Dân Chúa Âu Châu

trai tim 1Lệ Vũ chắc biết phần lớn người Việt chúng ta đều mang óc địa phương tính rất nặng. Người miền này không thích người miền kia. Chẳng hạn như người miền Bắc không thích người miền Nam cho rằng họ ăn xài hoang phí, người miền Nam không thích người miền Trung cho rằng họ keo kiệt, không rộng rãi, rồi người miền Trung không thích người miền Bắc cho rằng Bắc kỳ rốn khách sáo, không thật lòng, v.v...

Phần em quen và thương T., một người khác miền với gia đình em cho nên cả nhà em không ưa anh ta. Vì chuyện này tụi em ăn ngủ không được. Cứ mỗi lần thấy T. đến là cả nhà em tỏ thái độ dửng dưng không thích. Nếu chúng em lập gia đình với nhau mà cả gia đình em không vui, thiệt lòng em cũng chả vui gì Vũ ạ.

Theo Vũ, em phải giải quyết sao? Chọn ai, bỏ ai? Xin cám ơn Vũ rất nhiều.

Trần Bích Ngọc, Portland, OR


Ðáp:

“Óc địa phương” được xem như mọi thói tục xấu mà phần lớn người Việt chúng ta đều mắc phải. Cái bảo thủ, cổ hủ của một số nhà Nho “nữa mùa” nho không ra nho, khế không ra khế gieo rắc vào đầu dân chúng vì sợ phải chia nồi cơm lớn của mình khi người khác “hơn mình” rồi tự cho rằng di dỉ di di cái gì nơi mình cũng nhất, hơn thiên hạ. Sau đó dèm pha, rỉ tai, chê bai. Các ông ấy đặt ra nào là “Trai năm thê bảy thiếp, gái chính chuyên một chồng” “Phu xương phụ tùy, “Vua quan thay Trời coi sóc dân như con cháu trong nhà!, “Con vua thì lại làm vua, con bác sãi chùa lại quét lá đa.” Vua quan cũng như bậc mẫu, dân con phải vâng lời cho dù phải dù trái. Dân con càng tỏ ra vâng lời càng được khen là ngoan! Cách xử thế “cả vũ lấp miệng” hay “lấy thịt đè người” giữa con người với nhau cho rằng đó là luân lý, đạo đức thánh hiền. Luân lý, đạo đức chỗ nào khi nó không dựa trên căn bản chân lý, sự thật? “Phu xướng phụ tùy” cũng còn tùy theo cái loại phu. Cái thứ phu chuyên môn ăn hiếp đánh đập vợ, cái thứ phu mèo mả gà đồng, rồi nhất nhất bảo phụ phải tùy à? Cái loại phu này cần phải dũa cho cẩn thận rồi đem treo giữa chợ để làm gương thiên hạ. Ðau lòng hơn là hiện nay vẫn còn những người khư khư ôm những thói tục này và cho đó là kho tàng “đạo đức thánh hiền.”

Ðã là con người thì dù ở địa vị tuổi tác nào đều luôn luôn nên nhớ “nhân vô thập toàn .” Mỗi người đều có cái hay cái dở, và nên học hỏi, bổ túc cho nhau trên căn bản chân lý, sự thật. Chỉ có chân lý, sự thật mới đưa con người ta gần nhau, hiểu nhau, yêu thương và kính trọng nhau. Ngược lại, không còn gì nguy hiểm hơn khi con người gần nhau mà ngấm ngầm khinh ghét, trở nên gánh nặng cho nhau. Bố mẹ, con cái đối thoại không khí gia đình mới cởi mở, khắng khít thương yêu nhau. Còn nếu chỉ có một chiều trên ban xuống, hạ cấp phải thi hành trong mọi chuyện, thì con cái sẽ bị đè nén ấm ức trong lòng; và vì thế không khí gia đình trở nên nặng nề, u uất. Con cái sẽ đi tìm “hòa khí” ở những nơi khác thay vì gia đình.

Trở về chuyện của em, Lệ Vũ khuyên hai em hãy bình tĩnh, kiên nhẫn giải quyết vấn đề cho êm đẹp cả hai. Khuyên người yêu em trong lúc “thử thách” hãy giữ hòa nhã, lễ độ, và cư xử thật tình với mọi người trong gia đình em cho dù họ chưa vui vẻ đón tiếp anh ta. Dần dần với tính tình và cử chỉ hòa nhã, ăn nói đàng hoàng, anh ta sẽ thay đổi, hoán cải những thiên kiến xấu mà gia đình em có sẵn về anh ta. Vũ tin chân lý, sự thật bao giờ cũng thắng. Sau khi biết được anh ta đứng đắn, đàng hoàng, Vũ tin Bố Mẹ và gia đình em không còn hẹp hòi, ngăn cản tình em nữa đâu. Chờ tin vui của em.

Lệ Vũ