Dân Chúa Âu Châu

Lấy vợ xin lấy vợ sún răng
Đỡ tiền nha sĩ, ngại sâu ăn
Sáng, trưa, chiều, tối em ăn cháo
Khỏi phải mua bàn chải đánh răng
Lấy vợ xin anh lấy vợ hô
Lỡ sau mà có gặp côn đồ
Em cười, chúng tưởng Chung Vô Diệm
Hồn xiêu phách lạc cõi hư vô

Mặc dù không biết tác giả của bài thơ trên, nhưng nội dung dí dỏm cũng diễn tả được tầm quan trọng của bộ răng trên khuôn mặt. Một thống kê gồm 57.000 người tham dự cho biết trên khuôn mặt của họ thì hàm răng được chú trọng nhiều nhất so với cặp mắt, mũi, và đôi môi. Ngày nay, trong những chương trình thẩm mỹ trên truyền hình như  The Extreme Makeover hoặc The Swan, chúng ta đều thấy những người sau khi đã đuợc nâng cằm, nắn mũi, xẻ mí mắt hoặc sửa ngực đều có một nụ cười với hàm răng thật đều đặn! Giả như phải đối thoại với một người có một hàm răng sún hoặc khấp khểnh, răng đã ngả màu nâu hoặc vàng khè, tự nhiên chúng ta sẽ cảm thấy khó chịu ngay. Cũng có một số người đã phải đi sửa hàm răng cho thẳng và trắng lại trước khi đi tìm việc làm. Khi 1 chiếc răng hoặc nhiều răng bị rụng hoặc hư hại, thì có những hậu quả như sau:
- Mất đi nụ cười. Tự nhiên chúng ta không dám cười hoặc cười gượng vì sợ người ngoài thấy mình bị sún răng, khiến chúng ta bị mặc cảm và mất đi phần duyên dáng và tự nhiên của con người.
- Cách phát âm thay đổi hoặc không được rõ, chính xác.
- Khuôn mặt sẽ không được đầy đặn và cân đối. Hai gò má có thể bị hóp vào hoặc đôi môi bị nhũn nhão không còn điểm tựa nên khó trang điểm bằng son và nhìn trông già đi trước tuổi rất nhiều.
- Sự nhai cắn và nghiền nhỏ thức ăn không còn hữu hiệu được nữa. Lúc đó chúng ta bắt đầu đẩy thức ăn sang một bên hoặc đẩy hết thức ăn ra đằng trước để nhai.
- Những răng bên cạnh khoảng trống sẽ bắt đầu bị lung lay, xiêu vẹo, và nghiêng ngả về chỗ trống. Kể cả răng ở hàm đối diện (bất kể hàm trên hoặc dưới) cũng có thể mọc dài vào trong khoảng trống đã bị nhổ.
- Theo thời gian, các răng còn lại sẽ nghiêng đổ lệch lạc và hàm răng sẽ càng ngày càng thưa thêm.
- Vì chân răng nằm chính giữa ổ xương răng nên khi ăn và nhai cắn, xương hố răng được tác động và toàn thể xương răng được bảo tồn. Nhưng nếu chân răng bị mất hoặc bị nhổ đi, thì hậu quả tất nhiên ổ xương sẽ bị teo lại, làm giảm đi bề sâu (depth) và bề dày (width) của xương.
Để tránh những tình trạng nêu trên xảy ra, chúng ta cần phải đi trồng răng giả. Bệnh nhân nên tham khảo ý kiến với nha sĩ gia đình hoặc với nha sĩ chuyên khoa về răng giả (Prosthodontist). Bài viết này sẽ trình bày những phương cách thay thế những răng bị rụng đang được thực dụng trong ngành nha khoa, cộng thêm những sự lợi hại của từng phương cách. Mặc dù nha sĩ có trách nhiệm phải trình bày những phương thế đó, nhưng chính chúng ta cũng nên tự học hỏi hiểu biết thêm để đo lường, suy xét chọn lựa phương pháp hữu hiệu nhất cho mình khi phải thay thế những chiếc răng đã bị rụng mất.
Răng giả được chia làm 2 loại:
- Tháo rời (removable prostheses)  
Có nghĩa là bộ răng giả phải được gỡ ra ngâm vào trong nước mỗi đêm trước khi đi ngủ. Phân bộ này thì có loại phần hàm (partial denture) hoặc loại toàn hàm (full/complete denture), tùy theo số chân răng còn lại trong miệng.
- Cố định (fixed appliances)
Có nghĩa là bộ răng giả được gắn cứng trong miệng hoặc trong xương hàm. Khi nghĩ tới trồng răng giả cố định thì ta có quyền lựa chọn làm cầu răng (bridge) hoặc trồng chân răng vào xương hàm (dental implant).
Việc chọn lựa phương pháp trồng răng dựa vào những điểm sau đây:
- Sự thẩm mỹ (Esthetics)
- Sự bảo tồn mặt răng (Preservation of tooth structure)
- Sự bảo tồn chân răng và xương hố răng (Preservation of periodontal tissues & alveolar bone)
- Sự thoải mái và phát âm chính xác (Comfort & Phonetics)
- Thời gian chờ đợi (Restoration time)
- Tình trạng tài chánh (Cost)
- Sự bền lâu (Longevity)
- Công việc bảo trì (Maintenance)
- Răng giả tháo rời (Removable Prostheses)

Răng giả tháo rời được chia ra hai loại: loại bán phần hàm (partial denture) và loại toàn hàm (full denture). Loại bán phần hàm được làm khi một hàm trong miệng (bất kể hàm trên hoặc hàm dưới) bị rụng vài răng liên tiếp nhau khiến cho hàm răng có nhiều khoảng trống. Những thành phần cơ bản trong bộ răng giả phần hàm gồm có: một khung sườn cứng (metal framework) đúc bằng kim loại, những móc (clasps) bám chặt vào mặt và thân răng còn tồn tại trong hàm với mục đích làm cho sườn hàm răng được vững chắc không di động trong lúc nhai cắn. Trên sườn sẽ được gắn những chiếc răng bằng nhựa (acrylic resin), lấp đi những khoảng trống thiếu răng. Những răng giả được chế tạo bằng chất nhựa có đầy đủ các màu và kích thước khác nhau giống y hệt với những chiếc răng bên cạnh và hợp với khuôn mặt màu da mỗi người. [Hình A1 & 2]
Loại răng giả toàn hàm được làm khi hàm bị rụng hết răng. Loại toàn hàm sẽ có đầy đủ mặt răng được gắn lên trên một sườn bằng nhựa cứng gọi là acrylic base. Chất nhựa này có nhiều màu khác nhau tương xứng với màu nướu răng của từng người. Bộ răng giả toàn hàm được gắn trên mặt nướu và nền tảng xương hàm nhờ ‘sức hút bề mặt’ (surface tension) giữa nướu và chất nhựa acrylic, giống như sức dính giữa hai miếng kính ướt ép sát vào nhau. Nếu phải gắn toàn bộ răng giả cho hàm trên và hàm dưới, thì bộ răng giả ở trên sẽ dính vô nướu chặt hơn so với bộ hàm dưới vì diện tích (surface area) của vòm miệng nhiều hơn nên tạo ra nhiều sức hút. Hơn nữa, hàm dưới lại không có nhiều xương và mặt nướu như hàm trên. Thêm vào đó, những bắp thịt chung quanh gò má và lưỡi luôn luôn cử động khiến bộ răng ở dưới rất dễ bị di chuyển khi nói chuyện hoặc khi nhai cắn. Thông thường bệnh nhân phải mất thời gian từ vài tuần đến vài tháng tập cách ăn nói để quen với bộ răng giả trong miệng. Trong thời gian này, bệnh nhân nên nhẫn nại và kiên trì — tập ăn các đồ mềm hoặc cắt nhỏ, tránh ăn những thức ăn dẻo và có thể phải đi lại nhiều lần cho nha sĩ điều chỉnh lại bộ răng nếu thấy cấn hoặc đau nhức. [Hình B1 & B2]
Giống như loại bán phần hàm, bộ răng nhựa phải được sắp xếp đúng theo cách thức động tác nhai nghiền thức ăn (occlusion), sự thẩm mỹ (esthetics), sự thoải mái (comfort) và phát âm rõ ràng (phonetics).
KỸ THUẬT LÀM BỘ RĂNG GIẢ
Để làm một bộ răng giả phần hàm cho kỹ lưỡng, nha sĩ cần phải lấy hẹn với bệnh nhân tối thiểu từ 4 - 6 lần để thực hiện những điểm quan trọng sau đây:
1. Khuôn mẫu răng dự bị (Preli-minary Impression) - Sau khi hàm răng của bệnh nhân đã được lấy mẫu và đúc lại bằng thạch cao, đây là thời điểm nha sĩ phải quan sát và học hỏi nghiên cứu toàn bộ răng của bệnh nhân trước khi sắp xếp kế hoạch cho bộ răng giả. Nha sĩ có thể đề nghị nhổ răng, trám răng, bọc răng, đặt những móc ở vị trí nào, v. v... để cho bệnh nhân lường trước những việc sẽ làm và những phí tổn phải trả.
2. Khuôn mẫu răng cuối cùng (Final Impression) - sau khi đã thực hiện những công việc (trám, mài, bọc răng) trên những chiếc răng còn lại, thì khuôn mẫu răng này sẽ được gửi vô laboratory để người ta đúc một khung sườn bằng sắt nằm trên mặt nướu và xương hàm.
3. Cast Framework Try-in - Nha sĩ sẽ đặt thử bộ sườn sắt này vào trong hàm và để ý đến sự cân bằng, di động hoặc xem những móc răng có bám chặt vào những chiếc răng còn lại hay không, v.v...Nếu thấy vừa ý, thì nha sĩ có thể tiến tới phần ghi chú khớp nhai cắn (bite record), chọn lựa màu răng (shade selection).
4. Esthetic Try-In - Đây là giai đoạn bộ răng giả được gắn tạm trong miệng, xem có được thoải mái không, cách nhai cắn có chính xác không, phát âm có rõ không, hình dạng và màu răng có hợp không, hoặc nhìn có thẩm mỹ không v.v... Vì những chiếc răng giả vẫn được sắp xếp và gắn tạm trong sáp nến nên nếu bệnh nhân không đồng ý một điểm nào, thì đây là giai đoạn nên sửa và điều chỉnh lại trước khi phòng laboratory chế biến bộ răng này thành nhựa cứng resin.
5. Delivery. Ngày giao gắn bộ răng giả, nha sĩ có thể phải mài sơ qua để cho khỏi bị cấn hoặc cắn lệch lạch.

Cách thức làm bộ răng giả toàn hàm cũng đòi hỏi nhiều buổi hẹn như trên, chỉ khác mỗi chỗ là không phải thử sườn sắt như trong bộ răng giả phần hàm. Cả hai phần bộ răng giả mới này có thể cần phải sửa đi sửa lại vài lần mới hết các chỗ cấn làm đau hoặc trầy nướu răng.
Khi nói tới sự phí tổn thì phương pháp làm bộ răng giả tháo rời là rẻ nhất so sánh với những cách trồng răng cố định. Bộ răng giả có thể dùng được từ 10 tới 20 năm hay suốt đời tùy thuộc vào sự khéo tay và kinh nghiệm của nha sĩ, cách thức lấy khuôn mẫu răng có chính xác và đúng phương pháp không, bệnh nhân có giữ gìn kỹ lưỡng không và tỷ lệ hao mòn xương hàm mỗi năm.
Để bảo trì bộ răng giả, cách thức chăm sóc rất là giản dị. Điều quan trọng là nên cẩn thận đừng làm rơi xuống đất hoặc làm gẫy, đặc biệt là các móc (clasps) của bộ răng ‘partial’ một khi đã cong thì sẽ không ăn khớp với những chiếc răng cột trụ nữa. Những bộ răng giả tháo rời cũng có phần làm bằng nhựa nên lúc nào cũng phải ngâm trong nước (nếu không mang trong miệng) để khỏi bị khô và tránh được phần co giãn. Tốt hơn hết, mỗi đêm sau khi đã chà cọ kỹ lưỡng, chúng ta nên ngâm bộ răng giả vào hộp nước có pha thêm chất thuốc tẩy [Polident; Efferdent]. Chúng ta cũng không nên mang bộ răng giả suốt ngày, nhất là khi đi ngủ vì nướu răng cần sự luân chuyển không khí (air exchange) và giữ gìn sạch sẽ. Nếu không rửa sạch, thức ăn sẽ bị bám dính lâu ngày gây nên mùi hôi. Thêm vào đó sự ẩm ướt giữa nướu răng và bộ răng giả có thể đưa tới bệnh nấm (fungal disease) do vi trùng Candida albicans gây ra. Mặc dù bệnh nhân không còn răng thật nữa nhưng vẫn cần phải đi nha sĩ hàng năm để tái khám xem bộ răng giả còn được vững chắc hay không và theo dõi sự tiêu mòn của xương hàm có thể ảnh hưởng tới bộ răng giả của mình. Khi bộ răng giả bị sứt mẻ hoặc không thấy thoải mái trong miệng, chúng ta nên trở lại văn phòng để nha sĩ điều chỉnh lại. Chúng ta không nên tự tay sửa mài bộ răng của mình hoặc dùng keo Superglue để gắn lại vì có thể làm cho hàm răng giả bị hư hại vĩnh viễn (irreversible damage). Lúc đó có thể ta phải trả tiền để ‘mua’ bộ răng giả khác!!!
Trong phần tới chúng tôi sẽ biên về đề tài Răng Giả Cố Định. Xin quý vị đón đọc!   
...................
Bác Sĩ Nha Khoa Anne-Marie Hòa Nguyễn chuyên trị bệnh nướu răng và trồng răng implant (Periodontology & Implantology). Cô ra trường nha khoa Baylor College of Dentistry năm 1990 và có bằng Master of Science về chuyên khoa nướu răng tại University of Texas -San Antonio năm 1996. Cô có bằng Board Certified của Hội American Board of Periodontology. Hiện BSNK Hòa Nguyễn đang làm việc tại văn phòng ở vùng Tây Nam (Southwest) Houston. Nếu có những thắc mắc liên quan tới nha khoa, xin liên lạc hoặc gửi thư về địa chỉ văn phòng 6666 Harwin Drive, Suite 650, Houston, TX 77036. ĐT: 713.917.0907. Copyright (2005 Anne-Marie H Nguyen, DDS, MS.