Dân Chúa Âu Châu

BY: HOÀNG THẠCH

 

1- Ý nghĩa đoạn thơ kế tiếp

 

Không thể sống cảnh làm nữ tì trong nhà Hoạn Thư, Kiều xin được tu để thoát nợ trần. Hoạn Thư cho nàng ra tu trong cái am nằm ngay trong vườn của gia đình. Thúc Sinh lợi dụng cơ hội này lén tới thăm và bày tỏ lỗi nòng của mình với Kiều. Kiều chán nản cho cái anh chồng quá sợ vợ, không bảo vệ được mình; nên cuối cùng để có phương tiện sống còn trên đường trốn thoát, nàng bèn ăn trộm chuông vàng khánh bạc của Hoạn Thư, rồi trốn đến Chiêu Âm am. Tại đây Kiều nói dối với sư bà Giác Duyên là quê quán ở Bắc Kinh, đã đi tu nhưng bị lưu lạc tới đây, xin sư bà rộng lòng thương cho nương nhờ cửa Phật. Sư bà thấy chuông vàng khánh bạc tưởng Kiều đã qui y nên thông cảm, nhưng không dám quyết định vì phải chờ sư huynh đi xa chưa về. Trong thời gian này Bạc Bà, một phật tử ngoan đạo, từng quen biết với sư bà, lên chùa thăm và bất ngờ khám phá ra chuông vàng và khánh bạc của Kiều giống của nhà Hoạn Thư. Không thể dấu diếm được nữa, Kiều đành thú tội ăn trộm và kể lại đầu đuôi câu chuyện đời mình mong sư bà thông cảm. Sư bà sợ liên lụy tới chùa, gửi Kiều qua nhà Bạc Bà ở tạm. Bạc Bà giả bộ tìm cách gả cho cháu mình là Bạc Hạnh; nhưng tên này lại âm mưu bán Kiều vào lầu xanh ở Châu Thai. Thế là nàng lại bị trầm luân trong chốn bùn nhơ lần thứ hai. Tuy nhiên, người đời thường nói, trong cái xui cũng có cái hên. Từ Hải, một tướng cướp nổi tiếng tại biên thùy bất ngờ ghé lầu xanh không phải để chơi bời mà tìm người tri kỷ. Những cái nhìn ban đầu đã làm rung động con tim của người hùng và giai nhân. Từ Hải say mê Kiều và giải thoát nàng khỏi chốn lầu xanh. Cuộc đời chiến chinh lại thúc dục Từ Hải lên đường. Nhận thấy mình đã là vợ thì phải theo chồng và sợ nếu ở một mình biết đâu lại sa vào bẫy của người khác, Kiều xin Từ Hải cho nàng đi theo `` Nàng rằng: Phận gái chữ tòng,Chàng đi thiếp cũng quyết lòng xin đi!´´. Nhưng Từ Hải trách khéo ``Sao chưa thoát khỏi nữ nhi thường tình? … Bằng ngay bốn bể không nhà, Theo càng thêm bận, biết là đi đâu?’’. Cuối cùng chàng tạm biệt lên đường và hứa sau khi thắng trận sẽ trở về cưới nàng. Lời hứa đã trở thành sự thật. Sau khi thắng trận, Tù Hải sai 10 tướng đến rước Kiều lên xe hoa và cuộc tình thắm nồng giữa giai nhân và tướng cướp tươi đẹp như ngày xuân.

 

Kiều Ở Quan Âm Các Trốn Đi

 

Rỉ tai, hỏi lại hoa tì trước sau.

1995. Hoa rằng: Bà đã đến lâu,

Rón chân đứng nép độ đâu nữa giờ.

Rành rành kẽ tóc chân tơ,

Mấy lời nghe hết đã dư tỏ tường.

Bao nhiêu đoạn khổ, tình thương,

Nỗi ông vật vã, nỗi nàng thở than.

Ngăn tôi đứng lại một bên,

Chán tai rồi mới bước lên trên lầu.

Nghe thôi kinh hãi xiết đâu:

Đàn bà thế ấy thấy âu một người!

2005. ấy mới gan ấy mới tài,

Nghĩ càng thêm nỗi sởn gai rụng rời!

Người đâu sâu sắc nước đời,

Mà chàng Thúc phải ra người bó tay!

Thực tang bắt được dường này,

2010. Máu ghen ai cũng chau mày nghiến răng.

Thế mà im chẳng đãi đằng,

Chào mời vui vẻ nói năng dịu dàng!

Giận dầu ra dạ thế thường,

Cười dầu mới thực khôn lường hiểm sâu!

2015. Thân ta ta phải lo âu,

Miệng hùm nọc rắn ở đâu chốn này!

Ví chăng chắp cánh cao bay,

Rào cây lâu cũng có ngày bẻ hoa!

Phận bèo bao quản nước sa,

Lênh đênh đâu nữa cũng là lênh đênh.

Chỉn e quê khách một mình,

Tay không chưa dễ tìm vành ấm no!

Nghĩ đi nghĩ lại quanh co,

Phật tiền sẵn có mọi đồ kim ngân.

2025. Bên mình giắt để hộ thân,

Lần nghe canh đã một phần trống ba.

Cất mình qua ngọn tường hoa,

Lần đường theo bóng trăng tà về tây.

Mịt mù dặm cát đồi cây,

2030. Tiếng gà điếm nguyệt dấu giày cầu sương.

Canh khuya thân gái dặm trường,

Phần e đường xá, phần thương dãi dầu!

 

Kiều Đến Ở Chiêu Ẩn Am

 

Trời đông vừa rạng ngàn dâu,

Bơ vơ nào đã biết đâu là nhà!

2035. Chùa đâu trông thấy nẻo xa,

Rành rành Chiêu ẩn am ba chữ bài.

Xăm xăm gõ mái cửa ngoài,

Trụ trì nghe tiếng, rước mời vào trong.

Thấy màu ăn mặc nâu sồng,

2040. Giác duyên sư trưởng lành lòng liền thương.

Gạn gùng ngành ngọn cho tường,

Lạ lùng nàng hãy tìm đường nói quanh:

Tiểu thiền quê ở Bắc Kinh,

Qui sư, qui Phật, tu hành bấy lâu.

2045. Bản sư rồi cũng đến sau,

Dạy đưa pháp bảo sang hầu sư huynh.

Rày vâng diện hiến rành rành,

Chuông vàng khánh bạc bên mình giở ra.

Xem qua sư mới dạy qua:

Phải nơi Hằng Thủy là ta hậu tình.

Chỉ e đường sá một mình,

ở đây chờ đợi sư huynh ít ngày.

Gửi thân được chốn am mây,

Muối dưa đắp đổi tháng ngày thong dong.

2055. Kệ kinh câu cũ thuộc lòng,

Hương đèn việc cũ, trai phòng quen tay.

Sớm khuya lá bối phướn mây,

Ngọn đèn khêu nguyệt, tiếng chày nện sương.

Thấy nàng thông tuệ khác thường,

Sư càng nể mặt, nàng càng vững chân.

 

Bạc Bà Ép Duyên Thúy Kiều

 

Cửa thuyền vừa tiết cuối xuân,

Bóng hoa đầy đất, vẻ ngân ngang trời.

Gió quang mây tạnh thảnh thơi,

Có người đàn việt lên chơi cửa Già.

2065. Giở đồ chuông khánh xem qua,

Khen rằng: Khéo giống của nhà Hoạn nương!

Giác Duyên thực ý lo lường,

Đêm thanh mới hỏi lại nàng trước sau.

Nghĩ rằng khôn nỗi giấu mầu,

Sự mình nàng mới gót đầu bày ngay:

Bây giờ sự đã dường này,

Phận hèn dù rủi, dù may, tại người.

Giác Duyên nghe nói rụng rời,

Nửa thương, nửa sợ, bồi hồi chẳng xong.

2075. Rỉ tai nàng mới giãi lòng:

ở đây cửa Phật là không hẹp gì;

E chăng những sự bất kỳ,

Để nàng cho đến thế thì cũng thương!

Lánh xa, trước liệu tìm đường,

2080. Ngồi chờ nước đến, nên đường còn quê!

Có nhà họ Bạc bên kia,

Am mây quen lối đi về dầu hương.

Nhắn sang, dặn hết mọi đường,

Dọn nhà hãy tạm cho nàng trú chân.

2085. Những mừng được chốn an thân,

Vội vàng nào kịp tính gần tính xa.

Nào ngờ cũng tổ bợm già,

Bạc bà học với Tú bà đồng môn!

Thấy nàng mặt phấn tươi son,

Mừng thầm được mối bán buôn có lời.

Hư không đặt để nên lời,

Nàng đà nhớn nhác rụng rời lắm phen.

Mụ càng xua đuổi cho liền,

Lấy lời hung hiểm ép duyên Châu Trần.

2095. Rằng: Nàng muôn dặm một thân,

Lại mang lấy tiếng dữ gần, lành xa.

Khéo oan gia, của phá gia,

Còn ai dám chứa vào nhà nữa đây!

Kíp toan kiếm chốn xe dây,

2100. Không dưng chưa dễ mà bay đường trời!

Nơi gần thì chẳng tiện nơi,

Nơi xa thì chẳng có người nào xa.

Này chàng Bạc Hạnh cháu nhà,

Cùng trong thân thích ruột rà, chẳng ai.

2105. Cửa hàng buôn bán châu Thai,

Thực thà có một, đơn sai chẳng hề.

Thế nào nàng cũng phải nghe,

Thành thân rồi sẽ liệu về châu Thai.

Bấy giờ ai lại biết ai,

Dầu lòng bể rộng sông dài thênh thênh.

Nàng dù quyết chẳng thuận tình,

Trái lời nẻo trước lụy mình đến sau.

Nàng càng mặt ủ mày chau,

Càng nghe mụ nói, càng đau như dần.

2115. Nghĩ mình túng đất, sẩy chân,

Thế cùng nàng mới xa gần thở than:

Thiếp như con én lạc đàn,

Phải cung rày đã sợ làn cây cong!

Cùng đường dù tính chữ tòng,

2120. Biết người, biết mặt, biết lòng làm sao?

Nữa khi muôn một thế nào,

Bán hùm, buôn sói, chắc vào lưng đâu?

Dù ai lòng có sở cầu,

Tâm mình xin quyết với nhau một lời.

2125. Chứng minh có đất, có Trời,

Bấy giờ vượt bể ra khơi quản gì?

 

Kiều Lại Bị Bán Vào Lầu Xanh Ở Châu Thai

 

Được lời mụ mới ra đi,

Mách tin họ Bạc tức thì sắm sanh.

Một nhà dọn dẹp linh đình,

Quét sân, đặt trác, rửa bình, thắp nhang.

Bạc sinh quì xuống vội vàng,

Quá lời nguyện hết Thành hoàng, Thổ công.

Trước sân lòng đã giãi lòng,

Trong màn làm lễ tơ hồng kết duyên.

Thành thân mới rước xuống thuyền,

Thuận buồm một lá, xuôi miền châu Thai.

Thuyền vừa đỗ bến thảnh thơi,

Bạc sinh lên trước tìm nơi mọi ngày.

Cũng nhà hành viện xưa nay,

2140. Cũng phường bán thịt, cũng tay buôn người.

Xem người định giá vừa rồi,

Mối hàng một, đã ra mười, thì buông.

Mượn người thuê kiệu rước nường,

Bạc đem mặt bạc, kiếm đường cho xa!

2145. Kiệu hoa đặt trước thềm hoa,

Bên trong thấy một mụ ra vội vàng.

Đưa nàng vào lạy gia đường,

Cũng thần mày trắng, cũng phường lầu xanh!

Thoắt trông nàng đã biết tình,

Chim lồng khốn lẽ cất mình bay cao.

Chém cha cái số hoa đào,

Gỡ ra, rồi lại buộc vào như chơi!

Nghĩ đời mà chán cho đời,

Tài tình chi lắm, cho trời đất ghen!

2155. Tiếc thay nước đã đánh phèn,

Mà cho bùn lại vẩn lên mấy lần!

Hồng quân với khách hồng quần,

Đã xoay đến thế, còn vần chửa tha.

Lỡ từ lạc bước bước ra,

Cái thân liệu những từ nhà liệu đi.

Đầu xanh đã tội tình chi?

Má hồng đến quá nửa thì chưa thôi.

Biết thân chạy chẳng khỏi trời,

Cũng liều mặt phấn cho rồi ngày xanh.

 

Kiều Gặp Tướng Giặc Là Từ Hải

 

2165. Lần thu gió mát trăng thanh,

Bỗng đâu có khách biên đình sang chơi,

Râu hùm, hàm én, mày ngài,

Vai năm tấc rộng, thân mười thước cao.

Đường đường một đấng anh hào,

Côn quyền hơn sức lược thao gồm tài.

Đội trời đạp đất ở đời,

Họ Từ tên Hải, vốn người Việt đông.

Giang hồ quen thú vẫy vùng,

Gươm đàn nửa gánh, non sông một chèo.

2175. Qua chơi nghe tiếng nàng Kiều,

Tấm lòng nhi nữ cùng xiêu anh hùng.

Thiếp danh đưa đến lầu hồng,

Hai bên cùng liếc hai lòng cùng ưa.

Từ rằng: Tâm phúc tương cờ

Phải người trăng gió vật vờ hay sao?

Bấy lâu nghe tiếng má đào,

Mắt xanh chẳng để ai vào có không?

Một đời được mấy anh hùng,

Bõ chi cá chậu, chim lồng mà chơi!

2185. Nàng rằng: Người dạy quá lời,

Thân này còn dám xem ai làm thường!

Chút riêng chọn đá thử vàng,

Biết đâu mà gởi can tràng vào đâu?

Còn như vào trước ra sau,

Ai cho kén chọn vàng thau tại mình.

Từ rằng: Lời nói hữu tình,

Khiến người lại nhớ câu Bình Nguyên Quân.

Lại đây xem lại cho gần,

Phỏng tin được một vài phần hay không?

2195. Thưa rằng: Lượng cả bao dong,

Tấn Dương được thấy mây rồng có phen.

Rộng thương cỏ nội hoa hèn,

Chút thân bèo bọt dám phiền mai sau!

Nghe lời vừa ý gật đầu,

Cười rằng: Tri kỷ trước sau mấy người!

Khen cho con mắt tinh đời,

Anh hùng đoán giữa trần ai mới già!

Một lời đã biết tên ta,

Muôn chung nghìn tứ cũng là có nhau!

2205. Hai bên ý hợp tâm đầu,

Khi thân chẳng lọ là cầu mới thân!

Ngỏ lời nói với băng nhân,

Tiền trăm lại cứ nguyên ngân phát hoàn.

Buồn riêng sửa chốn thanh nhàn,

Đặt giường thất bảo, vây màn bát tiên.

Trai anh hùng, gái thuyền nguyên,

Phỉ nguyền sánh phượng, đẹp duyên cưỡi rồng.

 

Từ Hải Biệt Kiều Đi Lập Công

 

Nửa năm hương lửa đương nồng,

Trượng phu thoắt đã động lòng bốn phương.

2215. Trông vời trời bể mênh mang,

Thanh gươm, yên ngựa lên đàng thẳng rong.

Nàng rằng: Phận gái chữ tòng,

Chàng đi thiếp cũng quyết lòng xin đi!

Từ rằng: Tâm phúc tương tri,

2220. Sao chưa thoát khỏi nữ nhi thường tình?

Bao giờ mười vạn tinh binh,

Tiếng chiêng dậy đất, bóng tinh rợp đường

Làm cho rõ mặt phi thường,

Bấy giờ ta sẽ rước nàng nghi gia,

2225. Bằng ngay bốn bể không nhà,

Theo càng thêm bận, biết là đi đâu?

Đành lòng chờ đó ít lâu,

Chầy chăng là một năm sau vội gì?

Quyết lời rứt áo ra đi,

Cánh bằng tiện gió cất lìa dậm khơi.

Nàng thì chiếc bóng song mai,

Đêm thâu đằng đẵng, nhặt cài then mây.

Sân rêu chẳng vẽ dấu giầy,

Cỏ cao hơn thước, liễu gầy vài phân.

2235. Đoái thương muôn dặm tử phần

Hồn quê theo ngọn mây Tần xa xa;

Xót thay huyên cỗi xuân già,

Tấm lòng thương nhớ, biết là có nguôi.

Chốc là mười mấy năm trời,

2240. Còn ra khi đã da mồi tóc sương.

Tiếc thay chút nghĩa cũ càng,

Dẫu lìa ngó ý còn vương tơ lòng!

Duyên em dù nối chỉ hồng,

May ra khi đã tay bồng tay mang.

2245. Tấc lòng cố quốc tha hương,

Đường kia nỗi nọ ngổn ngang bời bời.

Cánh hồng bay bổng tuyệt vời,

Đã mòn con mắt phương trời đăm đăm.

 

Từ Hải Thắng Trận Về Lấy Kiều

 

Đêm ngày luống những âm thầm,

Lửa binh đâu đã ầm ầm một phương,

Ngất trời sát khí mơ màng,

Đầy sông kình ngạc, chật đường giáp binh.

Người quen kẻ thuộc chung quanh

Nhủ nàng hãy tạm lánh mình một nơi.

2255. Nàng rằng: Trước đã hẹn lời,

Dẫu trong nguy hiểm dám rời ước xưa.

Còn đương dùng dắng ngẩn ngơ

Mái ngoài đã thấy bóng cờ tiếng loa.

Giáp binh kéo đến quanh nhà,

Đồng thanh cùng gửi: nào là phu nhân?

Hai bên mười vị tướng quân,

Đặt gươm, cởi giáp, trước sân khấu đầu.

Cung nga, thể nữ nối sau,

Rằng: Vâng lệnh chỉ rước chầu vu qui.

2265. Sẵn sàng phượng liễn loan nghi,

Hoa quan phấp phới hà y rỡ ràng.

Dựng cờ, nổi trống lên đàng,

Trúc tơ nổi trước, kiệu vàng theo sau.

Hoả bài tiền lộ ruổi mau,

2270. Nam đình nghe động trống chầu đại doanh.

Kéo cờ lũy, phát súng thành,

Từ công ra ngựa, thân nghênh cửa ngoài.

Rỡ mình, là vẻ cân đai,

Hãy còn hàm én mày ngài như xưa.

2275. Cười rằng: Cá nước duyên ưa,

Nhớ lời nói những bao giờ hay không?

Anh hùng mới biết anh hùng,

Rầy xem phỏng đã cam lòng ấy chưa?

Nàng rằng: Chút phận ngây thơ,

Cũng may dây cát được nhờ bóng cây.

Đến bây giờ mới thấy đây,

Mà lòng đã chắc những ngày một hai.

Cùng nhau trông mặt cả cười,

Dan tay về chốn trướng mai tự tình.

2285. Tiệc bày thưởng tướng khao binh

Om thòm trống trận, rập rình nhạc quân.

Vinh hoa bõ lúc phong trần,

Chữ tình ngày lại thêm xuân một ngày

 

2- Chú giải và điển tích

Vì có nhiều điển tích hay, chúng tôi không ghi phần chú giải từ ngữ.

 

-Câu 1931: Giọt nước cành dương:

Câu này bắt nguồn từ sự tích Cam Lồ (hay Lộ) Cam: ngọt, Lồ hay Lộ: giọt sương. Cam lồ hay Cam lộ là nước sương ngọt. Hán văn gọi là Cam lồ thủy, thứ nước huyền diệu do các Ðấng Tiên, Phật luyện thành, mùi vị thơm ngon, có công dụng rất mầu nhiệm. Khi một người được rưới nước Cam Lồ thì người đó được tiêu trừ bịnh tật, sạch hết tai ương, dù có sắp chết cũng sống lại mạnh khỏe. Ðức Quan Âm Bồ Tát, tay trái cầm Tịnh bình chứa nước Cam Lồ, tay mặt cầm cành dương liễu nhúng vào Tịnh bình để rải nước Cam Lồ cứu giúp chúng sanh.

 

Qua sự kiện trên, chúng tôi nhận thấy có sự tương đồng với Công Giáo, khi Linh-mục rẩy nước thánh trên đầu giáo dân trong Thánh Lễ ngày Chúa nhật, như một hình thức tẩy rửa tội lỗi để giáo dân xứng đáng được thông phần vào nghi thức tưởng niệm Chúa thành lập phép Thánh Thể.

 

-Câu 1988: Thiếp Lan Đình: Vương Hi Chi đời Tấn, nổi tiếng về viết chữ đẹp nhất nước. Ông làm bài tựa tập thơ vịnh hội Lan Đình. Ông cho là có thần giúp mới làm được bài thơ hay như vậy. Nên ông kén chọn bút, mực, giấy tốt nhất để viết thành một tập. Khi viết xong ông cho là tập văn hay chữ tốt tuyệt bực, mới truyền cho con cháu giữ làm gia bảo của họ Vương. Mãi đến người cháu bẩy đời của ông là sư Trí Vinh, vì lời yêu cầu của vua Đường Thái Tông, mới đem dâng. Vua quý lắm, sai Trử Toại Lương mạc lại để khắc bản in mà phát cho các quan, còn vua giữ bản chính. Và khi vua gần mất, dặn lại chỉ mang tập Thiết Lan Đình chôn theo cho vua. Tập thiếp này khắc đi khắc lại nhiều lần, truyền mãi cho đến bây giờ. (Theo cụ Đàm Duy Toại).

 

Câu 2192: Bình Nguyên Quân:

 

Nguyên đời Chiến Quốc (479-221 trước D.L.), con của Vũ Linh Vương nước Triệu tên Thắng, làm tướng quốc và được phong đất Bình Nguyên nên thường gọi là Bình Nguyên Quân. Cũng như Mạnh Thường Quân (người nước Tề), Tín Lăng Quân (người làm tướng nước Ngụy), Bình Nguyên Quân người rất hiếu khách. Trong nhà bao giờ cũng có thực khách đến hàng ngàn người. Khi quân nước Tần vây kinh đô nước Triệu là Ham Đan, vua nước Triệu phải sai Bình Nguyên Quân đến nước Sở cầu cứu bằng cách liên minh. Bình Nguyên Quân định chọn lấy 20 người đủ sức khỏe, mưu mẹo trong số thực khách cùng đi. Nhưng chỉ chọn được 19 người.

Một thực khách tên Mao Toại bước ra, tình nguyện đi cho đủ số. Bình Nguyên Quân hỏi:

-Tiên sinh ở nhà này được bao lâu?

Mao Toại đáp:

-Đã được 3 năm.

Bình Nguyên Quân nói:

-Phàm bậc hiền sĩ ở đời chẳng khác gì cái dùi ở trong cái túi, bao giờ mũi nhọn cũng thò ra ngoài. Tiên sinh ở đây đã đến 3 năm mà tôi chưa từng thấy người chung quanh tôi khen ngợi điều gì, thế là tiên sinh không có đặc tài thì xin mời tiên sinh ở lại nhà.

Mao Toại nói:

-Chính ngày nay tôi mới xin làm cái dùi trong túi đó. Nếu tôi sớm được như cái dùi trong túi thì chẳng những chỉ thò mũi nhọn ra, mà lại còn nhảy tuột cả ra ngoài nữa.

Nghe lời đáp lạ lùng, Bình Nguyên Quân bằng lòng cho đi. Mười chín thực khách kia nhìn nhau có vẻ xem thường, cười thầm. Đến nước Sở, Bình Nguyên Quân cùng vua Sở bàn việc liên minh, giải bày lợi hại, từ sáng sớm mãi đến trưa mà vẫn chưa ngã ngũ ra sao. Mười chín thực khách kia bèn bảo Mao Toại rằng:

-Xin mời tiên sinh lên đi.

 

Mao Toại cầm kiếm bước lên thềm, nói với Bình Nguyên Quân rằng:

-Việc liên minh lợi hại thế nào, chỉ nói vài lời cũng quyết định được, thế mà bàn bạc từ sáng đến trưa vẫn chưa ra bề nào là cớ làm sao?

Vua nước Sở hỏi ai, thì Bình Nguyên Quân cho biết đó là người nhà. Vua Sở quát:

-Sao không lùi xuống? Ta đương nói chuyện với chủ ngươi, lên đây làm gì?

 

Mao Toại vẫn cầm kiếm, tiến lên, đỉnh đạc nói:

-Nhà vua sở dĩ quát tháo mắng tôi là vì cậy nước Sở có đất rộng người nhiều. Nhưng từ chỗ nhà vua đến chỗ tôi đứng chỉ trong 10 bước, thì tính mạng của nhà vua là ở trong tay tôi. Cậy thế nào được đất rộng người nhiều kia? Hiện có chủ tôi ngồi đó mà nhà vua quát tháo tôi thì còn lễ độ gì? Vả tôi nghe rằng: vua Thang chỉ nhờ khoảng đất 70 dặm mà làm vua thiên hạ. Vua Văn chỉ nhờ một vùng 100 dặm mà khuất phục được chư hầu, có phải đâu là vì nhiều sĩ tốt? Nay nước Sở nếu biết giữ được thế, chấn được uy thì sẵn đất vuông 5 ngàn dặm, dưới cờ kể có 100 vạn quân, đủ sức để làm bá vương đó. Sức mạnh như thế, đáng lẽ thiên hạ không sao địch nổi, thế mà thằng nhãi Bạch Khởi, tước của nước Tần, chỉ đem có vài vạn quân đánh nhau với nước Sở, trận đầu đã chiếm được đất Yên Sinh, trận thứ hai lại đốt mất Di Lăng, trận thứ ba phạm đến cả lăng tẩm của tiên vương nước Sở. Đó là mối thù đến muôn đời, ngay nước Triệu chúng tôi còn hổ thẹn thay, thế mà nhà vua không biết căm giận. Vậy ngày nay, liên minh chính là vì nước Sở chứ không phải vì nước Triệu. Chủ tôi ngồi đó, nhà vua quát tháo tôi là nghĩa làm sao?

 

Vua nước Sở gật gù bảo:

-Phải, phải! Công việc nước tôi, đúng như lời tiên sinh nói. Vậy tôi xin đem cả nước để liên minh.

Đoạn tất cả tôi chúa đều uống máu ăn thề.

Mao Toại cười nói với 19 người:

-Đối với sự thành công này, các ông chỉ là theo đuôi, vấy máu ăn phần đó thôi.

Thực hiện được cuộc liên minh, Bình Nguyên Quân trở về nước Triệu, nói:

-Thôi, ta không còn dám xét đoán người nữa. Xưa nay ta đã từng xét thiên hạ, kể số nhiều thì đến hàng ngàn người, mà ít thì cũng hàng trăm, vẫn tự hào rằng chưa hề bỏ sót ai cả. Thế mà đến nay tự biết mình trước kia đã không nhận rõ đặc tài của Mao tiên sinh. Khi sang nước Sở, Mao tiên sinh đã làm cho nước Triệu được vô cùng tôn kính. Mới biết tiên sinh đã khéo dùng ba tấc lưỡi mạnh hơn trăm vạn quân. Thôi, từ đây ta không dám xét người nữa.

Rồi ông cất Mao Toại lên hàng thượng khách. Tuy dùng người mà Bình Nguyên Quân vẫn tự nhận đã thiếu sót trong việc xét người. Lời nói đó thật là tri kỷ tri bỉ vậy.

 

-Câu 2174: Gươm đàn nửa gánh, non sông một chèo: Và những câu thơ kế tiếp, đoạn Kiều khuyên Từ Hải ra hàng triều đình, có câu:

Ngẫm từ việc dấy binh đao

Ðống xương vô định đã cao bằng đầu

Làm chi để tiếng về sau

Nghìn năm ai có khen đâu Hoàng Sào!

(câu 2493 đến 2496)

“Gươm đàn nửa gánh non sông một chèo”

“Nghìn năm ai có khen đâu Hoàng Sào”

Câu thơ trên vốn xuất phát từ điển tích Hoàng Sào.

Nguyên Hoàng Sào có hai câu thơ:

Bán khiên cung kiếm bằng thiên túng

Nhất trạo giang sơn tận địa duy

(Nửa vai cung kiếm tận trời cao

Một chèo non sông xông pha khắp cõi)

Hoàng Sào là một lãnh tụ nông dân quật khởi gần cuối đời nhà Ðường (618- 907). Nguyên nhà Ðường từ vua Ðại Tông (763- 765) đến Hy Tông (874- 888) thì thế nước càng suy. Phiên Trấn hoành bạo ở ngoài, hoạn quan chuyên chính bên trong. Phiên Trấn thì nắm quyền thưởng phạt, sinh sát dân trong tay; hoạn quan thì thiện tiện phế lập vua chúa.

Chính cuộc đã nguy như thế làm cho mối loạn trong dân gian càng gia tăng. Những bần cố nông phải bỏ trốn, phiêu bạt. Một số ít có ruộng đất bị kiêm tính cũng bỏ quê quán mà thành lưu vong, hoặc làm điền nô ở các trang viên, hoặc tụ họp làm trộm cướp. Tài chánh kiệt quệ, kho tàng nhà nước trống rỗng, triều đình phải đánh thuế nặng. Vừa tai nạn binh đao lại xảy ra lụt ngập rồi hạn hán luôn năm làm cho nhân dân càng cực kỳ khốn khổ.

Hoàng Sào tự Cự Thiên, người ở Tào Châu vốn con của một nhà bán muối, nhưng rất thông minh, văn võ đều giỏi, chỉ có vẻ ngoài quá thô xấu. Năm Càn Phủ thứ ba (876), đời vua Hy Tông, Hoàng Sào đi thi đỗ được võ cử Trạng nguyên. Nhưng vua thấy hình dung xấu xí của Hoàng Sào nên không dùng, đuổi Sào đi. Hoàng Sào ra khỏi triều môn trở về, giữa đường ghé quán nghỉ, lòng đầy căm tức. Sào nghĩ thầm:
- Khi đăng bảng mở khoa thi thì nói chọn người có tài văn chương hay võ nghệ, chớ không thấy nói chọn người mặt mày đẹp đẽ. Nếu ta dè hôn quân lấy diện mạo chọn người thì ta có đi thi làm chi cho uổng công.

 

Tức khí quá, Hoàng Sào lấy bút mực, viết một bài thơ trên vách quán rồi bỏ ra đi:

Lược thao như mỗ đáng phong hầu

Mắt thịt hôn quân dễ biết đâu

Nếu được đôi ba ngàn tử đệ

Ðoạt thâu thiên hạ bốn trăm châu

(Tào châu Hoàng Sào tự Cự Thiên Ðế)

 

Quân tuần hành đến quán trông thấy bài thơ, liền chép lấy dâng lên vua. Nhà vua tức giận, truyền họa đồ hình Hoàng Sào và ra lệnh tập nã. Hoàng Sào hay tin, không dám đi đường lớn nữa, phải lặn lội trong rừng núi thẳng lên Thái Hành Sơn, chiêu binh mãi mã. Hơn một năm, Hoàng Sào chiêu mộ được trăm muôn binh, thêm một số tướng tá văn võ giỏi, thế lực rất mạnh. Sào tự xưng là Xung thiên Đại tướng quân, đem hơn 10 vạn quân đoạt được nhiều Châu, và vượt qua sông Dương Tử, xuống đánh chiếm miền Giang Nam, ra phía đông đến Chiết Giang, lại đánh Phúc Châu, Kiến Ninh rồi thẳng đường xuống chiếm lấy Quảng Châu. Ở những nơi đây, Hoàng Sào giết hại rất nhiều dân thành thị cùng 20 vạn người ngoại quốc buôn bán gồm những giáo đồ Hồi, Cơ đốc, Bái hoả, người Do Thái và người Ả-rập.

Sau vì miền Nam có bệnh dịch, Hoàng Sào tiến quân lên Bắc. Năm 880 vây hãm Ðông Ðô rồi chiếm lấy Trường An, đánh phá và giết chóc những người quý tộc, quan lại và phú hào, số lượng không kể xiết. Vua Hy Tông bấy giờ phải bỏ hoàng thành, chạy vào đất Thục. Hoàng Sào tự xưng là Ðại Tề Hoàng đế. Thật là thoả chí bình sinh.

Hoàng Sào trước muốn thoả lòng căm hận và muốn cứu muôn dân thoát cảnh lầm than, nhưng đến khi thực hành thì lại chẳng cứu muôn dân mà ngược lại, gây thảm hoạ tang tóc cho muôn dân. Tướng tài Châu Ôn là bộ hạ của Hoàng Sào bất mãn đầu hàng triều đình. Trong số hơn 50 vạn quân của Sào cũng chán ghét Sào, dần dần bỏ trốn theo Châu Ôn. Còn vua Hy Tông sau khi bỏ chạy vào Tứ Xuyên, nhờ người Tây Ðột Quyết (một giống dân ở phía bắc sa mạc châu á) là Lý Khắc Dụng đem quân cứu viện. Nhà Ðường được trung hưng.

 

Năm 884, Hoàng Sào bị Lý Khắc Dụng đánh bại, rồi bị một tên bộ hạ ám sát tại Biện Châu. Có sách chép là Hoàng Sào đánh trận bị thương nặng, trở về tư dinh đâm cổ tự tử. (Theo Ðiển tích Truyện Kiều, NXB Ðồng Tháp)

Trong lịch sử Việt Nam chúng tôi thấy có hai trường hợp danh nhân nước Việt đã mượn điển tích Hoàng Sào để bày tỏ chí hướng của mình là:

1-Hải Thượng Lãn Ông, “Ông già lười Hải Thượng” là biệt hiệu của danh y Lê Hữu Trác (1720-1791). Ông tinh thông và nổi danh bật nhất về y học cổ truyền. Ông cũng có tài văn chương và được xếp vào lịch sử danh nhân Việt Nam thế kỷ XVIII. Sau hai lần được mời ra chữa bệnh cho Thế tử Trịnh Cán và chúa Trịnh Sâm, ông xin về ẩn cư tại Hương Sơn tỉnh Hà Tĩnh. Trên đường về quê, ông có làm bài thơ cũng có câu thơ mượn của Hoàng Sào để bày tỏ chí khí của mình:

Lên đường từ giã long lâu

 

Gươm đàn nửa gánh ra ngay đô thành,

 

Ngựa quen đường cũ về nhanh,

Quay thuyền khó lúc lênh đênh giữa dòng.

Mây qua đường để bớt nồng

Núi non mở mặt như lòng vì ai

Xanh xanh một dải non đoài

Giống non ta cũ chỉ vài hòn thôi.

(Thượng kinh ký sự).

 

2- Chí sĩ Ngô Đình Diệm, sau trở thành Tổng-thống Đệ I Cộng Hòa Việt Nam, trước khi thành danh cũng có làm một bài thơ mượn tư tưởng của Hoàng Sào để bày tỏ chí hướng của người trai Việt thời chinh chiến, sẵn sàng dấn thân vào cuộc đời để lèo lái con thuyền Việt Nam trong bối cảnh chính trị phức tạp nhất vào những năm 1950. Năm 1953, Chí sĩ Ngô Đình Diệm đã làm bài thơ Nỗi Lòng để bày tỏ lý tưởng của mình và hoài bão đó đã trở thành sự thật.

 

Nỗi Lòng

 

Gươm đàn nửa gánh quảy sang sông

Hỏi bến: Thuyền không lái cũng không!

Xe muối nặng nề thương vó Ký

Đường mây rộng rãi tiếc chim Hồng

Vá trời lấp biển người đâu tá?

Bán lợi mua danh chợ vẫn đông.

Lần lữa nắng mưa theo cuộc thế

Cắm sào đợi nước thuở nào trong.

(Vó ký: -Vó: chân ngựa, bước chân ngựa. Ký: tên của một giống ngựa quí, chạy rất nhanh, mỗi ngày chạy được ngàn dặm đường. Người ta thường nói: ngựa Kỳ và ngựa Ký, đều là tuấn mã. Tác giả  mượn điển tích Chu Bá Nhạ  để  nhìn cơ đồ  tổ quốc đang như một chiếc xe ngựa thồ muối  ì ạch leo dốc  mà thương cho những người đang cố gắng vất vả như con ngựa Ký (tương truyền là một giống ngựa giỏi, có thể đi xa, thồ nặng được như không. Chim Hồng: nhìn hoàn cảnh nước nhà  như thế, mà tiếc cho cánh chim hồng trước không gian bao la của tương lai dân tộc lại không được bay bổng).

 

Lời bàn thêm

 

Sau khi nghiên cứu nhiều bài viết trên nhiều trang nhà (Websites), chúng tôi nhận thấy từ ``đàn´´ được dịch và hiểu theo hai nghĩa khác nhau. Có nhiều tác giả giải thích chữ ``đàn là cây đàn để chơi âm nhạc´´ (Theo Ðiển tích Truyện Kiều, NXB Ðồng Tháp) là một trường hợp; nhưng có những tác giả khác, như Việt Nam Tự Điển trang 406 của Lê Văn Đức định nghĩa Đàn là: Cây cung, Gươm đàn nửa gánh, non sông một chèo (K: Kiều); và trường Đại-học Hà Nội cũng giải thích như sau:

``Gươm đàn là từ Việt dịch từ từ Hán Việt: Kiếm cung. Gươm là âm Việt hóa (của từ kiếm cũng như gương là từ Việt hóa của kính, gắng và gượng là từ Việt hóa của cưỡng. Goá là từ Việt hóa của quả. Gần là từ Việt hóa của cận.)

Đàn là từ Hán Việt, là một thứ cung không bắn bằng tên mà bắn bằng đá mài tròn hay đất sét viên tròn rồi nung kỹ. Các viên đó sau này có âm là đạn. Trong truyện Kiều có câu tả về Từ Hải như sau: “Gươm đàn nửa gánh, non sông một chèo” là mượn từ câu nói của Hoàng Sào, lãnh tụ khởi nghĩa nông dân đời Đường: “Bán kiên cung kiếm bằng thiên túng / Nhất trạo giang sơn vãn địa duy”. Nghĩa là: nửa vai cung kiếm tung hoành trời đất, một chèo giang sơn kéo lệch đất trời. Trong các bản dịch sang tiếng Pháp, các dịch giả dịch từ đàn thành guitare là không đúng.´´

Cái khó khăn trong việc giải thích Truyện Kiều, như chúng tôi đã trình bày trong các bài đầu, là chúng ta không có bản chính viết bằng chữ Nôm của Cụ Nguyễn Du. Các bản dịch ra tiếng Việt đều dựa vào các bản sao chép lại. Tam sao thất bản (bổn); nên sau này người ta rơi vào tình trạng không biết từ ngữ giải thích nào là đúng.  

---------------------

-Tài liệu tham khảo

- vuhuu.edu.vn/Form/Thu_vien/Ebook/dien_tich_kieu/bai60.htm

- ngothelinh.tripod.com/BaiThoNoiLong.html

- www.personal.usyd.edu.au/~cdao/tudien/v/v4-001.htm

- tuxa.hnue.edu.vn/B%E1%BA%A3ntint%E1%BB%ABxav%C3%A0t%E1%BA%A1ich%E1%BB%A9c/T%C3%ACmhi%E1%BB%83uki%E1%BA%BFnth%E1%BB%A9c/tabid/132/ArticleID/279/Default.aspx

- vantuyen.net/index.php