Dân Chúa Âu Châu

GNsP (12.08.2017) – Thầy Giuse Nguyễn Phước Bửu Đào, Đan sĩ lớn tuổi nhất tại Đan viện Thiên An, một trong những người đã từng chung sống với cha Bề trên tiên khởi, với lòng khôn ngoan, quả cảm ngài vẫn luôn can trường đấu tranh giữ đất, bảo vệ công lý cho Đan viện qua mọi thời kỳ, kể từ sau năm 1940 cho đến n

Tuy đã ngoài cửu thập niên, tuổi cao sức yếu nhưng Đan sỹ Giuse vẫn không quên những biến cố thăng trầm của lịch sử ĐV. Thầy bồi hồi tưởng nhớ và kể lại nguồn gốc của hơn 107 hécta đất-nhà-rừng thông thuộc quyền sở hữu và quản lý của Đan viện như sau:

Tôi vào tu khi Nhà Dòng mới thành lập được 6 năm. Tôi ở đây được 70 năm rồi. Tôi khắng khít với Nhà Dòng và Nhà Dòng là sự sống của tôi. Tôi muốn duy trì sự hiện hữu của Nhà Dòng, đem sinh mạng mình bảo vệ Đan viện. Đây là nơi Chúa chọn và là Đất Hứa của chúng tôi nên không thể bỏ đi được. Phải sống chết với Nhà Dòng!

Đầu tiên nhà dòng tậu 40hécta với giá 40.000 Francs do hai cha người Pháp mua có giấy tờ chính thức, còn bao nhiêu là do mình khai hoang, rồi trồng thông và bảo vệ thông. [Sau đó] mình đăng ký và có giấy tờ chính thức, có trích lục đàng hoàng. Đến Tết Mậu Thân (năm 1968), trích lục bị cháy hết, nên tôi đã xin làm lại. Nhờ đó mà chúng tôi giữ được đất của mình một cách hợp pháp và giấy tờ đất của chúng tôi vẫn có giá trị như thường.

Lúc đó toàn là rừng. Chúng tôi muốn xây dựng nhà thờ trên đồi thì phải làm một con đường để chở vật liệu lên. Con đường hiện nay đi vào khu vực ĐVTA là do Nhà Dòng mở. Cha Tađê đã dùng xe ủi, xe xúc làm con đường lên đến đập mà bây giờ gọi là đập Chatađê nhưng lúc đó mới chỉ là một cái hồ. Khi ấy, chúng tôi xin tổng thống Diệm ủng hộ để làm đập, đích thân ông đã lên thăm và nói hồ ni sẽ là hồ chứa nước mưa.

Thuở ấy, đất ở khu vực hồ Thủy Tiên rất rộng, do bồi tích mà thành [bồi tích là lớp đất đá đọng trong các thung lũng, do dòng nước chảy đưa tới]. Khi làm quản phụ vườn cam, tôi trình với Bề Trên rằng khu vực ở hồ Thủy Tiên rộng, có bồi tích màu mỡ, chúng ta nên mở một khu vườn và một nông trại ở đây. Cha quản lý yêu cầu làm nhà heo dài 63 thước, có 50 chuồng. Chúa sắp đặt thế nào mà chúng tôi nuôi heo đầy hết các chuồng ấy. Ở khu vực này, chúng tôi cho trồng hoa màu, cây thuốc và cam. [Nông trại và vườn rau ở khu vực hồ Thủy Tiên] là sự nghiệp của chúng tôi. 

Trước kia có một hồ nhỏ thấp giữ nước [cung cấp nước cho vườn cam]. Đến năm 1953, một trận bão lớn làm vỡ một bờ đê. Đê mất không giữ được nước vốn dùng để tưới vườn cam và vườn rau nên tôi yêu cầu Bề Trên cho đắp lại cái đê đó. Thầy Gioan Baotixita [một Đan sỹ của Nhà Dòng] lúc ấy đang chăm sóc học sinh [trường Thánh Mẫu], đã huy động các em ra đắp cái đập này để giữ nước. Cái hồ này thành ra là của Nhà Dòng vậy.

Cách mạng tới, không biết có ý tốt hay xấu mà họ đã nâng cái đập này lên ba thước. Vườn rau và trại heo lập tức bị ngập nước nên đành phải bỏ.

Khi ấy (1975), chỉ có rừng thông của Thiên An là còn thôi, xung quanh người ta chặt hết. Để bảo vệ rừng, chúng tôi không có khí giới mà chỉ có tình cảm.”

Khoảng thập niên 1940, khu vực Đan viện Thiên An vẫn còn là một nơi hẻo lánh, hoang vu, cách xa thành phố, không ai lui tới, chẳng có gia đình nào ở xung quanh. Một thời gian sau, người dân mới đến sống gần Đan viện với nhiều ngần ngại. Những di dân này luôn kính trọng và mang ơn Nhà Dòng đã cưu mang họ trong tình cảnh túng quẫn, đã cứu sống gia đình họ trong thời giao tranh loạn lạc chinh chiến. Đan sỹ Giuse cho biết:

“Dân xung quanh đây mang ơn chúng tôi nhiều lắm. Trước hết, họ mang ơn là nhờ cha Romain, Bề Trên người Pháp. Lúc đó, lính Pháp bắt một thanh niên trong chiến khu, coi anh ta là Việt Minh và đòi bắn. Thân nhân người này nghe tin vội tìm đến gặp cha Bề Trên cầu cứu. Nghe tin, ngài đã vội vã đạp xe đạp tới đồn, để bảo lãnh cho anh ta. Ngài cũng cứu được nhiều thanh niên khác khỏi chết. Có những bà mẹ sau đó thấy ngài đi dạo, liền đến ôm ngài và nói nhờ ngài mà con họ được sống.

Thứ hai, dân mang ơn vì chúng tôi có trường Thánh Mẫu dạy các em nhỏ. Lúc đó trong xã này chưa có trường, các em muốn đi học thì phải xuống thành phố Huế nhưng xa quá nên đành chịu. Mà không đi học thì sẽ mù chữ. Chúng tôi bèn mở trường cho các em, lớn lên các em xuống thành phố học trung học. Vì thế người dân mang ơn Nhà Dòng. Nhưng [sau năm 1975] Lâm trường Tiền Phong viết đơn xin mượn trường Thánh Mẫu [trụ sở Lâm trường hiện thời]. Nhưng mình chưa cho mượn thì họ đã đến ở rồi, thành ra kể như họ chiếm đoạt.

Thứ ba, dân mang ơn Nhà Dòng bởi vì chúng tôi có mở bệnh xá cấp thuốc, chữa bệnh cho khu vực xung quanh. Tết Mậu Thân, bệnh xá bị trúng bom tan tành. Một thời gian sau, chúng tôi mở lại phòng thuốc ngay chỗ bộ đội đang đóng bây giờ. Lẽ ra, chúng tôi đã không mất bệnh xá này, nhưng bộ đội lên Nhà Dòng và nói rằng Nhà Dòng rộng lớn nhưng ít người, cho họ vào ở chung với. Nhà Dòng nói chúng tôi không thể ở chung với bộ đội được, thà chúng tôi giao một cơ sở cho nhà nước để bộ đội ở. Thế là chúng tôi đã mất cơ sở [bệnh xá] ấy.

Tóm lại, chỉ có trường tập lái quân sự [bệnh xá cũ của Đan viện] là chúng tôi giao cho nhà nước thôi. Còn trường Thánh Mẫu [trụ sở Lâm trường Tiền Phong hiện nay], họ đòi mượn, chúng tôi chưa trả lời thì họ đã đến chiếm rồi. Khu vực hồ Thủy Tiên họ cướp của chúng tôi bằng cách nâng cái đập chứa nước lên ba thước, khiến nước tràn vào vườn rau và nông trại. [Hiện nay, dưới lòng hồ Thủy Tiên vẫn còn dấu tích của nông trại này].”

Một vị Đan sỹ khác thuộc thế hệ sau và nhỏ tuổi hơn nhiều so với thầy Giuse nhưng luôn quan tâm đến sự sống còn của Đan viện, là Đan sỹ Linh mục Antôn Võ Văn Giáo cho biết thêm:

“Khi ông Lâm Hồng Phấn [giám đốc Lâm trường Tiền Phong] làm đơn mượn trường Thánh Mẫu, bên phía Đan viện chưa đồng ý nhưng ông đã tự tiện cho công nhân vào ở. Từ đó, họ biến nó thành cơ sở ươm giống cây thông. Giống cây thông này họ cấy từ hạt giống rừng thông Thiên An. Sau một thời gian, Đan viện đòi lại thì họ không chịu trả. Từ năm 1998 cho đến nay, Đan viện liên tục làm đơn yêu cầu trả trường Thánh Mẫu, quyết tâm đòi lại trường Thánh Mẫu để làm cơ sở dạy giáo lý, giáo dục con em trong vùng.”


Thầy Giuse Nguyễn Phước Bửu Đào và thầy Stanislaô Trần Minh Vọng (từ trái qua phải), hai Đan sĩ lớn tuổi nhất tại Đan viện Thiên An. Các Đan sỹ cao niên cả cuộc đời thanh sạch, không giữ gìn cho bản thân mà chỉ can trường bảo vệ tài sản của Đan viện cũng là tài sản Giáo hội, giữa một nhóm người gian tà. Các Ngài thật đáng kính trọng!

Vào đầu năm 2000, nhà cầm quyền tỉnh Thừa Thiên Huế tự ý ký quyết định lấy 50 hécta đất-nhà-rừng thông của Đan viện – nơi mà Đan viện đã xây dựng nông trại, vườn rau làm kinh tế nuôi sống mình – để xây dựng cái gọi là “khu du lịch hồ Thủy Tiên” nhằm phá bĩnh đời sống tâm linh, thinh lặng cầu nguyện của Đan viện. Tuy nhiên, các Đan sỹ đã không đồng ý và phản đối cho đến cùng. Đan sỹ Giuse cho hay:

“Chúng tôi không bao giờ đồng ý chuyện này. Chúng tôi đã một thời gian xuống yêu cầu họ ngưng lại khi họ đang xây dựng. Họ ngưng lại một năm nhưng sau đó tiếp tục làm. Tuy nhiên chúng tôi không hề chấp nhận.”

Không chỉ trực tiếp cướp đất Đan viện, Nhà cầm quyền còn bảo kê cho một số cư dân có lòng tham chiếm đất và tà ý vu khống các Đan sỹ. Thầy Giuse rất buồn lòng khi nghe tin gia đình ông Nguyễn Viết Củ, một cư dân sống cạnh khu đất của ĐV, nói dối rằng Đan viện đã lấn chiếm đất của gia đình ông. Thầy Giuse phản hồi:

“Sau 1975, có gia đình anh Liệm và anh Củ đến xin Nhà Dòng một chỗ thì tôi nói rằng không thể cho được vì đất của Nhà Dòng đã có giấy tờ. Tôi giới thiệu [với họ] ranh giới đất của Nhà Dòng là cuối thôn Cư Chánh và giáp với thôn Kim Sơn. Tôi đề nghị họ đến [khai hoang] rồi ở trên khu đất của thôn Kim Sơn. Anh Liệm và anh Củ nghe lời đến ở sát ranh giới Nhà Dòng, tức là trên khu đất của thôn Kim Sơn. Chúng tôi không bao giờ lấn đất của họ, họ nay lấn đất của chúng tôi thì có.”

Đan sỹ Linh mục Anrê-Trông Nguyễn Văn Tâm, Phó Bề Trên Đan viện Thiên An hiện thời, đã gắn bó với mảnh đất Thiên An ngót 57 năm nay, tiếp lời thầy Giuse:

“Trước đây ĐVTA có mở xưởng cưa và thuê công nhân đến làm. Trong số công nhân đó có ông Điểm chuyên làm mũi cưa, lưỡi cưa. Ông là một gia đình nghèo không có đất, thành ra ĐVTA cho gia đình ông một miếng đất nằm gần đất nhà ông Củ [sau này gia đình ông Củ cướp đất của ông Điểm]. Sau năm 1975, có ông Đãng khai phá đất sát bên hàng rào của Thiên An, ông làm một thời gian không thành công nên bỏ hoang đất đó thì bị ông Củ đến chiếm dụng. Đất của bà Ly cũng sát với vườn cam của Thiên An, nhưng bà bị sét đánh cháy nhà, do trong nhà bà chứa nhiều dầu hỏa. Bà Ly chết cháy và vì sống độc thân không có con cháu nên ông Củ cũng chiếm luôn đất của bà. Mà vì giữa đất của bà Ly với vườn cam Đan viện không có hàng rào nên ông Củ dần dần lấn chiếm thêm đất của Đan viện. Có người cho biết ông đã lên tivi của thành phố, nói Nhà Dòng chiếm đất của ông. Đó là vu khống, vừa ăn cướp vừa la làng! Đó là sai sự thật.”

Với tôn chỉ theo luật Thánh Biển Đức là “Lao Động và Cầu Nguyện”, các đan sĩ tiên khởi đã tạo cho Thiên An một không gian rừng rú để có một bầu khí tĩnh lặng phù hợp với đời sống Đan tu. Nhiều con đường nội bộ trong khuôn viên 107 hécta đất-nhà-rừng thông của Đan viện đã được các Đan sỹ tiên khởi và tiền nhiệm xây dựng, thuận tiện cho việc đi lại chăm sóc các vườn cam, vườn rau, chuồng nuôi gia súc…

Đan sỹ Giuse quả quyết: “Trước đây toàn là rừng thông nên không có đường xá gì cả”.

Một Đan sỹ lớn tuổi khác, thuộc thế hệ đầu của Thiên An, thầy Stanislaô Trần Minh Vọng cũng quả quyết: “Tôi khẳng định không có đường dân sinh nào trong khu vực đan viện cả.”

Đan sỹ Linh mục Anrê-Trông Nguyễn Văn Tâm khẳng định: “Những con đường [mòn trong khuôn viên của Đan viện] là do các Đan sĩ làm chỉ để cho mình đi mà thôi”.

Đứng trước tình cảnh nhà cầm quyền vừa ăn cướp vừa la làng rằng 107 hécta đất-nhà-rừng thông của Thiên An là do họ quản lý và sở hữu, việc các Đan sỹ trẻ đã mạnh mẽ can đảm đứng lên bảo vệ tài sản của Đan viện mà cũng là tài sản của Giáo hội là điều chính đáng và cần thiết. Các vị Đan sỹ cao niên khẳng định như vậy.

Đứng trước tình cảnh nhà cầm quyền vừa ăn cướp vừa la làng rằng 107 hécta đất-nhà-rừng thông của Thiên An là do họ quản lý và sở hữu, việc các Đan sỹ trẻ đã mạnh mẽ can đảm đứng lên bảo vệ tài sản của Đan viện mà cũng là tài sản của Giáo hội là điều chính đáng và cần thiết. Các vị Đan sỹ cao niên khẳng định như vậy.

Đan sỹ Linh mục Anrê-Trông Nguyễn Văn Tâm, khẳng định: “Chắc chắn là cần thiết! Luật pháp cho phép bảo vệ đất đai của các Dòng tu vì [luật pháp] công nhận quyền tự do tín ngưỡng. Nhà Dòng chúng tôi cần có môi trường thông thoáng để cầu nguyện, các vị lập dòng đã nhìn thấy trước điều ấy nên đã đến đây và tạo ra môi trường đó. Nếu chúng ta muốn duy trì được tinh thần của Dòng Biển Đức thì phải bảo vệ môi trường này.”

Đan sỹ Stanislaô Trần Minh Vọng cũng khẳng định: “Các thầy trẻ đã quyết bảo vệ Đan viện Thiên An đến hơi thở cuối cùng. Các thầy làm như vậy là rất chính đáng!”

Tóm lại, qua các thời kỳ, Đan viện Thiên An đã, đang và sẽ luôn khẳng định: không bao giờ cho mượn/bàn giao/tặng các cơ sở Tôn giáo thuộc quyền quản lý và sở hữu của Đan viện cho bất cứ ai hoặc bất cứ tổ chức nào. Vì như thế là phản lại ý định của các tiền nhân và tinh thần của chính Đan viện!

Các Đan sỹ cao niên cả cuộc đời thanh sạch, không giữ gìn cho bản thân mà chỉ can trường bảo vệ tài sản của Đan viện cũng là tài sản Giáo hội, giữa một nhóm người gian tà. Các Ngài thật đáng kính trọng!

Huyền Trang, GNsP