Dân Chúa Âu Châu

Ta có câu "tay bắt mặt mừng" khi gặp lại người thân, quen thuộc, bạn hữu sau bao ngày xa cách. Đưa tay bắt tay người mà ta quen biết, hay chưa hề gặp, cũng là lối giao tế ngoài xã hội ngày nay.
Tuy nhiên nhiều lúc ta ngại ngùng khi chìa tay ra bắt, vì lẽ tay ta run, làm sao tránh được sự nhận xét của người đối diện.
Một vài con số cho ta thấy ở trên đất Pháp, có tới một trăm ngàn người mắc phải, và gia tăng chừng tám ngàn người mỗi năm theo sự ước lượng của ban thống kê.
Run tay, chỉ là một trong những hình thức ban đầu thường thấy của bệnh run tay run chân. Trường hợp nặng thì toàn thân đều lay động. Chứng bệnh này được mô tả qua các sách cổ y, mà Nội Kinh đề cập cách đây hơn hai ngàn năm, thuộc loại bệnh của người cao niên vào lớp tuổi 55, 60 và nhiều hơn sau đó.
Bên trời âu, bệnh này được đặt tên là bệnh Parkinson (tên của một vị y gia Anh Cát Lợi Parkinson James 1755-1824).
Ngoài chứng run tay, nó còn bao gồm nhiều hình thức khác nhau, tùy thuộc mỗi giai đoạn, như cách đi đứng không vững loạng choạng như người say rượu, dễ bị vấp ngã. Đầu lắc lư rung chuyển, toàn thân cũng bị lay động mất sự tự nhiên trong cử động đi đứng.
Trong mục bài này, chúng ta chỉ đề cập đến chứng bệnh run tay đơn giản mà thôi vì lẽ khuôn khổ giới hạn của tờ báo.
CHỨNG RUN TAY LÀ GÌ?
-Tây phương: là một bệnh do sự thoái hóa của hệ thần kinh trung ương (maladie neuro-dégénérative).
Đa số là người cao niên vào lớp tuổi 55 và 65 thường lâm vào chứng bệnh này, phía nam có phần nhiều hơn phía nữ. Là một bệnh có tánh cách kinh niên, với nhiều biến chuyển và hiện giờ, theo giới chuyên khoa, không chữa được, hoặc đang trong thời kì thử nghiệm và nguyên nhân cũng không biết từ đâu gây nên.
- Đông phương: theo lý luận của cổ y, với tuổi tác, tuổi càng trọng, bệnh càng dễ có cơ phát hiện, mà nguyên nhân chánh là khí huyết suy kém dần đi. Sự chuyển hóa (métabolisme) trong cơ thể sa sút dần, tiềm lực công năng không còn hiệu quả như trước. Quan niệm của người xưa được dựa trên yếu tố căn bản môi sinh của vũ trụ phù hợp với lí lẽ và luật lệ bất di dịch của thiên nhiên, có sanh, có trưởng thì phải có tử. Đau ốm, bệnh tật chỉ là do cách ăn uống, vệ sinh trong cuộc sống của chúng ta hằng ngày không phù hợp đã xem thường, phạm đến điều lệ chính trực của tạo hóa.
CHỨNG RUN TAY CÓ NHỮNG TRIỆU CHỨNG GÌ?
Khi bệnh mới phát, người bệnh tự cảm thấy tay run, hoặc cả tứ chi run vào thời kì biến chuyển, chứng run tay tiếp diễn trong khi ta nghỉ ngơi mà không điều khiển được (tremblement des membres au repos).
Cơ thể, bắp thịt không còn mềm mại, dẻo dai mà cứng đơ (rigidité musculaire), đi đứng ngập ngừng không mấy vững. Tay mất sự vận động tự nhiên, không còn uyển chuyển, hoặc cử động mất sự tự chủ, vụng về, lắm lúc làm đổ bể các vật nắm trong tay. Tay không yên, vân vê, mân mê không ngưng như hình ảnh của người đang cuốn một điếu thuốc lá (rouler une cigarette). Viết lách, thì nét chữ ban đầu bình thường nhưng từ từ nhỏ dần, nét viết run rẩy (micrographie),
Với nét mặt sững sờ, không diễn cảm, không ý vị (inexpressif) khó tránh được sự lưu ý của người đối diện. Theo sự biến chuyển của bệnh tình, ta nhận thấy ngôn ngữ, ăn nói hấp tấp, ban đầu nói lớn, sau nhỏ dần. Mắt chớp ít lại kèm theo với chảy nước mắt sống (larmoiement). Nước dãi không cầm lại được (sialorrhée) nhiễu ra mép miệng. Mức độ thông minh cũng suy kém, lặp đi lặp lại một câu. Đứng ngồi chẳng yên.
Tất thảy đều ảnh hưởng ít nhiều về mặt tinh thần, tâm sự trầm uất (dépression nerveuse), tánh tình người bệnh bắt đầu suy sút và thay đổi nhiều. Vào giai đoạn chót của bệnh biến là lâm vào một tình trạng khó giải thoát đó là bị lẫn tâm thần (confusion mentale).
TẠI SAO TAY BỊ RUN, NGUYÊN NHÂN TỪ ĐÂU?
- Tây phương: cho rằng do nhiều yếu tố, như gia truyền, các kim loại nặng (métaux lourds), thuốc trừ sâu bệnh (pesticides), khí trời ô nhiễm, hoặc do các dược phẩm an thần kinh (neuroleptiques), Nhưng rồi căn nguyên chánh vẫn đành bó tay. Giới chức chuyên khoa đang ráo riết cố tìm hiểu mối dây bí ẩn mà không hiểu từ đâu gây ra.
- Theo giải thích của Đông-y: thì câu trả lời đã có hơn hai ngàn năm nay, theo đó dựa trên thuyết khí hóa (conception énergétique) quan niệm rằng âm hư phong động, tinh khí kém ở cơ thể người già, khiến cho mộc khí thái quá (Can khí) xông lên đầu làm lay động, hoặc Can khí tản ra phần cuối tay chân làm lay động tứ chi. Ta cũng nên nhớ, các hoạt động, tác động, theo Nội Kinh là do Can khí chủ trị. Chứng bệnh run tay, vẫn theo cổ y học đông-y, là đồng thời cũng do tinh khí ở não dần dà bị suy kém theo tuổi tác. Vì sách có nói "’ Não là bể của tủy "’
Chứng run tay còn thường được thấy ở người nghiện rượu lâu năm, do phong đàm và Tỳ Can hư nên khó chữa trị.
BỆNH RUN TAY BIẾN CHUYỂN NHƯ THẾ NÀO?
Bệnh chứng gồm ba giai đoạn.
- Giai đoạn sơ khởi, chứng bệnh kéo dài có khi từ 3 tới 8, 9 năm, thời gian này không ảnh hưởng đến cuộc sống hằng ngày, có thể nói là đời sống bình thường, người bệnh không cho rằng mình đã mắc bệnh một cách âm thầm, nhưng thật ra nó đã tiềm tàng trong cơ thể (latent) mà người pháp ví von như thể thời kỳ "’tuần trăng mật" giữa người và bệnh.
- Kế đến là giai đoạn thứ nhì. Sau thời gian phẳng lặng 6, 7 năm, người bệnh mới bắt đầu cảm thấy có một vài triệu chứng khác thường như sự mất vận động tự nhiên (akinésie), và loạn vận động không tự chủ được (dyskinésie), do sự co thắt của gân mạch kém, cử động chậm chạp, tay run bất thường và nhiều lúc thường xuyên trừ khi trong giấc ngủ. Sự mất tự chủ này đã khiến cho người bệnh mang thêm một mối lo, nhìn nhận mình đã mang một tật nguyền đáng kể, thì phần nào đã muộn trễ rồi. Hoạt động hằng ngày vụng về lại gây thêm nhiều trở ngại trong các động tác tay chân đi đứng. Họ cảm thấy thêm nhiều cực nhọc không những về phần thể xác, mà con về mặt tinh thần sa sút kém đi dần.
- Bước qua thời kì chót, thì bệnh biến đã khá trầm trọng. Điều đáng ngại là người bệnh lâm vào một tình trạng không mấy sáng sủa đó là bị lẫn tâm thần (confusion mentale),
Là giai đoạn cuối của bệnh run tay, thuốc men (traitement curatif) không chắc gì còn hiệu quả nữa, có chăng chỉ là chữa trị tạm bợ vá víu các triệu chứng mà thôi (traitement symptomatique).
Cho ta thấy rằng chứng run tay tuy giới hạn ở bàn tay, nhưng thường là dấu hiệu bệnh biến của nội tạng của hệ thần kinh trung ương thoái hoá, tay run, chân run, đầu lay động, trường hợp nặng thì cả thân mình đều lay động
ĐIỀU TRỊ:
Tây phương:
Hiện nay giới thẩm quyền cho rằng không có một loại thuốc nào công hiệu chữa được bệnh (traitement curatif).
- Tuy nhiên loại thuốc thường được nhắc đến hàng đầu là L-Dopa tỏ ra khá hiệu quả về triệu chứng (traitement symptomatique). Nhưng vì dược phẩm này mang rất nhiều hậu chứng (effets secondaires) nguy hại cho sức khỏe. Chính vì lý do đó, nên các y-sĩ sau một thời gian suy nghĩ, cân nhắc mới hạ bút ghi toa dè dặt, không vội vã, trễ ngày nào hay ngày ấy.
- Một số loại thuốc tượng trưng khác tuy ít hại nhưng cũng bớt phần nào công hiệu và ghi toa theo các triệu chứng mà thôi
- Mới đây với phương pháp điều trị bằng điện kích thích não (implantation d’électrodes de stimulation, stimulation cérébrale profonde) được áp dụng trong trường hợp nặng nhưng đang trong thời kì thí nghiệm. Cần thêm một thời gian nữa mới kết luận và rút tỉa được sự lợi hại thế nào.
- Trong khi chờ đợi, các y gia chuyên khoa tỏ ý muốn bước thêm một bước nữa, họ đang bàn tính trù liệu cách chữa trị trong tương lai qua lối gien (thérapie génique).
Đông phương:
- Để tranh thủ thời gian, trước một chứng bệnh vô cùng nan giải và phức tạp, công việc cấp bách đầu tiên của người thầy thuốc là hạ thủ ngay dùng phương pháp tối ư cần thiết là "’Đầu châm" (craniopuncture). Phương pháp này sẽ huy động một cách đại quy mô và bồi bổ nhanh chóng Tinh Khí Huyết, hầu mang lại cho sự dinh dưỡng phải có cho não tủy. Cách điều trị này đã mang lại kết quả phần nào lạc quan đối với bệnh mới phát khởi,
- Điều hòa lại Thiếu dương sau đó và bổ Tam tiêu, vì như đã nói trên,
- Bổ Dương minh để phục hồi lại công năng tiềm lực tác động tứ chi,
- Bổ thần khí là phần chính yếu con người, để mang lại sự bình an tâm trí cho người bệnh, mang lại cho họ ý chí niềm tin,
- Khuyến khích họ năng thể dục đi đứng hằng ngày để bảo dưỡng các cử động.
- Ăn uống cho hợp lẽ với phép vệ sinh nếp sống tuổi tác, không bừa bãi dục vọng phí phạm làm kiệt quệ đến chân âm.
KẾT LUẬN
Bệnh run tay, tuy giới hạn ở bàn tay, nhưng thường là dấu hiệu bệnh biến của nội tạng do sự thoái hóa của hệ thần kinh trung ương, tay run, chân run, đầu lay động, có khi cả thân mình đều lay động được thấy trong trường hợp nặng. Thuộc chứng bệnh mạn tính (maladie chronique), năm này qua năm nọ, đa số là người cao niên vào lớp tuổi 60, 70 mắc phải. Ta cần phải chẩn bệnh được sớm ngày nào hay ngày ấy. Nguyên nhân bệnh, y-khoa bên trời âu đang ráo riết tìm tòi nhưng chưa khám phá ra được căn nguyên. Bên ta, nhận thức được đã trên hai ngàn năm và lý luận dựa trên yếu tố khí hoá (source énergétique humaine), cho rằng phần tử chính của Tinh Khí Huyết đã suy kém, dần dà khô kiệt theo niên cao tuổi tác là trọng điểm của căn bệnh. Nhưng cũng nên nhớ rằng vệ sinh ăn uống, nếp sống hằng ngày đã đóng góp phần lớn trong công cuộc giúp cho chúng ta có được một sức khỏe khả quan mặc dầu tuổi cao, và kéo dài được thêm tuổi thọ.Về mặt điều trị, cho tới nay, không có loại thuốc nào công hiệu đối với bệnh này, có chăng chỉ là lối điều trị vá víu nhất thời. Công cuộc tìm tòi và chữa trị vẫn tiếp diễn không ngừng. Bên trời tây cũng như bên trời ta, cả hai bên đều nỗ lực tìm kiếm trên con đường khám phá cái bí ẩn tuyệt đối mà tạo hóa chưa tiết lộ cho chúng ta. Vậy chừng nào? Hy vọng ngày ấy sẽ không còn xa! Điều đáng hằng nhắc nhở cho ta, là phải có một nếp sống lành mạnh, điều dưỡng tinh thần là trọng điểm, nội tâm giữ cho được yên tịnh, thư thái, không vọng tưởng đua đòi, không dục vọng bừa bãi thái quá để phải phí phạm tinh khí. Thứ đến, điều tiết ăn uống như ta có câu "’bệnh tòng khẩu nhập". Trăm bệnh do ăn uống mà sinh ra, rượu chè no say, vui chơi buông thả, phóng túng sắc dục, làm kiệt hết tinh khí. Tất thảy là nhân tố của trăm ngàn bệnh tật gây nên. Như cha ông chúng ta để lại những lời khuyên quý báu là "’khuôn vàng thước ngọc" là tôn chỉ để chúng ta được noi theo hầu mang lại cho chính chúng ta một sức khoẻ dồi dào. Một sức khoẻ ngang tầm tay mà chúng ta không cần tìm kiếm đâu xa. Sức khoẻ theo quan niệm người Á đông chúng ta, đã được xây đắp trên một nền tảng vững chắc, một triết lí sâu sắc (philosophie médicale) đầy tế nhị, không kém phần đậm đà với bao ý nghĩa, và vô cùng ý vị: trụ cột cơ bản đó (piliers fondamentaux) không ngoài trời đất, thiên nhiên vũ trụ đã ân cần giao phó cho chúng ta những điều lệ bất di dịch nhưng là tối ư quan trọng, khả dĩ để chúng ta có tạo được một sức khỏe mong muốn, tránh được tật bệnh và sống thọ, cho ta mà không hề hậu ý trao đổi bán buôn gì cả. Ôi! Thật là huyền diệu.
Đó chính là bí quyết (secret) của sức khỏe, tuổi thọ mà tạo hoá mặc khải cho chúng ta khi ta tự biết suy ngẫm.
Paris, Xuân Đinh Hợi