Dân Chúa Âu Châu

IMG 2458
Đây không phải là lần đầu tôi đến hành hương ở nhà thờ Đức Bà Cả ở Rôma này, nhưng mà là nhiều lần rồi nhưng chưa lần nào viết được rõ ràng về Vương Cung Thánh Đường này. Đây là một trong bốn Đại thánh đường mà hầu như ai đến Rôma hành hương cũng mong muốn được tới đây ít là một lần.
Theo nhiều sách vở ghi lại rằng: Trong đêm ngày mùng 4 tháng 8 năm 352, Đức Mẹ hiện ra với ĐGH Liberio và muốn xây một đền thờ. 
- ĐGH hỏi Đức Mẹ, Mẹ muốn xây đền thờ ở đâu?
Đức Mẹ trả lời: "Ngày mai, con thấy tuyết rơi ở đâu, thì hãy xây đền thờ ở đó". Sáng hôm sau mùng 5 tháng 8 trời đang nóng như đổ lửa bỗng tuyết rơi trên đồi Esquilino, là một trong 7 qủa đồi của Roma. 
Vì vậy người ta gọi là đền thờ Đức Bà xuống tuyết, để ghi nhớ phép lạ này. Ngày nay cứ tới ngày mùng 5 tháng 8 biến cố tuyết rơi được nhắc lại bằng một trận mưa các cánh hoa trắng, hay sau này bằng bột xà phòng giả làm tuyết được thổi từ bao lơn đền thờ. Đền thờ còn có hai tên gọi khác nữa là đền thờ Liberio đặt theo tên của ĐGH, hay là đền thờ Máng Cỏ vì trong đây có hai thanh gỗ của máng cỏ Ấu Chúa nằm được đem từ Giêrusalem về. Nhưng tên chính thức sau này được Giáo Hội gọi là đền thờ Đức Bà Cả, vì đây là đền thờ đầu tiên lớn nhất dâng kính Đức Mẹ bên Tây Phương. 
Trong vương cung thánh đường Đức Bà Cả có mộ của 9 Giáo Hoàng được chôn cất tại đây, trong đó có Đức Sisto V và Đức Pio V, dòng Đa Minh, là những vị Giáo Hoàng nổi tiếng của Kinh Mân Côi.
Bàn thờ tuyên xưng đức tin do kiến trúc sư Vespignani xây lại năm 1864. Bên dưới có bức tượng ĐGH Pio IX quỳ cầu nguyện, do Ignazio Jacometti tạc năm 1880, và được ĐGH. Leô XIII truyền đặt tại đây. 
Bên trên bàn thờ có tàn che rất trang trọng dựng trên bốn cây cột bằng đá vân ban do kiến trúc sư Ferdinando Fuga tạc hối thế kỷ XVIII. Hòm đá vân ban dưới bàn thờ đựng xương thánh Matthias và các Thánh khác. 
Phía trước mặt tượng ĐGH Pio IX quỳ cầu nguyện sát trong tường là nơi đặt máng cỏ Ấu Chúa nằm. Dưới bàn thờ với hộp thánh tích bằng đá cẩm hồng và khung kính mạ vàng hình bầu dục đựng hai thanh gỗ máng cỏ lấy từ Betlehem đưa về. Hộp đựng thì do Valadier làm, và được nước Bồ Đào Nha dâng cúng.
Bên phải là nhà nguyện Sistina hay nhà nguyện Thánh Thể do Domenico Fontana xây cho ĐGH Sisto V năm 1585. Nhà nguyện được trang hoàng với rất nhiều tượng và các bức bích họa, với mộ của ĐGH Pio V, tượng do Leonardo da Sarzama tạc, và mộ ĐGH Sisto V, tượng do Valsoldo tạc. Cả hai mộ do Domenico Fontana xây. Chúng tôi vào đây chầu Thánh Thể một hồi lâu, tính chụp tấm ảnh để làm tài liệu nhưng mà thấy ngay nơi cửa vào nhà nguyện có bảng cấm chụp ảnh nên tôi tôn trọng. 
Tượng Nữ Vương Hoà Bình và Nữ vương vũ trụ, do ĐGH Biển Đức XV cho làm để tạ ơn Đệ Nhất Thế Chiến chấm dứt. Tượng do Guido Galli tạc. Gương mặt Đức Mẹ bồng Chúa Hài Đồng đượm nét buồn vì loài người bắn giết nhau và gây ra bao nhiêu tàn phá đổ vỡ thương đau một cách vô lý và vô ích.
Đền thờ Đức Bà Cả dài 86 mét có hai hàng gồm 36 cây cột cẩm thạch và nham thạch lớn, đầu chạm trổ theo kiểu Lonic, chia đền thờ thành 3 gian dọc.
Trần đền thờ bằng gỗ mạ vàng trang hoàng vô cùng lộng lẫy hình phẳng, do kiến trúc sư Giuliano da Sangallo và em là Antonio làm hồi thế kỷ XV. Tài liệu ghi lại là một trăm ký vàng dùng để mạ trần đền thờ do Cristoforo Colombo đem từ Peru về. Sô vàng ròng này được hoàng hậu Isabella và vua Ferdinando biếu ĐGH Alessandro VI để dùng cho việc đền thờ.
Hai gian hai bên hẹp hơn gian giữa trên trần được kiến thiết theo hình mái vòm chứ không phẳng như trần nhà của gian giữa. Trang hoàng cũng khác hơn nhiều nên nhìn có vẻ đơn sơ hơn. Tôi vào kính viếng các nơi và cầu nguyện đặc biệt cho quê hương và đất nước Việt Nam. Kính xin Đức Mẹ cầu bầu cùng Thiên Chúa tha thứ các hình phạt cho quê hương chúng con.
Đến nay bên trong đền thờ còn giữ được nguyên vẹn hình thái của thế kỷ thứ V thời ĐGH Sisto III. Nền đền thờ lát đá cẩm thạch mầu và trang hoàng theo kiểu Cosmati dưới thời ĐGH Eugenio III, thuộc giữa thế kỷ XII, do hai nhà quyền quý Roma là ông Scoto Paparoni và con là Giovanni dâng tặng ĐGH Eugenio III.
Phiá dưới hai bên có các bức khảm đá mầu diễn tả các cảnh Cựu Ước. Đúng thật là một kỳ công kiến tạo, nên càng xem càng mê mẩn vì nhìn đâu cũng thấy qúa đẹp và lộng lẫy qúa. Nếu có thời gian chắc phải ờ lại đây nhiều ngày mới có thể chiêm ngưỡng hết được cái vẻ đẹp của đền thờ nà.
Từng nét đẹp tinh xảo, những cột đá màu đẹp lộng lẫy nhưng rất hài hòa chứ không lòe loẹt tí nào cả. Càng quan sát tổng quát càng thấy rất là hài hòa màu sắc. 
Vì tôi đã đến đây là lần thứ bồn rồi nên cũng hiểu được phần nào ý nghĩa cũng như kỳ công của những người xưa họ tài giỏi như thế nào.
Cầu nguyện và chiêm niệm những vẻ đẹp tôi càng tạ ơn Thiên Chúa, bởi Ngài đã tác tạo nên muôn vật đẹp đẽ. Nếu con người biết sống và phụng sự Ngài thì tất cả những sự đẹp đẽ sẽ càng đẹp hơn bởi trong ơn Chúa con người mới làm được những kỳ công như vậy. Hôm nay chúng tôi tới viếng vào ngày thường nên cũng không đông lắm vì vậy mới có khoảng không gian trống để chiêm ngắm, chứ những lần trước tôi đều đi chung với phái đoàn nên chỉ được hướng dẫn xong rồi xem như hết giờ.
Cố gắng chụp thêm một số hình ảnh để lưu lại cũng như chia sẻ với qúy độc giả. Cuối cùng cũng phải lên đường đên nhưng ngôi thánh đường khác, vì ở Rôma này ngoài bốn Đại thánh đường ra thì còn nhiều lắm. Mà nơi nào cũng đẹp cả.
Trầm Hương Thơ
Mùa xuân 2019