Dân Chúa Âu Châu

BY: HOÀNG THẠCH

 

1- Sơ lược cuộc hội ngộ bất ngờ, Kim Trọng gặp Thúy Kiều.

 

Sau khi thắp nhang bên nấm mộ, viết bài thơ và khóc thương cho số phận Đạm Tiên, chị em Kiều đang trên đường về nhà bất ngờ nghe tiếng nhạc ngựa vang vang. Một chàng nho sinh xuất hiện trong y phục mầu xanh, chân đi hài, túi đầy thơ phú, cưỡi ngựa trắng, có mấy đứa trẻ nho nhỏ theo sau. Từ xa, nhận ra người quen, Kim Trọng cho ngựa đi chậm lại và tiến tới chỗ chị em Kiều. Vương Quan, em Thúy Kiều, nhận ra bạn học thân thiết của mình là Kim Trọng bèn tiến đến chào hỏi. Thúy Kiều và Thúy Vân thì bẽn lẽn theo kiểu con nhà lành, nép mình bên những bông hoa. Kim Trọng, một thư sinh có đầy đủ các yếu tố của giai cấp phong lưu, con nhà giầu, dáng điệu hào hoa, tư chất thông minh bẩm sinh, văn chương tài giỏi.

 

Là bạn học nên Kim Trọng cũng từng nghe tiếng thơm về hai người chị của Vương Quan, một người đẹp trong sáng như bông lan mùa xuân, một người đẹp mặn mà như bông cúc mùa thu. Vẻ đẹp của Thúy Kiều và Thúy Vân không thua gì hai chị em phu nhân tuyệt sắc là Đại Kiều, vợ của Tôn Sách, chúa tể nước Đông Ngô và Tiểu Kiều vợ của Đô đốc Châu Du. Nay nhân đi dự hội trai gái du xuân bẻ cây đố lá để làm quen, tìm vợ, kiếm chồng, Kim Trọng bất ngờ được gặp Thúy Kiều nên không khỏi rung động con tim. Cuộc hội ngộ giữa chàng nho sinh thiên tài và người đẹp nổi tiếng đất nước tuy ngắn ngủi; nhưng tiếng sét ái tình đã làm cho họ mê nhau. Bề ngoài hai người tỏ61t ngờ ra e thẹn; nhưng bên trong tình yêu như đã thắm nồng ”Tình trong như đã, mặt ngoài còn e.’’

Trời về chiều mà giai nhân và tài tử còn chần chờ, ở lại thì không ổn mà về thì luyến tiếc. Kim Trọng lên ngựa mà hai nàng Kiều còn ráng trông theo. Cảnh chiều đẹp buồn

chỉ còn lại bóng liễu thướt tha soi hình dưới giòng suối nước trong veo.

 

Dùng dằng nửa ở nửa về,

Kim Trọng cưỡi ngựa đến

Nhạc vàng đâu đã tiếng nghe gần gần.

135-Trông chừng thấy một văn nhân,

Lỏng buông tay khấu bước lần dặm băng.

Đề huề lưng túi gió trăng,

Sau chân theo một vài thằng con con.

Tuyết in sắc ngựa câu giòn,

140-Cỏ pha màu áo nhuộm non da trời.

Nẻo xa mới tỏ mặt người,

Khách đà xuống ngựa tới nơi tự tình.

Hài văn lần bước dặm xanh,

Một vùng như thể cây quỳnh cành dao.

145-Chàng Vương quen mặt ra chào,

Hai Kiều e lệ nép vào dưới hoa.

Nguyên người quanh quất đâu xa,

Họ Kim tên Trọng vốn nhà trâm anh.
Gia thế của Kim Trọng

Nền phú hậu, bậc tài danh,

150-Văn chương nết đất, thông minh tính trời.

Phong tư tài mạo tuyệt (tót) vời,

Vào trong phong nhã, ra ngoài hào hoa.

Chung quanh vẫn đất nước nhà,

Với Vương Quan trước vẫn là đồng thân.

155-Vẫn nghe thơm nức hương lân,

Một nền đồng Tước khoá xuân hai Kiều.

Nước non cách mấy buồng thêu,

Những là trộm nhớ thầm yêu chốc mòng.

May thay giải cấu tương phùng,

160-Gặp tuần đố lá thoả lòng tìm hoa.

Kiều gặp Kim Trọng

Bóng hồng nhác thấy nẻo xa,

Xuân lan thu cúc mặn mà cả hai.

Người quốc sắc, kẻ thiên tài,

Tình trong như đã, mặt ngoài còn e.

165-Chập chờn cơn tỉnh cơn mê.

Rốn ngồi chẳng tiện, dứt về chỉn khôn.

Bóng tà như giục cơn buồn,

Khách đà lên ngựa, người còn nghé theo.

Dưới cầu nước chảy trong veo,

170-Bên cầu tơ liễu bóng chiều thướt tha.

 

2- Chú giải và điển tích

 

136-Tay khấu: Tay cầm cương ngựa: ý nói, buông lỏng dây cương cho ngựa đi thong thả.

Dặm băng: quãng đường đi qua.

137-Lưng túi gió trăng: Nhà thơ thời xưa thường làm thơ ca tụng cảnh đẹp thiên nhiên, đêm trăng gió mát. Nên câu thơ này có nghĩa là lưng túi thơ.

139-Tuyết in sắc ngựa câu giòn: câu là con ngựa trắng trẻ, giòn là xinh đẹp. Ý nói con ngựa lông trắng như tuyết và đẹp.

140: Áo mầu xanh da trời.

142-Tự tình: Chuyện trò, bày tỏ nỗi lòng của mình.

143-Hài văn: Thứ giày vải nhung thêu có đường nét tươi đẹp mà nho sĩ thời xưa thường dùng. Dặm xanh: Dặm cỏ xanh.

144-Cây quỳnh, cành giao:

 

Cây ngọc quỳnh và cây ngọc giao: ý nói vẻ khôi ngô tuấn tú của Kim Trọng như làm cho cả một vùng cũng hoá thành đẹp. Câu này phát xuất từ câu: “Vương Diễn thần thái như quỳnh lâm dao thụ phong trần ngoại vật” có nghĩa: Phong cách tinh thần Vương Diễn đẹp như rừng quỳnh cây giao, thực là một bậc ngoài cõi phong trần vậy. (Thế thuyết).

 

Hoa Quỳnh: cây hoa quỳnh thuộc họ xương rồng, có nguồn gốc từ châu Mỹ. Nhìn cây hoa quỳnh người ta khó phân biệt đâu là lá, đâu là thân bởi có bộ phận thân giống như phiến lá, bản rộng, dẹp, màu xanh và có gân ở giữa. Hoa mọc ở kẽ những vết khía của thân (phần dẹp và rộng bản).

“Hài văn lần bước dặm xanh. Một vùng như thể cây quỳnh cành giao”, nói lên vẻ đẹp rất hài hoà của Kim Trọng cũng như với cảnh sắc chung quanh. Một sự hài hoà giữa cây quỳnh với cành giao. Cánh hoa quỳnh mỏng như lụa, màu trắng ngà, nhị màu vàng, đẹp lộng lẫy. Hoa quỳnh chỉ nở về đêm, toả hương thơm ngát, nhẹ nhàng, thanh tao, quyến rũ. Ngồi ngắm hoa quỳnh nở, người ta có thể quan sát bằng mắt thường các cánh hoa từ từ hé mở. Sau khi nở hết cỡ là hoa cụp trở lại, héo và tàn dần. Hoa nở vào khoảng 9 đến 10 giờ tối, vì thế hoa quỳnh càng trở nên hiếm hoi. Người chơi hoa quỳnh phải chờ đợi công phu, kiên nhẫn mới có dịp được tận mắt ngắm hoa nở.

Vào những đêm trăng sáng, vừa uống trà, vừa ngắm trăng, đọc thơ và nhìn hoa quỳnh nở là một thú chơi tao nhã của lớp người cao sang quyền quý ngày xưa như trong câu: ”khi xem hoa nở, khi chờ trăng lên”.

 

Quỳnh được trồng trong bồn hay chậu để dễ khiêng đi khiêng lại khi xem hoa nở. Trồng quỳnh bằng cách cắm cành. Hiện nay ở Đà Lạt còn có loại hoa quỳnh màu vàng, đỏ nở ban ngày rất đẹp. Hoa quỳnh phơi khô còn là một vị thuốc chữa bệnh tiểu đường.

Cây cành giao còn có một số tên gọi khác như cây càng cua, cây xương khô, san hô xanh, thập nhị... Cây có thể cao đến 3 mét, thân nhánh tròn, màu xanh lục, khi bẻ cành có nhiều mủ trắng chảy ra. Cây giao là một loại cây chỉ có cành mà lại không có lá. Khi cây giao trồng cạnh cây quỳnh thì cây quỳnh sớm có hoa và ra hoa ra nhiều hơn. Dân chúng thường dùng cây thuốc này trị một số bệnh như đau nhức, côn trùng đốt, chấn thương...

Cây thuốc này thường được trồng cùng với cây hoa quỳnh nên thường gọi là cây quỳnh cành giao.

 

146-Hai Kiều: hai chị em Thúy Kiều dựa theo điển tích 156 bên dưới.

 

148-Trâm anh:

Trâm là cái trâm để cài búi tóc. Anh là cái dải mũ, hai thứ dùng trang sức cho cái mũ của nho sinh và quan chức. Nhà trâm anh: Chỉ những nhà quyền quí thời phong kiến, có người đỗ đạt, làm quan.

149-Phú hậu: Giàu có.

150-Nết đất: Theo lối nhà, theo dòng dõi trong nhà, mạch đất đó có truyền thống văn chương.

151-Phong tư: Dáng điệu.

Tài mạo: Tài hoa và dung mạo.

152-Phong nhã: Phong lưu nho nhã.

Hào hoa: Sang trọng phong cách có vẻ quí phái. Vào trong: là ở trong nhà, Ra: khi đi ra ngoài xã hội.

154- Với Vương Quan trước vẫn là đồng thân.

155-Vẫn nghe thơm nức hương lân: làng xóm, ý nói: vẫn nghe tiếng khen đồn đại ở vùng lân cận.

Đồng thân: Nguyễn Du dùng từ đồng thân là bạn cùng học chứ không dùng từ đồng song. Có thể tác gỉa muốn cho câu trên, chữ thứ 8 (thân) hợp với chữ thứ 6 câu dưới (lân).

 

Theo Tự Điển Việt Nam của Lê Văn Đức thì đồng thân lại có nghĩa khác, là ruột thịt, một cha một mẹ với nhau; Thông gia, sui: kết tình đồng thân. Còn Đồng song: bạn đồng song, bạn đồng môn (bạn học một thầy, một lớp, một trường, lời gọi sau khi đã thôi học, đã nên danh phận.

55-Hương lân: Làng xóm, ý nói: Vẫn nghe tiếng khen đồn đại ở vùng lân cận.

 

156- Đồng Tước

Trong lúc lòng Kiều đang xót xa cho thân phận Đạm Tiên, thì Kim Trọng, trên lưng ngựa trắng, theo sau lẻo đẻo hai tiểu đồng, cũng tình cờ đi ngang qua. Lần đầu tiên được gặp hai người đẹp, tâm trạng vui mừng của chàng thư sinh được diễn tả bằng hai câu thơ:

Vẫn nghe thơm phức hương lân

Một nền Đồng Tước khoá xuân hai Kiều.

Đồng Tước, tên của một đền đài nguy nga tráng lệ thời Tam Quốc, nay không còn nữa. Khi qua sông Xích Bích, Đỗ Phủ đã có bài thơ hoài cổ, trong đó có câu:

Đông phong bất dữ Châu Lang tiện

Đồng Tước thâm xuân tỏa nhị Kiều

(Gió đông chẳng giúp thuận chiều

Trong đền Đồng Tước hai Kiều khóa xuân)

 

(Trần Trọng Kim dịch).

Trở lại truyện lịch sử Tầu thời Tam Quốc, Tào Tháo tự Mạnh Đức, là Ngụy Võ Đế cho xây đài Đồng Tước trên sông Chương Giang, tỉnh Hà Nam. Trong lễ tiệc khánh thành, Tào Thực, con của Tào Tháo, đã làm bài phú vịnh Đồng Tước đài, có câu:

Liên nhị kiều ư Đông Tây hề

Nhược trường không chi nhuế đống.

(Bắc liền hai cầu ở Đông Tây như các cầu vồng nổi lên giữa lưng trời).

Vào lúc này, thế của Lưu Bị đã suy yếu hẳn; quân sư Khổng Minh phải vận dụng mưu lược mong khôi phục nhà Hán, bằng cách tạo mối thù nghịch giữa Tôn Quyền và Tào Tháo.

Ở Giang Đông, tuy Tôn Quyền là chúa tể, nhưng mọi binh quyền đều thuộc về tay Châu Du. Châu Du và Tôn Sách, chúa của Đông Ngô là hai anh em cột chèo, rể của Kiều Công. Tôn Sách lấy người chị là Đại Kiều, Châu Du, lấy người em là Tiểu Kiều. Cả hai chị em đều là giai nhân tuyệt sắc.

Khổng Minh lặn lội vào Đông Ngô, tìm đến Châu Du:

-Trong lúc thế chiến đang căng thẳng, dân gian đang mong đợi thanh bình, vậy mà Tào Tháo vẫn lấy uy quyền của vua để ức hiếp mọi nơi. Lại còn lấy của kho, xây đài Đồng Tước tốn kém biết bao nhiêu mà kể, mục đích làm gì, t ướng quân có biết không?

Châu Du chưa trả lời, thì Khổng Minh đã tiếp:

-Tào Tháo xây Đồng Tước đài là muốn gây chiến vơi Đông Ngộ

-Muốn chiến tranh với Đông Ngô thì xây đài Đồng Tước làm gì?

-Thật tình tướng quân không biết sao?

Châu Du lắc đầu, Khổng Minh tiếp ngay:

-Chẳng lẽ việc Tào Tháo luyện tập thủy binh ngày đêm, tướng quân không biết sao?

Châu Du ngậm ngừng:

-Việc đó tôi có nghe

Khổng Minh bồi thêm:

-Cùng với việc luyện tập thủy binh, Tào Tháo còn cho xây cất Đồng Tước đài, để sau chiến tranh, chiếm cứ được Đông Ngô, Tào Tháo sẽ bắt Đại Kiều và Tiểu Kiều về Đồng Tước đài mà hoan lạc.

Châu Du mặt đỏ gay, thét to:

-Dựa vào đâu mà ông dám nói Tào Tháo xây Đồng Tước đài để bắt Nhị Kiều đem về hành lạc.

Khổng Minh thong thả đáp:

-Xin tướng quân hãy nguôi giận. Vậy thì tướng quân không biết bài phú của Tào Thực vịnh Đồng Tước đài à. Nguyên văn như thế này....

Nhưng đến hai câu:

Liên nhị kiều ư Đông Tây hề

Nhược trường không chi nhuế đống...

thì mưu sĩ Khổng Minh lại cố tình đọc sai là:

Lãm nhị Kiều ư Đông Nam hề

Lạc triêu tịch chi dữ cộng

(có nghĩa: Bắt hai nàng Kiều ở Đông Nam về để sớm tối chung vui).

(Nhị kiều trong thơ của Tào Thực là hai cây cầu; nhị Kiều của Gia Cát Lượng là vợ của Tôn Sách và vợ của Châu Du).

Châu Du, tướng hữu dõng vô mưu, đã trúng kế độc của Khổng Minh. Sau đó, tướng này đã dàn trận hỏa công trên sông Xích Bích, thiêu rụi mười vạn quân Tào. Ngụy Võ Đế đại bại. Lợi dụng thời cơ, Lưu Bị xua quân chiếm Kinh Châu, chiếm vào Lưỡng Xuyên, hình thành thế chân vạc thời Tam Quốc.

Khoá xuân ở đây là khoá kín tuổi xuân, tức cấm cung. Tác giả mượn điển cũ để nói lóng rằng: nhà họ Vương có hai cô gái đẹp chưa giao thiệp với ai.

 

157-Buồng thêu: Buồng người con gái.

158-Chốc mòng: Tiếng cổ, nghĩa là bấy lâu, bấy nay.

159-Giải cấu tương phùng: Cuộc gặp gỡ tình cờ. Ca dao cũng có câu:

Mới hay giải cấu tương phùng,

Biết người biết mặt biết lòng làm sao.”

 

160-Đố lá: Hội đố lá, còn gọi là diệp hý, một tục chơi xuân có từ đời nhà Đường. Vào khoảng tháng ba, trai gái đi du xuân, bẻ một cành cây rồi đố nhau xem số lá chẵn hay lẻ để đoán việc may rủi. Đây là dịp để họ làm quen và tìm hiểu nhau.

161-Bóng hồng: Bóng người con gái. Phụ nữ Trung Quốc thời xưa hay mặc quần đỏ nên gọi là bóng hồng.

162-Xuân lan, thu cúc: Hai chị em Kiều, mỗi người có một vẻ đẹp riêng, ngưòi đẹp như lan mùa xuân, người đẹp như cúc mùa thu.

163-Quốc sắc: Sắc đẹp nhất nước, chỉ Thúy Kiều.

166-Chỉn: Tiếng cổ. Chin khôn: chẳng xong, không nỡ.

 

3- Bình luận

 

Các tác giả Việt Nam không mấy người bàn luận về điển tích Đồng Tước. Như trong bài trước chúng tôi đã đề cập, Khổng Văn Thành, giáo sư văn học Trung Quốc tại trường đại học Liêu Ninh lại phê bình Nguyễn Du về việc mượn điển tích này của Tầu đưa vào truyện Kiều như sau:

“Để tỏ ra ngôn ngữ của Kim Trọng cao nhã, Nguyễn Du đã cho chàng ăn nói sặc mùi sách vở, để cho chàng ví hai chị em Thúy Kiều, Thúy Vân với “hai Kiều khóa xuân đài Đồng Tước”. Rõ ràng Nguyễn Du vay mượn câu tuyệt cú “Đồng Tước xuân thâm tỏa nhị Kiều” trong bài “Xích Bích” của Đỗ Mục nhằm khoe khoang học vấn của mình. Nhưng sự khoe khoang chỉ làm lộ tẩy sự bất thông - câu này trong thơ Đỗ Mục là một câu giả định.

“Đông phong bất chữ Chu Lang tiện

Đồng Tước xuân thâm tỏa nhị Kiều”

 

có nghĩa là nếu như trong trận Xích Bích, Chu Du không gặp được điều kiện có lợi cho hỏa công là gió đông nam nổi lên thì Đông Ngô ắt bị mất về tay Tào Tháo. Dùng một ý thơ như thế để ví hai thiếu nữ chốn phòng the mà mình yêu mến, chẳng hóa ra râu ông nọ cắm cằm bà kia hay sao?’’ (Đổng Văn Thành)

Tác giả Đổng Văn Thành hơi vội vã và chỉ nhìn Thúy Kiều và Thúy Vân một phía, phía chiến thuật của Châu Du và sự may rủi trong cuộc chiến phá tan quân Tào Tháo trong trận Xích Bích.

 

Thực tế cho thấy Nguyễn Du thông suốt các điển tích văn học sử của người Tầu mà người ta có thể nhận ra trong toàn bộ truyện Kiều.

Trong trường hợp này Nguyễn Du chỉ muốn so sánh tài sắc của hai chị em Thúy Kiều và Thúy Vân với hai chị em Đại Kiều và Tiểu Kiều của Đông Ngô.

Nguyễn Du không chỉ so sánh sắc đẹp của hai cặp chị em nước Việt và nuớc Ngô mà còn muốn hấp dẫn người đọc bằng cách dựa vào lịch sử Đông Ngô và mưu lược phân hóa kẻ thù một cách tài tình của quân sư Khổng Minh.

Chính yếu tố lịch sử này làm cho câu truyện trở nên hứng thú hơn.

--------------------------

Tài liệu tham khảo

-Tài liệu cũ: đã ghi trong các bài trước

-Tài liệu mới:

www.vietlyso.com/forums/showthread.php

www.vietnamtourism.com/v_pages/country/overview.asp.