Dân Chúa Âu Châu

BY: HOÀNG THẠCH


Trong hai bài trước chúng tôi đã bàn về nghệ thuật tả người và tả cảnh thật tài tình của thi-hào Nguyễn Du. Nếu chỉ nói về cái tài tả người và tả cảnh không thôi thì vẫn chưa lột hết được cái thi vị của truyện Kiều. Trong các bài kế tiếp chúng tôi sẽ bàn về nghệ thuật tả tâm tình buồn của tác giả được lồng trong khung cảnh của trời đất, cỏ cây, sông nước và đặc biệt là các điển tích, mà nếu người đọc không tìm hiểu ý nghĩa của các điển tích thì vấn đề thưởng thức cái hay của truyện Kiều vẫn chưa đạt tới tuyệt đỉnh.
Có khá nhiều những câu thơ tả tâm tình buồn của Cụ Nguyễn Du, nhưng vì giới hạn của bài viết, chúng tôi chỉ nêu ra một số diễn tả điển hình sau đây:

 

1)- Lối tả tâm tình qua cảnh chiều tà

 

Cảnh chiều tà tự nó thường đem lại chút buồn thênh thang, khách quan và không hướng về một đối tượng quan trọng nào đối với các nhân vật trong truyện như các câu thơ dưới đây:

 

 

Tà tà bóng ngả về tây,
Chị em thơ thẩn dan tay ra về.

 

hay

 

Dưới cầu nước chảy trong veo,
Bên cầu tơ liễu bóng chiều thướt tha.
Cảnh chiều tà như hòa chung nỗi xót xa của khách qua đường tiếc thương cho thân phận của một nàng ca nhi xấu số. Đạm Tiên đang nằm dưới nấm mộ hoang vắng bên đường:

 

Trải bao thỏ lặn ác tà,
Ấy mồ vô chủ, ai mà viếng thăm!
Ở đây âm khí nặng nề,
Bóng chiều đã ngả dậm về còn xa.

 

Cảnh chiều tà hòa chung với tâm trạng buồn vì mối tình tương tư, hoặc tâm trạng thương nhớ quê hương và gia đình của người trong cuộc phải sống nơi đất khách quê người:

 

Hiên tà gác bóng chênh chênh,
Nỗi riêng, riêng trạnh tấc riêng một mình
Gió chiều như gợi cơn sầu,
Vi lô hiu hắt như màu khảy trêu
Song sa vò võ phương trời,
Nay hoàng hôn đã lại mai hôn hoàng

 

2)- Lối tả tâm tình khi chia ly

 

Còn nỗi buồn nào hơn lúc chia tay, khi kẻ ở người đi, mỗi người đi về một phương trời. Cuộc chia tay như con đường chia hai, như mặt trăng xẻ đôi, khiến cho người trong cuộc lệ rơi thấm đá, sầu buồn mênh mang:

 

Buộc yên quảy gánh vội vàng,
Mối sầu xẻ nửa bước đường chia hai

 

hay:

 

Đau lòng kẻ ở người đi,
Lệ rơi thấm đá tơ chia rũ tằm.

 

và:

 

Vầng trăng ai xẻ làm đôi,
Nửa in gối chiếc, nửa soi dặm trường

 

3)- Lối tả tâm tình qua điển tích

 

Không chỉ dùng thiên nhiên tả cảnh hiện thực và tâm tình nhân vật trong từng hoàn cảnh, Cụ nguyễn Du còn đưa các điển tích vào câu truyện để gia tăng giá trị về phương diện lịch sử văn chương, văn học hoặc lịch sử đất nước, để cho nỗi buồn trở nên sâu đậm hơn, xót xa hơn. Đoạn thơ sau đây là một trường hợp điển hình:
Sau khi Kiều tự bán mình chuộc cha, nàng than cho thân phận nữ nhi của mình:

 

Một mình nàng ngọn đèn khuya,
Áo dầm giọt lệ, tóc xe mối sầu.
Phận dầu, dầu vậy cũng dầu,
Xót lòng đeo đẳng bấy lâu một lời!
Công trình kể biết mấy mươi.
Vì ta khăng khít, cho người dở dang.
Thề hoa chưa ráo chén vàng,
Lỗi thề thôi đã phụ phàng với hoa.
Trời Liêu non nước bao xa.
Nghĩ đâu rẽ cửa chia nhà tự tôi.
Biết bao duyên nợ thề bồi.
Kiếp này thôi thế thì thôi còn gì.
Tái sinh chưa dứt hương thề.
Làm thân trâu ngựa đền nghì trúc mai.
Nợ tình chưa trả cho ai,

 

Khối tình mang xuống tuyền đài chưa tan. (câu 695-710)Để hiểu thấu cái nỗi xót xa của Thuý Kiều qua 4 câu thơ cuối ở trên, chúng ta cần biết các điển tích dưới đây: 1)-

 

Sự tích làm thân trâu ngựa:

 

Tác giả Đàm Duy Toại trong tác phẩm "Truyện Kim-Vân-Kiều, Giảo-đính Tường-giải" có kể một người vay bạn một số tiền để đi buôn, nhưng không may thua lỗ mất hết cả. Tuy bạn không đòi, nhưng anh ta vẫn ân hận mãi và lúc gần chết nhắn lại bạn là sẽ trả. Được ít lâu, bỗng một hôm người bạn mơ thấy anh ta vui vẻ đến trả nợ. Sáng sau, người bạn thấy con trâu cái nhà mình đẻ một con trâu đực con rất mập mạp, biết là bạn đến trả nợ, chăm nuôi rất tử tế. Con trâu con lớn lên rất ngoan, kéo cày rất khoẻ. Mỗi khi trâu mệt, kéo cày có ý chểnh mảng, thì thợ cày nói đến nợ, là trâu lại cố gắng kéo. Người chủ thấy vậy rất thương tình. Một tối nọ mới bảo trâu rằng: "Bác trả nợ tôi thế là hết rồi, từ mai không phải đi làm nữa, ở đây chơi với tôi cho vui". Sáng hôm sau trâu chết lúc nào không ai biết. Người chủ chôn trâu tử tế".

 

Có tài liệu giải thích theo thuyết Luân Hồi của Phật Giáo. Kiếp sau của Kiều, vì còn nợ đời nếu phải tái sinh làm kiếp con trâu hay con ngựa để kéo cày, kéo xe trả nợ tình Kim Trọng thì cũng là chuyện không có gì phải oán trách. Kiếp này chưa trả được nợ tình thì có chết đi khối tình của nàng dành cho chàng vẫn không tan.
 
2)- Điển tích trúc mai

 

Trong các bức tranh thủy mạc của Tầu thường người ta vẽ bụi trúc bên cạnh cành mai. Hai loại cây này, dù trong đông giá vẫn không tàn úa. Đông đi xuân đến được biểu tượng qua bốn loại bông hoa là mai, lan, cúc, trúc, tượng trưng cho 4 mùa của trời đất vận chuyển theo một chu kỳ nhất định.
Trúc Mai được chép trong sách "Lưỡng ban thư vũ tùy bút".

 

Tại huyện Long Môn, tỉnh Quảng Đông có một cái đầm nước rất đẹp. Vào mùa Thu, lá vàng xào xạc, thân cây trơ trụi, riêng chỉ có hai loài mai và trúc lá vẫn xanh tươi. Những người quyền quí thường đến đó ngoạn cảnh trong tiết Thu sang. Tình cờ có hai trai gái quen nhau, rồi yêu nhau. Đôi uyên ương đều là con nhà gia phong thế phiệt. Chàng là Lâm Bá Trúc, nàng là Hoàng Kỳ Mai. Người con gái có cốt cách cao sang thường được tả là mình hạc xương mai. Còn cây trúc được ví với các nho sinh, công tử hay người quân tử.

 

Ngày ngày Kỳ Mai và Bá Trúc đều hẹn nhau dạo chơi trên đầm. Nhưng rồi mùa Thu cũng ra đi. Đôi uyên ương trao lời tạm biệt. Buổi chiều cuối dạo thuyền trên đầm, Bá Trúc bẻ một cành mai, Kỳ Mai bẻ một nhánh trúc, rồi cùng thành tâm khấn nguyện: "Hai cành trúc mai là đôi chúng ta. Chúng ta ném hai cành cây này xuống nước theo hướng khác nhau. Nếu là duyên trời định thì giòng nước sẽ đưa đẩy hai cành cây này đến với nhau, đó là trúc mai hòa hợp, chúng ta sẽ nên duyên vợ chồng. Xin đất trời chứng giám".

 

Một cơn gió nổi lên, mặt nước đang lặng lờ bỗng gợn sóng. Chỉ một lúc sau, sóng gió đưa đẩy hai cành trúc mai đến gối đầu lên nhau. Lời nguyện đã linh ứng. Đôi trẻ trở về thưa chuyện với lệnh đường đôi bên. Hai họ cho đó là duyên tiền định, nên hoan hỷ tác hợp cho Trúc-Mai thành duyên vợ chồng. Về sau người ta đặt cho cái đầm ấy tên là

 

"Đỗ phụ đầm" có nghĩa là "cái đầm đánh cá được vợ".
Đời sau, khi nói trúc mai là nói đến tình nghĩa vợ chồng.

 

Kim Trọng và Thuý Kiều dù chỉ mới thề ước, nhưng đã coi nhau như phu thê tình nồng. Sau khi Kiều bán mình chộc cha và bị trôi nổi phương xa, Kim Trọng đã đón cha mẹ Kiều về nuôi. Tình nghĩa Trúc-Mai cũng được nói đến trong nhiều câu thơ khác của truyện Kiều như:

 

"Hồn còn mang nặng lời thề, Nát thân bồ liễu đền nghì trúc mai” (Câu 745, 746. Kiều nói với Thúy Vân).
"Muôn ngàn người thấy cũng yêu, Xôn xao anh yến, dập dìu trúc mai“ (Câu 943, 944. Tú Bà khấn vái).
"Thờ ơ gió trúc mưa mai, Ngẩn ngơ trăm nỗi, dùi mài một thân“ (Câu 1249, 1250. Kiều ở thanh lâu).
"Một nhà sum họp trúc mai, Càng sâu nghĩa bể, càng dài tình sông.“ (Câu 1381, 1382. Thúc sinh chuộc Kiều).
"Chắc rằng mai trúc lại vầy, Ai hay vĩnh quyết là ngày đưa nhau“ (Câu 1679, 1680. Thúc Sinh than khóc).

 

3)- Điển tích Khối Tình:

 

Sự tích 1:

 

Trong một triều đại của thời nhà Đường, có vị thượng quan kia chán cảnh quan trường cương toả, nên cáo lão qui điền. Ông đưa gia quyến đến một vùng ngoại ô vắng vẻ của kinh thành, cư ngụ trên bờ một giòng sông. Ông chỉ có một người con gái duy nhất, năm ấy tuổi vừa cập kê, nhan sắc tuyệt vời, tên là Mỵ Nương. Tiểu thư Mỵ Nương suốt ngày nhàn nhã, chỉ lấy thú đọc sách, đánh đàn làm vui. Một đêm trăng nọ, Mỵ Nương đứng trên bao lơn vọng lầu ngắm ánh trăng vàng lung linh trên mặt sông rộng. Bỗng nàng nghe có tiếng sáo du dương, trầm bổng từ đâu vẳng đến theo làn gió nhẹ của đêm thu. Tiếng sáo như có một ma lực huyền diệu xoáy sâu vào tâm hồn nàng tiểu thư khuê các đang độ tuổi xuân xanh. Nàng say mê lắng nghe với nỗi xúc cảm mãnh liệt của tâm hồn.

 

Liên tiếp nhiều đêm như thế, Mỵ Nương cứ đứng lặng trên lầu để thưởng thức tiếng sáo tuyệt vời ấy mà chẳng biết nó xuất phát từ đâu. Lòng xuân của cô tiểu thư đài các vẩn vơ nghĩ ngợi. Nàng mường tượng ra người thổi sáo phải là một trang thanh niên tài ba tuấn tú, nếu không phải là một công tử kim mã ngọc đường thì cũng phải là một tao nhân mặc khách. Lòng nàng đã thêu dệt nhiều ước mơ. Mấy đêm sau, Mỵ Nương không còn nghe tiếng sáo tuyệt vời ấy nữa. Đêm nào nàng cũng đứng chờ đợi và lắng tai. Nhưng tiếng sáo kia bỗng biến mất. Rồi nàng ngã bệnh. Bệnh tình của Mỵ Nương ngày càng nặng thêm, dù nàng đã được vị lương y trong vùng tận tình bốc thuốc cứu chữa. Một đêm kia, tiếng sáo huyền hoặc nọ bỗng vẳng đến, Mỵ Nương đang nằm bệnh, nhưng khi nghe tiếng sáo liền bừng tỉnh. Đôi môi xinh tươi hé một nụ cười. Nàng thì

thầm: "Ôi, tiếng sáo huyền diệu kia đã đến với ta…"
Người mẹ thấy thế lấy làm lạ, liền đi báo cho chồng:
-Thưa tướng công, con gái nhà ta nghe tiếng sáo thì có vẻ tỉnh táo và vui thích nữa.
Vị thượng quan cau mày nghĩ ngợi một lúc rồi gật gù bảo:
-Thì ra nó tương tư tiếng sáo của kẻ nào đó. Biết rõ căn nguyên thì việc chữa trị chẳng khó khăng gì.

 

Phu nhân thở dài:

 

-Nhưng biết người thổi sáo là ai và ở đâu mà mời đến?
-Phu nhân cứ yên lòng, chuyện ấy không khó đối với ta.
Hôm sau, ông cho gia nhân tủa ra khắp vùng để tìm tông tích người thổi sáo trên sông về đêm. Gia nhân về bẩm lại rằng người thổi sáo kia là một tên đánh cá nghèo hèn, không nhà cửa, sống lênh đênh trên chiếc thuyền nhỏ làm bạn với sông nước gió trăng. Chàng ta tên là Trương Chi. Vị thượng quan bèn sai hai gia nhân tâm phúc đem vàng bạc tìm gặp Trương Chi và mời chàng về dinh cho ông gặp. Khi Trương Chi đến, vi thượng quan nhận thấy chàng "nghệ sĩ" ấy là một kẻ nghèo hèn, lại xấu xí. Nhưng ông cần gì chuyện xấu đẹp, giàu sang. Ông chỉ cần tiếng sáo của chàng để cứu mạng con gái của ông mà thôi. Ông bảo Trương Chi:

 

-Ta được biết nhà ngươi là một nghệ sĩ có tiếng sáo thần tuyệt diệu. Hiện nay con gái ta đang lâm bệnh, thuốc thang không chữa khỏi. Nhưng khi nghe được tiếng sáo của nhà ngươi thì tinh thần tiểu thư sảng khoái. Ta nghĩ rằng tiếng sáo của ngươi sẽ là phương thần dược chữa khỏi bệnh tình của con ta. Vậy ngươi hãy trổ tài rồi ta sẽ trọng thưởng cho.

 

Trương Chi tuân lời, lấy sáo trúc ra thổi. Tiếng sáo của chàng cất lên khi du dương, khi trầm bổng, khi dịu dàng, khi réo rắt khiến vị thượng quan cũng phải phục tài. Trương Chi thổi sáo chưa đầy một khắc thì trong phòng bệnh, Mỵ Nương bừng tỉnh cơn mê. Nàng mở mắt ra và có vẻ chú tâm lắng nghe tiếng sáo. Dần dần, Mỵ Nương cảm thấy tâm hồn mình khoan khoái lạ lùng. Nàng ngồi phắt dậy một cách gọn gàng như chưa hề nằm bệnh. Mẹ nàng hốt hoảng ngăn lại:
-Kià con, con đang bện phải nằm yêu dưỡng.

 

Mỵ Nương chớp đôi mi cong, tiếng oanh thỏ thẻ:
-Thưa mẫu nhân, ai thổi sáo trong dinh nhà ta thế? Con muốn gặp người ấy.
Bà mẹ đỡ nàng nằm xuống và nói:
-Người thổi sáo tên là Trương Chi, một anh chài lưới trên sông. Vì biết con thích nghe tiếng sáo
của Trương Chi nên phụ thân con cho đòi gã đến thổi sáo đấy.
-Hãy cho con gặp mặt ngưòi thổi sáo kia đi mẹ.
-Được thôi, con cứ nằm yên đây, để mẹ ra ngoài trình với thân phụ con cho Trương Chi vào.
Nói xong, bà bước ra ngoài nói cho chồng ý muốn của con gái. Vị thượng quan bằng lòng và đích thân dắt Trương Chi vào phòng tiểu-thư. Bức tường liêm được vén lên và hình bóng Trương Chi hiện ra. Mỵ Nương trông thấy anh chàng thổi sáo thì la lớn:

 

-Hãy đưa anh ta ra.
Bọn a hoàn vội vã đưa Trương Chi ra khỏi phòng. Mỵ Nương quay mặt vào tường và thổn thức. Thì ra, Trương Chi không phải là một chàng trai tuấn tú phong nhã như Mỵ Nương tưởng tượng bấy lâu. Chàng lùn tịt, mặt mày xấu xí với chiếc mũi to và cái miệng rộng; thân phận lại là một kẻ bần hàn ăn mặc lôi thôi lếch thếch. Bao nhiêu mộng ước trong lòng Mỵ Nương lâu nay bỗng sụp đổ. Nàng thất vọng hoàn toàn. Nhưng cũng chính nhờ va chạm một sự thật phũ phàng như thế, Mỵ Nương dứt hẳn được chứng bệnh tương tư.

 

Trương Chi được vị thượng quan tặng một số vàng bạc nhưng chàng từ chối. Chàng đớn đau âm thầm, lặng lẽ xuống thuyền rời khỏi dinh thự. Mỵ Nương tuy đã hết bệnh, nhưng từ đó nàng không còn hồn nhiêu vui vẻ nữa. Nàng ít nói và trầm tư mặc tưởng hơn xưa. Có lẽ vết thương lòng vừa qua không còn làm cho nàng mộng mơ gì nữa. Phần Trương Chi, từ khi nhìn thấy mặt Mỵ Nương thì tâm hồn chàng hoàn toàn bị nhan sắc ấy chinh phục. Dù là một kẻ mang nhân diện xấu xí, nhưng Trương Chi lại có tâm hồn một nghệ sĩ thì chàng cũng biết cảm, biết yêu như bao nhiêu con tim người bình thường khác. Thế là Trương Chi tương tư Mỵ Nương và không còn thiết gì đến chuyện thổi sáo nữa.

 

Rồi đến một đêm kia Trương Chi từ giã cõi đời trong chiếc thuyền con lênh đênh trên mặt nước. Vài bạn đồng nghiệp thương tình đắp cho chàng một nấm mộ ven sông. Thời gian trôi qua, không còn ai nhớ đến chuyện chàng đánh cá xấu xí Trương Chi tương tư một tiểu thư khuê các đến chết bỏ mình. Nhưng rồi có một năm nọ, nước lũ dâng cao xoáy trốc ngôi mộ của chàng nghệ sĩ đáng thương. Khi nước rút, người ta không tìm thấy hài cốt của Trương Chi, mà chỉ thấy trong đáy ngôi một chàng có một viên đá trong vắt như pha lê, bằng nắm tay. Bấy giờ người ta mới nhớ lại câu chuyện chàng tương tư tuyệt vọng nàng Mỵ Nương trước kia. Người ta đem viên đá ấy dâng cho vị thượng quan, cha của Mỵ Nương. Ông thấy viên đá đẹp nên nhận lấy và để trên án thư. Lòng ông cũng nghe một chút xót xa khi nghĩ đến người nghệ sĩ tài hoa nhưng mệnh bạc.

 

Một buổi chiều, Mỵ Nương đi ngang qua án thư của thân phụ, vô tình trông thấy viên đá lạ ấy. Nàng đứng lại và tò mò cầm viên đá lên ngắm nghía. Ban đầu Mỵ Nương chỉ thấy viên đá trong suốt như pha lê, nhưng nhìn một lúc lâu thì nàng thấy ẩn hiện trong viên đá ấy hình dáng chàng Trương Chi đang thổi sáo trên chiếc thuyền con. My Nương lại nhớ ra rằng Trương Chi chết đi cũng vì tương tư nàng. Lòng nàng bỗng xúc động mạnh và hai giòng nước mắt từ từ lăn trên đôi má mịn màng. Những giọt nước mắt của Mỵ Nương rơi xuống viên đá nàng đang cầm trên tay. Lạ thay, viên đá pha lê ấy từ từ tan ra trong tay nàng.

 

Sự tích 2:

 

Khối tình mang xuống tuyền đài chưa tan.
Bên Trung Hoa, tại vùng Trúc Giang có một chàng lái buôn tên Quan Diệp Nhược yêu một nàng thôn nữ tên Tần Thúy Hải. Cả hai yêu nhau thắm thiết, nguyện cùng kết tóc, se tơ cho đến ngày răng long tóc bạc. Quan Diệp Nhược thường đi buôn bán nơi xa. Mỗi chuyến đi có cả hàng tháng. Và, mỗi chuyến đi như thế, chàng đều có hẹn ngày về với nàng. Đúng ngày, Tần Thúy Hải đến đón người yêu. Lần nào cũng đúng hẹn cả. Thời gian xa nhau không lâu nhưng họ đều cảm thấy dài đằng đẵng. Nỗi nhớ thương vẫn canh cánh bên lòng. Nhưng vì nghề nghiệp, họ đành phải chịu đựng và cầu mong ngày tái ngộ.

 

Mùa Thu năm ấy, ngô đồng vừa rụng lá, Quan Diệp Nhược lại phải từ giã, tạm chia tay cùng người yêu, lên đường sang Hồ Bắc buôn châu báu với mấy người bạn. Cũng như thường lệ, nàng Tần ra tiễn chàng Quan và hẹn ngày này tháng sau sẽ trở về. Nhưng chuyến này lại khác. Đến ngày hẹn, nàng Tần trang điểm, hớn hở vui tươi ra đón người yêu. Nàng mỏi mắt trông chờ suốt ngày đêm mà không thấy bóng chàng trở về. Rồi ngày này sang ngày khác, mấy lần Thu qua Đông đến nàng mỏi mòn chờ đợi, nhưng người yêu xưa lại chẳng thấy về, tin tức cũng vắng bặt. Hay là chàng đã bỏ mình nơi đất khách quê người? Nàng quằn quại sống trong cảnh sầu thương, mong nhớ. Rồi vào một ngày mùa Đông lạnh lẽo, tuyết rơi trắng cả trời đất, nàng Tần lâm bệnh nặng trút hơi thở trên giường.

 

Theo tục lệ ở địa phương, những gái tiết trinh chết được hỏa táng thi hài. Lửa đã đốt cháy người trinh nữ, xương thịt nàng Tần đã trở thành tro bụi. Nhưng khi người ta bới đám tro tàn lạnh lẽo ấy thấy một quả tim đóng thành một khối long lanh như ngọc. Lửa không sao đốt cháy, búa đập cũng không tan. Ai cũng lấy làm lạ, cho đó là khối tình u uất của nàng, vì tương tư thương nhớ người yêu, vì quá đau khổ nỗi duyên phận bẽ bàng. Tuy thân xác đã tiêu tan mà khối tình vẫn còn mãi mãi.

 

Nhưng rồi, một hôm Quan Diệp Nhược trở về. Sở dĩ chàng sai lời hẹn ước vì chàng gặp phải tai nạn bất ngờ. Ngày về giữa đường chàng bị giặc cướp hết tiền bạc và chiếc thuyền. Chàng phải lênh đênh phiêu bạt, lại lâm trọng bịnh, tưởng chừng đã bỏ xương cốt nơi đất khách quê người. Xót thương cho nàng vì quá thương nhớ mình mà chết, Quan Diệp Nhược cầm lấy quả tim thành ngọc của người yêu mà khóc nức nở. Lạ thay, nước mắt của chàng nhỏ xuống thì viên ngọc ấy lại tan ra, hòa chung với nước mắt của chàng.

 

Sự tích 3: Trương Chi và Mỵ Nương Việt Nam

 

Ngày xưa, có một ông quan Thừa-tướng sinh được người con gái tên là Mỵ Nương, nhan sắc tuyệt trần. Nàng ở cấm cung trong ngôi lầu cạnh bờ sông. Bấy giờ có một chàng trai con nhà thuyền chài tên là Trương Chi, ngày ngày đến thả lưới kiếm ăn trên khúc sông đó. Chàng ta thường buông lưới và ca hát. Tiếng hát rất hay, khiến cho Mỵ Nương ở trong lầu xao xuyến say mê.

 

Một dạo, Trương Chi đi đánh cá ở khúc sông khác. Không được nghe tiếng hát, Mỵ Nương sinh ra sầu não. Nàng bồn chồn trông đợi. Tiếng hát vẫn vắng lặng và nàng bắt đầu đau ốm. Thừa tướng vội cho mời các lương y đến xem mạch, bốc thuốc. Thuốc uống đã nhiều mà bệnh Mỵ Nương vẫn không bớt. Sau Thừa tướng hỏi dò những người hầu hạ Mỵ Nương, mới biết là con mình bị bệnh tương tư. Các lương y khuyên Thừa tướng cho gọi anh lái đò đến. Trương Chi được mời đến thăm Mỵ Nương. Chàng ta đội chiếc nón lá che mất khuôn mặt mình. Mỵ Nương năn nỉ mãi, phải ra lệnh, Trương Chi mới ngả nón ra. Nhưng khi nhìn thấy mặt Trương Chi, Mỵ Nương vỡ mộng, vì chàng xấu quá. Nàng cho chàng ra về, và từ đó không còn yêu hình bóng Trương Chi nữa.

 

Về phần Trương Chi, từ khi trông thấy Mỵ Nương xinh đẹp, chàng thầm yêu trộm nhớ nàng. Trong lúc tủi cho thân phận nghèo hèn của mình, buồn chán và không thiết gì làm ăn nữa, chàng cất tiếng hát:

 

Kiếp này đã dở dang nhau,
Thì xin kiếp khác, duyên sau lại lành.

 

Trương Chi mang mối tình hận mà chết. Một dạo sau không ai còn nghe tiếng chàng hát trên sông nữa. Mỵ Nương lại nhớ tiếng hát, hỏi ra mới biết anh dân chài đã chết. Mỵ Nương sai đào đắp cho chàng một nấm mộ cao. Nhưng lạ thay, khi đào mộ lên, thịt xương Trương Chi đã tan rữa, duy chỉ có trái tim biến thành một khối ngọc sáng long lanh.

 

Mỵ Nương sai người mang khối ngọc đẽo thành một cái chén uống nước. Một hôm, Mỵ Nương cầm chén rót nước, thì lạ thay, hình ảnh người đánh cá chèo thuyền hiện lên chậm chậm xoay quanh trong lòng chén. Cùng lúc ấy, tiếng hát năm xưa lại văng vẳng như than, như trách. Mỵ Nương chạnh lòng nhớ lại mối tình của chàng liền ứa lệ. Nước mắt của nàng nhỏ xuống chén và tự nhiên chén ngọc tan ra thành nước.
Sự tích này cũng được nhạc sĩ Văn Cao viết thành bản nhạc "Khối tình Trương Chi".

 

Sự tích 4: Khối tình trong lịch sử Việt Nam

 

Sử ta cũng có chép: Nhà Hậu Lê (1533-1788), vua Tây Sơn là Nguyễn Huệ đem quân ra đánh Bắc Hà, vua cuối cùng nhà Hậu Lê là Lê Chiêu Thống bỏ chạy sang Tàu cùng một số quan tòng vong. Chiêu Thống mong cầu viện vua nhà Thanh đem binh sang giúp mình để dựng lại cơ đồ. Nhưng quân nhà Thanh vừa bị vua Quang Trung Nguyễn Huệ đánh bại tại trận Đống Đa, vua Càn-Long nhà Thanh vỡ tan mộng xâm lược nên bằng lòng chịu hòa với Tây Sơn. Do đó sự cầu viện của vua Lê bất thành. Vua nhà Thanh lại còn bạc đãi, sỉ nhục vua Lê Chiêu Thống đủ điều, bắt các quan tòng vong như Lê Quỳnh, Trịnh Hiến cả thảy 10 người phải đổi áo, gióc bím như dân nhà Thanh và còn đày họ mỗi người ở mỗi nơi. Vua Chiêu Thống lấy làm tủi nhục. Hoàng tử bị bệnh đậu mùa chết khiến nhà vua càng buồn bã rầu rĩ hơn sinh lâm phải bịnh ngày thêm trầm trọng, rồi mất vào năm 1793, lúc mới 28 tuổi. Hoàng-hậu sau đó chết vào năm 1799. Khi vua Gia Long lên ngôi, năm 1802, sai sứ sang Tầu cầu phong, các quan nhà Lê nhân dịp dâng biểu xin đem hài cốt vua và hoàng hậu về nước. Vua Gia Khánh nhà Thanh bằng lòng. Sử gia Trần Trọng Kim có ghi trong Việt Nam Sử Lược, quyển II trang 140 như sau:
"Sử chép rằng khi đào đất lên để cải táng mả Cố-quân (tức mả vua Lê Chiêu Thống), thì thấy da thịt đã tiêu cả, chỉ còn có quả tim không nát, vẫn đỏ như thường. Ai trông thấy cũng động lòng thương xót. Dẫu chuyện đó thực hư thế nào mặc lòng, nhưng tưởng đến tình cảnh vua Chiêu Thống lúc bấy giờ, thì ai cũng ái ngại thay cho ông vua một nước phải đày đọa đến nỗi như thế, có thể làm một bài bi kịch thảm xót muôn đời. Tuy rằng tại vua tôi nhà Lê vụng tính cho nên bị người ta đánh lừa, nhưng cũng nên trách vua quan nhà Thanh xử tệ bạc đãi một ông vua vong quốc, đem thân đến nương nhờ nước mình. Ấy cũng là một thời dã man về đời áp chế, khiến cho cái oan khổ của người ta muôn đời về sau không tiêu thoát đi được."