Dân Chúa Âu Châu

BY: HOÀNG THẠCH

 

1. Đại ý đoạn thơ kế tiếp

 

Kim Trọng về quê lo tang chú ở Liêu Dương nửa năm mới trở về nhà trọ và sang thăm Thuý Kiều thì thấy cảnh vật tiêu điều. Nhìn vào trong vườn chàng thấy hoa lan thì ít mà cỏ hoang thì nhiều; cửa sổ thì vắng lặng quạnh hiu và trước sân sau nhà không một bóng người qua lại. Nhớ lại cảnh xưa tình cũ, Kim Trọng buồn thẩn thơ. Trong lúc không biết hỏi ai để tìm gia đình Kiều thì có người hàng xóm tới kể cho chàng biết hoàn cảnh nghiệt ngã của gia đình nàng: gia đình bị vu oan cáo vạ, cha và Vương Quan bị quan quân hành hạ dã man, nên Thuý Kiều phải bán mình chuộc cha. Từ đó gia đình lâm cảnh khốn đốn phải dọn đi nơi khác sinh sống. Vương Quan phải đi viết mướn, còn Thúy Vân phải may thuê để kiếm tiền sống cho qua ngày.

 

Sau khi nghe đầu đuôi câu chuyện, Kim Trọng bèn dò đường tìm đến nơi ở của gia đình Kiều. Than ôi! Một căn nhà tranh vách đất tồi tàn, cửa không còn màn nhung lụa bông hoa, mà là rèm lau, thềm trúc lưa thưa và rách nát. Sân nhà không gạch lát mà chỉ cỏ rả mọc đầy tràn. Trước cảnh tượng xơ xác này Kim Trọng không khỏi bàng hoàng ngẩn ngơ. Chàng thử lên tiếng gọi thì Vương Quan chạy ra đón vào nhà gặp cha mẹ Kiều. Ông bà vừa khóc vừa kể lể đầu đuôi câu chuyện thương tâm đã xẩy ra, khiến Kiều phải lỗi hẹn ước với chàng. Vương Ông cũng nói là theo ước muốn, Kiều muốn em gái Thuý Vân thay mình kết hôn với Kim Trọng gọi là chút tình nghĩa còn lại dành cho người tình xưa.

 

Kim Trọng nghe câu chuyện quá thương tâm và số phận hẩm hiu của Thuý Kiều chàng bật khóc. Chàng khóc thương đến nỗi máu hòa chung nước mắt; người thì lúc tỉnh lúc mê: “thẫn thờ lúc tỉnh lúc mê, máu theo nước mắt hồn lìa chiêm bao”. Vương Ông và Vương Bà thấy Kim Trọng xót xa khổ não quá mức bèn hết lời khuyên nhủ xin chàng bình tâm. Đáp lại, chàng nghĩ rằng “Chưa chăn gối cũng vợ chồng”, nên coi Kiều như vợ và quyết chí tìm cho được nàng. Để tỏ lòng thủy chung, Kim Trọng về nhà dọn dẹp sạch sẽ, rồi đón cha mẹ Kiều qua ở. Sau đó chàng thuê người đi tìm kiếm Kiều. Cha mẹ Kiều thấy chàng một người chung tình hiếm có, lại quá buồn đau day dứt, bèn an ủi bằng cách chuẩn bị ngày hôn lễ cho chàng và Thúy Vân, như lời hẹn ước của Kiều trước khi bán mình chuộc cha.

 

Đôi trai tài gái sắc nên duyên vợ chồng. Tuy nhiên, Kim Trọng dù có Thúy Vân bên mình nhưng lòng chàng làm sao quên được mối tình đầu. Khi buồn chàng dạo đàn và ngâm thơ để tưởng nhớ hình ảnh Kiều. Bỗng đâu gió thổi lay rèm, khiến chàng có cảm tưởng như có tiếng Kiều phát ra từ trong góc chái.

 

Sau đó, cả Kim Trọng và Vương Quan đều thi đỗ và quyết đi Lâm Truy tìm kiếm Kiều. Kim Trọng được một người họ Đô kể lại chuyện 10 năm qua, bị Tú Bà và Mã Giám Sinh lừa bán vào lầu xanh, rồi gặp Thúc Sinh cứu ra cưới làm vợ lẽ, nhưng bị Hoạn Thư ghen hành hạ khiến nàng phải trốn tới chùa của sư bà Giác Duyên xin tu. Nhưng nợ trần chưa dứt, kiếp tu không trọn, lại bị Bạc Bà và Bạch Hạnh lừa bán vào lầu xanh Châu Thai. Tiếp theo câu chuyện thì chàng nên tìm Thúc Sinh để hỏi. Kim Trọng nghe thế liền viết thư mời Thúc Sinh đến gặp và Thúc Sinh kể tiếp sự tình. Ở Châu Thai nàng gặp Tướng giặc Từ Hải cưới làm vợ; nhưng sau khi báo ân trả oán xong thì họ Thúc không biết gì về Kiều nữa.

 

Sau 5 năm thi đậu, Kim Trọng được Vua bổ nhiệm làm quan tại tỉnh Nam Bình, còn Vương Quan được làm quan ở Châu Dương. Hai người rủ nhau sắm xe ngựa đi tỉnh Hàng Châu tìm Kiều, vì chiến tranh giặc dã ở Phúc Kiến và Chiết Giang đã chấm dứt. Từ Hàng Châu, Kim Trọng được biết thêm Từ Hải bị thua trận và chết; còn Kiều thì gieo mình xuống sông Tiền Đường tự tử. Tưởng Kiều đã chết, Kim Trọng bèn lập bàn thờ tế lễ bên sông Tiền Đường cho hồn nàng được thảnh thơi nơi miền cực lạc, giống như Tinh Vệ công chúa của Viêm Đế bị chết đuối, oan hồn biến thành chim trở về.

 

Kim Trọng Sang Thăm Nhà Kiều

 

Nỗi nàng tai nạn đã đầy,

2740. Nỗi chàng Kim Trọng bấy chầy mới thương.
Từ ngày muôn dặm phù tang,
Nửa năm ở đất Liêu dương lại nhà.
Vội sang vườn Thúy dò la,
Nhìn phong cảnh cũ nay đà khác xưa.
2745. Đầy vườn cỏ mọc lau thưa,
Song trăng quạnh quẽ vách mưa rã rời.
Trước sau nào thấy bóng người,
Hoa đào năm ngoái còn cười gió đông.
Xập xè én liệng lầu không,
Cỏ lan mặt đất rêu phong dấu giày.
Cuối tường gai góc mọc đầy,
Đi về này những lối này năm xưa.
Chung quanh lặng ngắt như tờ,
Nỗi niềm tâm sự bây giờ hỏi ai?
2755. Láng giềng có kẻ sang chơi,
Lân la sẽ hỏi một hai sự tình.
Hỏi ông ông mắc tụng đình,
Hỏi nàng nàng đã bán mình chuộc cha.
Hỏi nhà nhà đã dời xa,
2760. Hỏi chàng Vương với cùng là Thúy Vân.
Đều là sa sút khó khăn,
May thuê viết mướn kiếm ăn lần hồi.
Điều đâu sét đánh lưng trời,
Thoắt nghe chàng thoắt rụng rời xiết bao!
2765. Vội han di trú nơi cao,
Đánh đường chàng mới tìm vào tận nơi.
Nhà tranh vách đất tả tơi,
Lau treo rèm nát trúc cài phên thưa.
Một sân đất cỏ dầm mưa,
2770. Càng ngao ngán nỗi càng ngơ ngẩn đường!

 

Gia Đình Kiều Giải Khuyên Kim Trọng

 

Đánh liều lên tiếng ngoài tường,
Chàng Vương nghe tiếng vội vàng chạy ra.
Dắt tay vội rước vào nhà,
Mái sau viên ngoại ông bà ra ngay.
2775. Khóc than kể hết niềm tây:
Chàng ôi biết nỗi nước này cho chưa?
Kiều nhi phận mỏng như tờ,
Một lời đã lỗi tóc tơ với chàng!
Gặp cơn gia biến lạ dường,
Bán mình nó phải tìm đường cứu cha.
Dùng dằng khi bước chân ra,
Cực trăm nghìn nỗi dặn ba bốn lần.
Trót lời hẹn với lang quân,
Mượn con em nó Thúy Vân thay lời.
2785. Gọi là trả chút nghĩa người,
Sầu này dằng dặc muôn đời chưa quên!
Kiếp này duyên đã phụ duyên,
Dạ đài còn biết sẽ đền lai sinh.
Mấy lời ký chú đinh ninh,
2790. Ghi lòng để dạ cất mình ra đi.
Phận sao bạc bấy Kiều nhi!
Chàng Kim về đó con thì đi đâu?
Ông bà càng nói càng đau,
Chàng càng nghe nói càng dàu như dưa.
2795. Vật mình vẫy gió tuôn mưa,
Dầm dề giọt ngọc thẫn thờ hồn mai!
Đau đòi đoạn ngất đòi thôi,
Tỉnh ra lại khóc khóc rồi lại mê.
Thấy chàng đau nỗi biệt ly,
2800. Nhẫn ngừng ông mới vỗ về giải khuyên:
Bây giờ ván đã đóng thuyền,
Đã đành phận bạc khôn đền tình chung!
Quá thương chút nghĩa đèo bòng,
Nghìn vàng thân ấy dễ hòng bỏ sao?
2805. Dỗ dành khuyên giải trăm chiều,
Lửa phiền càng dập càng khêu mối phiền.

 

Kim Trọng Kết Duyên Với Thúy Vân

 

Thề xưa giở đến kim hoàn,
Của xưa lại giở đến đàn với hương.
Sinh càng trông thấy càng thương.
Gan càng tức tối ruột càng xót xa.
Rằng: Tôi trót quá chân ra,
Để cho đến nỗi trôi hoa dạt bèo.
Cùng nhau thề thốt đã nhiều,
Những điều vàng đá phải điều nói không!
2815. Chưa chăn gối cũng vợ chồng,
Lòng nào mà nỡ dứt lòng cho đang?
Bao nhiêu của mấy ngày đàng,
Còn tôi tôi một gặp nàng mới thôi!
Nỗi thương nói chẳng hết lời,
2820. Tạ từ sinh mới sụt sùi trở ra.
Vội về sửa chốn vườn hoa,
Rước mời viên ngoại ông bà cùng sang.
Thần hôn chăm chút lễ thường,
Dưỡng thân thay tấm lòng nàng ngày xưa.
2825. Đinh ninh mài lệ chép thơ,
Cắt người tìm tõi đưa tờ nhắn nhe.
Biết bao công mướn của thuê,
Lâm thanh mấy độ đi về dặm khơi.
Người một nơi hỏi một nơi,
Mênh mông nào biết bể trời nơi nao?
Sinh càng thảm thiết khát khao,
Như nung gan sắt như bào lòng son.
Ruột tằm ngày một héo don,
Tuyết sương ngày một hao mòn hình ve.
2835. Thẩn thờ lúc tỉnh lúc mê,
Máu theo nước mắt hồn lìa chiêm bao.
Xuân huyên lo sợ biết bao,
Quá ra khi đến thế nào mà hay!
Vội vàng sắm sửa chọn ngày,
Duyên Vân sớm đã se dây cho chàng.
Người yểu điệu kẻ văn chương,
Trai tài gái sắc xuân đương vừa thì,
Tuy rằng vui chữ vu quy,
Vui nào đã cất sầu kia được nào!
2845. Khi ăn ở lúc ra vào,
Càng âu duyên mới càng dào tình xưa.
Nỗi nàng nhớ đến bao giờ,
Tuôn châu đòi trận vò tơ trăm vòng.
Có khi vắng vẻ thư phòng,
Đốt lò hương giở phím đồng ngày xưa.
Bẻ bai rủ rỉ tiếng tơ,
Trầm bay nhạt khói gió đưa lay rèm.
Dường như bên nóc trước thềm,
Tiếng kiều đồng vọng bóng xiêm mơ màng,
2855. Bởi lòng tạc đá ghi vàng,
Tưởng nàng nên lại thấy nàng về đây.
Những là phiền muộn đêm ngày,
Xuân thu biết đã đổi thay mấy lần?
Chế khoa gặp hội trường văn.

 

Kim, Vương Thi Đỗ Quan Tìm Kiều

 

2860. Vương, Kim cùng chiếm bảng xuân một ngày.
Cửa trời rộng mở đường mây,
Hoa chào ngõ hạnh hương bay dặm phần.
Chàng Vương nhớ đến xa gần,
Sang nhà Chung lão tạ ân chu tuyền.
2865. Tình xưa ân trả nghĩa đền,
Gia thân lại mới kết duyên Châu Trần.
Kim từ nhẹ bước thanh vân,
Nỗi nàng càng nghĩ xa gần càng thương
Ấy ai dặn ngọc thề vàng,
Bây giờ kim mã ngọc đường với ai?
Ngọn bèo chân sóng lạc loài,
Nghĩ mình vinh hiển thương người lưu ly.
Vâng ra ngoại nhậm Lâm truy,
Quan san nghìn dặm thê nhi một đoàn.
Cầm đường ngày tháng thanh nhàn,
Sớm khuya tiếng hạc tiếng đàn tiêu dao
Phòng xuân trướng rủ hoa đào,
Nàng Vân nằm bỗng chiêm bao thấy nàng.
Tỉnh ra mới rỉ cùng chàng,
Nghe lời chàng cũng hai đường tin nghi
Họ Lâm thanh với Lâm truy,
Khác nhau một chữ hoặc khi có lầm.
Trong cơ thanh khí tương tầm,
Ở đây hoặc có giai âm chăng là?
2885. Thăng đường chàng mới hỏi tra,
Họ Đô có kẻ lại già thưa lên:
Sự này đã ngoại mười niên,
Tôi đà biết mặt biết tên rành rành.
Tú bà cùng Mã Giám sinh,
2890. Đi mua người ở Bắc kinh đưa về.
Thúy Kiều tài sắc ai bì,
Có nghề đàn lại đủ nghề văn thơ.
Kiên trinh chẳng phải gan vừa,
Liều mình thế ấy phải lừa thế kia.
2895. Phong trần chịu đã ê chề,
Tơ duyên sau lại xe về Thúc lang.
Phải tay vợ cả phũ phàng,
Bắt về Vô tích toan đường bẻ hoa.
Rứt mình nàng phải trốn ra,
Chẳng may lại gặp một nhà Bạc kia.
Thoắt buôn về thoắt bán đi,
Mây trôi bèo nổi thiếu gì là nơi!
Bỗng đâu lại gặp một người,
Hơn đời trí dũng nghiêng trời uy linh.
2905. Trong tay mười vạn tinh binh,
Kéo về đóng chật một thành Lâm truy.
Tóc tơ các tích mọi khi,
Oán thì trả oán ân thì trả ân.
Đã nên có nghĩa có nhân,
Trước sau trọn vẹn xa gần ngợi khen.
Chưa từng được họ được tên,
Sự này hỏi Thúc sinh viên mới tường.
Nghe lời đô nói rõ ràng,
Tức thì đưa thiếp mời chàng Thúc sinh.
2915. Nỗi nàng hỏi hết phân minh,
Chồng con đâu tá tính danh là gì?
Thúc rằng: Gặp buổi loạn ly,
Trong quân tôi hỏi thiếu gì tóc tơ.
Đại vương tên Hải họ Từ,
2920. Đánh quen trăm trận sức dư muôn người.
Gặp nàng khi ở châu Thai,
Lạ gì quốc sắc thiên tài phải duyên.
Vẫy vùng trong bấy nhiêu niên,
Làm nên động địa kinh thiên đùng đùng.
2925. Đại quân đồn đóng cõi đông,
Về sau chẳng biết vân mồng làm sao.
Nghe tường ngành ngọn tiêu hao,
Lòng riêng chàng luống lao đao thẫn thờ.
Xót thay chiếc lá bơ vơ,
Kiếp trần biết giũ bao giờ cho xong?

 

Lập Đàn Giải Oan Kiều Bên Sông Tiền Đường

 

Hoa trôi nước chảy xuôi dòng,
Xót thân chìm nỗi đau lòng hợp tan!
Lời xưa đã lỗi muôn vàn,
Mảnh hương còn đó phím đàn còn đây,
2935. Đàn cầm khéo ngẩn ngơ dây,
Lửa hương biết có kiếp này nữa thôi?
Bình bồng còn chút xa xôi,
Đỉnh chung sao nỡ ăn ngồi cho an!
Rắp mong treo ấn từ quan,
Mấy sông cũng lội mấy ngàn cũng pha.
Dấn mình trong án can qua,
Vào sinh ra tử họa là thấy nhau.
Nghĩ điều trời thẳm vực sâu,
Bóng chim tăm cá biết đâu mà nhìn!
2945. Những là nấn ná đợi tin,
Nắng mưa biết đã mấy phen đổi dờỉ
Năm mây bỗng thấy chiếu trời,
Khâm ban sắc chỉ đến nơi rành rành.
Kim thì cải nhậm Nam bình,
2950. Chàng Vương cũng cải nhậm thành Châu dương.
Sắm xanh xe ngựa vội vàng,
Hai nhà cùng thuận một đường phó quan.
Xảy nghe thế giặc đã tan,
Sóng êm Phúc kiến lửa tàn Chiết giang.
2955. Được tin Kim mới rủ Vương,
Tiện đường cùng lại tìm nàng sau xưa.
Hàng Châu đến đó bây giờ,
Thật tin hỏi được tóc tơ rành rành.
Rằng: Ngày hôm nọ giao binh,
2960. Thất cơ Từ đã thu linh trận tiền.
Nàng Kiều công cả chẳng đền,
Lệnh quan lại bắt ép duyên thổ tù.
Nàng đà gieo ngọc trầm châu,
Sông Tiền đường đó ấy mồ hồng nhan!
2965. Thương ôi! Không hợp mà tan,
Một nhà vinh hiển riêng oan một nàng!
Chiêu hồn thiết vị lễ thường,
Giải oan lập một đàn tràng bên sông.
Ngọn triều non bạc trùng trùng,
Vời trông còn tưởng cánh hồng lúc gieo
Tình thâm bể thảm lạ điều,
Nào hồn tinh vệ biết theo chốn nào?

 

2- Chú từ và điển tích

 

-Câu 2748: Hoa đào năm ngoái…
Thôi Hộ, một danh sĩ đời nhà Đường (618-907), nhân dự hội Đạp Thanh đến Đào Hoa Trang, gõ cửa một nhà xin được giải khát. Một thiếu nữ đứng thập thò bên cửa đưa nước cho chàng. Nàng đẹp, duyên dáng, e lệ. Chàng đưa tay tiếp lấy bát nước. Đôi tay trai gái chạm nhau. Nàng ngượng ngùng, cúi mặt xuống. Đôi má hây hây đỏ như đóa hoa đào. Chàng rụt rè, ngượng nghịu. Đoạn chàng từ giã đi, nhưng rồi đèn sách và mộng công hầu không xóa mờ hình bóng của giai nhân. Đào Hoa Trang vẫn gợi lên một hình ảnh đầm ấm trong trí não, khiến lòng chàng nho sinh chan chứa biết bao tình cảm mặn nồng...
Rồi năm sau, ngày hội du xuân đến. Thôi Hộ tìm đến Đào Hoa Trang. Cảnh cũ còn đó, nhưng người xưa vắng bóng. Cửa đóng then cài. Chỉ có ngàn hoa đào rực rỡ phe phẩy theo gió xuân như mỉm cười, chào đón khách du xuân. Ngẩn ngơ, thờ thẫn trước cảnh cũ quạnh hiu, Thôi Hộ ngậm ngùi:

 

- Hay là nàng đã về nhà chồng!Từng bước một, chàng quay bước trở ra. Lòng cảm xúc vô hạn, rồi muốn ghi lại mấy dòng tâm tư của mình, chàng thảo mấy câu thơ trên cửa cổng:
Năm ngoái ngày này vẫn cửa trong,    
Hoa đào mặt ngọc đối vầng hồng.
Mặt hoa nay biết đi đâu vắng?
Chỉ thấy hoa đào cợt gió đông.

 

Nguyên văn:

Khứ niên kim nhựt thử môn trung,    
Nhơn điện đào hoa tương ánh hồng.
Nhơn điện bất tri hà xứ khứ?
Đào hoa y cựu tiếu đông phong. Chiều đến, nàng thiếu nữ họ Đào cùng thân phụ đi viếng người thân trở về. Nàng theo sau cha, chợt nhìn lên cổng thấy bốn câu thơ, nét chữ tinh xảo, ý thơ dồi dào, nàng hiểu rõ tâm tình của khách du xuân năm ngoái. Nàng buồn bã thở dài, hối tiếc duyên vừa gặp gỡ lại khéo bẽ bàng. Rồi ngày này sang ngày khác, nàng thiếu nữ họ Đào vẫn tựa mình bên cửa cổng, mong đợi và hy vọng người khách hào hoa phong nhã xin nước năm xưa. Nhưng ngày lại ngày qua, mấy lần bóng chiều xuống, bóng người xưa chẳng thấy mà chỉ thấy vài cánh chim chiều bạt gió, lẻ loi từ ngàn phương kêu bạn đổ về bằng một giọng não nùng... Nàng âm thầm gạt lệ. Nhưng lệ vẫn trào lên khóe mắt, đẫm lên đôi má. Rồi đông qua xuân đến, hè lại thu sang, lá rơi rụng bay lả tả phủ đầy thềm. Trời thu hiu hắt. Cảnh sắc thu thêm giục khách sầu đau. Rồi mỗi khi xuân về, ánh thiều quang ấm áp, ủ ấp trên ngàn cây nội cỏ càng gợi lại nỗi nhớ nhung hình ảnh của ai làm dằng dặc cõi tâm tư.

 

Nàng cảm thấy đời hoàn toàn tuyệt vọng. Rồi từ ấy nàng bỏ ăn bỏ ngủ, thân hình tiều tụy, dung nhan võ vàng. Thân phụ ngày đêm lo lắng, tìm thầy thuốc. Nhưng nào biết đâu: “Nhược hữu lương y viên tuyệt mạng, tùng lai vô dược liệu tương tư” (Có thầy giỏi cứu được sự sống cho người, chớ không có thuốc chữa bệnh tương tư). Biết không sống được, nàng đành thuật lại tâm sự của mình cho cha già nghe và xin tha tội bất hiếu. Người cha xúc động đau khổ cho số phần đen bạc của đứa con gái duy nhất của mình. Nhìn thấy đứa con nằm thiêm thiếp trên giường như chờ đợi tử thần, ông lão thương con nóng lòng, liều chạy tìm người đã đề thơ trên cổng.
Nhưng hạc nội mây ngàn tìm đâu cho thấy. Người cha đau khổ ấy bối rối, cứ chạy ra chạy vào, lòng mang một mong mỏi yếu đuối. Trong giờ phút cuối cùng may được gặp chàng trẻ tuổi xa lạ đã gây sóng gió bão tố trong gia đình ông mà giờ phút này, ông cho là vị cứu tinh của gia đình, nên ông lại chạy kiếm nữa... Vừa ra khỏi cổng, bỗng chạm phải một người. Ông ngửng mặt nhìn. Đó là một thư sinh tuấn tú. Thấy ông, mặt mày giàn giụa nước mắt, cử chỉ hốt hoảng, chàng thư sinh thăm hỏi. Ông vừa bươn bả đi vừa kể lể. Nhưng kể chưa dứt câu chuyện, chàng thư sinh bỗng ôm mặt khóc. Ông lão lấy làm ngạc nhiên, chưa kịp hỏi thì chàng thư sinh nói:

 

- Tôi là Thôi Hộ, người đã đề bài thơ trên cổng...Chàng chưa dứt lời, ông đã mừng rú lên rồi lôi sền sệt chàng vào nhà, đưa thẳng đến phòng. Nhưng nàng thiếu nữ cũng vừa trút hơi thở cuối cùng. Nhìn nàng thiếu nữ nặng tình yêu đã vì chàng mà vóc liễu tiều tụy, dung nhan võ vàng, chết một cách thảm thiết, chàng cảm động quá, quỳ bên giường, cầm lấy tay nàng. Chàng úp mặt vào mặt nàng, khóc nức nở! Lạ thay, nước mắt của chàng nhỏ xuống mặt nàng thiếu nữ họ Đào, thì nàng bỗng từ từ mở mắt ra đăm đăm nhìn chàng, trên môi điểm một nụ cười tươi thắm. Nàng đã sống lại. Ông già họ Đào mừng rỡ. Chàng thư sinh họ Thôi hớn hở vui tươi. Câu 2853: “Dường như bên nóc trước thềm” hay là “Dường như góc chái bên thềm?”

 

Để hiểu rõ câu này, theo chúng tôi, chúng ta nên biết dân Việt ở miền Bắc trước đây thường làm nhà có sáu hay tám cột ngang, mỗi khoảng giữa hai cột gọi là một gian nhà. Nếu sáu cột thì có hai gian chính và tám cột thì có ba gian chính. Nếu có hai thì người ta thường dùng một gian làm phòng khách và một gian làm phòng ngủ. Nếu ba gian thì gian giữa làm phòng khách và hai gian hai bên là phòng ngủ. Nhà có hai hay ba gian thường vẫn có thêm hai gian nhỏ ở hai đầu nhà gọi là gian chái. Hai gian chái thì một gian làm phòng chứa đồ đạc, tủ quần áo, đồ quý và một gian làm bếp. Có gia đình làm bếp riêng ở ngoài nhà. Hai gian chái thường nhỏ và tối tăm vì không có cửa sổ; nên trẻ con, dù ban ngày, hay sợ ma không dám vào,.

 

Chính người viết bài này cũng đã trải qua thời thơ ấu “sợ ma” khi bố mẹ sai vào gian chái lấy một đồ vật gì đó. Theo Cụ Đàm Duy Toại, một nhà nho lão thành, thì hai chữ “góc chái Thúy mới đúng vì bản chữ Nôm viết là góc bên ốc, gần âm gốc; nghĩa chữ Hán là mái núi chìa ra. Vì người phiên dịch trước đây không biết nghĩa chữ chái, lại tưởng lầm chữ góc là nóc (vì chữ ốc là mái nhà) thành ra không luận ra hai chữ góc chái đọc là gì và nghĩa là gì; nên mới đổi bừa và dịch câu này là:
“Dường như bên nóc bên thềm,”Muốn hiểu rõ hơn, chúng ta phải hiểu là hai câu thơ này Nguyễn Du đã lấy từ truyện Tiểu Tạ trong Liêu Trai: “Hốt văn ô, ô quỷ khốc ư ám tư” (có nghĩa: Bỗng nghe tiếng ma khóc nỉ non ở góc tối).Truyện tóm tắt như sau:

 

Hai cô gái ma là Thu Dung và Tiểu Tạ cùng yêu Đào Sinh. Sau Thu Dung được nhập vào xác Hác-Nữ hồi lại thành người lấy được Đào Sinh. Tối đến, vợ chồng vào buồng làm lễ hợp cẩn, bỗng nghe tiếng Tiểu Tạ khóc rên rỉ ở xó buồng tối. Vợ chồng thương quá, mang đèn đến đó, thấy nàng áo xiêm đầy nước mắt, dỗ suốt đêm không nín, trong bẩy đêm liền không sao làm được lễ hợp cẩn. Sau nhờ nhà Đạo-sĩ sai âm binh đi lấy trộm xác chết Sái-nữ về cho Tiểu Tạ nhập vào hóa ra người. Thế là Đào Sinh được hai vợ rất đẹp. Biết truyện này mới hiểu hai câu Kiều này hay, thật hợp tình hợp cảnh. Như vậy, bên nóc thật là vô nghĩa.-Câu 2972: «Hồn Tinh Vệ»

 

1. “Tinh Vệ” là loài chim sống ở bờ biển, trông na ná như quạ. Tục truyền con gái vua Viêm Đế là Nữ Oa chết đuối hóa thành chim, nên chim thường ngậm đá ở núi Tây những mong lấp cạn biển Đông để báo thù. (Đừng lầm với Bà Nữ Oa đội đá vá trời). Tinh Vệ dùng theo nghĩa bóng là “việc gì khiến ta xả thân làm hết sức mình, bất luận thành bại”.

 

2- “Ngô đô phú” (Phú làm tại kinh đô nhà Ngô) trong Tả Tư có câu: “Tinh Vệ hàm thạch nhi ngộ kiểu” (Tinh Vệ ngậm đá gặp lại chủ cũ). Uông Tinh Vệ (1885-1944), chính trị gia người Quảng Đông, sau khi Tôn Văn mất, lãnh đạo cánh tả của Quốc Dân Đảng, một thời đối lập với Tưởng Giới Thạch. Năm 1937, khi chiến tranh Trung-Nhật khuếch đại, ông khởi xướng phong trào hòa bình với Nhật Bản, lập chính phủ Nam Kinh. Uông cũng lấy “Tinh Vệ” làm tên chữ, tên thật của ông ta là Uông Triệu Minh.