Văn Hoá Việt Nam
BY: HOÀNG THẠCH
Ở vào thời Quân chủ chuyên chế, lệnh của Vua ban ra ai dám phản đối, kể cả mạng sống của bề tôi và dân chúng cũng bị coi nhẹ như lông hồng theo câu nói: "Vua xử Thần tử, Thần bất tử bất trung" (Vua bắt bề tôi chết mà bề tôi không chết là mang tội không trung thành). Thế mà trong Tục Ngữ của dân tộc Việt Nam lại có câu: "Phép Vua thua lệ làng" mới kỳ lạ. Sự kiện này chứng tỏ lệnh của Vua vẫn có những giới hạn và lệ làng có thể chứng minh tình trạng sinh hoạt chính trị đã một thời dựa trên tinh thần dân chủ tự trị, mặc dù trong một phạm trù nho nhỏ là làng xã.
Trong quyển Pháp Chế Sử VN, giáo sư luật khoa Vũ Quốc Thông cũng xác định: "Hành chánh tại làng xã Việt Nam được tổ chức theo chế độ tự trị là một chế độ đặc biệt đã được áp dụng tại nước ta ngay từ thời tiền cổ. Chính phủ Pháp, sau khi nắm quyền thống trị tại nước ta, đã duy trì và canh tân định chế hành chánh này để thích ứng với tình trạng chánh trị nước ta thời đó."
Nói tới một làng, người ta nghĩ ngay tới: cổng làng, đường làng, cây đa đầu làng, lũy tre làng, cánh đồng làng, sông làng, chợ làng và cơ cấu hành chính của làng như: Thành Hoàng, lý trưởng (xã trưởng), hương chức, quan viên, lão làng, tuần tráng và dân làng v.v…
Theo tổ chức hành chính thì các làng hay xã là một cơ cấu tự trị hoặc nói nôm na là một chính phủ nho nhỏ có đủ cơ cấu pháp lý và hành chánh. Nếu Vua và Hoàng triều là cơ cấu hành chánh tối cao thì phủ, huyện, làng cũng có dinh thự để điều hành mọi lãnh vực chính trị, kinh tế, xã hội và lễ nghi tôn giáo… đó là ngôi đình làng. Về phương diện tinh thần thì đình làng là nơi thờ phượng Thành Hoàng. Vì thế, kiến trúc của ngôi đình phải phù hợp với việc thờ cúng, lễ hội, xa nhà dân và rộng đủ cho sự tập trung của cả dân làng.
Thường thì các đình làng được xây dựng giống nhau và luôn quay về hướng Nam. Ngoại trừ trường hợp vì lý do phong thủy, đình phải xây quay về các hướng khác để tránh những tai họa cho dân làng. Đình làng thường làm theo chữ đinh hay chữ công. Bốn đầu mái đình thường cong vút với những nét uốn nhẹ nhàng, thanh thoát và khá cầu kỳ thể hiện qua những nét chạm trổ tinh vi về bông hoa, mây trời hoặc các nét chữ đẹp như rồng bay, phượng múa. Để chống bão, mái đình thường được lợp ngói hai lớp. Lớp dưới gọi là ngói chiếu và lớp trên là ngói phủ.
Về ngôi đình thì có: đình trong hay đình thượng, nơi bàn thờ Thành Hoàng được trang hoàng đầu mấu sắc và khủng cảnh thật tôn nghiêm; kế đến là đình ngoài hay đại bài tức nhà tiền chế, và hạ đình, nơi cử hành mọi cuộc tế lễ của dân làng. Đình ngoài có trung đình, nơi cử hành các nghi thức tế lễ, hai bên là tả và hữu gian. Ngoài đại bài là sân đình hai bên có hành lang gọi là tả mạc và hữu mạc, nơi các quan viên sửa soạn mũ áo vào cử hành nghi thức tế tự. Ngoài cùng có Tam Quan (tức ba cổng liền nhau có mái, cổng chính ở giữa lớn hơn hai cổng bên phải và trái), tường có đắp hình con rồng hay cọp hoặc hình võ tướng cầm long đao. Nhiều đình ở phía sau còn có nhà hậu và sân hậu.
Tùy theo tổ chức của mỗi làng mà ngôi đình làng được xây dựng lớn nhỏ và sử dụng vào một hay nhiều mục tiêu khác nhau. Tựu chung thì đình làng là nơi tập trung mọi hoạt động chính trị, văn hóa, xã hội, đặc biệt để tổ chức các lễ hội và thờ cúng vị Thần của làng.
Nói tới đình làng tại miền Bắc nói chung và ở Thăng Long nói riêng thì nhiều lắm. Trong đề tài văn hóa kỳ này chúng tôi chỉ đề cập tới một số đình làng tiêu biểu mà thôi.
1- ĐÌNH KIM MÃ
Đình này nằm ở phố Kim Mã và ngôi đình cũng mang tên làng cổ Kim Mã - một trong "Thập Tam Trại” (13 trại). Tương truyền đình được lập từ thế kỷ 11 ở phía Tây của kinh thành Thăng Long. Vào thời Lý - Trần, đất làng Kim Mã được dùng làm nơi nuôi ngựa của Hoàng cung, nên còn gọi là "Tầu Mã” hay "Mã trại”.
Đình Kim Mã thờ ba vị Thành hoàng là Bố cái đại vương, Linh Lang đại vương và Thái tể Hoàng Phúc Trung - những nhân vật có liên quan trực tiếp đến các sự kiện lịch sử lớn trong vùng và là nguồn gốc của sự xuất hiện của cộng đồng dân cư ở nơi này. Bố Cái Đại Vương (tức Phùng Hưng) được dân ca tụng có sức khoẻ hơn người, vật nổi trâu, đánh được hổ, cõng thuyền nặng đi hàng chục dặm đường. Khoảng đời Đại Lịch (766 - 779), ông phất cờ khởi nghĩa chống lại chế độ cai trị độc đoán của quân xâm lược nhà Đường do Cao Chánh Bình thống lãnh ở Tống Bình (Hà Nội ngày nay). Trước cuộc tấn công như vũ bão, Cao Chánh Bình sợ quá lâm bệnh chết. Cuộc cách mạng thành công. Phùng Hưng dành lại chủ quyền vùng đất Đường Lâm, rồi tiến chiếm cả một miền rộng lớn quanh vùng. Nhưng Phùng Hưng chỉ sau thành quả cách mạng vài tháng bị bệnh chết bất ngờ. Phùng An lên nối ngôi. Dân chúng mến mộ công đức lớn lao của Phùng Hưng nên tôn vinh ông là Bố Cái Đại Vương (có nghĩa vua như cha (Bố), mẹ (Cái)) và xây đền thờ ở phía Tây phủ thành Tống Bình, thuộc địa phận làng Kim Mã để thờ kính.
Nhân vật thứ hai là Linh Lang (tức Hoàng Lang). Theo truyền thuyết ông là hoàng tử con trai vua Lý Thánh Tông và bà Hạo Nương - người phường Thị Trại (sau này đổi thành Thủ Lệ). Khi quân Tống xâm lược, Linh Lang liền xin cấp một cỗ voi và một cây cờ hồng để đi dẹp giặc và đã chiến thắng quân xâm lược. Vua muốn nhường ngôi nhưng ông không nhận, chỉ xin về quê mẹ ở Thị Trại. Khi vua cha tới thăm, Linh Lang thưa: "Thần vốn là con của Long Quân, vì thấy thế nước nguy nan nên vâng mệnh trời, giáng xuống Hoàng Gia để giúp nước. Nay giặc đã dẹp xong, thần xin trở lại thủy quốc”. Nói rồi, chàng liền biến thành con rắn dài hơn trăm trượng, lao thẳng xuống hồ Tây biến mất.
Gần đây, các nhà sử học cho rằng Linh Lang chính là hình ảnh được thần linh hoá của Hoàng tử Hoàng Chân - người đã hi sinh anh dũng trong cuộc kháng chiến chống quân Tống tại bờ sông Như Nguyệt năm 1077.
Theo thần tích, Thái tử Hoàng Phúc Trung quê ở làng Lệ Mật. Năm 16 tuổi ông đã được vua Lý Thánh Tông cho làm Giám quan trong triều. Trong một lần thăm cảnh trên sông Đuống, thuyền của Công chúa chẳng may bị đắm, tìm mãi không thấy xác nàng. Ông là người đã liều mình lặn sâu xuống nước và vớt được xác nàng. Vua ban thưởng nhưng ông chỉ xin được đem dân nghèo ở làng Lệ Mật sang khai khẩn vùng đất phía Tây kinh thành, dựng nên 13 làng trại.
Điều đáng chú ý là đình Kim Mã nay còn lưu giữ được một số di vật quý giá đối với kho tàng văn hoá nước nhà làø: một sắc phong thần cho Phùng Hưng của triều đại Tây Sơn, một cửa võng có niên đại thế kỷ 19 được chạm khắc tỉ mỉ với các hình ảnh: rồng chầu mặt trời, rồng cuốn thủy, tứ linh, văn mây, một sập thờ kiểu chân quỳ dạ cá có giá trị thẩm mỹ cao và hiếm thấy. Ngoài ra còn có tấm bia "Trùng tu nội bình di ký” năm 1875 đã được dịch in trong sách " Tuyển tập văn bia Hà Nội”.
2- ĐÌNH KIM LIÊN
Đình Kim Liên thuộc phường Kim Liên, phố Kim Hoa quận Đống Đa, Hà Nội. Đình là một trong "Thăng Long Tứ Trấn” được xây dựng từ thời vua Lý Thái Tổ (Lý Công Uẩn) khi Ngài mới dời kinh đô từ Hoa Lư về Thăng Long. Các thư liệu, thư tịch, văn bia, câu đối sắc phong về di tích đều khẳng định đình Kim Liên là nơi thờ thần Cao Sơn, một nhân vật quan trọng trong Điện Thần Việt Cổ. Theo văn bản cổ nhất có niên hiệu Hồng Thuận thứ 3, tên di tích là "Cao Sơn Đại Vương Thần Tứ”.
Truyền thuyết cho rằng: ông là con của Lạc Long Quân và Âu Cơ. Trong số 50 người con theo cha xuống biển, Cao Sơn ở lại mặt đất và trở thành vị Tướng thân cận của Sơn Tinh (tức Thánh Tản Viên). Ông cùng Sơn Tinh đánh Thuỷ Tinh và thủ lĩnh người tộc Âu tấn công nước Văn Lang cổ đại, bảo vệ ngôi báu vua Hùng.
Thần Cao Sơn sinh ngày 16-3, quê của Thần là Trang Thanh Uyên (nay là xã Thanh Uyên huyện Tam Nông tỉnh Phú Thọ). Thần Cao Sơn có tên là Nguyễn Hiền. Ông còn có họ Cao, tự là Văn Trường. Thuở nhỏ ông có chí lớn, thông hiểu kinh sử và kinh truyện. Lớn lên ông lại giỏi ngũ kinh (Thi, Thư, Lễ, Dịch, Xuân Thu). Ông làm quan tới chức Thừa Tướng và sau lại được vua phong chức Đại Thừa Tướng, kiêm chức Nguyên soái đã lập được nhiều công lớn cho đất nước. Năm 78 tuổi vua cho ông được về hưu và chết ở quê nhà, (thọ 103 tuổi). Sau khi ông chết, vua lại phong tặng tước vị "Cao Sơn Quốc Chủ Đại Vương”.
Hiện đình còn lưu giữ 39 sắc phong của Cao Sơn Đại vương. Vì vậy có câu đối hiện vẫn còn ghi ở đình:
Xuất vi tuấn kiệt nhập vi thần
Công tại quốc gia danh tại sử
Tạm dịch là:
Sống làm hào kiệt chết hoá thần
Công với quốc gia, danh ghi sử
Tam quan của Đình Kim Liên là một nếp nhà ba gian, xây kiểu tường hồi bít đốc, bốn góc tường hồi xây bốn trụ cao bằng nóc mái. Bốn vì kèo kết cấu kiểu chồng rường giá chiên, cột trốn. Các con rường được chạm trổ hình mây cuốn, hai câu đầu và hai bẩy của hai vì kèo giữa được trang trí phượng ngậm sách, long mã, rồng theo kỹ thuật chạm bong kên và chạm lộng.
Đình có kết cấu hình chữ "đinh”, gồm bái đường và hậu cung. Bái đường chỉ còn lại vết tích các hòn đá tảng kê chân cột to và dày. Hậu cung là một dãy nhà dọc ba gian xây gạch trần, mái lợp ngói ta, trong nhà xây vòm cuốn, gian ngoài cùng có bệ gạch cao, đặt hương án gỗ sơn son thiếp vàng. Hương án trang trí kín các đồ án hoa văn theo các ô hình chữ nhật bằng kỹ thuật chạm thủng, chạm nổi hình hổ phù, long mã tranh châu, tứ linh, tứ quý, bát bửu.
Hậu cung thờ Cao Sơn Đại vương và hai vị nữ thần phối hưởng. Trong bàn thờ, long ngai thờ thành hoàng Cao Sơn Đại vương có kích thước lớn, chạm khắc tinh vi, sơn son thiếp vàng lộng lẫy, bệ ngai hình vuông, gồm nhiều lớp được làm theo kiểu chân quỳ dạ cá, các lớp trên được chạm thủng hoa dây.
Truyền thuyết khác cho rằng Cao Sơn là một trong 50 người con của Lạc Long Quân và Âu Cơ đã theo mẹ lên núi, là vị thứ hai được thờ trong đền núi Tản Viên. Thần được coi là người đã ngầm giúp vua Lê Tương Dực dẹp loạn ở Đông Đô; nên năm 1509 được lập đền thờ ở Kim Liên, gần Thăng Long, là một trong bốn trấn của kinh đô (phía Bắc là Trấn Vũ, phía Đông là Bạch Mã, phía Tây là Linh Lang, phía Nam là Cao Sơn).
3- ĐÌNH MAI ĐỘNG
Đình Mai Động nằm ở phía bên trong ngõ 254 phố Minh Khai, quận Hai Bà Trưng. Ngôi đình cổ này được xây dựng trên nền đất làng Mai Động, có thời kỳ thuộc huyện Hoàn Long, tỉnh Hà Đông, từ 1954 thuộc quận VII, sau thuộc huyện Thanh Trì, rồi bây giờ thuộc quận Hai Bà Trưng.
Đình Mai Động thờ Đô vật Tam Trinh, thầy dạy chữ, dạy võ và vật không chỉ cho trai tráng trong làng mà cả các vùng lân cận. Ông Tam Trinh vốn là người gốc Thanh Hoá đã đến Mai Động sinh sống và dạy học. Sau ông trở thành thủ lĩnh nghĩa quân trong vùng và hợp tác trong cuộc khởi nghĩa của Hai Bà Trưng. Ông từng lập nhiều chiến công vào năm 40 và được Hai Bà Trưng phong Tướng. Năm 43, khi Hai Bà Trưng tuẫn tiết, ông vẫn cố thủ ở Mai Động, chiến đấu đến cùng và hy sinh vì nghĩa lớn.
Hàng năm, cứ đến Tết Nguyên Đán dân làng mở hội vật từ ngày 4 đến 6 Tết để tưởng niệm công đức của ông. Lễ hội Mai Động hàng năm chủ yếu có đô vật. Trai tráng trong làng, có khi còn có cả các tay vật từ Yên Sở, từ Hà Tây, Bắc Ninh và Bắc Giang cũng sang tham dự rất đông. Đây là hội vật lâu đời nhất, có lịch sử ngót 2000 năm.
4- ĐÌNH AN HÒA
Đình còn gọi là đình thôn Triền, ở xã Thanh Hà, huyện Thanh Liêm, tỉnh Hà Nam. Từ thị xã Phủ Lý rẽ tay trái theo quốc lộ 1 đến dốc Đọ, rẽ trái đến thôn An Hoà, rồi rẽ phải khoảng 300m là tới đình.
Đình được xây dựng trên khu đất rộng ở phía đông nam làng An Hoà, trước đình có hồ nước rộng. Toà tiền đường gồm năm gian. Hàng cột hiên gồm sáu cột xây bằng gạch vuông và hai cột gạch ở góc đỡ đầu đao. Các bẩy được chạm khắc hình rồng, mây uốn lượn sinh động, xen kẽ là các hoa văn hoa lá. Các con rường, đấu, trụ..đều được chạm hình con thú sinh động. Các mảng chạm trên xà nách hai gian chái cũng rất phong phú: bầy rồng quấn quýt bên nhau, trúc, sen, người mình chim, ly mẹ ly con vờn cắn đuôi nhau, hổ, chim, sóc..
Đặc biệt có các mảng chạm khắc đề tài sinh hoạt dân gian: người đóng khố leo cây, hái quả, người chèo thuyền rồng. Bộ cửa võng lớn, trên chạm rồng chầu mặt trời, diềm hai bên chạm rồng chầu, phượng múa, giữa có bốn chữ hán lớn "Thiên định phúc thần”.
Đình thờ Linh Lang Đại vương và Phò mã Kiểu Đức Mậu thời Lý. Lễ hội được tổ chức vào ngày 10 tháng giêng âm lịch. Ngoài ra còn có tế lễ trong các ngày sinh 4 tháng giêng và ngày hoá 20 tháng 11 của Linh Lang Đại vương, cũng như ngày sinh ngày hoá của Phò mã Kiểu Đức Mậu vào ngày 10 tháng 5 và 15 tháng 8 âm lịch.
5- ĐÌNH CỰ CHÍNH
Đình còn gọi là đình Con Cóc (do trước kia trên hai trụ trước đình có gắn hai tượng cóc bằng sứ) ở thôn Cự Chính (tên Nôm là làng Mọc), xã Nhân Chính, quận Thanh Xuân, Hà Nội. Đình Cự Chính cách chùa Bồ Đề chừng vài chục mét. Đình Cự Chính xây dựng vào thời Lê và đã được tu sửa nhiều lần. Trước kia, tam quan đình lớn, nay sau khi tu sửa, đã thu hẹp lại.
Đại đình năm gian, hai chái, nối với hậu cung ba gian, tạo thành hình chữ "đinh”. Đại đình lợp ngói ta, trên bờ nóc gắn tượng đôi rồng chầu mặt trời lửa. Hình rồng dài, độ uốn lượn lớn. Đầu hồi bên phải có một trụ gạch vuông, trên đỉnh đắp một tượng nghê quỳ hai chân trước, xung quanh đắp nhiều chữ Hán và các con vật linh thiêng. Các vì kèo được kết cấu kiểu chồng rường. Giữa đại đình đặt một hương án sơn son thiếp vàng. Phía sau có ba cửa vào hậu cung. Các vì kèo hậu cung cũng theo kiểu chồng rường. Trên nóc chạm hình dơi bay. Cửa chính hậu cung là cửa bức bàn có bốn cánh bằng nhau, sơn đỏ. Phần trên cánh cửa chạm thủng những hình dơi đang bay.
Trong hậu cung có ba bệ thờ lớn, trên đặt ngai sơn son thiếp vàng. Ngoài sân đình có một cái giếng đá giống như giếng đá chùa Bút Tháp ở tỉnh Bắc Ninh. Thành giếng cách mặt đất 0,45 mét, miệng giếng rộng 0,6 mét được tạo bằng một khối đá xanh nguyên khối, thắt đáy và thắt miệng, trên có chạm hai lớp cánh sen, bao quanh. Giữa lớp cánh sen có chạm hoa văn (hoa sen kiểu bệ tượng Phật thời Lê). Bờ giếng được lát bằng sáu khối đá xanh, giếng sâu 8 mét, thành giếng được xếp các viên gạch vỡ và các viên đá xanh vòng tròn. Nước chỉ để dùng tắm cho Thánh vào những ngày lễ. Đây có thể là một miệng giếng thời Lê, còn lại duy nhất ở Hà Nội.
Đình thờ thành hoàng là Lã Đại Liêu, tướng của thần Tản Viên, có công giúp vua Hùng đánh giặc giữ nước. Lễ hội chính hằng năm vào ngày 12 tháng giêng và 18 tháng 10 âm lịch, theo truyền thuyết là ngày sinh và ngày mất của vị thành hoàng. Hội làng vào ngày 12 tháng 2 âm lịch.
6- ĐÌNH MỘ TRẠCH
Đình còn gọi là đình làng Trăm Phượng hay đình làng Trám, thuộc xã Tân Hồng, huyện Cẩm Bình, tỉnh Hải Dương, ven Đường 194, cách thị xã Hải Dương 20 cây số. Đình vốn ở xứ Tây Trù đầu thôn, vào khoảng giữa thế kỷ XVII, đình được dời đến chỗ dựng ngôi đình hiện nay.
Đình quay hướng Đông, kiểu chữ "đinh”. Phiá trong là đình trong, có cửa đóng kín nối liền với hậu cung. Hậu cung có mái chồng diêm, bờ nóc đắp tượng lưỡng long triều nguyệt, bốn đầu mái cong vút. Hai bên hậu cung là hai nhà giải vũ hình thước thợ. Giải vũ lợp ngói, sát tường xây nhiều bệ, mỗi bệ là một bàn thờ tổ tiên của một họ.
Trước đình trong là đình ngoài lợp ngói, bờ nóc gắn hai hàng gạch, hai đầu bờ mái gắn hình dây cuốn. Trước đình có sân hình chữ nhật xây tường ba mặt. Trước sân có cột đồng trụ và hai cổng tả hữu. Cột kèo trong đình đều làm bằng gỗ lim. Xà, đầu dư, cốn, đấu, ván bưng, đều được chạm trổ các hình rồng phượng. Bức hoành phi "Thánh thọ vạn niêm” treo ở gian giữa. Hai gian kề bên xây sàn có nhiều bậc cao thấp để phân biệt ngôi thứ trong làng.
Nhân dân làng Mộ Trạch Thuộc nhiều dòng họ như Vũ, Lê, Tạ, Nguyễn, Nhữ, Cao, Lương, Trương, Trịnh, Phạm, trong đó họ Vũ, họ Lê có số người đông hơn cả. Làng Mộ Trạch có truyền thống học hành, đỗ đạt, nên dân làng còn gọi là "Tổ Tiến sĩ” (Tiến sĩ sào).
Hằng năm, ngày 8 tháng giêng Âm lịch, dân làng vào đám, rước thành hoàng làng là Vũ Hồn, ông tổ họ Vũ, từ miếu theo đường "nghinh” vòng ra ngoài đồng rồi về làng tổ chức tế lễ, có hát chèo và nhiều cuộc vui. Vào đám xong, lại người ta lại rước Thành Hoàng về miếu, ở hậu cung của đình, nơi chỉ đặt bàn thờ vọng.
BY: HOÀNG THẠCH
Đất không có nước sẽ cằn cỗi, nứt nẻ. Cây cỏ không có nước sẽ hô khéo. Một thành phố không có ao, hồ, sông thì chỉ nói về phương diện cung cấp nước thôi cũng gặp nhiều khó khăn và mất đi vẻ đẹp. Không chỉ thế, các hồ nước còn điều hòa khí hậu và làm cho thành phố dịu mát. Đây cũng còn là tụ điểm của khách thập phương đến dạo chơi hay ngắm cảnh hồ.
Không kể các con sông làm nên lịch sử như sông Nile Ai Cập, sông Seine Ba Lê, sông Thames Luân Đôn, sông Mississipi Hoa Kỳ, Hoàng Hà Bắc Kinh, sông Hồng Thăng Long v.v… đã làm phát triển và đem lại sức sống cho các thủ đô danh tiếng trên thế giới; các hồ tại cố đô Thăng Long cũng đóng vai trò khá quan trọng cả về phương diện lịch sử và văn hóa của đất nước Việt Nam.
Biết bao nhà văn đã từng ngồi mê mẩn bên bờ hồ để viết lên những câu truyện tình trăn trở. Biết bao thi sĩ đã du thuyền trên mặt hồ để viết lên những vần thơ lai láng và biết bao họa sĩ đã lang thang bên bờ hồ để vẽ lên những tuyệt tác mỹ thuật.
Nói chung, các hồ thiên nhiên không chỉ là nơi cung cấp nước cho dân thành, mà còn là nơi tạo nên cảm hứng cho văn nhân thi sĩ và là điểm hẹn hò của các đôi tình nhân hoặc khu vực thể thao cho các chàng lực sĩ chạy bộ. Vì thế, khi nói tới Thăng Long Ngàn Năm Văn Vật, người ta không thể quên một số hồ nổi tiếng được ghi vào lịch sử mà các di tích để lại là những nét đặc thù trong nền văn hóa của dân tộc Việt Nam.
Trong đề tài văn hóa kỳ này, chúng tôi xin giới thiệu bốn hồ nổi tiếng trong số 18 hồ lớn nhỏ nằm trong địa danh cố đô Thăng Long.
1- HỒ HOÀN KIẾM
Hồ Hoàn Kiếm hay hồ Gươm còn có tên là hồ Hàng Hương, là một trong những hồ đẹp nhất nằm giữa cố đô Thăng Long. Hồ Gươm trước kia có một khúc của sông Hồng mặt nước xanh trong, chung quanh có cây cối tươi mát và đường phố đông người. Giữa hồ có hai hòn đảo nhỏ, phía Bắc là đảo Ngọc Sơn, phía Nam là đảo Tháp Rùa. Trên đảo Ngọc Sơn có đền thờ Tam Thánh và Hưng Đạo Đại Vương. Trước đền có Trấn Ba Đình, cửa ngoài của đền là Chùa Tháp Bút và Đài nghiên. Cây cầu vồng bắc qua từ bờ vào đền gọi là cầu Thê Húc. Đứng ở Trấn Ba Đình nhìn về phía Nam thấy ngọn tháp xây từ năm 1884 trên đảo Tháp Rùa.
Theo truyền thuyết thì sau khi đánh đuổi được quân nhà Minh, vua Lê Thái Tổ ngự chơi trên hồ, bỗng thấy một con Rùa Vàng lớn nổi lên trước mũi thuyền rồng. Ngài bèn cầm thanh kiếm "Thuận Thiên" đã vớt được khi còn kháng chiến suốt 10 năm dài ở Chí Linh, mà chỉ vào con rùa. Con rùa đớp ngay thanh kiếm quý rồi lặn xuống đáy hồ. Ngài cho là việc đánh giặc Minh đã xong nên Trời đòi lại kiếm, bèn đặt tên cho hồ này là hồ Hoàn Kiếm, nghĩa là trả lại kiếm báu. Vì thế, hồ Hoàn Kiếm còn gọi là hồ Gươm.
Trong thời gian vừa qua, người ta thấy có một số "Cụ Rùa" bò lên đảo nằm phơi mình dưới ánh trăng và tắm nắng cho da dẻ hồng hào. Dựa vào sự xuất hiện bất ngờ này, lời đồn đãi được loan truyền trong dân chúng là Thần Kim Quy tái xuất hiện để cứu nước! Như vậy, VC kỳ này chắc tiêu tùng!
Cũng có tin Nhà Cầm quyền CS Hà Nội tính làm sạch ven bờ và vét bùn dưới lòng hồ để cho nước trong xanh và bớt mùi ô uế. Nhưng nếu vét hồ mà không thấy cây kiếm Thuận Thiên và Cụ Rùa Vàng đớp kiếm của Vua Lê Thái Tổ năm xưa thì thật là chuyện dở khóc dở cười. Không thấy các chứng tích lịch sử thì truyền thuyết về hồ Hoàn Kiếm coi như chỉ là truyện cà kê dê ngỗng? Như vậy, nếu Nhà Cầm quyền CSHN, muốn phủ nhận các truyền thuyết về lịch sử và văn hóa của dân tộc, lại phải đổi tên hồ. Chả lẽ là Hồ Đồ?
2- HỒ TÂY
Hồ Tây vốn là một khúc sông Hồng, có hình móng ngựa, vừa dài, vừa rộng, chạy từ Tây Bắc sang phía Đông thành phố Hà Nội. Hồ có diện tích gần 500 mẫu Tây (ha). Đường Cổ Ngư (chính ra là Cố Ngự yển, tức đập nước, đọc trệch ra là Cổ Ngư) ngăn Hồ Tây với hồ Trúc Bạch (còn có nghĩa là hồ giặt lụa).
Về lịch sử Hồ Tây, người ta thấy có nhiều truyền thuyết như sau:
-Truyền thuyết 1:
Về đời Hùng Vương, trong hồ Tây có con thuồng luồng già sống lâu ngày thành tinh và bắt nuốt một bà cụ già, khi bà xuống đó rửa chân. Con của cụ bà là một ông Khổng lồ đã nhẩy xuống đánh và vật lộn với quái vật để cứu mẹ. Người và vật quần thảo nhau khiến chỗ giao đấu ngày càng sâu dần biến thành một hồ nước rộng mông mênh.
-Truyền thuyết 2:
Tục truyền ở giữa hồ có con cáo trắng có tới chín cái đuôi đã sống hơn nghìn năm, thành tinh và thường biến hóa ra người để hãm hại dân chúng sống chung quanh hồ. Long Vương thấy thế liền làm nước dâng cao và điều động các loài thủy tộc lên đánh, bắt được con cáo rồi giết chết đi. Quái tinh và loài thủy tộc quần thảo nhau nên biến nơi này thành hồ lớn, sau này người ta gọi là đầm "Xác Cáo."
-Truyền thuyết 3:
Ở núi Tiên Du có con Trâu Vàng khó trị, nên một Thiền sư đã phải lấy thiền trượng đánh nó. Trâu Vàng sợ, vừa chạy vừa lấy đầu húc vào đất thành thôn Húc, nên sau mới lại có cái tên cầu Thê Húc. Chỗ đất mà Trâu Vàng húc sâu dần biến thành vũng đầm, có tên là vũng Trâu Đầm ở Văn giang thuộc tỉnh Hưng Yên. Trâu chạy ngược lên thành sông Kim-ngưu và cuối cùng ẩn vào hồ Tây. Từ sự tích này mới có chuyện đồn trong dân gian là nhà ai sinh được 10 con trai thì lên hồ Tây kéo được Trâu Vàng.
-Truyền thuyết 4:
Lại có chuyện kể rằng, nhà sư Không Độ (tức Lý Quốc Sư) có tài thu hết kim loại đồng của phương Bắc đem về đúc thành quả chuông lớn. Khi chuông đánh lên, con Trâu Vàng ở bên Tầu nghe được tưởng là tiếng mẹ gọi liền lồng sang Việt Nam. Nó quần mãi chỗ đất nơi phát ra tiếng chuông làm cho đất lúng sâu thành hồ Tây ngày nay.
-Truyền thuyết 5:
Dân chúng còn kể rằng: Long Vương có công diệt được con cáo trắng chín đuôi, nên trở thành đệ tử của Đức Huyền Thiên Châu Vũ Đế (vốn là một vị Thần trấn giữ phương Bắc trong thần thoại Trung Hoa). Do đó mới có đền thờ Đức Thánh Trấn Võ (tức Thánh Châu Vũ đọc trệch ra vì theo phong tục cổ người ta kỵ húy) ở cạnh Hồ Tây ngày nay. Trong đền có pho tượng đồng đen, cao gần 4 mét và nặng 4 tấn mà người ta quen gọi là đền Quan Thánh. Bên Hồ Tây còn có ngôi trường nổi tiếng là Trường Bưởi hay có tên khác là trường Chu Văn An, nơi đã đào tạo được nhiều danh nhân nước Việt.
Hồ nước mênh mông và phong cảnh hữu tình của Hồ Tây đã gợi lên nguồn cảm hứng cho thi sĩ Nguyễn Khuyến (1835-1909) làm lên bài thơ ca tụng dưới đây:
Chơi Thuyền Hồ Tây (1)
Thuyền lan nhè nhẹ,
Một con thuyền đủng đỉnh dạo Hồ Tây.
Sóng rập rờn sắc nước lẩn chiều mây.
Bát ngát nhẽ dễ trêu người du-lãm,
Yên thủy mang mang vô hạn cảm,
Ngư long tịch-tịch thục đồng tâm.
Rượu lưng bầu, mong mỏi bạn tri âm,
Xuân vắng vẻ, biết cùng ai ngâm họa?
Gió hây-hẩy bỗng nức mùi hương xạ,
Nhác trông lên, vách phấn đã đôi bài.
Thơ ai, xin họa một bài.
Chú thích: (1) Hồ Tây còn có tên rất đẹp khác là Lãng bạc hồ.
3- Hồ Văn
Khu di tích Văn Miếu - Quốc Tử Giám vốn bao gồm cả một cái hồ lớn gọi là Thái hồ hay Văn hồ, mà sau này khi người Pháp mở đường đã bị tách sang phía bên kia phố Quốc Tử Giám ngày nay.
Giữa hồ Văn trước đây có gò đất gọi là Kim Châu, quanh hồ trồng nhiều thông, trúc, hoè, lựu, liễu, mẫu đơn, trắc... Năm 1863, Hoàng giáp Lê Hữu Thanh và Án sát Đặng Tá đã quyên tiền thuê người nạo vét bùn, mở rộng mặt hồ rồi cho làm một ngôi đình trên gò Kim Châu, khắc 10 bài thơ vịnh Thái Hồ của Phạm Công Trứ treo trong đình. Ở phía đông Văn hồ có Nho sinh quán (hay còn gọi là quán anh đồ) do Phủ Hào - một người yêu thơ văn lập ra để làm nơi trú ngụ cho học trò các tỉnh về thi cử. Ông sửa lại ngôi đình cũ trên gò giữa hồ, gọi là Nhật Hồ Đình để văn nhân, tài tử đến đó ngâm vịnh. Nơi ấy còn vang vọng trong không gian và thời gian câu thơ ghi nhớ:
Nước Văn hồ tha hồ tắm mát,
Rượu Hồ Đình khao khát bạn làng văn.
Tuy nhiên, từ thời Pháp thuộc, hồ Văn đã bị lấn chiếm, xâm hại khiến các quan lại và thân hào VN phải kêu cứu trong một lá đơn gửi chính quyền Thực Dân, mà Trung tâm Lưu trữ Quốc gia I hiện còn quản thủ, trong đó có đoạn:
"Văn Miếu được đặt trong một vị trí rất đẹp và một trong những yếu tố làm nên vẻ đẹp của nó chính là Hồ Văn... Theo những quan niệm kiến trúc cổ thì hồ này có thể so sánh như chiếc gương lớn soi sáng cho Văn Miếu... Hồ này một khi được trả lại Văn Miếu và được tiếp tục sửa sang bằng các việc làm đúng đắn thì sẽ tạo nên một trong những di tích lịch sử lâu đời nhất, hơn nữa là một phong cảnh đẹp của thành phố Hà Nội, tạo nên một sức hấp dẫn mới cho du khách tham quan. Do đó cần phải ưu tiên cứu hồ sớm thoát khỏi sự đe doạ của thời tiết và các công trình lấn chiếm ngày càng nhiều..."
Hiện nay, hồ Văn cũng đang là một công trình trọng điểm trong các dự án phục hồi, tôn tạo di tích văn hóa - lịch sử của Thủ đô, tiến tới kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội. (HNM)
4- Hồ Trúc Bạch
Hồ Trúc Bạch ngăn cách với Hồ Tây bởi đường Thanh Niên (trước kia là Cố Ngư) đắp vào năm 1957-1958. Thực tế thì hồ Trúc Bạch xuất hiện vào thế kỷ 17 khi dân làng Yên Hòa, nay là Yên Phụ và Yên Quang, nay là đường Quan Thánh đã ngăn phía Đông-Nam hồ Tây để đánh cá. Phía Nam thì dân Trúc Yên che kín làng bằng lũy tre xanh và đó là lý do tại sao mỗi gia đình lại trồng nhiều loại tre nhỏ khác nhau. Dưới thời chúa Trịnh Giang (1729-1740) Viện Trúc Lâm được xây dựng, nhưng sau này tòa nhà được dùng làm trung tâm giam giữ các Cung Tần Mỹ Nữ bỏ Cung Đình lẻn ra ngoài trăng gió hay phạm một tội nào khác bị phạt. Các cô phải tự tìm kế sinh nhai bằng nghề thêu dệt và hàng lụa thêu của các nàng ca nhi không ngờ lại đẹp hết chỗ chê, nổi tiếng khắp trong vùng cố đô mà người ta quen gọi là Lụa Làng Trúc.
Cũng như hồ Tây, các di tích lịch sử và văn hóa về hồ Trúc Bạch được nói đến như: Đền Quán Thánh nằm góc Tây-Nam và Chùa Châu Long nằm về phía Đông. Theo lời kể thì chùa được xây dựng dưới đời Trần Nhân Tông và là nơi Công chúa thường lui tới lễ Phật. Đền An Trí ở đường Phó Đức Chính thờ Uy Đô, một anh hùng đã có công chống lại quân xâm lược phương Bắc.
Về phía Bắc, cách đường Thanh Niên không xa, có Đền Cẩu Nhi hiện không còn tồn tại, nhưng có một tảng đá ghi lại chứng tích VC bắt sống phi công Mỹ dưới đây:
"Ngày 26.10.1967, tại hồ Trúc Bạch quân và dân Thủ đô Hà Nội bắt sống tên Jchn Sney Macan Thiếu tá Không quân Mỹ lái chiếc máy bay A4 bị bắn rơi tại nhà máy điện Yên Phụ. Đây là một trong 10 chiếc máy bay bị bắn rơi cùng ngày." (Tên thực Thiếu tá Phi công là John Sidney McCain mà VC phiên âm ra tiếng Việt đọc nhức đầu!)
Như quí độc giả đều biết John Sidney McCain là Thượng Nghị Sĩ thuộc đảng Cộng Hòa đã tham chiến tại VN và trong khi thi hành phi vụ thứ 23 oanh tạc Bắc Việt năm 1967, thì máy bay bị bắn rơi. McCain nhẩy dù ra khỏi máy bay và bị bắt sống. Thượng Nghị sĩ John Sidney McCain từng ra tranh cử vào năm 2000 để được đảng Cộng Hòa đề cử là ứng cử viên Tổng thống. Trong cuộc phỏng vấn của Mike Wallace trên đài truyền hình CBS, John McCain đã không ngần ngại đâm sau lưng chiến sĩ của mình và làm mất thể diện quân đội Mỹ qua việc nhìn nhận mình là "giặc Lái" (Air Pirate) và lời tuyên bố "tôi là một tội nhân chiến tranh, tôi đã bỏ bom đàn bà và trẻ em vô tội." (I am a war criminal; I bombed innocent women and children).
TNS McCain không đủ phiếu để trở thành ứng cử viên Tổng thống của đảng Cộng Hòa cũng là điều may. Nếu không VC lại phải quẳng bia đá trên xuống hồ Trúc Bạch hoặc đem chôn dưới đất, giống như bức hình biểu tình phản chiến chống chiến tranh VN thời còn sinh viên của TNS John Kerry treo trong bảo tàng viện chiến tranh đã được VC dấu đi. Lý do: Ứng cử viên John Kerry, thuộc đảng Dân Chủ, trong cuộc tranh cử Tổng thống Mỹ vừa qua đã qua thăm VN và ủng hộ CSVN.
Đúng là cảnh đời thay trắng đổi đen!
HÀ NỘI băm sáu phố phường có từ bao giờ
Nói tới Thăng Long, Kinh đô thời xưa hay Hà Nội, Thủ đô ngày nay, người Việt không quên câu nói "Hà Nội Băm Sáu (36) Phố Phường". Nói và viết Ba mươi sáu thì đúng. Nhưng đối với nhiều người dân miền Bắc thì Băm Sáu mới là cách nói của người dân xứ ngàn năm văn vật. Những số tiếp sau hai số hàng chục: hai mươi (20) và ba mươi (30), người ta thường bỏ chữ mươi ở giữa số hàng chục và đơn vị để đọc là hăm mốt thay cho hai mươi mốt (21), băm mốt thay cho ba mươi mốt (31) v.v… cho gọn.
Nói tới Hà Nội Băm Sáu Phố Phường, người ta mới hiểu được sự tổ chức xã hội của Việt Nam ngày xưa có lẽ qua mặt các xã hội văn minh cùng thời về lãnh vực tổ chức các khu bán hàng. Ngày nay vào các đại siêu thị, người ta có thể không còn phải mất nhiều thời gian tìm hàng hóa mình muốn mua. Tuy vậy, các đại siêu thị vẫn không cung cấp toàn bộ sản phẩm so với việc tổ chức theo từng phố của Hà Thành năm xưa. Muốn mua thứ gì, người dân chỉ cần đến ngay phố đó là có các mặt hàng.
Để tìm hiểu cội nguồn của câu nói trên, chúng tôi mời quí độc giả theo dõi một số điểm sau đây:
1- Về Phương Diện Địa Lý và Tổ Chức Hành Chánh
Theo tổ chức hành chánh vào thập niên 1980 thì Hà Nội có bốn quận nội thành là: Ba Đình, Đống Đa, Hoàn Kiếm, Hai Bà Trưng và mười một huyện là: Mê Linh, Sóc Sơn, Đông Anh, Gia Lâm, Ba Vì, Thạch Thất, Phú Thọ, Đan Phượng, Hoài Đức, Từ Liêm, Thanh Trì và thị xã Sơn Tây.
Nếu nói rằng các Thủ đô hay thành phố lớn và văn minh của thế giới đều tọa lạc bên những giòng sông thì Thăng Long có được cái đặc điểm và vị trí thuận là có nhiều sông ngòi chảy qua. Những con sông làm cho đất đai Long Thành và vùng lân cận trở nên mầu mỡ, không khí tươi mát và giúp cho phương tiện giao thông vận tải tiện lợi là các sông Hồng, Sông Đà, sông Đáy, sông Công, sông Cầu, sông Cà Lồ, sông Đuống, sông Ba Hanh, sông Hàng, sông Nhuệ, sông Thiếp, sông Tích, sông Đằm Long, sông Tô Lịch và nhiều hệ thống kinh đào như: Đan Hoài (Đan Phượng, Hoài Đức), Thuỵ Phương, (Từ Liêm), Gia Thượng (Gia Lâm), Ấp Bắc, Ấp Nam (Đông Anh).
Sông Hồng chảy qua trung tâm Hà Nội và chia thành phố làm hai khu vực: phía Đông-Bắc và Đông là các huyện Sóc Sơn, Mê Linh, Đông Anh, Gia Lâm; phía Tây-Bắc và Tây-Nam là các huyện Ba Vì, Phú Thọ, Thạch Thất, Đan Phượng, Hoài Đức, Từ Liêm, Thanh Trì, thị xã Sơn Tây và nội thành Hà Nội. Cùng với những con sông xanh lượn khúc, nội thành Hà Nội còn có những Hồ thiên nhiên đẹp nên thơ và hấp dẫn du khách thập phương như: Hồ Hoàn Kiếm (Hồ Gươm), Hồ Tây, Hồ Trúc Bạch, Hồ Thiến Quang và Hồ Bẩy Mẫu.
2- Về Phương Diện Văn Hóa
Thăng Long, đất "ngàn năm văn vật" được lưu truyền mãi trên vành môi của dân Việt dựa trên kho tàng văn học, văn chương, thi ca và nền tảng Kinh đô của Việt Nam qua nhiều thế kỷ, trung tâm văn hóa lâu đời, cùng với những người con sinh ra và lớn lên trên mảnh đất thân yêu đã trở thành văn nhân, thi sĩ nổi tiếng và anh hùng hào kiệt như: Lý Thường Kiệt, Nguyễn Du, Chu Văn An, Đặng Trần Côn, Hồ Xuân Hương, Cao Bá Quát, Nguyễn Văn Siêu, Bà Huyện Thanh Quan, Ngô Thời Nhậm v.v…
Ngoài Văn Miếu (Quốc Tử Giám) hay nhà Thái Học, một Viện Đại Học đầu tiên và Hàn Lâm Viện của dân Việt, được thành lập vào năm 1076 dưới thời Lý Nhân Tông, chứng tỏ nền văn học của Việt Nam phát triển khá cao so với các quốc gia khác vào thời điểm này.
3- Về Phương Diện Lịch Sử
Một số tài liệu nghiên cứu lịch sử chứng minh Hà Nội có 36 phố phường mà chúng tôi được biết gồm có:
-Sách "Dư địa chí" của Nguyễn Trãi (Nguyễn Trãi toàn tập, NXB Khoa học xã hội, Hà Nội, 1976). Tác phẩm này viết về kinh đô như sau: "... Từ Lý đến nay, cũng đóng đô ở đấy. Có 1 phủ lộ, 2 thuộc huyện, 36 phường. Cẩn án: Phủ là Phụng Thiên, 2 huyện là Thọ Xương (xưa gọi là Vĩnh Xương) và Quảng Đức, mỗi huyện đều có 18 phường." (trang 217)… Thời Nguyễn Trãi, Đông Kinh có 1 phủ lộ, 2 thuộc huyện, 36 phường.
-Sách "Thăng Long, Đông Đô, Hà Nội" có in kèm bản đồ Đông Kinh vẽ năm 1490 và Hà Nội vẽ năm 1831. Theo sách này thì Hà Nội trước thời Pháp thuộc đã có hơn "36 phố phường, với 36 nghề" rồi. Trễ nhất là từ đầu thế kỷ 20, hai tiếng "phố phường" được hiểu, được dùng để chỉ phố xá (Huỳnh Tịnh Của, Đại Nam quốc âm tự vị). Cụm từ "Hà Nội băm sáu phố phường" được nhiều tác giả (điển hình là Thạch Lam) dùng để chỉ thành phố Hà Nội. Phố Hàng Đào gồm những cửa hàng tơ lụa, phố Hàng Giấy. "Hà Nội trước thời Pháp thuộc có 36 phố phường, với 36 nghề." (theo Chim Việt Cành Nam/ Nguyễn Dư)
-Sách "Làng xóm Việt Nam" của Toan Ánh có viết: "Phường là một thành phần của những làng có nhiều người cùng làm một nghề sống chung với nhau tại một khu... Cùng theo một nghề, họ thờ chung một Thánh Sư, và hàng năm ngày giỗ Thánh Sư gọi là ngày giỗ phường... Ngày xưa, ở Hà Nội có rất nhiều phường, và mỗi phường ở một khu, sau biến thành phố, và những phố này thường chỉ gồm những người cùng làm một nghề hoặc cùng bán một loại hàng. Di tích này còn lưu lại tới ngày tiền hiệp định Genève, tuy trong phố cũng có một vài cửa hàng lạc nghệ xen vào... Hà Nội trước thời Pháp thuộc có 36 phố phường, với 36 nghề."
Ngoài các sách vở nêu trên, người ta còn ghi nhận có quan niệm cho rằng 36 phố phường mang ý nghĩa trừu tượng. Số 9 ở Á Châu hay Việt Nam là con số chỉ sự đầy đủ. Nếu dựa vào toán học thì số 9 có trị số lớn nhất. 4 lần 9 là 36 có nghĩa là nhiều. Nhưng 4 còn có nghĩa là 4 hướng "Đông Tây, Nam, Bắc". 9 có thể nhân với các số khác từ 1-9. Số 9 nhân với 9 thành tổng số lớn nhất là 81; nhưng nó lại là số lẻ và không có ý nghĩa về thiên nhiên. Về tổ chức một thành phố thì 4 hướng thích hợp nhất trong việc phân chia phố thị. Vì thế, sự hoàn chỉnh và có ý nghĩa nhất là con số 36. Vào thế kỷ 17 Thăng Long được bảo vệ bởi 16 cổng thành có cánh cửa gỗ nặng cả ngàn cân. Như vậy mỗi hướng có 4 cổng và đó cũng là chủ ý có tính toán của tác giả vẽ họa đồ và xây dựng cố đô năm xưa: 4 x 4 = 16 và 4 x 9 = 36.
4- Thực Tế Phố Phường Hà Nội
Để dễ nhớ, chúng tôi xin ghi lại đây một bài thơ lục bát khá phổ thông nói về Hà Nội 36 phố phường.
Lang thang thành cổ Thăng Long, Băm sáu phố chính trong lòng là đây: Hàng Bồ, Hàng Bạc, Hàng Gai, Hàng Buồm, Hàng Thiếc, Hàng Bài, Hàng Khay, Ma Vi, Hàng Điếu, Hàng Giầy, Hàng Lọ, Hàng Cột, Hàng Mây, Hàng Đan, Phố Mới, Phúc Kiến, Hàng Than, Hàng Mã, Hàng Mắm, Hàng Ngang, Hàng Đồng, Hàng Muối, Hàng Nón, Cầu Đông, Hàng Hom, Hàng Dầu, Hàng Bông, Hàng Be, Hàng Thúng, Hàng Bát, Hàng Tre, Hàng Vôi, Hàng Giấy, Hàng The, Hàng Gà.
Vòng quanh bạn tới Hàng Da.
Đi chơi một chuyến thật là vui ghê.
Về phương diện tổ chức hành chánh là như vậy. Tuy nhiên, trên thực tế phố xá bán hàng hóa của Hà Nội không phải chỉ có 36 mà nhiều gần gấp hai. Sự kiện này cũng dễ hiểu thôi. Có khi một phường nằm trên một đường phố nhưng có hai hay ba khúc, qua các ngã tư chẳng hạn, nên có hai hay ba phố bán hàng khác nhau. Phố Hàng Mã-Mây là một ví dụ. Nhiều phố ngày nay đã bị đổi tên hoặc không còn bán các thứ hàng chuyên biệt như xưa. Đa số phố buôn của Hà Thành năm xưa đều bắt đầu bằng chữ "hàng" như dưới đây:
5- Một Số Phố Quan Trọng
-Phố Hàng Bạc có tên tiếng Pháp là Rue des Changeurs. Phố dài 280m từ ngã ba Hàng Bè - Hàng Mắm, cắt ngang ngã tư Đinh Liệt - Tạ Hiện, tạo ngã ba với phố Mã Mây đến chỗ tiếp giáp ngã tư phố Hàng Đào, Hàng Ngang, nối tiếp Hàng Bồ, thuộc phường Hàng Bạc, quận Hoàn Kiếm. Thời Pháp thuộc, phố có tên là Những người đổi bạc (Rue des Changeurs). Tại số nhà 74 là rạp Kim Chung, nay là rạp "Chuông Vàng", xưa là phố của các cửa hàng kim hoàn. Gần đây nhiều cửa hàng kim hoàn đã mở lại.
Phố này được xây dựng trên nền đất xưa vốn thuộc hai thôn Đông Thọ và Dũng Hãn, tổng Hữu Túc, huyện Thọ Xương cũ. Phố Hàng Bạc trước đây có 3 nghề khác nhau: nghề "đúc bạc nén", nghề "kim hoàn" và nghề "đổi tiền". Những người đúc bạc đều là dân làng Trâu Khê (nay thuộc huyện Bình Giang, tỉnh Hải Dương).
Thời Lê, ở đây có xưởng đúc bạc nén, nay là số nhà 58. Dân làng Trâu Khê lên đây làm nghề đã lập hai ngôi đình để thờ tổ nghề. Đó là đình ở nhà số 50, dân vẫn quen gọi "đình 50", trước gọi là Trương đình (Đình trên) và một đình ở nhà số 42, dân quen gọi "Đình 42", trước gọi Kim Ngân đình (Đình dưới). Đến cuối thế kỷ XIX, dân Trâu Khê lên lập nghiệp quá động, nên hai đình Hàng Bạc không đủ, học đã mua lại đền Nội Miếu của thôn Hài Tượng để lập đền thờ vọng về quê, gọi Trâu Khê vọng sở.
Ngoài ra phố này còn có nghề đổi tiền, đổi bạc. Nghề đúc bạc được chấm dứt vào thời Gia Long, khi kinh đô dời vào Huế, còn nghề đổi tiền kéo dài đến khi Pháp sang. Cuối cùng là nghề kim hoàn. Thợ kim hoàn là người Định Công thượng (nay thuộc huyện Thanh Trì, Hà Nội). Làm nghề kim hoàn còn có người làng Đông Sâm (huyện Kiến Xương, Thái Bình).
-Phố Hàng Buồm
Là nơi bán các loại buồm dùng cho thuyền bè. Hàng Buồm, có tên tiếng Pháp là "Rue des voilles" và là một trong những phố cổ, nơi cư trú đông đúc của Hoa Kiều, nên trước đây phố này chủ yếu là các cao lâu tửu quán, cửa hàng ăn. Phố dài 300 mét đi từ phố Đào Duy Từ, cắt ngang Hàng Giầy, đến phố Hàng Ngang, nối tiếp với phố Lãn Ông, thuộc quận Hoàn Kiếm
Phố này được xây dựng trên nền đất thuộc phường Giang Khẩu (sau đổi là Hà Khẩu), thuộc tổng Tả Túc, huyện Thọ Xương, nằm bên cửa sông Tô Lịch, nơi thông ra sông Hồng. Do đó phố Hàng Buồm là nơi bán các loại buồm dùng cho thuyền bè. Đây là quê ngoại và là nơi dạy học của nữ sĩ Hồng Hà Đoàn Thị Điểm thế kỷ XVIII.
Ngày nay phố Hàng Buồm còn một ngôi đền và một ngôi đình cổ. Tại nhà số 8 là đình Tử Dương, tục gọi là đình "Hàng Thịt". Còn số nhà 76 hiện nay là đền Bạch Mã, thờ thần Long Đỗ. Tục truyền Long Đỗ đã hoá thành ngựa trắng giúp vua Lý Thái Tổ xây thành khi dời đô từ Hoa Lư về đây. Cạnh đền phường Hà Khẩu còn văn chỉ bi ký, ghi dựng từ năm 1774. Gần đó, trước đây còn có chợ Bạch Mã của Thăng Long xưa. Chợ này đã cùng với Chợ Cầu Đông bên Hàng Đường dồn về lập chợ mới gọi là chợ Đồng Xuân, từ thời Pháp mới sang (1889). Số nhà 19 phố Hàng Buồm là trụ sở Hội Văn học Nghệ thuật Hà Nội.
-Phố Hàng Đào
Ở ngôi đình Đồng Lạc số 38 Hàng Đào vẫn còn một tấm bia dựng năm 1856 kể rõ về chợ bán "yếm quyến" nằm kề bên đình. Đó là loại yếm của phụ nữ được làm bằng một thứ lụa "trắng đẹp như vẽ" mà sách An nam Chí nguyên đã mô tả, hoặc cũng từng hiện hình trong câu ca dao tình tứ được truyền tụng từ xưa:
Thuyền anh đã cạn lên đây
Mượn đôi dải yếm làm dây kéo thuyền.
Đàn ông đóng khố đuôi lươn
Đàn bà mặc yếm hở lườn mới xinh".
Hàng Đào, tên một phố dài 260m, nối từ phố Hàng Ngang chỗ ngã tư Hàng Bạc - Hàng Bồ đến đầu phố Hàng Gai (nơi gặp nhau của phố Cầu Gỗ, phố Đinh Tiên Hoàng), Lê Thái Tổ (quảng trường Đông Kinh Nghĩa Thục), giữa phố có chỗ rẽ vào phố Gia Ngư, quận Hoàn Kiếm.
Ngày xưa, phường này chuyên nghề nhuộm tơ tằm với các màu đỏ, hồng (đào, điều). Trước thời Pháp thuộc, nơi đây tập trung bán tơ lụa. Hai bên phố là những cửa hàng bán đủ loại mặt hàng dệt bằng tơ tằm, the, lĩnh... Cũng tại đây mỗi tháng hai phiên chợ họp trên đường phố, người làng La Khê, La Cả ra bán the, người làng Mỗ ra bán đũi, người Vạn Phúc, Kẻ Bưởi đem bán lĩnh. Đầu thế kỷ XX có một số người Ấn Độ tới mở hiệu bán vải vóc, tơ lụa, len dạ. Thời Pháp thuộc, Hàng Đào có tên là phố Tơ Lụa (Rue de la Soi). Ngày nay, phố Hàng Đào vẫn là nơi tập trung buôn bán vải vóc, quần áo may sẵn..., một trong những phố trung tâm buôn bán sầm uất của thành phố Hà Nội.
Phố này được xây dựng trên nền đất xưa vốn thuộc hai phường Đồng Lạc (phía Bắc) và Đại Lợi (phía Nam), tổng Tiền Túc (sau đổi là Thuận Mỹ), huyện Thọ Xương. Trước đây, sau dãy nhà bên số lẻ có một cái hồ gọi là Hồ Thái Cực hay hồ Hàng Đào, chảy thông sang hồ Hoàn Kiếm, sau đó hồ đã bị lấp để xây dựng nhà cửa (khoảng giữa thế kỷ XIX). Di tích cũ còn sót lại là miếu Đồng Lạc ở số nhà 31 (không rõ thời ai), đình Đồng Lạc ở số nhà 38, thờ Bạch Mã, Linh Lang và Cao Sơn. Đền Đại Lợi còn có tên là đền Bạch Bổ, ở số nhà 47, thờ thần Bạch Mã. Đình Đại Lợi trước đây ở cuối phố giáp Hàng Gai, do mở đường nên đã dời vào Gia Ngư, nay ở số nhà 50 cũng thờ Bạch Mã, Linh Lang, Cao Sơn. Tại nhà số 90A phố này còn có đình Hoa Lộc do dân làng Đan Loan ở huyện Bình Giang (Hải Dương ngày nay) thờ thành hoàng là Triệu Xương, vợ là Phương Dung và thờ ông tổ nghề nhuộm.
-Hà Nội từng có một phố hàng thêu
Đấy là đoạn nằm vào cuối phố Hàng Trống ngày nay. Tên phố cũ bây giờ chẳng còn, nhưng từ xưa những người thợ thêu làng Quất Động (Thường Tín - Hà Tây) đã mang đến đất Kinh kỳ một thứ sản phẩm có tính thẩm mỹ thật tinh tế và tạo ra cho Thăng Long - Hà Nội một phố nghề nhộn nhịp đầy sắc màu.
Tấm vài thêu hơi dài, thường có sáu hay bảy người cùng thêu chung trên một khung. Hình thêu thường là hoa quả, chim, đôi khi là bốn con vật linh (long, ly, quy, phượng).... Họ tỏ ra rất thành thạo trong việc kết hợp những màu hết sức sặc sỡ trên lụa, để làm thành một tổng thể hài hoà mà không chói mắt".
Thêu là một nghề thủ công đòi hỏi người thợ phải có đôi tay khéo léo, con mắt tinh tường, óc thẩm mỹ tinh tế và đức tính cần mẫn. Chả thế mà đến tận giờ người ta vẫn còn lưu truyền câu ca dao:
Áo điều thêu sợi chỉ điều,
Bao nhiêu sợi chỉ bấy nhiêu tấm lòng.
DI TÍCH LỊCH SỬ VĂN HÓA VÀ TÊN GỌI THỦ ĐÔ HÀ NỘI
BY: HOÀNG THẠCH
ĐÔI LỜI MỞ ĐẦU
Nói đến Việt nam có bốn ngàn năm văn hiến, người ta không thể không tìm hiểu các di tích lịch sử văn hóa của cố đô Việt Nam có tên từ ngàn xưa là Cổ Loa, Đại La (hay La Thành), rồi Hoa Lư, Đông Đô, Thăng Long và ngày nay là Hà Nội. Khai triển chủ đề văn hóa trong năm 2006, chúng tôi sẽ lần lượt giới thiệu, theo mốc thời gian lịch sử, các di tích lịch sử văn hóa của ba miền Bắc, Trung, Nam.
Mở đầu các di tích lịch sử văn hóa tại miền Bắc, cái nôi văn hóa của nước Việt Nam "ngàn năm văn vật", chúng tôi xin kể lại một số di tích nổi tiếng tại cố đô Thăng Long mà người dân Việt nào cũng cần biết để hãnh diện về các công trình của Tổ Tiên đã để lại. Nói tới thủ đô Hà Nội ngày nay, tuổi trẻ VN chắc không mấy người biết căn nguyên của các biến chuyển lịch sử và tên gọi của thủ đô. Để mọi người có dịp tìm hiểu nguồn gốc, chúng tôi xin ngược giòng thời gian để nhắc lại tên gọi kinh đô ngày xưa và thủ đô ngày nay.
-Cổ Loa: được coi là thủ đô có thành quách đầu tiên của VN dưới thời Thục An Duơng Vương (257-207 trước Công Nguyên), sau triều đại cuối cùng Hùng Vương XVIII. Cổ Loa là khu di tích lịch sử quan trọng nhất về thời kỳ dựng nước của dân tộc VN. Cổ Loa nằm trên địa phận huyện Đông Anh, cách thủ đô Hà Nội 17 km về phía Đông Bắc. Nói tới Cổ Loa thành, người Việt không thể quên câu chuyện bi ai giữa Trọng Thủy và Mỵ Châu. Câu chuyện kỳ thú được kể lại là thành xây ban ngày đến đêm lại bị đổ. Vua An Dương Vương phải cầu trời khấn thánh thì được thần Kim Quy (Rùa vàng) xuất hiện tặng cho cái nỏ thần và chỉ kế diệt Bạch Tinh Kê (Gà trắng) thì thành mới xây xong. Chiếc nỏ thần mà cái lẫy chính là móng Rùa vàng, nên bắn ra trăm phát trăm trúng, đã giúp vua diệt giặc và giữ vững được thành. Triệu Đà tính chiếm nước Âu Lạc mà đánh mãi vẫn thua, nên dùng kế gián điệp, giả cho con trai là Trọng Thủy sang kết hôn với con gái vua An Dương Vương là Mỵ Châu. Sau khi hỏi dò Mỵ Châu, biết được nhờ có nỏ thần An Dương Vương mới thắng trận, Trọng Thủy liền tráo nỏ giả và ăn cắp nỏ thật đem về cho vua cha. Triệu Đà có nỏ thần liền cất quân đánh Âu Lạc. Khi An Dương Vương đem nỏ ra bắn thì vô hiệu quả, phải lên ngựa chạy bỏ Cổ Loa, có Mỵ Châu ngồi sau lưng. Trước khi về nước, Trọng Thủy có hẹn sẽ trở lại và nếu có binh biến, đi đâu Mỵ Châu nên thả lông ngỗng trên đường để Trọng Thủy có thể tìm ra. An Dương Vương chạy đến đường cùng thấy quân Triệu Đà vẫn đuổi theo thì khấn thần Kim Quy lên giúp. Khi vua hỏi tại sao nỏ thần không hiệu nghiệm thì Thần Kim Quy nói "giặc ngồi ở sau lưng nhà vua đó". Biết vậy, vua bèn vung gươm giết con gái mình và nhảy xuống sông tự tử. Nước Âu Lạc từ đó bị Triệu Đà chiếm mất. Khi Mỵ Châu chết, nàng biến thành ngọc trai ở biển Đông, còn Trọng Thủy, thất vọng vì mất người yêu đã gieo mình xuống giếng Loa Thành tự vẫn.
Theo các sử liệu cũ và những dấu tích xưa còn lại đến nay được biết: Thành xây quanh có 9 lớp theo hình trôn ốc. Di tích còn lại đến nay chỉ còn lại 3 lớp thành trong cùng đắp bằng đất. Thành ngoài dài 8 km, thành giữa 6,5km, thành trong 1,6km, lũy cao trung bình 4-5m, có chỗ 8-12m, chân lũy vững chãi dài 20-30m, mặt lũy rộng 6-12m. Bên ngoài mỗi lũy thành là hào sâu và rộng có thể đi lại bằng thuyền bè, hào nối với sông, với đầm rộng mênh mông... Xét về mặt quân sự, thành Cổ Loa vừa có khả năng phòng thủ và phản công, vừa là căn cứ bộ binh vừa là căn cứ thủy binh. Các cửa thành bố trí rất khéo, không cửa nào nhìn thông sang cửa nào, nối liền hai cửa thành là những đường chéo. Thành bên trong nơi vua ở được xây theo hình chữ nhật, có 18 ụ đất đắp cao, vượt mặt thành và nhô ra khỏi chân lũy vài mét. Những dấu tích còn lại đến nay cũng đủ để hình dung sự vững mạnh của cố đô Âu Lạc năm xưa. Năm 1959, ở khu vực Cầu Vực cách chân thành phía ngoài Cổ Loa vài trăm mét đã phát hiện một kho tên đồng, có tới hàng vạn chiếc. Trên đường đi vào thành tháng 6-1982, các nhà khảo cổ học đã đào thấy trống Cổ Loa cùng với 200 hiện vật khác. Bên cầu Sa bắc qua một con lạch (xưa kia gọi là sông Hoàng Giang) hiện có một bờ giếng và một ngôi miếu nhỏ. Giếng có tên là Loa Khẩu (miệng ốc). Theo truyền thuyết thì đây là nơi thờ thần Kim Quy.
Ngoài cổng thành phía Nam còn có đình Cổ Loa, theo người xưa kể đây là "Ngự Triều Di Quy" (nơi bá quan hội triều ngày xưa), phía trái có cây đa ngàn tuổi. Tiếc thay qua thời gian và sự hủy hoại của thiên nhiên, cây đa ngàn tuổi đã dần dà bị chết. Hiện nay dân chúng làng Cổ Loa đã trồng thế cây đa 5 tuổi được lấy giống từ cây đa ngàn tuổi. Gốc cây đa ngàn tuổi bị tách làm đôi, tạo thành cửa tò vò trước am thờ công chúa Mỵ Châu. Trong am có một pho tượng đá cụt đầu, tương truyền đó là tượng Mỵ Châu bị vua cha chém đứt đầu. Cách không xa am Mỵ Châu là đền thờ An Dương Vương. Trước đền có một cái hồ và giữa hồ có một cái giếng gọi là "giếng ngọc" hay còn gọi là "giếng Trọng Thủy". Ở cửa đền có 2 con rồng đá nằm uốn khúc do nét chạm tinh vi của những người thợ thủ công thế kỷ 17. Trong đền có nhiều tác phẩm điêu khắc thời Hậu Lê, đáng chú ý là một đôi ngựa hồng bằng gỗ làm từ năm 1716 và một pho tượng đồng vua Thục được đúc từ năm 1897. Trên hương án có bày chiếc nỏ bằng gỗ tượng trưng cho chiếc nỏ thần của vua Thục.
Trải qua thời gian, thành Cổ Loa luôn là biểu tượng tự hào về lịch sử chống xâm lược của người Việt Nam. Hàng năm cứ đến ngày mùng 6 tháng giêng, dân chúng Cổ Loa và khách du lịch trên khắp mọi miền của Tổ quốc lại về dâng hương tưởng niệm vua An Dương Vương và tổ chức trọng thể lễ hội đền Cổ Loa với các cuộc thi và trò chơi dân gian.
- Cổ Loa tiếp tục là kinh đô của VN dưới triều đại Ngô Quyền (939), sau khi dành độc lập cho VN.
- Hoa Lư ở Ninh Bình được chọn làm kinh đô dưới triều đại Đinh Tiên Hoàng (968).
- Đại La hay La Thành được chọn làm kinh đô dưới triều đại Lý Thái Tổ (1010-1028). La Thành hay Thành Đại La có nguồn gốc thời quân Tàu đô hộ VN từ năm 111 trước Công nguyên tới năm 939, khi Ngô Quyền đánh tan quân Nam Hán dành lại độc lập cho VN. Khi quân Tàu xâm lăng VN, chúng đã từng xây thành quách để phòng thủ tại vùng tả ngạn sông Hồng như ở Tiên Du ở tỉnh Bắc Ninh và Long Biên, phía Bắc sông Đuống. Năm 866 nhà Đường của Tàu đổi An Nam Đô hộ phủ thành Hải Quận và Cao Biền được bổ nhiệm làm Tiết Độ Sứ. Để củng cố quyền lực, Cao Biền cho đắp lại thành Đại La để bảo đảm an ninh và đắp đập để tránh nước sông Tô Lịch và sông Hồng tràn vào thành. Bờ đê bao bên ngoài gọi là Đại La thành.
*-Truyền thuyết 1: Theo truyền thuyết thì mấy lần Cao Biền bắt đầu đắp thành đều bị sụt lở. Một đêm Cao Biền đứng trên lầu nhìn thấy một vị thần cưỡi ngựa trắng phóng đi, phóng lại như bay và nói cho Cao Biền cứ theo vết ngựa mà đắp thành. Sau khi đắp thành xong, Cao Biền cho lập đền thờ vị thần ấy ngay nơi xuất hiện. Vì vậy đền này có tên là đền Bạch Mã, nay vẫn còn ở phố Hàng Buồm Hà Nội. Có sách khác viết: khi đang đắp thành, Cao Biền thấy trời đất tối mịt, mây mù bao phủ khắp bầu trời. Trong đám mây ngũ sắc, Cao Biền thấy một dị nhân ngồi cưỡi con rồng đỏ bay lượn trên mặt thành. Cao Biền kinh sợ muốn dùng bùa phép trấn yểm. Đêm hôm ấy Cao Biền nằm mơ thấy vị thần hiện lên bảo rằng: "Ta là tinh anh đất Long Đỗ, nghe nói ông đắp thành bèn đến hội kiến, cớ sao lại định dùng bùa phép trấn yểm?"
Cao Biền tuy sợ, nhưng vẫn dùng đồng và sắt làm bùa đem chôn yểm ở các nơi có long mạch. Bất ngờ đêm ấy mưa to gió lớn, sấm sét nổ vang. Sáng hôm sau, Cao Biền đi xem các nơi đã chôn yểm thấy bùa phép đều bị sét đánh nát vụn. Cao Biền biết là vị thần thiêng của nước Nam, không thể làm hại nổi, nhân đó sai lập đền thờ để cầu thần phù hộ.
*-Truyền thuyết 2: Lại tương truyền khi Lý Thái Tổ dời đô về Thăng Long, cho tu sửa thành Đại La nhưng công việc trầy trật mãi không xong. Vua sai người vào đền cầu khẩn và bỗng thấy một con ngựa trắng từ trong đền đi ra, chạy khắp một vòng quanh thành, đến đâu có vết chân để lại đến đấy. Vua sai theo vết ngựa mà đắp, quả nhiên thành xây xong. Vua xuống chiếu cho dân thành Thăng Long thờ vị thần ấy làm Thành Hoàng, phong là "Quảng Lợi Bạch Mã Tối Linh Thượng Đẳng Thần." Các triều sau đều có phong tặng. Hoàng Giáp Trần Bá Lãm (1757-1815) có bài thơ đề đền Bạch Mã như sau:
Mạch chuyển rồng cuộn truyền đất đẹp,
Tích xưa ngựa trắng trấn danh đô.
Cao Biền chuyện cũ đều hư ảo,
Vật đổi sao dời đã mấy thu.
Đền Bạch Mã nay còn ở phường Hà Khẩu, huyện Thọ Xương, số 3 phố Hàng Buồm, Hà Nội. Đền thờ thần Long Đỗ, hiệu là Quảng Lợi Bạch Mã Đại Vương (Tài liệu tham khảo: Từ điển Di tích Văn hóa VN).
Khi Ngô Quyền dành lại độc lập cho VN lại không đóng đô ở Đại La thành mà ở Hoa Lư, Ninh Bình. Mãi tới năm 1010, vua Lý Thái Tổ mới dời Kinh đô Hoa Lư ra Đại La thành, nhưng lại đắp một thành khác nhỏ hơn gọi là Thăng Long thành.
-Thăng Long (Rồng bay lên):
Sau khi ra tới La Thành, vua Lý Thái Tổ mượn cớ thấy điềm rồng vàng hiện ra, bèn đổi Đại La thành Thăng Long. Hoa Lư bị đổi thành phủ Trường An (Yên) (tức phủ Yên Khánh, tỉnh Ninh Bình ngày nay)
-Đông Đô: là kinh đô thời Hồ Hán Thương (1397).
-Đông Quan: Theo sử thì năm 1408, quân Minh đánh bại cha con Hồ Quý Ly đóng đô ở Đông Đô rồi đổi thành Đông Quan. Quân Tàu gọi theo kiểu khinh thường kinh đô VN, coi nó như cửa quan phía Đông mà thôi.
-Đông kinh: Vua Lê Lợi bỏ điện Bồ Đề, dựng quốc hiệu là Đại Việt, đóng đô ở Đông Kinh (Thăng Long) vì Thanh Hóa đã được gọi là Tây Đô).
-Bắc hà: Sau khi vua Quang Trung đóng đô ở Phú Xuân thì cố đô Thăng Long coi như không còn tên. Vua Quang Trung mất năm 1792, thành Thăng Long được gọi là Bắc Hà dưới thời vua Cảnh Thịnh (1795), tức Nguyễn Quang Toản con của vua Quang Trung. Khi vua Gia Long thống nhất sơn hà năm 1802 vẫn chọn Phú Xuân (Huế) làm Kinh đô. Bắc Hà và vùng phía Bắc lại được vua Gia Long đổi từ Thanh Hóa trở ra thành Bắc Thành dưới quyền cai trị của Tổng Trấn và gồm 11 trấn do các quan Trấn Thủ cầm đầu. Đến đời Minh Mệnh năm thứ 12 (1831) theo tổ chức hành chánh nhà Thanh bên Tàu, vua đổi Trấn thành Tỉnh và Tổng Trấn được thay bằng Tổng Đốc; Trấn Thủ thay bằng Tuần Phủ.
-Hà Nội:
Sau khi diệt được triều đại Tây Sơn vua Gia Long đổi phủ Phụng Thiên (Đất kinh thành cũ Thăng Long) thành phủ Hoài Đức thuộc Tổng Trấn Bắc Thành. Năm Minh Mạng thứ 12 (1831) vua lại bỏ Bắc Thành và 11 Trấn và thay bằng 29 Tỉnh. Tỉnh Hà Nội ra đời và gồm có thành Thăng Long, phủ Hoài Đức (của Tây Sơn) và ba phủ Ứng Hòa, Thường Tín, Lý Nhân của Trấn Sơn Nam. Hà (sông) Nội (bên trong), Hà Nội có nghĩa là thành phía trong sông, vì tỉnh Hà Nội được bao bọc bởi sông Hồng và sông Đáy (tài liệu tham khảo: 1.000 năm Thăng Long-Hà Nội, Tô Hoài)
BIỂU TƯỢNG CỦA THỦ ĐÔ VN: CHÙA MỘT CỘT
Nói tới cố đô Thăng Long xưa hay thủ đô Hà Nội ngày nay, người Việt nào cũng nghĩ ngay tới Chùa Một Cột, một biểu tượng rất quen thuộc. Theo Tự điển Văn hóa VN thì Chùa Diên Hựu hay Chùa Một Cột, hiện nằm ở thôn Thanh Bảo, huyện Quảng Đức, phía Tây Hoàng thành Thăng Long, nay thuộc quận Ba Đình, thủ đô Hà Nội. Chùa này vừa mang tính chất lịch sử thời Quân Chủ, vừa biểu tượng cho nền văn hóa Phật giáo rất thịnh hành dưới triều đại nhà Lý.
Cũng như các câu truyện thần kỳ khác của Việt Nam, chùa Một Cột là một trong các công trình kiến trúc độc đáo được xây dựng vào năm Kỷ Sửu, niên hiệu Sùng Hưng Đại Bảo thứ 1 (1049) đời Lý Thái Tông. Theo truyền thuyết thì vua Lý Thái Tông đêm nằm chiêm bao thấy Phật Quan Âm ngồi trên toà sen đưa tay dắt vua lên toà. Khi tỉnh dậy vua kể lại sự kiện này cho bề tôi nghe. Nhận thấy giấc mơ của vua có liên quan tới Phật, sư Thiền Tuệ khuyên vua xây chùa trên cột đá đặt ở giữa hồ, có toà sen với nghìn cánh mầu hồng nâng đỡ tượng vàng Phật Quan Âm như vua đã thấy trong giấc mộng. Vì chùa làm trên một cột trụ, nên người ta gọi là Chùa Một Cột.
Khi chùa xây xong, các nhà sư đến làm lễ khai trương bằng nghi thức đi vòng quanh hồ, tụng kinh niệm Phật và cầu chúc cho vua trường thọ. Vì thế mới có tên là Chùa Diên Hựu (có nghĩa kéo dài tuổi thọ). Cũng có truyền thuyết nói chùa có từ thời kỳ Bắc thuộc (thời nhà Đường), đến đời Lý Thánh Tông. Nhà vua tuổi đã cao mà chưa có con nối dõi nghiệp đế. Đêm nằm vua chiêm bao thấy Phật Quan Âm dẫn mình lên toà sen và trao cho một đứa bé, năm sau Hoàng Hậu sinh ra một hoàng tử. Vua bèn cho sửa lại chùa theo kiểu đài sen nở trên mặt nước như đã thấy trong giấc mộng.
Đời Lý Thánh Tông, năm Anh Vũ Chiêu Thắng thứ 5 (1080) vua cho đúc chuông lớn treo ở chùa. Chuông đúc xong đánh lên không kêu. Nhưng Vua cho rằng chuông đã đúc và trở thành khí cụ, không nên tiêu huỷ. Người ta bèn đem bỏ ở ngoài đồng ruộng, có tên là ruộng rùa nằm gần bên cạnh chùa. Ruộng thấp ướt có nhiều rùa (nên còn gọi là quy điền), do đó quả chuông cũng được gọi là chuông Quy Điền. Khi quân Minh bị bao vây ở Đông Quan và vũ khí không còn dủ, Vương Thông đã sai quân lính phá chuông này để đúc súng đạn. Năm Long Phù Nguyên Hoá thứ 5 (1105) vua lại cho sửa chữa chùa đẹp hơn xưa bằng cách xây chóp tháp bằng sắt trắng ở phía trước chùa, đào hồ Linh Chiểu, ngoài hồ có hành lang chạm vẽ chạy xung quanh, ngoài hành lang lại đào ao Bích Trì, bắc cầu vồng để đi qua. Mỗi tháng vào ngày sóc vọng, vua đến lễ chùa. Long trọng hơn nữa, hàng năm vào ngày 8 tháng 4, vua thân chinh đến làm lễ Tắm Phật.
Về thi văn, Thiền sư Huyền Quang (1254-1334) thời Trần có bài thơ ca tụng chùa Diên Hựu như sau:
Trời thu đêm vắng, tiếng chuông buông,
Ánh nguyệât lung lay, đỏ lá bàng.
Chim cắt ngủ treo khuôn kính lạnh,
Tháp ngời đôi ngọn buốt búp măng.
Mỗi duyên chẳng bợn, ngăn lòng tục,
Phiền nhiễu khuây lâng, rộng nhãn quang.
Hiểu thấu thị phi đều một gốc,
Cung Ma, nước Phật cũng xem ngang.
Chùa đã trải qua nhiều đợt trùng tu, trong đó đợt sửa chữa lớn vào năm Thiên Ứng Chính Bình thứ 18 (1249) đời Trần Thái Tông. Thời kỳ này chùa gần như phải làm lại toàn bộ. Vào thời Lê triều đình đã hơn một lần cho thu nhỏ kích thước đài sen và cột đá. Năm Minh Mệnh thứ 19 (1838) tổng đốc Hà Ninh Đặng Văn Hoà tổ chức quyên góp thập phương giao cho trưởng nam là ngự y Đặng Tá (hiệu Lương Hiên) trông coi việc sửa chữa điện đường, hành lang tả hữu, gác chuông và cửa tam quan.
Năm Tự Đức Nhâm Tí (1852) bố chính Tôn Thất Giao xin đúc chuông mới. Năm Tự Đức Giáp Tí (1864) tổng đốc Tôn Thất Hàm ứng công trùng tu, làm sàn gỗ hình bát giác để đỡ toà sen, chạm trổ thêm thật công phu và trông rất tráng lệ.
TẾT NGUYÊN ĐÁN VÀ NHỮNG LỄ HỘI TRUYỀN THỐNG CỦA DÂN TỘC VIỆT NAM
BY: HOÀNG THẠCH
Mỗi năm vào cuối tháng chạp, người Việt nào mà không vui mừng chuẩn bị đón Tết và mùa Xuân trở lại. Tết Nguyên Đán không chỉ trở nên nhộn nhịp với lễ lậy hương trầm nghi ngút và các sinh hoạt vui chơi, văn hóa; mà còn là dịp để mọi người đề cao đạo đức dân tộc, qua các lễ hội tưởng niệm các vị anh hùng trong lịch sử và đạo đức gia đình, qua sự quây quần của con cháu để tỏ lòng hiếu thảo đối với ông bà và cha mẹ. Truyền thống "Chim có tổ, người có tông" và "công cha như núi Thái Sơn, nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra" là những câu ca dao nhắc nhở con cháu sống cho phải đạo. Đây cũng là dịp để ông bà và cha mẹ tỏ tình thương yêu của mình và vui mừng chứng kiến cảnh con cháu đầy nhà, một thành quả của lời khách chúc "đông con, nhiều cháu" trong tiệc tân hôn, mà các ngài đã đón nhận, sau khi trao nhau lời hứa ân tình trong ngày hôn lễ.
Nói đến Tết Nguyên Đán, người dân Việt cũng không thể quên được các ngày lễ hội truyền thống của dân tộc đã được tổ chức năm này qua năm khác, từ thế hệ này sang thế hệ khác. Nhìn vào sinh hoạt văn hóa và lễ hội, người ta mới thấy đâu là Bốn Ngàn Năm Văn Vật của một dân tộc có một nền văn hóa lâu đời tại Á Châu. Cùng với người Kinh, các dân tộc thiểu số cũng mừng Tết theo tập quán riêng của mình như một số bộ tộc dưới đây.
I-PHONG TỤC TẾT CỦA CÁC DÂN TỘC THIỂU SỐ
1- Tết Prơ-Giê-Râm của người Cơ Tu
Bắt đầu vào mùa Xuân và cũng là vụ mùa lúa mới, ở huyện Phước Sơn, Giằng, Hiên thuộc tỉnh Quảng Nam người sắc tộc tổ chức ăn Tết Prơ-giê-răm. Nhà nào cũng trang trí lộng lẫy với các loại cung nỏ, giáo, mác, thanh la, trống, chiêng. Tại nhà đình làng (nhà Guơi) người ta dựng một cây cột, loại cây gạo, được trạm trổ tinh vi và sơn vẽ trông rất đẹp mắt. Cây cột này dùng để cột con trâu sẽ bị giết để ăn mừng. Các sinh hoạt văn hoá diễn ra tại nhà Guơi gồm có: kể chuyện xưa tích cũ, nhảy múa, hát dân ca. Các cô thiếu nữ ngày ngày phải lo việc nhà, nay có dịp trao đổi tâm tình và cùng nhau tham dự vào các cuộc vui Xuân. Giống như người Kinh, thời gian mừng Tết và Xuân của họ kéo dài cả tháng.
2- Tết Nhảy của người Dao
Người sắc tộc Dao ở miền Bắc có tục lệ mừng Tết giống người Kinh. Trong những ngày đầu Xuân không ai làm việc gì cả ngoài chuyện vui chơi, thăm viếng thân bằng quyến thuộc và chúc nhau những lời chúc tốt đẹp nhất. Nhà nào cũng trang hoàng lộng lẫy bằng những câu đối chữ Hán treo lên cột nhà hay trên vách tường. Người Dao đón Xuân bằng Vũ Tết gọi là "Nhiang chằm Đao“. Vũ Tết bắt đầu trước Tết Nguyên Đán. Trai tráng trong làng tay cầm gươm đao làm bằng gỗ tập dượt các điệu múa nhảy sao cho nhuần nhuyễn. Trong Vũ Tết, mỗi người phải tham dự vào đoàn nhảy múa nhiều lần và phải cử động theo nhịp điệu của tiếng trống và tiếng thanh la.
3- Tết Giọt Nước của người Sê Đăng
Người Sê Đăng ở Kontum có tới hai cái Tết là Tết Giọt Nước và Tết Lửa. Tết Giọt Nước được tổ chức vào khoảng tháng 3 Dương lịch. Sau mùa lúa, người dân bắt đầu sửa lại các máng nước cho ngay ngắn và sạch sẽ để tổ chức lễ "cúng máng“. Nghi lễ này diễn ra hàng năm nhằm mục đích cầu xin Thần Nước (Yang Dak) ban cho dân làng năm mới được mùa và nước nôi đầy đủ. Người buôn làng mang chum và nồi đồng ra hứng nước từ các máng nước mang về nhà, một hình thức giống như tục hái hoa cầu may của người Kinh. Sau đó họ tổ chức tiệc tùng và các trò vui chơi suốt trong những ngày Tết. "Lễ cúng máng nước“ được tổ chức tại nơi công cộng, nhà Rông, do thầy cúng làm chủ lễ. Dân làng cùng nhau vui say, ca hát và nhảy múa. Nhân dịp này, gái trai không còn bẽn lẽn như ngày thường; nhưng được tự do trao đổi nụ cười và ánh mắt với các trai làng.
4- Tết của người H’Mông
Người H’Mông ở vùng cao nguyên Tây Bắc và Việt Bắc mừng Tết Nao X-Cha khá thịnh soạn. Trong nhà trang hoàng đủ màu sắc, nhưng màu đỏ được ưa chuộng nhất. Tiệc Tết chính yếu thường là một con heo mập. Ngoài thịt, còn có bánh bột nếp như kiểu bánh dày của người Kinh. Tết của người H’Mông được tổ chức vào mùa đông, trước hoặc sau Tết Dương lịch ít ngày. Trong đêm Giao Thừa các gia đình thường cử con trai đi lấy nước ngoài sông suối đem về nhà cúng tổ tiên theo phong tục gọi là "mở nước".
5- Tết của người H’Ré
Ở Quảng Ngãi đồng bào H’Ré ăn Tết kéo dài qua tháng giêng. Nhà nào cũng lo nấu bánh tét và làm rượu cho dư giả. Các nhà giàu có khi phải nấu từ hàng chục nồi bánh tét, ủ hàng trăm hũ rượu cần, giết vài con trâu để đãi thân bằng quyến thuộc và dân trong buôn làng. Trước hết, họ tề tựu về nhà Tù Trưởng để ăn Tết và chúc mừng nhau; sau đó đến các gia đình. Dân làngï vừa ăn uống vừa múa hát. Đàn ông đeo ống chinh, đàn bà đeo ống bương. Họ lấy hai tay vỗ vào đầu ống sẽ tạo thành tiếng bập bùng, bập bùng, một hình thức vũ Trống Cơm của người Kinh. Trò chơi thích nhất của dân làng là nhảy kẹp. Hai người, một nam, một nữ; mỗi người một đầu cầm hai cây đòn trơn láng dài chừng hai mét đập vào nhau. Cứ hai người ngồi đập thì hai người nhảy và thay phiên nhau.
6- Tết Bỏ Mả của người Gai Rai
Đồng bào Gia Rai ở tỉnh Gia Lai có cái Tết kỳ lạ gọi là Tết Bỏ Mả, giống như Tết Nhà Mả của đồng bào Ba Na; nhưng được tổ chức lớn hơn nhiều. Tết này có thể so sánh với lệ đêm ba người mời Ông Bà về ăn Tết với con cháu hoặc lễ Tảo Mộ của người Kinh. Trong suốt thời kỳ Bỏ Mả, bà con trong buôn làng kéo nhau đi thăm viếng từng nhà để thưởng thức của ngon vật lạ. Khi tiếng thanh la, trống và cồng vang lên ở ngoài nghĩa địa là dấu hiệu bắt đầu lễ Bỏ Mả. Người trong buôn nối theo nhau, tay cầm đuốc cháy sáng và rượu và thịt tiến về nghĩa địa để chia vui cùng gia đình chủ nhân. Tùy theo gia cảnh của từng người mà chủ lễ tổ chức đơn giản hay sang trọng. Gia chủ đứng trước ngôi mả có cắm cây nêu, loại cây gạo. Trên cây này có treo nhiều lá bùa xanh đỏ. Chủ lễ đưa tay lên lâm râm khấn vái Trời (Yàng) độ phù.
7- Tết của người Thái
Người Thái ở miền Bắc tại tỉnh Sơn La và Lai Châu mừng Tết hầu như người Kinh: "tháng Giêng là tháng ăn chơi". Mở đầu là Tết Soong Sịp (Tết cơm mới). Sau khi lúa ở ngoài đồng đã chín vàng, dân làngï giết trâu, mổ heo và lấy gạo mới đồ xôi nếp để cúng lễ. Mọi nhà đều tổ chức ăn uống vui vẻ. Sau Tết Soong Sip là Tết Kim Lao Mao (Tết uống rượu), Tết ông Táo và lớn nhất là Tết Nen-Bươn-Tiền (Tết Nguyên Đán). Vào ngày đầu năm, họ không quên đem dao, rựa vừa đi ra đường vừa phát quang để khai thông thoáng năm mới. Vui nhất là các hội ca vũ "Xoè Thái." Dân chúng vui chơi kéo dài đến rằm tháng giêng mới mãn Hội.
8- Tết Cơm Mới của người Ê - Đê
Người Rha-đê hay Ê-đê ở Đăk-Lăk mừng Tết Cơm Mới vào khoảng tháng 10 Dương lịch, khi lúa đã chín vàng cả nương rẫy. Mỗi gia đình mang gùi đi tuốt lúa về phơi khô giã lấy gạo để tổ chức ăn mừng lúa chín. Tuỳ theo gia cảnh giầu hay nghèo mà người ta giết trâu, bò, heo, gà nhiều hay ít. Lễ vật đặt ở giữa nhà gồm thịt thà, một hay hai hũ rượu cần buộc chặt vào gốc cột và vài đĩa cơm. Gia chủ hay thầy cúng lâm râm khấn vái: "Lạy Thần Mtâo Kia, H’Bia Kiu, Aê-du và Thần A-lê Diê đã ban cho chúng con nào thóc lúa, nào kê, nào ngõ. Chúng con thỉnh chư vị Thần Thánh từ phía Đông dãy Ngân Hà, nơi phát xuất nguồn gốc của lúa, xin giáng lâm chứng giám. Lạy thần Aê Nghi ở dưới đất, lạy thần Aê Ngăn ở trên trời... xin cho mỗi năm lúa được đầy vựa...“
9- Tết Yang Pa của người Chơ-Ro
Người Chơ-Ro hay Chu-Ru sinh sống tại Đồng Nai, Lâm Đồng và Bà Rịa tổ chức hai Tết là lễ cúng Thần Rừng và Thần Lúa vào khoảng tháng ba Âm lịch. Ngày cúng Thần Lúa cũng là lúc các cô gái trình cho buôn làng các loại bánh ngon như bánh tét, bánh ống, bánh dầy… Có thể coi hình thức này như để ra mắt của các cô đã đến tuổi cập kê. Sau lễ cúng Thần Lúa, tại mỗi nhà, gia chủ làm tiệc khoản đãi. Vị trí cúng lễ thường là gốc cây cổ thụ trong buôn làng, nơi mà người dân tin rằng Thần Lúa thường đến nghỉ ngơi ở đó.
10- Tết Nhô Lir Bông của người K’Ho
Người K’Ho sinh sống ở Lâm Đồng. Họ ăn Tết sau Tết Nguyên Đán của người Kinh độ một tháng, gọi là Nhô Lir Bông, tức là Tết mừng lúa về nhà. Tết này kéo dài cả tháng. Hai chữ Lir Bông có nghĩa là cót thóc. Người H’Ho rất quý trọng thóc lúa, vì thóc lúa là những hạt ngọc của Trời (Yàng) ban cho. Lễ cúng mừng lúa được tổ chức tại kho lúa của mỗi gia đình và bắt đầu từ xế chiều. Tham dự lễ cúng có Tù Trưởng và nhiều gia chủ khác. Người ra lấy máu gà hiến sinh bôi lên vựa thóc, sàn kho, các cửa lớn và cửa sổ. Máu gà còn được trộn chung với vỏ cây đa, củ nghệ và các con mối đất. Cỏ tranh được giã nhỏ để bôi lên ngực và lên trán các thành viên trong gia đình, sau đó còn bôi lên cả đồ gia dụng. Sau lễ cúng cót thóc trong gia đình, người K’Ho rủ nhau đi từ nhà này sang nhà nọ để ăn uống, ca hát và nhảy múa cả tháng trời mới mãn.
11- Lễ Tết Cổ Truyền của người Chăm
Đồng bào Chăm còn gọi là Chàm, hiện sinh sống tại hai tỉnh Bìnhh Thuận, Ninh Thuận và một số ít tại Châu Giang (tỉnh An Giang). Cũng như các dân tộc anh em khác, người Chăm ăn Tết rất linh đình. Hai lễ lớn nhất trong năm là Păng-Katê và Păng-Chabư được xem như cái Tết của họ.
Păng-Katê cử hành vào ngày 1 tháng 7 theo lịch Chăm tức khoảng tháng 9 Dương lịch và Păng-Chabư cử hành vào ngày 16 tháng 9 theo lịch Chăm tức vào khoảng tháng 2, tháng 3 Dương lịch. Vào những ngày lễ, đông đảo đồng bào Chăm từ khắp nẻo đường đổ về ba nơi hành lễ: đó là đền Pô Nưgar, tháp Pô Rômê ở huyện Ninh Phước (Ninh Thuận) và tháp Pô Klông Garai ở thị xã Phan Rang, Tháp Chàm. Păng Katê là ngày tế lễ các vua Chăm thuở xa xưa có công dựng nước và hướng dẫn việc nông, thuộc về dòng họ người cha, tượng trưng cho khí Dương, cho nên phải cử hành vào buổi sáng. Tết Păng Chabư là lễ cúng tế các thần Pô Giang nữ, tức các hoàng hậu, công chúa Chăm, thuộc dòng họ mẹ, tượng trưng cho khí Âm nên được cử hành vào buổi chiều tối. Sáng mồng một Tết, các chức sắc Chăm cùng toàn thể dân làng đều tề tựu về ba nơi hành lễ với quần áo mới và chỉnh tề. Các thầy Cả và các bà Bóng ngồi theo phẩm trật và thứ tự cao thấp trong căn nhà dựng trước cửa đền hay cửa tháp.
Lễ cúng gồm có hoa quả, bánh trái đủ loại, cúng cơm, rượu và thịt. Ba nghi lễ gồm các Thầy cúng chính, Thầy cúng phó, thầy Bà xế, thầy Kè-ke vừa kéo đờn Kanhi (đờn mua rùa) vừa xướng văn tế lễ. Các bà Bóng thì dâng rượu và múa mừng.
Tưởng cũng nên nhắc đến người Chăm gồm có 2 phái: phái theo đạo Bà La Môn và phái theo đạo Hồi. Phái theo đạo Bà La Môn kiêng ăn thịt bò. Phái theo đạo Hồi kiêng ăn thịt heo. Trong ngày Tết, người Chăm theo đạo Hồi thường đến nhà thờ đạo Hồi vào ngày đầu năm để nghe chức sắc, đọc thánh kinh Coran, cầu nguyện đấng Alah. Sau đó các tín hữu ra sông, suối tắm rửa để tẩy uế những cái xui, cái xấu của năm cũ và rước cái mới, cái tốt lành của năm mới.
Ngày mồng 2 Tết là ngày dành riêng cho các chức sắc ăn Tết tại nhà. Qua ngày thứ ba, đến ngày thứ 7 hay thứ 9 đến lượt mọi người tổ chức ăn Tết, lần lượt từ nhà này sang nhà khác. Tuy nhiên, mỗi gia đình chỉ lựa chọn cho mình một ngày duy nhất trong khoảng thời gian qui định mà thôi. Họ giết heo, gà vịt và bày đủ loại hoa quả, bánh trái. Trong dịp Tết, người Chăm không có tục kiêng cữ nên bạn bè, hàng xóm trong dịp ở xa có thể đến chung vui một cách thoải mái. Trong thời gian Tết, người Chăm còn tổ chức các trò vui chơi như múa quạt, tổ chức đánh cồng chiêng, ca hát, uống rượu, bắn cung.
Ngoài hai lễ lớn trên, người Chăm còn có các lễ khác trong năm như: Lễ cúng Thần Nông vào tháng 4 theo lịch Chăm, cử hành nghi lễ tế tự tại các đền, tháp; lễ Cầu Đảo (Chakap Hiâu Kron) thì được cử hành tại các đập nước hay ở các bờ sông, bờ suối; lễ cúng ruộng (Pô Phùm) để cầu cho ruộng lúa tốt tươi và lễ Tống Ôn (Rija Nưgar) tổ chức vào mồng một tháng giêng theo lịch Chăm, để cầu cho làng xóm, gia đình được thịnh vượng, an khang.
II-CÁC LỄ HỘI TRUYỀN THỐNG CỦA DÂN TỘC KINH
Dân tộc Kinh có rất nhiều phong tục và lễ hội khác nhau. Trong phạm vi bài này chúng tôi chỉ kể lại một số Lễ Hội trong dịp Tết tại một số địa phương mà thôi.
1- Hội Đống Đa
Hội tưởng nhớ trận chiến tại làng Hà Hồi và Ngọc Hồi thuộc quận Đống Đa, Hà Nội là một trong các chiến thắng oanh liệt nhất của dân tộc Việt Nam chống quân xâm lược Tàu. Sau khi bị quân Tàu xâm chiếm miền Bắc, Hoàng Đế Quang Trung Nguyễn Huệ đã thống lĩnh 10 vạn quân thiện chiến mở cuộc tấn công giải phóng cố đô Thăng Long kể từ nửa đêm ngày 3.1.1978. Các tướng Tàu gồm: đề đốc Hứa Thế Hanh, tư lệnh tiền phương Trương Sĩ Long, Tả quân Thượng Duy Thăng đều lần lượt bị tử trận. Quan phủ Diền Châu Sầm Nghi Đống đóng ở Đống Đa bị vây sợ quá thắt cổ chết. Chỉ trong vòng ba ngày, Hoàng Đế Quang Trung đã đánh tan hàng chục vạn quân Thanh và giải phóng cố đô vào ngày 5.1.1978. Lễ Hội Đống Đa hay giỗ trận Đống Đa được tổ chức vào ngày 5.1 để kỷ niệm chiến thắng vang danh lịch sử này.
2- Hội Tây Sơn
Lễ Hội Tây Sơn được tổ chức tại quê hương của vị anh hùng dân tộc Nguyễn Huệ vào ngày 5.1 tại huyện Tây Sơn, tỉnh Bình Định. Ngoài nghi thức lễ, người ta còn tổ chức các cuộc vui như: biểu diễn trống, thi đánh côn, múa đường quyền, tranh tài thượng võ và hát tuồng. Nên nhớ là Võ Bình định là một trong các môn phái nổi tiếng trong làng võ thuật Việt Nam. Không chỉ nam giới nổi tiếng võ giỏi mà nhiều cô thanh nữ cũng đấm đá không thua ai. Vì thế mới có câu:
Ai ra Bình Định mà coi,
Con gái Bình Định múa roi đi quyền.
3- Hội Đền Mai Động
Đền Mai Động nay thuộc quận Hai Bà Trưng, Hà Nội. Lễ hội này được tổ chức từ ngày 4 đến 6.1 để tưởng niệm bà Lê Chân, nữ tướng của Hai Bà Trưng. Ngoài nghi thức tế lễ, rước xách, người ta còn tổ chức nhiều trò chơi và các cuộc thi đấu khác nhau.
4- Hội Chùa Keo
Hội Xuân chùa Keo diễn ra vào ngày 14.1. Chùa Keo tọa lạc tại xã Duy Nhất, huyện Vũ Thư, tỉnh Thái Bình. Chùa được xây dựng để kính nhớ nhà sư Không Lộ. Nhờ có công chữa bệnh cho vua Lý Thánh Tông (1054-1058) nên sư ông được phong làm Quốc sư. Ngoài nghi thức lễ cúng Phật, người ta còn tổ chức các trò chơi dân gian như thi bắt vịt, thi thổi cơm và ném pháo.
5- Hội Đền An Dương Vương
Lễ hội này còn gọi là Hội Cổ Loa diễn ra tại làng Cổ Loa, huyện Đông Anh, Hà Nội, từ ngày 6 đến 16.1, để tưởng niệm Thục Phán, người có công dựng nước Âu Lạc và xây thành Cổ Loa. Câu truyện tình gián điệp ngang trái giữa Trọng Thủy - Mỵ Châu và chiếc nỏ thần cũng được ông bà, cha mẹ kể cho con cháu nghe trong dịp này. Nghi lễ gồm có đám rước các kỳ mục tế thần và rước thần của 12 xóm. Các trò chơi giải trí gồm đánh đu, cờ người, tổ tôm và hát chèo.
6- Hội Chợ Chùa
Hội được tổ chức tại xã Nam Giang, Nam Ninh, Nam Định vào ngày 8.1, để ghi lại chiến tích lẫy lừng Đống Đa và tiệc khao quân sau khi vua Quang Trung đại thắng quân Thanh và giải phóng cố đô Thăng Long vào mùa Xuân Kỷ Dậu (1789). Nghi thức gồm có tế lễ và rước thần thánh.
7- Hội Lim
Hội diễn ra từ ngày 13 đến 15.1 tại Nội Duệ, Tiên Sơn, Bắc Ninh. Lễ hội này nhằm mục đích tưởng nhớ ông Hiếu Trung Hầu, người sáng lập lối Hát Quan Họ, một lối hát nổi tiếng miền Bắc. Nhân dịp này thanh niên, thiếu nữ quanh vùng đua nhau tới tham dự và có dịp tỏ tình, trao duyên qua những câu hò tiếng hát. Ngoài Hát Quan Họ, còn có nghi lễ rước xách, đu tiên và đấu vật.
8- Hội Đền Phạm Ngũ Lão
Hội này diễn ra từ ngày 10 đến 15.1 tại làng Phù Ủng, Ân Thi, Hưng Yên để tưởng niệm danh tướng Phạm Ngũ Lão thời Trần. Có nghi thức tế lễ, lau rửa và tắm tượng.
9- Hội Linh Sơn Thánh Mẫu
Hội này còn gọi là hội Xuân núi Bà Đen, Tây Ninh. Hội thu hút khách thập phương kéo dài suốt 3 tháng Xuân, thường từ ngày 20 trở đi, đông nhất là ngày 15-1. Núi Bà Đen là ngọn núi cao nhất miền Đông Nam Việt. Lưng chừng núi có đền Linh Sơn Thánh Mẫu, gần đỉnh núi có miếu Sơn Thần. Đặc trưng của hội là chơi xuân, du lịch, lễ bái cầu mong năm mới an bình và thịnh vượng.
10- Hội Đền Và
Hội bắt đầu vào ngày 15-1 tại Bất Bạt, Hà Tây. Đền này thờ thần núi Tản Viên, bắt nguồn từ câu truyện Sơn Tinh đánh thắng Thuỷ Tinh trong lịch sử Việt Nam. Hội có rước thần và tế thần. Trò vui có đánh cá, hát đúm và cờ người.
11- Hội Đền Cửa Suốt
Hội được tổ chức tại thị trấn Cửa Ông, Quảng Ninh vào ngày 15.1, để tưởng niệm anh hùng dân tộc Trần Quốc Tuấn (Hưng Đạo Vương) vang danh sử sách qua lời khảng khái trước vua Trần Nhân Tông (1284): "Nếu Bệ-hạ muốn hàng quân Nguyên, xin chém đầu tôi trước đi đã, sau đó hãy hàng!" và là người có công đánh đuổi giặc Nguyên ra khỏi bờ cõi bỏ. Khách hành hương trẩy hội, có dịp nhớ lại địa danh ghi dấu chiến tích và du lịch vãng cảnh vịnh Hạ Long.
12- Hội Đền Hạ Lôi
Hội diễn ra tại Mê Linh, Hà Nội vào ngày 15.1 để tưởng niệm hai nữ anh hùng: Bà Trưng Trắc và Trưng Nhị. Nghi thức tế lễ có tục cúng bánh trôi, diễn tập trận, đánh cờ, chơi đu...
![]() |
![]() |
Đối với khoa Khảo Cổ thì tất cả các công trình xây cất của nhân loại đều được đặc biệt quan tâm và đề cao, vì chúng là những kỷ vật quí báu chứng tỏ nền văn minh của một dân tộc trong một giai đoạn lịch sử. Thành Thăng Long, Cố đô của Việt Nam từ ngàn xưa, cũng được coi là một trong các công trình vĩ đại, không chỉ đối với dân tộc VN mà chung cho toàn thế giới.
Để tìm hiểu thêm về cố đô Thăng Long, chúng tôi lần lượt giới thiệu các mục dưới đây:
I- KẾT QUẢ CỦA CHƯƠNG TRÌNH KHẢO CỨU CỔ THÀNH THĂNG LONG.
Trong những năm vừa qua, nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam (CSVN) đã cho khai quật khu cổ thành Thăng Long, trước khi thực hiện các công trình xây cất mới gồm: tòa nhà Quốc Hội và Hội trường Ba Đình. Chương trình khảo cổ này đã được thực hiện và đưa tới kết quả cụ thể như sau:
-Diện tích khu đất: 48.000 m2.
-Diện tích đã khai quật: 19.000 m2 với 51 hố.
-Độ sâu tầng văn hóa: 1 đến 4,5m.
-Số nhân công sử dụng lúc cao điểm: 1.500 người.
-Thời gian khai quật: tháng 12/2002 đến 12/2003.
-Số nhà khoa học Việt Nam tham gia công trình: 70 người.
-Số hiện vật phát hiện: trên 4.000.000 (bốn triệu).
-Nền móng công trình kiến trúc xuất hiện: 19.000m2. Theo tin tức VN thì 300 trong số hàng ngàn di vật đã được trưng bày tại viện bảo tàng lịch sử Sài Gòn. Cuộc trưng bày đó gồm một số di vật tiêu biểu như:
-Các loại gạch dùng trong thế kỷ 7-9, thời Đinh tới tiền Lê; gạch thềm, gạch xây trên đó có ghi chữ Chàm thời Lý và Trần; gạch thông gió thời tiền Lê;
-Các loại ngói như: ngói uyên ương, ngói chim phượng, ngói mũi hài, ngói hoa sen, ngói lá đề, ngói yếm …
-Các vật liệu trang trí khác ở chân tháp, phù điêu, đầu máng xối, bậc cửa, hoặc trang trí nền móng ở bậc cấp, chân cột bằng đá.
-Đồ gốm dùng trong Hoàng thành từ thế kỷ 7 về sau, như: Đồ dùng thời Đinh, tiền Lê; các thạp, bình, lọ, hũ, vò, chậu với men trắng, men ngọc, men hoa nâu thời Lý; các ống nhổ, liễn, đậu, đĩa chồng dính, bình vôi với men hoa nâu và xanh trắng thời Trần; lư hương, chén, hộp thời Lê; bình hoa, liễn và nhiều đồ đựng bằng gốm tráng men thời Nguyễn.
-Bát chiết yêu, đèn dầu tứ giác của Trung Quốc; mảnh bát, mảnh đĩa của Nhật Bản...
-Vật dụng bằng kim loại gồm có: mũi tên hoặc đoản kiếm thời Trần, đồ gia dụng, ổ khóa thời Lê.
Ngoài những đồ vật người ta cũng tìm thấy nhiều hình ảnh di cốt và cổ vật khác, nhiều bản đồ cổ, bản vẽ giả định về cung điện thời Lý với cách thức trang trí trên mái điện.
Khi khai quật tại Hoàng thành, các nhà khảo cổ bất ngờ tìm thấy những mảnh gốm của dân Islam và gốm tại quần đảo Trường Sa. Số lượng thu thập được nhiều lần so với đồ gốm ở Cù Lao Chàm. Những bằng chứng này cho thấy từ thế kỷ IX, Thăng Long đã từng là một trung tâm thương mại trong vùng Đông Nam Á.
II- MỘT VÀI NGHI VẤN VỀ VỊ TRÍ THĂNG LONG THÀNH
Giáo sư Bùi Thiết nhận định rằng vòng tròn trên hình vẽ là toà chính điện của Thăng Long xây năm 1805, không gọi là Kính Thiên, vì Hà Nội lúc đấy không có vua. Hơn nữa, vị trí của toà chính điện này không nằm vào vị trí của điện Kính Thiên của Thăng Long cũ. Nhiều sách báo hiện nay vẫn viết đó là điện Kính Thiên, có lẽ do hiểu nhầm từ xuất xứ ở tấm bản đồ Hà Nội năm 1873 được biên vẽ lại vào năm 1910.
Ở bản đồ này, chữ Thăng Long bị vua Gia Long đổi Hán tự chữ Thăng Long (Rồng bay lên) thành Hưng Thịnh. Trong khi đó bản đồ vẫn ghi Thăng Long. Đoan Môn là một cổng chính của thành Thăng Long. Theo các nhà khoa học, Đoan Môn có từ thời Lý-Trần. Những dấu vết hiện còn ở Đoan Môn là của thời Lê và đã được Nhà Nguyễn tu sửa. Trong cuộc khai quật tại đây năm 1999, các nhà khảo cổ đã tìm thấy con đường đi lát gạch hình hoa chanh được làm vào thời Trần ở độ sâu 1,90m. Con đường này hướng về phía điện Kính Thiên.
Sách Đại Việt sử ký toàn thư ghi lại như sau: “Điện Kính Thiên được làm năm 1428, năm 1465 trùng tu điện Kính Thiên. Năm 1467 dựng lan can bằng đá ở điện Kính Thiên”. Sách Đại Nam nhất thống chí viết: “Đến năm Gia Long thứ 4 đắp lại thành, trong thành đặt hành cung. Trước theo tên cũ thời Lê gọi là điện Kính Thiên. Năm Thiệu Trị thứ 2 (1848) đổi ra là Long Thiên...”. Điện Kính Thiên đã bị thực dân Pháp phá năm 1886 để làm nhà cho ban chỉ huy pháo binh Pháp. Di tích chỉ còn lại bậc thềm đá với hai hàng lan can hình rồng ở phía Nam và một thềm trang trí rồng đá phía Bắc có niên đại muộn hơn trang trí ở phía Nam. Tam cấp điện Kính Thiên ở phía Nam có 10 bậc, mỗi bậc cao 0,22m, rộng 0,42m, do những viên đá lớn từ 0,64 đến 1,34m ghép lại. Tam cấp phía Bắc có 7 bậc đá. Nền điện còn hai con rồng đá có kích thước lớn, được làm từ thế kỷ XV và hai lan can đá chạm “long vân”.
III- NHẬN ĐỊNH CỦA LIÊN HIỆP QUỐC VỀ DI VẬT KHẢO CỔ CỦA VIỆT NAM
Theo tiến sĩ William Logan, giáo sư đại học Deakin tại Melbourne, Úc Đại Lợi, thành viên Ban bảo tồn di sản của tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên Hiệp Quốc (UNESCO), thì cổ thành Thăng Long có giá trị không thua gì những di tích nổi tiếng tại nhiều nước, điển hình như di tích Mohenjo-daro của Ấn Độ đã có cách đây khoảng 3.000 năm. Sau chuyến thăm VN, Ts. Logan nhận xét các di vật khai quật được tại cổ thành Thăng Long có nhiều điểm nổi bật hơn ở chỗ nó có nhiều tầng lớp văn hóa chồng chất lên nhau và chính những lớp văn hóa này phản ảnh sự kế tục của các triều đại. Các di tích và hiện vật đào được phản ảnh rõ nền văn minh của người Việt. Những di vật đó cũng cho thấy trình độ nghệ thuật của dân ta ngày xưa cao hơn mức phỏng đoán của nhiều chuyên gia. Một số đồ gốm và chén bát có nước men tuyệt hảo, không kém gì đồ gốm sản xuất ở Trung Quốc. Công trình khảo cổ rất có ý nghĩa, vì Thăng Long là trung tâm của nền văn minh Việt Nam.
Ngoài ra, sáu chuyên gia khảo cổ Nhật Bản đã sang Việt Nam để thăm quan và nghiên cứu di tích khảo cổ Hoàng thành, theo lời mời của Viện Khoa học Xã hội VN. Trưởng đoàn, giáo sư tiến sĩ Inoue Kazuto nhận xét: Hoàng thành là công trình không chỉ có ý nghĩa với Việt Nam mà còn với giới khảo cổ thế giới.
IV- MỘT DI TÍCH QUAN TRỌNG
Thành Cổ Loa, một công trình kiến trúc sáng tạo có một không hai trong lịch sử dân tộc VN và trên thế giới. Đây là toà thành cổ vào bậc nhất VN được vua Thục An Dương Vương xây từ thế kỷ thứ 3 trước Công nguyên để làm kinh đô nước Âu Lạc (tên nước Việt Nam thời đó), nay thuộc huyện Đông Anh, ngoại thành Hà Nội. Thành được xây dựng kiểu vòng ốc (nên gọi là Loa thành). Thành Cổ Loa nguyên thủy có mấy vòng?
Sơ đồ thành Cổ Loa. Hiện tại, nhìn vào di tích Cổ Loa, ta thấy có ba vòng thành khép kín, thành nội (Kiển thành), thành trung và thành ngoài. Thế nhưng đâu là thành Cổ Loa nguyên thủy do An Dương Vương xây dựng? Các nhà sử học vẫn chưa thống nhất ý kiến.
Thành Cổ Loa đã được xây như thế nào?
Năm 257 trước Công nguyên, nước Âu Lạc được thành lập. An Dương Vương vừa định đô ở Cổ Loa đã bắt tay ngay vào việc xây đắp kinh thành. Theo cấu trúc còn lại hiện nay, Loa thành gồm có:
-Thành nội hình chữ nhật, cao trung bình 5 mét so với mặt đất, mặt thành rộng từ 6-12 mét, chân rộng từ 20-30 mét, chu vi 1.650 mét và có một cửa nhìn vào tòa kiến trúc Ngự triều di quy.
-Thành trung là một vòng thành không có khuôn hình cân xứng, dài 6.500m, nơi cao nhất 10m, mặt thành rộng trung bình 10m, có năm cửa ở các hướng đông, nam, bắc, tây bắc và tây nam, trong đó cửa đông ăn thông với sông Hoàng.
-Thành ngoài cũng không có hình dáng rõ ràng, dài hơn 8.000m, cao trung bình 3-4m (có chỗ tới hơn 8m). Phía ngoài thành này có hào bao bọc bốn phía. Riêng phía nam không có hào vì con sông Hoàng chảy qua đây. Sở dĩ tường thành cổ quái như vậy là vì người xưa đã biết tận dụng triệt để những gò đất tự nhiên, đắp nối chúng lại để làm tường thành. Tương tự như tường ngoài, tường giữa cũng được xây dựng theo cách đắp nối các gò đống tự nhiên thành một vòng tường không có hình dạng cụ thể, do vậy khoảng cách giữa hai vòng thành không đều nhau. Càng về phía nam hai vòng càng gần nhau, cuối cùng được nối liền, chừa một khoảng trống làm cửa thành (cửa Trấn Nam) - lối vào chính.Như vậy, gần 15.000m tường thành Cổ Loa có cùng một đặc điểm xây dựng là triệt để lợi dụng địa thế tự nhiên, đắp vòng nối với nhau nơi Trấn Nam môn, tạo thành một hình xoáy trôn ốc nên được gọi là Loa thành. Cách đắp này cổ kim, Đông Tây chưa hề có. Chính nhờ phương pháp đắp nối nên trong một thời gian rất ngắn, với nhân lực không đông, sử dụng công cụ bằng đồng, An Dương Vương Thục Phán đã xây dựng được một công trình đồ sộ hiếm thấy. Phương pháp đào hào của dân Âu Lạc cũng có tính sáng tạo đáng kể. Đất hào đắp lên tường vừa giải quyết vấn đề vật liệu, vừa tăng thêm một vòng chướng ngại. Người xưa đã đạt được thành công kép, giảm được phân nửa công sức và nhân đôi mức độ hiểm trở của tòa thành.
Vòng thành nào không do An Dương Vương xây?
Theo giáo sư Đỗ Văn Ninh, vòng thành trong cùng (Kiển thành) lâu nay vẫn bị nhiều người lầm tưởng là vòng thứ ba của kinh thành Cổ Loa được An Dương Vương xây vào khoảng năm 257 TCN. Sự thực, Kiển thành là do tướng Mã Viện của nhà Hán xây sau khi đánh thắng Hai bà Trưng. Cổ Loa thời An Dương Vương chỉ có hai chứ không phải ba vòng thành. Về mặt kiến trúc, Kiển thành được đắp thành hình chữ nhật, chu vi 1.600m, mặt thành cao 10m. Thành chỉ mở một cửa ở chính giữa mặt tường phía nam và cũng có hào bao quanh. Đáng chú ý là thành có đắp 12 hồi (ụ đất) nhô ra ngoài rất cân xứng, mỗi mặt có bốn hồi.
Bên trong Kiển thành, các nhà khoa học còn tìm thấy những khuôn giếng bằng đất nung. Đây cũng là những khuôn giếng quen thuộc của người Hán. Trong tiến trình lịch sử văn hóa, người Việt đã tiếp thụ khá nhiều yếu tố văn hóa của Trung Hoa nhưng ngói ống lợp nhà, khuôn giếng đất nung vừa kể là những yếu tố người Việt đã từ chối tiếp nhận.
Khi tiến hành khai quật ở Kiển thành, nhóm nghiên cứu của giáo sư Ninh đã đào được những ngôi mộ Hán xếp bằng gạch in chữ, có niên đại rất xa xưa như: Vĩnh Nguyên thập nhất niên trị (năm thứ 11, niên hiệu Vĩnh Nguyên - đời vua Hán Hòa Đế - năm 9); Vĩnh Nguyên thập thất niên trung tự (năm thứ 17, niên hiệu Vĩnh Nguyên - đời vua Hán Hòa Đế - năm 105) và Vĩnh Sơ ngũ niên trung trị đại hình chuyên (năm thứ 5, niên hiệu Vĩnh Sơ - đời vua Hán An Đế - năm 111). Như vậy, những viên gạch này cho chúng ta biết thời gian người Hán sống, cai trị, xây nhà và được an táng ở đây.
Trong Đại Việt sử ký toàn thư, Ngô Sĩ Liên đã chép: “Mã Viện sau khi đánh bại Hai Bà Trưng đã chia huyện Tây Vu làm hai huyện là Phong Khê và Vọng Hải. ở Phong Khê đắp Kiển thành làm trị sở”.
Kiển thành là thành hình con kén. Nhà sử học Đào Duy Anh cho rằng Kiển thành là nhân địa điểm cũ mà xây lên. Những phát hiện khảo cổ học cũng chứng minh điều đó. Vì địa thế vùng Phong Khê rất thuận lợi nên Mã Viện đã chọn Cổ Loa (nơi mà 300 năm trước đó, An Dương Vương đã định đô để đắp Loa Thành) làm trị sở, sửa sang hai bên vòng thành cũ của An Dương Vương làm “vỏ kén”, đồng thời đắp Kiển thành làm “con nhộng” của mình.
Vì giá trị lịch sử, cổ thành Thăng Long đang được nhà cầm quyền VN nghiên cứu để đệ trình Liên Hiệp Quốc xếp vào di sản văn hóa của thế giới.