Dân Chúa Âu Châu

Hình ảnh ngày nào còn gợi lại trong trí nhớ chúng ta: vào một buổi chiều nào đó khi các nữ sinh lũ lượt trên đường tan học về, gặp các chàng trai đi kè kè sát bên chọc ghẹo đùa dai, ngáng đường, lời lẽ ngộ nghĩnh không mấy đẹp. Không biết gì hơn, các nàng cúp nón lại, e thẹn, cúi đầu nhanh bước tránh lời trêu ghẹo, bèn đáp qua những lời mắng yêu, mắng đùa, mắng thương "cái anh Phải Gió"…tiếng qua lời lại, không kẻ thắng người bại, đôi bên đành tự xử huề vậy, và đánh đổi qua những nụ cười duyên dáng, những liếc mắt đằm thắm trao đổi đầy ý nghĩa và như thầm nói sẽ "gặp lại nhau nhé anh".
Đứng về mặt thầy thuốc, hai chữ "PHẢI GIÓ" mang một định nghĩa xác thực và nghiêm trọng hơn. "Phải gió" đồng nghĩa với "Trúng gió" hay "Trúng Phong’’(tạm dịch là attaque directe du Vent). Đi sâu vào địa hạt y-khoa, ta có thể phân tách được năm trường hợp xẩy ra khi bị "Trúng phong", bệnh nặng hay nhẹ còn tùy thuộc nhiều yếu tố:
-1) Trường hợp gió độc đánh vào lạc mạch (vaiseaux secondaires), người bệnh cảm thấy da thịt bị tê dại (paresthésie).
-2) Trường hợp gió phạm vào đường kinh mạch (méridiens principaux), bệnh nhân cảm thấy thân mình nặng nề, chân tay không vận chuyển và cử động được.
-3) Phong tà nhập vào tới phủ (entrailles), thì bệnh nhân ngã lăn ra bị mê man không biết gì (perte de connaissance), trường hợp nhẹ, sẽ tỉnh lại sau đó (apoplexie).
-4) Tà phong xâm nhập vào tới tạng (organes) thì bệnh nhân đã lâm vào tình trạng trầm trọng, miệng lưỡi ngọng nghịu khó nói, đờm dãi nôn ra mồm miệng. Trường hợp nặng hơn nữa thì sẽ gây ra tử vong, chết đột ngột.
-5) Trường hợp nhẹ và thông thường: phong tà sau khi xâm nhập vào da thịt, sẽ âm ỉ biến thành loại bệnh đa dạng, hoán chuyển theo các đường kinh lạc, thừa dịp chính khí suy kém trong cơ thể và rồi tự do hoành hành mà sinh ra trăm bệnh không nhất định. Do đó cách chữa trị có phần khó khăn mà ta gọi là thương hàn bệnh (maladies évolutives du Froid).
Hỏi: nguyên nhân từ đâu người ta bị trúng phong?
Đáp: không ngoài hai yếu tố, ngoại nhân (cause externe) và nội nhân (cause interne).
Yếu tố ngoại nhân: theo Nội kinh, phong tà, gió độc là nguyên nhân chủ yếu để sinh ra trăm bệnh. Khi đã xâm nhập vào cơ thể, nó có khả năng biến hóa ra các thứ bệnh khác không nhất định. Thí dụ phong tà xâm nhập vào một phía bên người, qua các du huyệt của ngũ tạng lục phủ, truyền vào và lưu lại trong khí dinh vệ (énergie nourricière, et énergie défensive) làm cho công năng dinh vệ suy giảm, tất nhiên chân khí (énergie vitale) bị ly khai, chỉ còn lại tà khí (énergie perverse) thao túng bên trong kềm hãm sự vận chuyển khí huyết nuôi dưỡng làm ứ trệ nên gây ra chứng bán thân bất toại…
Nội kinh còn nêu: mùa thu nếu bị cảm thấp, sẽ gây ra bệnh ho, bệnh tình không khỏi sẽ biến chuyển ra bên ngoài thân, sinh ra thành chứng bại liệt.
Một vài thí dụ khác: theo nội kinh, tà phong nhập vào phong phủ, theo đường kinh lên đầu, gọi là não phong; vào mắt, sợ gió và lạnh, gọi là chứng mục phong; uống rượu mà trúng phong gọi là lậu phong; nhập phòng đang ra mồ hôi mà trúng gió, gọi là nội phong; phong nhập vào ruột gây nên ỉa chảy gọi là trường phong v.v..
Ngoài ra còn có các loại tà phong trái mùa (énergie anormale) từ tám phương tới như đại nhược phong, mưu phong, cang phong, hung phong, anh nhi phong, đại cường phong v.v. có thể gây ra tổn thương đến tánh mạng đối với những người bị hư hao về mọi mặt như trong nội kinh có giải thích rằng: hư nhân (énergie de l’homme en état de vide), hư niên (énergie de l’année en état de vide) lại gặp hư phong (énergie déréglée des saisons) nếu 3 hư này (3 vides) được kết hợp với nhau thì sẽ phát bạo bệnh mà chết đột ngột, hoặc ngã lăn ra mê man (coma), hoặc dẫn đến chứng bệnh bán thân bất toại (liệt nửa người, hémiplégie). Cho nên cha ông chúng ta thời xưa ý thức được điều ấy mà giữ vững phép dưỡng sinh để tránh được phong tà, như tránh được mũi tên viên đạn.
Yếu tố nội nhân: Tình trạng buồn phiền, hay nhọc mệt quá độ làm cho dương khí trong người ta trở nên căng thẳng, khẩn trương, do đó làm cho âm tinh (le Jing, la quintessence) hao kiệt. Đến mùa hạ bị khí nóng như lửa đốt, hợp vào mà phát sinh bệnh " tiểu quyết" với chứng trạng là mắt mờ, tai điếc, bệnh tình cứ gia tăng mãi như nước vỡ bờ. Hoặc do sự giận dữ làm cho dương khí xông lên làm rối loạn đường kinh lạc mà phát sinh bệnh "bạc quyết" (có nghĩa là khí huyết rối loạn), làm cho gân cốt suy kém và bị giãn ra sau cùng là phát sinh bệnh " thiên khô" (gọi là bại liệt nửa người).
Kỳ thực, theo lý luận, nhận xét của người xưa, yếu tố nội nhân vẫn là chính khí (énergie vitale) suy hư khí huyết ứ trệ không nuôi dưỡng được kinh mạch, tạng phủ nên gây ra các chứng bệnh kể trên. Vì lý do đó, nếu ngộ cảm ngoại tà, nhưng chính khí của ta còn vững mạnh phòng thủ thì phong tà không thể tuyệt đối làm phương hại đến sức khỏe của ta được.
Hỏi: Cơ chế gây nên trúng phong như thế nào? (Mécanisme de déclenchement de Zhong Feng).
Đáp: khá phức tạp. Như đã nói trên, vì chính khí suy hư, như cửa ngõ không then chốt cài kín, ra vào tự do, sẽ thuận lợi cho tà khí xâm nhập dễ dàng vào cơ thể. Sự suy kém chính khí này thường thấy vào lớp tuổi sau thời kỳ trung niên, là vì bộ vị can thận khí huyết không đầy đủ đã là một trong những nguyên nhân của nội phong (vent interne). Ta có thể tóm tắt chia làm 5 loại như sau:
1) Trúng phong vì ngoại tà (vent externe).
2) Trúng phong do hỏa bốc (nội nhân) như giận dữ, tánh tình nóng nảy (coléreux, irascible) tâm trí mệt nhọc, dâm dục vô độ, vệ sinh ăn uống không đúng phép.
3) Trúng phong do chính trong người ta gây ra (vent interne) mà can phong là chủ chốt.
4) Trúng phong do đàm ẩm.
5) Trúng phong do khí hư (vide de l’énergie). Nhất là can khí (énergie du foie) sau lớp tuổi trung niên.
Hỏi: tại sao bị bất tỉnh, mê man (apoplexie, coma)?
Đáp: tà khí đánh sâu vào tạng phủ làm cho kinh mạch bị bế tắc ứ trệ không thể vận hành, đồng thời công năng tinh khí (quintessence) của 5 tạng 6 phủ bị gián đoạn ngưng trệ ở não bộ, là tổng hành dinh chính yếu tối ư quan trọng và bất khả xâm của con người, và cũng là lý do chứng quyết (afflux) của khí huyết xông lên tràn ngập vào não mà gây nên tình trạng bất tỉnh hôn mê. Thuyết Tây phương cũng nhận thức rằng do sự ngưng trệ gián đoạn công năng một phần nào hoặc toàn bộ guồng máy ở não đã gây nên bất tỉnh, hôn mê (apoplexie ou ictus apoplectique). Như vậy cho thấy rằng lí luận bệnh lí bên phương đông cũng như bên phương tây gặp nhau ở hội điểm này.
 Hỏi: LIỆT NỬA NGƯỜI: Có những triệu chứng gì?
Đáp: Để chữa bệnh cho được thích đáng. ta nên cần biết có hai loại
A) Trúng phong vào các đường kinh lạc (méridiens principaux et secondaires):
Vựng quyết (apoplexie) bệnh nhân tỉnh lại sau một thời gian ngắn bất tỉnh.
Miệng méo, mắt xếch, lưỡi cứng, nói năng ngọng nghịu, da thịt tê dại, tứ chi nặng nề, co giật, cử động đi đứng khó khăn (dysbasie), bại liệt nửa người. Mạch phù, khẩn, huyền.
B) Trúng phong vào tạng phủ: (organes, entrailles)
Choáng váng, chóng mặt, tim hồi hộp, miệng lưỡi ngọng nghịu, kế đó ngã lăn ra mê man bất tỉnh.
a) Trường hợp nhẹ, bệnh nhân tỉnh lại ngay sau đó. Người bệnh còn có thể nuốt được nước (conservation de la fonction de déglutition), phản xạ mắt còn giữ được bình thường (conservation de réflexe oculaire). Môi khép kín, miệng răng cắn chặt, tay nắm lại. Mạch hoạt và huyền (glissant et tendu).
b) Nếu là trường hợp nặng, tình trạng mê man cứ tiếp diễn gọi là đại quyết (coma cadavérique), thêm vào các chứng nói trên, đờm dãi mồm miệng phèo ra, hơi thở rống lên (respiration stertoreuse), miệng méo, mắt xếch một bên, miệng há lớn, tay buông xõng, tiểu tiện không kiềm chế được (incontinence urinaire). Tứ chi lạnh giá. Mạch vi, yếu (faible et petit). Nặng hơn nữa thì mặt mày ửng hồng, mồ hôi ra như tắm. Mạch phù, nhược và tế.
Hỏi: ĐIỀU TRỊ được không?
Đáp: trước tiên ta nên biết phân tách hai loại vừa kể trên gọi là bế chứng (signes d’obstruction de l’énergie) tương đối nhẹ và thoát chứng (signes d’échappement de l’énergie) đã trầm trọng rồi.
Trước tình trạng khẩn cấp đó, ta cần có 2 thái độ cấp bách đối phó:
1) Nhập viện khẩn cấp,
2) Trong khi chờ đợi ban cứu thương: nếu may mắn gặp được thầy thuốc có khả năng với tầm hiểu biết khá rộng, họ sẽ không để phí mất thời giờ và liền tay tức khắc "hạ đao" với những huyệt công hiệu quen thuộc. Hành động chớp nhoáng như thế để kịp thời tái lập lại sự vận chuyển các đường kinh lạc khí huyết đã bị hư hao hầu tránh khỏi các di tật (séquelles) mặt méo, miệng môi xếch, mắt khô và không nhắm lại được, mắt mở thường trực dễ bị loét giác mạc (ulcère de la cornée), đi đứng như chân rũ (steppage), tay khòng và yếu v.v.. Tranh thủ thời gian cũng là việc cấp bách, vì rằng mỗi giây phút trôi qua là một tật nguyền khác đang đe dọa dồn dập tới, nếu không muốn nói là tánh mạng người bệnh đang lâm vào tình trạng nguy ngập.
3) Sau phần cứu cấp, kế tiếp là phần liệu pháp vận động (kinésithérapie) phải áp dụng cấp tốc và tăng cường hoạt động để lấy lại cử động bình thường các cơ khớp.
4) Công cuộc chữa trị chưa được hoàn thành nếu ta quên lời chỉ dẫn khuyên bảo cho người bệnh để phòng ngừa sự tái phát thường không may xẩy ra. Khi xuất viện về nhà, phải có thầy thuốc điều trị (médecin traitant) theo dõi ngày ngày bệnh tình. Có được như thế, thì người bệnh mới được an tâm và bệnh tình cũng được bảo đảm bội phần.
KẾT LUẬN:
Liệt nửa người, bán thân bất toại, trúng phong, thiên phong, thiên khô cùng là một bệnh. Một chứng bệnh được xem như khẩn cấp vì tánh mạng người bệnh đang bị đe dọa; khẩn cấp vì bệnh tình diễn ra rất nhanh chóng; khẩn cấp vì bệnh xuất hiện qua đa dạng, đa hình, nên nó cũng đòi hỏi việc chẩn bệnh phải được tương đương nhanh chóng, phân tách kĩ lưỡng hầu áp dụng được phương thức chữa trị thích đáng. Bán thân bất toại thường thấy ở sau lớp tuổi trung niên (năm mươi tuổi trở lên), tuổi càng cao, bệnh tật lại càng gần, mà yếu tố chánh theo trong nội kinh là vì khí huyết của bộ can thận (système Foie- Rein) suy kém. Thêm vào đấy tình huống con người thường bị quấy nhiễu, dễ sầu dễ cảm, lo nghĩ thâu đêm, giận hờn không nguôi, vệ sinh ăn uống buông thả, dâm dục vô độ, cuộc sống bê tha khiến tinh khí hao kiệt, lại gặp phải mưa to gió lớn, phong tà trái mùa, thảy thảy dễ bề dẫn đến bệnh tình bại liệt nguy ngập. Chữa trị bại liệt không phải là phương pháp vẹn toàn, mà chỉ là giải pháp vớt vát, được sớm ngày nào hay ngày ấy, hy vọng tránh thoát được những di tật (séquelles) thường xẩy ra trên thực tế. Theo thực trạng mà xét thì không mấy gì khả quan đối với các trường hợp nặng, vì vô phương chữa trị. Trước cái viễn ảnh không mấy gì lạc quan đó, mà ta có câu " ngừa bệnh hơn chữa bệnh".  
Giáng Sinh 2007