Dân Chúa Âu Châu

HÀ NỘI băm sáu phố phường có từ bao giờ

Nói tới Thăng Long, Kinh đô thời xưa hay Hà Nội, Thủ đô ngày nay, người Việt không quên câu nói "Hà Nội Băm Sáu (36) Phố Phường". Nói và viết Ba mươi sáu thì đúng. Nhưng đối với nhiều người dân miền Bắc thì Băm Sáu mới là cách nói của người dân xứ ngàn năm văn vật. Những số tiếp sau hai số hàng chục: hai mươi (20) và ba mươi (30), người ta thường bỏ chữ mươi ở giữa số hàng chục và đơn vị để đọc là hăm mốt thay cho hai mươi mốt (21), băm mốt thay cho ba mươi mốt (31) v.v… cho gọn.

Nói tới Hà Nội Băm Sáu Phố Phường, người ta mới hiểu được sự tổ chức xã hội của Việt Nam ngày xưa có lẽ qua mặt các xã hội văn minh cùng thời về lãnh vực tổ chức các khu bán hàng. Ngày nay vào các đại siêu thị, người ta có thể không còn phải mất nhiều thời gian tìm hàng hóa mình muốn mua. Tuy vậy, các đại siêu thị vẫn không cung cấp toàn bộ sản phẩm so với việc tổ chức theo từng phố của Hà Thành năm xưa. Muốn mua thứ gì, người dân chỉ cần đến ngay phố đó là có các mặt hàng.
Để tìm hiểu cội nguồn của câu nói trên, chúng tôi mời quí độc giả theo dõi một số điểm sau đây:

1- Về Phương Diện Địa Lý và Tổ Chức Hành Chánh

Theo tổ chức hành chánh vào thập niên 1980 thì Hà Nội có bốn quận nội thành là: Ba Đình, Đống Đa, Hoàn Kiếm, Hai Bà Trưng và mười một huyện là: Mê Linh, Sóc Sơn, Đông Anh, Gia Lâm, Ba Vì, Thạch Thất, Phú Thọ, Đan Phượng, Hoài Đức, Từ Liêm, Thanh Trì và thị xã Sơn Tây.
Nếu nói rằng các Thủ đô hay thành phố lớn và văn minh của thế giới đều tọa lạc bên những giòng sông thì Thăng Long có được cái đặc điểm và vị trí thuận là có nhiều sông ngòi chảy qua. Những con sông làm cho đất đai Long Thành và vùng lân cận trở nên mầu mỡ, không khí tươi mát và giúp cho phương tiện giao thông vận tải tiện lợi là các sông Hồng, Sông Đà, sông Đáy, sông Công, sông Cầu, sông Cà Lồ, sông Đuống, sông Ba Hanh, sông Hàng, sông Nhuệ, sông Thiếp, sông Tích, sông Đằm Long, sông Tô Lịch và nhiều hệ thống kinh đào như: Đan Hoài (Đan Phượng, Hoài Đức), Thuỵ Phương, (Từ Liêm), Gia Thượng (Gia Lâm), Ấp Bắc, Ấp Nam (Đông Anh).

Sông Hồng chảy qua trung tâm Hà Nội và chia thành phố làm hai khu vực: phía Đông-Bắc và Đông là các huyện Sóc Sơn, Mê Linh, Đông Anh, Gia Lâm; phía Tây-Bắc và Tây-Nam là các huyện Ba Vì, Phú Thọ, Thạch Thất, Đan Phượng, Hoài Đức, Từ Liêm, Thanh Trì, thị xã Sơn Tây và nội thành Hà Nội. Cùng với những con sông xanh lượn khúc, nội thành Hà Nội còn có những Hồ thiên nhiên đẹp nên thơ và hấp dẫn du khách thập phương như: Hồ Hoàn Kiếm (Hồ Gươm), Hồ Tây, Hồ Trúc Bạch, Hồ Thiến Quang và Hồ Bẩy Mẫu.

2- Về Phương Diện Văn Hóa

Thăng Long, đất "ngàn năm văn vật" được lưu truyền mãi trên vành môi của dân Việt dựa trên kho tàng văn học, văn chương, thi ca và nền tảng Kinh đô của Việt Nam qua nhiều thế kỷ, trung tâm văn hóa lâu đời, cùng với những người con sinh ra và lớn lên trên mảnh đất thân yêu đã trở thành văn nhân, thi sĩ nổi tiếng và anh hùng hào kiệt như: Lý Thường Kiệt, Nguyễn Du, Chu Văn An, Đặng Trần Côn, Hồ Xuân Hương, Cao Bá Quát, Nguyễn Văn Siêu, Bà Huyện Thanh Quan, Ngô Thời Nhậm v.v…
Ngoài Văn Miếu (Quốc Tử Giám) hay nhà Thái Học, một Viện Đại Học đầu tiên và Hàn Lâm Viện của dân Việt, được thành lập vào năm 1076 dưới thời Lý Nhân Tông, chứng tỏ nền văn học của Việt Nam phát triển khá cao so với các quốc gia khác vào thời điểm này.
3- Về Phương Diện Lịch Sử
Một số tài liệu nghiên cứu lịch sử chứng minh Hà Nội có 36 phố phường mà chúng tôi được biết gồm có:
-Sách "Dư địa chí" của Nguyễn Trãi (Nguyễn Trãi toàn tập, NXB Khoa học xã hội, Hà Nội, 1976). Tác phẩm này viết về kinh đô như sau: "... Từ Lý đến nay, cũng đóng đô ở đấy. Có 1 phủ lộ, 2 thuộc huyện, 36 phường. Cẩn án: Phủ là Phụng Thiên, 2 huyện là Thọ Xương (xưa gọi là Vĩnh Xương) và Quảng Đức, mỗi huyện đều có 18 phường." (trang 217)… Thời Nguyễn Trãi, Đông Kinh có 1 phủ lộ, 2 thuộc huyện, 36 phường.

-Sách "Thăng Long, Đông Đô, Hà Nội" có in kèm bản đồ Đông Kinh vẽ năm 1490 và Hà Nội vẽ năm 1831. Theo sách này thì Hà Nội trước thời Pháp thuộc đã có hơn "36 phố phường, với 36 nghề" rồi. Trễ nhất là từ đầu thế kỷ 20, hai tiếng "phố phường" được hiểu, được dùng để chỉ phố xá (Huỳnh Tịnh Của, Đại Nam quốc âm tự vị). Cụm từ "Hà Nội băm sáu phố phường" được nhiều tác giả (điển hình là Thạch Lam) dùng để chỉ thành phố Hà Nội. Phố Hàng Đào gồm những cửa hàng tơ lụa, phố Hàng Giấy. "Hà Nội trước thời Pháp thuộc có 36 phố phường, với 36 nghề." (theo Chim Việt Cành Nam/ Nguyễn Dư)

-Sách "Làng xóm Việt Nam" của Toan Ánh có viết: "Phường là một thành phần của những làng có nhiều người cùng làm một nghề sống chung với nhau tại một khu... Cùng theo một nghề, họ thờ chung một Thánh Sư, và hàng năm ngày giỗ Thánh Sư gọi là ngày giỗ phường... Ngày xưa, ở Hà Nội có rất nhiều phường, và mỗi phường ở một khu, sau biến thành phố, và những phố này thường chỉ gồm những người cùng làm một nghề hoặc cùng bán một loại hàng. Di tích này còn lưu lại tới ngày tiền hiệp định Genève, tuy trong phố cũng có một vài cửa hàng lạc nghệ xen vào... Hà Nội trước thời Pháp thuộc có 36 phố phường, với 36 nghề."

Ngoài các sách vở nêu trên, người ta còn ghi nhận có quan niệm cho rằng 36 phố phường mang ý nghĩa trừu tượng. Số 9 ở Á Châu hay Việt Nam là con số chỉ sự đầy đủ. Nếu dựa vào toán học thì số 9 có trị số lớn nhất. 4 lần 9 là 36 có nghĩa là nhiều. Nhưng 4 còn có nghĩa là 4 hướng "Đông Tây, Nam, Bắc". 9 có thể nhân với các số khác từ 1-9. Số 9 nhân với 9 thành tổng số lớn nhất là 81; nhưng nó lại là số lẻ và không có ý nghĩa về thiên nhiên. Về tổ chức một thành phố thì 4 hướng thích hợp nhất trong việc phân chia phố thị. Vì thế, sự hoàn chỉnh và có ý nghĩa nhất là con số 36. Vào thế kỷ 17 Thăng Long được bảo vệ bởi 16 cổng thành có cánh cửa gỗ nặng cả ngàn cân. Như vậy mỗi hướng có 4 cổng và đó cũng là chủ ý có tính toán của tác giả vẽ họa đồ và xây dựng cố đô năm xưa: 4 x 4 = 16 và 4 x 9 = 36.

4- Thực Tế Phố Phường Hà Nội

Để dễ nhớ, chúng tôi xin ghi lại đây một bài thơ lục bát khá phổ thông nói về Hà Nội 36 phố phường.
Lang thang thành cổ Thăng Long, Băm sáu phố chính trong lòng là đây: Hàng Bồ, Hàng Bạc, Hàng Gai, Hàng Buồm, Hàng Thiếc, Hàng Bài, Hàng Khay, Ma Vi, Hàng Điếu, Hàng Giầy, Hàng Lọ, Hàng Cột, Hàng Mây, Hàng Đan, Phố Mới, Phúc Kiến, Hàng Than, Hàng Mã, Hàng Mắm, Hàng Ngang, Hàng Đồng, Hàng Muối, Hàng Nón, Cầu Đông, Hàng Hom, Hàng Dầu, Hàng Bông, Hàng Be, Hàng Thúng, Hàng Bát, Hàng Tre, Hàng Vôi, Hàng Giấy, Hàng The, Hàng Gà.
Vòng quanh bạn tới Hàng Da.
Đi chơi một chuyến thật là vui ghê.

Về phương diện tổ chức hành chánh là như vậy. Tuy nhiên, trên thực tế phố xá bán hàng hóa của Hà Nội không phải chỉ có 36 mà nhiều gần gấp hai. Sự kiện này cũng dễ hiểu thôi. Có khi một phường nằm trên một đường phố nhưng có hai hay ba khúc, qua các ngã tư chẳng hạn, nên có hai hay ba phố bán hàng khác nhau. Phố Hàng Mã-Mây là một ví dụ. Nhiều phố ngày nay đã bị đổi tên hoặc không còn bán các thứ hàng chuyên biệt như xưa. Đa số phố buôn của Hà Thành năm xưa đều bắt đầu bằng chữ "hàng" như dưới đây:

5- Một Số Phố Quan Trọng

-Phố Hàng Bạc có tên tiếng Pháp là Rue des Changeurs. Phố dài 280m từ ngã ba Hàng Bè - Hàng Mắm, cắt ngang ngã tư Đinh Liệt - Tạ Hiện, tạo ngã ba với phố Mã Mây đến chỗ tiếp giáp ngã tư phố Hàng Đào, Hàng Ngang, nối tiếp Hàng Bồ, thuộc phường Hàng Bạc, quận Hoàn Kiếm. Thời Pháp thuộc, phố có tên là Những người đổi bạc (Rue des Changeurs). Tại số nhà 74 là rạp Kim Chung, nay là rạp "Chuông Vàng", xưa là phố của các cửa hàng kim hoàn. Gần đây nhiều cửa hàng kim hoàn đã mở lại.
Phố này được xây dựng trên nền đất xưa vốn thuộc hai thôn Đông Thọ và Dũng Hãn, tổng Hữu Túc, huyện Thọ Xương cũ. Phố Hàng Bạc trước đây có 3 nghề khác nhau: nghề "đúc bạc nén", nghề "kim hoàn" và nghề "đổi tiền". Những người đúc bạc đều là dân làng Trâu Khê (nay thuộc huyện Bình Giang, tỉnh Hải Dương).

Thời Lê, ở đây có xưởng đúc bạc nén, nay là số nhà 58. Dân làng Trâu Khê lên đây làm nghề đã lập hai ngôi đình để thờ tổ nghề. Đó là đình ở nhà số 50, dân vẫn quen gọi "đình 50", trước gọi là Trương đình (Đình trên) và một đình ở nhà số 42, dân quen gọi "Đình 42", trước gọi Kim Ngân đình (Đình dưới). Đến cuối thế kỷ XIX, dân Trâu Khê lên lập nghiệp quá động, nên hai đình Hàng Bạc không đủ, học đã mua lại đền Nội Miếu của thôn Hài Tượng để lập đền thờ vọng về quê, gọi Trâu Khê vọng sở.
Ngoài ra phố này còn có nghề đổi tiền, đổi bạc. Nghề đúc bạc được chấm dứt vào thời Gia Long, khi kinh đô dời vào Huế, còn nghề đổi tiền kéo dài đến khi Pháp sang. Cuối cùng là nghề kim hoàn. Thợ kim hoàn là người Định Công thượng (nay thuộc huyện Thanh Trì, Hà Nội). Làm nghề kim hoàn còn có người làng Đông Sâm (huyện Kiến Xương, Thái Bình).
-Phố Hàng Buồm
Là nơi bán các loại buồm dùng cho thuyền bè. Hàng Buồm, có tên tiếng Pháp là "Rue des voilles" và là một trong những phố cổ, nơi cư trú đông đúc của Hoa Kiều, nên trước đây phố này chủ yếu là các cao lâu tửu quán, cửa hàng ăn. Phố dài 300 mét đi từ phố Đào Duy Từ, cắt ngang Hàng Giầy, đến phố Hàng Ngang, nối tiếp với phố Lãn Ông, thuộc quận Hoàn Kiếm

Phố này được xây dựng trên nền đất thuộc phường Giang Khẩu (sau đổi là Hà Khẩu), thuộc tổng Tả Túc, huyện Thọ Xương, nằm bên cửa sông Tô Lịch, nơi thông ra sông Hồng. Do đó phố Hàng Buồm là nơi bán các loại buồm dùng cho thuyền bè. Đây là quê ngoại và là nơi dạy học của nữ sĩ Hồng Hà Đoàn Thị Điểm thế kỷ XVIII.
Ngày nay phố Hàng Buồm còn một ngôi đền và một ngôi đình cổ. Tại nhà số 8 là đình Tử Dương, tục gọi là đình "Hàng Thịt". Còn số nhà 76 hiện nay là đền Bạch Mã, thờ thần Long Đỗ. Tục truyền Long Đỗ đã hoá thành ngựa trắng giúp vua Lý Thái Tổ xây thành khi dời đô từ Hoa Lư về đây. Cạnh đền phường Hà Khẩu còn văn chỉ bi ký, ghi dựng từ năm 1774. Gần đó, trước đây còn có chợ Bạch Mã của Thăng Long xưa. Chợ này đã cùng với Chợ Cầu Đông bên Hàng Đường dồn về lập chợ mới gọi là chợ Đồng Xuân, từ thời Pháp mới sang (1889). Số nhà 19 phố Hàng Buồm là trụ sở Hội Văn học Nghệ thuật Hà Nội.
-Phố Hàng Đào
Ở ngôi đình Đồng Lạc số 38 Hàng Đào vẫn còn một tấm bia dựng năm 1856 kể rõ về chợ bán "yếm quyến" nằm kề bên đình. Đó là loại yếm của phụ nữ được làm bằng một thứ lụa "trắng đẹp như vẽ" mà sách An nam Chí nguyên đã mô tả, hoặc cũng từng hiện hình trong câu ca dao tình tứ được truyền tụng từ xưa:

Thuyền anh đã cạn lên đây
Mượn đôi dải yếm làm dây kéo thuyền.
Đàn ông đóng khố đuôi lươn
Đàn bà mặc yếm hở lườn mới xinh".

Hàng Đào, tên một phố dài 260m, nối từ phố Hàng Ngang chỗ ngã tư Hàng Bạc - Hàng Bồ đến đầu phố Hàng Gai (nơi gặp nhau của phố Cầu Gỗ, phố Đinh Tiên Hoàng), Lê Thái Tổ (quảng trường Đông Kinh Nghĩa Thục), giữa phố có chỗ rẽ vào phố Gia Ngư, quận Hoàn Kiếm.
Ngày xưa, phường này chuyên nghề nhuộm tơ tằm với các màu đỏ, hồng (đào, điều). Trước thời Pháp thuộc, nơi đây tập trung bán tơ lụa. Hai bên phố là những cửa hàng bán đủ loại mặt hàng dệt bằng tơ tằm, the, lĩnh... Cũng tại đây mỗi tháng hai phiên chợ họp trên đường phố, người làng La Khê, La Cả ra bán the, người làng Mỗ ra bán đũi, người Vạn Phúc, Kẻ Bưởi đem bán lĩnh. Đầu thế kỷ XX có một số người Ấn Độ tới mở hiệu bán vải vóc, tơ lụa, len dạ. Thời Pháp thuộc, Hàng Đào có tên là phố Tơ Lụa (Rue de la Soi). Ngày nay, phố Hàng Đào vẫn là nơi tập trung buôn bán vải vóc, quần áo may sẵn..., một trong những phố trung tâm buôn bán sầm uất của thành phố Hà Nội.

Phố này được xây dựng trên nền đất xưa vốn thuộc hai phường Đồng Lạc (phía Bắc) và Đại Lợi (phía Nam), tổng Tiền Túc (sau đổi là Thuận Mỹ), huyện Thọ Xương. Trước đây, sau dãy nhà bên số lẻ có một cái hồ gọi là Hồ Thái Cực hay hồ Hàng Đào, chảy thông sang hồ Hoàn Kiếm, sau đó hồ đã bị lấp để xây dựng nhà cửa (khoảng giữa thế kỷ XIX). Di tích cũ còn sót lại là miếu Đồng Lạc ở số nhà 31 (không rõ thời ai), đình Đồng Lạc ở số nhà 38, thờ Bạch Mã, Linh Lang và Cao Sơn. Đền Đại Lợi còn có tên là đền Bạch Bổ, ở số nhà 47, thờ thần Bạch Mã. Đình Đại Lợi trước đây ở cuối phố giáp Hàng Gai, do mở đường nên đã dời vào Gia Ngư, nay ở số nhà 50 cũng thờ Bạch Mã, Linh Lang, Cao Sơn. Tại nhà số 90A phố này còn có đình Hoa Lộc do dân làng Đan Loan ở huyện Bình Giang (Hải Dương ngày nay) thờ thành hoàng là Triệu Xương, vợ là Phương Dung và thờ ông tổ nghề nhuộm.
-Hà Nội từng có một phố hàng thêu
Đấy là đoạn nằm vào cuối phố Hàng Trống ngày nay. Tên phố cũ bây giờ chẳng còn, nhưng từ xưa những người thợ thêu làng Quất Động (Thường Tín - Hà Tây) đã mang đến đất Kinh kỳ một thứ sản phẩm có tính thẩm mỹ thật tinh tế và tạo ra cho Thăng Long - Hà Nội một phố nghề nhộn nhịp đầy sắc màu.

Tấm vài thêu hơi dài, thường có sáu hay bảy người cùng thêu chung trên một khung. Hình thêu thường là hoa quả, chim, đôi khi là bốn con vật linh (long, ly, quy, phượng).... Họ tỏ ra rất thành thạo trong việc kết hợp những màu hết sức sặc sỡ trên lụa, để làm thành một tổng thể hài hoà mà không chói mắt".
Thêu là một nghề thủ công đòi hỏi người thợ phải có đôi tay khéo léo, con mắt tinh tường, óc thẩm mỹ tinh tế và đức tính cần mẫn. Chả thế mà đến tận giờ người ta vẫn còn lưu truyền câu ca dao:
Áo điều thêu sợi chỉ điều,
Bao nhiêu sợi chỉ bấy nhiêu tấm lòng.