Dân Chúa Âu Châu

BY: HOÀNG THẠCH

 

Đôi lời mở đầu

“Đàn ông chớ kể Phan Trần,

Đàn bà chớ kể Thúy Vân, Thúy Kiều’’

Hai câu thơ trên đã trở thành ca dao của dân tộc Việt Nam nhằm khuyên bảo những ai còn tôn trọng luân thường đạo lý và phong tục tập quán của thời xa xưa hãy thận trọng, khi kể hai truyện này cho con cháu.

Suốt trong thời kỳ Quân chủ người Việt Nam chịu ảnh hưởng đạo Khổng nên phụ nữ không mấy được tự do và hạnh phúc theo ý mình. "Trai năm thê bẩy thiếp, gái chính chuyên một chồng’’ là một chứng minh cụ thể. Vì thế, người phụ nữ nào vượt ra ngoài "Tam Tòng, Tứ Đức’’ thì cuộc đời của họ coi như mất nhiều giá trị trước gia đình và xã hội.

 

Tam Tòng

 

- Tại gia tòng phụ: người phụ nữ khi còn ở nhà phải theo cha,

- Xuất giá tòng phu: lúc lấy chồng phải theo chồng,

- Phu tử tòng tử: khi chồng chết phải theo con.

 

Tứ đức: Công, Dung, Ngôn, Hạnh.

 

- Công: biết ngành nghề và khôn khéo trong mọi việc làm.

- Dung: sắc diện khoan thai, hòa nhã.

- Ngôn: lời nói nhẹ nhàng, lễ độ.

- Hạnh: tính nết nhu mì, ngoan hiền, đạo đức.

 

Trong cái xã hội đề cao luân lý như vậy mà Truyện Kiều lại nói về cuộc đời của một thiếu nữ lỗi thề với người tình, lấy cớ chuộc cha, bán cái trinh tiết của mình, sống đời trụy lạc ở phòng trà ca nhạc, tiếp đủ mọi hạng khách, hát cho đủ mọi hạng người say mê "tứ đổ tường’’ nghe chơi, giải trí v.v… thì dưới con mắt của các nhà luân lý đạo đức vào thời xa xưa đó là một truyện không tốt, có hại cho tuổi trẻ.

Nguyễn Công Trứ (1778-1858), nhà quân sự, kinh tế và nhà thơ nổi tiếng qua các triều đại Gia Long, Minh Mệnh, Thiệu Trị và Tự Đức, đã kịch liệt phê phán nhân vật chính

 

Thúy Kiều:

 

"Bạc mệnh chẳng lầm người tiết nghĩa

Đoạn trường cho đáng kiếp tà dâm

Bán mình trong bấy nhiêu năm

Dễ đem chữ hiếu mà lầm được ai

Nghĩ đời mà ngán cho đời".

 

Sau khi ra đời vào đầu thế kỷ XIX, Truyện Kiều đã là đầu đề cho nhiều công trình nghiên cứu, bình luận và gây nên những cuộc bút chiến cả về phương diện văn học đến luân lý đạo đức và chính trị. Đầu thế kỷ XX, dưới thời Pháp thuộc, cuộc tranh luận về Truyện Kiều càng sôi nổi hơn, quan trọng nhất là những bài phê bình của các nhà yêu nước Ngô Đức Kế và Huỳnh Thúc Kháng đã phản đối phong trào cổ xúy Truyện Kiều do học giả, Thượng Thư Phạm Quỳnh đề xướng (1924) qua câu nói nổi danh: "Truyện Kiều còn, tiếng ta còn; tiếng ta còn, nước ta còn’’.

 

Bản Kiều dịch sang chữ quốc ngữ đầu tiên vào năm 1875 của nhà bác học ngôn ngữ Công Giáo Trương Vĩnh Ký đã trở thành phổ thông mà nhiều người say mê đã nghiền ngẫm và học thuộc lòng.

Không chỉ Phạm Quỳnh cổ võ cho việc phát triển chữ quốc ngữ qua truyện Kiều mà học giả Đào Duy Anh trong lời mở đầu Từ điển Truyện Kiều (1974), đã viết:

"Trong lịch sử ngôn ngữ và lịch sử văn học Việt Nam, nếu Nguyễn Trãi với Quốc âm thi tập là người đặt nền móng cho ngôn ngữ văn học dân tộc thì Nguyễn Du với Truyện Kiều lại là người đặt nền móng cho ngôn ngữ văn học hiện đại của nước ta. Với Truyện Kiều của Nguyễn Du, có thể nói rằng ngôn ngữ Việt Nam đã trải qua một cuộc thay đổi về chất và đã tỏ rõ khả năng biểu hiện đầy đủ và sâu sắc... Nguyễn Du sinh quán ở Thăng Long, tổ quán ở Nghệ-Tĩnh, mẫu quán ở Bắc Ninh, đã nhờ những điều kiện ấy mà dựng lên được một ngôn ngữ có thể nói là gồm được đặc sắc của cả ba khu vực quan trọng nhất của của văn hóa nước ta thời trước".

Trước khi đi sâu vào nội dung của thi phẩm độc đáo, có một không hai trong lịch sử văn học Việt Nam, chúng tôi mời quí độc giả cùng tìm hiểu Truyện Kiều được viết vào thời gian nào?

 

1- Nguồn gốc truyện Kiều

 

Theo quyển Việt Nam Văn Học Sử của Phạm Thế Ngũ thì học giả Đào Duy Anh đã tìm ra vết tích truyện Kiều trong văn học sử của người Tầu. Gốc  gác đầu tiên của Truyện Kiều thực ra xuất phát từ truyện Vương Thúy Kiều trong tập Ngu Sơ Tản Chí do Dư Hoài, một văn gia đời Nhà Minh (1368-1566) viết ra. Theo Dư Hoài thì nhân vật Vương Thúy Kiều là người thật. Nàng có nhan sắc, hát hay, trước lấy một người lái buôn là La Long Vân, sau lấy tướng cướp Từ Hải. Vì muốn trở về quê, Kiều khuyên Từ Hải ra hàng Hồ Tôn Hiến; nhưng sau Từ Hải bị giết, nàng bèn nhẩy xuống sông Tiền đường tự vẫn. Dư Hoài cho rằng vì nàng có tiết nghĩa nên chép thành truyện để lưu lại cho người đời sau.

 

Đến thời Nhà Thanh (1644-1911) một nhà văn có bút hiệu là Thanh Tâm Tài Nhân dựa vào truyện Vương Thúy Kiều viết thành quyển tiểu thuyết Kim Văn Kiều và thêm vào đoạn cuối Kiều tự tử không chết, đoàn tụ với người tình là Kim Trọng.

Kết cấu của tác phẩm Kim Vân Kiều được miêu tả theo thời gian, trình tự diễn biến của sự kiện và quá trình hành động của nhân vật chính. Tác phẩm kèm nhiều lời bình giảng, giáo huấn đạo lý; bên cạnh đó là việc sử dụng rất nhiều điển tích cố xưa, nhân vật gặp cảnh ngộ vui buồn, éo le đều thường làm thơ, tứ, kệ, hoạ đàn… nhân đó mà bày tỏ tâm trạng và tình cảm của mình khiến cho văn chương trong Kim Vân Kiều càng đậm nét cổ. Nguyễn Du theo quyển tiểu thuyết của Thanh Tâm Tài Nhân viết lại truyện Kiều bằng thơ lục bát, bỏ một số đoạn có vẻ nặng về tình dục làng chơi và sắp xếp tình tiết mạch lạc hơn.

 

Thanh Tâm Tài Nhân tên thật là Từ Văn Trường, tức Từ Vị, ông còn có một số bút danh khác là Thiện Tri, Thanh đằng, Điền Thủy Nguyệt. Ông học giỏi hiểu biết rộng nhưng lận đận chốn quan trường, bèn làm mặc khách của Hồ Tôn Hiến. Sinh thời đã có lần Thanh Tâm Tài Nhân thảo tờ biểu "Dâng hươu trắng" cho vua nên trở thành nổi tiếng. Ngoài Kim Vân Kiều, ông còn viết bộ kịch Tứ Thanh vi yên gồm bốn vở. Kim Vân Kiều là một bộ tiểu thuyết chương hồi có lối kết cấu truyền thống theo kiểu văn xuôi cổ điển của người Tầu. Sách gồm 20 hồi, trước mỗi hồi đều có phần giới thiệu tóm lược nội dung, lời bình phẩm mà người đời sau thường xem là lời của Kim Thánh Thán. Cuối mỗi hồi đều có câu: muốn biết sự việc thế nào, xin xem hồi sau phân giải…

 

Nhận định 1

 

Như vậy vai Kiều, Từ Hải, Hồ Tôn Hiến trong truyện đầu tiên của Dư Hoài là người thật và các sự kiện xẩy ra cũng có thật. Đến tiểu thuyết của Thanh Tâm Tài Nhân thì câu truyện thật này được phóng tác thêm các vai Thuý Vân, Kim Trọng, Sở Khanh, Thúc Sinh, Hoạn Thư, Tú Bà và cuộc đời lang bạt của Thuý Kiều, với nhiều tình tiết lãng mạn hơn để hấp dẫn người đọc. Nguyễn Du dựa theo quyển tiểu thuyết của Thanh Tâm Tài Nhân viết truyện Kiều bằng thơ lục bát bằng tiếng Nôm, chữ quốc ngữ thời đó. Từ đấy người ta mới nghĩ truyện Kiều là một truyện tưởng tượng, vì trong cái xã hội đạo đức khắt khe như vậy thì khó có chỗ đứng cho gái giang hồ?

 

2- Các giả thuyết về sự ra đời của Truyện Kiều

Hiện có hai giả thuyết:

Giả thuyết 1:

Nguyễn Du viết Truyện Kiều sau khi đi sứ Trung Hoa (1814-1820). Thuyết này dựa vào sách Đại Nam liệt truyện, quyển 20, tờ 9a có chép: "Nguyễn Du giỏi quốc âm. Đi sứ Tầu về thì có Bắc Hành Thi Tập và truyện Thuý Kiều hành thế’’. Dựa vào đó học giả Pham Quỳnh và sử gia Trần Trọng Kim cho rằng Nguyễn Du nhân đi sứ, đọc được truyện Tầu, về nhà phóng tác truyện Kiều. Thuyết này được nhiều người tin cho tới khi ông Nguyễn Văn Tố (1889-1947), nhà nghiên cứu của Trường Viễn Đông Bác Cổ Hà Nội, tìm ra tài liệu khác chứng minh Truyện Kiều ra đời trước thời gian Nguyễn Du đi sứ Tầu.

 

Giả thuyết 2:

-Ông Nguyễn Văn Tố đã tìm ra sách Kim Văn Kiều Án, (là một bản luận đoán về các nhân vật trong truyện Kiều), của Nguyễn Văn Thắng, một người xấp xỉ đồng thời với Nguyễn Du. Nguyễn Văn Thắng đậu cử nhân năm 1825 lúc 23 tuổi, sau khi Nguyễn Du mất được 3 năm. Trong bài tựa sách Kim Văn Kiều Án, NguyễnVăn Thắng viết:

"Xưa nhà Ngũ Vân Lâu bên Tầu in bản thực lục đã lưu hành khắp chỗ từ trước đến nay. Kịp đến quan Đông Các nước ta phụ diễn ra quốc âm, truyền rộng ở đời, nhiều người được tai nghe, mắt thấy… Chẳng những văn nhân tài tử, mắt nhìn truyện ấy thì tâm thần vui tươi khoan khoái mà đến cả bố cu mẹ đĩ hễ miệng đọc thì cũng khoa chân múa tay. Bấy giờ tôi đương lênh đênh giang hồ dấu bèo trôi dạt, sau khi đọc xong rồi thì lại vô tâm không nghĩ đến. Mùa Đông năm Canh Dần (1830) tôi bị hạ ngục, suốt ngày ngồi ngây không biết làm gì cho khuây khỏa. Nhân thường đọc truyện Kiều Nôm, may cũng lĩnh hội được lời lẽ rồi ngẫm nghĩ về văn chương. Thiết tưởng trong 1575 câu thơ (?), thật là lời văn liền nối, tình tự tính công, dẫu Bằng Quận Công và Long Lĩnh Hầu cũng khó lòng giữ riêng được cái hay mà không san nhường. Như bọn tôi đây, đâu dám tầm chương tích cú mà so sánh được’’ (lời dịch của Hoa Bằng, Kim Văn Kiều án, báo Tri Tân số 85, Mars 1945).

 

Tựa đề trên cho biết hai sự kiện: -Truyện Kiều sau khi ra đời đã được mọi giới ham chuộng cả ở bên Tầu lẫn ở Việt Nam - Quan Đông Các là chức vụ của Nguyễn Du vào khoảng năm 1806-1809, trước khi ông làm Cai Bạ Quảng Bình và trước khi đi sứ Tầu năm 1813. Nếu sau khi đi sứ về thì Nguyễn Văn Thắng phải viết là Quan Tham Tri Bộ Lễ mới đúng chức vụ của Nguyễn Du vào thời điểm này.

-Hoàng Xuân Hãn có nhắc đến Phạm Quý Thích là người đầu tiên đề thơ về Kiều trên đường vào Kinh. Ông Vũ Thế Khôi cho biết bài “Giai nhân bất thị đáo Tiền Đường …” thật ra có tên là Thính Đoạn Trường Tân Thanh Hữu Cảm có trong tập Lập Trai Tiên sinh Di Thi Tục Tập, ký hiệu A 2140. Học giả Hoàng Xuân Hãn đoán rằng có thể do Nguyễn Nễ (có tên là Đề và là anh ruột Nguyễn Du) hoặc Đoàn Nguyễn Tuấn (anh vợ Nguyễn Du) cùng đi sứ sang Tầu thời Tây Sơn, khoảng 1792-1793 đã mang sách truyện của người Tầu về Việt Nam.

 

-Hà Thị Tuệ Thành, tiếp tục công việc của ông Vũ Thế Khôi, tìm thấy bài này trong Lập trai Phạm Tiên sinh Thi tập, ký hiệu A-400 và qua đó xác định được Phạm Quý Thích viết bài thơ này vào năm 1811 (xin xem bài tham luận tại Hội thảo Quốc tế về chữ Nôm, Huế, 31/5 đến 2/6/2006). Truyện Kiều phải được viết trước đó. Học giả Hoàng Xuân Hãn đã cho biết: Nguyễn Lượng bị chết vào khoảng 1807. Vì có sự phê bình của ông ấy nên biết rằng Truyện Kiều được viết vào đầu đời Gia Long hoặc trước đời Gia Long (xin xem tạp chí Văn học, số 3-1997).

 

-Ngô Đức Thọ thấy Đại Nam Nhất Thống Chí viết Nguyễn Lượng bị chết năm 1807 đúng như Học giả Hoàng Xuân Hãn nói. Liên quan đến Nguyễn Lượng, gần đây Phan Thanh Sơn và Hà Thị Tuệ Thành nhận thấy trong lời bình bằng chữ Hán của ông có bốn chữ “bách chủng hoan ngu”. Chắc chắn ông không dám viết chữ CHỦNG vào thời Nguyễn, vì vào năm 1803 Gia long đã có lệnh cấm dùng chữ CHỦNG, khi viết phải thay bằng chữ THỰC (xin xem tạp chí Văn hóa Nghệ An số 71, 25/2/2006).

 

-Trương Chính nhận xét rằng trong Truyện Kiều có những câu “nghịch ngôn” như:   “Bó thân về với triều đình / Hàng thần lơ láo phận mình ra đâu?” “Chọc trời khuấy nước mặc dầu/ Dọc ngang nào biết trên đầu có ai”

Những câu này chỉ có thể được sáng tác trước thời Nguyễn. (xin xem tạp chí Văn học số 6 (12/1963)

 

-Nguyễn Khắc Bảo nhận thấy bản Liễu Văn Đường 1871 còn sót các chữ đáng lẽ phải kiêng dưới thời Nguyễn. “Câu 853: Tuồng chi là giống hôi tanh. Câu 1310: Thang lan rủ bức trướng hồng tẩm hoa. Câu 2750: Cỏ lan mặt đất rêu phong dấu giày. Trong đó chữ Lan là tên mẹ cả của vua Gia Long tức Huy Gia từ phi” (xin xem tạp chí Ngôn ngữ và đời sống, số 6 (56) 2000).

Đến nay, hầu như ai cũng thừa nhận: Truyện Kiều được hoàn thành trước tiên; sau đó Nguyễn Thiện theo văn Kiều mà nhuận sắc Hoa tiên, và cuối cùng Nguyễn Huy Hổ theo văn Hoa tiên mà viết Mai đình mộng ký. Tác phẩm sau cùng hoàn thành vào năm 1809.

 

-Nguyễn Tài Cẩn đã chứng minh rằng Hoa tiên, tác phẩm thứ hai được nhuận sắc trong khoảng mười năm cuối thế kỷ 18. Trong Hoa tiên có bài thơ chữ Hán trong đó có chữ CHỦNG, tên của Gia Long (xin xem báo Văn nghệ, số 22). Đây chính là một lý do để ta tin rằng Truyện Kiều, tác phẩm thứ nhất phải được viết trước việc nhuận sắc Hoa tiên vài năm.

 

-Thạch Giang lại cho rằng, có thể trong chuyến đi sứ năm 1763, Thám hoa Nguyễn Huy Oánh đã mang Hoa tiên và Kim Vân Kiều truyện từ Trung Quốc về tàng trữ tại Phúc Giang thư viện. Nhờ đó Nguyễn Huy Hổ có điều kiện đọc Hoa tiên, Nguyễn Du do lui tới Phúc Giang thư viện học tập, nấu sử sôi kinh sớm được đọc Kim Vân Kiều truyện để sáng tác Truyện Kiều. Song, điều này thì chắc chắn: ở truyện “Liên Hồ quận quân” trong cuốn “Lan Trì kiến văn lục”, viết vào khoảng 1793-1794 của Vũ Trinh, có câu: “Thúy Kiều gieo mình sông lớn”.

 

-Nguyễn Huy Hổ theo văn Kiều và văn Hoa tiên mà viết Mai đình Mộng ký, hoàn thành vào năm 1809. Những chứng cứ trên cho phép ta hình dung: Kim Vân Kiều truyện của Thanh Tâm Tài Nhân đã vào nước ta vào những năm sáu mươi, bảy mươi của thế kỷ 18. Nhờ đó Nguyễn Du sớm được đọc và theo đó mà viết Truyện Kiều. Nguyễn Thiện theo văn Kiều mà nhuận sắc Hoa tiên vào mười năm cuối thế kỷ 18.

Như thế Truyện Kiều xong trước việc nhuận sắc Hoa tiên nên phải được viết vào những năm cuối đời Lê đầu đời Tây Sơn, trùng với kết luận của GS Nguyễn Tài Cẩn rút ra được từ việc phát hiện chữ húy thời Lê - Trịnh trong một số bản Kiều Nôm. 

 

2-Bản chính Truyện Kiều nay ở đâu?

 

Theo Hội Bảo tồn Di sản chữ Nôm và Nhóm Nôm Na gồm: John Balaban, Ngô Thanh Nhàn, Ngô Trung Việt, Vũ Xuân Lương, Lê Văn Cường, Lương Thị Hạnh, Tô Trọng Đức, Ngô Thanh Giang thì Truyện Kiều nào là của Nguyễn Du, vì tác phẩm này chưa từng được in ra, trừ một vài bản in khắc gỗ. Chắc bản nguyên tác đã bị thất lạc và khó có khả năng tìm lại được. Các nhà khảo cứu từ trước đến nay đều cố gắng so sánh, đối chiếu các văn bản có được, cân nhắc từng chữ từng ý với mục đích cuối cùng là tái dựng lên một bản chuẩn, phục vụ cho việc giảng dạy thống nhất trong nhà trường, cũng như phục vụ cho đông đảo bạn đọc. Đó là một công việc hết sức nặng nhọc, nhưng cũng đầy ý nghĩa.

 

-Xuất xứ tác phẩm

 

Mặc dù Truyện Kiều được truyền miệng qua nhiều thế hệ của người Việt trên khắp mọi miền đất nước, nhưng ít người biết đến phiên bản chính thức bằng chữ Nôm do chính Nguyễn Du viết còn lưu truyền lại. Trên thực tế, tất cả các tác phẩm Truyện Kiều đã được xuất bản trước đây, trong nước cũng như ngoài nước, không bao gồm phần chữ Nôm, dù vẫn biết đó là phần bản gốc để dịch ra chữ Quốc Ngữ. Ngày nay người ta thấy một vài phiên bản xuất bản gần đây đã đính kèm theo phần tác phẩm bằng chữ Nôm chụp sao lại từ một bản in khắc gỗ từng lưu hành trong quá khứ. Hiện nay có rất nhiều phiên bản Truyện Kiều được lưu hành. 6 trong số những phiên bản chữ Nôm lâu đời nhất nhưng có những điểm khác nhau khiến người ta không khỏi phân vân đặt câu hỏi phiên bản nào chính xác.

 

Phiên bản năm 1866

 

Truyện Kiều năm 1866 là một phiên bản của Liễu Văn Đường, được Bảo tàng Khu lưu niệm Nguyễn Du ở Nghệ An tìm thấy. Từ bản phô-tô do Bảo tàng Khu lưu niệm Nguyễn Du gửi tặng, Nguyễn Quảng Tuân, một trong những học giả hàng đầu về chữ Nôm và Truyện Kiều, đã thực hiện một cuộc khảo cứu về phiên âm, khảo dị và chú giải. Tác phẩm do Nhà xuất bản Văn học và Trung tâm Nghiên cứu Quốc học xuất bản năm 2004. Bản Kiều năm 1866 này bị mất 18 tờ (36 trang), làm thiếu đi 864 câu (mỗi trang 24 câu) trong tổng số 3254 câu. Để bổ khuyết cho 36 trang bị mất, tác giả lấy 36 trang tương ứng từ bản khắc in năm 1871 để độc giả tiện tham khảo.

 

Phiên bản năm 1870

 

Truyện Kiều năm 1870 do Lâm Noạ Phu sao chép khi đang làm quan ở bộ Công thời vua Tự Đức. Bản Kiều 1870 này vốn lưu giữ ở Sài Gòn, sau bán ở chợ sách và may mắn một người con trai của ông Đàm Quang Hưng mua lại. Từ bản photo do ông Đàm Quang Hưng gửi tặng, ông Nguyễn Quảng Tuân thực hiện một cuộc khảo cứu về phiên âm, khảo dị và chú giải. Tác phẩm do Nhà xuất bản Văn học và Trung tâm Nghiên cứu Quốc học xuất bản năm 2003. Phiên bản 1870 có 3260 câu, nhiều hơn 6 câu so với các phiên bản khác.

 

Phiên bản năm 1871

 

Truyện Kiều năm 1871 là bản in khắc gỗ của Liễu Văn Đường, đời vua Tự Đức thứ 24, gồm 3254 câu.

Từ bản phô-tô của Thư viện Liên trường Đại học ngôn ngữ Phương Đông ở Paris (Bibiotthèque Interuniversitaire des Langues Orientales), ông Nguyễn Quảng Tuân đã thực hiện một cuộc khảo cứu về phiên âm, khảo dị và chú giải. Tác phẩm do Nhà xuất bản Văn học và Trung tâm Nghiên cứu Quốc học xuất bản năm 2002.

 

Phiên bản năm 1872

 

Truyện Kiều năm 1872 là bản in khắc gỗ của Duy Minh Thị dưới thời vua Tự Đức. Hiện bản Kiều 1872 được lưu giữ một bản tại Thư viện Leiden, Hà Lan (Leiden Library, Holland, index 5803-6) và một bản tại thư viện riêng của gia đình cụ Hoàng Xuân Hãn ở Paris. Từ bản photo lại bản lưu giữ tại thư viện của gia đình cụ Hoàng Xuân Hãn, giáo sư Nguyễn Tài Cẩn, một học giả hàng đầu về chữ Nôm, đã thực hiện một cuộc nghiên cứu về phiên âm, khảo dị và chú giải. Tác phẩm được Nhà xuất bản Đại học Quốc gia Hà Nội xuất bản năm 2002. Phiên bản 1872 có 3259 câu, nhiều hơn 5 câu so với các phiên bản khác:1066a Quế trong trăng, Hạnh trên mây.

 

Phiên bản năm 1874

 

Truyện kiều năm 1874 là phiên bản do Tăng Hữu Ứng chép tay dưới thời vua Tự Đức. Phiên bản này do Quang Hưng sưu tầm tại Huế. Tiến sĩ Nguyễn Huy Hùng, MD, Texas phiên âm thành phiên bản điện tử năm 2002. Phiên bản 1874 có 3260 câu, nhiều hơn 6 câu so với các phiên bản khác, cụ thể sự khác biệt.

 

Phiên bản năm 1902

 

Truyện Kiều năm 1902 là bản in khắc gỗ do Kiều Oánh Mậu chú giải dưới thời vua Thành Thái. Phiên bản này do Nguyễn Thế & Phan Anh Dũng sưu tầm, khảo chú và chế bản Nôm trên cơ sở một phông chữ tự tạo ra. Bản in chữ Nôm được Nhà giáo Nguyễn Đình Thảng hiệu đính. Tác phẩm được Nhà xuất bản Thuận Hoá xuất bản năm 2004. Phiên bản 1902 có 3256 câu, nhiều hơn 2 câu so với các các phiên bản khác.

 

Nhận định 2

 

Theo thiển ý của chúng tôi và thực tế cho thấy người ta vẫn chưa tìm ra được bản gốc Truyện Kiều viết bằng chữ Nôm của Nguyễn Du. Nếu có thì trên đó sẽ có chữ ký và năm viết của tác giả. Thuyết nào cũng chỉ dựa vào các tài liệu có liên quan tới Truyện Kiều để đưa ra giả thuyết Nguyễn Du viết trước hay sau khi đi sứ Tầu. Những câu hỏi được đặt ra là:

-Nếu Nguyễn Du từng giữ chức vụ Đông Các Đại Học Sĩ và truyện Kiều của ông được vua chúa say mê thì tại sao bản chính truyện đó lại không được tồn trữ trong kho tàng văn học dưới triều Nguyễn?

-Phải chăng vì hai câu thơ: "Đàn ông chớ kể Phan Trần; Đàn bà chớ kể Thuý Vân, Thuý Kiều’’ mà nguyên tác truyện Kiều của Nguyễn Du không có chỗ đứng trong kho tàng văn học dưới các triều Nguyễn?

-Phải chăng vì quan niệm sai lầm của giới sĩ phu các triều đại vẫn đề cao chữ Hán của Tầu mà coi rẻ chữ Nôm của dân tộc qua câu: "nôm na là cha mách qué" mà người ta không coi trọng tác phẩm viết bằng tiếng Nôm của Nguyễn Du?

-Phải chăng vì giai thoại đồn rằng, sau khi đọc Truyện Kiều, vua Tự Đức sai tìm Nguyễn Du "để đánh vài roi", vì tội khi quân khi viết về Từ Hải: "Dọc ngang nào biết trên đầu có ai!", nên bản chính truyện Kiều không được lưu giữ trong kho tàng văn học dưới các triều Nguyễn?

----------------------

Tài liệu tham khảo:

-Việt Nam Văn Học Sử Giản Lược Tân Biên của Phạm Thế Ngũ

-Văn Học Việt Nam và Việt Nam Thi Văn Hợp Tuyển của Dương Quảng Hàm

-Việt Nam Danh Nhân Từ Điển của Nguyễn Huyền Anh

-Việt Nam Sử Lược của Trần Trọng Kim

-http://vi.wikipedia.org/wiki/Truy %E1%BB%87n_Ki%E1%BB%81u

-http://www.vtc.vn/vanhoa/thi-hao-nguyen-du-viet-truyen-kieu-khi-nao/6475/index.htm

-http://www.nomfoundation.org/vnpf/nfkieu.php

-http://vietnamnet.vn/vanhoa/vandekhac/2004/12/358218/

-http://www.baodatviet.vn/Home/Mot-Viet-kieu-dich-thanh-cong-Truyen-Kieu-Ba-Lan/20089/15214.datviet

-www.nomfoundation.org/Conf2006/6_phien_ban_Kieu.pdf

-http://vietbao.vn/Tet/Hai-loai-nguoi-trong-Truyen-Kieu/75015682/365/