Dân Chúa Âu Châu

BY: HOÀNG THẠCH

Từ hải ngoại nghĩ về miền Nam Việt Nam, hay xem qua các hình ảnh trên đài truyền hình, trên Intenet, tuổi trẻ nhận thấy đây là miền đất trù phú, dân cư hiền hòa và cởi mở; nhưng các em không biết nhiều về nơi này, nếu chưa đọc qua tài liệu lịch sử. Để giúp tuổi trẻ Việt Nam theo cha mẹ đi tị nạn lúc còn nhỏ hay được sinh ra từ ngoại quốc, chúng tôi ghi lại ở đây một cách khái quát về miền đất của người Chân Lạp (Khmer, Campuchea) và các di tích văn hóa của họ còn để tại miền Nam Việt Nam, sau khi đất nước họ bị chiếm mất một phần lãnh thổ.

1-ĐÔI HÀNG LỊCH SỬ NƯỚC CHÂN LẠP

Chân Lạp (hay Chenla) là một quốc gia cổ được hình thành ở trung tâm bán đảo Đông Dương bởi các dân tộc người Môn – Khmer vào khoảng đầu thế kỷ 5. Lãnh thổ ban đầu tương ứng với phần đất miền Trung và Nam Lào cùng với vùng Đông-Bắc Thái Lan ngày nay, thủ đô có lẽ là ở Champasak (thuộc Lào). Các vương quốc láng giềng xung quanh vào thời kỳ đó là Champa ở phía Đông, Phù Nam ở phía Nam và Pyn (Miến Điện (Myanma)) ở về phía Tây-Bắc. Chân Lạp lớn mạnh dần lên và lấn lướt dần Phù Nam (vương quốc ở phía Nam). Đến thế kỷ 6 họ đã xâm chiếm được miền Bắc của Phù Nam và đến đầu thế kỷ 7 họ tiêu diệt Phù Nam và hoàn toàn sát nhập vào lãnh thổ của mình.
Triều đại các vị vua của Chân Lạp theo truyền thuyết có nguồn gốc từ nhân vật thần thoại Campu, lấy nàng Naga (con gái thần nước, biến từ rắn thành thiếu nữ). Từ "campu" bắt nguồn cho tên gọi của Campuchea sau này.
Vương quốc Chân Lạp tồn tại từ năm 630 đến 707 do nội chiến bị phân chia thành hai lãnh thổ là Lục Chân Lạp và Thủy Chân Lạp. Thủy Chân Lạp tương ứng với khu vực đồng bằng sông Cửu Long của Việt Nam và miền Nam Campuchia ngày nay. Đầu thế kỷ 9, Thủy Chân Lạp và Lục Chân Lạp sát nhập lại và mở ra thời kỳ huy hoàng của Đế quốc Khmer; nhưng sau đó suy yếu dần.

 

Việt Nam và Chân Lạp

Trước khi nói tới nước Chân Lạp, chúng ta cần biết sơ lược về nhà Nguyễn mở rộng bờ cõi về phía Nam.Theo Việt Nam Sử Lược của Trần Trọng Kim thì Nguyễn Kim khởi nghĩa giúp nhà Lê đánh nhà Mạc đã lấy được đất Thanh (Hóa), Nghệ (Tĩnh) rồi; sau đem quân ra đánh Sơn Nam bị hàng Tướng nhà Mạc là Dương Chấp Nhất đầu độc chết, binh quyền giao lại cho rể là Trịnh Kiểm. Nguyễn Kim có hai người con là Nguyễn Uông và Nguyễn Hoàng cũng làm tướng lập được nhiều công. Nguyễn Uông được phong làm Lang Quận Công, Nguyễn Hoàng được phong Thái Úy Đoang Quận Công. Trịnh Kiểm sợ họ Nguyễn tranh mất quyền mình bèn kiếm chuyện giết Nguyễn Uông. Nguyễn Hoàng sợ Trịnh Kiểm cũng sẽ hại mình, cho người ra Hải Dương hỏi ý kiến Nguyễn Bỉnh Khiêm được mách bảo: "Hoành Sơn nhất đái, vạn đại dung thân", có nghĩa dẫy Hoành Sơn là chỗ yên thân được muôn đời. Nghe lời, Nguyễn Hoàng vận động với chị là Ngọc Bảo nhờ Trịnh Kiểm cho vào trấn thủ đất phía Nam. Năm 1558, đời vua Anh Tông, Trịnh Kiểm mới tâu vua cho Nguyễn Hoàng vào trấn đất Thuận Hóa.

Năm 1611, Nguyễn Hoàng đem quân đánh nước Chiêm Thành lấy đất lập ra Phủ Phú Yên. Năm 1653 Nguyễn Phúc Tần chiếm đất Chiêm Thành tới Khánh Hòa ngày nay. Năm 1693, Nguyễn Phúc Chu đổi đất Chiêm Thành thành Thuận-phủ. Năm 1697 chúa Nguyễn đặt phủ Bình Thuận, lấy đất Phan Lý (Phan Rí) và Phan Lang (Phan Rang) làm huyện Yên Phúc và Hòa Đa. Từ thời điểm này nước Chiêm Thành bị xóa tên trên bản đồ.
Đối với Chân Lạp thì sau khi nhà Vua chết, tình trạng chú cháu tranh dành quyền hành xẩy ra. Phe thân Việt Nam chạy sang cầu cứu nhà Nguyễn. Nguyễn Phúc Hiền sai quan đem 3.000 quân đánh Mỗi Xuy (nay là Phước Thành, tỉnh Biên Hòa) bất được Nặc Ông Chân đem về Quảng bình giam, sau được thả với điều kiện phải triều cống và bênh vực người Việt đang làm ăn ở đất Chân Lạp. Năm 1674, Nặc Ông Đài cầu viện Tiêm La (Thái Lan) sang đánh Nặc Ông Chân. Nguyễn Phúc Hiền cho quân đánh Nặc Ông Đài, phá được đồn Sài Gòn, rồi tiến quân vây thành Nam Vang. Nặc Ông Đài bỏ chạy vào rừng, Nặc Ông Thu ra hàng. Vì thuộc dòng con trưởng Nặc Ông Thu được nhà Nguyễn cho làm chính Quốc vương đóng đô ở Long Úc. Nặc Ông Nộn làm đệ nhị Quốc Vương đóng tại Sài Gòn. Mỗi năm phải triều cống. Năm Mậu Dần (1698) Nguyễn Phúc Chu sai ông Nguyễn Hữu Kính làm kinh lược đất Chân Lạp, chia đất Đông Phố ra làm dinh, huyện. Lấy đất Đồng Nai làm huyện Phúc Long và Sài Gòn làm huyện Tân Bình: đặt Trấn Biên Dinh (Biên Hoà) và Phan Trấn Dinh (Gia Định) sai quan vào cai trị.

Năm 1699 Nặc Ông Thu đem quân chống quân nhà Nguyễn. Quan Tổng suất Nguyễn Hữu Kính đem quân đánh tới thành Nam Vang. Nặc Ông Thu bỏ chạy, con là Nặc Ông Yêm ra hàng. Sau cả cha con họ Nặc đều qui phục và triều cống như thường. Năm 1705, Nặc Ông Thâm (con của Nặc Ông Thu) nghi Nặc Ông Yêm (con của Nặc Ông Nộn) có ý làm phản bèn đem quân đánh. Nặc Ông Thâm cầu viện Tiêm-la sang đánh khiến Nặc Ông Yêm phải cầu cứu nhà Nguyễn. Năm 1714, Nặc Ông Thâm từ Tiêm-la đem quân về đánh Nặc Ông Yêm ở La Bích; nhưng bị quân nhà Nguyễn đánh tan và đưa Nặc Ông Yêm lên làm vua Chân Lạp.
Thời bấy giờ nội bộ Chân Lạp tiếp tục có loạn, các vương tôn tranh nhau ngôi báu. Mỗi dòng đều cậy nhờ quân Việt hoặc quân Xiêm vào giúp đỡ. Năm 1755, Nặc Nguyên nhờ Mạc Thiên Tứ dâng chúa Nguyễn lãnh thổ hai phủ Tầm Bôn (Cần Thơ) và Lôi Lập (Long Xuyên) để được về Nam Vang cai trị. Năm 1758, chúa Nguyễn đưa Nặc Tôn (Ang Ton II) lên làm vua và được tặng thêm lãnh thổ Tầm Phong Long (Châu Đốc và Sa Đéc). Nặc Tôn tặng riêng Mạc Thiên Tứ lãnh thổ 5 phủ miền Đông-Nam Chân Lạp: Hương Úc (Kompong Som), Cần Bột (Kampot), Trực Sâm (Chưng Rừm), Sài Mạt (Cheal Meas) và Linh Quỳnh (vùng duyên hải từ xã Sré Ambel đến làng Peam), nói chung là toàn bộ vùng biển ven duyên quanh đảo Phú Quốc, Mạc Thiên Tứ dâng hết cho Võ vương Nguyễn Phúc Khoát. Thật ra đây là những vùng đất hoang, không người Khmer nào sinh sống tại đây vì sình lầy và lụt lội quanh năm. Võ vương sát nhập tất cả các vùng đất mới vào trấn Hà Tiên, giao cho Mạc Thiên Tứ cai trị.
Từ đó các lãnh thổ miền Tây được qui thành ba đạo: Đông Khẩu đạo (Sa Đéc), Tân Châu đạo (Tiền Giang) và Châu Đốc đạo (Hậu Giang). Long Hồ dinh được chuyển về Tầm Bào (Vĩnh Long) thuộc Châu Đốc đạo. Năm 1759, công cuộc bình định đất đai miền Nam xem như hoàn tất.
Như vậy đất 6 tỉnh Nam Việt bây giờ là đất của nước Chân Lạp.

2-NGƯỜI KHMER TẠI VIỆT NAM

Cộng đồng người Khmer tại miền Nam hiện nay khoảng 1,2 triệu người, đa số (90%) sinh sống trên lãnh thổ các tỉnh Cửu Long, Hậu Giang, Kiên Giang, An Giang và Minh Hải, số còn lại sinh trú và lập nghiệp quanh Sài Gòn và Tây Ninh. Dân tộc Khmer Krom hay Khơ Me Crộm là bộ phận dân tộc Khmer sống ở VN. Người Khmer được phân chia thành hai hệ, đó là Khmer Krom, sống ở Việt Nam, và Khmer Leu, sống ở Campuchea. "Krom" và "Leu" là phiên âm tiếng Việt của Khmer, có nghĩa là "Dưới" và "Trên".
Phần lớn người Khmer là Khmer Leu, sống tập trung ở Campuchia. Phần còn lại, Khmer Krom, sống ở đồng bằng sông Cửu Long thuộc các tỉnh Sóc Trăng, Trà Vinh, Bạc Liêu, Cà Mau, Kiên Giang, An Giang, Hậu Giang, Cần Thơ, Vĩnh Long, Đồng Tháp, Long An, Tiền Giang, Bến Tre. Tiếng nói và chữ viết của người Khmer thuộc nhóm ngôn ngữ Môn-Khmer. Khmer là từ được viết theo phiên âm tiếng Anh thường thấy trong. Tiếng Việt phiên âm chữ này thành Khờ Me hay Khơ Me. Từ Khmer được phiên qua tiếng Hán thành Cao Miên, gọi tắt là Miên. Do đó một số người Việt còn gọi dân tộc này là dân tộc Miên.

3-CÁC DI TÍCH VĂN HÓA CỦA NGƯỜI KHMER TẠI MIỀN NAM

3.1-Tín ngưỡng

Phật Giáo Tiểu Thừa trong quá khứ và hiện nay là tôn giáo chính, chi phối những sinh hoạt tinh thần của người Khmer. Tuy nhiên, trước khi đạo Phật du nhập trong đất nước nầy, đã tồn tại một hệ thống tín ngưỡng phản ảnh nền văn hóa bản địa. Cho đến nay người Khmer vẫn còn giữa lại tinh thần tín ngưỡng vật tổ. Nhiều ảnh hưởng của Bà La Môn giáo sâu đậm trong địa hạt nầy như rắn thần Naga được lưu truyền cho đến nay trong tín ngưỡng và văn hoá. Rắn thần Naga trong truyền thuyết là "tổ tiên" của người Khmer.

Biểu tượng văn hóa cao nhất của người Khmer có thể nói là các ngôi chùa mầu sắc và kiến trúc nghệ thuật lộng lẫy. Mỗi ngôi chùa Khmer lớn hay nhỏ cũng là một bảo tàng về mặt kiến trúc cũng như về nghệ thuật điêu khắc. Nhà của người Khmer đơn sơ, mái lá, vách lá nhưng ngôi chùa thì phải là kiên cố, lộng lẫy, hợp với mục đích là một cơ sở gồm ba chức năng: tôn giáo, giáo dục và văn hóa.
Trong chùa không có tiếng chuông, tiếng mõ vì đạo Phật Khmer thuộc tông phái tiểu thừa. Chính điện của chùa là một tòa nhà đồ sộ với bộ mái nhiều tầng, ngói màu vàng rực, các góc mái cong vút lên hình ngọn lửa hay đuôi rắn thần. Tượng Phật Thích Ca, Tiên Nữ, Người Chim, Chằn hung dữ... đều là những tác phẩm mỹ thuật gây ấn tượng mạnh. Khuôn viên chùa rất rộng, với nhiều cây cổ thụ có khi um tùm như rừng cho nên chim chóc thường tụ về. Một số chùa còn thờ thêm thần Arak. Đối với người Khmer, thì Arak có nghĩa là những loài ma quỷ với ý nghĩa khác. Họ quan niệm: Arak là thần tổ của dòng họ 7 đời (?), đã biến thành ma quỷ thiêng liêng, nhưng lại có khả năng bảo vệ cho cuộc sống cá nhân và gia đình họ. Arak thường trừ khử hết những loại ma ác độc. Arak là môt nhân thần phái nữ đã chết, có những tên họ cụ thể, có huyền thoại, đồng thời mỗi vị lại có những nghi thức cúng lễ khác nhau. Để thông đạt với Arak, phải dùng đến đồng bóng. người lên đồng gọi là Rup Arak, tức là truyền thông với thần linh. Nhiều đàn bà trở thàng các "Rup Arak" chuyên nghiệp. Họ lên đồng để hiểu căn bệnh của kẻ yếu đau, hay để giải thoát những tai ương xẩy ra bất thường.
Ảnh hưởng tín ngưỡng Neak Tà thời cổ lưu lại không nhỏ. Theo nguyên nghĩa thì Neak là con người nói chung; Tà là người đàn ông đứng tuổi. Hai chữ hội lại thành ý niệm về

những vị thần linh. Neak Tà được biểu hiện:

- Neak Tà Meha Sros là vị thần cầm đầu trong các Phum Sóc,
- Neak Tà Watt là vị thần của chùa chiền đền miếu,
- Neak Tà Ra Chay là thần của ao hồ, ngã ba sông,
- Neak Tà Sâm Rông là thần của cây trôm,
- Neak Tà Đom Chreay là thần cây đa, cây đề.

Qua những hình tượng trên đây cho thấy người Khmer thường có xu hướng thờ Bách Vật Giáo từ thời nguyên thuỷ còn lưu lại Neak Tà là thần bảo hộ. Những ngôi chùa Khmer đều có dựng lên thần bảo hộ. Người Khmer có tục lệ thờ cúng Arak và thờ cúng Neak Tà, hình thức của vị thần bảo hộ. Khi thờ cúng, đồng bóng là nghi lễ không thể thiếu. Arak có mặt bảo vệ trên nhiều phương diện: bảo hộ gia đình, bảo hộ đất đai, bảo hộ làng mạc, ruộng nương. Neak Tà là vị thần bảo hộ cho thôn xóm tương tự như Thành Hoàng. Mỗi năm đều tổ chức lễ cúng vị Neak Tà rất trang trọng.
Người Khmer phân chia ra bốn loại Neak Tà khác nhau: Loại Neak Tà có tên gọi những vật trong thiên nhiên, tên thực vật hay tên của một đặc thù địa lý. Loại Neak Tà mang tên người. Loại Neak Tà mang tên các vị thần Bà La Môn. Loại Neak Tà tại chùa chiền.
Thành thử trong tín ngưỡng Neak Tà của người Khmer có đầy đủ các quan hệ tín ngưỡng đa dạng, từ tín ngưỡng vạn vật hữu linh cho đến tục thờ cúng tổ tiên, thờ cúng các thần trong đạo Bà La Môn và chư Phật trong Phật Giáo. Người bình dân Khmer hiện nay vẫn còn sùng bái những vị thần trong Bà La Môn: Brahma, Vichnu, Siva, Indra, được đặt dưới những danh xưng: Prek Norey, Prek Proum, Prek Em, Prek Puon Nuk... những di chỉ khai quật tại Óc Eo và tại Đồng Tháp có nhiều bức tượng của những vị thần nầy. Hiện nay, những tàn dư của Bà La Môn Giáo chỉ tồn tại trong những nghi lễ đồng bóng.

Theo thống kê của Phật Giáo Việt Nam thì trong toàn miền Nam có 419 ngôi chùa Khmer, với khoảng 11.000 sư. Nguyên tại tỉnh Sóc Trăng có tới 200 chùa Miên. Nổi tiếng nhất phải kể đến chùa Bốn Mặt (Mỹ Tú), Tập Rèn (Kế Sách), Chén Kiểu, Cần Đước (Mỹ Xuyên), Cà Săng, Tum Nụp (Vĩnh Châu), chùa Dơi, Khléang (thị xã Sóc Trăng).
Ngôi chùa người Khmer trở thành trung tâm sinh họat tín ngưỡng của cộng đồng nầy. Cộng đồng của tộc người Khmer theo Phật Giáo hệ phái Nam Tông, từ trước đã phân chia ra làm ba giáo phái chính. Những giáo phái nầy đã ảnh hưởng cơ cấu tổ chức của Phật Giáo ở Kampuchia, gồm: giáo phái Mohanikay, giáo phái Thommayutt và giáo phái Theravada.

Theo tài liệu trong "Người Việt gốc Miên" (1969) thì: Miền Nam Việt Nam có 482 chùa Khmer theo phái Mohanikay, 18 chùa theo phái Thommayutt; giáo phái Theravada do Sơn Thái Nguyên thành lập năm 1957. Từ đó toàn thể sư sãi Khmer đều thuộc giáo phái nầy.
Tuy nhiên, bộ Nội Vụ VNCH trước đây vẫn chưa chấp thuận giáo phái nầy. Năm 1964, khi Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất, Viện Hoá Đạo chỉ nhận giáo phái Theravada là đại diện cho giới sư sãi người Việt gốc Miên tại Trung ương. Những chùa chiền người Khmer ở các tỉnh vẫn giữ nguyên giáo phái chính của mình.
Khác với những ngôi chùa Việt Nam và chùa Trung Hoa, những loại chùa Khmer chỉ thờ đức Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni, không thờ các vị Phật, Bồ tát khác như đức Quán Thế Âm Bồ tát, Đương Lai Hạ Sanh Di Lặc Tôn Phật, hay các vị Kim Cương, La Hán và các Bồ tát khác. Toàn thể tượng và bệ tượng thường đặt phía sau một cái khuôn lớn, có chạm khắc những mẫu hoa văn, hình kỷ hà rất tinh vi. Nổi bật nhất hiện nay là ngôi chùa Srâ Lâung, còn bảo lưu nhiều khung bằng gỗ, có những hình chạm trỗ rất đẹp.
Nổi tiếng nhất trong các ngôi chùa Khmer là các chùa Âng, Samrong Ek, Kompong Chrây, Cò Giồng Lớn, Phật Lớn, Khléang, Srâychô Mahatup (Mã tộc), còn gọi là Chùa Dơi, Salon còn gọi là Chùa Chén Kiểu, Siemcang... 3.2-Những lễ hội

Người Khmer có rất nhiều lễ hội quanh năm nhưng quan trọng nhất là: Lễ hội năm mới (Chol Chnam Thmay), Lễ hội chào mặt trăng (Ok Ang Bok), Lễ cúng tổ tiên (Donta).
Lễ hội vào năm mới là lễ hội trọng thể nhất, diễn ra vào ba ngày 13, 14, 15 tháng Chet, tức vào giữa tháng tư dương lịch (nếu là năm nhuận thì kéo dài bốn ngày).
Ngày thứ nhất của Chol Chnăm Thmay là lễ rước đại lịch tại chùa địa phương. Mọi người lễ Phật, nghe thuyết pháp rồi tham gia các cuộc vui chơi, múa hát tới khuya.
Ngày thứ hai là lễ dâng cơm và đắp núi cát. Trước và sau khi ăn, các nhà sư tụng kinh chúc phúc để tạ ơn những người đã làm ra vật thực và mang nó đến cho nhà chùa; sau đó dưới sự điều khiển của vị sư cả Achar, mọi người đua nhau đắp cát thành nhiều ngọn núi nhỏ theo tám hướng và một ngọn núi lớn ở trung tâm, tượng trưng cho vũ trụ, ở trong khuôn viên chùa.

Ngày thứ ba là lễ tắm tượng Phật, tắm sư: sau khi dâng cơm sáng cho các sư, mọi người đem nhang đèn, lễ vật và nước có ướp hương thơm đến trước bàn thờ để tắm tượngPhật, sau đó tắm (tượng trưng) cho các vị sư sãi cao niên rồi ai về nhà nấy làm lễ tắm tượng Phật tại nhà, dâng cỗ bàn cúng tổ tiên, chúc phúc cha mẹ. Lại tiếp tục vui chơi, múa hát: thả đèn trời, đốt ống lói, đánh quay lửa, ném còn, kéo co, đấu vật, đánh võ, chạy đua, múa trống xà dăm, múa ramvong, lâm thôn, hát a day, brop cay, xem biểu diễn sân khấu kịch hát dù kê và sân khấu kịch múa rô băm, thưởng thức nhạc truyền thống từ các dàn nhạc phleng siem, phleng khmer.

Lễ hội cúng trăng (lễ hội chào mặt trăng) là lễ hội lớn thứ nhì của người Khmer được tổ chức vào đúng đêm trăng rằm tháng 10 âm lịch để tỏ lòng biết ơn trăng là vị thần bảo vệ mùa màng, ban bố hạnh phúc cho con người. Lễ hội được cử hành trước sân nhà hay sân chùa, với những lễ vật: chuối, bưởi, cam, khóm, khoai lang, khoai mì, khoai môn, và đặc biệt không thể thiếu là món cốm dẹp. Sau khi khấn vái xong, đợi tuần hương cháy hết, người già gọi các em bé lại ngồi xếp thành hàng và chắp tay lại, rồi từ từ bốc những nhúm cốm đút vào miệng từng em. Sau lễ cúng trăng là các cuộc vui chơi và trình diễn văn nghệ qua lời ca, tiếng nhạc, điệu múa và tiếng trống dồn dập rộn ràng, có khi kéo dài trắng đêm với hàng ngàn người tham dự trong chùa, ngoài sóc.

Hội đua ghe ngo, sinh hoạt lễ hội văn hóa thể thao lớn nhất của người Khmer, thu hút hàng trăm ngàn người xem. Khi pháo lệnh nổ, những chiếc ghe ngo dài như con rắn khổng lồ nổi lên mặt nước lao vút đi như tên bắn. Tiếng hò reo cổ vũ náo nhiệt, tiếng trống thôi thúc cuộc đua vang động cả một vùng sông nước rộng lớn. Từ sau 1975, nhiều cuộc đua ghe ngo chung cho cả khu vực đồng bằng sông Cửu Long được tổ chức đều đặn trên sông Hậu, tại thành phố Sóc Trăng. Khách thập phương, người Khmer, người Việt, người Hoa... về dự hội có năm lên tới hơn 300.000 người như vào năm 2002.

Lễ cúng tổ tiên, ông bà (Donta) là lễ hội lớn thứ ba của người Khmer tổ chức linh đình trong ba ngày, từ 29 tháng 8 đến mồng 1 tháng 9 âm lịch. Ngày thứ nhất là ngày cúng lễ nghênh đón ông bà bằng những mâm cỗ thịnh soạn, cúng sáng, cúng chiều tại nhà. Sau đó mọi người đi chùa, mời linh hồn tổ tiên nghe sư sãi tụng kinh, rồi cùng con cháu tham dự văn nghệ múa hát vui chơi thâu đêm suốt sáng. Ngày thứ hai tiếp tục mời ông bà vui chơi với con cháu tới chiều tối. Ngày thứ ba (mồng 1 tháng 9) là ngày cúng tiễn đưa linh hồn ông bà về chốn ở cũ nơi Niết Bàn: mỗi gia đình mời bà con họ hàng, láng giềng chòm xóm tới cúng vái, sau đó cùng nhau dùng cỗ rồi vui chơi, múa hát cho tới tận khuya. Trong ngày này nhà nào khá giả còn mời sư sãi đến tụng kinh, cầu phước cho thêm phần long trọng. Chấm dứt lễ hội Donta là nghi thức thả những chiếc thuyền nhỏ làm bằng bẹ chuối, cau, dừa... xuống sông suối, hoặc mương rạch quanh nhà để ông bà đi đến nơi về đến chốn.
Việc tổ chức thờ cúng ông bà tổ tiên thành một lễ hội lớn chung cho toàn sắc tộc trong không khí lạc quan hồ hởi của toàn thể cộng đồng, với sự hiện diện trọng thể của ngôi chùa và các sư sãi cùng với nhiều sinh hoạt vui chơi và văn nghệ truyền thống là một hình thức biểu hiện thuần phong mỹ tục đáng khâm phục. 3.3- Phong tục
Người Khmer thường truyền tụng đến câu chuyện kết hôn giữa Preah Tgôn và Néăng Neak từ xa xưa, xem là điển hình của phong tục, tín ngưỡng, tập quán.

Những nghi thức trong đám cưới cổ truyền của Khmer, như tục nhuộm răng, cắt quy đầu... đều in đậm dấu vết về Tô tem giáo của họ.. Những lễ tục, diễn xướng liên quan đến rắn thần được thể hiện trong nhiều hội lễ nhất là trong lễ cuất gia của tuổi thành niên Khmer. Rắn thần lại còn được xem là niềm tin và nguồn may mắn, được thể hiện trên điêu khắc chùa chiền, trên các phù điêu đền tháp, trên những nông cụ. Chim Krut cũng là một biểu tượng khác về vật tổ. Thành thử trong những hình thái sinh hoạt bình thường, không được dùng rắn Naga và chim Krut môt cách bữa bãi.

Dân tộc Khmer thuần theo đạo Phật tiểu thừa. Ở đồng bằng sông Cửu Long có hơn 440 ngôi chùa lớn nhỏ của người Khmer, mỗi chùa có ít nhất 5-10 ông lục, nhiều khi đến 60-70 ông ăn ở, học tập tu hành. Các ông lục, còn gọi là sư sãi, là con em người bổn sóc. Gia đình nào có con trai từ 12 tuổi trở lên đều cho vào chùa tu, có thể 3 tháng hoặc 3-4 năm hay trọn đời tuỳ ý, để học kinh, học chữ, rèn luyện thành người có trí thức và đức hạnh.

Ngày xưa, nếu người con trai nào không qua giai đoạn tu trong chùa thì bị xã hội và gia đình cho là bất hiếu và lớn lên rất khó lấy vợ. Bởi vì người con gái Khmer đến tuổi lấy chồng, thường chọn những chàng trai đã qua tu luyện trong chùa, đã hoàn tục. Theo họ, đó là người đã hoàn thành nghĩa vụ và học được cách làm người, nhất là biết chữ nghĩa, được mọi người trọng vọng.

Lễ đi tu thường được tổ chức vào ngày đầu tết Chôl Chnâm Thmây. Vào ngày này, gia đình nào muốn đưa con và chùa tu (vài tháng trước đó, người con trai này phải vào chùa học thuộc vài bài kinh cơ bản) sẽ tổ chức một lễ gọi là Bank-Bom-Buôn để người đi tu từ giã họ hàng, bạn bè và được mọi người cầu chúc sức khoẻ. Khi vào lễ, anh ta cạo đầu, thay quần bằng chiếc xà rông, thay áo bằng một khăn vải trắng đắp lên vai từ trái sang phải gọi là Pênexo, chứng tỏ rằng anh ta từ bỏ thế tục. Lúc đó người ta gọi anh là Nec (rồng).

Theo truyền thuyết từ kinh điển Phật giáo, ngày xưa có một con rồng tu luyện thành người và xin được vào tu theo đức Phật. Một hôm, khi ngủ trưa rồng hiện nguyên hình. Môn đệ khác của đức Phật phát hiện ra liền báo ngay. Đức Phật trục xuất rồng khỏi hàng môn đệ, vì không phải người thì không được tu. Rồng khóc van xin, nhưng không lay chuyển được lòng đức Phật. Cuối cùng rồng xin đức Phật ban cho một ý nguyện là sau này, những ai bước chân vào tu cũng phải gọi bằng tên tộc là Nec. Từ đó đến nay, từ "nec" dùng để gọi nhà sư tương lai và cũng để nhớ đến truyền thuyết trên.

Để vào lễ, buổi tối họ mời sư sãi đến tụng kinh, cúng tam bảo và thọ giới theo Phật. Sáng hôm sau, khi cơm nước xong, họ đưa anh con trai chùa, có bạn bè thân quyến mang lễ vật cùng đi theo. Đến chùa, họ đi vòng quanh chánh điện ba vòng rồi mới vào trong làm lễ. Ở đây có một nhà sư ngồi gọi là Uppachhe giảng dạy, hỏi và đọc các điều của luật tu hành cho các nec nghe. Sau đó nec mới cầm áo cà sa đi vào hàng giữa sư sãi và đọc lời xin tu. Khi vị thượng toạ chấp thuận thì nec mới đi thay xà rông và khăn trắng bằng áo cà sa. Tiếp theo là lễ thọ giới 10 điều của Phật giáo: 1. Không sát sinh; 2. Không trộm cắp; 3. Không tà dâm; 4. Không nói láo; 5. Không uống rượu; 6. Không ăn ngoài bữa; 7. Không xem múa hát; 8. Không dùng đồ trang sức; 9. Không chiếm ghế cao và giường êm; 10. Không đụng đến vàng bạc.
Cuối cùng các nhà sư cùng Phật tử tụng kinh cầu phước cho người mới tu hành và chúng sinh để chấm dứt buổi lễ. Ngày nay, tục đi tu vẫn còn phổ biến trong người Khmer ở miền Tây Nam bộ. Bởi vì tu không phải để thành Phật mà để thành người, chuẩn bị cho cuộc sống tốt đẹp ở ngày mai, là một cơ hội tốt để cho họ được học chữ nghĩa, đạo lý và rèn luyện đức hạnh. Đi tu đồng thời theo nếp nghĩ truyền thống cũng là một cách tích phước cho cha mẹ, gia đình và chính bản thân. Tuy nhiên, ngày nay người con tra Khmer vì theo học ở một trường nào đó hoặc có những gia đình quá khó khăn, thiếu lao động thì không phải đi tu và luật tu hành cũng không quá khắt khe như xưa nữa.

3.4-Bảo Tàng Viện Khmer Bảo Tàng Viện nằm ở khóm 4, phường 9, thị xã Trà Vinh, được khánh thành vào năm 1995. Nơi đây trưng bày hình ảnh và các di tích văn hóa của dân tộc Khmer; đặc biệt là sách lá Buôm, tiếng Phạn viết trên lá bằng cách bỏ sống lá, phần lá còn lại cắt thành hình chữ nhật dài 40-65cm, phơi khô rồi ép cho thẳng. Sau đó dùng que sắt mài nhọn viết chữ trên là và dùng mầu xanh từ lá khoai hay lá nhọ nồi hoặc mực tàu miết lên mặt lá cho chữ nổi lên. Ngoài ra, trong Bảo tàng Viện còn có các văn tự cổ ghi kinh Phật, các huấn ca về đạo đức, lối sống và truyện dân gian. Hiện nay có hai Bảo Tàng Viện văn hóa Khmer, một ở Trà Vinh và một ở Sóc Trăng.
......................
Tài liệu tham khảo:
encyclopedia2.thefreedictionary.com/Campuchea
www.buddhismtoday.com/viet/pgtg/PhatgiaoKHMER.htm
www.nguoivienxu.vietnamnet.vn/truyenthongvaduongdai/ditichvathangcanh/2007/07/724068h
www.mientay2007.blogspot.com/2007/03/blog-post_5123.html+CH%C3%99A +KHMER&hl=da&ct=clnk&cd=5&gl=dk
www.nguoihanoi.net/diendan/index.php%3Fs%3D172c389e03c4ac83cdf339bf090b 94c7%26act%3DST%26f%3D16%26t%3D333+CH%C3% 99A+KHMER+%E1%BB%9F+s%C3%A0ig%C3% B2n &hl= da&ct= clnk&cd=4&gl=dk