Dân Chúa Âu Châu

BY: HOÀNG THẠCH

 

1- Đại ý các đoạn thơ nói về Tú Bà và Lầu Xanh:

 

Mã Giám Sinh bỏ tiền cưới Kiều không phải để làm vợ mà bán nàng cho chủ chứa gái làng chơi là Tú Bà ở Lâm Truy, phải đi một tháng mới tới nơi. Xe vừa dừng lại, Kiều thấy từ trong màn cửa một người đàn ông cao lớn, da nhợt nhạt đi tới đón nàng. Bước vào nhà nàng thấy một vài ả đào đang ngồi lả lơi bên bốn năm tên làng chơi. Giữa nhà có một bàn thờ, trên đặt tượng ông già có đôi lông mày trắng, mà gái làng chơi vẫn thờ ông ta làm tổ sư nghề nghiệp. Người ta mê tín tin rằng, cô nào ế khách thì phải cởi trần, quì gối thắp hương khấn vái, rồi thay bông hoa cũ trên bàn thờ bằng hoa mới, rồi đặt hoa xuống dưới chiếu, nằm lên thì ong bướm sẽ bu đầy!

 

Kiều còn bỡ ngỡ, theo lệnh quì xuống và chưa hiểu chuyện gì sẽ xẩy đến cho mình thì Tú Bà bèn khấn thay cho nàng được đêm ngày đông khách, lắm người mê say “Đưa người cửa trước, rước người cửa sau”. Khấn xong mụ ta lên giường ngồi, ra lệnh cho Kiều phải lậy bà và người đàn ông đứng bên cạnh, một hình thức ra mắt cha mẹ nuôi. Thấy bị sa cơ vào chốn chơi bời trụy lạc, Kiều bèn phân giải là nàng chịu bán mình để làm vợ người ta, chứ đâu nghĩ bị đày vào chốn Lầu Xanh. Tú Bà thấy vậy nổi cơm tam bành, cho mình như kẻ bị lường gạt, mất tiền toi, nên mắng chửi nàng thậm tệ. Mụ ta cảnh cáo Kiều là đã bị bán vào đây thì phải tuân theo lệnh bà và lấy roi da ra tiến tới đánh nàng.

 

Kiều tức quá liền lấy con dao đã dấu trong tay áo khi lên đường về với Mã Giám Sinh toan tự tử, nhưng chưa đâm mình được đã bị ngất xỉu. Tú Bà thấy thế hoảng sợ, tốn bao nhiêu tiền mua nàng về đây, chưa kiếm kiếm được đồng nào, nay nàng mà chết thì “tiền mất, tật mang” và còn mang họa lây, nếu Kiều chết thật. Thấy cơ nguy, Tú Bà liền bế nàng vào phòng, sai người coi sóc và tìm thày thuốc chữa trị. Trong lúc dở tỉnh dở mê, Kiều thấy hồn Đạm Tiên hiện về, đứng bên cạnh báo cho nàng biết: “Nhân quả còn dở dang, làm sao trốn thoát được; số còn nặng nợ hồng nhan, dù muốn chết nhưng trời chưa cho.” Đạm Tiên cũng báo trước sẽ gặp Kiều tại sông Tiền Đường.

Chờ nàng tỉnh dậy, mụ ta lại dùng miệng lưỡi ngọt ngào của một mụ chủ chứa để an ủi và khuyên can Kiều: “Hoa xuân đương nhụy, ngày xuân còn dài”. Nàng chết có giải quyết được gì hay lại gây nguy hại cho bà ta và cả gia đình Kiều. Mụ cũng làm ra vẻ nhân đạo, không nỡ cưỡng ép nàng phải rước khách ngay và hứa sẽ tìm nơi tử tế, con cháu trong nhà, gả cho nàng. Kiều nghe qua cõi lòng như trìu xuống.

 

Tuy vậy, nàng vẫn không khỏi than vãn cho số phận mình: “Kiếp này nợ trả chưa xong, làm chi thêm một nợ chồng kiếp sau!” Để Kiều tin tưởng vào lời dụ dỗ của mình, Tú Bà lưu manh còn lấy trời đất ra thề hứa: “Mai sau ở chẳng như lời, Trên đầu có bóng mặt trời rạng soi.” Kiều dễ tin và cuối cùng nàng đành chấp nhận đề nghị của Tú Bà ra ở lầu Ngưng Bích để cho tâm hồn được thảnh thơi. Sống trong lầu Ngưng Bích nhìn cảnh trời xanh mây nước, núi non xa xa; nghe tiếng sóng biển vỗ ầm ầm vào ghềnh đá, nhìn hoa trôi lững lờ trên mặt nước và cỏ cây rầu rầu... Kiều nhớ nhà, phân vân không biết cha mẹ giờ này ra sao!

 

Thúy Kiều Trong Lầu Xanh

 

915-Dặm khuya ngất tạnh mù khơi,
Thấy trăng mà thẹn những lời non sông.
Rừng thu từng biếc xen hồng,
Nghe chim như nhắc tấm lòng thần hôn.
Những là lạ nước lạ non,

 

920-Lâm Truy vừa một tháng tròn tới nơi.
Xe châu dừng bánh cửa ngoài,
Rèm trong đã thấy một người bước ra.
Thoắt trông nhờn nhợt màu da,
Ăn gì cao lớn đẫy đà làm sao!

 

925-Trước xe lơi lả han chào,
Vâng lời nàng mới bước vào tận nơi.
Bên thì mấy ả mày ngài,
Bên thì ngồi bốn năm người làng chơi.
Giữa thì hương án hẳn hoi,

 

930.Trên treo một tượng trắng đôi lông mày.
Lầu xanh quen lối xưa nay,
Nghề này thì lấy ông này tiên sư,
Hương hôm hoa sớm phụng thờ.
Cô nào xấu vía có thưa mối hàng,

935-Cởi xiêm lột áo sỗ sàng,
Trước thần sẽ nguyện mảnh hương lầm rầm.
Đổi hoa lót xuống chiếu nằm,
Bướm hoa bay lại ầm ầm tứ vi!

 

Tú Bà Ra Oai

Kiều còn ngơ ngẩn biết gì,

 

940-Cứ lời lạy xuống mụ thì khấn ngay:
Cửa hàng buôn bán cho may,
Đêm đêm Hàn thực ngày ngày Nguyên tiêu.
Muôn nghìn người thấy cũng yêu,
Xôn xao oanh yến rập rìu trúc mai.

 

945-Tin nhạn vẩn lá thư bài,
Đưa người cửa trước rước người cửa sau.
Lạ tai nghe chửa biết đâu,
Xem tình ra cũng những màu dở dang.
Lễ xong hương hỏa gia đường,

 

950-Tú Bà vắt nóc lên giường ngồi ngay.
Dạy rằng: Con lạy mẹ đây,
Lạy rồi sang lạy cậu mày bên kia.
Nàng rằng: Phải bước lưu ly,
Phận hèn vâng đã cam bề tiểu tinh.

 

955-Điều đâu lấy yến làm oanh,
Ngây thơ chẳng biết là danh phận gì?
Đủ điều nạp thái vu qui,
Đã khi chung chạ lại khi đứng ngồi.
Giờ ra thay mặt đổi ngôi,

 

960-Dám xin gửi lại một lời cho minh.
Mụ nghe nàng nói hay tình,
Bấy giờ mới nổi tam bành mụ lên:
Này này sự đã quả nhiên,
Thôi đà cướp sống chồng min đi rồi.

 

965-Bảo rằng đi dạo lấy người,
Đem về rước khách kiếm lời mà ăn.
Tuồng vô nghĩa ở bất nhân,
Buồn mình trước đã tần mần thử chơi.
Màu hồ đã mất đi rồi,

 

970-Thôi thôi vốn liếng đi đời nhà ma!
Con kia đã bán cho ta,
Nhập ra phải cứ phép nhà tao đây.
Lão kia có giở bài bây,
Chẳng văng vào mặt mà mày lại nghe.

 

975-Cớ sao chịu tốt một bề,
Gái tơ mà đã ngứa nghề sớm sao?
Phải làm cho biết phép tao!
Chập bì tiên rắp sấn vào ra tay.
Nàng rằng: Trời thẳm đất dày!

 

980-Thân này đã bỏ những ngày ra đi.
Thôi thì thôi có tiếc gì!
Sẵn dao tay áo tức thì giở ra.
Sợ gan nát ngọc liều hoa!
Mụ còn trông mặt nàng đà quá tay.

 

Thúy Kiều Tự Tử, Và Đạm Tiên Báo Mộng

 

985.Thương ôi tài sắc bậc này,
Một dao oan nghiệt đứt dây phong trần.
Nỗi oan vỡ lở xa gần,
Trong nhà người chật một lần như nêm.
Nàng thì bằn bặt giấc tiên,

 

990-Mụ thì cầm cập mặt nhìn hồn bay.
Vực nàng vào chốn hiên tây,
Cắt người coi sóc chạy thầy thuốc thang.
Nào hay chưa hết trần duyên,
Trong mê dường đã đứng bên một nàng.

 

995-Rỉ rằng: Nhân quả dở dang,
Đã toan trốn nợ đoạn trường được sao?
Số còn nặng nợ má đào,
Người dầu muốn quyết trời nào đã cho.
Hãy xin hết kiếp liễu bồ,

 

1000-Sông Tiền đường sẽ hẹn hò về sau.
Thuốc thang suốt một ngày thâu,
Giấc mê nghe đã dàu dàu vừa tan.
Tú bà chực sẵn bên màn,
Lựa lời khuyên giải mơn man gỡ dần:

 

Tú Bà Dỗ Kiều, Kiều ở Lầu Ngưng Bích

 

1005-Một người dễ có mấy thân!
Hoa xuân đương nhụy, ngày xuân còn dài.
Cũng là lỡ một lầm hai,
Đá vàng sao nỡ ép nài mưa mây!
Lỡ chân trót đã vào đây,

 

1010-Khóa buồng xuân để đợi ngày đào non.
Người còn thì của hãy còn,
Tìm nơi xứng đáng là con cái nhà.
Làm chi tội báo oán gia,
Thiệt mình mà hại đến ta hay gì\?

 

1015-Kề tai mấy mỗi nằn nì,
Nàng nghe dường cũng thị phi rạch ròi.
Vả suy thần mộng mấy lời,
Túc nhân âu cũng có trời ở trong.
Kiếp này nợ trả chưa xong,

 

1020-Làm chi thêm một nợ chồng kiếp sau!
Lặng nghe, thấm thía gót đầu,
Thưa rằng: Ai có muốn đâu thế này?
Được như lời, thế là may,
Hẳn rằng mai có như rày cho chăng!

 

1025-Sợ khi ong bướm đãi đằng,
Đến điều sống đục, sao bằng thác trong!
Mụ rằng: Con hãy thong dong,
Phải điều lòng lại dối lòng mà chơi!
Mai sau ở chẳng như lời,

 

1030-Trên đầu có bóng mặt trời rạng soi.
Thấy lời quyết đoán hẳn hoi,
Đành lòng, nàng cũng sẽ nguôi nguôi dần.
Trước lầu Ngưng bích khóa xuân,
Vẻ non xa, tấm trăng gần, ở chung.

 

1035-Bốn bề bát ngát xa trông,
Cát vàng cồn nọ, bụi hồng dặm kia.
Bẽ bàng mây sớm đèn khuya,
Nửa tình, nửa cảnh như chia tấm lòng.
Tưởng người dưới nguyệt chén đồng,

 

1040-Tin sương luống những rày trông mai chờ.
Bên trời góc bể bơ vơ,
Tấm son gột rửa bao giờ cho phai.
Xót người tựa cửa hôm mai,
Quạt nồng ấp lạnh, những ai đó giờ?

 

1045-Sân Lai cách mấy nắng mưa,
Có khi gốc tử đã vừa người ôm?
Buồn trông cửa bể chiều hôm,
Thuyền ai thấp thoáng cánh buồm xa xa?
Buồn trông ngọn nước mới sa,

 

1050-Hoa trôi man mác, biết là về đâu?
Buồn trông nội cỏ dàu dàu,
Chân mây mặt đất một màu xanh xanh.
Buồn trông gió cuốn mặt ghềnh
ầm ầm tiếng sóng kêu quanh ghế ngồi.

<h2 style="MARGIN: 12pt 0cm 3pt">2- Chú giải và điển tích</h2>

Vì có nhiều điển hay tích lạ cần đọc, chúng tôi không ghi toàn bộ phần chú giải chữ khó.

 

945. Tin nhạn: Tô Vũ, người đời Hán, đi sứ sang Hung nô, nhưng tính tình bất khuất, bị chúa Hung nô đầy lên Bắc Hải chăn dê, nếu nhà Hán có hỏi thì bảo là chết rồi. Sau sứ Hán phải nói khác là vua Hán săn được con chim nhạn ở vườn thượng lâm, chân nó có buộc một bức thư lụa của Tô Vũ gửi về. Khi ấy vua Hung nô mới chịu trả lại Tô Vũ cho nhà Hán. Do đó, người ta thường nói “tin nhạn” để chỉ tin thư.

952. Cậu mày: Tức cha mày, chỉ Mã Giám sinh, Tú Bà bắt Kiều lậy nhận mụ là mẹ nuôi. Mã Giám sinh là cha nuôi.

954. Tiểu tinh: Sao nhỏ, chỉ vợ lẽ.

962. Tam bành: Theo sách Đạo giáo “Trong người ta có ba Thần Thi: Thượng Thi, tên Bành Chất, ở bụng; Hạ Thi, tên Bành Kiệu, ở chân, thường làm hại người”. Do đó, họ cho rằng: những sự hung ác giận dữ của người là do thần “Tam Thi” hay”Tam Bành” làm ra, và thường dùng chữ tam bành để chỉ cơn tức giận.

978. Bì tiên: Cái roi bằng da.

1025. Đãi đằng: Tiếng cổ, nghĩa là giãi bày. Ở đây đãi đằng có nghĩa là điều ra tiếng vào của những người khách chơi.

Ca dao:

Cá buồn cá lội tung tăng

Em buồn em biết đãi đằng cùng ai.

1045. Sân Lai: Sân Lão Lai. Theo sách Cao Sĩ truyện: “Lão Lai Tử, người nước Sở, đời Xuân Thu, tuổi đã ngoài bảy mươi, mà còn cha mẹ già. Là con có hiếu, ông thường mặc áo ngũ sắc sặc sỡ, ra múa ở trước sân, rồi giả cách ngã, khóc, như trẻ con, để làm cho cha mẹ vui”. Đây nói bóng sân nhà cho mẹ, tức nhà mình.

1046. Gốc tử: Gốc cây tử (loài cây thị). Ở đây dùng để chỉ cha mẹ, “gốc tử đã vừa người ôm” nói bóng cha mẹ đã già rồi.

 

-Hàn Thực: Ngày mồng 3 tháng 3 là ngày mọi người ăn nguội, không đốt lửa, để tưởng nhớ đến Giới Tử Thôi. Chuyện ăn đồ nguội liên hệ đến Giới Tử Thôi như sau:

Thời Chiến quốc, Công tử Trùng Nhĩ bị cha là Tấn Hiến Công và mẹ ghẻ là Ly Cơ mưu hại, phải trốn lánh lưu vong ra nước ngoài. Trong những năm lưu vong đây đó, Trùng Nhĩ và bọn tôi thần theo hầu phải trải qua nhiều gian lao khổ sở; có khi phải đi ăn xin. Một lần ở nước Vệ, cả bọn đều đói lả, cơ hồ không còn lê bước được nữa. Dước bóng mát của một cây to bên đường, Trùng Nhĩ nằm gối đầu lên đùi Hồ Mao nghỉ, chờ bọn tôi thần đi kiếm rau củ về đỡ dạ. Bỗng Giới Tử Thôi đem đến dâng cho một tô thịt nóng. Trùng Nhĩ ăn ngon lành và ăn xong cảm thấy khoẻ ngay. Ông hỏi Giới Tử Thôi:

- Nhà ngươi tìm đâu ra thịt ngon như thế?

 

Giới Tử Thôi thưa:

-Tôi thường nghe rằng đứa con hiếu phải biết bỏ thân vì cha mẹ, người tôi trung phải biết bỏ thân để thờ vua. Nay công tử đói không có gì ăn, tôi cắt thịt đùi mình nấu cho Công tử ăn.

Trùng Nhĩ ứa nước mắt nói:

-Ôi, ân này biết đến bao giờ ta báo đáp được.

Sau mười chín năm lưu vong đây đó, Trùng Nhĩ trở về Tấn, phục quốc được, và lên ngôi, hiệu là Tấn Văn Công. Tấn Văn Công ban thưởng cho tất cả những người đã từng gian khổ theo mình. Riêng Giới Tử Thôi, khi Tấn Văn Công lên ngôi chỉ đến chúc mừng một lần rồi về nhà, cho nên Tấn Văn Công cũng quên, không ban thưởng. Giới Tử Thôi về nhà, ngày ngày làm nghề vá thuê giày dép nuôi mẹ. Có người láng giềng là Giả Trương thấy vậy, đến nói với Giới Tử Thôi rằng:

-Ngài cũng có công theo hầu Chúa công trong suốt mười chín năm trời, nay Chúa công đã phục nghiệp lẽ nào Chúa công không chịu thưởng chút công lao?

Mẹ Giới Tử Thôi nghe thế cũng nói:

-Nhà mình nghèo khó, trước kia con đã cắt thịt đùi nuôi Chúa công trong lúc đói, sao bây giờ không nói ra?

Giới Tử Thôi đáp:

-Tấn Hiến Công xưa có chín người con, chỉ có Chúa công là hiền hơn cả. Nay Chúa công phục nghiệp được là do mệnh trời. Những kẻ theo hầu không biết, tự nhận là công lao của mình để xin ban thưởng. Con tự cho điều đó là xấu hổ lắm.

Người mẹ nghe thế, vội cười tươi nói:

-Con đã là người liêm sỉ, vậy mẹ đây há không biết làm mẹ của một người liêm sỉ sao? Vậy thì mẹ con ta nên tìm chốn rừng núi vắng vẻ mà ẩn thân, chớ nên sống nơi thị thành này.

Giới Tử Thôi mừng rỡ nói:

- Con vẫn thích đất Miên Thượng là nơi có núi cao, hang sâu, vậy mẹ con ta nên đến đó cư ngụ.

Sau đó Giới Tử Thôi bỏ nhà cửa, cõng mẹ vào vùng rừng núi Miên Thượng ẩn cư. Láng giềng không biết Giới Tử Thôi đi đâu, chỉ riêng Giải Trương biết mà thôi. Nghĩ đến tình cảnh của mẹ con Giới Tử Thôi, Giải Trương không cầm lòng được. Đêm đến, ông ta viết giấy đem treo trước của thành. Sáng ra, quân canh trông thấy đem vào trình Tấn Văn Công. Mảnh giấy viết: ”Có một con rồng khi thất thế được một đàn rắn theo hộ tống chu du thiên hạ. Một lần rồng đói, có một con rắn xẻo thịt đùi nuôi. Nay rồng mây gặp hội, đàn rắn hưởng cảnh sung sướng, chỉ riêng một con rắn kia chẳng ai hỏi đến”. Tấn Văn Công xem xong giật mình, nói:

-Chắc là Giới Tử Thôi trách ta đây thôi. Xưa lúc qua nước Vệ, Giới Tử Thôi đã cắt thịt đùi nấu cho ta ăn, thế mà nay ta ban thưởng cho công thần lại quên mất Giới Tử Thôi. Thật ta có lỗi lớn vô cùng.

 

Nhà vua liền sai người đến triệu Giới Tử Thôi, nhưng họ Giới đã bỏ nhà đi mất rôi. Nhà vua truyền rằng: ”Hễ ai biết Giới Tử Thôi đi đâu và chỉ ra, thì sẽ được phong làm quan”.

Giả Trương ra mắt Tấn Văn Công, tâu:

-Mảnh giấy mà Chúa công được xem là do tôi viết chớ không phải của Giới Tử Thôi. Giới Tử Thôi không muốn cầu thưởng, nên đã cõng mẹ vào vùng rừng núi Miên Thượng rồi. Tôi viết mảnh giấy ấy là cốt nhắc nhở Chúa công nhớ đến công lao của người.

Tấn Văn Công có vẻ buồn, nói:

-Nếu không có bức thư của nhà ngươi thì ta đã thành kẻ bội nghĩa rồi.

Đoạn, nhà vua phong Giải Trương làm Hạ Đại phu, rồi sai Giả Trương dẫn mình và quân sĩ đến vùng Miên Thượng để tìm Giới Tử Thôi. Đến nơi, chỉ thấy núi cao rừng rậm, tìm hoài chẳng thấy Giới Tử Thôi đâu. Tấn Văn Công lại truyền rằng: ”Ai thấy Giới Tử Thôi trốn nơi nào, chỉ ra thì được thưởng”

Một nông phu tâu:

-Mấy hôm trước tôi có thấy một người đàn ông cõng một bà cụ già đến đây, ngồi nghỉ nơi chân núi. Sau đó thì không biết họ đi về đâu.

Tấn Văn Công truyền đỗ xe ở chân núi và ra lệnh cho quân lính đi lục tìm. Mấy ngày trôi qua, quân lính vẫn không tìm được bóng dáng Giới Tử Thôi ở đâu. Tấn Văn Công bèn nói với tả hữu rằng:

-Ta nghe nói Giới Tử Thôi là một người con chí hiếu, nay cõng mẹ vào rừng lại giận ta không chịu ra yết kiến. Vậy ta phóng hoả đốt rừng, thế nào Giới Tử Thôi cũng cõng mẹ chạy ra.

Nói xong, nhà vua ra lệnh phóng hoả đốt rừng. Gió to lửa mạnh nên lan rất nhanh. Toàn thể khu rừng cháy suốt ba ngày mới tắt. Thế mà không ai trông thấy Giới Tử Thôi cõng mẹ chạy ra. Quân lính lại được lệnh đi lục tìm. Họ tìm thấy xác của hai mẹ con Giới Tử Thôi bên một gốc liễu và báo lại cho nhà vua. Tấn Văn Công cho chôn cất mẹ con Giới Tử Thôi tử tế, lấy ruộng chung quanh núi đặt làm ”tế điền” cho họ Giới. Nhà vua ra lệnh đốt rừng vào ngày mùng ba tháng ba, nên ra lệnh cho dân chúng hàng năm vào ngày ấy tháng ấy phải ăn đồ nguội, không được đốt lửa nấu nướng gì cả; để tưởng niệm Giới Tử Thôi. Cho nên ngày mùng ba tháng ba hàng năm gọi là ngày

 

Hàn thực”.

Nguyên Tiêu: Đêm rằm tháng giêng.

Theo phong tục của người Trung Hoa, đêm rằm tháng giêng dân chúng đi lễ chùa, hội hè vui lắm. Lễ hội này bắt đầu từ thời nhà Hán để thực hiện chính sách ”Quân dân cộng lạc” (vua và dân cùng chung vui), sau khi Hán Văn Đế bình định được ”chư lữ chi loạn” và lên ngôi. Việc bình loạn hoàn tất vào ngày Rằm tháng Giêng âm lịch, nên nhà vua quyết định hàng năm cứ tới đêm Rằng tháng Giêng là tổ chức đi du ngoạn bên ngoài, để cùng dân chúng vui chơi đêm trăng sáng.

Tiêu: có nghĩa là đêm (cũng như Dạ), còn Nguyên: là vì tháng đầu trong năm. Hán Văn Đế hạ chiếu cho dân lấy ngày Rằm tháng Giêng là ngày Tết Tiêu để kỷ niệm ”ngày khai sáng đất nước thanh bình”. Vào đêm Rằm tháng Giêng ấy, thành nội cung điện được trang hoàng rực rỡ. Từ vua, các quan văn võ cho đến dân chúng đều vui vẻ ăn uống, ca múa suốt đêm dưới ánh trăng sáng.

Đến đời nhà Tống thì có thêm bữa ăn Rằm Nguyên Tiêu.

Trong quyển ”Bình Viên”, ông Châu Tất Đại viết: ”Ngày Nguyên Tiêu phải nấu món bánh trôi viên (1) mà người tiền bối chưa từng làm, để trả nợ ông bà”. Sách ”Võ lâm cựu sự” của Châu Mật cũng viết: ”Tháng Giêng mừng đầu xuân cầu phúc an dân thái bình, ai ai cũng phải làm một loại bánh bằng bột nếp với nhân bằng các thứ trái cây, các thứ đậu: trộn đường, vo thành viên bỏ vào nước sôi luộc chín, sau đó nấu nước đường thả bánh vào. Chiếc bánh vừa nổi vừa chìm nên gọi là ”phù nguyên tử”; về sau còn gọi là "bánh Nguyên tiêu”.

 

Lễ Nguyên Tiêu ăn ”phù nguyên tử” lấy đó làm điều tốt cho gia đình và cũng biểu thị ý nguyện của mọi người dân một năm mới khang lạc thuận hoà...”.

Lý Diệu Nguyên, một nhà thơ đời Thanh đã viết:

”Tết Nguyên Tiêu xem thuyền rồng rực rỡ

Ngựa quý, xe hương lộng lẫy khắp miền

Mưa gió đêm xuân, người tan hết,

Còn ngọn đèn leo lét, bánh canh viên”

Đối với dân tộc Trung Hoa, ngày lễ Nguyên Tiêu truyền thống ấy vẫn còn duy trì cho đến ngày nay; dù cư ngụ trong nước hay ở hải ngoại. Ban ngày của lễ Nguyên Tiêu dân chúng thường đi chùa hái lộc, cầu phước với hy vọng điều may mắn, tốt lành cho cả một năm.

 

-Lầu Xanh: Ngày xưa, lầu xanh là nơi các nhà quyền quý và những thiếu nữ khuê các ở. ”Đại lộ khi thanh lâu” nghĩa là đường lớn dựng lầu xanh. Nhà Tề, vua Võ Đế bắt dân phu và Bộ Công cất những lầu cao thật đẹp. Cửa sổ đều sơn xanh. Nơi này để cho nhà vua ở cùng với các mỹ nữ cung tần. Rồi lâu đài của các hàng công khanh cũng sơn cửa bằng màu xanh, nên dân chúng thường gọi chỗ ở của vua chúa, quan lại ở là ”lầu xanh”.

Về sau, những nhà quyền quý có con gái đẹp, ước mong con nhà mình được vào chầu nơi cung khuyết, nên thường sơn nhà màu xanh cho con gái ở. Những nhà nào có cửa sổ hoặc lầu đài sơn xanh là nhà có gái đẹp được nhiều bực vương tôn, công tử chú ý. Từ đó, bọn buôn son bán phấn đem gái đẹp mở nhà rước khách thưởng hoa, muốn quyến rũ khách yêu hoa hay các bực vương tôn, công tử, cũng sơn nhà xanh. Ý nghĩa lầu xanh thuở đầu bị biến đổi, lần lần trở thành hoàn toàn một nơi rước khách yêu hoa, tìm hoa giải muộn. Vì thế, đến đời nhà Lương, Lưu Diễn có hai câu thơ nói về chữ Thanh lâu để chỉ chỗ ở của bọn gái điếm:

Xướng nữ bất thăng sầu, Kết thúc hạ thanh lâu.

Nghĩa là:

Gái hát chẳng xiết buồn, Thu vén xuống lầu xanh.

 

-Thần Mày Trắng: có 2 giải thích

1)-Ở các lầu xanh ngày xưa, các mụ Tú Bà thường dựng một bàn hương án giữa nhà, có treo một tượng. Tượng này vẽ hình người có đôi lông mày trắng gọi là thần Bạch Mi (Thần Mày Trắng). Sách ”Dã Hoạch biên” có chép: “Các thanh lâu thường thờ thần Bạch Mi. Thần này mặt to, râu dài, cưỡi ngựa cầm dao, xem na ná như hình Quan Công, nhưng lông mày trắng và mắt đỏ. Không ai hiểu được tranh vẽ ai và lai lịch thần Mày Trắng ra sao. Nhưng các thanh lâu đều quen thờ như vậy, coi là một vị tổ sư để cầu phù hộ cho nghề được phát đạt, cửa hàng được đông khách, cũng như tất cả các nghề khác.

Đời nhà Minh (1368-1628), các cô bán dâm ở lầu xanh có cách đuổi vía lạ lùng. Khi nào một cô xui xẻo, ế hàng thì đến trước thần Mày Trắng, trút bỏ áo quần, đốt hương van vái cầu xin. Đoạn lấy hoa mới đổi lấy hoa đã cúng trên bàn thờ đem lót dưới chiếu mình nằm. Như vậy cô sẽ đắt khách hàng.

 

2)-Thần Mày TrắngtứcBạch Mi thần là vị thần phù hộ cho gái làng chơi mà các thanh lâu ngày xưa hay thờ. Theo truyền thuyết Trung Quốc, thì thần Bạch Mi tức là Quản Trọng tức Quản Di Ngô, Tướng quốc của Tề Hoàn Công thời Chiến quốc. Từ thời xa xưa ấy, Quản Trọng đã chủ trương xây cất hành viện chứa gái làng chơi cho các khách thương mại mua vui, nhà nước lấy thuế. Đó là một trong kế sách làm cho dân giàu nước mạnh của Quản Trọng. Truyện kể rằng: Tề Hoàn Công hỏi Quản Trọng:

-Nước Tề ta vốn là một nước lớn từng được chư hầu kính nể. Đến đời Tương Công Chính lên bất thường, nên xảy ra tai biến. Nay quả nhân vừa mới lên ngôi, lòng dân chưa định, thế nước chưa yên, muốn cho nước mạnh dân an thì phải làm gì trước?

Quản Trọng đáp:

 

-Lễ, nghĩa, liêm, sỉ là bốn điều cốt yếu để trị nước. Thiếu một trong bốn điều ấy thì tai biến xảy ra. Cả bốn điều ấy không có thì nước mất.

- Nếu đã có đủ bốn điều ấy thì làm cách nào trị dân?

-Muốn trị dân trước hết phải yêu dân.

-Muốn yêu dân thì làm cách nào?

-Lấy đạo nhân ái chăm sóc đời sống hàng ngày của dân. Bớt xâu giảm thuế làm cho dân giầu. Hễ dân giầu tức nhiên nước mạnh.

Tề Hoàn Công lại hỏi:

-Dân giầu rồi nhưng trong nước còn thiếu binh khí, quân cụ thì làm sao?

Quản Trọng đáp:

-Muốn đủ binh khí, quân cụ thì binh pháp trong nước phải định lệ cho chuộc tội. Tội nặng cho chuộc bằng cái giáp, tội nhẹ cho chuộc bằng một cái qui thuẫn, tội nhỏ cho nạp kim khí, tội còn nghi thì tha hẳn. Kẻ nào tụng lý tương đối thì bắt nạp một bó tên, rồi giải hoà. Làm thế ắt quân dụng không thiếu.

-Đã làm như thế mà vẫn không đủ dùng thì làm sao?

Quản Trọng dẫn giải tiếp:

-Khai mỏ đúc tiền, nấu nước bể làm muối, trữ hàng hoá lấy lãi, cất ba trăm nhà nữ lưu cho các khách buôn bán tới lui tụ họp giải trí và ta thu thuế. Như vậy công quỹ tất phải đủ dùng.

Tề Hoàn Công đã nghe theo lời Quản Trọng. Thế là các nhà chứa gái làng chơi đã có ở nước Tề từ thời ấy. Về sau, Quản Trọng được tôn là thần Bạch Mi.

 

-Sông Tiền Đường

Tiền Đường được bao quanh bởi những trung tâm kinh tế thương mại nhộn nhịp như Thượng Hải, Ninh Ba. Sự dâng tràn thuỷ triều khác thường của sông Tiền Đường là một hiện tượng thiên nhiên lạ lùng nổi tiếng toàn thế giới, do lực hấp dẫn giữa các hành tinh và trái đất. Tiền Đường là dòng sông lớn nhất của tỉnh Triết Giang, chảy từ phía tây về đông, ra vịnh Hàng Châu, đóng vai trò rất quan trọng trong việc trung chuyển nước giữa hai miền. Lực ly tâm gây ra bởi sự quay của trái đất và hình dạng nút thắt cổ chai khác thường của vịnh Hàng Châu làm cho thuỷ triều dễ tràn lên nhưng lại rất khó rút. Hiện tượng thuỷ triều lên cao của sông Tiền Đường là một cảnh tượng ngoạn mục mà chỉ có thuỷ triều sông Amazone mới sánh kịp. Hằng năm, hàng triệu người trong nước và trên thế giới tập trung tại nơi đây để chiêm ngưỡng hiện tượng tuyệt diệu này vào ngày 18/8 (âm lịch). Khi thuỷ triều tràn lên, cột nước có thể cao đến 9 mét, tiếng động giống như sấm sét hay như có hàng nghìn con ngựa đang chạy. Nhiều hoạt động cũng được tổ chức để tôn vinh lễ hội ngắm thuỷ triều hằng năm dựa theo truyền thống của địa phương. Theo lịch sử, việc xem thuỷ triều đã diễn ra hơn hai nghìn năm trước và trở nên phổ biến vào đời Đường. Thị trấn Yangong ở Hàn Giang, cách Hàng Châu khoảng 45 cây số là nơi thích hợp nhất để ngắm thuỷ triều sông Tiền Đường. Dòng thuỷ triều lướt qua có thể rất nguy hiểm nếu du khách không cẩn thận.

 

-Sân Lai

Sân Lai cách mấy nắng mưa

Có khi gốc tử đã vừa người ôm

Tích Sân Lai cũng có trong ”Nhị thập tứ hiếu”.

Lai Tử người nước Sở thời Đông Châu Liệt Quốc, bảy mươi tuổi vẫn còn cha mẹ già. Để làm trò cho cha mẹ vui, ông thường mặc áo ngũ sắc sặc sỡ, giả làm trẻ nhỏ, múa may đùa giỡn. Có khi làm bộ vấp bực thềm, té lăn ra đất rồi nhại tiếng khóc con nít cho cha mẹ cười.

----------------------------------------------

Tài liệu tham khảo:

-Các tài liệu đã ghi trong các số báo trước

Tài liệu mới:

- vnthuquan.net/truyen/truyen.aspx

- www.vnexpress.net/GL/Van-hoa/Nhin-ra-The-gioi/2006/03/3B9E8157/