Dân Chúa Âu Châu

yeu thuongLệ Vũ thân mến,

Em chuẩn bị tốt nghiệp Đại học vào cuối năm nay, tuy có được ít kiến thức ở trường học nhưng em lại không được sự dạy dỗ trong gia đình như đa số những người khác. Đây chính là điều làm em lo âu và mặc cảm. Em xin trình bày cho Lệ Vũ vài yếu tố căn bản trong gia đình em để Lệ Vũ có một cái nhìn bao quát.

Ba em, tính tình rất nóng nảy và độc đoán. Mỗi khi gặp khó khăn ngoài xã hội, khi về nhà sẽ kiếm chuyện đánh đập vợ con vô cớ. Má em, lòng thì muốn lo cho con nhưng lại không biết quán xuyến việc gia đình. Thay vì tạo niềm vui trong gia đình, con cái, má em đi mua niềm vui từ bạn bè hoặc chòm xóm.

Em có ba người chị. Chị lớn nhất tính tình tham lam, tham quyền lại còn tham của nữa. Chị thứ nhì tính tình rất nóng nảy và bộc trực, nhiều khi chỉ vì một lời nói sơ ý cũng làm cho chị giận, gào thét. Chị thứ ba thì không tham lam, không nóng nảy nhưng buồn vui bất chợt, hay chỉ trích người khác và rất lụy tình. Mỗi lần có chuyện cần đến ý kiến của chị em trong gia đình là mỗi lần có sự bất đồng.

Em khi tức lên thì chửi bậy. Em biết là điều không đúng nhưng không kìm hãm được. Em mong Lệ Vũ cho em một lời khuyên. Nguyện xin ơn trên trả công cho Lệ Vũ và cất đi những khó khăn cho gia đình em.

Không Tên


Đáp: Người Em Không Tên quí mến,

Làm người thì “nhân vô thập toàn”, không ai hoàn hảo hết. Trong mỗi người đều có những nết hay, tính xấu như nhau. Kẻ tốt điều này, người không hay ở điểm nọ. Sự khác biệt là tùy thuộc mỗi cá nhân có nhận ra được những điều hay, nết xấu của mỉnh hay không. Thêm vào đó, có đủ khiêm nhường, can đảm chấp nhận chỉ trích từ người khác và cố gắng sửa đổi hay không.

Vũ tin Ba Mẹ, ba chị cũng như cá nhân em, ngoài tính xấu của họ em kể ra trong thư, các người này đều có những tính tốt, đều đáng khen, có thể vì vô tình hay cố ý mà em đã hoặc chưa nhận ra?

Trong sự giao tiếp ở đời trên bất cứ phương diện nào, đuừng nên đòi hỏi người khác sự toàn bích. Chính cá nhân mình còn đầy lầm lỗi, thiếu hoàn hảo, mình đâu có đủ tư cách để đòi hỏi người khác phải “perfect”, đúng theo như ý muốn của mình. Không cần nói đâu xa xăm, trường hợp của em thôi. Biết được tính xấu “tức lên chửi bạy, biết làm điều không đúng”, nhưng vẫn không sửa được, trông gì vào người khác. Nhận ra những khuyết điểm của người khác, nhưng đồng thời cần phải có con mắt bao dung, độ lượng để nhận ra những ưu điểm, tính tốt của họ. Điểm này rất quan trọng và cần thiết vì nếu không, chính mình sẽ trở nên ích kỷ, độc tài, khắt khe với những người khác. Mình sẽ trở nên cao ngạo, vì thấy ở kẻ khác chỉ đầy lỗi lầm, tính xấu, không ai bằng mình.

“Tiên trách kỷ, hậu trách nhân”, trách mình trước, trách người sau, cũng như muốn người khác thay đổi thì chính mình hãy đổi thay trước đã. Lời kinh nguyện của thánh Phanxicô Khó Nghèo có thể giúp em và cả gia đình trở nên sống yêu thương, thuận hoà với nhau hơn, bỏ đi những mặc cảm, hiềm khích đã có từ trước tới nay.

    “Lạy Chúa từ nhân!
    Xin cho con biết mến yêu và phụng sự Chúa trong mọi người.

    Lạy Chúa! Xin hãy dùng con như khí cụ bình an của Chúa.
    Để con đem yêu thương vào nơi oán thù,
    đem thứ tha vào nơi lăng nhục,
    đem an hoà vào nơi tranh chấp,
    đem chân lý vào chốn lỗi lầm…

    Lạy Chúa!
    Xin hãy dạy con:
    Tìm an ủi người hơn được người ủi an
    Tìm hiểu biết người hơn được người hiểu biết
    Tìm yêu mến người hơn được người mến yêu
    Vì chình khi hiến thân là khi được nhận lãnh
    Chính lúc quên mình là lúc gặp lại bản thân
    Vì chính khi thứ tha là khi được tha tứ
    Chính lúc chết đi là khi vui sống muôn đời

    Ôi! Thần Linh Thánh Ái,
    xin mở rộng lòng con
    Xin thương ban xuống những ai lòng đầy thiện chí
    Ơn An Bình.

Người em không tên thân mến,

Lời Kinh Nguyện của thánh Phanxicô cũng là lời khuyên Lệ Vũ muôn gửi đến em và mọi người trong gia đình. Bảo đảm nếu em thực hiện được những lời chỉ giáo của thánh nhân em và gia đình sẽ trở thành những khí cụ bình an của Chúa, không những chỉ trong gia đình, mà còn trong cộng đồng xã hội nữa. Thân mến.

Lệ Vũ