Dân Chúa Âu Châu

SAM 1186

Người Bồ Đào Nha thường gọi Thủ đô Lisabon là “thành phố Thất Sơn”. có nghĩa là thành phố được xây trên 7 ngọn đồi, gồm: São Jorge, São Vicente, Sant Ana, Santo André, Chagas, Santa Catarina, São Roque.

Trong đây có hai đỉnh đồi cao nhất, nếu ta lên đó thì ngắm được toàn cảnh của thủ đô Lisabon Bồ Đào Nha. Một là Lâu đài cổ Castelo de S. Jorge và hai là trên nóc nhà thờ thánh Vicentê Fora (Church of São Vicente of Fora) là hai nơi mà ai đến Lisabon cũng rất nên đến để kính viếng và tham quan. 

Hôm nay mình sẽ chia sẻ về nhà thờ Thánh Vicentê trước rồi bài sau mình sẽ viết về Lâu đài cổ Castelo de S. Jorge nhé.

Bên trên đây là hình mình chụp đền thánh Vicentê ở Lisabon nhìn toàn cảnh từ phía bên lâu đài cổ Castelo de S. Jorge . 

Chúng tôi tìm đến đền thánh Vicentê không khó khăn lắm chỉ có điều là khó kiếm chỗ đậu xe thôi, vì đường xá ở thủ đô Lisabon này chật hẹp lắm, và đường lại nhiều dốc nữa nên những ai lái không quen cũng sợ. Đậu xe cách khoảng 200m để đi bộ lên đồi nơi đền thánh Vicentê. Chúng tôi đi vào viếng luôn vì Thánh đường mới mở cửa chưa có nhiều người.

Vào trong viếng Chúa và xin thánh Vicentê hay làm phép lạ cầu thay nguyện giúp xin Thiên Chúa thương đến dân tộc Việt Nam chúng con, xin Ngài tha tội và giải thoát chúng con thoát nạn cộng sản vô thần.

Sau đó đi một vòng chung quanh thăm viếng những nhà nguyện nhỏ trong thánh đường. Hình như lối kiến trúc cổ xưa đều hơi giống nhau ở điểm là trong một thánh đường lớn đều chia ra chung quanh nhiều nhà nguyện nhỏ. Mỗi nhà nguyện nhỏ mang tên một vị thánh và chỉ đủ chỗ cho khoảng vai chục người dự lễ. 

Tôi tìm hiểu thì biết được rằng ngày xưa chưa có luật các Linh mục được dâng thánh lễ đồng tế nên mỗi vị hàng ngày đều phải dâng thánh lễ Misa riêng lẻ nên mới cần nhiều nhà nguyện trong đại thánh đường như thế. Đi viếng hết một vòng xong chúng tôi trở ra ngoài chụp vài tấm ảnh lưu niệm thì thấy phía bên phải đền thánh có cổng với giàn hoa giấy đẹp qúa và có nhiều người ra vào.

  

Đi vào sân thì ra là cổng vào tu viện cổ. 

Đền thánh Vicentê được xây liền vào với một tu viện cổ có từ năm 1147 do vua Alfons đệ nhất . 

Còn Thánh Vicentê sinh tại Valencia ở Tây Ban Nha vào ngày 23 tháng Giêng năm 1350 trong một gia đình danh giá và mất năm 1419. 

Như vậy ngài sinh ra sau khi cái tu viện này đã được 202 năm rồi. Thánh Vicentê sinh ra ở Tây Ban Nha và làm Linh mục dòng Đaminh khi còn sinh thời ngài là một vị giảng thuyết lừng danh của Giáo hội công giáo.

Ngài kính mến Chúa hết lòng nên được Thiên Chúa ban qua ngài làm rất nhiều phép lạ. ( Khoảng 3000 phép lạ) Đặc điểm của ngài là mỗi khi thuyết giảng luôn đặt tượng chịu nạn trước mặt. 

Rất nhiều nước trên thế giới sùng kính ngài và vì vậy ngôi đền thánh Vicentê ở Lisabon được xây lên liền vơi tu viện cổ kính và cả tu viện này nay sau đó được mang tên của ngài. 

Chúng tôi vừa vào viếng đền thánh nguy nga xong thì sang khu vườn tiền đường của tu viện cổ kính này tham quan. 

Khu vườn này trồng nhiều hoa giấy rất đẹp và các thứ hoa khác nữa. Du khách hành hương ra vào tấp nập thoải mái chụp ảnh với những cảnh đẹp nơi đây. 

Ai muốn vào tham quan bên trong khu tu viện cổ kính và lên đỉnh tháp chuông của đền thánh thì mua vé 5 Euro cho một người lớn, sinh viên và người già trên 65 tuổi thì được bớt nữa giá. Nơi đây có một phòng cổ kính khá lớn bán ảnh tượng và hàng lưu niệm. 

Chúng tôi mua vé vào tham quan tu viện cổ vì nghĩ đơn giản rằng biết bao giờ mới có cơ hội trở lại đây. Tu viện này đã có từ năm 1147 do vua Alfons đệ nhất xây dựng và ban đầu được đặt tên là Tu viện Sant Augustin. Sau nay Thánh đường Vicentê được xây dính liền vào với tu viện bắt đầu từ năm 1582 kéo dài đến năm 1627 mới hoàn tất. Như vậy tổng cộng là 42 năm và từ đó tu viện cũng được đổi tên lại như ngày nay. Cái đặc điểm của tu viện này là bên trong phòng và những hành lang người ta ốp gạch men bằng gốm sứ trắng xanh như kiều gốm xứ ở Việt nam xưa vậy.

Tất cả những bức tường đượp ốp gốm sứ đều là hình ảnh diễn tả những câu chuyện theo ngụ ngôn của thi hào Lafontaine. Trong tu viện rộng mênh mông và có nhưng nhà nguyện đẹp tuyệt vời! những khu vườn và chung quanh là hành lang bốn bên để các tu sĩ đi hành thiền và niệm suy. Nơi đâu cũng ốp gốm sứ xanh trắng hầu như mọi bức tường và các căn phòng. Nếu ai có thời gian và thích chuyện ngụ ngôi của thi hào Lafontaine thì chắc thích thú lắm.

Những gian phòng để phụng vụ với những nhà nguyện thì không ốp gốm sứ nhưng được các nghệ nhân trang trí rất tỉ mỉ. Chúng tôi đi chiêm ngưỡng những gian phòng này mà rất cảm phục sự tài tình của nhưng bàn tay nghệ nhân khi xưa. Những màu sắc và cách pha màu không chê vào đâu được. Những giàn tủ để đựng các phẩm phục và dụng cũ phòng thánh vô cùng giá trị này ngày nay chắc khó làm nổi.

Trong tu viện này có một gian phòng lớn rất quan trọng, đó là khu nhà nguyện lăng mộ của một số vị vua và hoàng tộc có công dành lại độc lập cho nước Bồ Đào Nha từ tay ngoại bang . Những Vương mộ này được giữ trang nghiêm trong nhà nguyện lăng mộ này và được các Lm. dâng thánh lễ cầu nguyện. Ngày xưa thì mỗi ngày còn bây giờ thì không rõ.

Hình như những vị vua quan trọng thì có mộ ở giữa còn những hoàng tộc thì được đặt chung quanh sát vào tường. Sau khi tham quan tầng dưới xong chúng tôi lên tầng trên than quan tiếp. Phía trên đây có nhiều phòng trưng bày những sinh hoạt của dân chúng. Có phòng thì trưng bày đầy những thứ vỏ sò, vỏ ốc những thứ ở tại địa phương. Có phòng trưng bày những thứ khảo cổ học họ đào bên dưới tu viện hàng nhiều ngàn năm trước v.v... Chung quanh hành lang tầng trên thì treo rất nhiều tranh lớn mà đa số là hình ảnh những vị Giám mục từ xưa đến nay của giáo phận được vẽ lại. 

 

Chúng tôi đi lên tầng cao nhất là nóc Thánh đường đây là nơi tham quan cao nhất, có hai tháp chuông trên đỉnh Thánh đường. Từ nơi đây chúng ta có thể quan sát được cả chung quanh thành phố, vì đây là một trong những điểm cao của thủ đô Lisabon.

Trên đây ngồi ngắm xuống thành phố Lisabon với những dãy phố màu sắc rất hài hòa và đẹp mắt. Nơi đây chúng ta cũng ngồi ngắm ra biển gần bên hướng đền thánh Igreja de Santa Engrácia rất đẹp. 

Từ đây chúng ta có thể chụp ảnh mọi hướng đều rất đẹp. Nếu ai thích chụp ảnh đẹp đễ lưu niệm thì nên lên đây chắc chắn sẽ có nhiều ảnh về thủ đô Lisabon Bồ Đào Nha. Hôm nay là một ngày rất thú vị cho chúng tôi đến thủ đô Lisabon nước Bồ Đào Nha. Đặc biệt lại được đi viếng đền thánh Vicentê và thăm tu viện cổ với thật nhiều câu chuyện của văn hào Lafontaine với những hình ảnh chuyện ngụ ngôn và rất nhiều thứ khác nữa.

 

Tôi xin ghi lại nơi đây một số đặc tính của vị thánh Vicentê được gọi là hay làm phép lạ này. Ngài được ơn tiên tri nên đã nói trước rất nhiều thứ sẽ xảy ra sau khi ngài qua đời cũng như hồi còn tại thế. 

 

Bao nhiêu "Phép Lạ" ngài đã làm ?

Theo sách “Công Vụ Các Thánh” ghi nhận thì ngài đã làm 873 "phép lạ". Còn riêng ngài thì vào năm 1412, tức là 7 năm trước khi qua đời 1419. Trong một bài giảng trước công chúng ngài đã nói rằng: “Thiên Chúa qua lòng thương xót vô biên, đã cho tôi, người tội lỗi đáng thương, làm 3,000 phép lạ”. Chính vì thế mà chúng ta thấy tượng thánh Vinh Sơn có mang cánh thiên thần sau lưng như dấu hiệu của vị thiên thần sẽ trở lại trong ngày chung thẩm.

Thế nhưng, nhân đức quan trọng nhất của ngài với anh em trong Dòng được ghi nhận là sự vâng phục tuyệt đối vào các bề trên và sự phó thác hoàn toàn vào sự quan phòng của Thiên Chúa.

Suốt cuộc đời, thánh nhân đã sống đúng như những gì ngài dạy dỗ. Khi biết mình sắp giã từ cõi đời, ngài xin các anh em trong Dòng cùng họp lại chung quanh để đọc kinh. Ngài xin đọc bài thương khó. Đang lúc đọc kinh cầu các thánh thì ngài đã giã từ cõi đời về với Chúa. Đó là ngày 5 tháng 4, 1419.

Ngay sau khi qua đời, Toà Thánh bắt đầu ngay tiến trình phong thánh. Ngài được chính thức công bố trong công hàm các thánh do đức Giáo Hoàng Pio II vào ngày 1 tháng 10 năm 1458.

- Thần đạo của thánh Vinh Sơn.

Bên cạnh hồng ân Chúa ban như một người hay làm phép lạ, tiên tri, rao giảng, thánh Vinh Sơn đã để lại những lời dạy dỗ rất khôn ngoan cho các môn đệ như thần đạo của ngài. Ngài dạy như sau:

- Khi các con bị ma quỷ cám dỗ”

Thì đây là những phương thuốc mà cha muốn các con dùng để tránh những chước ma quỷ cám dỗ:

1. Phương thuốc thứ nhất: Đừng mong mỏi những ơn lạ. Người sống trong ơn nghĩa của Chúa là người đừng bao giờ mong mỏi được ơn lạ như ơn giảng thuyết, ơn mặc khải, ơn tiên tri...Hãy chỉ mong mỏi ơn biết yêu mến Chúa và tha nhân thôi. Tại sao? Việc mong mỏi ơn lạ là khởi nguồn của tính kiêu ngạo.

 

2. Phương thuốc thứ hai: khi cầu nguyện, xin ơn hoặc chiêm niệm, con đừng mong mỏi được ngay sự bình an hoặc sự an ủi thiêng liêng nào. Con nên nhớ rằng, khi cầu xin hoặc suy niệm, và được ơn, người ta sẽ tưởng rằng mình thánh thiện lắm. Sự tự hào khi được ơn chính là bước đầu dẫn đưa đến tính kiêu ngạo.

 3. Phương thuốc thứ ba: tuyệt đối tin tưởng vào lời giáo huấn của Giáo Hội. Con đừng nghĩ mình sẽ có những ý tưởng cao siêu tuyệt vời hơn cả giáo huấn của Giáo Hội. Bước đầu cám dỗ của ma quỷ đó con ạ. Đừng tin ở mình.

4. Phương thuốc thứ tư: Tìm tòi trong Thánh Kinh. Hãy tìm đọc và nghiên cứu Thánh Kinh để thấy và nhận ra tiếng Chúa.

5. Phương thuốc thứ năm: hãy tránh xa những người cho rằng họ có ơn linh ứng. Đừng nghe họ nói cũng đừng nghe họ giải thích. Con sống đức tin của con chứ không phải những dấu lạ của người đó đâu.”

- Khi gặp gương xấu và những triết lý sai lạc.

Thì đây là những phương thế chống lại:

1. Hãy thường xuyên xét mình.

2. Suy nghĩ và bàn hỏi trước khi hành động.

3. Theo con đường bình thường, làm những việc bình thường.

4. Đừng làm gì khi đang ở trong trạng thái nghi ngờ.

5. Hãy tiếp tục làm những việc thông thường đang làm, đừng bỏ lưng chừng.

6. Chấp nhận những thử thách như là ý Chúa cho phép ma quỷ cám dỗ”.

Xin Thánh Vin-cen-tê hay làm phép lạ, cầu cho chúng con.

Trầm Hương Thơ