-phục đơn-giản, rẻ tiền để ai cũng có thể mua sắm được: quần ống ngắn, áo kaki và mũ rộng vành. Đặt các điều luật, dựa trên những nguyên-tắc trung-thực, tận-tâm, lễ-độ, vui tính, tiết-kiệm cùng một số đức-tính khác.
Năm 1908, ông phát-hành cuốn «Hướng-Đạo Cho Trẻ» (Scouting For Boys), gồm 6 tập (hiện nay đã được dịch ra 35 thứ tiếng). Trong đó, ông trình-bày toàn bộ ý-kiến của ông về tôn-chỉ và tổ-chức phong-trào. Chẳng bao lâu, phong-trào lan khắp Anh-quốc và số thanh-thiếu-niên xin gia-nhập mỗi ngày mỗi đông.
Cũng trong thời-gian nầy, các thanh-thiếu-nữ trong nước cũng đã đứng ra xin thành-lập cho họ một tổ-chức riêng. Vì thế, năm 1909, Baden Powell đã thành-lập ngành nữ hướng-đạo. Cô Agnes, em ruột ông, nhận lãnh trách-nhiệm điều-khiển. Vài năm sau, vì phong-trào Hướng-đạo nữ-giới phát-triển mạnh, nên chính vợ ông, bà Olave Soames, từ năm 1912, cũng đã phải giúp sức vào.

 

Ngoài ra, còn có ông Warrington Baden Powell, bào-huynh của ông và là cựu sĩ-quan thủy-quân, cũng đã mật-thiết cộng-tác với Baden Powell trong công-việc thành-lập và điều-hành các ngành chuyên-môn Hướng-đạo.
Năm 1914, Baden Powell thành-lập ngành Ấu và viết "Sách Sói Con". Ông đã dựa theo tư-tưởng được trình-bày trong tác-phẩm "Sách Rừng Xanh" của văn-hào Rudyard Kipling để viết cuốn nầy. Đến năm 1918, ông thành-lập thêm ngành Tráng và xuất-bản cuốn "Đường Thành Công".
Từ năm 1908 trở đi, đã có một vài đơn-vị Hướng-đạo đầu tiên được tổ-chức ngoài Anh-quốc. Đó là những đơn-vị ở Gibraltar. Ít lâu sau, tại Malte. Rồi những thời-gian kế tiếp, đã xuất-hiện tại các nước khác như ở Gia-nã-đại, Úc, Tân-tây-lan, Nam Phi. Từ năm 1910 trở đi, lại thêm các quốc-gia Bỉ, Ấn-độ, Singapour, Thụy-điển, Đan-mạch, Pháp, Nga, Phần-lan, Na-uy, Mễ-tây-cơ, Á-căn-đình, Hy-lạp, Hoa-kỳ…

 

3.- CÁC TRẠI HỌP BẠN HƯỚNG-ĐẠO THẾ-GIỚI

 

Baden Powell nghĩ đến việc «tập họp» hướng-đạo-sinh các quốc-gia. Ông đã bắt đầu thực-hiện ý-định đó năm 1909 để kỷ-niệm cuộc cắm trại đầu tiên tại đảo Brownsea. Cuộc tập họp nầy đã diễn ra tại Luân-đôn với hơn 11.000 đoàn-sinh tham-dự, và từ đó, như người ta thấy trong 100 năm qua, đại-gia-đình hướng-đạo luôn tổ-chức các «Trại Họp Bạn Hướng-đạo Thế-giới» (Jamboree Mondial Scout). Đã tổ-chức nhiều lần (trung-bình 4 năm 1 lần), tại nhiều quốc-gia trên các châu lục. Kể từ năm 1920 cho đến nay (2007) đã có 21 lần Trại Họp Bạn Hướng-Đạo Thế-Giới.

 

LẦN 1: 1920

 

Theo lời mời của Baden Powell, Trại Họp Bạn Hướng-Đạo Thế-Giới lần thứ nhất đã được tổ-chức, từ ngày 30 tháng 7 đến ngày 8 tháng 8 năm 1920 tại Olympia Hall, gần Luân-đôn, thủ-đô Anh-quốc. Chính Baden Powell đã đặt tên «Jamboree» cho Trại Họp Bạn nầy. Jamboree, gốc tiếng Zouloue, có nghĩa là «tập hợp».
Có hơn 8.000 hướng-đạo-sinh của 33 quốc-gia tham-dự, trong đó có 12 nước là thuộc-địa của người Anh. Mỗi ngày, có hàng ngàn du-khách thập-phương đến tham-quan. Dịp nầy, Baden Powell đã được bầu cử giữ chức Thủ-Lĩnh Huynh-Trưởng đầu tiên của Phong-trào Hướng-đạo Thế-giới.

 

LẦN 2: 1924

 

Đã được tổ-chức tại Emerlunden, ở phía Bắc thủ-đô Copenhague, Đan-mạch. Có 4.549 trại-sinh của 34 quốc-gia tham-dự. Nhưng bị mưa lụt, các hướng-đạo-sinh đều bị ướt như chuột lột, phải ngủ nhờ 1 đêm trong nhà người dân.
Ngày cuối trại, vua Đan-mạch là Christian X và hoàng-hậu Alexandrine đã đến tham-dự lễ bế-mạc.

 

LẦN 3: 1929

 

Trại Họp Bạn đã được diễn ra tại Arrow Park ở Birkenhead, Anh-quốc, qui-tụ 50.000 hướng-đạo-sinh đến từ 69 quốc-gia trên thế-giới, cũng như đã thu-hút 320.000 du-khách đến thăm viếng trong thời-gian sinh-hoạt trại.

 

LẦN 4: 1933

 

Tổ-chức tại Godollo, Hung-gia-lợi. Gồm có 26.000 trại-sinh đến từ 32 quốc-gia và 21 nước thuộc-địa. Trong số đó, có gần 18.000 hướng-đạo-sinh bản-địa. Trại được khai-mạc bởi Baden Powell và thống-tướng Horthy của chính-phủ Hung-gia-lợi.
Biểu-trưng của Trại là Con Nai Trắng. «Bạn hãy xem con nai nầy như là tinh-thần Hướng-đạo: đi tiên-phong và luôn ngẩng đầu lên cao» (BP). Thực vậy, lần đầu tiên tại Hung-gia-lợi, loại tem kỷ-niệm Trại Họp Bạn Hướng-Đạo Thế-Giới với hình con nai đang ngẩng đầu co chân phóng tới, dưới có những chữ «Jamboree 1933 Macyarorszác», đã được phát-hành, và cái đặc-biệt thứ hai: suốt trong thời-gian trại, đã xuất-bản báo hàng ngày bằng 4 thứ tiếng: Hung, Anh, Pháp và Đức.

 

LẦN 5: 1937

 

Đã được tổ-chức tại Vogelenzang-Bloemendaal, nước Hoà-lan. với 28.750 hướng-đạo sinh của 54 quốc-gia tham-dự. Hàng ngày, có triển-lãm về các sinh-hoạt Hướng-đạo. Trong kỳ Trại Họp Bạn nầy, vì Baden Powell, vị sáng-lập phong-trào, đã 80 tuổi, nên ông quyết-định rút lui, đã nói lời từ-giã để rồi sau đó, đi hưu-dưỡng tại Nyeri, ở Kenya, Phi châu.

 

LẦN 6: 1947

 

Đã diễn ra từ ngày 9-20.8.1947, tại Moisson, Yvelines, Pháp-quốc, dưới danh-xưng «Trại Họp Bạn Hoà-Bình» (Jamboree de la Paix). Có 24.152 hướng-đạo-sinh của nhiều miền xứ trên thế-giới về tham-dự. Ngày khai-mạc, có cuộc diễn-hành theo từng quốc-gia.

 

LẦN 7: 1951

 

Tổ-chức tại Salzkammergut, Bad Ischl, Áo-quốc. Có 12.884 hướng-đạo-sinh của nhiều quốc-gia tham-dự. Đặc-biệt trong lần nầy, hội Hướng-đạo Áo-quốc đã có sáng-kiến, dựng lên tại sân cờ 7 ngọn tháp. Mỗi ngọn, tượng-trưng cho một lần Trại Họp Bạn trước đây, trong các quốc-gia đã đăng cai tổ-chức. Khi tên Trại lần lượt được xướng lên, thì trên đỉnh tháp, cờ của nước ấy phất-phới tung bay trong tiếng nhạc Jamboree oai-hùng và rộn rã.

 

LẦN 8: 1955

 

Lần đầu tiên, Trại Họp Bạn Hướng-Đạo Thế-Giới đã được tổ-chức ngoài Âu châu. Trại nầy đã diễn ra tại Niagara on the Lake, Gia-nã-đại, Bắc Mỹ, và đã qui-tụ 11.139 hướng-

đạo-sinh thuộc 71 quốc-gia trên thế-giới. Cũng là lần đầu tiên, có một đoàn hướng-đạo, đã rời khỏi quê xứ của họ 4 tháng trước, và phải vượt qua 45.000 km để tới dự trại. Đó là Đoàn Hướng-Đạo xứ Tân-tây-lan!

 

LẦN 9: 1957

 

Để kỷ-niệm 50 năm thành lập phong-trào hướng-đạo và để ghi nhớ 100 năm ngày sinh-nhật của vị sáng lập, kỳ Trại Họp Bạn lần nầy đã được tổ-chức trên quê-hương Baden Powell tại Sutton Park, Anh-quốc. Có hơn 30.000 hướng-đạo-sinh của 80 quốc-gia tham-dự. Trên phần đất trại ở Sutton Park, đã được dựng lên một cột tháp (obélisque) để ghi nhớ các biến-cố nói trên.

 

LẦN 10: 1959

 

Tại Mont Makiling ở Phi-luật-tân. Đây là lần đầu tiên được tổ-chức tại một nước thuộc vùng châu Á. Trại lấy khẩu-hiệu là "Xây-dựng ngày mai, chính hôm nay", gồm có 12.203 hướng-đạo-sinh thuộc 44 quốc-gia (trong đó có Việt-nam Cộng-hoà) tham-dự. Điều đặc-biệt người ta đã ghi nhận là: có tới 500.000 du-khách đến tham-quan, chỉ trong một ngày!
Một điều đáng nghi nhớ khác là: Lần đầu tiên, Hội Hướng-đạo Việt-nam (thuộc Miền Nam Cộng-Hoà) đã tham-dự Trại Họp Bạn Hướng-đạo Thế-giới với một số-lượng khá đông-đảo là 59 hướng-đạo-sinh..

 

LẦN 11: 1963

 

Được tổ-chức tại Skinias gần Marathon, Hy-lạp với khẩu-hiệu "Cao hơn, lớn hơn". Có 14.000 hướng-đạo-sinh thuộc 89 quốc-gia tham-dự và 300 nhà báo ngoại-quốc theo dõi các sinh-hoạt hàng ngày. Dịp trại nầy có một thảm-hoạ: phái-đoàn hướng-đạo Phi-luật-tân bị tử-vong do tai-nạn phi-cơ, khiến cờ hướng-đạo phải treo rủ.
Lễ khai-mạc do thái-tử Hy-lạp chủ-toạ. Hôm bế-mạc, trong phần nghi-thức, có mục trao Đuốc Marathon cho đại-diện hướng đạo Hoa-kỳ để đốt lên vào ngày khai-mạc Trại Họp Bạn lần sau, sẽ được tổ-chức tại nước họ. Dịp nầy, bà Olave Baden Powell cũng có gởi một sứ-điệp cho các hướng-đạo-sinh toàn thế-giới.

 

LẦN 12: 1967

 

Đã diễn ra tại Farragut State Park, tiểu-bang Idaho, Hoa-kỳ với đề-tài "Cho Tình Bạn". Đây là lần thứ 2 được tổ-chức tại một nước ở Bắc-Mỹ, 12 năm sau Gia-nã-đại. Có 12.011 hướng-đạo-sinh thuộc 105 quốc-gia về tham-dự.

 

LẦN 13: 1971

 

Tổ-chức ở Asagiri Heights, gần ngọn núi Phú-sĩ (Fuji), tại Nhật-bản với đề-tài "Để Thông-Cảm", có 23.758 hướng-đạo-sinh thuộc 87 quốc-gia về tham-dự.
Trời chỉ tốt ngày đầu và ngày cuối. Trong thời-gian trại, trời âm-u cộng một cơn bão lớn khiến nước tràn ngập nhiều nơi, nên 16.000 trại-sinh phải di-tản cấp-tốc trong 48 tiếng đồng-hồ. Điểm sáng chói, khiến các trại-sinh ghi nhận là cách cấp-cứu mau lẹ và lối tiếp-đón niềm-nở của người dân Nhật, thật khó quên.

 

LẦN 14: 1975

 

Bờ hồ Mjosa, gần Lillehammer, ở Na-uy, là nơi đã được chọn để tổ-chức Trại Họp Bạn Hướng-Đạo Thế-Giới lần thứ 14 với khẩu-hiệu "5 ngón, 1 bàn tay". Tượng-trưng cho 5 vùng hướng-đạo trong 1 tình huynh-đệ. Có 17.259 hướng-đạo-sinh thuộc 91 quốc-gia tham-dự. Cuộc trại nầy, hồi ấy thường được gọi một cách bình-dân là "Nordjamb 75". Vua Na-uy đã đến chủ-toạ nghi-thức ngày khai-mạc và vua Thụy-điển cũng như thái-tử vua Maroc đã đến viếng tham trại.
Nên biết: Thông lệ, trại Họp Bạn Thế-Giới được tổ-chức cứ 4 năm. Năm 1979 là lần Họp Bạn thứ 15, lẽ ra phải được tổ-chức tại Iran, nhưng vì tình-hình chính-trị, không thể tổ-chức được, nên phải đợi thêm 4 năm nữa.

 

LẦN 15: 1983

 

Tổ-chức tại Kananaskis Country, Alberta, thuộc triền núi danh-tiếng Rocheuses, ở Gia–nã-đại. Trại kỳ nầy lấy khẩu-hiệu là "Tinh-thần sống mãi" và gồm có 14.752 hướng-đạo-sinh thuộc 106 quốc-gia tham-dự. Đây là lần thứ 2 Trại Họp Bạn Hướng-Đạo Thế-Giới được tổ-chức tại nước nầy.
Ngày bế-mạc có cử-hành nghi-lễ "Kỷ-niệm 75 năm thành-lập hướng-đạo" và "125 năm sinh-nhật của Baden Powell", vị sáng-lập phong-trào.

 

LẦN 16: 1987-1988

 

Tổ-chức tại Cataract Scout Park vùng New South Wales, ở Úc-đại-lợi, từ cuối tháng 12 năm1987 đến đầu tháng 1 năm 1988 với khẩu-hiệu "Tập-hợp Thế-giới", đã có 14.434 hướng-đạo-sinh của 84 quốc-gia tham-dự.
Đây là Trại Họp Bạn Hướng-Đạo Thế-Giới đầu tiên, tổ-chức ở một quốc-gia thuộc miền Nam địa-cầu và cũng chính là lần đầu tiên trong việc thay đổi ngày tháng: đã dời từ tháng 8 cổ-truyền đến tháng giêng, để có mùa Hè.
Một điểm đặc-biệt khác là trong ngày xuất-du, có hơn 50 xe bus, phục-vụ chuyên-chở 14.434 trại-sinh, từ Cataract Scout Park đến bờ biển Thirroul, nơi đang diễn ra đại-hội Carnaval, để tham-quan.

 

LẦN 17: 1991

 

Đã diễn ra tại công-viên quốc-gia Mont Sorak, ở Nam-Hàn với đề-tài "Nhiều quốc-gia, chỉ một địa-cầu", có gần 20.000 hướng-đạo-sinh thuộc 135 quốc-gia và lãnh-thổ về tham-dự. Đây là lần đầu tiên, từ sau năm 1947, các Hội Hướng-đạo Hung-gia-lợi và Tiệp-khắc được tham-dự Trại Họp Bạn Thế-Giới như là thành-viên (vì lâu nay bị nhà cầm quyền cộng-sản dẹp bỏ) và các nước khác như Nga, Ba-lan, Lỗ-mã–ni, Nam-tư-lạp-phu, Bảo-gia-lợi... cũng có gởi đại-diện đến tham-dự. Vì các nước nầy, sau khi chế-độ cộng-sản sụp đổ, hiện đang tái-tập lại.
Dịp nầy, ông Row Taw Woo, tổng-thống Nam-Hàn và Hoàng-thân Maroc là Moulay Rachid cũng đã đến viếng thăm trại.

 

LẦN 18: 1995

 

Được tổ-chức tại Flevoland, nước Hoà-lan với đề-tài "Tương-lai đã là đây", có 28.960 hướng-đạo-sinh của 166 quốc-gia (trong đó, có 36 nước bắt đầu phục-hoạt, vì trước đây đã bị cộng-sản cấm ngăn).
Trại đã được Nữ-hoàng Hoà-lan là Beatrix và phu-quân cắt băng khai-mạc, cũng như được đón tiếp vua Thụy-điển, công-chúa Jordanie là Basma, bà Sadako Ogata, Cao-Ủy Tỵ-nạn Thế-giới đến viếng thăm.

 

LẦN 19: 1998-1999

 

Được tổ-chức tại Picarquín, nước Chí-lợi, thuộc Châu Mỹ La-tinh (Nam-Mỹ) với đề-tài "Cùng nhau Xây-dựng Hoà-bình", được nhấn mạnh về vấn-đề giáo-dục hướng-đạo. Trại qui-tụ 30.948 hướng-đạo-sinh thuộc 157 quốc-gia và lãnh-thổ về tham-dự, đồng thời Liên-Hiệp-Quốc cũng đã có mặt.
Lễ khai-mạc đã được ông Eduardo Frei, tổng-thống Chí-lợi, đến chủ-toạ.

 

LẦN 20: 2002-2003

 

Đã được tổ-chức từ ngày 28 tháng 12 năm 2002 đến ngày 07 tháng 01 năm 2003 tại làng Haad Yao, huyện Sattahip, tỉnh Chon Buri, Thái-lan, với khẩu-hiệu «Hãy chia sẻ thế-giới chúng ta, hãy chia sẻ văn-hoá chúng ta».
 Đất trại là một bãi biển dài một cây số rưỡi, cách thủ-đô Bangkok 180 cây số, đã có hơn 24.000 hướng-đạo-sinh thuộc 147 quốc-gia và lãnh-thổ tham-dự, cũng như có sự hiện-diện của Liên-Hiệp-Quốc.

 

LẦN 21: 2007

 

Cuộc Trại Họp Bạn nầy sẽ mang tính-cách quan-trọng hơn các lần họp mặt trước, vì là kỷ-niệm 100 năm ngày thành-lập phong-trào, như đã đề-cập ở phần nhập-đề.
Sẽ được tổ-chức tại Hylands Park, Anh-quốc và có 40.000 tham-dự-viên thuộc 150 quốc-gia trong 5 châu tham-dự, cũng như sẽ có sự hiện-diện của Liên-Hiệp-Quốc như 2 lần họp trại ở Chí-lợi (Mỹ châu) và Thái-lan (Á châu).

 

4.- TỔ-CHỨC HƯỚNG-ĐẠO THẾ-GIỚI

 

Tổ-chức Phong-trào Hướng-đạo Thế-giới mà tiếng Pháp gọi là «L’Organisation Mondiale du Mouvement Scout» = OMMS, và tiếng Anh là «The World Organisation of Scout Movement» = WOSM, được thành-lập từ năm 1919, có nhiệm-vụ giám-sát (phần lớn) các tổ-chức Hướng-đạo trên thế-giới và lo việc tổ-chức các Trại Họp Bạn Hướng-đạo Thế-giới (Jamboree Mondial Scout).
Trên bình-diện hoàn-vũ, Tổ-chức Phong-trào Hướng-đạo Thế-giới (OMMS, WOSM) hiện có hơn 28 triệu Nam Nữ Hướng-đạo thuộc 216 quốc-gia và lãnh-thổ trên thế-giới. Tổ-chức được điều-hành bởi Văn-phòng Hướng-đạo Thế-giới (Bureau Mondial du Scoutisme – World Scout Office), đặt tại Genève, Thụy-sĩ, theo như địa-chỉ dưới đây:
Bureau Mondial du Scoutisme
Box 241, 1211
Genève 4, Suisse
Téléphone: +41 22 705 10 10
E-mail: This email address is being protected from spambots. You need JavaScript enabled to view it.
Web site: www.scout.org
Văn-phòng nầy gồm có 1 tổng-thư-ký (hiện nay là trưởng Eduardo Missoni) và nhiều giám-đốc phụ-trách điều-hành các nha sở trực-thuộc 6 văn-phòng vùng.
1.- Văn-phòng vùng Phi châu (Bureau Régional Afrique – Africa Regional Office) đặt tại Nairobi, Kenya và 2 văn-phòng phụ, một ở Cap Town, Nam Phi và một ở Dakar, Senegal. Các văn-phòng này đặc-trách điều-hành tất cả các Hội Hướng-Đạo Quốc-Gia thành-viên ở châu Phi.
2.- Văn-phòng vùng Ả-rập (Bureau Régional Arabe – Arb Regional Office) đặt tại Le Caire, Ai-cập. Văn-phòng nầy đặc-trách điều-hành tất cả các Hội Hướng-Đạo Quốc-Gia thành-viên thuộc khối Ả-rập.
3.- Văn-phòng vùng Á-châu Thái-bình-dương (Bureau Régional Asie-Pacifique – Asia-Pacific Regional Office) đặt tại Manila, Phi-luật-tân. Văn-phòng nầy đặc-trách điều-hành tất cả các Hội Hướng-Đạo Quốc-Gia thành-viên trong Vùng Châu Á Thái-bình-dương.
4.- Văn-phòng vùng Âu-Á (Bureau Régional Eurasie – Eurasia Regional Office) đặt tại Yalta-Gurzuf, Ukraine. Văn-phòng nầy đặc-trách điều-khiển tất cả các Hội Hướng-Đạo Quốc-Gia thành-viên trong vùng Trung và Đông Âu. Hầu hết các nước nằm trong khối Liên-Sô cũ, nay lấy lại được chủ-quyền, hoặc các quốc-gia tân-lập, sau khi khối cộng-sản tan rã.
5.- Văn-phòng vùng Âu châu (Bureau Régional Europe – Europe Regional Office). Có văn-phòng chính đặt tại Genève, Thụy-sĩ và 2 Văn-phòng phụ: một đặt ở Bruxelles, Bỉ, một đặt ở Belgrade, Serbie. Các văn-phòng nầy đặc-trách điều-hành tất cả các Hội Hướng-Đạo Quốc-Gia thành-viên trong vùng Âu châu.
6.- Văn-phòng vùng Liên Mỹ châu (Bureau Régional d’Interamérique – Interamerica Regional Office) đặt tại Santiago, Chí-lợi. Văn-phòng nầy đặc-trách điều-hành tất cả các Hội Hướng-Đạo Quốc-Gia thành-viên ở châu Mỹ.

 

VÀI DÒNG KẾT-LUẬN

 

Tại làng Nyeri ở Kenya, châu Phi, trên phần mộ của Baden Powell, người ta đọc thấy hàng chữ: «Robert Baden Powell, Trưởng Hướng-Đạo Thế-Giới» Thực vậy, Baden Powell là vị sáng-lập phong-trào Hướng-đạo, một phong-trào giáo-dục giới trẻ, đã có công lớn góp phần vào việc xây-dựng thế-giới hiện-đại.
Ông là một tấm gương sáng về gan dạ, dũng-cảm, nhẫn-nại, nhiều sáng-kiến và có tài tháo-vát. Đó là những đức-tính quý-hoá, cần-thiết cho con người, để chiến-thắng những hoàn-cảnh khó-khăn. Nhưng điều quý-hoá hơn nữa là ông đã biết đem sở-trường của mình, biến thành chủ-nghĩa lành mạnh, gây được nhiều ảnh-hưởng tốt cho giới trẻ.

 

Đối với nhiều thanh-thiếu-niên nam nữ, việc tham-gia vào các sinh-hoạt của Phong-trào Hướng-đạo đã giúp họ trở nên những phần-tử ưu-tú trong các quốc-gia và trong xã-hội. Đã giúp họ, nói theo Nguyễn thái Học, «không thành-công thì cũng đã thành-nhân». Hay ít ra, nếu họ không tốt về phương-diện nầy, thì cũng đã có phần tốt về phương-diện khác.
Đối với thanh-thiếu-niên lỡ bị hư hỏng, phong-trào Hướng-đạo cũng đã giúp-đỡ, nếu không muốn nói là cứu vớt, họ trở về với con đường sống vui-vẻ, trẻ-trung… nghĩa là trở về với hy-vọng, với một tương-lai tốt đẹp hơn.
Đối với các phụ-huynh và những người lo việc giáo-dục, ngày nay, không ai là không nhận thấy cái lợi-ích của phong-trào về vấn-đề bổ-túc cho sự giáo-dục học-đường. Nhất là họ thấy, qua phong-trào nầy, con cái họ được chuẩn-bị về nhiều phương-diện để đi vào đời. Do đó, họ tin-tưởng con cái của họ sẽ dễ-dàng thành công hơn trong cuộc sống.