Dân Chúa Âu Châu

BY: HOÀNG THẠCH

 

1- Đại ý đoạn thơ kế tiếp

 

Sư bà Giác Duyên sau khi cứu Kiều đưa về chùa, đi ngang qua sông Tiền Đường bỗng thấy có người làm bàn thờ bên sông cầu siêu cho Thúy Kiều thì ngỡ ngàng hỏi "Người còn sao bỗng làm ma khóc người?" Khi biết Kim Trọng là chồng chưa cưới của Kiều, cha mẹ, em trai và em gái của Kiều, sư bà mới kể lại mọi chuyện đã xẩy ra đối với nàng. Sau đó Kim Trọng và mọi người cám ơn sư bà rồi theo về chùa để gặp Thúy Kiều. Sau 15 năm cách biệt, nay Kiều không ngờ được gặp lại gia đình. Để tỏ lòng biết ơn trời đất, gia đình quì lậy cảm tạ trước bàn thờ Phật. Sau đó Vương Ông gọi xe hoa đưa nàng về nhà. Nhưng nàng thưa rằng thân phận con như cánh hoa rơi: "Sự đời đã tắt lửa lòng, Còn chen vào chốn bụi hồng làm chi" và đã nhận cửa Phật làm nơi an thân quãng đời còn lại, nên nàng không muốn trở về nữa.

 

Vương Ông nghe vậy khuyên can rằng, nếu con quyết định đi tu thì tình yêu, ân nghĩa và tình phụ tử ai sẽ thay con đáp đền? Ông cũng hứa là nếu nàng muốn tu thì cha mẹ sẽ lập cái am gần nhà, rồi mời thày về trông coi. Thấy vậy Kiều đồng ý theo gia đình. Khi về tới nhà, Vương Ông mở tiệc mừng. Nhân cơ hội này Thúy Vân đứng ra phân trần: xưa kia vì chữ Hiếu chị đành bán mình chuộc cha, rồi gán tình yêu Kim Trọng cho em. Nay mọi chuyện đã qua rồi chị nên nối lại tình xưa.
Kiều nghe vậy thì cảm thấy xấu hổ vô cùng, vì cuộc đời 15 năm qua của nàng đã hai lần làm vợ người ta, hai lần bị bán vào lầu xanh, nên còn trinh tiết gì nữa mà nối lại tình xưa với Kim Trọng "Chữ trinh đáng giá nghìn vàng, Thiếp từ ngộ biến đến giờ. Ong qua bướm lại đã thừa xấu xa. Nói chi kết tóc xe tơ, Đã buồn cả ruột mà dơ cả đời!"

 

Kiều còn khuyên Kim Trọng nếu còn yêu nàng thì đừng: "Vớt hương dưới đất bẻ hoa cuối mùa. Còn nhiều ân ái chan chan, Hay gì vầy cánh hoa tàn mà chơi?
Thấy Kiều có vẻ mặc cảm, Kim Trọng bèn phân trần: "Xưa nay trong đạo đàn bà, Chữ trinh kia cũng có ba bảy đường, Như nàng lấy hiếu làm trinh, Bụi nào cho đục được mình ấy vay? Hoa tàn mà lại thêm tươi, Trăng tàn mà lại hơn mười rằm xưa. Tuy vậy, Kiều chỉ chấp nhận tình bạn thay vì tình vợ chồng "Chàng dù nghĩ đến tình xa, Đem tình cầm sắt đổi ra cầm cờ. Nói chi kết tóc xe tơ, Đã buồn cả ruột mà dơ cả đời!"

 

Trong đêm động phòng Kim Trọng và Kiều không giao hoan theo thói đời dục tính. Nàng gẩy đàn theo yêu cầu của Kim Trọng. Hai người vui vẻ cùng nhau ngâm thơ, uống rượu và đánh cờ suốt đêm. Hành động đó chứng tỏ một tình bạn cao đẹp, vượt trên các cuộc tình bình thường. "Cho hay thục nữ chí cao, Phải người tối mận sớm đào như ai? Hai tình vẹn vẽ hòa hai, Chẳng trong chăn gối cũng ngoài cầm thơ. Khi chén rượu khi cuộc cờ, Khi xem hoa nở khi chờ trăng lên. Ba sinh đã phỉ mười nguyền, Duyên đôi lứa cũng là duyên bạn bầy."

 

Kiều quyết chí tu hành nên sai người đi mời sư bà Giác Duyên tới trông coi am do nhà nàng xây dựng. Nhưng sư bà đã đi hái thuốc phương xa, nên Kiều ngày ngày tự mình lo việc nhang đèn.Từ đó gia đình được hạnh phúc vinh hoa phú quí và danh tiếng ngàn đời.

 

Giác Duyên đưa Gia Đình đến chùa gặp Kiều

 

Cơ duyên đâu bỗng lạ sao,
Giác Duyên đâu bỗng tìm vào đến nơi.
2975. Trông lên linh vị chữ bài,
Thất kinh mới hỏi: Những người đâu ta?
Với nàng thân thích gần xa,
Người còn sao bỗng làm ma khóc người?
Nghe tin ngơ ngác rụng rời,
2980. Xúm quanh kể lể rộn lời hỏi tra:
Này chồng này mẹ này cha,
Này là em ruột này là em dâu.
Thật tin nghe đã bấy lâu,
Pháp sư dạy thế sự đâu lạ thường!
2985. Sư rằng: Nhân quả với nàng,
Lâm truy buổi trước Tiền đường buổi sau.
Khi nàng gieo ngọc trầm châu,
Đón nhau tôi đã gặp nhau rước về,
Cùng nhau nương cửa bồ đề,
2990. Thảo am đó cũng gần kề chẳng xa.
Phật tiền ngày bạc lân la,
Đăm đăm nàng cũng nhớ nhà khôn khuây.
Nghe tin nở mặt nở mày,
Mừng nào lại quá mừng này nữa chăng?
2995. Từ phen chiếc lá lìa rừng,
Thăm tìm luống những liệu chừng nước mây.
Rõ ràng hoa rụng hương bay,
Kiếp sau họa thấy kiếp này hẳn thôi.
Minh dương đôi ngả chắc rồi,
3000. Cõi trần mà lại thấy người cửu nguyên!
Cùng nhau lạy tạ Giác Duyên,
Bộ hành một lũ theo liền một khi.
Bẻ lau vạch cỏ tìm đi,
Tình thâm luống hãy hồ nghi nửa phần.
3005. Quanh co theo dải giang tân,
Khỏi rừng lau đã tới sân Phật đường.
Giác Duyên lên tiếng gọi nàng,
Buồng trong vội dạo sen vàng bước ra.
Trông xem đủ mặt một nhà:
3010. Xuân già còn khỏe huyên già còn tươi.
Hai em phương trưởng hòa hai,
Nọ chàng Kim đó là người ngày xưa!
Tưởng bây giờ là bao giờ,
Rõ ràng mở mắt còn ngờ chiêm bao!
3015. Giọt châu thánh thót quẹn bào,
Mừng mừng tủi tủi xiết bao là tình!
Huyên già dưới gối gieo mình,
Khóc than mình kể sự tình đầu đuôi:
Từ con lưu lạc quê người,
3020. Bèo trôi sóng vỗ chốc mười lăm năm!
Tính rằng sông nước cát lầm,
Kiếp này ai lại còn cầm gặp đây!
Ông bà trông mặt cầm tay,
Dung quang chẳng khác chi ngày bước ra.
3025. Bấy chầy dãi nguyệt dầu hoa,
Mười phần xuân có gầy ba bốn phần.
Nỗi mừng biết lấy chi cân?
Lời tan hợp chuyện xa gần thiếu đâu!
Hai em hỏi trước han sau,
3030. Đứng trông chàng cũng trở sầu làm tươi.
Quây nhau lạy trước Phật đài,
Tái sinh trần tạ lòng người từ bi.
Kiệu hoa giục giã tức thì,
Vương ông dạy rước cùng về một nơi.
3035. Nàng rằng: Chút phận hoa rơi,
Nửa đời nếm trải mọi mùi đắng cay.
Tính rằng mặt nước chân mây,
Lòng nào còn tưởng có rày nữa không?
Được rày tái thế tương phùng.
3040. Khát khao đã thỏa tấm lòng lâu nay!
Đã đem mình bỏ am mây,
Tuổi này gởi với cỏ cây cũng vừạ
Mùi thiền đã bén muối dưa,
Màu thiền ăn mặc đã ưa nâu sồng.
3045. Sự đời đã tắt lửa lòng,
Còn chen vào chốn bụi hồng làm chi!
Dở dang nào có hay gì,
Đã tu tu trót quá thì thì thôi!
Trùng sinh ân nặng bể trời,
3050. Lòng nào nỡ dứt nghĩa người ra đi?
Ông rằng: Bỉ thử nhất thì,
Tu hành thì cũng phải khi tòng quyền.
Phải điều cầu Phật cầu Tiên,
Tình kia hiếu nọ ai đền cho đây?
3055. Độ sinh nhờ đức cao dày,
Lập am rồi sẽ rước thầy ở chung.
Nghe lời nàng cũng chiều lòng,
Giã sư giã cảnh đều cùng bước ra.

 

Thúy Vân muốn Kiều tái hợp Kim Trọng

 

Một nhà về đến quan nha,
3060. Đoàn viên vội mở tiệc hoa vui vầy.
Tàng tàng chén cúc dở say,
Đứng lên Vân mới giãi bày một hai.
Rằng: Trong tác hợp cơ trời.
Hai bên gặp gỡ một lời kết giao.
3065. Gặp cơn bình địa ba đào,
Vậy đem duyên chị buộc vào cho em.
Cũng là phận cải duyên kim,
Cũng là máu chảy ruột mềm chớ sao?
Những là rày ước mai ao,
3070. Mười lăm năm ấy biết bao nhiêu tình!
Bây giờ gương vỡ lại lành,
Khuôn thiêng lừa lọc đã dành có nơi.
Còn duyên may lại còn người,
Còn vầng trăng bạc còn lời nguyền xưa.
3075. Quả mai ba bảy đương vừa,
Đào non sớm liệu xe tơ kịp thì.
Dứt lời nàng vội gạt đi:
Sự muôn năm cũ kể chi bây giờ?
Một lời tuy có ước xưa,
3080. Xét mình dãi gió dầu mưa đã nhiều.
Nói càng hổ thẹn trăm chiều,
Thà cho ngọn nước thủy triều chảy xuôi!
Chàng rằng: Nói cũng lạ đời,
Dẫu lòng kia vậy còn lời ấy sao?
3085. Một lời đã trót thâm giao,
Dưới dày có đất trên cao có trời!
Dẫu rằng vật đổi sao dời,
Tử sinh phải giữ lấy lời tử sinh!
Duyên kia có phụ chi tình,
3090. Mà toan sẻ gánh chung tình làm hai?
Nàng rằng: Gia thất duyên hài,
Chút lòng ân ái ai ai cũng lòng.
Nghĩ rằng trong đạo vợ chồng,
Hoa thơm phong nhị trăng vòng tròn gương.
3095. Chữ trinh đáng giá nghìn vàng,
Đuốc hoa chẳng thẹn với chàng mai xưa.
Thiếp từ ngộ biến đến giờ.
Ong qua bướm lại đã thừa xấu xa.
Bấy chầy gió táp mưa sa.
3100. Mấy trăng cũng khuyết mấy hoa cũng tàn.
Còn chi là cái hồng nhan,
Đã xong thân thế còn toan nỗi nào?
Nghĩ mình chẳng hổ mình sao,
Dám đem trần cấu dự vào bố kinh!
3105. Đã hay chàng nặng vì tình,
Trông hoa đèn chẳng thẹn mình lắm ru!
Từ rày khép cửa phòng thu,
Chẳng tu thì cũng như tu mới là!
Chàng dù nghĩ đến tình xa,
3110. Đem tình cầm sắt đổi ra cầm cờ.
Nói chi kết tóc xe tơ,
Đã buồn cả ruột mà dơ cả đời!
Chàng rằng: Khéo nói nên lời,
Mà trong lẽ phải có người có ta!
3115. Xưa nay trong đạo đàn bà,
Chữ trinh kia cũng có ba bảy đường,
Có khi biến có khi thường,
Có quyền nào phải một đường chấp kinh.
Như nàng lấy hiếu làm trinh,
3120. Bụi nào cho đục được mình ấy vay?
Trời còn để có hôm nay,
Tan sương đầu ngõ vén mây giữa trời.
Hoa tàn mà lại thêm tươi,
Trăng tàn mà lại hơn mười rằm xưa.
3125. Có điều chi nữa mà ngờ,
Khách qua đường để hững hờ chàng Tiêu!
Nghe chàng nói đã hết điều,
Hai thân thì cũng quyết theo một bài.
Hết lời khôn lẽ chối lời,
3130. Cúi đầu nàng những vắn dài thở than.
Nhà vừa mở tiệc đoàn viên,
Hoa soi ngọn đuốc hồng chen bức là.
Cùng nhau giao bái một nhà,
Lễ đà đủ lễ đôi đà xứng đôi.
3135. Động phòng dìu dặt chén mồi,
Bâng khuâng duyên mới ngậm ngùi tình xưa.
Những từ sen ngó đào tơ,
Mười lăm năm mới bây giờ là đây!
Tình duyên ấy hợp tan này,
3140. Bi hoan mấy nỗi đêm chầy trăng cao.
Canh khuya bức gấm rủ thao,
Dưới đèn tỏ rạng má đào thêm xuân.
Tình nhân lại gặp tình nhân,
Hoa xưa ong cũ mấy phân chung tình.
3145. Nàng rằng: Phận thiếp đã đành,
Có làm chi nữa cái mình bỏ đi!
Nghĩ chàng nghĩa cũ tình ghi,
Chiều lòng gọi có xướng tùy mảy may.
Riêng lòng đã thẹn lắm thay,
3150. Cũng đà mặt dạn mày dày khó coi!
Những như âu yếm vành ngoài,
Còn toan mở mặt với người cho qua.
Lại như những thói người ta,
Vớt hương dưới đất bẻ hoa cuối mùa.
3155. Khéo là giở nhuốc bày trò,
Còn tình đâu nữa là thù đấy thôi!
Người yêu ta xấu với người,
Yêu nhau thì lại bằng mười phụ nhau!
Cửa nhà dù tính về sau,
3160. Thì còn em đó lọ cầu chị đây.
Chữ trinh còn một chút này,
Chẳng cầm cho vững lại giày cho tan!
Còn nhiều ân ái chan chan,
Hay gì vầy cánh hoa tàn mà chơi?
3165. Chàng rằng: Gắn bó một lời,
Bỗng không cá nước chim trời lỡ nhau.
Xót người lưu lạc bấy lâu,
Tưởng thề thốt nặng nên đau đớn nhiều!
Thương nhau sinh tử đã liều,
3170. Gặp nhau còn chút bấy nhiêu là tình
Chừng xuân tơ liễu còn xanh,
Nghĩ rằng chưa thoát khỏi vành ái ân.
Gương trong chẳng chút bụi trần,
Một lời quyết hẳn muôn phần kính thêm!
3175. Bấy lâu đáy bể mò kim,
Là nhiều vàng đá phải tìm trăng hoa?
Ai ngờ lại họp một nhà,
Lọ là chăn gối mới ra sắt cầm!
Nghe lời sửa áo cài trâm,
3180. Khấu đầu lạy tạ cao thâm nghìn trùng:
Thân tàn gạn đục khơi trong,
Là nhờ quân tử khác lòng người ta.
Mấy lời tâm phúc ruột rà,
Tương tri dường ấy mới là tương tri!
3185. Chở che đùm bọc thiếu chi,
Trăm năm danh tiết cũng vì đêm nay!
Thoắt thôi tay lại cầm tay,
Càng yêu vì nết càng say vì tình.
Thêm nến giá nối hương bình,
3190. Cùng nhau lại chuốc chén quỳnh giao hoan.

 

Thúy Kiều chỉ muốn là bạn của Kim Trọng
Tình xưa lai láng khôn hàn,
Thong dong lại hỏi ngón đàn ngày xưa.
Nàng rằng: Vì mấy đường tơ,
Lầm người cho đến bây giờ mới thôi!
3195. Ăn năn thì sự đã rồi!
Nể lòng người cũ vâng lời một phen.
Phím đàn dìu dặt tay tiên,
Khói trầm cao thấp tiếng huyền gần xa.
Khúc đâu đầm ấm dương hòa,
3200. ấy là hồ điệp hay là Trang sinh.
Khúc đâu êm ái xuân tình,
Ấy hồn Thục đế hay mình Đỗ Quyên?
Trong sao châu nhỏ duềnh quyên,
Ấm sao hạt ngọc Lam Điền mới đông!
3205. Lọt tai nghe suốt năm cung,
Tiếng nào là chẳng não nùng xôn xao.
Chàng rằng: Phổ ấy tay nào,
Xưa sao sầu thảm nay sao vui vầy?
Tẻ vui bởi tại lòng này,
3210. Hay là khổ tận đến ngày cam lai?
Nàng rằng: Ví chút nghề chơi,
Đoạn trường tiếng ấy hại người bấy lâu!
Một phen tri kỷ cùng nhau,
Cuốn dây từ đấy về sau cũng chừa.
3215. Chuyện trò chưa cạn tóc tơ,
Gà đà gáy sáng trời vừa rạng đông.
Tình riêng chàng lại nói sòng,
Một nhà ai cũng lạ lùng khen lao.
Cho hay thục nữ chí cao,
3220. Phải người tối mận sớm đào như ai?
Hai tình vẹn vẽ hòa hai,
Chẳng trong chăn gối cũng ngoài cầm thơ.
Khi chén rượu khi cuộc cờ,
Khi xem hoa nở khi chờ trăng lên.
3225. Ba sinh đã phỉ mười nguyền,
Duyên đôi lứa cũng là duyên bạn bầy.
Nhớ lời lập một am mây,
Khiến người thân thích rước thầy Giác Duyên.
Đến nơi đóng cửa cài then,
3230. Rêu trùm kẻ ngạch cỏ len mái nhà,
Sư đà hái thuốc phương xa,
Mây bay hạc lánh biết là tìm đâu?
Nặng vì chút nghĩa bấy lâu,
Trên am cứ giữ hương dầu hôm mai.
3235. Một nhà phúc lộc gồm hai,
Nghàn năm dằng dặc quan giai lần lần.
Thừa gia chẳng hết nàng Vân,
Một cây cù mộc một sân quế hòe.
Phong lưu phú quý ai bì,
3240. Vườn xuân một cửa để bia muôn đời.

 

2- Chú từ và điển tích

 

-Câu 3071: Gương Vỡ Lại Lành
Thời Nam Bắc triều, Trần Hậu Chủ là một hôn quân, ham mê tửu sắc, không màng chi việc triều chính. Trong lúc đó, nước Tùy ở phương Bắc đang trổi dậy, thanh thế lớn nhanh; Từ Văn Đế Dương Kiên ngấp nghé mưu toan diệt Trần.
Em gái Trần Hậu Chủ là quận chúa Lạc Xương, một giai nhân tuyệt sắc, có chồng là nho sĩ Từ Đức Ngôn. Tuy sống trong phú quí hoàng cung, nhưng vợ chồng Từ Đức Ngôn cứ phập phồng lo sợ, một ngày nào đó ngoại xâm sẽ giày xéo giang sơn nhà Trần. Ngày đó không xa, quân Tùy đã tràn vào như thác lũ. Đức Ngôn vội vàng thu quén ít tiền bạc, định đưa cả gia đình bỏ trốn khỏi kinh thành. Nhưng Lạc Xương đã ngăn lại:

 

- Chàng là bậc nam nhi, gặp lúc loạn ly, phải xả thân cứu quốc. Thiếp sẽ luôn ở bên chàng, thà chết vinh hơn là sống nhục.
- Đúng, ta phải ở lại góp sức diệt giặc. Nhưng nàng, một nhan sắc không khỏi bị nhục khi giặc tràn vào. Vây nàng hãy vâng lời ta, một mình trốn đi. Lạc Xương thuận theo lời chồng, rồi cầm lấy chiếc gương hàng ngày mình vẫn soi bóng, đập vỡ làm đôi:

 

- Chàng hãy cầm lấy nửa mảnh gương này, thiếp giữ một nửa. Nước sẽ mất, nhà sẽ tan, nhưng tình đôi ta không có gì có thể chia cắt được. Chúng mình phải sống cho nhau; hẹn chàng, đến ngày thượng nguyên, không được năm nay, thì qua năm khác, qua năm nữa..., vợ chồng mình đem mảnh gương này ra chợ Tràng An bán. Nếu trời thương cho vợ chồng mình còn gặp nhau, thì hai mảnh gương sẽ được ghép khít vào, gương vỡ lại lành, đôi ta sum vầy. Vợ chồng bùi ngùi chia tay.
Chưa đầy một tháng, kinh thành nước Trần thất thủ, vua tôi lưu lạc tán loạn. Tướng Tùy là Việt Công xua quân, tha hồ càn quét. Lạc Xương, từ ngày chia tay chồng đã chạy thoát gần đến biên giới an toàn, nhưng vì lo âu cho chồng, nên lại quay trở về kinh thanh dò la tin tức, không may lọt vào vòng vây của giặc. Một nhan sắc giữa rừng gươm, hỏi ra lại là dòng dõi trâm anh thế phiệt, thì làm sao Việt Công lại không rúng động. Tên tướng Tùy liền giành lấy cánh hoa này, đem về ép làm hầu thiếp. Lạc Xương kháng cự mãnh liệt, hoặc là giữ được tiết hạnh hoặc chọn lấy cái chết. Cũng may, Việt Công không phải là tên võ biền háo sắc, hạ tiện nên đã không cố ép liễu nài hoa. Nghĩ rằng rồi thời gian, giai nhân sẽ xiêu lòng nên cho nàng cấm cung, có đàn cung nữ hầu hạ, canh giữ ngày đêm.
Rồi xuân đến, nơi hẹn hò Tết nguyên tiêu hãy tìm đến nhau, nhưng giờ này đôi uyên ương lưu lạc nơi nào. Phần nàng, bị vây trùng trong cung cấm, làm sao đem mảnh gương tìm ra chợ đây?

 

Phần Từ Đức Ngôn, từ khi kinh thanh thất thủ, bôn ba chạy đi khắp nơi; kịp lúc xuân về, chàng hồi hộp đem mảnh gương vỡ ra chợ, giả vờ bán.
Trong cung cấm. Lạc Xương may mắn đã thuyết phục được một nàng hầu, nên đúng ngày rằm tháng giêng nàng đã nhờ hầu nữ này cầm mảnh gương ra chợ Tràng An tìm Đức Ngôn. Đến chợ, hầu nữ thấy đám đông đang đứng vây quanh một anh chàng, trêu chọc thằng điên đang đòi bán một tấm gương vỡ với giá ngàn vàng. Biết là gặp được người đang tìm, cô hầu đưa ngay nửa mảnh gương cho thằng điên. Hai mảnh gương ghép khít vào nhau, Từ Đức Ngôn bật khóc như đứa trẻ. Chàng hôn hít tấm gương rồi viết vào mặt sau, bài thơ gởi người tình:

 

Ảnh dữ nhân câu khứ
Ảnh qui nhân vị qui
Vô phục hằng nga ảnh
Không lưu minh nguyệt huỵ

 

Nghĩa là:

 

Theo người gương vỡ mắt sâu
Gương đà về đó, nhưng đâu thấy nàng
Chị Hằng cũng quạnh tâm cang
Vầng trăng sầu muộn úa vàng năm canh.

 

Nàng hầu lật bật đem gương về. Lạc Xương đọc được thơ, ôm lấy hai mảnh gương vào lòng mà khóc tức tưởi Việt Công tình cờ đi vào, trông thấy, gạn hỏi sự tình. Lạc Xương phải tình thật, kể lại hết chuyện tình của mình. Nghe xong chuyện, Việt Công giả vờ nghiêm giọng thét to:
- Gương đã vỡ.
Lạc Xương hoảng hốt:
- Nhưng...
Sắc diện của Việt Công bỗng hiền hòa, đôn hậu:
- Nhưng...giờ nay lại lành. Ta cảm phục mối tình của hai người Dù lòng dạ lang sói cũng phải động lòng...
Rồi Việt Công sai quân hầu lập tức chạy ra chợ rước Từ Đức Ngôn vào thành, đãi đằng trọng thể, trao trả hạnh phúc cho tình yêu.-Câu 3104: Bố Kinh
Sự tích 1: Bố kinh là hai chữ thu ngắn, Bố quần là chiếc quần bằng vải, kinh thoa là cái trâm cài đầu bằng gai Bố kinh lấy từ chuyện Lương Hồng Mạnh Quang trong sách Di

Uyển của Trung Quốc:

Lương Hồng là một hàn sĩ ở Giang Nam, nhà nghèo xơ xác, hiếu học, trọng đạo đức nhân nghĩa Nhiều người rất cảm phục nhân cách của chàng, trong đó có một phú hộ thật tâm muốn tìm cách giúp đỡ. Lần đầu tiên tìm đến gặp Lương Hồng, phú hộ muốn tặng chàng hai gói chè quí ngọn hái từ đỉnh núi Vũ Di Lương Hồng nhẹ nhàng thưa:

 

- Nếu có gì cần dạy bảo xin ngài vui lòng chỉ giáo, còn lễ vật ngài cho tôi xin được phép từ chối.
Phú hộ đành cầm lễ vật ra về, trong lòng nghĩ hay là chàng nho sĩ kia vì nghĩ phận mình nghèo hèn không dám giao tiếp với người giàu sang như ta. Nghĩ vậy nên ít ngày sau, phú hộ lại tìm đến, chân đi giày cỏ, cẩn thận buộc ngựa từ ngoài xa. Trong lều tranh, Lương Hồng vẫn mải mê đọc sách; phú hộ kiên nhẫn chắp tay đứng đợi ngoài sân. Sau mấy canh giờ, Lương Hồng chợt gấp sách, nhìn ra ngoài, trông thấy vị khách đang đứng chờ. Chàng cung kính mời vào. Lần này phú hộ chỉ xin tặng một gói trà ngang, nhưng bên trong lại có mấy nén vàng, gọi là chút tiền độ nhật cho hàn sĩ. Lương Hồng nhất mực từ chối:

 

- Nếu ngài có ý coi trọng kẻ hèn nay thì hãy cư xử nhau bằng tình nghĩa; xin bảo trọng tình nghĩa trong sáng này, đừng để lễ vật làm hoen ố đi.
Phú hộ lại phải đem lễ vật về và vẫn không nghĩ ra cách gì để giúp đỡ con người liêm khiết này. Và không những chỉ có phú hộ này, nhiều danh gia khác cũng nghe tiếng thơm Lương Hồng, muốn muốn đem gả ái nữ cho. Trong số này, có nhà họ Mạnh, giòng dõi nho gia, giàu có mấy đời, có tiểu thư Mạnh Quang, sắc nước khuynh thành, vương tôn công tử gần xa đều ngấp nghé. Nhà họ Mạnh chủ động muốn nhận Lương Hồng làm rể. Lương Hồng cũng nghe tiếng gia đình họ Mạnh tuy giàu có, nhưng nổi tiếng mấy đời lương thiện, nên bằng lòng kết nghĩa trăm năm với nàng Mạnh Quang.

 

Ngày hợp hôn, Mạnh Quang muốn làm đẹp lòng chồng, trang điểm má phấn tô son, xiêm y lộng lẫy, vàng ngọc sáng ngời. Nào ngờ, trông thấy tân nương rực rỡ như vậy, tân lang lại tiu nghỉu, suốt bảy ngày đêm ủ ê không buồn động phòng hoa chúc. Thoạt đầu, Mạnh Quang đã quá lo âu, không hiểu mình đã lời ăn tiếng nói như thế nào để chàng phải phật ý; cuối cùng thì nàng cũng nghĩ ra và đã vất bỏ hết các xiêm y, trang sức sặc sỡ đó, mà chỉ mặc quần áo vải và đầu cài thoa gai đến bên chồng. Đến đây, Lương Hồng mới bật lên mừng rỡ, ôm chầm lấy tân nương:

 

- Đây mới thật là vợ của Lương Hồng. Trong phú quí, giàu sang, thường người ta không giữ được nhân nghĩa. Ta chỉ muốn sống trong thanh bần, tự mình cày ruộng mà ăn, dệt vải mà mặc, cuộc sống đạm bạc nhưng vợ chồng luôn có nhau, tương kính nhau.
Sau đó ít lâu, Lương Hồng bàn với vợ nên dời nhà vào núi Sương Lăng tự cày ruộng lấy mà ăn, tự dệt vải lấy mà mặc. Mạnh Quang vui vẻ tùng phục ý chồng không một lời phải đối. Lúc đầu hai vợ chồng đi qua đất Thương Ngô, vào ở nhờ nhà Cao Bá Thông, làm nghề giã gạo thuê. Cao Bá Thông cho vợ chồng Lương Hồng trọ trong một chái nhỏ bên hè. Hàng ngày khi đến bữa ăn, Mạnh Quang đều cung kính dâng mâm cơm lên ngang mày để trao cho chồng. Cao Bá Thông thấy vậy cảm thán rằng:

 

- Vợ chồng nhà ấy chỉ là kẻ đi làm thuê làm mướn mà còn có lễ nghĩa, vợ biết tôn kính chồng như thế thật là đáng kính phục.
Rồi Cao Bá Thông thu xếp cho vợ chồng Lương Hồng được chỗ cư ngụ đàng hoàng, rộng rãi trong nhà.
Người đời sau lấy chữ Bố kinh trong điển tích này để nói đến các bà vợ hiền thục. Sự tích 2: về Bố Kinh là chuyện Hoàng Thiếu Quân.
Hoàng Thiếu Quân là con gái nhà giàu có nhưng tánh tình rất hiền thục. Thiếu Quân lấy chồng là Bảo Tuyên, nhà nghèo khó. Khi về nhà chồng, Thiếu Quân tự trút bỏ hết xiêm y lụa là, mặc quần vải áo thô, cài trâm và chịu khó làm lụng vất vả. Nàng lại thành kính thờ chồng một mực, không bao giờ dám làm điều gì trái ý với Bảo Tuyên. Người đời còn ca tụng nàng rằng:

 

“Thiếu Quân, gái ấy tuyệt hay
Thay quần vải, đổi trâm cây, thờ chồng”-Câu 3123: Hoa Tàn Mà Lại Thêm Tươi
Hoa tàn mà lại thêm tươi điển tích trong sách Tam ngôn truyện.

 

Thời Tống Nhân Tông có chàng Thu Tiên uyên bác, nhưng không màng công danh, sống ẩn nhẫn cùng hoa thơm cỏ lạ. Vợ mất sớm, không có con, từa tự được mấy mẫu đất, chàng không canh tác màu, mà chỉ trồng hoa. Cơm không đủ ăn, áo không có mặc, được đồng nào chàng dành để mua những giống hoa quí. Vườn hoa của Thu Tiên đẹp nổi tiếng ở đất Giang Nam. Bấy giờ trong thành Bình Giang có tên Trương Ủy ngang tàng, độc ác, chẳng coi ai ra gì. Một hôm hắn ta cùng bọn thủ hạ đi ngang qua nhà của Thu Tiên, nhìn thấy vườn hoa quí bạt ngàn màu sắc rực rỡ. Trương Ủy chẳng cần hỏi han chủ nhân, sai bọn thuộc đạp đổ hàng giậu, xông thẳng vào trong tha hồ bẻ, ngắt hoa. Thu Tiên quá đau lòng, nhưng càng van xin thì tên Trương Ủy và thuộc hạ càng làm tới:

 

-Mày không biết ta là ai à? Hôm này có ta đây đặt chân đến vườn hoa này là vinh hạnh cho mày đấy. A kìa, loại hoa mẫu đơn kia mới đẹp làm sao. Thật là uổng phí loài hoa quí phải yên phận trên mảnh đất của tên ngốc nghếch này. Khu vườn này phải thuộc về ta.
Nói xong, tên côn đồ lại giang tay bứt hết những cánh hoa mẫu đơn. Vì quá thương yêu hoa, Thu Tiên đã phải chắp tay van xin:

 

-Xin công tử hãy nương tay, đừng hủy hoại hoa tội nghiệp. Loài mẫu đơn này tôi đã phải ngày đêm chăm sóc, nâng niu.
Trương Ủy cười ha hả, bóp nghiến cánh hoa trong tay:
-Mày yêu hoa, mày chăm sóc nâng niu. Ta yêu trăng hoa ta thích dày vò tan nát. Vườn hoa này phải là của ta. Ta cho mày ít thời gian để lo cuốn gói đi ở nơi khác. Ta sẽ trở lại đây sau hai ngày nữa, không để tao phải trông thấy các mặt thằng yêu hoa ngu si như mày.
Bọn Trương Ủy bỏ đi. Thu Tiên nằm vật xuống lăn lộn, người xác xơ còn hơn cả những cánh hoa tơi tả trên đất. Chàng khóc tức tưởi như chàng thư sinh đánh mất mối tình đầu. Bỗng có ai đó khẽ động trên vai. Thu Tiên quay lại; một tiểu thư kiều diễm đang nhìn chàng ngời thương cảm.

 

- Xin hỏi tiểu thư từ đâu đến đây?
-Thiếp ở cách đây không xa. Nghe chàng khóc thương cho loài hoa, thiếp xin đến đây được chia sẻ nỗi niềm. Hoa đã rơi rụng hết rồi. Nhưng xin chàng chớ quá âu sầu. Chàng đã yêu hoa như thế thì muốn hoa tàn mà lại thêm tươi cũng chẳng khó gì...
Đang lúc buồn bã, người đẹp lại nói chuyện phong thần, Thu Tiên càng rầu rĩ thêm. Tiểu thư biết Thu Tiên không tin, cũng chẳng phân giải; nàng nói Thu Tiên hãy thu nhặt những cánh hoa tàn gom lại, rồi đi gánh nước. Thu Tiên miễn cưỡng làm theo. Khi đôi thùng nước quay lại, thì kỳ diệu thay cả vườn hoa bừng sống lại, nở rộ hương sắc. Người đẹp đã biến mất. Thu Tiên quá đỗi mừng rỡ, chàng đưa tay nựng từng cánh hoa mà cứ tưởng như trong mơ. Nàng ấy chắc hẳn là từ cõi tiên về đây ban phép lành cho chàng.

 

Lòng thành, Thu Tiên thắp nén hương, quỳ xuống van vái:
-Xin tạ ơn tiên nữ giáng trần thương cho kẻ trần gian này....

 

Lâng lâng với niềm vui dào dạt, chàng nằm xuống giữa hai luống hoa, kê đầu bên một gốc mẫu đơn rồi ngủ thiếp đi giữa áng mây chiều. Chập chùng trong giấc mơ, Thu Tiên thấy mình đang gối đầu trên chân một thiếu nữ; đúng là tiểu thư lúc ban ngày. Nàng cúi xuống thủ thỉ bên tai chàng... thiếp nào đâu phải là tiên nữ, mà chỉ là một kiếp hoa. Cảm ơn chàng đã nâng niu đời hoa. Từ đây thiếp sẽ mãi ở bên chàng. Sẽ không có kẻ phàm phu nào đến quấy nhiễu chàng nữa. Chàng nặng tình với hoa, thì thiếp mãi bên chàng, mãi bên chàng....
Tiếng nói nhỏ nhỏ dần, nhỏ dần rồi cùng với hình dáng yêu kiều hút vào lòng đất. Thu Tiên chợt tỉnh giấc mơ hoa; đầu chàng đang kề sát một gốc mẫu đơn, thoang thoảng tỏa hương thơm dìu dặt. Trên cao xa lắc, ánh sao hôm đang lấp lánh.-Câu 3126: Chàng Tiêu 

 

Chàng Tiêu chuyện được ghi trong sách Tình sử Trung Quốc:
Thời Khai Nguyên nhà Đường, có chàng Tú tài Thôi Giao, văn tài trác tuyệt, nhưng thế cô, nhà lại nghèo xơ xác nên khó bề lập thân. Tuy vậy chàng Tú vẫn thiết tha yêu đời vì có người yêu Lục Châu, một dung nhan kiều diễm đang tuổi trăng tròn, giỏi thi phú, đàn ca xướng hát.
Gia cảnh Lục Châu cũng vào thuộc loại bần hàn, nên nàng phải làm thị tỳ cho người cô của Thôi Giao. Cũng là một cơ may để cho đôi lứa có nơi chốn mà tình tự. Bà cô cũng có ý muốn tác hợp cho hai trẻ, nên cô gắng buôn bán vài chuyến lớn kiếm lãi, tổ chức hôn lễ đàng hoàng và cho đôi tân hôn chút của hồi môn.
Chẳng may, chuyến buôn này rồi chuyến buôn khác cứ bị lỗ lã nặng. Gia sản bà sa sút quá nhanh chóng, rồi sinh nợ chồng chất. Đường cùng, để khỏi bị con nợ tịch biên nhà cửa bà cô phải bán Lục Châu cho quan Liên súy Vũ Địch, giá bốn mươi vạn tiền.
Vậy là từ đó, đôi uyên ương như chim cụt cánh, như cây cụt cành.

 

Quan Vũ Địch đưa nàng Lục Châu vào dinh nhưng vẫn không làm điều chi sỗ sàng quá đáng. Còn chàng Thôi Giao thì lang thang thất thểu đó đây, tự đặt tên cho mình là Tiêu Lang. Nhưng dù có nghêu ngao ở đâu, sáng nào chàng ta cũng đứng ngấp nghé ngoài cổng dinh phủ, mong được nhìn thấy người yêu. Nhưng mỗi lần may mắn gặp mặt, Tiêu Lang lại phải nén lòng, quay mặt đi nơi khác, làm ra vẻ hờ hững. Lục Châu cũng bị xé nát tâm can, cắn răng cúi đầu, lẫm lũi bỏ đi. Giọt châu lã chã khôn cầm.
Một hôm, vào tiết hàn thực trời rét như cắt, Lục Châu có việc ra ngoài, phải mặc đến hai áo bông; nàng chợt trông thấy Tiêu Lang đứng dưới gốc liễu rũ, thân thể gầy gò run rẩy trong trong chiếc áo rách mỏng manh. Không cầm lòng được, nàng chạy đến ôm chầm lấy chàng. Thôi thì tha hồ mà khóc, kể lể nỗi nhớ thương. Lâm ly lắm rồi cũng phải ngậm ngùi chia tay. Lục Châu choàng áo bông ôm ấp hơi ấm cho chàng. Thôi Giao cỡi chiếc áo rách lỗ chỗ, viết lên đó mấy câu thơ tặng nàng:

 

”Công tử vương tôn trực hậu trần
Lục Châu thúy lệ thấu la cân
Hầu môn nhất nhập thâm như hải
Tòng thử Tiêu Lang thị lộ nhân”

 

Ngô Tất Tố dịch:

 

Theo chân bao kẻ ngộp mùi hương
Tầm tã khăn the lệ mấy hàng
Một tới cửa hầu sâu tợ biển
Chàng Tiêu từ đó khách qua đường. Lục Châu ôm thơ về, đêm đêm gối đầu chờ mộng. Trong phủ Liên Súy Vũ Địch có một tên hầu, ngày trước đã từng rắp tâm bắn sẻ Lục Châu, nhưng đâu được toại nguyên, nên sinh thù ghét. Gặp dịp may đưa đến, hắn trộm chép bài thơ, dán gần cửa thư phòng Vũ Địch. Quan đọc được thơ, tra hỏi kẻ hầu người hạ, biết được tác giả là Tiêu Lang Thôi Giao. Vũ Địch cho lính truy tìm, đưa được Thôi Giao vào phủ đường. Tiêu Lang nghĩ rằng mạng sống sắp tiêu tùng, nhưng dù có được chết vì tình, cũng không khỏi run sợ. Nhưng khi tiếp kiến Vũ Địch, quan không bắt quì chịu tội, mà lại chỉ ghế mời ngồi. Quan bước lại gần, cầm lấy tay Tiêu Lang, cười độ lượng:

 

Một tới cửa hầu sầu tợ biển,
Chàng Tiêu từ đó khách qua đường.
Hai câu thơ này hẳn là của Tiêu Lang rồi. Từ lâu ta vẫn nghe danh Tú tài Thôi Giao tài hoa. Nhưng chỉ vì tội nghèo mà không tiến thân được, lại không giữ được người yêu. Sá gì bốn mươi vạn tiền mà ta phải làm tan nát một mối tình. Vũ Địch cho người hầu chuẩn bị một số tiền bạc, nữ trang và một cỗ xe ngựa, rồi cho mời Lục Châu:
- Nay ta ban tặng cho người con gái thủy chung chút vốn liếng và lễ vật. Nàng hãy lên xe cùng với Thôi Giao, về quê cũ xây tổ ấm.