Dân Chúa Âu Châu

BY: HOÀNG THẠCH

 

Truyện Kiều không phải là một tác phẩm thi văn mang chủ đề giáo dục luân lý; nhưng qua truyện Kiều người ta thấy thi hào Nguyễn Du không phê phán hành động thiếu đạo đức của các nhân vật. Ông chỉ nêu ra các hành vi không đại diện cho một nền đạo đức luân lý tốt đẹp theo phong tục ngày xưa để người đọc tự nhận xét. Tuy nhiên, khi tạo nên hoàn cảnh gia đình Kiều bị lâm đại nạn, tác giả đã đưa nhân vật chính Kiều ra gánh nạn. Nàng hy vọng bán mình làm vợ Mã Giám Sinh với mục đích giải thoát cha và em trai khỏi cảnh bị đánh đập tàn nhẫn và tù tội. Như vậy thi hào Nguyễn Du đã đặt chữ Hiếu lên hàng đầu. Mặc dù bị lừa dối và bị bán vào lầu xanh, nhưng Kiều không bao giờ than trách cha mẹ, lúc nào nàng cũng thương nhớ và ghi ơn công ơn của các ngài. Cuối cùng nàng vẫn vâng lời cha mẹ, trở về đoàn tụ với Kim Trọng để trả nợ tình và ân nghĩa mà chàng đã dành cho gia đình nàng.

Chữ Hiếu không chỉ được coi trọng đối với Thúy Kiều; nhưng cả với Kim Trọng. Kiều và Kim Trọng chỉ mới yêu nhau và thề hứa sẽ kết duyên; nhưng hoạn nạn xẩy ra bất ngờ, nàng phải dứt tình để tròn chữ Hiếu và Kim Trọng dù chưa phải là con rể mà chàng đã đón cha mẹ Kiều về nhà mình nuôi nấng bảo bọc: "Chưa chăn gối cũng vợ chồng …Vội về sửa chốn vườn hoa, Rước mời viên ngoại ông bà cùng sang". Hành động và cách cư xử của Kim Trọng cũng chứng tỏ chữ Hiếu đã được thi hào Nguyễn Du đưa lên hàng đầu cho hậu thế soi chung.

Thi hào Nguyễn Du sống dưới thời Quân-chủ Nhà Nguyễn, ít hay nhiều, ông đã thấm nhuần đạo Hiếu trong phong tục Việt Nam, trong đạo đức học Khổng-giáo và Phật-giáo. Vào thời kỳ đó có lẽ chữ Hiếu trong Thiên Chúa giáo còn mới mẻ và chưa có ảnh hưởng lớn tới tư tưởng của tác giả, nên chúng tôi không đề cập tới. Trong bài này chúng tôi chỉ trình bầy một cách khái quát chữ Hiếu trong truyện Kiều so với đạo lý của dân tộc Việt Nam, Khổng-giáo và Phật-giáo.

 

I)- Chữ Hiếu theo phong tục Việt Nam

 

Dù được cắp sách đến trường hay không, hầu như người Việt ai cũng thuộc bốn câu ca dao nói về công ơn của cha mẹ và bổn phận Hiếu thảo của con cháu đối với các ngài.

"Công cha như núi Thái Sơn.

Nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra.

Một lòng thờ mẹ kính cha.

Cho tròn chữ hiếu mới là đạo con".

Dù chỉ với bốn câu thơ lục bát; nhưng trong đó chứa đựng cả một đạo lý dân tộc Việt Nam qua nhiều thế kỷ. Không ân nghĩa nào cao bằng công cha, nghĩa mẹ. Không đạo lý nào trọng bằng thờ mẹ kính cha, một triết lý đầy tính nhân bản của dân tộc. Cái bổn phận của con cháu cũng được đề cao và phân biệt rõ. Con trai thì phải trung thành với vua và hiếu thảo với cha mẹ. Con gái thì phải giữ tròn trinh tiết và đức hạnh

 

"Trai thì Trung-Hiếu làm đầu,

Gái thì Tiết-Hạnh làm câu sửa mình".

Có sống cảnh không còn cha mẹ, như trẻ em trong các cô nhi viện, người ta mới hiểu được nỗi cô đơn và buồn khổ của con cháu, như ca dao đã ghi lại:

"Có cha có mẹ thì hơn,

Không cha không mẹ như đờn đứt giây.

Đờn đứt giây còn tay nối lại,

Cha mẹ mất rồi con phải mồ côi".

 

Chính vì đạo lý cao đẹp này mà người Việt Nam thường làm bàn thờ gia tiên hoặc treo hình ảnh tổ-tiên, ông bà và cha mẹ để thờ cúng. Vào các ngày giỗ và Tết, người ta cũng dâng đồ cúng và làm tiệc gia đình để con cháu sum họp, tưởng nhớ công ơn của những người thân đã qua đời. Dĩ nhiên hành động hiếu thảo của con cháu không phải đợi đến khi ông bà, cha mẹ qua đời mới được thể hiện. Khi các ngài còn sống, con cháu cũng phải lo chu toàn bổn phận nuôi nấng và giúp đỡ các ngài, khi còn khoẻ mạnh cũng như lúc ốm đau, chứ không được ăn ở tệ bạc như những người con bất hiếu:

"Sống thời con chẳng cho ăn,

Chết thời xôi, thịt làm văn tế ruồi".

 

II)- Chữ Hiếu trong đạo Khổng

 

Bị người Tầu đô hộ gần ngàn năm dĩ nhiên dân tộc Việt Nam không khỏi bị ảnh hưởng phong tục tập quán và tư tưởng của họ được thể hiện qua đạo lý của Khổng Tử, được gọi là Khổng-giáo hay Nho-giáo.

Quan niệm xưa cho rằng có ba điều bất hiếu là:

-"Gia bần thân lão, bất vị lộc sĩ", có nghĩa: Cha mẹ già, nhà nghèo mà không chịu ra làm quan để lấy lộc nuôi dưỡng.

-"A ý khúc tùng, hãm thân bất nghĩa", có nghĩa là: Dựa theo ý muốn của cha mẹ để làm điều bậy, tức là hãm cho mẹ vào điều bất nghĩa.

-"Bất thú, vô tử, tuyệt tiên tổ tự", có nghĩa là: Không cưới vợ, không có con, làm dứt nòi giống tổ tiên.

 

Hiếu kinh, tác phẩm chính của Nho giáo nói về đạo hiếu được mở đầu như sau:

"Hiếu là gốc của đức, là nguồn của giáo…thân thể tóc da, nhận từ cha mẹ, không dám tổn thương đó là khởi đầu của hiếu. Lập thân hành đạo, dương danh với hậu thế, để làm rạng rỡ cha mẹ, đó là kết cục của hiếu. Xét về hiếu, khởi đầu là lo việc song thân, kế đến là việc vua tôi, sau cùng mới đến việc lập thân."

 

Kinh sách này dẫn lời của đức Khổng Tử về đạo hiếu rằng: "Người con hiếu phụng dưỡng cha mẹ, ăn ở phải hết sức cung kính, cung dưỡng cha mẹ phải hết mực vui vẻ, khi cha mẹ đau ốm phải lo lắng hết lòng, khi lo việc tang lễ phải cực kỳ thương xót, khi cúng tế cha mẹ phải vô cùng trang nghiêm."

Một người có hiếu luôn làm tròn hai bổn phận chính là:

 

Về phương diện vật chất:, người con phải thực hiện ba điều căn bản: chăm sóc cha mẹ chu đáo, luôn ý thức rằng thân thể mình được tạo thành từ máu thịt cha mẹ nên phải biết quí trọng nó và phải lập gia đình, sanh con để nối dõi tông đường.

Theo Mạnh Tử, xét về phương diện thế tục, có năm điều được xem là bất hiếu:

-Thứ nhất: cơ thể lười biếng, chẳng đoái hoài đến việc phụng dưỡng cha mẹ;

-Thứ hai: đam mê cờ bạc rượu chè, chẳng nghĩ đến việc phụng dưỡng cha mẹ;

-Thứ ba: chạy theo của cải, tiền tài, chỉ nghĩ đến vợ con mà chẳng lo báo ân cha mẹ;

-Thứ tư: đắm vào dục lạc sắc thanh làm cho cha mẹ tủi nhục;

-Thứ năm: ưa thích sự kiêu hùng, đấu tranh, tàn nhẫn làm nguy hại cho cha mẹ.

 

Tuy nhiên, về quan điểm của đạo Quân-tử, Mạnh Tử lại cho rằng: "Hiếu tử hữu tam, tam đại vô tự " (Bất hiếu có ba, không người nối dõi là lớn nhất).

 

Tư tưởng này của Mạnh Tử về sau được Trình Di (1033-1107), một trong những nhà cách tân nổi tiếng của Nho giáo dưới thời Tống, kế thừa và cổ xúy mạnh mẽ. Trình Di cho rằng việc nối dõi như thế chính là trọng tâm của đạo làm người. Có lẽ chính vì điều này mà việc hôn nhân là điều rất quan trọng trong truyền thống Nho giáo. Thông thường việc hôn nhân này gồm ba khía cạnh sau:

-Thứ nhất: đôi vợ chồng trẻ phải gắn bó, chung thủy và đối với họ việc ly dị là điều tối kỵ;

-Thứ hai: việc cưới hỏi thường do cha mẹ hai bên đặt để. Việc tìm hiểu nhau trước khi hôn nhân diễn ra của đôi vợ chồng ấy không là điều quan trọng. Chính vì vậy mới có câu "Cha mẹ đặt đâu con ngồi đó".

-Thứ ba: trách nhiệm và cũng là niềm tự hào của đôi vợ chồng ấy là phải sinh con trai để tiếp nối tổ tiên.

Trong bối cảnh đó nếu họ không sinh được con trai thì người chồng có quyền ly dị vợ hoặc sẽ cưới thêm tỳ thiếp khác. Đây là một trong những nguyên nhân phát sinh tục đa thê.

 

Về phương diện tinh thần:

 

Khi cha mẹ còn ở đời, người con hiếu phải thực hiện những hoài bão mà cha mẹ trông mong, phải tiếp nối chí hướng của cha mẹ. Khi cha mẹ qua đời người con phải tỏ lòng

tiếc thương và lo việc cúng tế, thờ phụng chu đáo.

Sách Lễ Ký giải thích rằng, sau khi một người qua đời hình phách (khí của đất) của người đó sẽ ẩn vào trong đất và hồn khí (khí của trời) sẽ về với trời. Vì vậy lễ tang được tổ chức để cho hai luồng khí này được dung hòa, gắn bó với nhau mãi mãi. Theo thời gian cách thức và nội dung của lễ nghi như thế càng ngày càng được xem trọng và đó được xem là biểu hiện của lòng hiếu thảo của người sống đối với người đã khuất.

 

Như vậy Hiếu là nền tảng của đạo làm người, là nhân tố tạo nên đức Nhân của người Quân-tử, một mẫu người lý tưởng trong Nho giáo. Chung quy việc tu thân để tiến đến việc "Tề gia, trị quốc và bình thiên hạ" phải bắt đầu từ một đức tính căn bản trong mỗi người, đức tính đó không gì khác hơn là Hiếu hạnh.

Có 24 gương hiếu thảo (Nhị thập tứ hiếu) của người Tầu mà người Việt Nam ham học và thích đọc sách đều biết. Trong bài này chúng tôi chỉ ghi lại vắn tắt một vài truyện.   

 

1)- Thầy Tử Lộ tên là Do, học trò Đức Khổng Tử, hồi còn nhỏ cha mẹ nghèo chuyên đội gạo đi bán để nuôi cha mẹ. Một hôm ông vào hầu Đức Khổng Tử và nói:

-Đội nặng đường xa thì tiện đâu nghỉ đó, không đợi chọn chỗ rồi mới nghỉ. Nhà nghèo, cha mẹ già, thì con làm nên thế nào, hay thế ấy, không đợi có chức trọng quyền cao mới làm. Ngày trước Do này, lúc song thân còn, cơm thường dưa muối, đường xa trăm dặm, phải đội gạo về nuôi song thân. Sau khi song thân mất rồi, làm quan ở Sở, xe ngựa hàng trăm, bổng lộc hàng vạn, ăn những miếng ngon, mặc những đồ tốt, mỗi khi nhớ đến song thân, lại muốn dưa muối, đội gạo để nuôi người như trước, thì không sao được nữa! Cha mẹ tuổi già như bóng qua cửa sổ. Cây muốn lặng mà gió chẳng ngừng, con muốn nuôi, mà cha mẹ không đợi!

Đức Khổng Tử nói:

-Do, trò phụng sự song thân như thế rất phải. Lúc người còn thì hết lòng phụng dưỡng, lúc người mất thì hết lòng thương tiếc. Hết lòng phụng dưỡng lúc cha mẹ còn sống và hết lòng tiếc thương khi cha mẹ đã qua đời, đó là hiếu.

 

2)- Mẫn Tử Khiên mồ côi mẹ từ thuở nhỏ. Cha lấy vợ kế sanh được hai trai. Người mẹ kế tánh ác, chỉ thương con đẻ mà ghét con chồng. Mùa đông giá lạnh, hai em thì áo bông lồng áo kép, còn Tử Khiên thì chỉ được mặc một chiếc áo hoa lao mỏng mảnh. Một hôm Tử Khiên đánh xe hầu cha, co ro run rẩy. Cha quở mắng, Tử Khiên không đành nói sự thật, nín lặng giục xe đi. Nhưng lạnh quá tay sút dây cương. Cha giận đánh, chẳng ngờ áo Tử Khiên rách, bật hoa lao ra! Cha thấy thế mới hay con mình bị vợ kế bạc đãi, giận lắm, toan đuổi người vợ kế đi. Tử Khiên liền quì xuống khóc mà thưa rằng:

-Dì con còn ở lại thì chỉ một mình con chịu rét. Dì con mà bị đuổi đi, thì cả ba anh em chúng con đều không có người may áo.

Cha nghe nói cảm động ôm con mà khóc. Người vợ kế hay biết liền ăn năn. Từ ấy đem lòng thương yêu Mẫn Tử Khiên như con đẻ vậy.

 

3)- Hàn Bá Du người đất Lương đời nhà Hán. Bá Du mồ côi cha, thờ mẹ rất có hiếu. Những khi có lỗi bị mẹ đánh, ông vẫn tươi cười. Một hôm phải đòn, ông ôm mặt khóc. Mẹ hỏi:

-Mọi khi mẹ đánh, con biết lỗi, nhận ngay. Lần này sao con lại khóc dai thế?

Bá Du quì thưa:

-Mọi khi mẹ đánh, con thấy đau, con biết mẹ còn mạnh khoẻ, con mừng. Lần này mẹ đánh con, con thấy không đau mấy, con biết sức mẹ đã yếu, nên con nghĩ thương mẹ mà khóc.

 

4)- Khấu Chuẩn là một nhân vật trứ danh đời Tống. Ông nổi tiếng là công minh chính trực. Tuổi nhỏ tính du đãng, không giữ lễ phép, lại thích chơi với chim và chó. Bà mẹ quở phạt mà ông vẫn không chừa. Một hôm, ông bỏ học đi chơi, bà mẹ giận quá, cầm quả cân ném phải chân ông, máu chảy đầm đìa, phải chữa lâu ngày mới khỏi. Từ ấy ông hồi tâm, chuyên lo học tập. Về sau, thi đỗ, làm quan đến Tể Tướng. Lúc vinh hiển thì mẹ ông đã mất. Mỗi khi ông sờ đến chiếc sẹo ở chân, thì ông nức nở khóc và nói rằng: "Chính vết thương này làm ta nên người. Mà khi nên người, mẹ lại không còn nữa! "

 

5)- Thầy Tăng Sâm bừa cỏ ruộng dưa, lỡ tay làm đứt ít rễ. Cha là Tăng Tích giận, cầm gậy đánh vào lưng. Tăng Sâm đau quá, nhưng sợ cha giận thêm, không dám bỏ chạy. Đương cơn tức giận, cha đánh đến ngất đi, ngã gục hồi lâu mới tỉnh lại. Khi về nhà đến thưa với cha rằng:

-Lúc nãy con có tội đến nỗi cha phải đánh, thật con lỗi đạo. Xin cha tha thứ.

Nói xong lui xuống vừa gảy đàn vừa hát, có ý để cho cha nghe tiếng biết rằng mình không còn đau đớn gì nữa. Đức Khổng Tử nghe chuyện, bảo học trò cấm cửa không cho Tăng Sâm vào. Tăng Sâm nghĩ mình vô tội, mượn bạn lại hỏi vì cớ gì mà ngài giận. Đức Khổng Tử nói:

Ngày trước ông Thuấn phụng sự cha là Cổ Tẩu, luôn ở bên cạnh, cha sai khiến gì cũng không dám trái. Cha đánh bằng roi thì cam chịu, đánh bằng gậy gộc thì chạy trốn, lúc cha giận dữ muốn giết thì lánh xa. Thế cho nên ông Cổ Tẩu không mang tiếng bất từ. Nay Sâm thờ cha, liều mình để chịu cơn giận đến nỗi ngất đi. Giá lỡ cha đánh quá tay mà chết mất, thì có phải làm cho cha mắc tội chăng? Tội bất hiếu còn to hơn nữa?

Tăng Sâm nghe dạy, biết mình lầm lỗi, đến tạ tội cùng đức Khổng Tử. Liều mình để chiều cơn giận của cha mẹ như Tăng Sâm còn bị đức Khổng cho là đại bất hiếu, huống hồ chiều lòng cha mẹ để các ngài làm những điều bất nghĩa thì tội bất hiếu càng nặng hơn.

 

III)- Chữ Hiếu trong đạo Phật

 

Đạo phật cũng có ảnh hưởng sâu đậm đối với dân tộc Việt Nam, trong sinh hoạt văn hóa và cả trong lãnh vực văn chương. Trong truyện Kiều, thi hào Nguyễn Du cũng đề cập tới Phật giáo qua hành động từ bi của sư bà Giác Duyên, qua thuyết Nhân Quả, Luân Hồi v.v…

Chữ Hiếu được Đức Phật nói đến trong nhiều hoàn cảnh và kinh sách khác nhau. Trong Kinh Bộ Tăng Chi, Ngài đưa ra bốn trách nhiệm mà những người con cần thực hiện để đền đáp công sinh dưỡng. Trong Kinh Thiện Sanh thuộc Kinh Trường A Hàm, Ngài khẳng định năm bổn phận mà một người con hiếu phải có. Nhưng có lẽ sâu sắc nhất vẫn là những lời Ngài dậy trong Kinh Vu Lan Bồn và Kinh Đại Báo Phụ Mẫu Trọng Ân. Kinh sách ghi rằng, một hôm trên đường đi giảng đạo từ Thành Xá Vệ về phương Nam, Đức Phật gặp một đống xương khô ngoài đồng. Ngài tự nhiên cúi đầu lậy đống xương ba lậy, khiến Tôn Giả A Nan hết sức ngạc nhiên, hỏi rằng

-Thế Tôn là bậc Cha lành của bốn loài trong ba cõi, sao Ngài lại lạy xương khô?

Đức Phật trả lời: "Ta lậy là lậy các bậc tiền bối. Vì trong đống xương khô ấy có hài cốt của lục thân quyến thuộc và có thể ngay cả của chính mình trong nhiều đời trước."

Tiếp nhận lời dạy của Đức Phật, Tôn Giả A Nan nghĩ đến công lao sanh dưỡng của cha mẹ thật là sâu nặng, nên Ngài cầu Đức Phật chỉ dạy phương pháp báo hiếu để con người thi hành.

 

Trước khi dậy về cách báo hiếu, Đức Phật tóm lược mười công đức của cha mẹ như sau:

-Một là trong thời gian mười tháng cưu mang, người mẹ phải thận trọng giữ gìn, nuôi nấng chăm sóc thai nhi hết sức chu đáo;

-Hai là, đến ngày sanh nở sự nguy hiểm và khó nhọc trăm phần: sanh được thì sống, không sanh được thì chết.

-Ba là mẹ chịu cực khổ nuôi con từ tấm bé. Mỗi khi trở trời trái gió em bé nóng mình khó ở thì người thao thức bỏ ăn mất ngủ, nhưng không vì vậy mà phiền hà. 

-Bốn là mẹ ăn đắng nuốt cay, để dành bùi ngọt cho con.

-Năm là săn sóc chăm chút cho con từng ly từng tí, chỗ ướt mẹ nằm, chỗ ráo con lăn.

-Sáu là sú nước nhai cơm, bế bồng bú mớm.

-Bảy là mẹ phải chịu đựng ô uế, tắm rửa giặt giũ đồ dơ cho con.

-Tám là lớn lên, khi con đi ra, cha mẹ phải lo lắng buồn phiền.

-Chín là cha mẹ cam chịu nghiệp chướng khổ đau, chỉ mong cho con được sung sướng.

-Mười là cha mẹ kham nhẫn sự thiếu thốn để con được sống thanh nhàn.

Cuối cùng Đức Phật xác định: bất hiếu là tội đứng đầu trong năm trọng tội. Kẻ mắc vào tội này bị rơi vào địa ngục vô gián, nghĩa là bị hành hạ suốt ngày đêm cho đến trăm nghìn kiếp không có một giây gián đoạn. Đến đây hai con đường họa, phúc mở ra rõ ràng cho hàng tứ chúng.

 

Đức Phật nêu ra những hành vi bất hiếu của con cái như sau:

-Ăn nói hỗn hào với cha mẹ, xấc xược với anh em chú bác bà con v.v...

-Không tuân theo lời dạy của cha mẹ, thầy bạn và các bậc trưởng thượng trong gia tộc.

-Theo bạn bè xấu ác, từ bỏ gia đình đi hoang, gây ra tội lỗi làm cho cha mẹ, bà con phải buồn lòng.

-Không lo học tập, xao lãng nghề nghiệp, không tạo dựng được một đời sống vững chắc, làm cho cha mẹ lo lắng.

-Không phụng sự cha mẹ về vật chất, không an ủi về mặt tinh thần, coi thường cha mẹ, coi trọng vợ con.

 

Đức Phật dạy về phương pháp báo hiếu:

Ngoài việc cung phụng cha mẹ về mặt vật chất và an ủi tinh thần mà ai cũng biết, chúng ta phải:

-Khuyến hoá cha mẹ thực hành thiện pháp.

-Vì cha mẹ mà thực hành tịnh giới, bố thí, làm các việc lợi ích cho mọi người.

-Truyền bá tư tưởng hiếu đạo này cho nhiều người được lợi ích.

Có một lần, Đức Phật đi khất thực ở một xứ mất mùa, Ngài đi cả buổi mà không có thức ăn, có một Tỳ kheo đổi lá y-dược được một bát cơm dâng lên Đức Phật.

Ngài hỏi: "Ngươi còn cha mẹ không?"

Tỳ kheo đáp: "Bạch Thế Tôn, con còn mẹ"

Đức Phật hỏi tiếp: "Mẹ ngươi có cơm ăn chưa?"

Tỳ Kheo đáp: "Bạch Thế Tôn, con đổi lấy chỉ được một bát cơm dâng lên Thế Tôn, mẹ con vẫn chưa có cơm ăn."

Đức Phật nói: "Ta không dám nhận bát cơm này, người đáng nhận bát cơm này là mẹ của ngươi. Hãy đưa cơm về cúng dường cho mẹ ngươi."

Chính vì đề cao chữ Hiếu mới có ngày Rằm tháng Bảy, ngày lễ Vu Lan theo phong tục Phật-giáo. Chữ Vu Lan dịch âm tiếng Phạn là Vu Lan Bồn, dịch nghĩa là "Giải đảo huyền". Giải là mở, đảo huyền là tội treo ngược, giải đảo huyền là thoát khỏi tội treo ngược, nghĩa là lễ cầu nguyện cho những người bị tội ở địa ngục ngạ quỷ được thoát khỏi cảnh đọa đày.

 

Nội dung Kinh Vu-Lan-Bồn kể về sự kiện: Ngài Mục Kiền Liên, một đệ tử xuất sắc của Đức Phật, sau khi đắc đạo, dùng thần thông kiếm và thấy mẹ đang bị đày đọa trong cảnh giới quỷ đói, thân hình tiều tuỵ khổ sở. Ngài sử dụng năng lực thần thông của mình, đưa bát cơm đến dâng cho mẹ. Mẹ Ngài được cơm, tay trái che bát, tay phải bốc ăn. Nhưng cơm chưa tới miệng đã hoá ra lửa, bà không ăn được. Ngài Mục Kiền Liên bèn xin Đức Phật chỉ dạy phương pháp cứu mẹ ra khỏi cảnh khổ Ngạ-quỷ.

Đức Phật dạy rằng "phải nhờ đến uy lực của tập thể chúng tăng mới cứu được mẹ ông. Vào ngày rằm tháng bảy là ngày chư tăng tập trung tự tứ sau 3 tháng an cư kiết hạ thanh tịnh, hãy sắm sửa vật dụng cúng dường chư tăng, nhờ chư tăng chú nguyện, mẹ ông mới thoát được khổ".

Ngài Mục Kiền liền vâng lời Đức Phật dạy, thực hành phương pháp báo hiếu ấy, nên đã cứu được mẹ. Sau đó Ngài xin Đức Phật cho phép các phật tử sau này được thực hành phương pháp cúng dường Vu-Lan-Bồn để báo đáp công ơn cha mẹ. Đức Phật khen ngợi và chấp thuận. Từ đó, ngày lễ Vu-Lan, tức ngày rằm tháng bảy trở thành ngày báo hiếu truyền thống của Phật Giáo.

 

IV)- Chữ Hiếu trong truyện Kiều

 

Đọc qua quan niệm cao đẹp về đạo Hiếu trong Khổng-giáo và Phật-giáo ở trên, chúng ta mới thấy tại sao thi hào Nguyễn Du đã đề cao chữ Hiếu trong thi phẩm Đoạn Trường Tân Thanh (tức truyện Kiều) của mình. Ở đây chúng tôi không cần phải bàn giải nhiều hơn mà chỉ nêu ra một số câu thơ nói về chữ Hiếu trong truyện Kiều.

Khi quyết định bán mình chuộc cha, Thuý Kiều đã suy tư về quan hệ giữa chữ Hiếu và chữ tình. Nàng không khỏi lo âu và tự đặt nhiều câu hỏi cho mình:

"Duyên hội ngộ, đức cù lao,

Bên tình bên hiếu, bên nào nặng hơn?

Để lời thệ hải minh sơn,

Làm con trước phải đền ơn sinh thành.

Quyết tình nàng mới hạ tình:

Dẽ cho để thiếp bán mình chuộc cha!"

Khi biết con gái quyết định hy sinh đời mình, Vương ông buồn khổ đập đầu vào tường khóc lóc, than thở:

"Theo lời càng chảy dòng châu,

Liều mình ông rắp gieo đầu tường vôi".

 

Thấy vậy Kiều và mọi người khuyên can cha với lý lẽ rằng, nếu có khổ đau chỉ mình nàng chịu đựng. Cha còn trách nhiệm với nhiều người trong gia đình, chẳng khác gì một cây gánh vác nhiều cành. Nếu chỉ một cành gẫy đổ thì thân cây và các cành khác lá vẫn được tươi xanh. Kiều cũng đem các gương hiếu thảo của người xưa để mong cha thông cảm và chấp nhận quyết định của nàng:

"Vội vàng kẻ giữ người coi,

Nhỏ to nàng lại tìm lời khuyên can:

Vẻ chi một mảnh hồng nhan,

Tóc tơ chưa chút đền ơn sinh thành.

Dâng thư đã thẹn nàng Oanh,

Lại thua ả Lýbán mình hay sao?

Cỗi xuân tuổi hạc càng cao,

Một cây gánh vác biết bao nhiêu cành.

Lòng tơ dù chẳng dứt tình,

Gió mưa âu hẳn tan tành nước non.

Thà rằng liều một thân con,

Hoa dù rã cánh, lá còn xanh cây."

Để hiểu sâu xa hơn đoạn thơ trên, chúng ta cần biết hai điển tích dưới đây:

 

-Điển tích Nàng Oanh:

Nàng Đề Oanh, con gái của Thuần Vu Ý đời nhà Hán. Thuần Vu Ý làm quan đất Tề, mắc tội bị vua ra án tử hình. Thuần Vu Ý không có con trai, chỉ sinh được năm người con gái, Đề Oanh là con gái út. Đề Oanh là người con hiếu thảo thấy cha bị lâm nạn bèn theo lên cha lên kinh đô và tự mình mạo muội viết đơn dâng lên Hán Văn Đế. Nội dung của lá đơn đại ý nói rằng, kẻ thác rồi không thể nào sống lại và có cơ hội chuộc tội. Để cứu cha, nàng tình nguyện vào Hoàng-cung làm tôi tớ hầu hạ. Hán Văn Đế đọc đơn của nàng Oanh thì cảm động, hết mực khen lòng hiếu thảo của người con gái; nên tha tội cho Thuần Vu Ý.

 

-Điển tích ả Lý

Sách "Sưu Thần ký" có kể chuyện nàng Lý Ký:

Thời Hán Vũ Đế, ở quận Mân Trung đất Đông Việt, trong một cái hang sâu có con rắn khổng lồ mà dân chúng trong vùng rất kinh hãi, gọi là thần rắn. Hàng năm dân làng phải cúng cho thần rắn một người con gái đồng trinh thì cuộc sống mới được yên ổn. Nhưng dần dà gái trinh bị dâng hết rồi tìm đâu ra nữa? Bấy giờ ở huyện Tương Lạc, có nàng Lý Ký, nhà nghèo xơ xác, cả cha mẹ đều bệnh nặng không tiền mua thuốc thang. Nàng Lý đã trốn cha mẹ, đến cửa quan tự nguyện bán mình nộp mạng cho rắn, rồi nhờ chuyển tiền về cho cha mẹ. Không chịu bó tay làm mồi cho rắn, nàng xin quan ban cho một cây gươm bén và một con chó dữ. Nàng tiến vào hang và thả chó dữ ra chiến đấu với thần rắn. Trong lúc rắn quần thảo với chó thì nàng lựa lúc rắn sơ hở, vung gương chém vào mình nó. Khi thấy rắn bị thương ngã gục, nàng chạy đến chém nó ra từng khúc. Thế là dân chúng không còn thần rắn để sợ nữa.

Dư Thiện là cháu lâu đời của Việt Câu Tiễn được Hán Vũ Đế phong vương ở đất Đông Việt. Khi biết được chuyện người con gái can trường và hiếu thảo ấy, Đông Việt vương đã đón ả Lý về làm vợ.

 

Nói một cách tổng quát chúng ta thấy lòng hiếu thảo của Kiều quả cao đẹp và đáng khen. Nàng đã hy sinh tình yêu đầu và chấp nhận cuộc đời bất định và bất hạnh của mình để chu toàn bổn phận của người con đầu trong gia đình, khi không có con trai trưởng, như phong tục của người Việt: "không có con trai thì dùng con gái" (Vô nam dụng nữ). Thực tế thì Kiều có em trai sẽ nối dõi tông đường; nhưng Vương Quan và cha đều bị bọn tham quan địa phương bắt trói và treo ngược để hành hạ; nên không còn con trai nào cứu cha. 

 

Khi gia đình được đoàn tụ, cha mẹ thoát cảnh tù tội và Vương Quan đã thi đỗ ra làm quan rồi thì đúng ra Thúy Kiều không còn nợ nần gì về chữ Hiếu nữa. Nàng đã trả Hiếu cho cha mẹ qua 15 năm lưu lạc và sống trong cảnh ô nhục, làm gái làng chơi, thì không ai còn nỡ tâm bắt nàng phải làm tròn bổn phận hiếu thảo nữa. Nhưng không phải vậy, thi hào Nguyễn Du không muốn hủy bỏ phong tục cổ truyền. Trong phần cuối của truyện, Kiều vẫn vâng lời cha, trở về đoàn tụ với gia đình để chu toàn chữ Hiếu.

"Lòng nào nỡ dứt nghĩa người ra đi?

Ông rằng: Bỉ thử nhất thì,

Tu hành thì cũng phải khi tòng quyền.

Phải điều cầu Phật cầu Tiên,

Tình kia hiếu nọ ai đền cho đây?"

Khi Kiều tính thoát tục, không muốn dan díu với tình yêu nữa, quyết chí tu hành, thì Vương Ông lại khuyên nhủ con muốn tu thì gia đình sẽ làm cho cái am rồi rước thày về tu chung.

"Độ sinh nhờ đức cao dày,

Lập am rồi sẽ rước thầy ở chung.

Nghe lời nàng cũng chiều lòng,

Giã sư giã cảnh đều cùng bước ra"

 

Trong phần cuối chúng ta thấy thi hào Nguyễn Du đã dung hòa hai quan niệm đạo đức của Khổng-giáo và Phật-giáo. Về Khổng-giáo, Kiều trước sau như một, vẫn coi trọng chữ Hiếu, nghe lời cha trở về với gia đình. Về Phật-giáo, Kiều quyết chí tiếp tục tu hành để quên đi quá khứ bụi trần. Nhưng cái tu của Kiều không phải là cái tu của các tu sĩ Phật-giáo xuất gia tu chùa khi chưa vương vấn bụi đời. Cái tu của Kiều là cái "Tu tại gia". Thi hào Nguyễn Du đã khéo léo cho sư bà Giác Duyên đi du hành phương xa để hái lá cây làm thuốc, khiến chùa bỏ hoang, cỏ mọc trên mái và rêu bám đầy tường. Tác giả đã phân biệt một cách rất tế nhị giữa cái tu chuyên chính trong sáng của sư bà và cái tu đã vẩn bụi đời của nàng Kiều, người phụ nữ lầu xanh. Vì thế, tác giả cố tình cho sư bà ra đi như mây bay, hạc lánh ở một phương trời vô định, không ai tìm được, với mục đích không cho hai người tu chung là vậy.

Một trong những cái hay và thâm thuý tuyệt vời của truyện Kiều cũng là ở chỗ này.

"Nhớ lời lập một am mây,

Khiến người thân thích rước thầy Giác Duyên .

Đến nơi đóng cửa cài then,

Rêu trùm kẻ ngạch cỏ len mái nhà,

Sư đà hái thuốc phương xa,

Mây bay hạc lánh biết là tìm đâu?"