Dân Chúa Âu Châu

BY: HOÀNG THẠCH

 

Số phận của con người đã được nói nhiều trong các lãnh vực tôn giáo, văn hóa và văn chương. Có rất nhiều bài thơ diễn tả tâm tình của những người than thân trách phận làm mủi lòng người. Có những bản nhạc diễn tả thân phận của của những người sinh ra làm kiếp con nhà nghèo đã làm rơi nước mắt của nhiều khán thính giả. Có nhiều tác phẩm thời danh nói về những người đẹp mang kiếp "Hồng nhan bạc mệnh" đã gây ấn tượng sâu xa trong tâm hồn độc giả. Thân phận của phụ nữ bị rơi vào hoàn cảnh "ba chìm bẩy nổi" được đề cập tới, qua thực tế cuộc sống cũng như trong thi ca và tiểu thuyết, không thiếu trên văn đàn thế giới. Truyện Kiều là một.

 

Như vậy, phải chăng số phận của mỗi người hay định mệnh của con người do Trời Phật định đoạt?
Như vậy, phải chăng con người không thể nào cải hoán được mệnh mình?
Tài sắc của Thuý Kiều dẫn tới nghịch cảnh, như một định mệnh, đã được thi sĩ Nguyễn Du nêu ngay từ phần mở đầu câu truyện:

 

 

 

Phần mở đầu: (từ câu 1-6)

 

Trăm năm trong cõi người ta,
Chữ tài chữ mệnh khéo là ghét nhau.
Trải qua một cuộc bể dâu,
Những điều trông thấy mà đau đớn lòng.
Lạ gì bỉ sắc tư phong,
Trời xanh quen thói má hồng đánh ghen.

 

Trong suốt 15 năm lưu lạc gian khổ, Kiều đã không làm sao thoát khỏi nghiệp chướng và trả lời cho câu hỏi tại sao thân phận hay số mệnh của nàng lại gian truân như vậy, chúng ta thấy thi sĩ Nguyễn Du đã viết trong phần kết luận:
Phần kết luận: (từ câu 3241-3254):

 

Ngẫm hay muôn sự tại trời,
Trời kia đã bắt làm người có thân
Bắt phong trần phải phong trần
Cho thanh cao mới được phần thanh cao.
Có đâu thiên vị người nào
Chữ tài chữ mệnh dồi dào cả hai
Có tài mà cậy chi tài
Chữ tài liền với chữ tai một vần.
Đã mang lấy nghiệp vào thân
Cũng đừng trách lẫn trời gần trời xa.
Thiện căn ở tại lòng ta,
Chữ tâm kia mới bằng ba chữ tài.
Lời quê chắp nhặt dông dài,
Mua vui cũng được một vài trống canh.

 

I- Vấn đề Định Mệnh có hay không?
Để hiểu định-mệnh hay số phận của con người có hay không, chúng ta cần tìm hiểu quan niệm của dân Việt và của một số tôn giáo trong thời kỳ truyện Kiều ra đời.

 

1-Định Mệnh theo quan niệm Việt Nam

 

Định-mệnh hay số phận theo quan niệm của người dân Việt được diễn tả qua sự tin tưởng vào một đấng siêu nhân là "Trời" hay "Ông Trời". Khi người ta không lo ngại về việc đẻ nhiều con lấy gì nuôi chúng thì dân Việt có câu ca dao: "Trời sinh, trời dưỡng - Trời sinh voi, trời sinh cỏ". Do đó, số phận hay định-mệnh của các người con được cha mẹ phó thác cho Trời.

 

Khi người ta lên án một kẻ bất chính thì câu: "Trời nào có dong kẻ gian, có oan người ngay" được phát ra để cảnh báo kẻ gian và chia sẻ với người ngay lành.
Khi khuyến khích nhiệt tình làm việc và sự tin tưởng vào khả năng của của mỗi người thì câu:
"Trời nào có phụ ai đâu, hay làm thì giầu, có chí thì nên" được trao đổi với nhau để chứng minh có sự quan tâm của Trời. Sự thành công của con người là ở chỗ có chí và hăng say làm việc.

 

Khi có ý trách Trời đã bất công trong một lãnh vực nào đó thì dân ta không ngần ngại than vãn: "Trời sao trời ở chẳng công, người ba bốn vợ, người không vợ nào".
Khi muốn cầu lợi cho một vấn đề chính trị hay kinh tế, người ta tha thiết: "Lậy trời cho cả gió nồm, cho thuyền chúa Nguyễn thẳng buồm chẩy ra"; hoặc "Lậy trời mưa xuống, Lấy nước tôi uống, Lấy ruộng tôi cày, Lấy đầy bát cơm, Lấy rơm đun bếp".

 

Như vậy dân Việt coi Trời như một đấng siêu đẳng có thể quyết định sự biến đổi của vạn vật hoặc số phận của con người. Chính vì vậy mà khi sa cơ thất thế hay khi muốn cầu an bình hoan lạc, người dân thường có tập quán cầu Trời. Người Việt xưa còn bi quan, tin vào số mệnh qua thực tế xã hội mà chúng ta có thể tìm thấy trong ca dao:

 

Con vua thì lại làm vua, Con sãi ở chùa lại quét lá đa!

 

hoặc

 

Con quan thì lại làm quan, Con nhà kẻ khó đốt than tối ngày.

 

Tuy nhiên ý niệm Trời trực tiếp có ảnh hưởng đối với thân phận hay số mệnh của con người trong lãnh vực này không là một cường lực cưỡng chế hay trở thành một tín điều bắt người dân phải tuân theo, để được phúc hay trách được hoạn nạn. Đây chỉ là một ý niệm thông thường không hoàn toàn mang tính chất tôn giáo và sự tin tưởng chỉ có tính cách khách quan, không bị ràng buộc.
Mở đầu truyện Kiều, cụ Nguyễn Du cũng dựa vào phong tục người dân Việt và Khổng học: "Lạ gì bỉ sắc tư phong, Trời xanh quen thói má hồng đánh ghen”.

 

2- Định Mệnh theo quan niệm của Đức Khổng Tử

 

Theo quan điểm của Nho giáo, khái niệm định-mệnh xuất phát từ thuyết Thiên-mệnh, tức là mệnh Trời. Trời quyết định mọi sự thành công hay thất bại trong đời sống của con người. Trong tác phẩm Luận-ngữ của Thiên Nhan Uyên, Khổng Tử cho rằng: "Tử sinh hữu mệnh, phú quý tại thiên” (Sống chết có số mạng, phú quí tại trời). Con người không thể cãi lại mệnh trời. Mọi cố gắng của con người không ngoài ý trời. Chính ngay bản thân mình, Khổng Tử cũng thừa nhận: "Ngô thập hữu ngũ, nhi chí vu hoc, tam thập nhi lập, tứ thập nhi bất hoặc, ngũ thập nhi tri Thiên mệnh…" (Năm ta mười lăm tuổi chỉ để tâm vào việc học, năm ba mươi tuổi đã đủ lực mà lập thân, năm bốn mươi tuổi tâm trí đã đủ sáng suốt, năm năm mươi tuổi, ta hiểu được mệnh Trời…) (theo Luận-ngữ, thiên Vi Chính). Con người hầu như đặt hết sự tin tưởng của mình vào ý chí của Trời nếu muốn trở thành người quân tử: "Không hiểu mệnh Trời không xứng đáng là một người quân tử" (Bất tri mạng, vô dĩ vi quân tử dã - Luận Ngữ, thiên Nghiêu Viết).
Như vậy, theo một số nhà bình luận quan điểm về Thiên-mệnh của Nho giáo có vẻ mang tính chất tiêu cực. Nó hạn chế mọi nỗ lực biến đổi thân phận và sự cố gắng vươn lên của con người. Nếu một người khi mới sinh ra đã có sẵn một số mệnh an bài và được định đoạt bởi ý chí của một đấng siêu nhiên thì con người đành phải chấp nhận xuôi tay, giao phó toàn bộ đời mình cho một đấng quyền năng quyết định.

 

Trong truyện Kiều một số câu thơ diễn tả rất rõ về quan niệm Thiên Mệnh của Nho Giáo. Là người phụ nữ đẹp, nhan sắc mặn mà thì ai mà chẳng bị trời ghen tức, mà khi trời đã ghen tức thì cuộc đời của những người phụ nữ này phải khổ, "Hồng nhan bạc mệnh".
Lạ gì bỉ sác tư phong, Trời xanh quen thói má hồng đánh ghen. (Câu 5-6)

 

 Đạm Tiên là một nạn nhân:
… Đạm Tiên nàng ấy xưa là ca nhi.
Nổi danh tài sắc một thì, Xôn xao ngoài cửa hiếm gì yến oanh.
Kiếp hồng nhan có mong manh, Nửa chừng xuân thoắt gẫy cành thiên hương. (Câu 62-66)

 

và rằng:

 

Hồng nhan tự thuở xưa, Cái điều bạc mệnh có chừa ai đâu? (Câu 107-108)
Trời đã quyết định số mệnh của Kiều, nên cụ Nguyễn Du đã kết thúc câu truyện:
Ngẫm hay muôn sự tại trời, Trời kia đã bắt làm người có thân
Bắt phong trần phải phong trần Cho thanh cao mới được phần thanh cao. (Câu 3241-3244)

 

3- Định Mệnh theo quan niệm của Phật Giáo

 

Theo Phật Giáo, định-mệnh của con người có thể nói đã được quyết định dứt khoát qua thuyết “Luân Hồi và Nghiệp Quả”. Nếu dựa vào thuyết này thì số phận hiện tại của Thuý Kiều là hậu quả của các hành động xấu của nàng trong kiếp trước.
Vậy thuyết Luân-hồi và Nghiệp-quả hay Nhân-quả là gì?

 

3/1- Thuyết luân hồi

 

Trong tất cả những lời dạy của Đức Phật, từ bài thuyết pháp đầu tiên ở Lộc Uyển cho đến khi ngài nhập Niết bàn, thuyết luân hồi luôn được nhắc đi nhắc lại. Một thí dụ trong đoạn kể lại việc ngài tham thiền dưới gốc bồ đề để đạt đến giác ngộ viên mãn. Theo Kinh Lalitavistara (Phổ Diệu Kinh), trong phần đầu của đêm hôm đó, sau khi trải qua bốn tầng thiền, Bồ Tát dùng thiên nhãn (divine eye/divya-cakshus) quán sát sự luân hồi sinh tử của chúng sinh.

 

“Với thiên nhãn thanh tịnh, Bồ tát thấy chúng sinh chết rồi lại tái sinh trong những giai cấp thấp hèn, trong thuận cảnh và nghịch cảnh. Ngài thấy chúng sinh luân hồi tùy theo nghiệp quả của mình “than ôi, những sinh linh này đã tự tạo nghiệp xấu qua  thân, khẩu, ý, họ bất kính với các thánh nhân và ôm giữ tà kiến. Do tạo nghiệp với tà kiến, khi thân hoại mạng chung, họ tái sinh trong hoàn cảnh xấu và trong các địa ngục. Nhưng những chúng sinh tạo nghiệp tốt qua thân, khẩu, ý, cung kính các bậc thánh và không có tà kiến, do tạo nghiệp tốt với chánh kiến, khi thân hoại mạng chung, họ sẽ tái sinh trong hoàn cảnh tốt và trong các cõi thiên giới”.

 

Luân hồi cũng thường được đề cập đến trong những kinh khi Đức Phật nói đến những sự kiện của kiếp hiện tại theo nghiệp của những kiếp trước và khi ngài dạy về nghiệp quả và về sự cần thiết phải tu tập.
Thí dụ, trong kinh “Pravrajyantaraya- Sutra”, Phật dạy:
“Này Mahanam, nếu một cư sĩ làm bốn hành vi, người ấy sẽ chịu bốn nghịch cảnh sau này: y sẽ phải tái sinh nhiều lần, sinh ra bị mù, thiểu trí, bị câm, hay như một người hạ cấp, luôn luôn nghèo khổ, luôn luôn bị ngược đãi. Y sẽ trở thành người lưỡng tính hay người hoạn, hay sinh ra trong cảnh làm nô lệ suốt đời. Y sẽ trở người nữ, chó, heo, lừa, lạc đà, hay rắn độc, và do đó không thể thực hành giáo lý của Đức Phật”.
(Bốn hành vi là cản trở những người muốn theo Đạo, cản trở những người thân của mình quy y, không tin Chánh pháp, phá hoà hợp tăng và những bậc bà la môn đức hạnh). Ngoài sự tái sinh làm thú vật hay ngạ quỷ, nhiều kinh sách Tiểu Thừa cũng như Đại Thừa còn dạy rằng tái sinh trong địa ngục là nghiệp quả từ những hành vi tà dâm và ăn thịt chúng sinh cho đến hủy báng giáo pháp. 

 

3/2- Nghiệp-quả

 

Có một lần, có người hỏi Đức Phật, tại sao có người sanh ra lại giàu có trong khi những người khác nghèo khổ, có người được thân thể khỏe mạnh trong khi kẻ khác lại ốm yếu, bệnh tật. Tại sao có người lại đẹp đẽ và có người lại xấu xí? Tại sao có người có đông bạn bè, trong khi có người lại chẳng có một ai? Cái gì có thể giải thích được sự sai biệt này giữa mọi người với nhau?
Ðức Phật trả lời rằng mỗi người đều là kẻ thừa kế, thừa hưởng những nghiệp quả của chính họ đã tạo ra trong quá kh࿩. Thật ra, chính vì những việc làm trong quá khứ mà chúng ta sanh ra trong cõi này. Cuộc sống mà chúng ta đang kinh nghiệm trong giờ phút hiện tại đây, là kết quả huân tập của những việc ta đã làm trong quá khứ. 

 

Ðức Phật còn giải thích thêm những hành động nào sẽ đưa đến những kết quả ra sao. Ngài nói những ai giết kẻ khác sẽ bị chết yểu. Những ai phóng sanh sẽ có một cuộc đời trường thọ. Những người tạo khổ đau cho kẻ khác sẽ sanh ra ốm yếu bệnh tật. Những ai theo con đường không bạo động, sẽ có một sức khỏe lành mạnh. Ðức Phật dạy rằng, những ai tham lam ích kỷ sẽ có một cuộc sống nghèo khó. Những ai biết bố thí, rộng rãi sẽ được giàu có sung túc. Ðây chính là sự vay trả luật nhân quả. Mỗi một hành động sẽ tạo nên một kết quả đặc biệt. 

 

Những ai buông lỏng trong sự tức giận, luôn luôn sử dụng ngôn ngữ thô lỗ, sẽ có một bề ngoài khó coi, xấu xa. Còn những ai thực hành từ bi, ăn nói dịu dàng, sẽ có một bề ngoài đẹp đẽ, sáng sủa. Chúng ta là những người thừa tự các kết quả của hành động tạo mình trong quá khứ. Những người hay có hành động bất hòa, như là tà dâm, trộm cắp, sẽ bị giao du với những kẻ mê muội, không có bạn bè nhiều và sẽ không có cơ hội gặp được Phật pháp. Còn những ai biết giữ giới luật sẽ được gặp những hoàn cảnh thuận tiện, giao du với những thiện trí thức và được nhiều sự giúp đỡ trong cuộc sống. Những ai không bao giờ biết thắc mắc về cuộc sống này, không hề tìm hiểu tâm mình, cũng không cần để ý phân tách tự thể của sự vật chung quanh, sẽ sanh ra ngu si và mê muội. Còn những ai biết thắc mắc, tìm hiểu, luôn đi tìm câu trả lời cho cuộc sống này, sẽ sanh ra là một người sáng suốt. Tóm lại, tất cả chỉ là một sự vận hành của luật nhân quả. 

 

Trong truyện Kiều Nghiệp Quả hay Nhân Quả được nói tới lần đầu khi Tú Bà bắt Kiều tiếp khách làng chơi. Nàng nhất quyết từ chối, lấy dao cắt cổ mình tự tử. Máu chảy và sự sợ hãi đã làm nàng hôn mê. Trong cơn mơ màng ấy nàng gặp lại hồn Đạm Tiên và tiếng nói:
Rỉ rằng: Nhân quả dở dang, Đã toan trốn nợ đoạn trường được sao?
Số còn nặng nợ má đào, Người dầu muốn quyết trời nào đã cho. (Câu 995-998)
Sau đó Tú Bà sợ Kiều mà chết thì không chỉ mất tiền mà còn tật mang, bị quan lại điều tra; nên bà ta làm bộ nhân ái khuyên dỗ nàng. Kiều suy nghĩ một cách chán chường, sống không xong mà chết cũng chưa yên:

 

Kiếp này nợ trả chưa xong, Làm chi thêm một nợ chồng kiếp sau. (Câu 1019-1020)
Như vậy, theo thuyết Luân-hồi và Nghiệp-quả thì số phận của con người đã được định do kiếp trước, không ai có thể cải phận được. Nếu có chỉ là ăn ngay ở lành, làm việc thiện và chờ sự biến đổi trong kiếp sau.

 

II- Vấn đề Tài và Mệnh
Có người cho rằng, do phân vân trong tư tưởng Thiên Mệnh theo quan niệm của Nho-giáo, cụ Nguyễn Du đã đem cái Nghiệp Quả trong Phật-giáo để giải thích cuộc đời của Kiều:
"Đã mang lấy nghiệp vào thân, Thì đừng trách lẫn trời gần đất xa”
Nếu đã tin vào Trời có quyền quyết định số phận của con người theo quan niệm Nho-giáo thì vấn đề Luân-hồi và Nghiệp-quả nghe không hợp lý và nó cũng không liên quan gì tới cái tài của Kiều:
Ngẫm hay muôn sự tại trời, Trời kia đã bắt làm người có thân
Bắt phong trần phải phong trần, Cho thanh cao mới được phần thanh cao.
Kiều cũng có vẻ tự mâu thuẫn than rằng:
 "Nàng rằng: Nhân quả dở dang, Đã toan trốn nợ đoạn tràng được sao.
Số còn nặng nợ má đào, Người đà muốn chết, trời nào có cho?”
Nghĩ cho cùng, có thể cụ Nguyễn Du muốn dung hòa tư tưởng của Tam Giáo là Phật-giáo, Nho-giáo và Lão-giáo, một triết lý trung dung nhìn từ nhiều khía cạnh khác nhau.

 

2/1-Phải chăng con người tài hoa thì đời lao đao?

 

Thúy Kiều nhắc lại lúc còn nhỏ thày tướng số đã nói về cuộc đời của mình:
Anh hoa phát tiết ra ngoài, Nghìn thu bạc mệnh một đời tài hoa.
Hai yếu tố tài và mệnh đóng một vai trò nhất định trong sự quyết định một người phải đau khổ hay hạnh phúc: Theo triết lý của nguyên lục (mà cụ Nguyễn Du cũng bị ảnh hưởng khi viết truyện Kiều) thì giữa tài và mệnh có sự chống đối nhau.
Có tài mà cậy chi tài, Chữ tài liền với chữ tai một vần.

 

Nghĩ về thân phận có lẽ cụ Nguyễn Du đã hiểu rõ mình hơn ai hết. Nếu có tài mà khoe khoang và hống hách thì sẽ bị tai nạn. Chính vì vậy mà cụ đã mượn nhân vật Thúy Kiều để hé lộ phần nào cái mặc cảm của mình. Lịch sử đã chứng minh: khi được lệnh phải ra làm quan dưới triều Nguyễn thì cụ làm như ngẩn như ngơ. Trong những buổi họp ở triều đình cụ Nguyễn Du thường ít nói và không dám khoe tài.
Có một hôm vua Gia Long hỏi: "Này khanh, nhà nước dùng người là để có thêm trí tuệ, thêm nhận thức để chính trị có thể đem thêm lợi ích cho nước cho dân. Tại sao khanh không chịu nói gì hết mà cứ ngồi im lặng như vậy?"
Lý do cụ không dám nói nhiều hay khoe tài vì người ta nghĩ cụ mang mặc cảm là trung thần nhà Lê lại ra làm quan cho nhà Nguyễn. Như vậy cụ không trung thành với nhà Lê theo quan điểm của Khổng-giáo: "Trung thần bất sư nhị quân" (trung thần thì không thờ hai vua).

 

Ngẫm lại, Từ Hải là tướng giặc hùng cứ một phương; nhưng cuối cùng nghe Kiều ra hàng Hà Tôn Hiến rồi bị lừa và bị giết chết thảm. Cụ Nguyễn Du có thể đã mượn hình ảnh Từ Hải để nói về thân phận mình. Cụ cũng là tướng của nhà Lê chống lại vua Quang Trung nhưng không thành. Cụ trốn vào Nam để phò Nguyễn Ánh (sau là vua Gia Long) để chống Tây Sơn; nhưng bị quân lính Tây Sơn bắt và bị nhốt tù. Nhờ người anh làm quan cho Tây Sơn cứu ra. Do đó, dù làm quan cho nhà Nguyễn; nhưng cụ Nguyễn Du vẫn sợ bị hại về cái quá khứ của mình nếu các nịnh thần dèm pha với vua ở chỗ là nếu cụ đã từng chống vua Quang Trung thì biết đâu có ngày nào đó cụ chống lại nhà Nguyễn để khôi phục nhà Lê?

 

Nếu cụ khoe tài thì sẽ bị các quan dưới triều Nguyễn ghen ghét, nói xấu; và biết đâu cụ sẽ không tránh khỏi bị chết oan như Lê Văn Duyệt?
Do đó, "chữ tài liền với chữ tai một vần" không hẳn nói về Thúy Kiều vì:
Thúy Kiều có tài đàn ca và làm thơ; nhưng tài này không đem lại tai họa cho nàng. Trái lại hai lần nhờ tài nàng đã được giảm bớt hoạn nạn:

 

-Lần 1: Khi Hoạn Thư, vợ của Thúc Sinh, biết tài đàn ca, hay chữ và làm thơ của Kiều thì không còn đối xử tàn tệ đối với nàng. Khi Kiều đưa tờ trình về hoàn cảnh của mình thì Hoạn Thư khen và thương: "Thoạt xem dường có ngẩn ngơ chút tình… Rằng: tài nên trọng mà tình nên thương … Ví rằng có số giầu sang, Giá này dẫu đúc nhà vàng cũng nên…" và thay vì bắt Kiều tiếp tục hầu hạ trong nhà như con ở, Hoạn Thư cho nàng ra tu dưỡng trong Quan Âm Các của nhà Hoạn Thư.
"Lĩnh lời nàng mới lựa dây, Nỉ non thánh thót dễ say long người.
Tiểu thư xem cũng thương tài, Khuôn uy dường cũng bớt vài bốn phân" (câu 1779-1782).

 

-Lần 2: Nhờ tài làm thơ Kiều được quan phủ khen ngợi không thua gì thơ thời thịnh Đường. Nàng không chỉ được tha tội gái làng chơi lại lấy chồng khi chưa có phép, mà còn được quan tổ chức đám cưới linh đình cho nàng với Thúc Sinh:
"Nàng vâng cất bút tay đề, Tiên hoa trình trước án phê xem tường.
Khen rằng: Giá đáng thịnh Đường! Tài này sắc ấy nghìn vàng chưa cân!" (câu 1453-1456) và
"Kíp truyền sắm sửa lễ công, Kiệu hoa cất gió đuốc hồng điểm sao.
Bày hang cổ xúy xôn xao, Song song đưa tới trướng đào sánh đôi.
Thương vì hạnh trọng vì tài" (câu 1465-1469).
Như vậy, "chữ tài liền với chữ tai một vần" không hẳn là mẫu số chung hay định mệnh của Kiều.

 

Nếu có tài sẽ bị tai hoạ như một định mệnh thì Kim Trọng là con người tài hoa; nhưng chàng đâu có bị chi phối bởi quy luật Tài-Mệnh.
"Họ Kim tên Trọng vốn nhà trâm anh.
Nền phú hậu, bậc tài danh, Văn chương nết đất, thông minh tính trời.
Phong tư tài mạo tuyệt vời…" (câu 148-151)

 

Như vậy cái tài mà cụ Nguyễn Du đề cập trong truyện có thể là cái tài của Tướng Hoàng Sào, Từ Hải và chính thân phận của cụ (từng là Tướng giặc phù Lê Chiêu Thống chống Tây Sơn Quang Trung Nguyễn Huệ), nếu cụ không biết lo giữ thân phận mình?

 

2/2-Phải chăng hồng nhan bạc mệnh?

 

Lạ gì bỉ sắc tư phong, Trời xanh quen thói má hồng đánh ghen (Câu 5-6)

Số còn nặng nợ má đào, Người dầu muốn quyết trời nào đã cho. (Câu 997-998)
Sau khi nghe lời Sở Khanh trốn khỏi lầu xanh bị Tú Bá bắt lại đánh cho nhừ tử, Kiều đành phải tiếp khách làng chơi, nên than thở:
Tẻ vui cũng một kiếp người, Hồng nhan phải giống ở đời mãi ru?
Kiếp xưa đã vụng đường tu, Kiếp này chẳng kẻo đền bù mới xong.
Sinh rằng: Thật có như lời, Hồng nhan bạc mệnh một người nào vay! (Câu 1905-1906)
Những người đẹp ngày xưa thường được diễn tả là "Hồng nhan bạc mệnh".

 

Dưới thời quân chủ nhiều phụ nữ đẹp bị biến thành thú tiêu khiển của vua chúa và người hầu thiếp của các quan lại. Vì thế, khi nhìn vào thực tế khách quan, người ta thường thương hại cho số phận của họ.
Ngày nay, những người đẹp kiểu mẫu hay minh tinh màn bạc và ca sĩ thời danh có bạc mệnh hay không thì vấn đề cần phải xét lại. Dĩ nhiên chúng ta không thể lẫn lộn nàng Kiều bạc mệnh thời Nguyễn Du, cách đây hơn 200 năm, phải "Sống làm vợ khắp người ta, Khéo thay thác xuống làm ma không chồng´´, với những nàng Kiều kiểu mẫu, ca sĩ và tải tử điện ảnh ngày nay, những người triệu phú, thay chồng như thay áo, và thân phận đâu có bạc như vôi?
Như vậy, phụ nữ đẹp thường mang thân phận "Hồng nhan bạc mệnh" phải chăng chỉ là một quan niệm của một thời kỳ nào đó và chỉ có giá trị đối với nhà nghèo?2/3-Con

 

người có cải được số mệnh không?

 

Kim Trọng, sau khi nghe Thúy Kiều nói thày tướng số đã báo trước số phận mình từ khi nàng còn nhỏ, thì trấn an rằng:
Sinh rằng: Giải cấu là duyên,
Xưa nay nhân định thắng thiên cũng nhiều! (Câu 419-420)
Ngoài vấn đề tôn giáo, khi nói thân phận con người qua cung Mệnh của Tử-vi hay Tướng-số theo thuyết Thiên-mệnh hay định mệnh, người ta không khỏi rơi vào tình trạng phân vân.

 

Trường hợp 1: Nếu hai hay ba đứa con (sinh đôi hay sinh ba) được sinh ra cùng giờ, cùng ngày, tháng và năm trong một gia đình nông dân nghèo nàn thì số phận của chúng trong tương lai có giống nhau không?
Câu trả lời là không!
Tại sao không?
Tại vì mỗi đứa lớn lên có thể có hoàn cảnh khác nhau. Đứa nào được gửi lên ăn học ở thành phố, được làm con nuôi hay đỡ đầu bởi nhà giầu hoặc người quyền thế, thì cuộc đời của nó sẽ sáng sủa hơn. Đứa nào tiếp tục sống ở thôn quê xa xôi hẻo lánh với cha mẹ thì ít có cơ hội phát triển và kiếp nghèo cứ đeo đưổi mãi.
Như vậy số mệnh nói theo kiểu trời định có vẻ không ổn.

 

Trường hợp 2: Trong hai cuộc di cư năm 1954 và 1975 hoặc các cuộc di cư khác trên thế giới, vì lý do chính trị, đã làm đảo lộn số phận của nhiều người và nhiều gia đình.
Có những người mang thân phận "khố rách áo ôm" tại miền Bắc đã trở thành triệu phú tại miền Nam sau cuộc di cư 1954. Có những người mang thân phận con nhà nghèo ở Việt Nam đã trở thành tiến sĩ, bác sĩ, nhà khoa học và người giầu tại nước ngoài sau cuộc di cư 1975.
Như vậy hoàn cảnh và ý chí vươn lên của mỗi người có thể làm thay đổi số phận của mình. Những câu ca dao của Việt Nam thuở xưa nay nhìn vào thực tế hình như không còn hợp thời nữa:
Con vua thì lại làm vua, Con sãi ở chùa lại quét lá đa!
hoặc
Con quan thì lại làm quan, Con nhà kẻ khó đốt than tối ngày.

 

2/4-Chữ Tâm và chữ Tài

 

Thiện căn ở tại lòng ta, Chữ tâm kia mới bằng ba chữ tài.
Căn là gốc rễ, Thiện căn là gốc rễ của cái thiện.
‘Thiện căn ở tại lòng ta’ nghĩa là gốc rễ cái thiện nằm ngay ở trong lòng mình chứ không ở đâu xa.
‘Chữ tâm kia mới bằng ba chữ tài. Tâm này là tâm gì?

 

Tâm có ác tâm, thiện tâm, tà tâm. ‘Chữ tâm’ dùng trong truyện Kiều nên hiểu về phía thiện: "Thiện căn ở tại lòng ta" Chữ Thiện căn (kusala mula) là một danh từ thuần túy Phật học và có ảnh hưởng tới cụ Nguyễn Du. Cụ Nguyễn Du công nhận chúng ta có những hạt giống thiện. Chịu khó vun tưới những hạt giống đó thì tâm của chúng ta sẽ nẩy nở cái thiện và được nhờ vào đó rất nhiều, vì: "Chữ tâm kia mới bằng ba chữ tài".
Ví dụ: hai bác sĩ có tài giống nhau, nhưng một bác sĩ chữa người với cái tâm nhân đạo, ngay chính, giúp đỡ người nghèo và tham gia vào các hội từ thiện… sẽ khác với một bác sĩ chỉ mở phòng mạch kiếm tiền.

Nếu mình không có tài mà có thiện tâm thì mình vẫn có hạnh phúc và hạnh phúc hơn những người có tài mà không có thiện tâm. Đó có thể là triết lý của cụ Nguyễn Du.

 

Kết luận

 

Cụ Nguyễn Du đã dung hòa quan niệm Thiên Mệnh và Nghiệp Quả qua lời của sư bà Giác Duyên nói với đạo cô Tam Hợp:
"Sư rằng: Phúc họa đạo trời, Cội nguồn cũng ở lòng người mà ra.
Có trời mà cũng có ta, Tu là cõi phúc tình là dây oan". (Câu 2655-2658)

 

Bốn câu thơ trên làm cho nhiều người phân vân ở chỗ cụ Nguyễn Du muốn dung hoà hai quan niệm của Khổng-giáo và Phật-giáo hoặc vì Cụ phân vân trong việc không thể lấy thuyết Thiên Mệnh làm căn bản cho cuộc sống của Thúy Kiều là do trời định; nên đành dùng thuyết Nghiệp Quả của nhà Phật?
Nghiệp Quả hay Nhân Quả cũng được nói tới lần đầu khi Tú Bà bắt Kiều tiếp khách làng chơi và nàng nhất quyết từ chối, lấy dao cắt cổ mình tự tử. Máu chảy làm nàng sợ hãi, bị hôn mê, gặp lại hồn Đạm Tiên báo mộng:
Rỉ rằng: Nhân quả dở dang, Đã toan trốn nợ đoạn trường được sao?
Số còn nặng nợ má đào, Người dầu muốn quyết trời nào đã cho. (Câu 995-998)Nếu Kiều, hay Cụ Nguyễn Du, đã tin vào Nghiệp Quả, thì không thể lại báo oán đời này để rồi tạo nên nghiệp xấu cho đời sau cả cho mình và cho người khác (binh sĩ đao phủ của Từ Hải thi hành lệnh của Kiều). Khi Kiều được Tướng giặc Từ Hải cưới làm vợ thì

 

nàng bèn "Báo ơn trả oán" (câu 2295-2390).
Máu rơi thịt nát tan tành,
Ai ai trông thấy hồn kinh phách rời! (câu 2389-2390)

 

Trong truyện Kiều cụ Nguyễn Du chỉ tả cảnh trả thù của Kiều qua 2 câu thơ trên. Nhưng trong nguyên tác Kim Vân Kiều Truyện của tác giả người Tầu là Thanh Tâm Tài Nhân thì Kiều trả thù tàn nhẫn hơn nhiều. Chúng tôi đã viết trong DCÂC tháng 4/2010. Ở đây chỉ xin ghi lại vắn tắt:
".... Phu nhân bắt đầu tuyên bố tội trạng: Mụ Bạc Bà kia đẩy người vào trong cạm bẫy, còn tên Bạc Hãnh, bán người lương thiện vào nhà xướng ca. Vậy theo đúng lời thề trước của mi, lấy dao vằm nát thân thể, rồi cho ngựa ăn. Còn mụ Bạc Bà thì đem chặt đầu bêu lên ngọn cây phía trước. Bạc Hãnh thì dùng chiếu bó như bó củi, ngoài quấn dây thừng thật chặt, rồi hai người giữ, một người cầm cưa, cắt từ dưới chân lên đầu thành hơn 100 đoạn. Ghê thay một cái thân hình như vậy mà trong giây phút thịt nát như bùn, người coi ai cũng hoảng hồn chết ngất. Bọn đao phủ vào bẩm đã thi hành xong, phu nhân truyền đem đống thịt trộn lẫn với cỏ để cho ngựa ăn. Rồi nàng gọi quân đao phủ đem bọn Ưng, Khuyển ra chém đầu để cảnh cáo những kẻ hào nô (nô bộc của phú hào) khác.

 

Vương phu nhân bèn truyền lệnh cho cung nữ đem Hoạn Thư ra, lột trần áo xiêm rồi treo lên đánh 100 trượng. Cung nữ dạ ran, túm tóc Hoạn Thư lôi ra, lột hết áo quần, chỉ để chừa một cái khố, tóc bị buộc lên xà nhà. Hai tên cung nữ mỗi tên túm một tay để lôi giăng ra, hai tên khác thì cầm vọt ngựa đứng trước và sau, một tên đánh từ trên đánh xuống, một tên đánh từ dưới đánh lên, đánh như con đỉa bỏ trong thùng vôi, con lươn trong vạc nước nóng, luôn luôn dẫy dụa kêu trời. Toàn thân chẳng còn miếng da nào lành lặn. Sau khi cung nữ báo cáo đủ 100 roi, phu nhân truyền lệnh lôi ra cho Thúc Sinh nhận lãnh.
Kế đó Sử Chiêu (3) giải bọn Mã Giám Sinh, Tú Bà, Sở Khanh vào dinh. Phu nhân hỏi: Tú Bà, mi có nhận được ta là ai không? Quân sĩ đâu, lôi con Tú Bà này ra, lấy dầu vông đun sôi để tẩm vào người, rồi dựng ngược cho đầu xuống đất, chân chổng lên trời, châm lửa đốt như ngọn đèn trời để làm tròn lời thề ngày trước. Mau lên! Còn tên Mã

 

Bất Tiến (tên thật của Mã Giám Sinh) thì kẹp chân tay vào mảnh gỗ cho căng thẳng ra, rồi rạch da và moi gân khiến cho tứ chi rời rạc, để ứng lời thề của nó. Ngoài ra, lại nấu một nồi dầu thông trộn lẫn với vỏ cây gai, đun thật sôi và lấy thùng nước lã lớn để bên, rồi đem Sở Khanh ra, lột hết áo xiêm, một người thì múc dầu thông đun sôi rưới vào mình hắn, một người thì lấy nước lạnh dội theo. Quân sĩ được lệnh lôi ba phạm nhân ra ngoài. Tú Bà thì cuốn thành một cây sáp lớn. Phía dưới chỉ lộ cái đầu. Mã Giám Sinh thì bị căng xác. Sở Khanh bị quấn thành một thỏi sắt nguội. Đoạn rồi phu nhân hô to:”Đốt sáp”, quân sĩ bèn châm lửa vào chân Tú Bà. Mụ mới bị châm một mồi lửa đã kêu đau ầm ĩ. Phu nhân mắng rằng: Mi cũng biết đau ư? Cớ sao ngày trước mi nỡ lòng hủy hoại da thịt người khác? Tú Bà chết ngất, không trả lời được nữa. Kế đến Mã Giám Sinh, quân sĩ tìm chỗ chùm gân, lấy mũi dao nhọn khoét da, rồi dùng lưỡi câu móc vào đầu gân, dùng sức lôi mạnh một cái. Giám Sinh lập tức chết tươi. Quân sĩ rút thêm ba bốn cái gân nữa làm cho thi thể Giám Sinh rời ra từng mảnh. Phu nhân bèn sai quẳng ra ngoài bể cho cá nóc ăn để báo lại tội bạc tình.

 

Còn Sở Khanh bị tẩm dầu thông và keo vỏ gai, bên trong tuy vẫn còn sống nhưng bên ngoài không cựa quậy được. Quân sĩ chạy đến bóc lột miếng vỏ gai nơi đầu ra, thì ngoài da đã bị dầu thông ăn loẻn, chẳng cần dùng sức, chỉ tuốt một cái thì lột hết da. Độ nửa giờ sau, thân thể Sở Khanh chỉ còn trơ lại một cục máu đỏ lòm nhưng vẫn còn thoi thóp. Phu nhân lại sai đem nước vôi rưới vào, tức thì toàn thân Sở Khanh nổi lên những cái mụn như là bọt nước. Rồi sau ít phút trở thành mủ, rã thịt lòi xương mà chết thê thảm..."

 

Với hành động trả thù quá tàn ác như vậy, cuộc đời kế tiếp, sau khi Kiều chết, Nghiệp Quả của nàng sẽ xấu hay tốt?
Như vậy, phải chăng truyện Kiều không phải là một tác phẩm đề cao luân lý đạo đức con người, nên mới có câu: "Đàn ông chớ kể Phan Trần, Đàn bà chớ kể Thúy Vân, Thúy Kiều"? và tác giả cũng chỉ coi truyện này là:

 

"Lời quê góp nhặt dông dài,
Mua vui cũng được một vài trống canh?"
---------------------------
Tài liệu tham khảo:
www.dthoi.com/forums/showthread.php
(http://www.thuvienhoasen.org/bamuoingaythienquan-19.htm
www.dunglac.org/index.php
(http://www.quangduc.com/Taisanh/18luanhoi.html