Dân Chúa Âu Châu

(Eugénisme)
Ba ngày tết, ta thường chúc mừng nhau sống lâu trăm tuổi, sức khỏe dồi dào, hạnh phúc với bầy đàn con cháu. Truyền thống cha ông ta để lại, chúng ta vẫn lập đi lập lại câu chúc tươi đẹp đầu môi trong những ngày đầu xuân.
Hỏi ai lại không muốn những lời chúc tụng đó sẽ trở thành sự thực. Ước sao được vậy, còn gì bằng, nhưng đổi lại, ta phải trả bằng một giá qua công việc tương xứng. Nói một cách khác, ta phải theo một lối sống cho phù hợp với quy luật trời đất, môi sinh.
Đã từ ngàn năm xưa, qua sách Nội kinh, cha ông chúng ta chỉ bày, hướng dẫn phải làm thế nào để được sống lâu trăm tuổi, nếu không muốn nói rằng sức khỏe cần phải có. Hiểu sát nghĩa hơn, đó chính gọi là phép dưỡng sinh. Phép Dưỡng sinh, chẳng những có thể phòng ngừa bệnh tật, mà còn có thể kéo dài thêm tuổi thọ.
Thước ngọc khôn cùng của luật tạo hóa, mặc khải cho chúng ta nhận thức được điều ấy: phương pháp chủ yếu được quy tụ trên hai phương diện, nội nhân và ngoại nhân.
Ngoại nhân: hư tà tặc phong, sương gió độc bên ngoài tùy thời mà tránh.
Nội nhân: "điềm đạm hư vô", điều dưỡng tinh thần bên trong là điều chủ yếu, không tham cầu gì, cõi lòng được thanh tịnh, không có vọng tưởng, không ham mê rượu chè sắc dục, không chạy theo phù phiếm nhất thời, thì Chân khí bên trong mới được điều hòa là điều kiện cần thiết duy nhất cho sức khỏe, hỏi còn bệnh tật nào xâm nhập được.
Đạo Dưỡng sinh với vài nét đại cương dựa trên bốn điều mà người xưa khuyên bảo:
* Điều dưỡng tinh thần.
* Điều tiết ăn uống và sinh hoạt,
* Thích ứng với hoàn cảnh tự nhiên
* Rèn luyện thân thể: lao động không quá sức, và nghỉ ngơi hồi dưỡng có chừng mực.
1) ĐIỀU DƯỠNG TINH THẦN:
Giữ cho nội tâm được "điềm đạm hư vô" thì chân khí bên trong mới được điều hòa mà không bị hao tán (chân khí ví như một thành lũy được kiên cố gìn giữ nội an bên trong, là mấu chốt chủ yếu quyết định sức khỏe, énergie ancestrale), tư tưởng yên định, thanh tĩnh, ý chí an nhàn, chất phác, đơn sơ, thật thà, ít có dục vọng, bỏ gạt ham muốn không chính đáng. Tu thân dưỡng tính để rèn luyện thân thể, mà không ham mê sắc dục, chạy theo vọng tưởng hảo huyền, chi phối bởi danh vị, tiền tài, tạp kiểu đua đòi, xem thường các xu hướng đà tiến giả tạo nhất thời, như thế tật bệnh nào còn do đâu xâm nhập được nữa.
Người đời nay, như trong Nội Kinh có nêu rằng: "họ không như thế, ham uống rượu như uống nước, coi sự sai trái như sự sinh hoạt bình thường, sau khi rượu say lại nhập phòng bừa bãi, phóng túng về sắc dục, làm kiệt hết tinh khí, hao tổn đến chân nguyên, không biết gìn giữ tinh khí cho đầy đủ, mà thường sử dụng tinh lực quá mức, chỉ cốt thỏa lòng chốc lát, làm trái ngược nghệ thuật dưỡng sinh, cho nên khoảng tuổi năm mươi đã già yếu rồi".
2) ĐIỀU TIẾT ĂN UỐNG:
Ăn quá no, rượu chè quá độ, béo bổ vô chừng, lấy miếng ngon làm chính, vui chơi buông thả, chính lẽ ấy là nguyên nhân của trăm ngàn bệnh tật sinh ra. Ta chớ lầm "tứ khoái" bốn việc sinh lý cần thiết cho con người (ăn, ngủ, đại, tiểu tiện, giao hợp) và "tứ đổ tường" (bốn việc hại, Nhất sắc, gái đẹp, nhì tài, cờ bạc, tam khí, á phiện, tứ tửu, rượu), mà xã hội ngày nay đang lâm vào cái cảnh thê thảm như báo chí hằng ngày tường thuật.
Bàn qua về ngũ vị: ngũ vị là 5 vị ngọt, chua, cay, đắng, mặn được lấy từ các thức ăn uống. Vị chua sinh can, đắng sinh tâm, ngọt sinh tỳ, cay sinh phế, mặn sinh thận, đó là âm tinh của tạng phủ sinh ra ở ngũ vị. Nhưng ngũ tạng chứa tinh, lại có thể vì ăn uống ngũ vị quá nhiều mà bị thương tổn.
* Cho nên, theo Nội Kinh ăn nhiều thức chua quá thì Can khí thịnh mà Tỳ khí hư suy. Ăn nhiều vị chua, dễ làm cho da thịt dày cộm và co dúm, mà môi cũng sẽ bị cong vếu.
* Ăn nhiều thức mặn quá thì xương lớn bị thương, cơ thịt teo liệt, tâm khí không được thoải mái. Ăn nhiều vị mặn làm cho huyết mạch khó lưu thông và sắc trạch ngoài da sẽ bị biến đổi.
* Ăn nhiều thức ngọt quá, thì tim buồn bực không yên, sắc mặt đen, thận khí không thăng bằng. Ăn nhiều vị ngọt, dễ làm cho xương đau nhức mà tóc cũng sẽ bị rụng 
* Ăn nhiều thức đắng quá thì tỳ không nhuận, tiêu hóa không tốt, dạ dày hay đầy. Ăn nhiều vị đắng, dễ làm cho da bị khô mà lông cũng sẽ bị rụng.
* Ăn nhiều thức cay quá thì cân mạch bị phá hoại mà cũng dãn ra, đồng thời tinh thần cũng bị tổn hại. Ăn nhiều vị cay thì gân dễ bị co cứng, mà móng chân móng tay cũng bị khô.
Vì vậy phải chú ý đến ăn uống, ngũ vi cần được điều hòa để cho xương được thẳng ngay, gân được mềm dẻo, khí huyết được lưu thông, thớ thịt được chắc kín, gân cốt, khí lực được mạnh, đó là áp dụng nghiêm chỉnh phép đạo dưỡng sinh, có thể hưởng tuổi thọ lâu dài. Trên đài truyền hình Pháp, trong tháng hai này có đề cập tới tuổi thọ, nói về một phóng sự ở nước Nhật, Okinawa, theo lời tường thuật, một nơi tương đối nghèo, nhưng số người dân sống trên trăm tuổi đã chiếm một tỉ lệ cao nhất trên thế giới. Tìm hiểu bí quyết, thật là giản dị, cuộc sống hằng ngày đơn sơ, tâm tình người dân chất phác, thức ăn chánh không ngoài cá và rau cỏ, ít dùng thịt thà béo bổ. Đấy cũng là tấm gương đáng noi theo để hưởng được tuổi thọ.
3) THÍCH ỨNG VỚI HOÀN CẢNH TỰ NHIÊN:
Trong sách cổ có đề cập đến thời tiết. "Tứ khí điều thần luận": là khí hậu bốn mùa, xuân hạ thu đông, ăn mặc, sinh hoạt thế nào cho thích hợp với biến hóa của thời tiết để có thể bảo vệ sức khỏe lâu dài . Người xưa có nói:" Xuân sinh, Hạ trưởng, Thu thâu, Đông tàng", đó là quy luật của trời đất, ta nên lấy đó làm cương lĩnh, nói rõ hơn là phép dưỡng sinh bảo vệ tính mạng.
a) Ba tháng mùa xuân: là mùa muôn vật thay cũ đổi mới, sinh khí phát động trong khoảng trời đất, tất thảy đều vui tươi hớn hở tươi tốt, nhộn nhịp. Nên ngủ muộn, và dậy sớm, thể thao nhẹ nhàng, chăm bón thể xác, bách bộ khoan thai để cho tư tưởng ý thức được nẩy nở hoạt bát dồi dào. Thực hiện được như vậy là thích ứng với thời tiết khí hậu mùa xuân, là phù hợp với điều dưỡng "sinh khí". Nếu làm trái nghịch với phép dưỡng sinh này thì sẽ phương hại đến Can khí, chờ đến mùa hè sẽ sinh ra bệnh hàn (rét lạnh), khiến cho sức thích ứng của con người đối với khí dương thịnh mùa hè bị giảm sút (potentiel énergétique).

b) Ba tháng mùa hè: là lúc muôn vật tươi tốt phồn vinh, thiên khí, địa khí thăng giáng, giao hợp hết thảy vạn vật đều khai hoa nở nhụy. Nên ngủ muộn, và dậy sớm, nên tránh sự nóng nảy, giận dữ để cho thần chí được thoải mái, nội tâm bình tĩnh, khí khoan hòa để cho ý chí được đầy đủ phát huy. Đó là quy luật thích ứng với điều dưỡng "trưởng khí" của mùa hạ. Hành động nghịch lại, sẽ làm tổn thương đến tâm khí, chờ đến mùa thu dễ sinh bệnh sốt rét, vì làm giảm bớt năng lực thích ứng với khí "thu liễm" của mùa thu.
c) Ba tháng mùa thu: là mùa mà muôn vật đã thay đổi, khí trời mát, gió thổi mạnh, khí đất lặng lẽ, muôn vật biến sắc. Nên ngủ sớm, và dậy sớm. Ý thức, tư tưởng cần giữ gìn được trong sạch, tinh thần bình tĩnh mới có thể hòa hoãn được khí hậu se sắt, nghiêm ngặt của mùa thu ảnh hưởng đến cơ thể con người. Nên giữ nội tâm yên tịnh, không nóng nảy, hấp tấp, không để lạc mất ý chí, giữ cho Phế khí thanh tịnh, thở hít điều hòa. Giữ được như vậy là hợp với lẽ điều dưỡng "thu khí "của mùa thu. Làm trái nghịch, tất nhiên đã phương hại đến Phế khí, chờ đến mùa đông, sẽ phát bệnh tiết tả (đại tiện ra phân sống), làm giảm bớt năng lực thích ứng với khí tiềm tàng của mùa đông.

d) Ba tháng của mùa đông: là lúc muôn vật tiềm tàng ẩn náu. Không nên hoạt động nhiều sẽ động đến dương khí. Nên ngủ sớm dậy muộn, để cho ý chí yên tĩnh, tránh nơi rét lạnh, tìm chỗ ấm áp, ăn mặc kín không để cho da dẻ tiết ra mồ hôi sẽ ảnh hưởng đến sự bế tàng của dương khí. Đó là điều dưỡng thích ứng với khí hậu mùa đông. Nếu xem thường trái ngịch với phương pháp ấy, thì sẽ tổn thương đến thận khí. Đến mùa xuân năm sau, sẽ phát sinh ra bệnh nụy quyết (chân tay liệt rũ và lạnh) làm giảm sút năng lực thích ứng với "sinh khí" của mùa xuân.
Lao động, làm việc và nghỉ ngơi có chừng mực, không làm quá sức cho nên thể xác và tinh thần đều khỏe để gia tăng tuổi thọ.
Sinh lí về sinh dục đóng một vai trò chánh trong đạo dưỡng sinh.
Sinh dục giữa nam và nữ cũng có phần khác nhau: theo Nội kinh
* "Nữ 14 tuổi, thiên quý phát triển đầy đủ, ... hành kinh đúng kỳ cho nên dễ có con. ..., cho đến năm 49 tuổi, thiên quý khô kiệt, kinh nguyệt đã mãn cho nên thân thể già yếu mà không sinh đẻ được nữa.
* Nam đến năm 16 tuổi, thận khí thịnh vượng, thiên quý phát triển mạnh, tinh khí đầy đủ, lúc này nếu giao hợp với nữ có thể sinh con.. Đến năm 56 tuổi, Can khí suy kém, thiên quý khô kiệt, tinh khí ít dần, thận tạng sút kém,... Đến tuổi già, ngũ tạng suy sút, gân cốt không bền chắc, thân thể nặng nề, đi đứng khó khăn, thiên quý cũng kiệt hết, nên không thể sinh con cái được nữa".
Tuy có hạn độ nhất định, nhưng nếu chú ý đến phép dưỡng sinh, chẳng những có thể kéo dài tuổi thọ (longévité), mà dầu tuổi tuy cao, còn có thể kéo dài được số năm sinh dục thêm nữa (sexualité). Cho thấy rằng sự quan sát sâu rộng ấy đã có từ trước đây trên hai ngàn năm, cho đến ngày nay vẫn còn mang một chân giá trị rất quan trọng.  
Từ thời thượng cổ: có hạng người gọi là "chân nhân" (homme parfait) có thể cầm giữ được huyền cơ tạo hóa của trời đất, nắm được quy luật biến hóa của âm dương, thở hít tinh khí, khác hẳn người thường cho nên tuổi thọ của các vị ấy đặc biệt dài có thể sống lâu mãi mãi. Đó là do người ấy có đạo đức cao thâm, nắm vững được đạo dưỡng sinh.
Đến thời trung cổ: có những hạng người gọi là "chí nhân" (sages) cũng đạo đức cao sâu, sống hòa hợp với sự biến hóa của âm dương, cũng am hiểu được đạo dưỡng sinh tuy với ít nhiều quan niệm có phần khác nhau, và tuổi thọ cũng gần như các vị chân nhân
Thời sau, còn có hạng người gọi là "thánh nhân": yên vui với khoảng hòa khí của trời đất, thuận theo quy luật tự nhiên, sống thích ứng với tập quán thế tục, hành vi không xa rời người đời, không đua đòi với tập tục, bên trong không để tư tưởng bị vướng mắc, tự thấy mình là đầy đủ, cho nên hình thể lâu già yếu, tinh thần ít bị hao tán, nên cũng có thể sống tới ngoài trăm tuổi.
Sau cùng, có hạng người khác nữa gọi là "hiền nhân" (homme vertueux): biết dựa theo quy luật vận hành tự nhiên của trời đất, trăng sao tinh tú, thích ứng với sự biến hóa thăng giáng của âm dương, noi theo nếp sống của các vi chân nhân cho thích hợp với lẽ đạo dưỡng sinh, cho nên cũng có thể thọ mệnh dài lâu, nhưng cũng có thời kỳ suy kiệt.
Tóm lại điều quan trọng trong phép dưỡng sinh là quy tụ vào hoàn cảnh tự nhiên và hoàn cảnh xã hội, cùng với điều dưỡng tư tưởng và hình thể, là quan niệm chỉnh thể (un entier, un tout). Đúng hơn nữa, ta phải giữ gìn Chân khí (còn gọi là Chân nguyên, là Tinh khí tiên thiên) cho được đầy đủ bền chặt, mà không phung phí dục vọng bừa bãi, làm kiệt hết tinh lực.
Vào thời hiện đại, còn chúng ta chỉ là kẻ "phàm nhân" (profane, homme du commun), thành tựu được đôi ba điều răn dạy vàng ngọc ấy, giữa cái xã hội đảo điên ngày nay, thì đã là niềm an ủi lớn với cái tuổi thọ được ngoài chừng thất tuần, âu cũng là điều đáng khen lắm rồi.
4) RÈN LUYỆN THÂN THỂ CỦA PHÉP DƯỠNG SINH:
Bằng cách vận dụng đến hai mạch Nhâm và Đốc trong cơ thể để bảo vệ thân thể, gồm nhiều tác động như sau. Hai mạch Nhâm Đốc tuy hai mà một, hai mạch mà một công dụng. Trước hết gìn giữ tinh thần cho được thanh tịnh làm cơ bản, quên hết lo âu, gạt bỏ ham muốn phù du, khinh thường ước vọng bâng quơ bất chánh, quên những sầu tư, giận dữ,.. luôn luôn giữ vững ý chí mà không bị xao lãng. Tiếp đó, chủ tâm đến hai mạch Nhâm và Đốc, hai mắt nhắm lại, xem xét bên trong (nội quan), hít một hơi dài qua mũi, ý dẫn khí, từ trên xuống dưới, từ trước ra sau, như lời người xưa miêu tả
".. tưởng mình điều khiển một hạt châu (nội công), dẫn mạch Nhâm giáng xuống và chậm chậm nạp vào Khí hải (đan điền) tới Hội âm, tiếp đến Mệnh môn dấy lên dẫn mạch Đốc qua xương cùn (coccyx) ngược thẳng lên tới đỉnh đầu, Nê hoàn (tức đan điền thượng, chỗ giữa hai lông mày) đuổi theo cái gốc động tính, dẫn mạch Nhâm giáng xuống mà trở về Khí hải. Hai mạch lên xuống xoay vần như cái vòng không đầu mối, trước giáng sau thăng luôn luôn không đứt. Tâm như nước đứng, thân như cái bầu rỗng không đựng vật, liền nhớm nhẹ hậu môn, mũi từ từ nín thở, nếu có căng thẳng thì từ từ hít hơi vào. Nếu tinh thần hôn mê, nên ngừng một lát, cần mẫn làm thêm, thực hiện kiên trì, quan khiếu tự mở, mạch lạc lưu thông, trăm bệnh không phát, v.v." Đó là một trong những phương cách của đạo dưỡng sinh để có thể kéo dài thêm được tuổi thọ.
Song song với tập luyện ngày ngày, để cho được kết quả hoàn hảo, ta cần phải từ bỏ "sáu hại" và tuân theo "thập thiểu"
Lục hại (sáu cái hại, six vices): Một là khinh bạc danh lợi (honneurs et faveurs), hai là cầm thanh âm sắc tướng (musique et beauté féminine), ba là liêm khiết của cải, bốn là giảm bớt mùi vị ngon béo, năm là đuổi ngăn hư vọng (pensées déplacées), sáu là bài trừ ghen ghét (jalousie). Trong sáu điều nếu có một điều thì đạo dưỡng sinh xa cách.
Thập thiểu (dix modérations): Một là ít tư tưởng, hai là ít vọng niệm, ba là ít cười, bốn là ít nói, năm là ít uống rượu, sáu là ít giận, bảy là ít khoái lạc, tám là ít buồn rầu, chín là ít ưa thích (désir), mười là ít cơ mưu (ruse).
Người xưa giải thích rằng:" nhiều tư tưởng thì thần hao tán, nhiều tham vọng niệm thì tâm lao nhọc, cười nhiều thì tạng phế lật ngược lên (désorganise la circulation énergétique du poumon), nói nhiều thì khí huyết hư hao, uống rượu nhiều thì thương thần tổn thọ (blesse le Shen et abrège la vie), giận nhiều thì tấu lý chạy nổi vượt ra ngoài (vide des pores), nhiều khoái lạc thì tâm thần lãng mạn, nhiều lo rầu thì đầu mặt khô khan (un excès de chagrin dessèche le visage), nhiều ưa thích thì chí khí tan lở, nhiều mưu mẹo thì chí lự mê mệt (un excès de ruse alourdit l’esprit et le plonge dans la torpeur). Ấy là loại chặt đốn mạng sống con người còn hơn là rìu búa"
KẾT LUẬN
Phép dưỡng sinh, chẳng những có thể phòng bệnh, mà còn có thể kéo dài tuổi thọ. Những phương cách mà cha ông ta để lại, là một kho tàng vô cùng quý báu một khi ta đã cố tâm tích cực noi theo nghiêm chỉnh và thực hiện được mục đích, hỏi còn gì bằng, tương lai tuổi thọ đang chờ ta thụ hưởng.
Đạo dưỡng sinh đã có từ đời thượng cổ, vẫn còn mang một chân giá trị rất quan trọng ngày nay. Lời khuyên bảo của người xưa để lại, mang nặng một ý nghĩa giáo dục:
Điều dưỡng tinh thần "điềm đạm hư vô" là chủ yếu, nội tâm gìn giữ cho được yên định, thư thái, không hờn giận, ghen ghét, không vọng tưởng, ham muốn đua đòi bâng quơ, không dục vọng bừa bãi, phí phạm tinh khí, để cho chân khí bền chặt không hao tán bên trong là điều thiết yếu cho sự phòng ngừa bệnh tật được hữu hiệu và hưởng được tuổi thọ. Chân khí ví như thành lũy bên trong kiên cố giữ vững nội an, hợp với vệ khí (énergie défensive) canh phòng cẩn mật bờ cõi bên ngoài chống lại ngoại tà, còn bệnh tật nào do đâu xâm nhập.
Thứ đến, điều tiết ăn uống và sinh hoạt, vì có câu " bệnh tòng khẩu nhập", trăm bệnh do ăn uống mà sinh ra, rượu chè no say, vui chơi buông thả, phóng túng sắc dục, làm kiệt hết tinh khí, hao tổn đến chân nguyên là nhân tố của trăm ngàn tai hại cho thể xác và tinh thần, để rồi chuốc lấy hậu quả là già yếu bệnh tật trước tuổi.
Sau đến, nên tránh tặc phong, gió độc, ăn mặc cho phù hợp với thời tiết, lao động, nghỉ ngơi có chừng mực mà không phí phạm sức lực, sinh hoạt phụ họa theo biến hóa của thời tiết. Sự hoạt động sinh mệnh của cơ thể con người không thể giây phút tách rời với giới tự nhiên được. Giấc ngủ là món ăn bồi dưỡng cho thể xác tinh thần, lao động là bộ máy cần thiết cho cơ thể toàn thân, giờ giấc phải được nhịp nhàng với hoàn cảnh tự nhiên giới (monde naturel), môi sinh (environne-ment), thực hiện được như thế là giữ đạo dưỡng sinh đúng phép, hầu tránh được bệnh tật, mà hưởng được mệnh thọ lâu dài.
Cuối cùng là bền tâm rèn luyện tinh thần và thể xác (qua hai mạch Nhâm và Đốc) cho được cường tráng hầu có được sức khỏe mới có được tuổi thọ bền lâu.
Vậy chúng ta hãy cầu chúc cho nhau kiên nhẫn và thành công, như thành ngữ có câu: "Có công mài sắt có ngày nên kim".