Dân Chúa Âu Châu

BY: HOÀNG THẠCH

Ở vào thời Quân chủ chuyên chế, lệnh của Vua ban ra ai dám phản đối, kể cả mạng sống của bề tôi và dân chúng cũng bị coi nhẹ như lông hồng theo câu nói: "Vua xử Thần tử, Thần bất tử bất trung" (Vua bắt bề tôi chết mà bề tôi không chết là mang tội không trung thành). Thế mà trong Tục Ngữ của dân tộc Việt Nam lại có câu: "Phép Vua thua lệ làng" mới kỳ lạ. Sự kiện này chứng tỏ lệnh của Vua vẫn có những giới hạn và lệ làng có thể chứng minh tình trạng sinh hoạt chính trị đã một thời dựa trên tinh thần dân chủ tự trị, mặc dù trong một phạm trù nho nhỏ là làng xã.

Trong quyển Pháp Chế Sử VN, giáo sư luật khoa Vũ Quốc Thông cũng xác định: "Hành chánh tại làng xã Việt Nam được tổ chức theo chế độ tự trị là một chế độ đặc biệt đã được áp dụng tại nước ta ngay từ thời tiền cổ. Chính phủ Pháp, sau khi nắm quyền thống trị tại nước ta, đã duy trì và canh tân định chế hành chánh này để thích ứng với tình trạng chánh trị nước ta thời đó."
Nói tới một làng, người ta nghĩ ngay tới: cổng làng, đường làng, cây đa đầu làng, lũy tre làng, cánh đồng làng, sông làng, chợ làng và cơ cấu hành chính của làng như: Thành Hoàng, lý trưởng (xã trưởng), hương chức, quan viên, lão làng, tuần tráng và dân làng v.v…

Theo tổ chức hành chính thì các làng hay xã là một cơ cấu tự trị hoặc nói nôm na là một chính phủ nho nhỏ có đủ cơ cấu pháp lý và hành chánh. Nếu Vua và Hoàng triều là cơ cấu hành chánh tối cao thì phủ, huyện, làng cũng có dinh thự để điều hành mọi lãnh vực chính trị, kinh tế, xã hội và lễ nghi tôn giáo… đó là ngôi đình làng. Về phương diện tinh thần thì đình làng là nơi thờ phượng Thành Hoàng. Vì thế, kiến trúc của ngôi đình phải phù hợp với việc thờ cúng, lễ hội, xa nhà dân và rộng đủ cho sự tập trung của cả dân làng.

Thường thì các đình làng được xây dựng giống nhau và luôn quay về hướng Nam. Ngoại trừ trường hợp vì lý do phong thủy, đình phải xây quay về các hướng khác để tránh những tai họa cho dân làng. Đình làng thường làm theo chữ đinh hay chữ công. Bốn đầu mái đình thường cong vút với những nét uốn nhẹ nhàng, thanh thoát và khá cầu kỳ thể hiện qua những nét chạm trổ tinh vi về bông hoa, mây trời hoặc các nét chữ đẹp như rồng bay, phượng múa. Để chống bão, mái đình thường được lợp ngói hai lớp. Lớp dưới gọi là ngói chiếu và lớp trên là ngói phủ.

Về ngôi đình thì có: đình trong hay đình thượng, nơi bàn thờ Thành Hoàng được trang hoàng đầu mấu sắc và khủng cảnh thật tôn nghiêm; kế đến là đình ngoài hay đại bài tức nhà tiền chế, và hạ đình, nơi cử hành mọi cuộc tế lễ của dân làng. Đình ngoài có trung đình, nơi cử hành các nghi thức tế lễ, hai bên là tả và hữu gian. Ngoài đại bài là sân đình hai bên có hành lang gọi là tả mạc và hữu mạc, nơi các quan viên sửa soạn mũ áo vào cử hành nghi thức tế tự. Ngoài cùng có Tam Quan (tức ba cổng liền nhau có mái, cổng chính ở giữa lớn hơn hai cổng bên phải và trái), tường có đắp hình con rồng hay cọp hoặc hình võ tướng cầm long đao. Nhiều đình ở phía sau còn có nhà hậu và sân hậu.
Tùy theo tổ chức của mỗi làng mà ngôi đình làng được xây dựng lớn nhỏ và sử dụng vào một hay nhiều mục tiêu khác nhau. Tựu chung thì đình làng là nơi tập trung mọi hoạt động chính trị, văn hóa, xã hội, đặc biệt để tổ chức các lễ hội và thờ cúng vị Thần của làng.
Nói tới đình làng tại miền Bắc nói chung và ở Thăng Long nói riêng thì nhiều lắm. Trong đề tài văn hóa kỳ này chúng tôi chỉ đề cập tới một số đình làng tiêu biểu mà thôi.

1- ĐÌNH KIM MÃ

Đình này nằm ở phố Kim Mã và ngôi đình cũng mang tên làng cổ Kim Mã - một trong "Thập Tam Trại” (13 trại). Tương truyền đình được lập từ thế kỷ 11 ở phía Tây của kinh thành Thăng Long. Vào thời Lý - Trần, đất làng Kim Mã được dùng làm nơi nuôi ngựa của Hoàng cung, nên còn gọi là "Tầu Mã” hay "Mã trại”.
Đình Kim Mã thờ ba vị Thành hoàng là Bố cái đại vương, Linh Lang đại vương và Thái tể Hoàng Phúc Trung - những nhân vật có liên quan trực tiếp đến các sự kiện lịch sử lớn trong vùng và là nguồn gốc của sự xuất hiện của cộng đồng dân cư ở nơi này. Bố Cái Đại Vương (tức Phùng Hưng) được dân ca tụng có sức khoẻ hơn người, vật nổi trâu, đánh được hổ, cõng thuyền nặng đi hàng chục dặm đường. Khoảng đời Đại Lịch (766 - 779), ông phất cờ khởi nghĩa chống lại chế độ cai trị độc đoán của quân xâm lược nhà Đường do Cao Chánh Bình thống lãnh ở Tống Bình (Hà Nội ngày nay). Trước cuộc tấn công như vũ bão, Cao Chánh Bình sợ quá lâm bệnh chết. Cuộc cách mạng thành công. Phùng Hưng dành lại chủ quyền vùng đất Đường Lâm, rồi tiến chiếm cả một miền rộng lớn quanh vùng. Nhưng Phùng Hưng chỉ sau thành quả cách mạng vài tháng bị bệnh chết bất ngờ. Phùng An lên nối ngôi. Dân chúng mến mộ công đức lớn lao của Phùng Hưng nên tôn vinh ông là Bố Cái Đại Vương (có nghĩa vua như cha (Bố), mẹ (Cái)) và xây đền thờ ở phía Tây phủ thành Tống Bình, thuộc địa phận làng Kim Mã để thờ kính.
Nhân vật thứ hai là Linh Lang (tức Hoàng Lang). Theo truyền thuyết ông là hoàng tử con trai vua Lý Thánh Tông và bà Hạo Nương - người phường Thị Trại (sau này đổi thành Thủ Lệ). Khi quân Tống xâm lược, Linh Lang liền xin cấp một cỗ voi và một cây cờ hồng để đi dẹp giặc và đã chiến thắng quân xâm lược. Vua muốn nhường ngôi nhưng ông không nhận, chỉ xin về quê mẹ ở Thị Trại. Khi vua cha tới thăm, Linh Lang thưa: "Thần vốn là con của Long Quân, vì thấy thế nước nguy nan nên vâng mệnh trời, giáng xuống Hoàng Gia để giúp nước. Nay giặc đã dẹp xong, thần xin trở lại thủy quốc”. Nói rồi, chàng liền biến thành con rắn dài hơn trăm trượng, lao thẳng xuống hồ Tây biến mất.
Gần đây, các nhà sử học cho rằng Linh Lang chính là hình ảnh được thần linh hoá của Hoàng tử Hoàng Chân - người đã hi sinh anh dũng trong cuộc kháng chiến chống quân Tống tại bờ sông Như Nguyệt năm 1077.

Theo thần tích, Thái tử Hoàng Phúc Trung quê ở làng Lệ Mật. Năm 16 tuổi ông đã được vua Lý Thánh Tông cho làm Giám quan trong triều. Trong một lần thăm cảnh trên sông Đuống, thuyền của Công chúa chẳng may bị đắm, tìm mãi không thấy xác nàng. Ông là người đã liều mình lặn sâu xuống nước và vớt được xác nàng. Vua ban thưởng nhưng ông chỉ xin được đem dân nghèo ở làng Lệ Mật sang khai khẩn vùng đất phía Tây kinh thành, dựng nên 13 làng trại.
Điều đáng chú ý là đình Kim Mã nay còn lưu giữ được một số di vật quý giá đối với kho tàng văn hoá nước nhà làø: một sắc phong thần cho Phùng Hưng của triều đại Tây Sơn, một cửa võng có niên đại thế kỷ 19 được chạm khắc tỉ mỉ với các hình ảnh: rồng chầu mặt trời, rồng cuốn thủy, tứ linh, văn mây, một sập thờ kiểu chân quỳ dạ cá có giá trị thẩm mỹ cao và hiếm thấy. Ngoài ra còn có tấm bia "Trùng tu nội bình di ký” năm 1875 đã được dịch in trong sách " Tuyển tập văn bia Hà Nội”.

2- ĐÌNH KIM LIÊN

Đình Kim Liên thuộc phường Kim Liên, phố Kim Hoa quận Đống Đa, Hà Nội. Đình là một trong "Thăng Long Tứ Trấn” được xây dựng từ thời vua Lý Thái Tổ (Lý Công Uẩn) khi Ngài mới dời kinh đô từ Hoa Lư về Thăng Long. Các thư liệu, thư tịch, văn bia, câu đối sắc phong về di tích đều khẳng định đình Kim Liên là nơi thờ thần Cao Sơn, một nhân vật quan trọng trong Điện Thần Việt Cổ. Theo văn bản cổ nhất có niên hiệu Hồng Thuận thứ 3, tên di tích là "Cao Sơn Đại Vương Thần Tứ”.
Truyền thuyết cho rằng: ông là con của Lạc Long Quân và Âu Cơ. Trong số 50 người con theo cha xuống biển, Cao Sơn ở lại mặt đất và trở thành vị Tướng thân cận của Sơn Tinh (tức Thánh Tản Viên). Ông cùng Sơn Tinh đánh Thuỷ Tinh và thủ lĩnh người tộc Âu tấn công nước Văn Lang cổ đại, bảo vệ ngôi báu vua Hùng.
Thần Cao Sơn sinh ngày 16-3, quê của Thần là Trang Thanh Uyên (nay là xã Thanh Uyên huyện Tam Nông tỉnh Phú Thọ). Thần Cao Sơn có tên là Nguyễn Hiền. Ông còn có họ Cao, tự là Văn Trường. Thuở nhỏ ông có chí lớn, thông hiểu kinh sử và kinh truyện. Lớn lên ông lại giỏi ngũ kinh (Thi, Thư, Lễ, Dịch, Xuân Thu). Ông làm quan tới chức Thừa Tướng và sau lại được vua phong chức Đại Thừa Tướng, kiêm chức Nguyên soái đã lập được nhiều công lớn cho đất nước. Năm 78 tuổi vua cho ông được về hưu và chết ở quê nhà, (thọ 103 tuổi). Sau khi ông chết, vua lại phong tặng tước vị "Cao Sơn Quốc Chủ Đại Vương”.
Hiện đình còn lưu giữ 39 sắc phong của Cao Sơn Đại vương. Vì vậy có câu đối hiện vẫn còn ghi ở đình:
Xuất vi tuấn kiệt nhập vi thần
Công tại quốc gia danh tại sử

Tạm dịch là:
Sống làm hào kiệt chết hoá thần
Công với quốc gia, danh ghi sử

Tam quan của Đình Kim Liên là một nếp nhà ba gian, xây kiểu tường hồi bít đốc, bốn góc tường hồi xây bốn trụ cao bằng nóc mái. Bốn vì kèo kết cấu kiểu chồng rường giá chiên, cột trốn. Các con rường được chạm trổ hình mây cuốn, hai câu đầu và hai bẩy của hai vì kèo giữa được trang trí phượng ngậm sách, long mã, rồng theo kỹ thuật chạm bong kên và chạm lộng.
Đình có kết cấu hình chữ "đinh”, gồm bái đường và hậu cung. Bái đường chỉ còn lại vết tích các hòn đá tảng kê chân cột to và dày. Hậu cung là một dãy nhà dọc ba gian xây gạch trần, mái lợp ngói ta, trong nhà xây vòm cuốn, gian ngoài cùng có bệ gạch cao, đặt hương án gỗ sơn son thiếp vàng. Hương án trang trí kín các đồ án hoa văn theo các ô hình chữ nhật bằng kỹ thuật chạm thủng, chạm nổi hình hổ phù, long mã tranh châu, tứ linh, tứ quý, bát bửu.
Hậu cung thờ Cao Sơn Đại vương và hai vị nữ thần phối hưởng. Trong bàn thờ, long ngai thờ thành hoàng Cao Sơn Đại vương có kích thước lớn, chạm khắc tinh vi, sơn son thiếp vàng lộng lẫy, bệ ngai hình vuông, gồm nhiều lớp được làm theo kiểu chân quỳ dạ cá, các lớp trên được chạm thủng hoa dây.
Truyền thuyết khác cho rằng Cao Sơn là một trong 50 người con của Lạc Long Quân và Âu Cơ đã theo mẹ lên núi, là vị thứ hai được thờ trong đền núi Tản Viên. Thần được coi là người đã ngầm giúp vua Lê Tương Dực dẹp loạn ở Đông Đô; nên năm 1509 được lập đền thờ ở Kim Liên, gần Thăng Long, là một trong bốn trấn của kinh đô (phía Bắc là Trấn Vũ, phía Đông là Bạch Mã, phía Tây là Linh Lang, phía Nam là Cao Sơn).

3- ĐÌNH MAI ĐỘNG

Đình Mai Động nằm ở phía bên trong ngõ 254 phố Minh Khai, quận Hai Bà Trưng. Ngôi đình cổ này được xây dựng trên nền đất làng Mai Động, có thời kỳ thuộc huyện Hoàn Long, tỉnh Hà Đông, từ 1954 thuộc quận VII, sau thuộc huyện Thanh Trì, rồi bây giờ thuộc quận Hai Bà Trưng.
Đình Mai Động thờ Đô vật Tam Trinh, thầy dạy chữ, dạy võ và vật không chỉ cho trai tráng trong làng mà cả các vùng lân cận. Ông Tam Trinh vốn là người gốc Thanh Hoá đã đến Mai Động sinh sống và dạy học. Sau ông trở thành thủ lĩnh nghĩa quân trong vùng và hợp tác trong cuộc khởi nghĩa của Hai Bà Trưng. Ông từng lập nhiều chiến công vào năm 40 và được Hai Bà Trưng phong Tướng. Năm 43, khi Hai Bà Trưng tuẫn tiết, ông vẫn cố thủ ở Mai Động, chiến đấu đến cùng và hy sinh vì nghĩa lớn.
Hàng năm, cứ đến Tết Nguyên Đán dân làng mở hội vật từ ngày 4 đến 6 Tết để tưởng niệm công đức của ông. Lễ hội Mai Động hàng năm chủ yếu có đô vật. Trai tráng trong làng, có khi còn có cả các tay vật từ Yên Sở, từ Hà Tây, Bắc Ninh và Bắc Giang cũng sang tham dự rất đông. Đây là hội vật lâu đời nhất, có lịch sử ngót 2000 năm.

4- ĐÌNH AN HÒA

Đình còn gọi là đình thôn Triền, ở xã Thanh Hà, huyện Thanh Liêm, tỉnh Hà Nam. Từ thị xã Phủ Lý rẽ tay trái theo quốc lộ 1 đến dốc Đọ, rẽ trái đến thôn An Hoà, rồi rẽ phải khoảng 300m là tới đình.
Đình được xây dựng trên khu đất rộng ở phía đông nam làng An Hoà, trước đình có hồ nước rộng. Toà tiền đường gồm năm gian. Hàng cột hiên gồm sáu cột xây bằng gạch vuông và hai cột gạch ở góc đỡ đầu đao. Các bẩy được chạm khắc hình rồng, mây uốn lượn sinh động, xen kẽ là các hoa văn hoa lá. Các con rường, đấu, trụ..đều được chạm hình con thú sinh động. Các mảng chạm trên xà nách hai gian chái cũng rất phong phú: bầy rồng quấn quýt bên nhau, trúc, sen, người mình chim, ly mẹ ly con vờn cắn đuôi nhau, hổ, chim, sóc..
Đặc biệt có các mảng chạm khắc đề tài sinh hoạt dân gian: người đóng khố leo cây, hái quả, người chèo thuyền rồng. Bộ cửa võng lớn, trên chạm rồng chầu mặt trời, diềm hai bên chạm rồng chầu, phượng múa, giữa có bốn chữ hán lớn "Thiên định phúc thần”.
Đình thờ Linh Lang Đại vương và Phò mã Kiểu Đức Mậu thời Lý. Lễ hội được tổ chức vào ngày 10 tháng giêng âm lịch. Ngoài ra còn có tế lễ trong các ngày sinh 4 tháng giêng và ngày hoá 20 tháng 11 của Linh Lang Đại vương, cũng như ngày sinh ngày hoá của Phò mã Kiểu Đức Mậu vào ngày 10 tháng 5 và 15 tháng 8 âm lịch.

5- ĐÌNH CỰ CHÍNH

Đình còn gọi là đình Con Cóc (do trước kia trên hai trụ trước đình có gắn hai tượng cóc bằng sứ) ở thôn Cự Chính (tên Nôm là làng Mọc), xã Nhân Chính, quận Thanh Xuân, Hà Nội. Đình Cự Chính cách chùa Bồ Đề chừng vài chục mét. Đình Cự Chính xây dựng vào thời Lê và đã được tu sửa nhiều lần. Trước kia, tam quan đình lớn, nay sau khi tu sửa, đã thu hẹp lại.
Đại đình năm gian, hai chái, nối với hậu cung ba gian, tạo thành hình chữ "đinh”. Đại đình lợp ngói ta, trên bờ nóc gắn tượng đôi rồng chầu mặt trời lửa. Hình rồng dài, độ uốn lượn lớn. Đầu hồi bên phải có một trụ gạch vuông, trên đỉnh đắp một tượng nghê quỳ hai chân trước, xung quanh đắp nhiều chữ Hán và các con vật linh thiêng. Các vì kèo được kết cấu kiểu chồng rường. Giữa đại đình đặt một hương án sơn son thiếp vàng. Phía sau có ba cửa vào hậu cung. Các vì kèo hậu cung cũng theo kiểu chồng rường. Trên nóc chạm hình dơi bay. Cửa chính hậu cung là cửa bức bàn có bốn cánh bằng nhau, sơn đỏ. Phần trên cánh cửa chạm thủng những hình dơi đang bay.

Trong hậu cung có ba bệ thờ lớn, trên đặt ngai sơn son thiếp vàng. Ngoài sân đình có một cái giếng đá giống như giếng đá chùa Bút Tháp ở tỉnh Bắc Ninh. Thành giếng cách mặt đất 0,45 mét, miệng giếng rộng 0,6 mét được tạo bằng một khối đá xanh nguyên khối, thắt đáy và thắt miệng, trên có chạm hai lớp cánh sen, bao quanh. Giữa lớp cánh sen có chạm hoa văn (hoa sen kiểu bệ tượng Phật thời Lê). Bờ giếng được lát bằng sáu khối đá xanh, giếng sâu 8 mét, thành giếng được xếp các viên gạch vỡ và các viên đá xanh vòng tròn. Nước chỉ để dùng tắm cho Thánh vào những ngày lễ. Đây có thể là một miệng giếng thời Lê, còn lại duy nhất ở Hà Nội.

Đình thờ thành hoàng là Lã Đại Liêu, tướng của thần Tản Viên, có công giúp vua Hùng đánh giặc giữ nước. Lễ hội chính hằng năm vào ngày 12 tháng giêng và 18 tháng 10 âm lịch, theo truyền thuyết là ngày sinh và ngày mất của vị thành hoàng. Hội làng vào ngày 12 tháng 2 âm lịch.

6- ĐÌNH MỘ TRẠCH

Đình còn gọi là đình làng Trăm Phượng hay đình làng Trám, thuộc xã Tân Hồng, huyện Cẩm Bình, tỉnh Hải Dương, ven Đường 194, cách thị xã Hải Dương 20 cây số. Đình vốn ở xứ Tây Trù đầu thôn, vào khoảng giữa thế kỷ XVII, đình được dời đến chỗ dựng ngôi đình hiện nay.
Đình quay hướng Đông, kiểu chữ "đinh”. Phiá trong là đình trong, có cửa đóng kín nối liền với hậu cung. Hậu cung có mái chồng diêm, bờ nóc đắp tượng lưỡng long triều nguyệt, bốn đầu mái cong vút. Hai bên hậu cung là hai nhà giải vũ hình thước thợ. Giải vũ lợp ngói, sát tường xây nhiều bệ, mỗi bệ là một bàn thờ tổ tiên của một họ.
Trước đình trong là đình ngoài lợp ngói, bờ nóc gắn hai hàng gạch, hai đầu bờ mái gắn hình dây cuốn. Trước đình có sân hình chữ nhật xây tường ba mặt. Trước sân có cột đồng trụ và hai cổng tả hữu. Cột kèo trong đình đều làm bằng gỗ lim. Xà, đầu dư, cốn, đấu, ván bưng, đều được chạm trổ các hình rồng phượng. Bức hoành phi "Thánh thọ vạn niêm” treo ở gian giữa. Hai gian kề bên xây sàn có nhiều bậc cao thấp để phân biệt ngôi thứ trong làng.

Nhân dân làng Mộ Trạch Thuộc nhiều dòng họ như Vũ, Lê, Tạ, Nguyễn, Nhữ, Cao, Lương, Trương, Trịnh, Phạm, trong đó họ Vũ, họ Lê có số người đông hơn cả. Làng Mộ Trạch có truyền thống học hành, đỗ đạt, nên dân làng còn gọi là "Tổ Tiến sĩ” (Tiến sĩ sào).
Hằng năm, ngày 8 tháng giêng Âm lịch, dân làng vào đám, rước thành hoàng làng là Vũ Hồn, ông tổ họ Vũ, từ miếu theo đường "nghinh” vòng ra ngoài đồng rồi về làng tổ chức tế lễ, có hát chèo và nhiều cuộc vui. Vào đám xong, lại người ta lại rước Thành Hoàng về miếu, ở hậu cung của đình, nơi chỉ đặt bàn thờ vọng.