Dân Chúa Âu Châu

 

 

BY: HOÀNG THẠCH

 

Trong dịp đầu năm dân Việt không chỉ có hoa quả, bánh trái và rượu thịt để mừng Tết Nguyên Đán; nhưng nhiều nhà cũng muốn có bức tranh vẽ chữ treo trên bàn thờ Tổ Tiên, trên tường, trên cột hay trước cửa nhà, đó là các Câu Đối. Mỗi câu đối có một ý nghĩa riêng, tùy theo gia chủ muốn năm mới của mình đạt được những mục tiêu nào: tình yêu, hạnh phúc, công danh hay nghề nghiệp v.v...
Hai câu đối quen thuộc mà có lẽ không người Việt Nam nào không nhớ trong dịp tết:

 

Thịt mỡ, dưa hành, câu đối đỏ,
Nêu cao, tràng pháo, bánh chưng xanh.

 

Hay

 

Mỗi năm hoa đào nở
Lại thấy ông đồ già
Bầy mực tàu giấy đỏ
Bên phố đông người qua
Bao nhiêu người thuê viết
Tấm tắc ngợi khen tài
Hoa tay thảo những nét
Như phượng múa rồng bay.

Trên đây là là những dòng thơ của cố thi sĩ Vũ Đình Liên đăng trên báo Tinh Hoa vào năm 1936. Bài thơ nói lên hình ảnh cụ đồ viết câu đối trong ngày Tết. Với tinh thần bảo vệ văn hóa và văn học VN, các câu đối thời ấy đã được viết bằng chữ Nôm thay cho chữ Hán, chữ của người Tàu.
Nhân dịp Tết Mậu Tý 2008, chúng tôi mới quí độc giả, đặc biệt các bạn trẻ, cùng tìm hiểu phong tục Khai Bút Đầu Xuân và Câu Đối.


I- Khai Bút Đầu Xuân

Vào những ngày đầu năm mới, các nhà Nho, văn nhân và thi sĩ, những người có căn bản chữ Hán hay chữ Nôm thường giữ phong tục "Khai Bút Đầu Xuân" như một hình thức mở đầu cho công việc trong năm, mà họ hy vọng nó sẽ tốt đẹp hơn năm cũ.
Khai Bút không có nghĩa là cứ cầm bút viết vào lúc nào cũng được. Theo phong tục và sự tin tưởng ở khoa học huyền bí, các cụ thường chọn giờ tốt trong ngày để viết một vài chữ, một bài thơ hay một câu đối trên tờ giấy đỏ. Nội dung tổng quát nằm trong ý nghĩa "Khai Bút Đại Cát" hay "Tân Xuân Đại Cát" (nghĩa là đầu năm mới khai bút để gặp được những điều tốt lành lớn).

 

Không chỉ những người "văn hay chữ tốt" mới thích khai bút đầu Xuân. Phần đông dân chúng, từ quan tới dân, cũng làm một cái gì đó có ý nghĩa mở đầu một năm mới.
Các danh sĩ thì thường khai bút bằng làm một bài thơ đầu Xuân để bày tỏ ý chí của mình. Thế kỷ 20, Nguyễn Khuyến (1835-1909) đã sử dụng tài tình chữ viết của dân tộc, đưa cả ca dao, tục ngữ và thành ngữ vào câu đối. Trong 67 câu đối hiện còn của cụ thì 47 câu đối viết bằng chữ Nôm.
Một trong các bài thơ nổi tiếng trong làng văn học của một thời đã qua phải kể đến bài thơ khai bút của cụ Tam Nguyên Yên Đỗ Nguyễn Khuyến.
(Tam Nguyên Yên Đỗ có nghĩa cụ Nguyễn Khuyến ởø làng Yên Đỗ đậu (đỗ) ba bằng: Giải Nguyên (đỗ đầu Cử nhân năm 1864), Hội Nguyên và Đình Nguyên (năm 1871)

 

Tuổi thêm, thêm được tóc râu phờ,
Nay đã năm mươi, lẻ có ba
Sách vở ích gì cho tuổi ấy
Áo xiêm nghĩ lại thẹn thân già!
Xuân về, ngày loạn còn lơ láo,
Người gặp, khi cùng những ngẩn ngơ!
Lẩn thẩn lấy chi đền tấc bóng?
Sao con đàn hát vẫn say sưa?

 
Các quan vẫn có tục Khai ấn và Khai triện. Tục này cũng được thực hiện tại các Bộ ở kinh đô Huế dưới triều Nguyễn, học theo tục lệ của nhà Thanh của Tàu. Ấn và triện là những con dấu của người giữ chức vụ cao trong chính quyền. Nhân đầu năm các vị này làm lễ khai ấn và triện bằng cách đóng dấu vào những giấy tờ công văn với ý nghĩa mong cho công biệc trong năm đều trôi chảy. Lễ khai ấn và khai triện thường được cử hành vào ngày khai hạ mồng 7 tháng giêng Âm lịch.
Các Quan Võ có tục Khai Kiếm, nghĩa là dùng gươm kiếm chọc huyết (trâu bò) hay cắt tiết (lợn, gà, vịt) là các con vật sẽ được dùng trong việc tế lễ...
Dân chúng thì tùy theo nghề nghiệp của mình cũng làm lễ Khai trương cửa hàng hay công việc của mình bằng lễ cúng các vị tổ trong nghề gọi là " lễ cúng Tiên Sư, Tổ Nghề" (thường cử hành vào ngày mồng 9 tháng Giêng Âm Lịch).


II- Câu Đối Tết

 

Người bình dân thường đến xin các cụ đồ viết cho câu đối cầu may, cầu phúc, cầu gia đình an vui. Tùy theo ý nguyện và hoàn cảnh của mỗi gia đình, các cụ đồ chọn cho họ câu đối thích hợp.
Người Tàu gọi câu đối là đối liên. Tên gọi xưa là đào phù vốn có nghĩa gốc từ tấm ván (phù) bằng gỗ đào được treo trước cửa để xua đuổi ma quỷ. Nhà thơ Vương An Thạch đời Tống có mấy câu thơ rất nổi tiếng trong bài Nguyên Nhật:
Pháo trúc thanh trung nhất tuế dư,
Xuân phong tống noãn nhập đồ tô.
Thiên môn vạn hộ đồng đồng nhật,
Tổng ba tân đào hoán cựu phù.
(Đại ý: trong tiếng pháo rộn ràng, trong ánh nắng Xuân đang tràn khắp dương gian, cả ngàn vạn gia đình cùng gỡ câu đối cũ treo trước cửa nhà mình để thay bằng cặp câu đối mới.)

Câu đối có từ bao giờ?

 

Theo sách "Tống sử-Thục thế gia", thì câu đối đầu tiên được chính vua nước Thục là Mạnh Sưởng viết trên tấm gỗ đào vào năm 959:

 

Tân niên nạp dư khánh,
Gia tiết hiệu trường xuân
(Có nghĩa: năm mới thừa chuyện vui,
tiết đẹp Xuân còn mãi).

 

Các nhà nghiên cứu cũng cho rằng đây là câu đối xuân đầu tiên của Trung Quốc, một câu đối thật hay và đầy khí sắc mang ý nghĩa mùa xuân Tân niên (hai chữ đầu), Tân xuân (chữ đầu và chữ cuối), Gia tiết (hai chữ đầu câu sau)...
Câu đối thường gồm hai vế đối nhau. Người ta không phải chỉ viết vài ba chữ cho có lệ; nhưng thực tế câu đối nhằm biểu thị một ý chí, quan điểm, tình cảm của tác giả trước một hiện tượng, một sự việc nào đó trong đời sống xã hội. Cần hiểu là chữ đối ở đây có nghĩa ngang nhau, hợp nhau thành một đôi.
Suốt một ngàn năm bị người Tàu đô hộ, người Việt dù muốn hay không cũng bị ảnh hưởng văn hóa của ngoại xâm, trong đó có tục viết câu đối, nên nó trở thành một trong các thể loại của văn học Việt Nam.

 

Câu đối được xem là "tinh hoa" của văn hóa Hán học. Người Tàu quan niệm rằng: "Nếu thơ văn là tinh hoa của chữ nghĩa thì câu đối là tinh hoa của tinh hoa".
Nói chung, các văn nhân, thi sĩ tinh thông Hán học mới viết được các Câu Đối hay, đúng nguyên tắc đối nhau và hợp vận. Một Câu Đối hay nó phải hoàn chỉnh cả về ý tưởng và chữ gọi là đối ý và đối chữ.

 

1-Đối ý: hai ý đối nhau phải cân xứng và đặt thành 2 câu sóng nhau.
2-Đối chữ: phải xét 2 phương diện thanh và loại.
Về thanh: thanh bằng (các chữ không có dấu hay dấu huyền) đối với thanh trắc (các chữ có dấu sắc, hỏi, ngã, nặng) và ngược lại.
Về loại: thực tự (hay chữ nặng như: trời, đất, cây...) phải đối với thực tự; hư tự (chữ nhẹ như: thì, mà, vậy, ru...) phải đối với hư tự.

Danh từ phải đối với danh từ; động từ phải đối với động từ. Nếu một vế viết bằng chữ Nho thì vế thứ hai cũng phải viết bằng chữ Nho...
Vế câu đối

 

Một đôi câu đối gồm hai câu đi song nhau, mỗi câu là một vế. Nếu câu đối do một người sáng tác thì gọi là vế trên và vế dưới.
Nếu câu đối do một người nghĩ ra một vế để người khác làm vế kia thì gọi là vế ra và vế đối.
Khi một câu đối do một người làm ra cả hai vế, thì chữ cuối, vế trên, câu bên phải (khi treo) là thanh trắc; còn chữ cuối, vế dưới, câu bên trái là thanh bằng.
Số chữ và các thể câu đối
Số chữ trong câu đối không nhất định. Theo số chữ và cách đặt câu có thể chia câu đối ra làm các thể như sau:
Câu tiểu đối: là những câu 4 chữ trở xuống.
Câu đối thơ: là những câu làm theo lối đặt câu của thể thơ 5 chữ (ngũ ngôn) hoặc 7 chữ (thất ngôn).
Câu đối phú: là những câu làm theo các lối đặt câu của thể phú, gồm có:
-Lối câu song quan: là những câu 6 đến 9 chữ, đặt thành một đoạn liền.
-Lối câu cách cú: là những câu mà mỗi vế chia làm 2 đoạn, một đoạn ngắn, một đoạn dài.
-Lối câu gối hạc hay hạc tất: là những câu mỗi vế có 3 đoạn trở lên. Luật bằng trắc

 

Câu tiểu đối:
-Vế phải: trắc-trắc-trắc
-Vế trái: bằng-bằng-bằng
Câu đối thơ: phải theo đúng luật bằng trắc của hai câu thực và câu luận trong lối thơ ngũ ngôn hoặc thất ngôn.
Câu đối phú: Chữ cuối mỗi vế và chữ cuối mỗi đoạn phải bằng đối với trắc hoặc trắc đối với bằng.
Khi mỗi vế đối có từ 2 đoạn trở lên thì nếu chữ cuối vế là trắc, các chữ cuối các đoạn trên phải là bằng và ngược lại. Nếu đoạn đầu hoặc đoạn dưới có đúng 7 chữ thì đoạn ấy thường theo luật thơ thất ngôn.


III- Câu đối Việt Nam

 

Câu đối Việt Nam được học giả Dương Quảng Hàm phân loại theo ý nghĩa, gồm các loại sau:

 

3.1-Câu đối mừng: làm để tặng người khác trong những dịp vui như: mừng thọ, mừng thi đỗ, mừng đám cưới, mừng nhà mới... Nhất cận thị, nhị cận giang, thử địa khả phong giai tị ốc.
Có nghĩa: (Sống ở làng, sang ở nước, mừng ông nay lại vểnh râu tôm) (Thi sĩ Nguyễn Khuyến viết mừng một chánh tổng trước bị cách chức, sau được phục sự và làm nhà mới.)

 

3.2- Câu đối phúng: làm để kể tâm sự của mình đối với người chết.

 

Nhà chỉn rất nghèo thay, nhờ được bà hay lam hay làm, thắt lưng bó que, xắn váy quai cồng, tất tưởi chân nam chân chiêu, vì tớ đỡ đần trong mọi việc
Bà đi đâu vội mấy, để cho lão vất vơ vất vưởng, búi tóc củ hành, buông quần lá toạ, gật gù tay đũa tay chén, cùng ai kể lể chuyện trăm năm. (Nguyễn Khuyến: câu đối khóc vợ)

 

3.3- Câu đối Tết: làm để dán tại nhà, cửa, đền, chùa... vào dịp Tết Nguyên Đán.

 

Đây là cảnh Tết của một nhà nghèo mà lòng vẫn phơi phới sắc xuân khi giao thừa sắp đến:
Chiều ba mươi, nợ hỏi tít mù, co cẳng đạp thằng Bần ra cửa.
Sáng mồng một, rượu say túy lúy, giơ tay bồng ông Phúc vào nhà.
(Đại Thần, Thi sĩ Nguyễn Công Trứ làm câu đối trên vào dịp Tết lúc còn hàn vi.) và, như hiểu rõ sự chuyển vận của vũ trụ, cụ ước ao.

 

Có là bao, ba vạn sáu ngàn ngày, được trăm cái Tết
Ước gì nhỉ, một năm mười hai tháng, cả bốn mùa xuân.

 

-Trần Tế Xương

 

Thiên hạ xác rồi, còn đốt pháo
Nhân tình trắng thế, lại bôi vôi.
(Do câu "Tan như xác pháo")
Nực cười thay: Nêu không, pháo không, vôi bột cũng không, mà tết;
Thôi cũng được: Rượu có, nem có, bánh chưng cũng có, thừa chơi!

 

(Cuối năm đón Tết, người ta rắc vôi bột trước nhà thành hình cánh cung, nỏ, giáo... để trừ ma quỉ. "Nhân tình" ở đây có nghĩa: "cảnh người" tức cảnh sống gieo neo khốn khó của con người thời ấy. "Trắng": bạc phếch, kiệt quệ.)
3.4-Câu đối thờ: là những câu tán tụng công đức tổ tiên hoặc thần thánh làm để dán hoặc treo những chỗ thờ phụng.

 

Tuế hữu tứ thời xuân tại thủ.
Nhân ư bách hạnh hiếu vi tiên.

 

(Dịch nghĩa: Năm có bốn mùa, mở đầu bằng mùa xuân. Người ta có trăm tính nhưng tính hiếu thảo là cần trước hết)

 

3.5-Câu đối tự thuật: là những câu kể ý chí, sự nghiệp của mình và thường dán ở những chỗ ngồi chơi.

 

Chị em ơi! ba mươi sáu tuổi rồi, khắp đông, tây, nam, bắc bốn phương trời, đâu cũng lừng danh công tử xác.
Trời đất nhẻ! Gắng một phen này nữa, xếp cung, kiếm, cầm thư vào một gánh, làm cho nổi tiếng trượng ềnh

(Nguyễn Công Trứ, câu đối tự thuật)

 

3.6-Câu đối đề tặng: là những câu đối làm ra để đề vào chỗ nào đó hoặc tặng cho người khác.

 

Nếu giầu quen thói kình khơi, con cháu nương nhờ vì ấm
Việc nước ra tay chuyên bát, bắc nam đâu đấy lại hàng.
(Vua Lê Thánh Tông, câu đối đề ở một hàng bán trầu nước)

 

3.7-Câu đối tứùc cảnh: là những câu tả cảnh vật đang ở ngay trước mắt.

 

Giơ tay với thử trời cao thấp
Xoạc cẳng đo xem đất ngắn dài
(Hồ Xuân Hương, vịnh cảnh trượt chân, ngã xoạc cẳng)

 

3.8-Câu đối chiết tự

 

Chiết: bẻ gãy, phân tách; tự: chữ: là những câu do sự tách chữ Hán hoặc chữ Nôm ra từng nét hoặc từng phần mà đặt thành câu.
Tự là chữ, cất giằng đầu, chữ tử là con, con ai con nấy?
Vu là chưng, bỏ ngang lưng, chữ đinh là đứa, đứa nào đứa này?

 

3.9-Câu đối trào phúng: là những câu làm để chế diễu, châm chích một người nào đó.

 

 

Cung kiếm ra tay, thiên hạ đổ dồn hai mắt lại.

Rồng mây gặp hội, anh hùng chỉ có một ngươi thôi
(Câu đối tặng một người chột mắt mới đỗ khoa thi võ)

 

3.10-Câu đối tập cú: là những câu lấy chữ sẵn ở trong sách hoặc ở ca dao, tục ngữ:

 

Gái có chồng như rồng có vây, gái không chồng như cối xay không ngõng.
Con có cha như nhà có nóc, con không cha như nòng nọc đứt đuôi.

 

3.11-Câu đối thách: người ta còn nghĩ ra những câu đối oái ăm, cầu kỳ rồi tự đối lấy hoặc thách người khác đối. Lối đối này thường sử dụng nghệ thuật chơi chữ, đồng âm dị nghĩa...

 

Con cóc leo cây vọng cách, nó rơi xuống cọc, nó cạch đến già
Con công đi qua chùa kênh, nó nghe tiếng cồng nó kềnh cổ lại
(Câu đối có bốn chữ: cóc cách cọc cạch đối với bốn chữ công kênh cồng kềnh)

 

Có những vế câu đối rất khó đối như:
Cha con thầy thuốc về quê, gánh một gánh hồi hương, phụ tử. Vế này khó đối vì hồi hương (cũng có nghĩa "về quê") và phụ tử (cũng có nghĩa "cha con") đồng thời lại là tên gọi các vị thuốc.


IV- Một số Câu Đối nổi tiếng trong lịch sử

1-Giai thoại vua chúa

Một hôm Cao Bá Quát từ Bắc Ninh sang Hà Nội dạo chơi. Bấy giờ Quát mới là một cậu học trò còn để chỏm tóc trên đầu. Quát thấy đường phố Hà Nội có vẻ nhộn nhịp khác thường, hỏi ra mới biết vua Minh Mạng ngự giá Bắc Thành, đi thăm hồ Tây và các thắng cảnh khác.
Chờ đúng giờ Đạo ngự đi đến Hồ Tây, Quát giả vờ xăm xăm nhảy xuống hồ để tắm. Quan quân thấy vậy hoảng hốt, thét bắt trói lại. Càng bị trói, Quát càng gào to và dẫy dụa vùng chạy, gây ồn ào, hỗn độn bên bờ hồ. Vừa lúc đó, kiệu vua đi qua, Minh Mạng truyền lệnh dẫn Quát đến hỏi lý do tại sao vua tới mà dám nhảy xuống hồ tắm, không sợ tội "khinh quân" sao.

Quát bào chữa là học trò nghèo mới ở nhà quê lên tỉnh, nên không biết gì về luật lệ cũng như cuộc du ngoạn của vua Minh Mạng nghe nói liền nảy ra một ý xem thằng bé này có thông minh không. Nhân dưới hồ nước trong có nhiều đàn cá bơi lội tung tăng đuổi bắt nhau, vua bèn ra một câu vế đối, nếu thằng nhỏ đối đáp được thì sẽ tha tội:

-Nước trong leo lẻo, cá đớp cá

Cao Bá Quát không cần nghĩ ngợi, trong lúc đang bực tức về việc mình bị bắt trói một cách vô lý, bèn đối lại:

-Trời nắng chang chang, người trói người

Minh Mạng tức giận trước câu đối ấy có vẻ khiêu khích và dỡn mặt vua, nhưng vì không muốn mang tiếng với người Bắc Hà trong dịp đầu tiên ra thăm Đất Bắc, nên đành truyền lệnh cởi trói tha cho Cao Bá Quát
(Theo Cao Bá Quát - Trúc Khê)

2-Giai thoại ngoại giao với Tàu.

Có lần bà Đoàn Thị Điểm được Vua cho giả làm cô lái đò đưa sứ Tàu sang sông. Trên thuyền tình cờ sứ Tàu đánh địt (đánh rắm), vừa ngượng với cô lái đò, vừa muốn chữa thẹn nên ông ta bèn ra câu đối chơi đểu:

Sấm dậy Nam bang
(Tiếng sấm làm động cả xứ Nam).

Không chịu thua và để dằn mặt, bà Điểm ra ngay mạn thuyền vén váy lên đái rồi đáp:

Vũ tuôn Bắc quốc
(Câu đối chỉnh cả đối ý và đối chữ, một hình thức đối tục. Sấm động Nam Bang thì mưa tuôn xứ Bắc (ý chỉ nước Tàu) là quá chỉnh.

Lần khác, bà Đoàn Thị Điểm đóng vai cô hàng nước. Sứ Tàu ham thói bẻ hoa đi qua thấy bà có nhan sắc bèn trêu ghẹo:

An nam nhất thốn thổ, bất tri kỷ nhân canh.
Nghĩa là: Xứ An nam có một tấc đất, không biết bao nhiêu người cày.

Bà Điểm chẳng vừa liền đối lại rằng:

Bắc quốc đại trượng phu, giai do thử đồ xuất.
Nghĩa là: Các trượng phu xứ Bắc, cũng từ chỗ đó mà ra cả.
Câu đối của bà làm cho sứ Tàu ngượng ngùng bỏ đi và thầm phục phụ nữ VN.

3-Giai thoại làng Nho:

Một trong các giai thoại nổi tiếng trong làng Nho kể lại rằng, khi nữ sĩ Đoàn Thị Điểm đang tắm trong buồng thì bất ngờ Trạng Quỳnh tới nhà thăm và gõ cửa xin vào. Trạng Quỳnh vốn là tay nghịch ngợm và thường trêu ghẹo bà. Từng được mệnh danh tài sắc hạng nhất trong các nữ sĩ Việt Nam, bà muốn chứng tỏ cái tao nhã của văn chương thi phú nên nói bóng một câu. Nếu Trạng Quỳnh đối được thì chờ vào nhà tâm sự; bằng không thì mắc cở bỏ về. Bà liền ra câu đối:

Da trắng vỗ bì bạch

-Da: là danh từ chữ Nôm chỉ về da của người, tiếng Hán là bì cũng là danh từ. Hai danh từ cùng một nghĩa nhưng đối nhau rất tài tình.
-Trắng: là tĩnh từ tiếng Nôm chỉ mầu sắc (mầu trắng); tĩnh từ tiếng Hán là bạch; hai tĩnh từ cùng một nghĩa mầu trắng đối với nhau cũng rất tài tình
Da trắng chữ Nôm, đối với tiếng Hán là bì bạch, cùng một nghĩa, đối chỉnh không chỗ nào chê được.
-Nhưng cái hay ở đây là hai chữ bì bạch còn có nghĩa tượng thanh. Khi đang tắm tay đập vào đùi thì người ta nghe tiếng kêu "bì bạch", một phụ từ cho động từ "vỗ". Cũng như "khóc oa oa"; xe lửa chạy "kêu phình phịch".
5 chữ, nhưng nữ sĩ Đoàn Thị Điểm đã khéo dùng hai danh từ, hai tĩnh từ đồng nghĩa đối nhau và một động từ cùng ý nghĩa đứng giữa phân đôi. Thực ra chỉ còn 3 chữ riêng rẽ.
Vỗ thì phải dùng bàn tay, mà bàn tay phụ nữ da cũng trắng; nên câu đối thật là tài tình ở chỗ chỉ có da trắng với da trắng.
Câu đối càng chỉnh bao nhiêu càng khó đối lại. Vì thế, trong lúc bất ngờ Trạng Quỳnh không tìm được câu đối đáp lễ đành lui bước.
Giai thoại làng Nho ngưng ở đây. Người ta không biết hồi kết thúc giữa nữ sĩ nổi danh và ông Trạng nổi tiếng chọc làng phá xóm ra sao!

5-Quan Tây biết đối

Những năm cuối thế kỷ 19 đầu thế kỷ 20 trong kho tàng văn học dân gian có giai thoại về một câu đối như sau:
Một lần giáp Tết, một tên Tây đoan (thuế vụ) dẫn lính về làng lùng bắt rượu lậu. Thấy trong đình làng tụ tập đông người hắn liền chỉ ba toong hách dịch, hỏi dân tụ tập làm gì. Một cụ trả lời rằng đang cùng nhau làm câu đối. Mắt tên Tây đoan sáng lên như có vẻ thách đối. Nhìn thấy giữa sân có một cây mít hắn liền đọc: Đình tiền định lập vô tri thụ Các cụ ngạc nhiên lắm, chẳng ngờ thằng Tây thạo cả chữ Hán! Tên Tây đoan vội đi, hẹn lúc khác quay lại nghe vế đối.Các cụ cũng khá bí. Vế đối của tên Tây đoan nghĩa là. Trước sân sừng sững một cây không biết".
Oái oăm ở đây là hắn chơi chữ, "cây mít", nó gọi là "cây không biết" có ý khinh dân ta dốt. Đối lại chẳng dễ gì. Một lúc tên Tây đoan quay lại, vẻ đắc chí hất hàm hỏi: "Thế nào các ông nhà nho đã đối lại được chưa?" Hắn vừa dứt lời thì bỗng ở sau đình, một con gà trống (sống) cất tiếng gáy lảnh lót phá tan sự căng thẳng nặng nề. Một cụ đứng lên dõng dạc đọc:
Bích hậu tường minh bất tử kê.  Câu đối của các cụ nghĩa là: "Sau tường rõ ràng nghe tiếng gáy của một con gà bất tử."
Các cụ chơi chữ thật cừ. "Bất tử kê" là gà trống, dân miền Bắc thường gọi là gà sống (không chết), đối lại với "vô tri thụ" (cây không biết), thật chỉnh cả ý lẫn lời.
Đến lượt tên Tây đoan ngạc nhiên. Nó cho biết đã sang nước ta gần 30 năm, thạo chữ Hán. Nó cũng phải chịu tài ứng đối của nhà nho đất Việt. (Sưu tầm từ trang nhà:
rosvina.de/forum/index.hp
-------------------
Tài liệu tham khảo:
vi.wikipedia.org/wiki/C%C3%A2u_%C4%91
vi.wikiquote.org/wiki/C%C3%A2u_%C4 %91%E1%BB%91i_Vi%E1%BB%87t_Nam
forums.vinagames.org/showthread.php
www.hue.vnn.vn/vanhocthica/2005/02/60691/
www.rfa.org/vietnamese/in_depth/2007/02/18/VietnameseCalligraphyIntheNewEra_NTra