Dân Chúa Âu Châu

Nhà Thờ Cha Tam, một Thánh Đường in dấu tích Lịch Sử Văn Hóa, Nghệ Thuật và Chính Trị

BY: HOÀNG THẠCH

Về lãnh vực tôn giáo, nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam (CSVN) đã xếp hàng trăm Chùa, Đền, Miếu và Đình Làng vào danh sách di tích lịch sử văn hóa hoặc di tích nghệ thuật kiến trúc của Việt Nam. Về phía Công Giáo theo từ điển địa danh văn hóa và Thắng cảnh Việt Nam (NXB khoa học xã hội) thì chỉ một công trình duy nhất của Công Giáo được công nhận là di tích nghệ thuật kiến trúc, đó là khu nhà thờ lớn Phát Diệm.
Sự kiện này chứng tỏ Việt Cộng (VC) có cái nhìn phiếm diện và kỳ thị khi nhận định về nghệ thuật. Cái nhìn đó không đúng với tinh thần khách quan. Nói tới nghệ thuật phải hiểu là nó không bị giới hạn bởi định kiến, nó không lệ thuộc vào chủ nghĩa duy tâm, duy linh hay duy vật; nó cũng không bị chi phối bởi chế độ tư bản, cộng sản hay quân chủ, phong kiến. Thái độ của VC chứng tỏ họ vẫn đề cao công trình văn hóa và kiến trúc chịu ảnh hưởng của Tàu trong thời kỳ ngàn năm đất nước Việt Nam bị đô hộ.
Trong chủ đề văn hóa kỳ này, chúng tôi muốn viết về một trong các nhà thờ nổi tiếng, nhà thờ Thánh Phanxicô Xaviê, một thánh đường đã in dấu tích lịch sử Việt Nam, dấu tích của sự hiện diện vào những giờ phút cuối cùng của cố tổng thống Ngô Đình Diệm và bào đệ Ngô Đình Nhu, trước khi bị nhóm tướng lãnh nhận tiền của cơ quan tình báo trung ương Mỹ (CIA) đảo chính và tướng Dương Văn Minh (đầu hàng VC ngày 30.4.1975) ra lệnh cho sĩ quan cận vệ thân tín nhất là thiếu tá Nhung bắn chết hai nhà lãnh đạo ưu tú nhất của miền Nam trong xe bọc thép M-113 vào ngày 2.11.1963.
Nhà thờ cha Tam xây cho người Hoa có trước. Sau đó số giáo hữu Việt-Hoa ngày càng gia tăng, nên nhà thờ Thánh Jeanne D’Arc hay người Việt quen gọi là nhà thờ Ngã Sáu được xây thêm. Do sự liên hệ về lịch sử, trong bài viết này chúng tôi đề cập cả hai hai nhà thờ.


1-ĐÔI HÀNG LỊCH SỬ NHÀ THỜ CHA TAM

 

Năm 1865, cha Philippe thuộc dòng Thừa Sai Paris (MEP) từ bên Trung Hoa sang Chợ Lớn để thành lập xứ đạo cho các giáo hữu người Hoa. Lúc sơ khai chỉ có hai gia đình Công giáo nên phải tạm sát nhập vào họ đạo Chợ Quán. Đến năm 1883, cha Briller thấy bổn đạo Việt Nam khá đông và vì khác biệt ngôn ngữ không thể đọc kinh chung, nên Ngài cất một căn nhà bên cạnh nhà thờ Thanh Nhơn (nhà thờ người Hoa) để giáo hữu VN đọc kinh, rồi qua dự thánh lễ chung với người Hoa bên thánh đường Thanh Nhơn.
Năm 1890, dưới thời đức cha Mossard, giáo hữu VN tăng lên 150 người trong khi số giáo dân người Hoa lại giảm dần; nên người Hoa lại đổi sang đọc kinh bên ngôi nhà bên cạnh; còn giáo hữu VN qua đọc kinh trong nhà thờ của người Hoa. Khi lễ thì lại nhập chung.

 

Năm 1898, cha Phanxicô Xaviê (Francois) Assou (người Việt quen gọi là cha Tam) xây cho người Hoa một nhà thờ mới, lấy tên thánh là Phanxicô Xaviê. Người Hoa nhường nhà thờ Thanh Nhơn cho giáo dân VN và cả hai họ đạo đều có cha sở trông coi.
Vào ngày lễ thánh Phanxicô Xaviê (Saint Francisco Savier), giám mục địa phận Sài Gòn Mossard, đã đến làm phép đặt viên đá đầu tiên xây ngôi thánh đường dành cho người Hoa.

 

Cha Tam cũng đã cho xây dựng thêm ở khu vực xung quanh nhà thờ một trường học, nhà nuôi trẻ, một nhà nội trú, một số nhà ở cho thuê.
Nhà thờ cha Tam (nhà thờ Phanxicô Xaviê), địa chỉ hiện nay của nhà thờ tại số 25 Học Lạc, phường 14, quận 5, Sài Gòn.
Nguyên khu đất nhà thờ là đất trống dùng làm nghĩa địa cho người Hoa ở xóm Thợ Rèn thuộc Chợ Lớn. Thời Pháp thuộc chính phủ cho xây ngôi chợ xép gần đó gọi là chợ Lò Rèn.


2-GIÁ TRỊ LỊCH SỬ VĂN HÓA CỦA NHÀ THỜ CHA TAM

 

Ngoài công trình xây cất theo nghệ thuật kiến trúc Gothic của Tây phương, trong nhà thờ còn trang trí những tấm Hoành Phi và các tấm Liễn. Các bức hoành phi là những tấm ván được sơn đen hay đỏ bóng láng giống nền các bức tranh sơn mài của người Việt; trên đó người ta viết những chữ có ý nghĩa về đạo, văn hóa hay phong tục. Các tấm liễn là các câu đối khắc trên gỗ treo trên cột hay tường giống như ở đền miếu của người Hoa.

 

Kiến trúc Gothic (Gothic Architecture) ra đời sau thời kỳ kiến trúc La Mã (Roman), khoảng năm 1.200 sau Công Nguyên. Sự khác biệt dễ dàng nhận thấy nhất giữa hai lối kiến trúc trung cổ này là trong khi kiến trúc La Mã theo kiểu vòm cong tròn, còn kiến trúc Gothic lại theo kiểu vòm nhọn. Kiến trúc Gothic có cửa sổ nhiều hơn và kích thước cửa sổ lớn hơn so với kiến trúc La Mã. Do đó người Âu châu bắt đầu xây nhà thờ và cung điện theo kiểu kiến trúc Gothic. Thời kỳ hưng thịnh của kiến trúc Gothic có thể kể từ thế kỷ 12-16 ở Pháp, thế kỷ 18 ở Anh và lan rộng khắp Âu châu trong suốt thế kỷ 19, sau đó vẫn ảnh hưởng rất mạnh trong các kiến trúc về nhà thờ và trường đại học và cho đến thế kỷ 20

 

Mỹ thuật độc đáo của kiến trúc Gothic người ta có thể quan sát trong các thánh đường Thiên Chúa Giáo và một số công trình dân dụng. Tuy là kiến trúc Gothic, nhưng cái độc đáo là mỗi công trình xây dựng có nét đặc biệt, không hoàn toàn giống nhau. Nhiều công trình kiến trúc Gothic vĩ đại như: nhà thờ Đức Bà ở Paris, tu-viện Westminster và nhà thờ Salisbury ở Anh quốc, nhà thờ Cologne ở Đức, đại học Wellesley ở tiểu bang Massachusetts của Hoa Kỳ v.v... là những kiệt tác kiến trúc vô giá được tổ-chức giáo-dục, khoa-học và văn-hóa Liên Hiệp Quốc "UNESCO" (United Nations Educational, Scientific and Cultural Organization) công nhận là di sản văn hóa thế giới.

 

Tại Việt Nam có nhiều nhà thờ lớn và có giá trị lịch sử, xây cất theo kiểu Gothic, nguy nga và vĩ đại không thua gì các nhà thờ của ngoại quốc, thế mà CSVN chỉ công nhận có một khu nhà thờ Phát Diệm!

 

3-NHÀ THỜ JEANNE D’ARC (nhà thờ Ngã Sáu)

 

Năm 1913, cha sở giáo xứ người VN là cha Colson qua đời, đức cha cử cha Phanxicô Xaviê Assou trông coi luôn giáo xứ VN và tới năm 1913 thì ngài sửa sang nhà thờ cho rộng lớn hơn. Đến năm 1914, đức cha sai cha Poitier đến coi giáo xứ VN và ngài lại mở rộng nhà thờ vì số giáo dân lên tới 500. Nhưng với thời gian và chiến tranh, nhà thờ bị hư nát nhiều, đến nỗi sở công chánh đô thành đã viết thư cho cha sở: "Nếu cha không lo sửa lại, thì sở chúng tôi phải buộc lòng ra lệnh đóng cửa, vì sợ tai nạn có thể xẩy ra."
Cha Gioan Baotixita Huỳnh Tịnh Hướng không biết xoay sở thế nào. Huê lợi trong họ không có một xu mà giáo dân ngày một đông, lại thêm nhà cầm quyền lúc đó không thích đạo Công Giáo!

 

Năm 1921, người Pháp mừng trọng thể lễ kỷ niệm thánh nữ Jeanne D’Arc, vị cứu tinh của Pháp quốc trong Thế Chiến I (1914-1918). Lễ mừng có kèn trống quân hành và 21 phát súng đại bác chào mừng. Nhớ biến cố này, cha sở cám ơn Chúa trong nhà thờ như thói quen và cầu nguyện cùng thánh nữ.
Lạ thay! Theo cha Hướng kể thì ít tháng sau người cầm quyền ghét đạo Công Giáo nói trên bị thuyên chuyển. De Taste, một quan khác thay thế. Theo thói quen cha sở đến chào mừng và được ông ta hứa nếu cần gì cha cứ nói. Một tuần sau ông quan tới thăm đáp lễ cha sở và ngài đã dẫn ra thăm nhà thờ sắp bị sụp đổ. Quan mới nhận chức chưa biết rõ mọi việc, nhưng hứa sẽ coi lại vấn đề. Bốn tháng sau, quan mời cha sở đến nhiệm sở và cho biết chương trình nới rộng thành phố và các nghĩa địa sẽ được dời đi chỗ khác.

 

Thế là cơ hội bằng vàng đã đến, cha Hướng không chỉ được cấp miếng đất nghĩa địa dành cho Huê kiều nay dời qua khu Phú Thọ, mà còn được cấp giấy phép đi quyên tiền, tổ chức hội chợ, bán xổ số Tombola để kiếm tiền xây nhà thờ mới cho họ đạo Chợ Lớn VN.
Có nhà thờ mà chưa có tượng cũng là nỗi băn khoăn của cha sở. Lại một bất ngờ xẩy ra. Một buổi chiều có vài người Ấn độ lái xe tới đậu trước nhà thờ, sau khi quan sát họ vào thăm cha sở và hỏi xem bao giờ khánh thành nhà thờ. Cha sở cho biết khi nào có ảnh tượng thánh bổn mạng Jeanne D’Arc thì sẽ khánh thành. Vài tháng sau, họ trở lại cho cha sở biết có một số người Pháp Công Giáo gốc Ấn Độ muốn dâng cho nhà thờ ba tượng: tượng Chúa Giê-su, Mẹ Maria và Jeanne D’Arc làm bằng đá cẩm thạch của Ý Đại Lợi.

 

Nhà thờ mang tên thánh nữ Jeanne D’Arc được khánh thành vào năm 1928, đúng ngày lễ kính của thánh nữ. Đức giám mục đến làm phép và quan khách đạo đời đều được mời tới tham dự. Cuộc rước kiệu thánh nữ Jeanne D’Arc lần đầu tiên đã được tổ chức một cách trọng thể.
Năm 1933, cha Tam (Phanxicô Assou), chánh sở nhà thờ thánh Phanxicô Xaviê qua đời và được chôn cất ngay khu tường cửa trước nhà thờ. cha Huỳnh Tịnh Hướng được đức cha cử về làm chánh sở ở họ đạo người Hoa, vì cha biết tiếng Tàu. Khi còn là thày sáu ngài đã giúp cha Tam xây nhà thờ Phaxicô Xaviê, nhà hưu dưỡng của các cha ở Chí Hòa và nhà nguyện tại bệnh viện Grall.

 

4-NÚI ĐÁ ĐỨC MẸ LỘ ĐỨC

 

Đối với người Công giáo Việt Nam thì lòng sùng kính sâu đậm không thua gì Đức Giê-su. Vì thế, trong hầu hết các thánh đường đều có chưng ảnh tượng Đức Mẹ và bên ngoài thì làm hang đá Đức Mẹ.
Bên hông nhà thờ Ngã Sáu, hang đá Đức Mẹ Lộ Đức được cha Huỳnh Tịnh Hướng xây cất và khánh thành vào năm 1932. Phí tổn 5.000 đồng do một giáo dân dâng tặng. Để biết giá trị đồng tiền, chúng ta nên biết thời đó lương công nhân mỗi ngày chỉ được 0,30 đồng (30 xu), lương tỉnh trưởng một ngày 2 đồng (tháng 60 đồng.)
Hang đá Đức Mẹ sau đó bị hư hại trong chiến tranh Nhật-Pháp 9/1939. Sau chiến tranh linh mục Bùi Văn Nho đã tu bổ và dâng lễ tạ ơn vào ngày 11.2.1947, lễ kính nhớ Đức

Mẹ hiện ra tại Lộ Đức.

 

*Lịch sử cỏ trồng trước hang đá Đức Mẹ

 

Liên quan tới cỏ trồng hang đá Đức Mẹ Lộ Đức, linh mục Bùi Văn Nho có kể lại câu chuyện qua tựa đề "tù binh Nhật" như sau:
"... Năm 1946, mọi sự lật ngược lại, các tù binh đồng minh được tự do chờ ngày về quê quán. Trái lại, các anh lính Nhật, nhất là các anh có dính dáng tới chuyện hà hiếp tù binh đồng minh khi trước và những anh "chúa ngục" khi xưa thì nay phải vào tù. Sự ấy không gì lạ, vì Nhật đã đầu hàng đồng minh vô điều kiện sau hai trái quả bom nguyên tử. Khi đó tôi đến đức cha và trình bày rằng: Trong lúc các tù binh đồng minh bị giam giữ, đành rằng có nhiều anh lính Nhật bạc đãi các tù binh đồng minh một cách ác nghiệt, nhưng cũng có người rất tốt, rất thông cảm, như những anh trại trưởng của 17 trại giam mà tôi đã đến, các anh ấy tử tế, để tôi đi tự do, và còn giúp tôi việc này sự nọ, hay ban một ít ân huệ cho các tù binh mỗi khi tôi can thiệp... thí dụ: xin phép cho các anh bệnh hoạn khỏi đi làm việc hay được làm việc nhẹ nhàng hơn. Vậy con đến xin bàn với đức cha coi có phương thế gì giúp các anh ấy chăng, vì giờ đây tới phiên các anh ấy phải ngồi tù?
Đức cha hỏi: "Vậy cha nghĩ làm sao?"

 

-Thưa đức cha, con nghĩ có thể đức cha xin cho họ khỏi bị giam trong tù. Cho họ ở một khu vực nào đó trong thành và chờ khi có chuyến tàu thứ nhất cho họ được về quê quán.
-Tốt lắm, đức cha đáp, không cần đức cha can thiệp, mọi người đều biết cha, cha hãy đến ngay tướng Leclerc và trình bày sự cha muốn.
Tôi đến dinh Norodom và được tướng Leclerc tiếp ngay. Sau khi trình bày mọi sự, ông bảo tôi cho tên 17 người ấy.
-Tôi không biết tên của họ!
-Cha có biết mặt họ không?
-Có biết
Ông liền cho một đại tá đi cùng tôi vào khám Chí Hòa và gọi tập trung tất cả tù binh Nhật (cũng có hơn 2.000 người). Họ nghe hiệu lệnh tập trung và họ thấy tôi đến, người nào người nấy điếng hồn! Nhất là khi tôi đi nhìn mặt từng người, họ càng sợ hơn nữa. May tôi đã tìm ra được 17 người quản ngục khi xưa và thêm 10 người nữa thuộc thành phần tử tế có cảm tình. Tất cả 27 người. Ông đại tá sắp họ riêng ra và tuyên bố: "27 người này được linh mục chứng rằng khi xưa rất tử tế với đồng minh và nhờ sự can thiệp của linh mục. Ông tướng ban phép cho những người này khỏi ở tù được trả tự do bằng cách tập trung lại một nơi để chờ chuyến tàu thứ nhứt 27 người này sẽ được về quê quán.

 

Sau khi nghe tuyên bố, 27 người được ân xá này dường như bay bổng đến chín tầng mây. Sự vui mừng của họ không thể nào tả ra cho hết. Họ reo lên... Họ công kênh tôi lên và chạy cùng sân tù. Qua bữa sau họ được làm mọi thủ tục giấy tờ và ra thong thả. Trong lúc họ ở ngoài, tôi cũng thường năng đến thăm an ủi và giúp đỡ họ sự gì tôi làm được.
Qua mấy tháng sau, có chuyến tàu, họ được đưa về xứ. Chính tôi có đến tiễn chân họ nơi bến tàu.
Về xứ, cách độ 2 tháng, lúc gần lễ Giáng Sinh tôi nhận được một gói nhỏ như hộp bánh Biscuit, trong đó có viết ít chữ rằng:
"Tôi đã về đến xứ sở bình an, đã gặp lại vợ con. Chúng tôi gửi lời thăm cha, chúng tôi hiện đang ở quê nhà, chúng tôi không có gì biếu tặng cha trong dịp Lễ Giáng Sinh, xin phép biếu cha chút cỏ đây... Cha có thể trồng nơi núi Đức Mẹ của cha.."
Tôi đã trồng, thứ cỏ mịn màng như nhung, tạm gọi là nhung xanh của Nhật bổn mà hiện thời lan tràn Sài Gòn, Chợ Lớn, Gia Định và các tỉnh bằng cách, từ đó đến nay 1946-1972 (26 năm) hễ ai đến xem thấy đẹp, xin, tôi sẵn sàng phúc đáp. Có khi vào mùa mưa, cỏ lên lan tràn, phải cắt xén, có người đến lượm về trồng cũng sống như thường. Cỏ này cũng có thể gọi là "Cỏ nhẫn nại", cỏ "tình thương" có thể mọc lên trên sỏi đá khô khan..."

 

Cỏ Nhật Bản
Cỏ hoa bất cứ mọc nơi đâu
Vẫn mọc xanh tươi ánh sắc màu
Trải tấm tình yêu lên sỏi đá
Cam lòng nhẫn nại vượt gian lao
Trong cơn nắng hạ sầu vô kể
Gặp lúc mưa xuân đẹp xiết bao
Một đám cỏ nhung bao kỷ niệm

 

Tông đồ dấn bước vạn thương đauCũng nên biết lm Bùi Văn Nho, một lm có uy tín rất lớn tại Sài Gòn và Chợ Lớn, một vị lãnh đạo tinh thần đã được tòa thánh Vatican, các chính quyền Việt Nam, Pháp, Mỹ ngưỡng mộ trao tặng 44 huy chương đủ loại về các hoạt động đạo đức, văn hóa và từ thiện xã hội....

 

Gia đình ông bà cố của lm Bùi Văn Nho có 6 người con. Tất cả dâng mình cho Chúa: 3 linh mục, 3 nữ tu. Ông bà cố mừng Ngọc Khánh hôn phối 1910-1970. Ông cố được Tòa Thánh trao huân chương Đại Hiệp Sĩ (hay Hiệp Sĩ Thánh Giá) "Pro Ecclesia Et Pontifice" và Bà cố được trao tặng huy chương "Benemerenti" về tinh thần sống đạo và phục vụ đặc biệt cho Giáo Hội, gia đình và cộng đồng. Lm. Bùi Văn Nho mừng Ngân Khánh 25 năm Linh mục vào năm 1970.   
----------------
Tài liệu tham khảo:
-"Những trang sử đẫm mồ hôi của họ đạo Chợ Lớn Việt Nam" (Họ Jeanne D’Arc Chơ Lớn VN) trang 20-26, 74-77
-http://en.wikipedia.org/wiki/Gothic_architecture
Cám Ơn:
-Chân thành cám ơn anh Nguyễn Mạnh Hùng (Aarhus, Đan Mạch), cựu Hùng Tâm Dũng Chí của họ đạo Chợ Lớn đã cho mượn tác phẩm nêu trên.
-Chân thành cám ơn họ đạo Jeanne D’Arc về việc trích dẫn một vài đoạn và hình ảnh trong tác phẩm kể trên để cống hiến quí độc giả của Nguyệt san Dân Chúa