Dân Chúa Âu Châu

BY: HOÀNG THẠCH

 

Trong nền văn học Việt Nam có thể nói chưa có tác phẩm văn chương nào làm cho giới văn nhân và trí thức đặc biệt quan tâm và tranh luận nhiều nhất bằng truyện Kiều của thi sĩ Nguyễn Du. Hơn hai trăm năm nay, từ vua chúa đến các nhà văn, nhà thơ, nhà nho, nhà giáo… đã bàn về thơ, luận về con người tài hoa Thúy Kiều hoặc bình luận về tác giả Nguyễn Du. Dù dưới cái nhìn của thời Quân-chủ chuyên chế hay cái nhìn phóng khoáng của chủ nghĩa tự do dân chủ tại miền Nam hoặc cái nhìn độc đoán của Cộng-sản độc tài đảng trị tại miền Bắc, mỗi bài bình luận mang một sắc thái riêng; nhưng không làm mất vẻ đẹp văn chương của tuyệt tác truyện Kiều.

Cùng thời kỳ với Cụ Nguyễn Du có tác giả Mộng Liên Đường và Phạm Lập Trí đã phân tích và khen ngợi tài văn chương truyện Kiều. Kế đến có vua Minh Mạng, vua Tự Đức, Hà Tôn Quyền, Nguyễn Văn Thắng, Nguyễn Công Trứ, Nguyễn Khuyến, Chu Mạnh Trinh; rồi đến các học giả thời cổ động văn chương chữ quốc ngữ và thời cận đại như Trương Vĩnh Ký, Đào Nguyên Phổ, Nguyễn Văn Vĩnh, Phạm Quỳnh, Phan Kế Bính, Trần Trọng Kim, Ngô Đức Kế, Huỳnh Thúc Kháng, Bùi Kỷ, Dương Bá Trạc, Tản Đà, Nguyễn Văn Tố, Dương Quảng Hàm, Nguyễn Tường Tam, Hoài Thanh, Lưu Trọng Lư, Đào Duy Anh, Hoàng Xuân Hãn, Đinh Gia Trinh, Nguyễn Mạnh Tường v.v...

 

Khen với tinh thần khách quan hay phê bình với tinh thần chủ quan về một vài khía cạnh nào đó, các tác giả đã vô tình hay hữu ý cùng nhau đưa truyện Kiều lên văn đàn của đất nước, để rồi tiếng tăm truyện Kiều, với thời gian, vượt ra ngoài biên giới tổ quốc và được biết tiếng trên văn đàn thế giới. Sự kiện này chứng tỏ truyện Kiều không phải chỉ là vấn đề văn chương thuần túy trong lãnh vực văn học mà đã biến thành đề tài văn hoá của cả dân tộc Việt Nam nói riêng và nhân loại nói chung.

Vì tính cách quan trọng về lãnh vực văn chương truyện Kiều, chúng tôi sẽ viết đề tài này trong hai bài.

 

Văn chương truyện Kiều bài 1

 

Giá trị của một tác phẩm không những chỉ được người ta đánh giá cao tại một quốc gia, qua việc xuất bản và phổ biến rộng rãi trong học đường và quần chúng, mà còn dựa vào sự kiện dịch thuật nhiều hay ít ra các ngôn ngữ của các quốc gia khác trên Thế-giới. Giá trị càng được nâng cao hơn khi Tổ-chức Giáo-dục Khoa-học và Văn-hóa của Liên Hiệp Quốc "UNESCO" (The United Nations Educational, Scientific and Cultural Organization)công nhận và xếp vào kho tàng văn học của nhân loại. Do đó, chúng ta cần tìm hiểu các vấn đề sau đây:

 

I)- Truyện Kiều được dịch qua các ngôn ngữ:

1- Tiếng Anh:

-Kim Vân Kiều của Lê Xuân Thủy, Sài Gòn, 1963.

- The Tale of Kieu của Huỳnh Sanh Thông, New York, 1973. Năm 1973, ông là người dịch đại tác phẩm thi ca, Truyện Kiều của đại văn hào Nguyễn Du vào đầu thế kỷ 19, sang tiếng Anh. Mười năm sau khi giới thiệu Truyện Kiều với độc giả ngoại quốc, để mở rộng giảng dạy cho giới sinh viên văn chương và làm tài liệu cho giới học giả nghiên cứu, ông bổ túc thêm chú giải và cùng Yale University Press tái xuất bản tác phẩm này dưới dạng song ngữ. Vì có công tiên phong trong việc phổ biến Truyện Kiều ra thế giới, Gs Huỳnh Sanh Thông được trao học bổng MacArthur Fellowship danh tiếng vào năm 1987. Người ta còn nhớ, trước đó, vào năm 1981, Gs Thông là một người Việt Nam từng được giải thưởng the AAS Benda Prize.

- Kiều của Michael Councell, Luân Đôn.

- The Kim Vân Kieu of Nguyen Du (1765-1820) được ấn hành năm 2004 bởi Pandanus Books, trực thuộc Trường Nghiên cứu châu Á Thái Bình Dương của Đại học Quốc gia Úc.

 

2- Tiếng Ba Lan: “Kim Wen Kieov”, Vacsava, (?).

 

3- Tiếng Đại Hàn: “Truyện Kiều” của Gs Ahn Kyong Hwan, tốt nghiệp khoa tiếng Việt trường Đại-học Ngoại ngữ Hàn Quốc năm 1976. Ông là người Hàn đầu tiên làm Luận án thạc sỹ ngôn ngữ tại Việt Nam (năm 1996) và viết bằng tiếng Việt. Truyện Kiều của ông được ra mắt ngày 20.12.2004, nhân dịp kỷ niệm 12 năm tình hữu nghị Việt-Hàn.

 

4- Tiếng Đức: “Das Mädchen Kiêu”, của ông Franz Faber và bà Irene Faber in năm 1964, được tái bản ở Đức năm 1976.

 

5- Tiếng Hung Gia Lợi (Hungary), của Trương Đăng Dung, người Việt Nam đầu tiên dịch Truyện Kiều của Nguyễn Du sang tiếng Hung, và được nhà xuất bản Europa xuất bản năm 1984.

 

6- Tiếng Mông Cổ: Truyện Kiều bằng tiếng Mông Cổ của Dịch giả Dashtsevel.

 

7- Tiếng Nhật: Kim Vân Kiều của tác giả Aoi Komatsu, Tokyo. Nhà thơ Nguyễn Giang, con trai của Nguyễn Văn Vĩnh đưa cho nhà văn Komatsu Kiyoshi (Kô-ma-tsu Ki-yô-shi) tập truyện Kiều bằng tiếng Pháp. Từ tập sách này, Komatsu đã dịch ra tiếng Nhật, được nhà xuất bản Đông Bảo xuất bản và phát hành ở Nhật Bản. Đó là bản dịch Truyện Kiều ra tiếng Nhật lần đầu tiên. Komatsu viết: “Muốn biết rõ tâm hồn của người An Nam thì phải đọc cuốn sách này

- Kim Vân Kiều Tân Truyện của Takeuchi Yonosuke, do nhà xuất bản Kodansha, Tokyo, xuất bản năm 1975. Ông là dịch giả của nhiều tác phẩm nổi tiếng của văn học Việt Nam như: Chinh phụ ngâm, Lục Vân Tiên, Đoạn tuyệt, Hồn bướm mơ tiên…Tất cả những sách này đều được Đại học Thư Lâm (Daigaku shorin) ấn hành.

 

8- Tiếng Pháp: 10 bản.

Trên thế giới, hiếm có trường hợp một tác phẩm được nhiều người dịch ra cùng một thứ tiếng như Truyện Kiều với 10 bản dịch tiếng Pháp khác nhau, gồm các thể loại văn xuôi, thơ, thơ tự do hoặc thơ 12 chữ:

- Bản của Abel des Michels (2 tập-Paris 1884-1885, Ernest Leroux).

- Bản Thu Giang (Paris 1915, Challamel): Bản này hiện Phạm Đan Quế chưa tìm được, chỉ căn cứ theo phần "Danh mục" trong cuốn Tập Văn họa kỷ niệm Nguyễn Du (Hội Quảng Trị - Huế, 1942) do Đào Duy Anh chủ trương.

- Bản René Crayssac(Kim Vân Kiều - bài thơ An Nam nổi tiếng của Nguyễn Du do René Crayssac dịch sang thơ Pháp - NXB Lê Văn Tân 1926) dịch hơn 100 trang thơ Kiều thành 384 trang thơ tiếng Pháp 12 chữ.

 

- Bản Kim, Van, Kièu của L. Masse dịch từ tiếng An Nam, NXB Bossard, 140 Paris, 1926. Đây chỉ là bản lược dịch thành văn xuôi (không theo sát nguyên văn) với 140 trang sách.

- Bản M.R: Kim Vân Kiều, bản dịch sang tiếng Pháp mới, 2 NXB Hà Nội - NXB Alexandre de Rhodes 1944: Không rõ lần xuất bản thứ nhất vào năm nào, bìa sách in lần hai không ghi tên người dịch mà chỉ ghi cuối phần lời nói đầu: M.R. Trong “Danh mục“ sách của Tập Văn họa kỷ niệm Nguyễn Du (1942) không đề cập đến bản dịch này.

- Bản Kim Vân Kiều củaNguyễn Văn Vĩnh dịch sang tiếng Pháp, NXB Alexandre de Rhodes ấn hành các năm 1942 (tập I), 1943 (tập II): Đây là bản dịch được đầu tư công sức và thời gian nhiều nhất (gần 30 năm, từ 1908 đến 1936 - với 3 lần dịch). Bảy năm sau khi Nguyễn Văn Vĩnh mất, bản dịch cuối cùng của ông mới được xuất bản, được đánh giá là bản dịch văn xuôi tỉ mỉ và tinh tế nhất. Bởi giá trị như thế nên bản dịch này còn được tái bản 4 lần nữa (Vĩnh Bảo 1951, Khai Trí 1970, NXB Văn học 1994 và NXB Văn nghệ TP. HCM 2002).

- Bản Kiều Nguyễn Du của Nguyễn Khắc Viện, NXB Văn học 1970, NXB Ngoại văn Hà Nội tái bản 1974... Từ năm 1979 sách được in lại nhiều lần bằng song ngữ Việt-Pháp (thể thơ tự do).

- Bản Kim Vân Kiều của Xuân Phúc, Xuân Việt dịch từ tiếng Việt sang tiếng Pháp gồm 192 trang do Gallimart xuất bản trong tủ sách Connaissances de l’Orient, Paris 1961. Đây là bản dịch theo thể văn xuôi.

- Bản Histoire de Kiều của Lê Cao Phan: Truyện Kiều, dịch từ tiếng Việt sang thể thơ 12 chữ với phần chú và bình của Lê Cao Phan. NXB Khoa học xã hội Hà Nội 1994. Ưu điểm lớn của bản dịch này là dịch giả đã bỏ ra nhiều công sức để dịch mỗi câu thơ tiếng Việt ra một câu thơ tiếng Pháp (đồng thời ông còn thực hiện một bản dịch Truyện Kiều sang tiếng Anh).

- Bản Lưu Hòa: (thơ tự do) - NXB Hà Nội 1999. Bản này dùng văn bản Truyện Kiều và chú thích của bản Bùi Kỷ - Trần Trọng Kim (NXB Tân Việt).

 

9- Tiếng Tầu: Kim Vân Kiều của Hoàng Dật Cầu, Bắc Kinh, do NXB Văn Học Nhân Dân xuất bản năm 1959 tại Bắc Kinh.

-Truyện Kiều của La Trường Sơn. Quê ở Quảng Đông, Trung Quốc, nhưng La Trường Sơn lại sinh năm 1938 tại Huế. Năm 1954, vượt tuyến ra Bắc vào đúng ngày Quốc khánh Trung Quốc 1-10-1955 về đến Quế Lâm. Không kể Mơ và Tỉnh, tập thơ gồm 67 bài viết bằng tiếng Việt hầu hết đều viết theo thể lục bát, trên các tạp chí Toàn Cảnh Đông Nam Á, Nghệ Thuật Dân Tộc, Học Báo Học Viện Giáo Dục Quảng Tây..., La Trường Sơn đã dịch hàng chục truyện ngụ ngôn, cổ tích VN, hàng trăm câu ca dao tục ngữ và rất nhiều công trình của các nhà văn bản học, phong tục học, folklore học của VN như Trần Văn Giáp, Phan Kế Bính, Ngô Đức Thịnh, Toan Ánh, Lý Khắc Cung. Ông cũng trực tiếp viết hàng chục tiểu luận giới thiệu với bạn đọc Trung Quốc gần như mọi mặt về đời sống văn hóa phong tục VN. La Trường Sơn cũng yêu mến không kém nền văn học cổ điển VN. Ông đã dịch toàn bộ thơ Bà Huyện Thanh Quan. Khâm phục thơ ca và cả cá tính của “bà chúa thơ Nôm", ông cũng đã viết hai tiểu luận về Hồ Xuân Hương, đã dịch toàn bộ thơ của bà kèm theo những chú thích tỉ mỉ và lời bình giải cho mỗi bài. Ngoài việc phát hành ở VN vào dịp Quốc khánh Trung Quốc (1-10), Truyện Kiều bản tiếng Hán đã được phát hành trong hội chợ Asian tại Nam Ninh (Trung Quốc) vào khoảng cuối tháng mười 2006.

 

10- Tiếng Tiệp Khắc: "Kiều" của Gustav Franck, Praha, 1957

 

11- Tiếng Thụy Điển:"Kim och Kieu", Magnus Hedlund, Claes Hylinger, Lars Lindvall, Stockolm, 1969.

 

II)- Kỷ Lục Về Truyện Kiều

 

Từ truyện Kiều, người ta đã chế biến ra bói Kiều, lẩy Kiều, bình Kiều, vịnh Kiều, đố Kiều, viết tiếp Truyện Kiều, Truyện Kiều đọc ngược, giai thoại Truyện Kiều... và cả Những kỷ lục của Truyện Kiều do Phạm Đan Quế nêu ra.

 

1- Kỷ lục Việt Nam

 

- Truyện Kiều là một tác phẩm văn học đã đưa nhà thơ Nguyễn Du lên hàng danh nhân văn hóa thế giới (do Unesco công nhận).

- Là quyển sách duy nhất không viết ra để bói nhưng người dân vẫn thường xuyên dùng để bói.

- Quyển sách có hiện tượng vịnh Kiều với hàng ngàn bài thơ vịnh Kiều đã từng được đăng báo hoặc in sách. Từ các vị vua say mê Truyện Kiều như Minh Mạng, Tự Đức đến các nhà Nho như Phạm Quý Thích, Hà Tôn Quyền, Nguyễn Công Trứ, Tôn Thọ Tường, Phan Văn Trị, Tản Đà...

- Bộ phim đầu tiên của Việt Nam ra đời năm 1924 tại Hà Nội với cốt truyện và tựa đề Kim Vân Kiều (phim câm).

- Thi phẩm có hàng trăm cuốn sách viết về nó, nhiều nhất tại Việt Nam.

- Thi phẩm tạo ra nhiều giai thoại nhất Việt Nam vượt qua con số hàng trăm. Chỉ trong cuốn Kho tàng giai thoại Việt Nam của Vũ Ngọc Khánh (NXB Văn Hóa 1994), đã có tới 53 giai thoại về Truyện Kiều và trong cuốn Đố vui tìm hiểu Truyện Kiều của Nguyễn Thiện Văn (NXB Thanh Niên 2000) đã có 101 câu đố (và đáp án).

- Quyển Kiều nặng nhất Việt Nam (tính đến thời điểm hiện nay) có lẽ là Truyện Kiều độc bản do nhà thư pháp Nguyệt Đình viết chữ quốc ngữ trên 300 trang giấy cossin 120 khổ 1m x 1,6m. Sách nặng 50 kg. Cuốn sách này hiện đặt tại Khu di tích Nguyễn Du (xã Tiên Điền, Nghi Xuân, Hà Tĩnh).

 

2- Kỷ lục thế giới

 

- Tác phẩm có nhiều bản dịch (10 bản) ra cùng một ngoại ngữ (tiếng Pháp) với nhiều thể loại khác nhau.

- Tác phẩm có 7 cuốn "hậu"

- Đào Hoa Mộng Ký của tác giả Mộng Liên Đình, với khoảng 3.000 câu thơ lục bát và Đào Hoa Mộng Ký diễn ca chưa rõ bản gốc, ông Phạm văn Phương dịch ra quốc ngữ (Nhà Mạc Đình Tư xuất bản năm 1917) gồm 1.910 câu thơ lục bát. Đây là 2 cuốn hậu Truyện Kiều được viết vào thế kỷ thứ 19, tuy cùng một câu chuyện về giấc mộng hoa đào nhưng nội dung lại khác.

- Kiều Tân thời (Hài văn) gồm 304 câu lục bát của Bạch Diện (nhà in Trung Bắc, Hà Nội 1935) mang tính châm biếm hài hước, đả phá các thói xấu của xã hội ở thập kỷ ba mươi của thế kỷ trước.

- Kiều Bình-dân Học-vụ (2.050 câu lục bát, tác giả Nguyễn Văn Trinh, sở giáo dục Hà Nội 1985) nhằm phục vụ cho phong trào xóa nạn mù chữ.

- Đoạn Trường Vô Thanh gồm 3.296 câu lục bát (Truyện Kiều dài 3.254 câu) của Phạm Thiên Thư là cuốn hậu Truyện Kiều đúng nghĩa và thành công hơn cả, tác phẩm này đã được trao giải nhất văn chương tại miền Nam năm 1973.

- Đoạn Trường Nhất Thanh với 1.028 câu lục bát của Trần Thanh Vân (NXB Kiên Giang): Từ Hải xây dựng triều đình riêng, Kiều là hoàng hậu. Kim Trọng thi đỗ Trạng võ, được triều đình nhà Minh cử đi đánh dẹp Từ Hải...

- Truyện Kiều đọc ngược gồm toàn bộ 3.254 câu Kiều xếp dần ngược lại do Phạm Đan Quế thực hiện (NXB Thanh Niên 2002).

- Cuốn sách duy nhất trên thế giới có thể đọc ngược từ cuối đến đầu đề truyện về nàng Kiều diễn ra theo chiều thời gian ngược lại, như đang xem một cuốn phim tua ngược chiều (đúng với nội dung trong tác phẩm của Nguyễn Du).

-Tác phẩm tạo ra quanh nó một loạt nhiều loại hình văn hóa nhất: bình Kiều, vịnh Kiều, bói Kiều, tập Kiều, đố Kiều, câu đối Kiều, hát nói tập Kiều, phú-văn tế Kiều, án Kim Vân Kiều, những cuốn hậu Truyện Kiều, giai thoại về Truyện Kiều… Kiều trên điện ảnh, sân khấu, trong âm nhạc, hội họa.

 

III)- Tại sao Truyện Kiều được coi là tuyệt tác văn chương thi ca của Việt Nam?

 

Trả lời cho câu hỏi này, chúng tôi sẽ nhận định, so sánh giá trị văn chương của Truyện Kiều trong nền văn học Việt Nam và Thế-giới.

I- Giá trị văn chương của truyện Kiều trong nền văn học Việt Nam

Giá trị văn chương của truyện Kiều trong nền văn học Việt Nam được nhiều học giả, thi sĩ, sử gia nhận định. Trong bài này chúng tôi chỉ đưa ra một vài nhận định như sau:

- Sử gia Trần Trọng Kim: "Truyện Thúy Kiều" là một tập văn chương rất hay, diễn được đủ cả nhân tình thế cố, tả được cả mọi cảnh trong đời, mà chỗ nào văn chương cũng tao nhã, lời lẽ cũng lý thú. Nói theo tiếng đời nay thì "Truyện Thúy Kiều" thật là một tập văn chương đại trước tác của nước ta vậy’’.

- Học-giả Phạm Quỳnh: "Truyện Kiều còn, tiếng ta còn; Tiếng ta còn, nước ta còn..." - “Đối với những kẻ nào chê rằng người Việt Nam chúng ta không có văn chương, các bạn hãy đọc cho họ nghe những câu thơ của Nguyễn Du mà tất cả các bạn hẳn đã thuộc lòng, hoặc những câu thơ của Nguyễn Công Trứ, hoặc những bài thơ của Hồ Xuân Hương, rồi các bạn thử hỏi họ xem đã có mấy nền văn chương trên thế giới có được những câu thơ đậm đà tao nhã như thế, dĩnh ngộ như thế; biểu diễn bằng một hình thức hoàn toàn đến thế những tình cảm khác màu sắc đến thế và sâu sắc đến thế không?" (Bài: “Etudes classiques sino annamitos’’ - Sách Nouveaux essais franco-annamites).

- Giáo-sư Dương Quảng Hàm: “Trên từ các bậc văn nhân thi sĩ, dưới đến các kẻ thường dân phụ nhụ, ai cũng thích đọc, thích ngâm và thuộc được ít nhiều...”

- Ca dao

Làm trai biết đánh tổ tôm

Uống chè Mạn Hảo, xem Nôm Thuý Kiều.

- Georges Boudarel: “Ít nhà thơ trên thế giới có khả năng đạt được tiếng vang sâu đậm trong dân chúng của mình như Nguyễn Du ở Việt Nam. Truyện Kiều của ông là cuốn sách kinh điển của văn chương Việt Nam nhưng là một thứ kinh điển mọi người đều biết, không có ai là ngoại lệ.”

 

1/1-Giá trị dựa trên thơ lục bát

 

Truyện Kiều nổi tiếng, theo tác giả Georges Boudarel, là “...cuốn sách kinh điển của văn chương Việt Nam nhưng là một thứ kinh điển mọi người đều biết, không có ai là ngoại lệ’’.

Kinh điển văn chương của dân tộc Việt Nam là gì, nếu không phải các câu ca-dao, đồng dao, tục ngữ, phong dao được làm theo thể thơ Lục Bát (1 câu 6 chữ và 1 câu 8 chữ) rất phổ biến trong dân gian. Thực tế cho thấy Cụ Nguyễn Du không phải là tác giả đầu tiên viết truyện bằng thơ Lục Bát. Trước truyện Kiều đã có một số thi phẩm được viết bằng thơ Lục Bát như: Trinh Thử của Hồ Huyền Quy, Trê Cóc của tác giả vô danh và Phan Trần v.v...

a)-Trinh thử nghĩa là con chuột có lòng trinh tiết. Đây là một câu truyện ngụ ngôn. Tác giả mượn truyện của loài chuột để tán dương lòng trinh tiết và chỉ trích lòng dâm tà của người đời. Cũng có ý kiến cho rằng Hồ Huyền Quy mượn truyện con chuột để châm biếm Hồ Quý Ly (1336-1407) và hoàn cảnh chính trị đương thời. Hồ Quý Ly còn có tên là Lê Quý Ly, người đã cướp quyền lực của nhà Trần và khởi đầu nhà Hồ trong lịch sử Việt Nam. Trong thời gian cầm quyền, ông đã thực hiện nhiều cải cách quan trọng, nhưng bị thất bại trong việc chống lại cuộc xâm lăng của nhà Minh.

 

Về sự ra đời của truyện kiều có thuyết nói Nguyễn Du viết Truyện Kiều sau khi đi sứ Trung Quốc (1814-1820). Có thuyết nói Nguyễn Du viết trước khi đi sứ, có thể vào thời gian làm Cai bạ ở Quảng Bình (1804-1809). Như vậy so với truyện Trinh Thử, truyện Kiều xuất hiện sau khoảng 400 năm, hay nói cách khác thơ Lục Bát trong truyện Trinh Thử đã xuất hiện trước truyện Kiều 400 năm.

Chúng tôi xin đưa ra là một đoạn trích dẫn thơ Lục-bát trong truyện Trinh Thử:

Trinh thử/I

Vừa năm Long Khánh đời Trần,

Muôn phương triều cống mười phân thái bình.

Ngụ miền Lộc đổng cảnh thanh,

Là Hồ sinh vốn thiện danh đang thì.

Nhiều bề cách vật trí tri,

Tiếng muông chim lại hay suy nên lời.

Kinh thành nhân thủa ra chơi,

Lý Lê thủ tướng gần nơi ngụ nhà.

 

b)-Trê Cóclà một truyện Nôm khuyết danh của Việt Nam, chủ ý bày tỏ cái thói "tranh hơi tức khí" gây nên những cuộc kiện tụng và chỉ trích cái tệ nhũng lạm của bọn sai nha cùng cái hại "xui nguyên giục bị" của bọn thầy cò (theo Gs. Dương Quảng Hàm, Việt Nam thi văn hợp tuyển).

("Xui nguyên giục bị" là xúi người này kiện, khiến người kia phải lo chạy kháng kiện, mình đứng giữa làm cò mồi hưởng lợi, ám chỉ kẻ xấu)

1-Truyện đời có cổ có kim,

Ngẫm trong vật lý mà xem cũng kỳ.

Những tuồng loài vật biết gì,

Cũng còn sự lý tranh thi khéo là.

 

c)- Phan Trần

Truyện Phan Trần xuất hiện vào khoảng đầu Thế-kỷ 17, như vậy thợ Lục Bát trong truyện Phan Trần cũng xuất hiện trước thơ Lục Bát trong truyện Kiều.

Chúng tôi đưa ra vài câu dẫn chứng:

Mối liên lạc của họ Phan và họ Trần

Trên am thong thả sách, cầm,

Nhàn nương án ngọc, buồn ngâm quyển vàng.

Thấy trong triều Tống Tĩnh-khang,

Một chàng Hòa-quận, một chàng Đàm-chu,

Bảng vàng, bia đá nghìn thu,

Phan, Trần hai họ,cửa nho dõi truyền.

***Bài kỳ tới: II. Giá trị văn chương
truyện Kiều so với văn học Thế-giới.

-------------------------

Tài liệu tham khảo

- thethaovanhoa.vn/173N20100523090948598T173/canada-ngam-tho-ly-bach-bang-10-thu-tieng!.htm

- vietnamnet.vn/vanhoa/vandekhac/2004/12/358218/

answers.yahoo.com/question/index

- news.yahoo.com/s/afp/20060804/od_afp/francepoemoffbeat

- thethaovanhoa.vn/173N2010010610052404T133/hoi-nghi-quoc-te-gioi-thieu-van-hoc-vn-dich-ai-ai-dich.htm

- www.bbc.co.uk/vietnamese/culturesport/story/2006/03/060315_truyenkieu_bandich.shtml

- thongtinhanquoc.com/cuoc-song/van-hoa/140-truyen-kieu-duoc-dich-sang-tieng-han-quoc/

- www.anviettoancau.net/anviettc/index.php

- www.vietnam4all.net/HUYNH%20%20SANH%20%20THONG.doc