Dân Chúa Âu Châu

BY: HOÀNG THẠCH

 

Ngành nghề tại Sài Gòn và miền Nam, nói chung, đã phát triển khá mạnh dưới thời Việt Nam Cộng Hòa. Ngoài các nghề thủ công đã có từ các thế kỷ trước; các trung tâm may dệt Phú Thọ Hòa hay khu kỹ nghệ Biên Hòa đã đóng vai trò quan trọng trong nền kinh tế miền Nam. Các chuyên viên về kinh tế cho rằng: trước 1975 Việt Nam Cộng Hoà có hy vọng phát triển và giầu mạnh không thua gì Nam Hàn và Đài Loan; nếu Cộng sản Bắc Việt không xâm lăng miền Nam.
Ngành nghề của Sài Gòn và miền Nam có nhiều loại khác nhau. Trong bài này chúng tôi chỉ ghi lại một số ngành sản xuất có tính cách thủ công vào Thế kỷ 19 và 20.

 

Vào thế kỷ 19 và dưới thời Nhà Nguyễn Sài Gòn đã là một trong những tỉnh thành trù phú nhất Việt Nam vì tính đa dạng của nó và sự chung sống hòa hợp giữa các dân tộc Việt, Tàu, Miên. Căn cứ vào bản đồ của Trần Văn Học (lập năm 1815) đã có rất đông cư dân phía Đông và Nam thành phố (các khu vực giới hạn bởi rạch Thị Nghè và rạch Bến Nghé). Trên địa bàn Bến Nghé (Sài Gòn bây giờ) đã có khoảng 40 đường phố, rộng từ 15 đến 20 mét và có đặc điểm là song song hay thẳng góc với bờ sông, bờ rạch. Đi vào trung tâm Bến Nghé có hai con kinh (trên vị trí của các đường Hàm Nghi và Nguyễn Huệ ngày nay). Phía Tây và Bắc thành Phụng có ít người ở, mặc dù trên đường dẫn vào Chợ Lớn đã có nhiều cửa hàng buôn bán. Dọc theo các đường thủy và bộ nối liền hai trung tâm Sài Gòn và Chợ Lớn là các xóm làng chợ. Dọc theo hai bên rạch Bến Nghé có đến 21 làng. Theo truyền thống các làng được tổ chức theo hoạt động chuyên ngành về thương mại cũng như về nghề thủ công. Đặc biệt hơn nữa, có rất nhiều chợ là trung tâm buôn bán như: chợ Bến Thành, chợ Điều Khiển, Chợ Sỏi, chợ Cây Da còm, Chợ Quán, chợ Nguyễn Thúc, chợ Lò rèn, chợ Bình An... Về ngành thủ công truyền thống tại miền Nam có các ngành tiêu biểu dưới đây:


1-Nghề gốm

 

Kể từ mùa xuân Mậu Dần 1698 khi Nguyễn Hữu Cảnh được Chúa Nguyễn Phúc Chu cử vào Nam kinh lược, lấy đất Nông Nại làm phủ Gia Định, lập xứ Đồng Nai làm huyện Phước Long, dựng dinh Trấn Biên, lập xứ Sài Gòn đến nay đã hơn 300 năm. Theo sử liệu thì xóm Lò Gốm là một trung tâm thủ công nghiệp nổi tiếng nhất.
Khoảng cuối Thế kỷ 18 tại đây đã có 62 ty thợ do nhà nước quản lý và hàng trăm phường thợ trong dân gian. Nhiều ngành nghề tập trung trong các khu vực nhất định để rồi xuất hiện những địa danh như Xóm Chiếu, xóm Cốm, xóm Lò Rèn, xóm Dầu, xóm Chỉ, xóm Vôi, xóm Bột. Riêng xóm Lò Gốm vẫn còn tồn tại một số địa danh như đường Lò Gốm, đường Lò Siêu, đường Xóm đất, bến Lò gốm, rạch Lò gốm, kênh Lò gốm, thuộc khu vực quận 6,8,11 ngày nay.
Sử liệu sớm nhất nói đến nghề làm gốm ở Sài Gòn xưa là sách "Gia Định thành thông chí" của Trịnh Hoài Đức viết khoảng năm 1820. Đoạn viết về Mã trường Giang, kênh

 

Ruột Ngựa như sau:
"Nguyên xưa từ cửa Rạch Cát ra phía Bắc đến Lò Gốm có một đường nước đọng móng trâu, ghe thuyền không đi lại được. Mùa thu năm Nhâm Thìn (1772) cho đào con kênh thẳng như ruột ngựa nên mới đặt ra tên ấy…". Kênh Ruột Ngựa đã giúp cho ghe thuyền đi lại giữa Sài Gòn với miền Tây thêm thuận lợi. Bản đồ Thành Gia Định do Trần Văn Học vẽ từ cuối năm 1815 đã có ghi địa danh Xóm Lò Gốm ở khoảng làng Phú Lâm- Phú Định (ngày nay là khu vực quận 6 tiếp giáp quận 8). Bài "Phú cổ Gia Định phong cảnh vịnh" sáng tác khoảng đầu TK 19 miêu tả "Lạ lùng xóm Lò Gốm, chân vò vò bàn cổ xây trời".
Trong 62 ty thợ tập trung tại Sài Gòn làm việc cho nhà nước vào cuối TK 18 đã có các ty thợ Lò chum, ngói mộc, gạch mộc, lò gạch. Một vài tài liệu của Pháp cũng phản ánh về việc sản xuất gốm ở Chợ Lớn vào cuối TK 19: Tại Chợ Lớn có khoảng 30 lò gốm tập trung ở Hòa Lục, Phú Định, Cây Mai vùng Chợ Lớn sản xuất lu và các đồ gốm thông dụng như chậu vịm, siêu ấm, nồi trách, hũ khạp, cà ràng. Vùng Cây Mai có một lò sản xuất đồ sành. Các lò này lấy nguyên liệu tại chỗ, tuỳ chất đất mà sản xuất thành các loại sản phẩm. Mỗi lò gốm hàng năm có thể sản xuất hàng trăm ngàn sản phẩm. Đến đầu TK 20 vẫn còn nhiều lò gốm nổi tiếng như lò Tín Di Hưng, Quảng Di Thành, Hiệp Hưng, Bửu Nguyên, Đồng Hòa, các lò chuyên sản xuất lu, khạp và đồ gia dụng. Theo Vương Hồng Sển: "Từ khi lấp rạch Chợ Lớn thì rạch Lò gốm, kinh Vòng Thành không thông thương và lò gốm chỉ còn sót lại cái tên trơn và không sản xuất đồ gốm nữa …".

 

Từ những tư liệu lịch sử trên và qua khảo sát thực tế có thể nhận biết địa bàn xóm Lò Gốm xưa khá rộng, gồm các làng Hòa Lục (quận 8), Phú Định-Phú Lâm (quận 6), Phú Giáo-Gò Cây Mai (quận 11) trải dài đôi bờ kênh Ruột Ngựa, kênh-rạch Lò Gốm. Những con kênh này là tuyến đường giao thông chính của khu vực Sài Gòn cũ, nay là Chợ Lớn: một vùng thấp trũng chằng chịt kênh rạch lớn nhỏ, mọi sự đi lại đều dùng ghe xuồng. Kênh Ruột Ngựa và rạch Lò Gốm còn nối liền rạch Chợ Lớn với rạch Cát (Sa Giang) và rạch Bến Nghé. Từ ngã ba "Nhà Bè nước chảy chia hai" xuồng ghe theo rạch Bến Nghé và kênh Tàu Hũ qua kênh Ruột Ngựa ra sông Cát về miền Tây.
Ngày nay rạch Chợ Lớn không còn nữa, nhiều đoạn rạch Lò Gốm biến mất, nhất là khu vực Gò Cây Mai hầu như không còn dấu tích con đường thuỷ quan trọng này. Kênh Ruột Ngựa không còn thẳng như tên gọi do bị bồi lấp lấn chiếm hai bên bờ. Kênh Lò Gốm ngày càng cạn hẹp dù đã nạo vét nhiều lần. Tuy nhiên ghe xuồng vẫn theo con nước mà xuôi ngược, dù nơi đây đã phát triển hệ thống đường bộ chằng chịt như mạng nhện, dù các làng nghề-phố nghề ven kênh rạch không còn nữa… đủ biết trước đây trước đây tuyến đường thủy này quan trọng như thế nào.

 

Dấu tích vật chất của xóm Lò Gốm ngày xưa nay chỉ còn lại di tích lò gốm Hưng Lợi thuộc làng Hòa Lục (phường 16 quận 8), nằm ven kênh Ruột Ngựa. Đối diện là làng Phú Định cách đây vài năm còn một số gia đình làm nghề "nặn ông lò", bếp gốm. Cuộc khai quật năm 1997-1998 đã tìm thấy tại đây phế tích 3 lò gốm kiểu lò ống (lò Tàu) là loại lò thông từ bầu lửa đến ống khói, dốc và hẹp, nền lò được gia cố nhiều lần, thành lò đắp dày bằng phế phẩm. Các đoạn vách lò còn lại được xây bằng loại gạch lớn tráng men dày, lòng lò chứa đầy mảnh sản phẩm mà qua đo có thể nhận biết một số loại sản phẩm đặc trưng của lò Hưng Lợi. Ba lò gốm này sản xuất nối tiếp nhau trong một thời gian khá dài nhưng có thể không liên tục vì lò gốm của giai đoạn sau được xây trên một phần lò cũ hoặc sửa chữa gia cố lại lò cũ.
Theo nhiều nhà nghiên cứu, nguồn gốc của nghề làm gốm mang tính chất sản xuất hàng hóa ở Gia Định-Đồng Nai là sự kết hợp nghề gốm của lưu dân người Việt với truyền thống kỹ thuật sản xuất gốm mà người Hoa mang vào vùng đất này trong bước đường lưu lạc kiếm sống. Từ khi được các Chúa Nguyễn cho vào định cư tại Cù Lao Phố, vùng Sài Gòn (cũ) và rải rác một số nơi khác, người Hoa sinh sống chủ yếu bằng thương nghiệp và thủ công nghiệp. Tại Cù Lao Phố trên sông Đồng Nai (nay thuộc thành phố Biên Hoà) cũng có Rạch Lò Gốm, bến Miểng Sành mà qua khảo sát, các loại sản phẩm hầu như không khác biệt với sản phẩm ở khu lò gốm cổ Hưng Lợi. Các phường thợ làm gốm của người Hoa thường gồm những người đồng hương và chuyên sản xuất một vài loại sản phẩm. Người Hẹ chuyên làm lu, khạp, hũ men nâu và men vàng (men da lươn, da bò); người Tiều (Triều châu) chuyên làm đồ "bỏ bạch" (không men) như siêu, nồi có tay cầm; người Quảng (Đông) chuyên làm chén, đĩa có men trắng hay men nhiều màu. Hiện nay truyền thống kỹ thuật này vẫn phổ biến ở những lò lu, lò gốm ở khu vực Quận 9 (như lò Long Trường), ở Tân Vạn thành phố Biên Hòa và Lái Thiêu, Bình Dương…, dù các chủ lò có thể không phải là người Hoa.

 

Khoảng giữa thế kỷ 20, cùng với những biến cố chính trị-xã hội, quá trình đô thị hóa nhanh chóng và mạnh mẽ theo một quy hoạch nhất định là nguyên nhân quan trọng làm cho các làng nghề thủ công ở Sài Gòn - Chợ Lớn không còn điều kiện tồn tại, hoặc phải tìm địa bàn mới để phát triển ở vùng ven ngoại thành hay xa hơn, đến các tỉnh lân cận. Đô thị hóa làm biến mất cảnh quan tự nhiên, vùng nguyên liệu không còn, kênh rạch bị lấp dần, phố xá mọc lên. Vị trí ưu đãi của một làng gốm không còn nữa, việc sản xuất không còn đáp ứng được những nhu cầu mới của thị trường mới, các lò gốm, lò gạch ngói cuối cùng của Xóm Lò Gốm ngừng sản xuất. Xóm Lò Gốm của Sài Gòn xưa phải kết thúc vai trò của mình, nhường bước cho sự phát triển của vùng gốm Biên Hoà – Lái Thiêu.

 

Trong những nét đẹp tạo nên dung mạo cổ kính và có giá trị cao cho các di tích kiến trúc - nghệ thuật ở Sài Gòn là những sản phẩm gốm làm tại Sài Gòn hay quanh Sài Gòn, đặc biệt như một số khu vực gốm Cây Mai (Phú Lâm), gốm Lê Châu (Chợ Lớn), gốm Biên Hòa... Trong đó gốm Cây Mai có nét đặc trưng tiêu biểu nhất. Gò Cây Mai nổi tiếng cũng nằm trên khu vực xóm Lò Gốm. Xóm Lò Gốm nằm ở vùng đất kinh Ruột Ngựa, gồm cả Hòa Lục (Q. 8) và Phú Định (Q. 6) ngày nay. Đồng Hòa là tên lò gốm quen thuộc của người dân sống trong vùng Cây Gõ, Phú Lâm. Ngoài các sản phẩm gia dụng bằng đất nung có sơn men chống thấm, Cây Mai còn sản xuất đồ sành men cao cấp dùng để trang trí, thờ tụng.. Nghề thêu tay Nghệ thuật thêu rồng bay phượng múa trên những chiếc áo của vua chúa ngày xưa phản ánh phần nào khả năng sáng tạo của người Sài Gòn thời quá khứ. Đặc biệt, sản phẩm của nghề này là món quà lưu niệm quý giá đậm đà màu sắc quê hương đối với những người Việt xa quê hương trong những ngày Tết cổ truyền.


2-Nghề đúc đồng

 

Suốt trong lịch sử Việt Nam, từ thời Phùng Nguyên đến thời Đông Sơn, qua thời Bắc thuộc đến tận cuối thời tự chủ, không bao giờ thiếu vắng những trung tâm đúc đồng lớn trên đất Việt Nam. Các hiện vật còn lưu giữ lại đều hết sức phong phú về số lượng, độc đáo về kiểu dáng. Ở Sài Gòn đúc đồng là một nghề thủ công dân gian truyền thống. Nếu bỏ qua sự tồn tại về một nghề đúc đồng của các cư dân bản địa thì nghề đúc đồng của người Việt có lẽ đã xuất hiện ngay từ những thế hệ đầu tiên đi mở đất. Với những nhu cầu về vũ khí, đồ sinh hoạt... Và, ngày càng được bổ sung phát triển bởi những đợt di dân sau đó. Khoảng thế kỷ 18, tại Sài Gòn xưa đã dần dần hình thành một số khu vực chuyên môn hóa về nghề đúc đồng. Khu vực ra đời sớm nhất là địa bàn Chợ Quán (nay thuộc quận 5) với 3 làng cổ Tân Kiểng, Nhân Giang và Bình Yên. Các nghệ nhân đúc đồng bấy giờ là những di dân từ các phường thợ ở Quy Nhơn vào. Họ đã nhanh chóng tập trung lại thành những làng thợ đúc và sản xuất ra những mặt hàng như nồi đồng, chảo đồng, ô đồng, lư hương, chân đèn... được mọi người ưa chuộng.

 

Kế đó là khu vực Tân Hòa Đông (nay thuộc quận 6) chuyên chế tạo lư đồng, chân đèn và nấu đồng thành thỏi. Một trong những tác phẩm xuất sắc của khu vực này là chiếc lư đã được đúc hàng loạt ở đây từ thế kỷ trước. Điều đáng tiếc là các nghệ nhân ở Tân Hòa Đông không rõ tổ tiên của họ từ đâu đến.
Cạnh 2 khu vực kể trên còn có 2 khu vực khác nổi tiếng về nghề đúc đồng là: -Khu vực Thuận Kiều (Hóc Môn), từ TK 19 đã từng được biết với nghề đúc lư hương cha truyền con nối. Ở đây sản xuất cả 2 kiểu lư: Lư bắc (đỉnh trầm) và lư nam (lư hương), đặc biệt còn sản xuất cả siêu đao và thập bát ban binh khí. Thợ tại khu vực này chủ yếu là con cháu của các thợ đúc miền Trung đã vào đây lập nghiệp từ nhiều đời.
-Khu vực Thông Tây Hội (Gò Vấp) từ lâu cũng là nơi tập trung nhiều lò đúc đồng thủ công. Sản phẩm lư hương Thông tây hội khá phổ biến. Theo một số nghệ nhân có tuổi thì nghề đúc này là do cha ông truyền lại.

 

Đầu thế kỷ 20, Trường Mỹ nghệ Thủ Dầu Một và trường Mỹ nghệ Biên Hòa được thành lập, góp phần với các khu vực kể trên chế tạo đồ mỹ nghệ bằng đồng. Học sinh theo học hầu hết là người địa phương Sài Gòn. Sản phẩm của các nghệ nhân do trường đào tạo chủ yếu là những tượng đầu người như tượng phụ nữ Nam, Trung, Bắc và tượng thú khá nổi tiếng...

 

Giữa thế kỷ 20, một số gia đình ở làng Ngũ Xã (Hà Nội) vào định cư tại vùng Hòa Hưng (Sài Gòn) mang theo nghề đúc đồng cẩn tam khí, hình thành một xóm nhỏ chuyên đúc đồng tam khí ở đây. Công việc của họ là đúc ra đồ đồng rồi cẩn tam khí (vàng, bạc, đồng) lên các đồ đồng ấy. Sản phẩm của họ là các tượng thần thánh tiên phật và các đồ gia dụng khác, tuy sanh sau đẻ muộn, song họ giữ độc quyền sản xuất, lại có tay nghề cao, sản phẩm đẹp nên đồng tam khí Hòa Hưng được nhiều người biết tiếng đặt hàng.

 

Sản phẩm của nó rất đa dạng, từ đồ gia dụng cho tới đồ thờ cúng, có thể kể như sau: nồi, mâm, chảo, xanh, ô trầu, lư, chân đèn, bát nhang, bình bông, tượng Phật, tượng người, tượng thú, đồ tam khí, siêu đao... hầu như nghề đúc đồng ở Sài Gòn xưa đã đáp ứng khá đầy đủ mọi nhu cầu sử dụng của cư dân địa phương.
Theo quy định thì ngày 25 tháng 12 Âm lịch hàng năm là ngày cúng tổ nghề đúc đồng ở Tân Hòa Đông. Vào ngày này, cũng là ngày giáp tết, thợ cả, thợ bạn tập hợp lại, dọn dẹp đồ nghề, cúng kiếng, ăn uống với nhau rồi nghỉ Tết chờ ra giêng cúng tổ sản xuất lại.
Tuy không ai biết đích xác tổ nghề là ông nào nhưng việc cúng tổ hàng năm vẫn được tuân thủ một cách trang trọng. Ở Hòa Hưng thì nghệ nhân không nhớ được ngày cúng tổ, mà chỉ biết một cách sơ lược tổ nghề là ông Khổng Minh Không. Có thể nói rằng ở cả hai nơi Tân Hòa Đông và Hòa Hưng, nghề đồng cổ truyền đã mất dần những lễ nghi liên quan đến nghề nghiệp. Những điều cấm kỵ trong nghề đúc đồng ở Sài Gòn xưa tuy ít, song rất chặt chẽ, ngày nay cũng còn một phần nào được tuân theo. Đó là việc cấm những người lạ, đặc biệt là phụ nữ, bước vào khu vực làm khuôn và đúc đồng. Hai lý do chính của sự cấm đoán này là: sợ học trộm nghề và sợ làm ô uế.
Về mặt kỹ thuật, nói chung các khu vực đúc đồng ở Sài Gòn xưa đều thực hiện ba công đoạn tương tự nhau: Công đoạn làm khuôn; công đoạn đúc; công đoạn nguội. Riêng nghề đúc đồng cẩn tam khí còn phải thêm các công đoạn sau: Công đoạn chế tác tam khí; Công đoạn cẩn và tách tam khí; Công đoạn đánh bóng và nhuộm sản phẩm.


3-Nghề đúc gang

 

Mỗi lẫn nhắc tới cái tên xã Thạch Phú, huyện Vĩnh Cửu, người dân Đồng Nai không còn xa lạ bởi nơi đây có một ngành nghề tiểu thủ công nghiệp truyền thống tồn tại rất lâu đời, đó là nghề đúc gang. Cứ đến ngày mồng 2 tháng 2 âm lịch hàng năm, các nghệ nhân nghề của làng này đều tập trung về nhà thờ tổ của ông Đào Văn Tham để cúng giỗ. Nghề đúc gang tại xã Thạch Phú (trước đây là làng Bình Thạch, tổng Phước Vĩnh Hạ) do ông tổ làng nghề họ Đào truyền lại. Ban đầu ông chỉ có một đôi bễ thổi lửa, một lò nấu gang, một số khuôn đất sét, nhiên liệu dùng để đốt lò nấu gang là than gỗ. Sản phẩm làm ra gồm lưỡi cày, lưỡi mai, nồi gang, chảo gang… Dần dần, công việc sản xuất kinh doanh ngày một tiến triển, có thời kỳ nghề đúc gang lên tới 30 lò ở các làng Bình Thạch, Tân Phong, Bình Thành, Bình Lợi, Bình Ý…
Hiện nay, xã Thạch Phú còn 9 cơ sở đúc gang trên 100 năm tuổi, phần lớn là cha truyền con nối và từ bao đời nay được xem là nguồn thu nhập chính của một bộ phận lớn dân cư ở đây. Vốn đầu tư của 9 cơ sở này khoảng 2 tỷ đồng, tạo việc làm thường xuyên cho khoảng 200 lao động với thu nhập bình quân từ 1,2 triệu – 1,8 triệu đồng/tháng. Doanh thu hàng năm của ngành nghề đúc gang đều tăng, năm 2005 con số doanh thu là 20 tỷ đồng tiêu thụ theo đơn đặt hàng. Sản phẩm đúc gang thường là puli xay lúa, phụ tùng máy ép gạch, máy nổ, máy bơm nước, nhông gang, trục cầu… chủ yếu theo đơn đặt hàng của các xí nghiệp cơ khí máy nông nghiệp như Công ty Vikyno, Công ty Vinappro, công ty Thành Nhân xuất khẩu, công ty công nghệ cao.... mà còn tiêu thụ mạnh ở Chợ lớn – Sài Gòn.
---------------

Tài liệu tham khảo:

-http://www.thoangsaigon.com/saigon/vhnambo/dancanambo.asp
-httP://vannghesongcuulong.org
-http://www.vanhoahoc.edu.vn/site/index.php? option=com_content&task=view&id=489& Itemid=n 71.