Dân Chúa Âu Châu

Mùa lạnh là mùa của bộ hô hấp, thuốc ho bán chạy như tôm tươi. Khúc khắc ho chút, nhiều vị đã vội đem thuốc ho ra uống. Thuốc ho đầy bên ngoài, đi khám bệnh hỏi, các bác sĩ cũng sẵn lòng biên toa. Ai cũng sợ ho lâu, mong uống vài liều thuốc, ho sẽ biến mất. Song thuốc ho không hẳn an toàn, và không phải trường hợp ho nào cũng cần đến.
Ở Mỹ, thuốc ho xuất hiện ngày càng thêm lắm, nhưng quanh quẩn cũng chỉ vài thứ thuốc pha đi trộn lại với những tỉ lệ khác nhau.
Những chất trong thuốc ho
Thường thuốc ho chứa những chất sau đây:


1. CHẤT CHỐNG HO (ANTITUS-SIVES):
Codeine và dextromethorphan là hai chất có tác dụng chống ho qua cơ chế ức chế trung khu ho trên óc. Chúng được pha trong đa số các thuốc ho, và hữu hiệu với những trường hợp ho kinh niên ở người lớn.
Còn trong những trường hợp ho cấp tính như khi ta bị cảm, cúm (ho độ 1 tuần 10 ngày), rất ít khảo cứu được làm để tìm hiểu xem chúng có giúp hay không, đã thế, khảo cứu này thì bảo có, khảo cứu kia lại nói không. Có nghĩa rằng khi nhiễm cảm, cúm và ho đến ngủ không được, phiền cả người khác, chúng ta muốn thử thuốc ho thì thử, song không chắc chúng có ích gì, nên kiên nhẫn độ 1 tuần 10 ngày ho sẽ bớt. [Bác sĩ khổ nhất vào lúc này, mới vài ngày người bệnh lại đến kỳ kèo, phàn nàn sao cho thuốc ho uống không bớt, đòi dùng trụ sinh và đổi thuốc ho khác. Cảm, cúm gây do siêu vi trùng (virus), trụ sinh để diệt vi trùng (bacteria), có giết được siêu vi trùng đâu, còn đổi thuốc ho khác không chắc có hơn, nhưng có thể gây nhiều phản ứng phụ mệt lắm].
Ở trẻ con, chưa có khảo cứu giá trị nào chứng minh được rằng hai chất codeine và dextromethorphan giúp các cháu bớt ho, thêm vào đấy, vài cái chết đã xảy ra cho các cháu do việc dùng thuốc ho chứa hai chất này, nhất là cho trẻ dưới 1 tuổi. Với các cháu bé, chúng ta rất nên thận trọng, thuốc ho thực cần mới dùng.
Thuốc ho chứa chất codeine (như Robitussin AC) có thể gây buồn nôn, ói mửa, ngầy ngật, chóng mặt, và bón (codeine thuộc nhóm thuốc nha phiến, narcotics, nên gây phản ứng phụ giống các thuốc nha phiến khác). Thuốc chứa chất dextromethorphan (Robitussin DM, Robafen DM), với lượng vừa phải dùng chữa ho, không gây những phản ứng phụ kể trên, nhưng có thể làm tri giác mất sáng suốt (confusion), nóng nảy (irritability), căng thẳng (nervoussness), và phấn khích quá độ (excitation). Thuốc ho chứa chất dextromethorphan, không gây buồn ngủ, ói mửa, mua được bên ngoài không cần có toa bác sĩ, nên hay bị lạm dụng, dùng quá lượng.
Một chất khác, diphenhydramine (Benadryl), cũng có tác dụng chống ho qua cơ chế ức chế trung khu ho trên óc, công hiệu ngang ngửa với codeine và dextromethorphan. Diphenhydramine rất hay gây buồn ngủ, và nếu uống quá liều, có thể gây tử vong cho trẻ em, nên ít được pha dùng trong các thuốc ho mua bên ngoài không cần toa.


2. CHẤT ANTIHISTAMINES VÀ DECONGESTANTS:
Với những trường hợp ho cấp tính do cảm, cúm, các thuốc có tác dụng chống chất histamine (antihistamines, chữa những bệnh dị ứng) như chlorphenira-mine và dexbrompheniramine, khi dùng chung với thuốc chữa nghẹt mũi (decongestants), có thể giúp giảm ho do khiến đàm nhớt phía sau mũi không tiết ra nhiều, bớt chảy xuống cổ họng gây ho. Chlorpheniramine và dexbrompheni-ramine thuộc nhóm thuốc antihistamines cũ nên có tác dụng gây khô mạnh (các thuốc thuộc nhóm antihistamines mới như Allegra, Claritin, Clarinex, Zyrtec ít tác dụng này). Vì vậy, để cho mạnh, rất nhiều thuốc ho pha thêm chất chlorphe-niramine hoặc dexbrompheniramine, có khi thêm cả chất thuốc chống nghẹt mũi nữa. Dùng những thuốc ho loại này ta sẽ chịu cái bất lợi mồm miệng rất khô và cũng hay mệt, buồn ngủ, bón, đôi khi khó tiểu.
Chất thuốc chống nghẹt mũi pha trong nhiều thuốc ho (thường là pseu-doephedrine) có thể gây bứt rứt, chóng mặt, khó ngủ. Ở trẻ con, nó có thể khiến trẻ có ảo giác (hallucination), và lên những cơn cứng người (dystonic reaction). Dùng các thuốc chống nghẹt mũi, áp huyết của người lớn lẫn trẻ con có thể tăng cao. Gần đây, Cơ quan Quản trị Thực và Dược phẩm (Food and Drug Administration, viết tắt FDA) đã ra lệnh rút khỏi thị trường chất thuốc chống nghẹt mũi phenylpropanolamine (PPA, pha trong nhiều thuốc ho và thuốc giúp giảm ăn), vì trong một khảo cứu, người ta nhận thấy những phụ nữ dùng phenylpropanolamine có khuynh hướng bị chảy máu óc nhiều hơn những phụ nữ không dùng. Hiện tại, những chất có công dụng chống nghẹt mũi khác như pseudoephedrine hay phenylephrine còn lưu hành ngoài thị trường có thực sự an toàn không, người ta chưa rõ. Cẩn thận vẫn hơn, cần đến thì dùng, song chúng ta không nên dùng những thuốc loại này lâu quá.


3. CHẤT CÓ TÁC DỤNG LONG ĐÀM (EXPECTORANT):
Một số thuốc ho còn pha thêm chất guaifenesin, được xem có tác dụng long đàm, làm đàm lỏng hơn dễ khạc. Thực sự, lượng guaifenesin pha trong các thuốc ho hơi thấp, không làm long đàm hữu hiệu như chúng ta mong muốn. Lượng guaifenesin có thể làm long đàm đúng ra cao hơn vậy, nhưng lại hay gây buồn nôn, ói mửa, chóng mặt, nhức đầu, nổi mẩn trên da, tiêu chảy, dật dờ và đau bụng.
Thuốc ho, dùng thế nào cho phải?
Trên cõi đời này, có ai trong chúng ta chưa bao giờ ho? “Stocks” lúc lên lúc xuống, song kỹ nghệ chế thuốc ho coi bộ lúc nào cũng lên, thuốc ho ra đời ngày càng nhiều, dưới đủ mọi dạng (kỳ này chơi “stocks”, đầu tư vào kỹ nghệ thuốc ho quách!). Nhiều chất thuốc chống ho hiện diện trong cả các thuốc tổng hợp quảng cáo chữa đau nhức, chảy mũi, hắt hơi, nghẹt mũi, và tất nhiên, cả ho nữa. Các thuốc tổng hợp này xem ra thì tiện thật, một liều thuốc chữa luôn mọi triệu chứng, nhưng chúng hay gây nhiều phản ứng phụ hơn và cũng đắt hơn.
Có phải cứ ho chút, đã cần uống thuốc ho? Như đang bị cảm nhẹ, chỉ thỉnh thoảng ngứa cổ phát ho vài tiếng? Không đâu bạn, những trường hợp ho cấp tính mới đây, chút đỉnh, không làm bạn mất ngủ hoặc thấy trở ngại cho công việc, bạn chưa cần dùng đến thuốc ho vội. Thuốc ho có thể khiến bạn dật dờ khó chịu, nhất là những thuốc trong chứa chất codein, antihistamine và decongestant. Những trường hợp ho có đờm, dùng thuốc ho có khi còn hại, vì ho giúp phổi ta tống xuất bớt những tác nhân gây hại xâm nhập vào phổi. Với trẻ em, ta lại càng nên thận trọng, nếu không thực cần thiết cũng nên tránh dùng. Khi ho đến mất ngủ (hoặc người ngủ cùng giường với bạn mất ngủ, cằn nhằn), trở ngại công việc (bạn đồng sở sợ hãi nhìn bạn cứ ho sù sụ), đành thôi, thử dùng thuốc ho vậy, may ra tạm bớt ho được vài tiếng (xin nhớ, trong lúc đang cảm, cúm nặng, ho nhiều, thuốc ho không chắc có giúp mấy). Thuốc ho là loại thuốc dùng khi thấy cần, nên hầu hết các thuốc ho đều để nhãn khuyên ta uống nếu thấy cần (thường mỗi 4 đến 6 tiếng, không nên quá 6 lượng một ngày), chứ không để ngày uống 3 lần, 4 lần... như nhiều thuốc khác.
Với những trường hợp ho kèm nóng sốt, hoặc kéo dài lâu chưa thuyên giảm, bạn nên đi khám bác sĩ, tìm nguyên nhân gây ho, thay vì tiếp tục tự chữa bằng thuốc ho ở nhà (xin nhớ đem theo chai thuốc ho bạn đang dùng, thuốc ho bên ngoài muôn mặt, nhiều tên, thú thực, bác sĩ không thể nắm vững hết). Sưng phổi (pneumonia), lao phổi (tuberculosis), ung thư phổi (lung cancer) chẳng hạn, là những nguyên nhân quan trọng gây ho, không chữa bệnh thêm nguy hiểm, cái ho sẽ càng nặng, thuốc ho chẳng ăn thua gì. Bác sĩ sẽ cố tìm hiểu bạn sao nóng sốt, hoặc ho sao lâu thế, đồng thời, nếu cần phải dùng đến thuốc ho giúp bạn tạm bớt ho, trong lúc ta tận lực chữa trị nguyên nhân gây ho, bác sĩ sẽ khuyên bạn dùng một thuốc ho đúng với nhu cầu của bạn, và ít gây phản ứng phụ, ít ảnh hưởng đến đời sống cũng như công việc của bạn.
Ôi, ho làm khổ bao người (và bao... bác sĩ, khi người bệnh cứ nhất định đòi dùng trụ sinh lúc chưa cần đến). Cũng vì vậy, thuốc ho tranh nhau ra đời, làm giàu cho kỹ nghệ chế thuốc ho. Thuốc ho có thể giúp, cũng có thể gây phiền toái, đôi khi còn nguy hiểm. Những cái ho cấp tính, chút ít, bạn chờ thêm, lắng nghe cơ thể bạn, đừng dùng thuốc ho vội. Ho nhiều, muốn thử dùng thuốc ho, bạn nên đọc kỹ công thức thuốc, xem trong thuốc chứa những chất gì. Thuốc càng chứa nhiều chất, càng dễ gây phản ứng phụ. Nhất là nếu bạn mang bệnh cao áp huyết, nên tránh dùng những thuốc ho trong chứa chất decongestant chữa nghẹt mũi. Ho dữ quá, ho kèm nóng sốt, ho khạc ra máu, ho lâu chưa hết, bạn đi khám bác sĩ cho chắc ăn.  

Các nguyên tắc ăn uống để giữ gìn sức khỏe Đông y cho rằng, nên ăn nhiều vào ban ngày vì lúc này khí dương thịnh, cơ thể hoạt động nhiều. Buổi chiều tối là lúc dương suy, ăn ít thì tốt hơn. Hằng ngày, nên ăn uống vào những giờ nhất định để tiến trình tiêu hóa và hấp thu của tỳ vị được diễn ra bình thường.     
Việc ăn uống cần đảm bảo điều độ. Nếu ăn cùng lúc một lượng thực phẩm lớn, tỳ vị sẽ phải làm việc nhiều, dễ bị tổn thương. Ngược lại, việc ăn uống quá ít cũng làm cơ thể suy yếu do không được cung cấp đủ những chất dinh dưỡng cần thiết. Sau đây là một số nguyên tắc ăn uống khác:
1. Điều hòa ngũ vị: Đông y cho rằng, mỗi vị tác động lên cơ thể theo một cách riêng: - Chua (ô mai, thạch lựu): Hạn chế bài tiết mồ hôi, nước tiểu. - Cay (gừng, hành, tỏi, ớt): Hành khí, hoạt huyết, phát tán. - Ngọt (mật ong, các loại gạo, mì): Bồi bổ cơ thể. - Đắng (trần bì, mướp đắng): Giải độc, thanh nhiệt, lương huyết, giáng khí. - Mặn (muối, rong biển): Chống táo bón, nhuận tràng, bồi bổ âm huyết. Nếu điều phối hợp lý các vị trên, thức ăn sẽ thơm ngon, bổ dưỡng, giúp cân bằng sức khỏe. Việc quá thiên về một vị nào đó sẽ gây bất lợi cho ngũ tạng.
2. Phối hợp thức ăn hợp lý: - Dùng một loại thực phẩm phụ để làm tăng tác dụng của thực phẩm chính. - Kết hợp các thực phẩm sao cho chúng tăng cường được hiệu quả của nhau. - Kết hợp các thực phẩm sao cho loại này có thể hạn chế tác hại của loại kia. - Không dùng chung 2 loại thực phẩm kỵ nhau.
3. Phối hợp hàn nhiệt: Phối hợp hàn nhiệt là một cách điều hòa âm dương trong chế biến thức ăn. Đối với thực phẩm có vị cay nóng, nên thêm cải xanh, cải trắng, măng non... để dưỡng âm. Còn với những thức ăn có tính hàn như thịt vịt, thịt gà, nên thêm gia vị cay nóng như tỏi, hồi, tiêu, gừng. Ngoài ra, những người có thể chất suy nhược, âm hư nên dùng các thực phẩm có tính bổ âm như vừng, mật ong, sữa, rau xanh, trái cây, đậu phụ, cá... Người thể chất dương hư nên dùng nhiều thực phẩm có tính bổ dương như thịt dê, hươu, nai...
4. Ăn uống theo khí hậu, thời tiết: Mùa xuân, dương khí thịnh, khí dương của cơ thể cũng tăng lên. Lúc này, nên dùng thêm những thực phẩm trợ dương như hành, rau thơm, chao.... Nên hạn chế ăn chất béo, giảm vị chua, tăng vị ngọt để dưỡng tỳ khí. Mùa hè nắng nóng, mưa nhiều, khí nóng dễ xâm nhập cơ thể gây chán ăn, năng lực tiêu hóa giảm. Để khí dương không bị thương tổn, nên dùng các thức ăn có vị chua, ngọt vừa phải như đậu xanh, dưa hấu, ô mai... Không nên ăn các món nhiều dầu mỡ, hạn chế vị cay, ngọt. Không dùng quá nhiều đồ lạnh, nước đá vì chúng sẽ khiến bụng bị hàn, gây đau bụng, nôn mửa, tiêu chảy... Vào mùa đông, thời tiết lạnh lẽo, cần ăn nhiều chất đạm. Khi chế biến, nên dùng thêm gia vị cay nóng như ớt, tiêu, gừng, tỏi. Tối kỵ các thực phẩm đông lạnh, cứng bởi chúng thuộc âm, dễ gây tổn thương đến khí dương của tỳ vị. Tuy nhiên, cũng không nên ăn quá nhiều thức ăn nóng để tránh hiện tượng khí dương uất kết, hóa nhiệt.  VIETLOVE.COM