Dân Chúa Âu Châu

BY: HOÀNG THẠCH

 

1- Đại ý đoạn Kiều bán mình chuộc cha

 

Sau khi nghe lời thằng bán tơ tố cáo, một trong bọn tham quan tên là Chung, giả nhân giả nghĩa làm môi giới, đòi phải có ba trăm lượng bạc thì cha và em trai của Kiều mới không bị đưa ra tòa và có thể bị xử tử. Nhà đã nghèo, người tình Kim Trọng phải về quê lo tang chú, nay bất ngờ bị bọn tham quan hà hiếp làm sao gia đình Kiều kiếm ra ba trăm lượng bạc để đút lót cho bọn chúng. Vì trọng hiếu nghĩa hơn tình riêng, Kiều đành phải bán mình để có tiền chuộc cha và em trai. Qua môi giới, Mã Giám Sinh quê ở Lâm Thanh, đã ngoài 40 tuổi, chịu bỏ tiền ra cưới Kiều về làm vợ. Kiều một giai nhân tài sắc vẹn toàn, giá ngàn vàng, thế mà bọn lưu manh kỳ kèo cuối cùng trả có hơn 400 lượng vàng. Sau khi giao kèo được ký kết, Kiều chờ ngày về nhà chồng, cha và em được thả ra. Thoát cảnh tù tội là điều vui mừng lớn lao, nhưng Vương ông thấy con gái phải bán thân mình thì đau buồn như cắt ruột. Cha mẹ nào chẳng mơ ước nuôi con đến khi khôn lớn chỉ mong sao con được hạnh phúc lứa đôi. Nay thì Vương ông vỡ mộng than thở “Trời làm chi cực bấy trời, Này ai vu thác cho người hợp tan!”

 

Thúy Kiều tuy cứu được cha và em khỏi cảnh tù đày, nhưng lòng buồn não nề. Cuộc tình vừa chớm nở đã phải ly tan. Những lời hẹn ước keo sơn với Kim Trọng bỗng nhiên biến tan thành mây khói! Hiếu nghĩa và tình yêu mấy ai trọn vẹn cả đôi bề? Nhưng với tấm lòng thủy chung, Kiều đã xin em gái Thúy Vân thay mình kết duyên vợ chồng với Kim Trọng và coi thân phận mình như lá chảy xuôi dòng, biết đâu là bến bờ? Kiều coi mình như sẽ chết và dặn em khi nào chị không còn, hãy thắp nén hương trầm nghi ngút và gẩy lên cung đàn, khi nhìn thấy lá cây rung động và ngọn cỏ lung lay thì lúc đó hồn Kiều sẽ trở về. Một trong những nỗi đau khổ nhất của cuộc đời là mối tình chia ly. Kiều chua cay cất lên tiếng than thở ai oán, não nùng: “Phận sao phận bạc như vôi, Đã đành nước chẩy hoa trôi lỡ làng. Ôi Kim lang! Hỡi Kim lang! Thôi thôi thiếp đã phụ chàng từ đây!

 

Trên đường về với Mã Giám Sinh, Kiều dấu kỹ một con dao trong miếng vải, để khi tuyệt vọng, nàng sẽ kết liễu đời mình. Nghĩ tới người tình Kim Trọng, Kiều vừa thương yêu, vừa nuối tiếc. Nàng tự trách tại sao không trao tấm thân trinh nguyên này cho chàng trước cuộc chia ly! Nhị đào thà bẻ cho người tình chung”. Tưởng rằng Mã Giám Sinh cưới nàng về làm vợ, ai ngờ hắn chỉ là kẻ lưu manh, lừa đảo, đam mê tửu sắc, vui chốn lầu xanh. Hắn vừa hưởng được bông hoa còn nguyên nhị vàng tinh khiết, vừa lấy lại vốn 300 lượng vàng khi bán nàng cho Tú Bà!

 

Đúng là thân phận nữ nhi khổ sở trăm chiều. Đọc hoàn cảnh gia đình Kiều lâm nạn, và thân phận Kiều, người ta mới thấy cảm thương cho số phận những cô gái, vì chữ hiếu hay vì hoàn cảnh gia đình nghèo đói phải bán mình chuộc cha, cứu gia đình. Hoàn cảnh này không khác gì dưới chế độ cộng sản Việt Nam. Biết bao cô gái Việt, những cô Kiều thời đại mới, đã phải bán mình làm vợ cho người Tầu và Nam Hàn. Nhiều người sau khi bị vùi dập, lại bị bán vào các ổ mãi dâm, tan nát cả cuộc đời!

 

Kiều Bán Mình Chuộc Cha

 

Sự lòng ngỏ với băng nhân,
Tin sương đồn đại xa gần xôn xao.
Gần miền có một mụ nào,
Đưa người viễn khách tìm vào vấn danh.
625. Hỏi tên rằng: Mã Giám sinh.
Hỏi quê, rằng: Huyện Lâm Thanh cũng gần.
Quá niên trạc ngoại tứ tuần,
Mày râu nhẵn nhụi, áo quần bảnh bao.
Trước thầy sau tớ lao xao
630. Nhà băng đưa mối rước vào lầu trang.
Ghế trên ngồi tót sỗ sàng,
Buồng trong mối đã giục nàng kíp ra.
Nỗi mình thêm tức nỗi nhà,
Thềm hoa một bước, lệ hoa mấy hàng!
635. Ngại ngùng giợn gió e sương,
Nhìn hoa bóng thẹn, trông gương mặt dày.
Mối càng vén tóc bắt tay,
Nét buồn như cúc, điệu gầy như mai.
Đắn đo cân sắc cân tài,
640. ép cung cầm nguyệt, thử bài quạt thơ.
Mặn nồng một vẻ một ưa,
Bằng lòng khách mới tùy cơ dặt dìu.
Rằng: Mua ngọc đến Lam Kiều,
Sính nghi xin dạy bao nhiêu cho tường?
645. Mối rằng: đáng giá nghìn vàng,
Gấp nhà nhờ lượng người thương dám nài.
Cò kè bớt một thêm hai,
Giờ lâu ngã giá vàng ngoài bốn trăm.
Một lời thuyền đã êm dằm
650. Hãy đưa canh thiếp trước cầm làm ghi.
Định ngày nạp thái vu qui,
Tiền lưng đã sẵn việc gì chẳng xong!
Một lời cậy với Chung công,
Khất từ tạm lĩnh Vương ông về nhà.

 

Vương Ông Thương Khóc Thúy Kiều

 

655. Thương tình con trẻ cha già,
Nhìn nàng ông những máu sa ruột dàu:
Nuôi con những ước về sau,
Trao tơ phải lứa, gieo cầu đáng nơi.
Trời làm chi cực bấy trời,
660. Này ai vu thác cho người hợp tan!
Búa rìu bao quản thân tàn,
Nỡ đầy đọa trẻ, càng oan khốc già.
Một lần sau trước cũng là,
Thôi thì mặt khuất chẳng thà lòng đau!
665. Theo lời càng chảy dòng châu,
Liều mình ông rắp gieo đầu tường vôi.
Vội vàng kẻ giữ người coi,
Nhỏ to nàng lại tìm lời khuyên can:
Vẻ chi một mảnh hồng nhan,
670. Tóc tơ chưa chút đền ơn sinh thành.
Dâng thư đã thẹn nàng Oanh,
Lại thua ả Lý bán mình hay sao?
Cỗi xuân tuổi hạc càng cao,
Một cây gánh vác biết bao nhiêu cành.
675. Lòng tơ dù chẳng dứt tình,
Gió mưa âu hẳn tan tành nước non.
Thà rằng liều một thân con,
Hoa dù rã cánh, lá còn xanh cây.
Phận sao đành vậy cũng vầy,
680. Cầm như chẳng đậu những ngày còn xanh.
Cũng đừng tính quẩn lo quanh,
Tan nhà là một thiệt mình là hai.
Phải lời ông cũng êm tai,
Nhìn nhau giọt vắn giọt dài ngổn ngang.

 

Mã Giám Sinh Rước Thúy Kiều

 

685. Mái ngoài họ Mã vừa sang,
Tờ hoa đã ký, cân vàng mới trao.
Trăng già độc địa làm sao?
Cầm dây chẳng lựa buộc vào tự nhiên.
Trong tay đã sẵn đồng tiền,
690. Dầu lòng đổi trắng thay đen khó gì!
Họ Chung ra sức giúp vì,
Lễ tâm đã đặt, tụng kỳ cũng xong.

 

Thân Phận Nữ Nhi

 

Việc nhà đã tạm thong dong,
Tinh kỳ giục giã đã mong độ về.
695. Một mình nàng ngọn đèn khuya,
áo dầm giọt lệ, tóc xe mối sầu.

Phận dầu, dầu vậy cũng dầu,
Xót lòng đeo đẳng bấy lâu một lời!
Công trình kể biết mấy mươi.
700. Vì ta khăng khít, cho người dở dang.
Thề hoa chưa ráo chén vàng,
Lỗi thề thôi đã phụ phàng với hoa.
Trời Liêu non nước bao xa.
Nghĩ đâu rẽ cửa chia nhà tự tôi.
705. Biết bao duyên nợ thề bồi.
Kiếp này thôi thế thì thôi còn gì.
Tái sinh chưa dứt hương thề.
Làm thân trâu ngựa đền nghì trúc mai.
Nợ tình chưa trả cho ai,
710. Khối tình mang xuống tuyền đài chưa tan.

 

Thúy Kiều Tâm Sự Cùng Thúy Vân

 

Nỗi riêng riêng những bàng hoàng,
Dầu chong trắng đĩa lệ tràn thấm khăn.
Thúy Vân chợt tỉnh giấc xuân,
Dưới đèn ghé đến ân cần hỏi han:
715. Cơ trời dâu bể đa đoan,
Một nhà để chị riêng oan một mình,
Cớ chi ngồi nhẫn tàn canh?
Nỗi riêng còn mắc mối tình chi đây\?
Rằng: Lòng đương thổn thức đầy,
720. Tơ duyên còn vướng mối này chưa xong.
Hở môi ra cũng thẹn thùng,
Để lòng thì phụ tấm lòng với ai.
Cậy em, em có chịu lời,
Ngồi lên cho chị lạy rồi sẽ thưa.
725. Giữa đường đứt gánh tương tư,
Loan giao chắp mối tơ thừa mặc em.
Kể từ khi gặp chàng Kim,
Khi ngày quạt ước, khi đêm chén thề.
Sự đâu sóng gió bất kỳ,
730. Hiếu tình khôn lẽ hai bề vẹn hai!
Ngày xuân em hãy còn dài,
Xót tình máu mủ, thay lời nước non.
Chị dù thịt nát xương mòn,
Ngậm cười chín suối hãy còn thơm lây.
735. Chiếc thoa với bức tờ mây,
Duyên này thì giữ vật này của chung.
Dù em nên vợ nên chồng,
Xót người mệnh bạc, ắt lòng chẳng quên.
Mất người còn chút của tin,
740. Phím đàn với mảnh hương nguyền ngày xưa.
Mai sao dầu có bao giờ.
Đốt lò hương ấy, so tơ phím này.
Trông ra ngọn cỏ lá cây,
Thấy hiu hiu gió thì hay chị về.
745. Hồn còn mang nặng lời thề,
Nát thân bồ liễu, đền nghì trúc mai;
Dạ đài cách mặt khuất lời,
Rẩy xin chén nước cho người thác oan.
Bây giờ trâm gẫy bình tan,
750. Kể làm sao xiết muôn vàn ái ân.
Trăm nghìn gửi lại tình quân,
Tơ duyên ngắn ngủi có ngần ấy thôi.
Phận sao phận bạc như vôi,
Đã đành nước chẩy hoa trôi lỡ làng.
755. Ôi Kim lang! Hỡi Kim lang!
Thôi thôi thiếp đã phụ chàng từ đây!

 

Kiều Toan Quyên Sinh

 

Xiết bao kể nỗi thảm sầu!
Khắc canh đã giục nam lâu mấy hồi.
Kiệu hoa đâu đã đến ngoài,
780. Quản huyền đâu đã giục người sinh ly.
Đau lòng kẻ ở người đi,
Lệ rơi thấm đá tơ chia rũ tằm.
Trời hôm mây kéo tối rầm,
Rầu rầu ngọn cỏ đầm đầm cành sương.
785. Rước nàng về đến trú phường,
Bốn bề xuân khóa một nàng ở trong.
Ngập ngừng thẹn lục e hồng,
Nghĩ lòng lại xót xa lòng đòi phen.
Phẩm tiên rơi đến tay hèn,
790. Hoài công nắng giữ mưa gìn với ai:
Biết thân đến bước lạc loài,
Nhị đào thà bẻ cho người tình chung.
Vì ai ngăn đón gió đông,
Thiệt lòng khi ở đau lòng khi đi.
795. Trùng phùng dầu họa có khi,
Thân này thôi có còn gì mà mong.
Đã sinh ra số long đong,
Còn mang lấy kiếp má hồng được sao?
Trên yên sẵn có con dao,
800. Giấu cầm nàng đã gói vào chéo khăn:
Phòng khi nước đã đến chân,
Dao này thì liệu với thân sau này.
Đêm thu một khắc một chầy,
Bâng khuâng như tỉnh như say một mình.

805. Chẳng ngờ gã Mã Giám Sinh,

Vẫn là một đứa phong tình đã quen.

Quá chơi lại gặp hồi đe,

 

2-Chú giải và điển tích: Vì có nhiều điển tích hấp dẫn nên đọc, chúng tôi không ghi phần chú giải chữ Nôm.

658-Gieo cầu:

 

Điển tích 1:

 

Đời nhà Đường bên Tàu, nước Đại Huyền có công chúa Cửu Hườn, người có sắc đẹp lại văn võ song toàn. Vua cha đương kén chọn phò mã. Nàng tâu với vua:

- Nhân duyên là do trời định. Vậy xin cha cho người lập một cái đài cao tại giáo trường, và truyền cho các sắc dân trong nước, bất kỳ xấu, đẹp đều phải dự kén phò mã. Riêng con có thêu một quả tú cầu; ngày ấy, con sẽ khấn vái trời đất rồi lên lầu mà quăng quả tú cầu ấy xuống giữa đám đông. Nếu ai lượn được thì sẽ kết duyên chồng vợ.

Nhà vua cưng con, nghe cũng hữu lý nên bằng lòng. Nghe được tin nhà vua tuyển chọn phò mã bằng cách gieo cầu, các chàng trai, không phân biệt giai cấp giàu nghèo, diện mạo tuấn tú hay xấu xa, dốt nát hay hay chữ đều tấp nập đổ xô đến trước đài. Họ hồi hộp, mong ngóng đón chờ... Có chàng Tiết Cường, con thứ tư của Tiết Đinh San, vì bị nạn tru di ba họ nên lưu lạc đến đấy. Chàng là người mỹ mạo tuấn tú, võ nghệ siêu quần. Thấy người đông đảo, chàng cũng đứng xem. Đến giờ lành, công chúa lên đài, quỳ trước bàn hương án, khấn vái, đoạn đứng lên, cầm quả tú cầu quăng xuống. Quả cầu nhào lộn trên không mấy vòng rồi sa trước mặt Tiết Cường. Mọi người đổ xô đến, lấn nhau chụp, làm té lăn sóng soài trên mặt đất. Tiết Cường đưa tay bắt lấy tú cầu, giữ chặt trong tay. Mọi người liền ào đến giựt lại. Chàng tay xô, chân đạp làm té nhào hết mấy người, rồi chen ra mà chạy, lại la lớn:

-Ấy là nhân duyên trời định, may ai nấy nhờ, lẽ đâu làm điều vô lễ.

Đoàn cấm binh liền đến can thiệp, xin rước phò mã. Bấy giờ họ mới tản ra, tiu nghỉu trở về.

Cấm binh thấy Tiết Cường mỹ mạo tuấn tú, nức nở khen:

-Thật là trời khéo xui vợ xứng chồng hết sức.

Thế là ngay hôm ấy, nhà vua truyền cho công chúa cùng Tiết Cường làm lễ giao bôi hợp cẩn.

 

Điển tích 2:

 

Hán Vũ đế kén phò mã, cho công chúa ngồi lên lầu, ném quả cầu xuống, ai cướp được thì làm phò mã.

660. Vu thác: Vu là đổ tội cho, thác là đặt điều ra.

669. Một mảnh hồng nhan: Như nói một mụn con gái.

671. Nàng Oanh: Nàng Đề Oanh. Theo Liệt nữ truyện: là nàng Ðề Oanh, người đời nhà Hán. Cha Đề Oanh là Thuần Vu Ý làm quan đất Tề trong triều Hán Văn Đế, chẳng may phạm phải tội oan bị bắt giải về kinh đô Trường An, sắp bị tử hình. Ông không có con trai, chỉ sinh đến năm gái, nên than thở:

-Sinh con không có con trai, những khi nguy cấp không ai đỡ đần.

Ðề Oanh là gái út thương cha, khóc lóc theo cha đến Trường An. Nàng dâng thư lên nhà vua, kêu oan cho cha, đại ý nói: “Cha tôi làm quan, cả miền Tề trung ai cũng ca tụng là thanh liêm chính trực, nay bất hạnh phải tội rất oan ức. Vả, tôi trộm nghĩ người đã chết thì không sống lại được, đã chém thì không liền lại được. Vậy, dầu có muốn sửa lỗi, theo điều phải trở nên hay, tốt cũng không còn cách nào nữa, thế là lỡ mất hết rồi. Nay tôi xin bán mình làm tên nô lệ chỗ quan phủ, mong chuộc tội cha, để cha được sống...” Hán Văn Ðế xem thư thấy tình lý uẩn súc, lấy làm cảm động, xét lại án truyền tha Thuần Vu Ý. Lại xuống chiếu từ đó bãi bỏ nhục hình.

 

672. Ả Lý: Nàng Lý Ký. Theo sách Đường đại tùng thư: Gia đình Lý Ký đời Nhà Đường nghèo quá, chỉ có nàng là con một. Nàng vẫn cày cục, lam lũ mà không đủ nuôi sống cha mẹ. Bấy giờ trong làng có một cái miếu hoang có con rắn to, đêm đêm vào làng bắt gà vịt, lại còn đón người đi đường mổ chết. Người làng khủng khiếp, tôn thờ là thần Rắn. Quá mê tín, họ lại bày ra cúng lễ hàng năm cho thần Rắn một người con gái đồng trinh, để thần đừng quấy phá, cắn người. Họ tìm mua gái nhà nghèo để làm lễ vật tế thần. Nàng Lý thấy mình không nuôi sống nổi cha mẹ lấy làm buồn khổ. Tương lai đen tối, nàng thấy cần có một số tiền để cho cha mẹ an dưỡng lúc tuổi già, nên nàng lén cha mẹ, bằng lòng xin bán mình làm vật hy sinh. Ðến ngày lễ, người làng dẫn Lý Ký đến gần miếu, trói quách nàng vào một cội cây rồi hối hả bỏ chạy về. Lý Ký vốn con nhà nghèo, hằng ngày phải vào rừng đốn củi đổi gạo về nuôi cha mẹ nên có sức mạnh, tinh thần cứng cỏi, không sợ gì. Nàng liền tự cởi trói mình, bẻ cây làm gậy quyết sống chết với thần Rắn. Rắn quen thói gặp người là cất cao đầu mổ. Lý Ký cố gắng vừa tránh né vừa lia gậy nhắm vào đầu rắn mà quật. Hụt ngọn đòn này thì tiếp ngọn đòn khác, cuối cùng Lý Ký giết được rắn. Người trong làng rất hoan nghinh nàng, chẳng những là người con có hiếu mà còn là vị cứu tinh của dân. Vì từ đó không còn phải lo sợ nạn rắn dữ gieo rắc tai họa, làm hao tổn mạng người vô lý nữa. Tiếng đồn vang đến vua Việt Vương, nhà Vua truyền vời nàng về triều phong làm thứ hậu. Muốn cứu cha thoát khỏi cảnh tra khảo tội tù oan ức, Kiều không dâng thư kêu oan được, vậy chỉ còn có cách bán mình lấy vàng hối lộ mới cứu được

710. Khối tình: Khối: Một tảng, một khối. Tình: tình yêu giữa nam nữ.

 

Điển tích-1:

 

Bên Trung Hoa, tại vùng Trúc Giang có một chàng lái buôn tên Quan Diệp Nhược yêu một nàng thôn nữ tên Tần Thúy Hải. Cả hai yêu nhau thắm thiết, nguyện cùng kết tóc, se tơ cho đến ngày răng long tóc bạc. Quan Diệp Nhược thường đi buôn bán nơi xa. Mỗi chuyến đi có cả hàng tháng. Và, mỗi chuyến đi như thế, chàng đều có hẹn ngày về với nàng. Đúng ngày, nàng Tần Thúy Hải đến đón người yêu. Lần nào cũng đúng hẹn cả. Thời gian xa nhau không lâu nhưng họ đều cảm thấy dài đăng đẳng. Nỗi nhớ thương vẫn canh cánh bên lòng. Nhưng vì sự nghiệp, họ đành phải chịu đựng và cầu mong ngày tái ngộ. Mùa thu năm ấy, ngô đồng vừa rụng lá, Quan Diệp Nhược lại phải từ giã, tạm chia tay cùng người yêu, lên đường sang Hồ Bắc buôn châu báu với mấy người bạn. Cũng như thường lệ, nàng Tần ra tiễn Quan hẹn ngày này tháng sau sẽ trở về. Nhưng chuyến này lại khác. Đến ngày hẹn, nàng Tần trang điểm, hớn hở vui tươi để ra đón người yêu. Nàng mỏi mắt trông chờ suốt ngày đêm mà không thấy bóng chàng trở về. Rồi ngày này sang ngày khác, mấy lần thu qua đông đến nàng mỏi mòn chờ đợi, nhưng người yêu xưa lại chẳng thấy về, tin tức cũng vắng bặt. Hay là chàng đã bỏ mình nơi đất khách quê người? Nàng quằn quại sống trong cảnh sầu thương, mong nhớ. Rồi, một ngày đông lạnh lẽo, tuyết rơi phủ trắng cả vòm trời, nàng Tần trút hơi thở trên giường bịnh. Theo tục lệ ở địa phương, những gái tiết trinh chết được hỏa táng thi hài. Lửa đã đốt cháy người trinh nữ, xương thịt nàng Tần đã trở thành tro bụi,

nhưng khi người ta bới đám tro tàn lạnh lẽo ấy bắt gặp một quả tim đóng thành một khối long lanh như ngọc. Lửa không sao đốt cháy, búa đập cũng không tan. Ai cũng lấy làm lạ, cho đó là khối tình u uất của nàng vì tương tư thương nhớ người yêu, vì quá đau khổ nỗi duyên phận bẽ bàng... Tuy thân xác đã tiêu tan mà khối tình vẫn còn mãi mãi. Nhưng rồi, một hôm Quan Diệp Nhược lại trở về. Sở dĩ chàng sai lời hẹn ước vì chàng gặp phải tai nạn bất ngờ. Ngày về giữa đường chàng bị giặc cướp cả tiền bạc, thuyền bè, làm chàng phải lênh đênh phiêu bạt, lại lâm trọng bịnh, tưởng là bỏ xương nơi đất khách. Cảm thương người yêu vì quá thương nhớ mình mà chết, Quan Diệp Nhược lấy làm đau đớn vô cùng. Chàng cầm lấy quả tim thành ngọc của người yêu mà khóc nức nở. Lạ thay, nước mắt của chàng rỏ xuống thì viên ngọc ấy lại tan ra hòa theo giọt nước mắt của chàng.

 

Điển tích- 2. Chuyện Trương Chi và Mỵ Nương.

 

Việt Nam cũng có một truyện giống như trên. Trương Chi làm nghề lái đò với một con thuyền bềnh bồng trên mặt nước, hằng ngày đưa khách sang sông. Chàng Trương vốn có tâm hồn nghệ sĩ. Những khi hoàng hôn vừa tắt sau dãy đồi xa, bóng đêm bao phủ khắp không gian, lửa cháy lốm đốm nổi theo dòng nước, thì chàng lại cất tiếng hát vang lên. Giọng chàng trong trẻo, thánh thót như giọng hót của sơn ca vào buổi bình minh. Tiếng hát của Trương lại đồng vọng rót vào lầu tây của một quan Tể tướng, làm động lòng của nàng trinh nữ Mỵ Nương. Mỗi đêm, nàng đứng tựa bên lầu chờ nghe tiếng hát của chàng Trương. Mối tình thầm kín, sâu xa giữa nàng tiểu thư, con quan Tể tướng với anh lái đò ngày càng thắm thiết, mặn nồng. Vắng tiếng hát của Trương Chi, Mỵ Nương bàng hoàng, nhớ thương, đau khổ. Rồi từ đó, nàng mắc phải bịnh tương tư ngày càng trầm trọng, thuốc thang không chữa được. Chỉ mỗi lần có tiếng hát ngoài sông văng vẳng đưa vào thì bịnh của nàng mới đỡ được đôi phần.

 

Biết con gái say mê tiếng hát anh lái đò, quan Tể tướng cho đòi Trương Chi đến. Nhưng thảm thay, diện mạo của Trương Chi quá xấu xí, Mỵ Nương trông thấy chán nản, bịnh tương tư lại khỏi hẳn. Tưởng rằng đòi đến sẽ được hàn thuyên cùng người đẹp, không ngờ người đẹp lại buồn chán khiến chàng tủi nhục. Tuy vậy, hình bóng yêu kiều của Mỵ Nương vẫn không phai nhạt trong tâm hồn anh lái đò. Trương Chi lâm bịnh tương tư, thuốc thang chạy chữa không khỏi. Cuối cùng chàng chết trong tủi hận sầu đau vì mối tình tuyệt vọng. Ba năm cải táng, xương thịt của Trương Chi đều tan rã, chỉ nguyên có quả tim còn lại đóng thành khối ngọc rất đẹp mà người ta gọi là Khối tình. Có người đem dâng tim ngọc của chàng cho quan Tể tướng. Thấy ngọc lớn và đẹp, Tể tướng cho tiện thành chén uống nước trà. Mỵ Nương lấy chén ngọc rót nước uống. Vừa nâng chén lên thì trong chén lại hiện ra một chàng lái đò vừa chèo đò vừa hát, giọng văng vẳng não nùng như phảng phất đâu đây. Nàng nhìn kỹ và nhận ra hình bóng của Trương Chi đương hát trên sông vắng vẻ. Cảm mối tình tha thiết của chàng, Mỵ Nương đau đớn, ôm chén ngọc, khóc nức nở. Nước mắt của nàng nhỏ xuống làm chén ngọc vỡ tan hòa theo nước mắt của nàng.

726. Keo loan: do chữ loan giao, tức thứ keo chế bằng máu chim loan. Tương truyền người xưa thường dùng để nối dây đàn và dây cung. Có bản chép là “Keo loan chắp nối tơ thừa mặc em”. “Keo loan” bởi chữ “Loan giao” mà ra. Nghĩa là một thứ keo chế bằng máu chim loan. Sách “Hán Võ ngoại truyện” có chép: đời nhà Hán (206 trước-196 sau D.L.), miền Tây Hải có cống cho nhà vua thứ keo loan. Vua Võ Đế (140-88 trước D.L.) thường bị đứt dây cung, nên lấy keo này nối lại. Nhờ đó mà bắn suốt ngày không bị đứt. Vua lấy làm mừng lắm, đặt tên thức keo đó là “Tục huyền giao” tức là keo nối dây cung. Sách “Hán Thư” cũng có chép: vua Võ Đế ra lịnh cho Câu Qua phu nhân Triệu thị đánh đàn. Nhưng đương đánh, dây đàn bỗng đứt. Triệu thị nói:

-Giữa lúc đánh đàn mà dây đứt, thế là điềm gở.

 

Vua Võ Đế an ủi:

-Dây đứt nhưng có thể nối được. Có gì mà gở.

Đoạn sai người lấy máu chim loan nấu với keo để nối dây đàn.

Đời nhà Tống (950-1275), Đào Cốc vâng lịnh vua đi sứ Giang Nam, được gặp một thiếu nữ là Tần Nhược Lan. Hai người yêu nhau và cùng ở chung một đêm để trao đổi tâm tình. Nhưng vì sứ mạng, Đào phải gấp rút về triều phục lịch. Một đêm ân ái, tình thắm duyên nồng, giữa đường hạnh ngộ, mới gặp gỡ lại chia phôi, mối ân tình vẫn còn canh cánh bên lòng gây biết bao niềm cảm xúc, nên sau khi Đào về có làm một bài từ gởi cho người yêu. Trong có câu: “Tỳ bà hát tận tương tư điệu, tri âm thiểu; đãi đắc loan giao tục đoạn huyền, thị hà niên”? Nghĩa là: “Đàn tỳ bà đã gẩy hết khúc tương tư, mà người tri âm có ít, đợi được keo loan chắp nối dây đàn đứt, biết đến năm nào”? Tác giả mượn dây đàn đứt vì mối tình đứt, và mượn sự chắp dây đàn để nói sự chắp tơ tình.

 

Giọt hồng: Giọt nước mắt có máu, giọt lệ thảm.

Trong sách thuốc có viết: Nhân hữu vựng uất, hốt hôn mê bất tỉnh nhân sự (người có chứng vựng uất thường hay bị ngất). Giọt hồng, giọt nước mắt có màu hồng như máu, người đời còn gọi là huyết lệ khóc cho nổi đau khổ cùng cực trong những hòan cảnh khốn cùng. Điển tích Giọt hồng có trong trong Ngụy Thư:

Đời vua Ngụy Văn Đế có vị quan Tiết Hằng tuổi già về quê ở huyện Lộc Nam cùng với vợ và con gái Tiết Linh Vân. Linh Vân đang tuổi trăng tròn, nổi tiếng là một trang thiên hương quốc sắc, học giỏi, lại rất hiếu thảọ Hai năm sau khi Tiết Hằng về quê, trong vùng Lộc Nam nạn cướp bóc hoành hành, giáp biên giới giặc giã lại nổi lên. Triều đình sai Trương Bá Sanh, một vị quan trẻ kiêu ngạo, tham lam, về dẹp loạn. Tình hình tạm yên; Bá Sanh được bổ nhiệm làm tri huyện Lộc Nam. Nghe tiếng nhan sắc Linh Vân, quan huyện mon men tìm đến. Khi trở về, tức tốc huyện ta cho người mai mối. Cha con Linh Vân từ chối. Bá Sanh sinh thù. Nhân lúc giặc giã lại nổi lên, Bá Sanh lập mưu vu cáo lão quan về hưu tư thông giặc rồi sai nha quân đến nhà bắt Tiết Hằng dẫn lên huyện đường, giam vào ngục, nói là chờ ngày xét xử nhưng thật ra để ép duyên Linh Vân. Linh Vân quá đau đớn vì nỗi hàm oan của cha, đánh liều gởi thư về triều kêu oan. Làm sao thư đến được tay vua. Linh Vân lại thư cầu cứu đến vị quan thứ sử họ Huỳnh, là một người bạn cũ của cha nàng. Huỳnh Thứ sử vào chầu vua xin chiếu chỉ, phái Mạnh Quang, một viện sĩ Hàn Lâm giỏi văn chương thi phú, về huyện Lộc Nam tuần tra.

 

Hai tháng về Lộc Nam thanh tra, hồ sơ kêu oan của người dân đã chất cao ngất, vậy mà hàn sĩ Mạnh Quang không hề ngó ngàng tới. Suốt này quan thanh tra chỉ thơ thới với gió núi mây ngàn, chẳng buồn quan tâm đến chuyện thế sự. Một hôm Mạnh Quang lang thang xuống đường. Phố chợ sao mà đìu hiu, dân tình xơ xác. Mạnh Quang ghé vào một quán nước chè, bỗng gặp một giai nhân, áo quần xốc xếch, không chút phấn son, đang ngồi khóc tấm tức. Mạnh Quang hỏi dò bà lão chủ quán, mới hay người đẹp là Tiết Linh Vân đang khóc cho nỗi oan khiên của cha. Bấy giờ Mạnh Quang mới chợt nhớ nhiệm vụ của mình là về đây giải oan cho gia đình người con gái hiếu thảo này. Mạnh Quang đi thẳng đến huyện đường Lộc Nam, vào nhà tù thăm các phạm nhân. Mạnh Quang đòi quan huyện Trương Bá Sanh trình những hồ sơ của các phạm nhân có quan hệ với giặc. Xét xong hồ sơ, Mạnh Quang chỉ thị phóng thích hết các tù nhân loại này vì không đủ chứng cứ buộc tội. Huyện quan chấp hành lệnh quan triều đình. Ít hôm sau, Mạnh Quang lại xuống chợ, ghé lại quán nước chè của bà lão, lại vẫn thấy nàng Tiết Linh Vân ngồi khóc tức tưởi. Hỏi ra mới hay, nhiều tù nhân đã được về đoàn tụ gia đình, nhưng phụ thân của nàng bị hàm oan, vẫn chưa được cứu xét. Mạnh Quang hộc tốc quay về nha phủ gặp quan huyện:

 

-Ta được chiếu chỉ về huyện Lộc Nam này xét lại các vụ án kêu oan. Nay, ta muốn thẩm tra hồ sơ của Tiết Hằng, người bị kết tôi tư thông với giặc. Thì ra, Bá Quang đã dấu nhẹm hồ sơ của Tiết lão. Bây giờ quan khâm sai của triều đình đã gọi đích danh thì phải trình rạ Bá Quang đem hồ sơ về, ngày sau trả lại cho Bá Sanh với lời phê: không nhân chứng, không vật chứng sao lại kết tội người ta, lệnh phải tức tốc phóng thích nghi can.. Bá Sanh hận vô cùng, nhưng đành cắn răng chấp lệnh của quan khâm sai. Hai ngày sau, Bá Quang tìm đến thăm gia đình Tiết Hằng. Một già một trẻ, mới gặp nhau lần đầu mà đã tâm đắc, văn chương thi phú đối đáp đến sáng đêm. Tiết Hằng ngỏ ý muốn gả con gái mình cho Bá Quang. Quan khâm sai hân hoan nhận lời. Bá Quang cáo từ phải về kinh trình tấu kết luận thanh tra và xin hẹn tháng sau sẽ trở lại lam lễ thành hôn cùng Tiết Linh Vân. Phần quan huyện Bá Sanh, vì oán thù cha con Tiết Hằng, nay lại được tin tình địch của mình là Bá Quang sắp ẵm nàng Tiết Linh Vân đi, đâu được, ta phải cho chúng bây tan tác. Trương Bá Sanh liền thư về triều đình, dâng lên vua, xin đề cử tiến cung một nhan sắc tuyệt trần chim sa cá lặn. Vua Ngụy Văn Đế thích ý, liền ra chỉ dụ, triệu Tiết Linh Vân nhập cung. Ôi thôi, lại một kiếp hồng nhan. Ngày phải bước lên kiêu về cung, Tiết Linh Vân đã khóc như mưa, nước mắt uớt cả xiêm y. Lòng quặn đau thương cha. nhớ mẹ, nặng tình quê hương. Hai tì nữ theo hầu, phải dùng một bình sứ để hứng nước mắt cho nàng. Khi về đến kinh thành, bình sứ đã đầy quá nửa nước mắt hồng, cô đặc lại như máu, gọi là huyết lệ.

 

Trao Tơ, Gieo Cầu: ngụ ý nói đến sự kén chọn kết hôn giữa trai gái.

 

Theo sách ”Tam Hợp Bảo Kiếm” đời Hán thì Hán Vũ Đế có một cô Công chúa tuyệt sắc đã đến tuổi lấy chồng nhưng nhà vua chưa quyết định kén chọn ai làm Phò mã. Trong triều ngoài nội, rất nhiều tay quyền quý mong được cầu thân cùng công chúa. Hán Vũ Đế không biết chọn ai, bèn truyền cho các vương tôn công tử, các bậc danh nhân tài tử trong nước tập trung lại hoàng cung. Rồi nhà vua cho lập một cái đài cao để Công chuá ngồi trên đó, cầm một quả ”thanh cầu” bằng vải ném xuống. Hễ chàng trai nào bắt được quả cầu ấy, bất luận là sang hèn quý tiện đều được chọn làm Phò mã.

 

Sách Thần Tiên truyện lại chép truyện tích Gieo Cầu khác như nhau: Nho sĩ Thôi Sanh đi chơi núi được kết duyên cùng Trác Tiên cô. Trác Tiên cô cho chồng một lá bùa ”ẩn thân”. Hễ đeo lá bùa ấy vào thì không ai trông thấy mình nữa. Thôi Sanh lợi dụng lá bùa ấy để làm chuyện bất chính. Cứ hàng đêm, chàng đeo bùa vào mình rồi lén vào cung cấm để rình mò xem chuyện ái ân của bọn cung tần phi nữ. Dần dần Thôi Sanh đâm bạo dạn, xâm nhập vào các phòng cung nhân không được vua ”lâm hạnh” để gây chuyện mây mưa với các nàng. Các nàng cung nữ không được hưởng ơn mưa móc đã lâu, lòng luôn rạo rực thèm khát chuyện gối chăn nên không ngần ngại cùng Thôi Sanh giao hoan. Thế là chàng nho sinh Thôi Sanh có một nguồn vui phong phú không bao giờ cạn và luôn đổi mới. Một thời gian sau việc gian dâm của Thôi Sanh với các cung nhân bị đổ bể vì các nàng có thai trong khi sổ của Thái giám không có ghi chuyện ”lâm hạnh” của quân vương. Các cung nhân có thai bị tra xét và khai ra Thôi Sanh là kẻ phạm thượng khi quân. Rồi một đêm kia, Thôi Sanh đang giao hoan cùng cung nữ thì bị phát hiện vì bùa ẩn thân không còn linh nghiệm nữa. Thôi Sanh bị cấm vệ quân vây bắt. Chàng chạy thoát thân ra ngoài thành và đến một bờ sông. Không biết làm sao thoát thân, Thôi Sanh bèn gọi lớn:

 

- Trác Tiên cô cứu ta. Trác Tiên cô cứu ta

Bấy giờ Trác Tiên cô đang ở trên mây nghe tiếng chồng kêu và nhìn thấy chồng đang lâm nạn, thương tình rút chiếc thắt lưng màu xanh quăng xuống mặt sông. Chiếc thắt lưng liền hoá thành chiếc cầu và Thôi Sanh chạy lên chiếc cầu ấy sang bờ sông bên kia, thoát nạn.

 

Băng Nhân: người mối lái chuyện cưới hỏi, gả bán, do câu chuyện sau đây:

Linh Hồ Sách, người đời Tấn, một hôm nằm mơ thấy mình đứng trên băng tuyết nói chuyện với một người lạ nằm dưới băng tuyết. Linh Hồ Sách đem chuyện nằm mơ của mình thuật lại cho Sách Thẩm là một người giỏi về thuật số.

Sách Thẫm nói: - Băng thương nhân ngữ băng hạ nhân, tức là dương nói chuyện với âm. Điềm này tất sẽ có duyên mai mối đây. Vậy nếu có ai nhờ tiên sinh xe duyên thì tiên sinh cứ nhận lời cho, khi tuyết tan ắt lương duyên sẽ thành. Mấy hôm sau, Linh Hồ Sách được Điền Báo nhờ làm mối lái hỏi cưới con gái của Trương Công Vị Nhớ lời Sách Thẫm dặn, Linh Hồ Sách nhận lời làm mai mối cho Điền Báo và được Trương Công Vi nhận lời. Sang mùa xuân năm sau, khi tuyết tan hết thì đám cưới của Điền Báo và con gái Trương Công Vi được cử hành.

 

Cõi xuân: Gốc cây Xuân. Sách Trang tử chép: Trên núi có cây Xuân, tám ngàn năm một mùa xuân, tám ngàn năm một mùa thụ Ta gọi Xuân là cha, có ý cầu cho cha sống lâu vậy.

 

Tuổi hạc: Tuổi của loài chim hạc. Chim hạc là một loài chim quý, mình cao ba thước, mỏ, chân, cổ đều dài. Mình hạc toàn một màu trắng. Loài chim này bay lượn nhanh và cao, tiếng kêu rất lớn và trong. Tương truyền chim hạc sống đến một nghìn năm nên người đời thường dùng chữ ”tuổi hạc” để chúc và ước cho nhau sống lâu.
(1) Đông Việt vương: tước phong của Dư Thiện Dư Thiện là con cháu lâu đời của Việt Vương Câu Tiễn, được Hán Vũ Đế phong Vương ở đất Đông Việt. Có sách ghi lầm rằng Đông Việt Vương là vua của nước Đông Việt. Trong lịch sử Trung Quốc chỉ có nước Việt của Câu Tiễn thời Xuân Thu, chớ không có nước Đông Việt. Đông Việt Vương là tước Vương trấn giữ đất Đông Việt, cũng như tước Đông Bình vương, Nhữ Nam vương vậy (Ghi chú của TPH).

 

Trúc Mai: là hai loại cây mà mùa đông vẫn xanh tốt như mùa xuân. Trúc và Mai tượng trưng cho tình yêu gắn bó của trai gái. Gió Trúc mưa Mai: do câu ”Trúc phong mai vũ” nghĩa là Trúc gặp gió, Mai gặp mưa; ý nói sự hợp thời tiết rất tốt.

Sách ”Lương ban thu vũ tuỳ bút” chép: Ở Huyện Long Môn tỉnh Quảng Đông có một cái đầm rất đẹp. Hàng năm vào cuối thu, trai tài gái sắc thường đến du ngoạn đầm ấy. Vào cuối thu sang đông, thông thường các cây đều rụng lá trơ cành, chỉ riêng hai loại cây Trúc và Mai cành lá vẫn xanh tốt. Thưở ấy trong số khách tài hoa nhàn du ở đầm, có nàng Hoàng Kỳ Mai và chàng Lâm Bá Trúc là đôi trai gái con nhà phong lưu đài các, rất khắng khít với nhau. Qua đôi ba lần tri ngộ nơi cảnh đầm thanh lịch ấy, Hoàng Kỳ Mai và Lâm Bá Trúc đã yêu nhau tha thiết. Cuộc vui nào rồi cũng có lúc phải chấm dứt, cuộc du ngoạn nào dù thích thú đến mấy cũng phải đến lúc chia tay. Năm ấy trước khi chia tay, Hoàn Kỳ Mai và Lâm Bá Trúc còn nắm tay nhau du thuyền một lần chót trên mặt đầm; trong tay còn lại của họ, Kỳ Mai cầm một cành trúc và Bá Trúc cầm một nhành mai. Trên mặt đầm nhấp nhô sóng lượn, con thuyền thong thả trôi theo làn gió. Lâm Bá Trúc nói với người yêu:

- Mai và Trúc là tên của đôi ta. Bây giờ chúng ta hãy ném hai cành mai và trúc này ở hai hướng khác nhau, nếu chúng được nước đưa gió đẩy hợp lại với nhau thì quả là chúng ta có duyên tiền định. Chừng đó chúng ta sẽ về thưa lại song đường cho chúng ta được kết tóc se tơ với nhau.

Hoàng Kỳ Mai đồng ý. Thế là hai người cùng ném hai cành cây trong tay mình về hai hướng khác nhau. Một lúc lâu sau, gió đưa sóng đẩy hai cành mai và trúc lại hiệp nhau làm một. Hoàng Kỳ Mai và Lâm Bá Trúc cho rằng lời ước nguyện của họ đã ứng nghiệm nên vui vẻ chia tay nhau. Cả hai về với gia đình và thuật lại chuyện ấy cho cha mẹ nghe. Cả hai gia đình đều cho rằng con cái họ quả là có duyên tiền định nên cùng thuận tác hợp cho Hoàng Kỳ Mai và Lâm Bá Trúc nên duyên vợ chồng. Về sau người ta đặt cho cái đầm ấy tên là ”Đỗ phụ đầm” có nghĩa là ”cái đầm đánh cá được vợ”.  

-------------------

Tài liệu tham khảo:

-Các tài liệu đã ghi trong các số báo trước,

-Tài liệu mới:

maxreading.com

vnthuquan.net/truyen/truyentext.aspx

maxreading.com