Dân Chúa Âu Châu

lavie.fr, Marie-Lucile Kubacki, Rôma, 2018-03-03 

Qua phong cách trực tiếp và với năng lực phi thường, Đức Phanxicô không ngần ngại cùng một lúc ở trên mọi trận tuyến. Như thế có nguy cơ làm cho không thấy rõ không?   Quan điểm về những vấn đề nóng bỏng nht.

“Ở Giáo triều, 10% chỉ trích giáo triều, 20% ủng hộ, 70 % chờ giáo hoàng mới!” Câu nói đùa ở hành lang các văn phòng Vatican không theo sát nghĩa của thống kê nhưng cũng nói lên một cái gì đó cho bầu khí hiện nay. Dù những chuyện rì rào hành lang chẳng có gì là mới mẻ đàng sau các bức tường của Quốc gia nhỏ bé nhất thế giới này, nhưng hiếm khi một giáo hoàng nào lại bị chỉ trích công khai như vậy. Được bầu chọn cho một chương trình cải cách Giáo triều và Giáo hội, Đức Phanxicô có thành công không? Năm năm, các hoài nghi vẫn lớn và các chương trình vẫn còn, cả trong nội bộ – các nhân viên cảm thấy đột ngột bị ở trong tiến trình này – lẫn bên ngoài, trong các phân tích của các nhà vatican học bình thường đồng ý với cách nhìn của giáo hoàng, bây giờ bỗng họ cảm thấy khó chịu, nhất là qua cách xử lý nạn ấu dâm trong Giáo hội.

Về chuyện này, chuyến đi Chi-lê gần đây đã là một bước ngoặt, một “lỗ hỗng” mà báo Sự sống nói trong bài xã luận. Được một ký giả của đài truyền hình hỏi trước thánh lễ về trường hợp giám mục Chi-lê Juan Barros bị các nạn nhân lạm dụng tình dục cáo buộc bao che cho một linh mục, người đỡ đầu cho giám mục Barros trong thời ngài còn là chủng sinh, Đức Phanxicô đã dùng một chữ rất sắc bén: “Vu khống”. Rồi: “Ngày nào ông mang cho tôi bằng chứng chống lại giám mục Barros, tôi sẽ nói chuyện với ông”. Sau đó Vatican gởi Tổng Giám mục Charles Scicluna thuộc bộ Tín Lý đi Chi-lê để điều tra, sau khi nhận thêm các yếu tố mới. Công việc trở nên phức tạp và chưa ai biết kết quả của việc điều tra này.

Nhưng dù sao, Đức Giáo hoàng đang gặp khó khăn. Nếu giám mục Juan Barros bị xem là có tội vì đã biết và đã im lặng thì tất cả các cố gắng Giáo hội đã có từ thời Đức Bênêđictô XVI chủ trương “zero dung thứ” sẽ bị chấn động mạnh. Nếu giám mục Barros vô tội, dù đã xin lỗi các nạn nhân thì lời nói nghiêm khắc của Đức Phanxicô vẫn còn đó. Thêm nữa “sự việc Chi-lê” phối hợp vào các nghi ngờ chung quanh hội đồng chống nạn ấu dâm trong Giáo hội, một trong các hội đồng biểu tượng nhất của triều giáo hoàng. Hội đồng được thành lập năm 2014 đã bị lung lay vì hai vụ từ chức của các cựu nạn nhân, năm 2016 với ông Peter Saunders và năm 2017 với bà Marie Collins. Bà Collins than phiền về các khó khăn khi trao đổi với Giáo triều, nhất là với bộ Tín Lý, bộ đảm trách các vấn đề ấu dâm.

Trong thời gian này, Đức Giáo hoàng đã bổ nhiệm một giám chức khác vào bộ Tín Lý và gần đây một phần nhân sự của Bộ đã được thay đổi. Theo một số người hiểu biết về các hồ sơ này, sai lầm là đã không dự trù đủ khoảng không gian trao đổi giữa hai cơ quan này. Hiện nay các mong chờ cho những biện pháp cụ thể thì rất lớn. Theo báo Vatican Insider, một trong các nhật báo Ý có nguồn thông tin nhiều nhất về Vatican thì một dự án các tòa án vùng, liên hệ trực tiếp với Bộ Tín Lý để xử các linh mục bị nghi lạm dụng tình dục đang được nghiên cứu.

Cải cách Giáo triều: thất vọng và không nhất quyết

Năm 2013, sau triều giáo hoàng khó khăn của Đức Bênêđictô XVI, bị đánh dấu bởi các vụ rỏ rỉ tài liệu “Vatileaks” và vụ lộ ra các tai tiếng tài chánh, các hồng y đã chọn một giáo hoàng có khả năng dọn dẹp được nội bộ và làm cho bằng được công việc gay go nhất của đạo công giáo: cải cách Giáo triều. Trong bước chân của cuộc bầu chọn mình, khởi đầu Đức Phanxicô đã thành lập một hội đồng các hồng y gọi là C9 để tiến hành công việc cải cách này. Năm năm sau, bản tổng kết vẫn còn nhẹ. 

Đâu là dự án của Đức Phanxicô? Làm cho thần tài ốm bớt. Tái xây dựng lại Giáo triều nhẹ hơn và hiệu quả hơn, một Giáo triều gồm các người phục vụ chứ không phải các hoàng tử của Giáo hội – dù trên thực tế họ không có nhiều -, chữa lành các “bệnh”: quan liêu, thăng quan tiến chức hay chuộng giáo sĩ. Tại sao? Để phục vụ Giáo hội địa phương tốt hơn, các Giáo hội mà Đức Phanxicô mong được thấy các khả năng của họ nhiều hơn.

Cho đến bây giờ ngài đã làm được gì trong những chuyện này? Ngoài những lời lên tiếng mạnh mẽ khi có dịp, nhất là trong những lời chúc tết hàng năm với Giáo triều, Đức Phanxicô cũng đã tập họp các phân bộ làm việc trên các chủ đề liên hệ, để hợp lý hóa hành động. Chính vì thế mới sinh ra ba siêu bộ: Bộ Truyền thông, cải cách hệ thống báo chí Vatican, Bộ giáo dân, gia đình và sự sống, Bộ Phát triển Toàn diện, mỗi bộ là sự nhập lại của hai hội đồng giáo hoàng.

Thay đổi não trạng: một dữ liệu rất dễ bay hơi

Sự hữu hiệu trong các cải cách cơ cấu thay đổi tùy lãnh vực. Ở đây công việc đã có được sự nhất quán. Ở kia việc tái cơ cấu đôi khi tạo cản trở, hệ quả của các sai lầm trong cách quản trị, có khi lại do đối kháng ý thức hệ. Chỗ nọ một vài nhân viên lại sống trong cảnh đau khổ, với cảm nhận bị phạt chung do lỗi lầm của một số người… Hiện nay, đã đến lúc làm bản tổng kết cho các điều chỉnh và những gì đã được làm trên một vài vấn đề biểu tượng được mong chờ nơi Đức Giáo hoàng, như chỗ đứng của phụ nữ trong các cơ quan của Vatican, bản tổng kết còn yếu.

Còn về cải cách tài chánh, trong bản báo cáo cuối cùng, ủy ban các chuyên gia Hội đồng Á châu, Moneyval, cho biết, Tòa Thánh không đưa một vụ rửa tiền nào ra tòa, trong khi các số tiền rất lớn vẫn còn bị phong tỏa. Kết luận là: “Hiệu quả toàn bộ trong việc chống nạn rửa tiền của Tòa Thánh tùy thuộc vào kết quả có được qua các vụ kiện và các tòa án”. Không kể đến Hồng y George Pell, bộ trưởng bộ Kinh tế được Đức Phanxicô bổ nhiệm lại phải về Úc để trả lời cho các cáo buộc tấn công tình dục của mình trước tòa án.

Cải cách lớn nhất mà Giáo triều phải làm là ngưng phong giám mục và hồng y cho những người làm việc ở đây. – Linh mục Thomas Reese, Cơ quan Thông tin Công giáo  

Cuối cùng, về khía cạnh sâu đậm nhất, trọng tâm nhất, đó là thay đổi não trạng, thì cho đến giờ này, ngoài các lời cảnh cáo của Đức Giáo hoàng, đây là một dữ kiện dễ bay hơi nhất. Linh mục Dòng Tên người Mỹ Thomas Reese, chuyên gia về Thông tin Công giáo (Religion News Service) giải thích: “Vấn đề của Giáo triều là những người ở đây tự cho mình là trung gian giữa giáo hoàng và các Giáo hội địa phương trong biểu đồ tổ chức. Nhưng không phải như vậy: họ là các cố vấn của giáo hoàng và của giám mục đoàn, là ‘nhân viên’ của giáo hoàng và của giám mục đoàn. Cải cách lớn nhất mà Giáo triều cần phải làm, đó là ngưng phong giám mục hay hồng y tất cả những người làm việc ở đây, kể cả các sứ thần. Giáo hoàng xin mọi người có một tinh thần phục vụ, nhưng ngài không hiểu để thật sự làm được như vậy thì phải có các biện pháp cụ thể”. 

Cải cách Giáo hội: cuộc hẹn trong 20 năm sắp tới…

Nhưng lượng định thành công của các cải cách của Đức Phanxicô chỉ qua lăng kính của Giáo triều, thì cũng giống như quan sát tảng băng mà chỉ nhìn phần nổi trên mặt. Cải cách của Đức Phanxicô là nhằm đến toàn bộ Giáo hội công giáo. Ngài muốn một Giáo hội nghèo cho người nghèo, một Giáo hội truyền giáo dám mạo hiểm đặt tay vào những chỗ dơ bẩn trong đời sống thực của giáo dân. Ngài muốn người “mục tử mang mùi chiên của mình”.

Linh mục Vincent Siret, giám đốc Chủng viện giáo hoàng Rôma giải thích: “Ngài cho chúng tôi một đường hướng hơi khác. Tiếp đón và tháp tùng luôn hiện diện, nhưng ngài cũng đặt một tầm quan trọng trên các trường hợp đặc biệt hay tế nhị, ngài thật sự đơn giản khi nhẹ nhàng cho các chỉ thị uy quyền hoặc khô khan trả lời khi không-tiếp nhận. Tháp tùng là một công việc thích thú cũng như đòi hỏi”. Cuối năm 2016, ngài đã đưa ra “cải cách các chương trình” của các chủng viện, phác họa chân dung linh mục ngài mong ước: nhân bản, thăng bằng về mặt cảm xúc, không cứng ngắc, không đạo đức giả, người của cầu nguyện, người sáng suốt trong phân định.

Đức Phanxicô không thể một mình thay đổi Giáo hội, ngài biết điều này. 

Trong Giáo hội cũng như trong Giáo triều, cải cách chính yếu dựa trên nhân sự. Đó là nét đẹp… và cũng là yếu kém lớn nhất của nó. Bởi vì, đây vừa là việc hoán cải, theo đúng nghĩa phúc âm, và đây cũng vừa là nhân sự của thể chế. Chọn đúng người để đặt họ đúng chỗ. Như thế khó khăn của Đức Phanxicô là tìm người: giáo dân, phó tế, linh mục, giám mục không kể đến các nữ tu, những người giúp ngài hoàn thành lịch trình, mặc cho sự kháng cự của một số thành phần giáo sĩ không đáng kể. Đức Phanxicô không thể một mình thay đổi Giáo hội, ngài biết điều này.

Xin đọc: Các nhân vật chủ chốt ở Vatican

Linh mục Thomas Reese giải thích: “Nếu các cha xứ, các linh mục không muốn thay đổi thì Giáo hội sẽ không thay đổi. Vậy phải cải cách các chủng viện, phải bắt đầu bằng việc đề cử các tân giám mục, vì chính họ là người mời các viện trưởng và để mắt đến các giáo sư. Đức Gioan-Phaolô II đã làm việc này. Nhưng ngài có 26 năm để làm việc, còn Đức Phanxicô mới có 5 năm!”

Một hướng đi: củng cố tầm quan trọng của các giáo hội địa phương

Từ khi được bầu chọn, Đức Phanxicô đã làm mới lại 40% các hồng y cử tri và tiến hành đưa một số ra khỏi danh sách này. Ngoài ra ngài bổ nhiệm hồng y Beniamino Stella đứng đầu Bộ giáo sĩ, một người nổi tiếng về khả năng nhận định, được mô tả như người “siêu trong lãnh vực nhân sự” của Giáo hội. Và cuối cùng Đức Phanxicô thành lập một phân bộ thứ ba của phủ Quốc Vụ Khanh, có nhiệm vụ đào tạo và theo dõi các sứ thần, mà nhiệm vụ đầu tiên là… tuyển các giám mục. Điểm có tính chiến lược cao, vì Đức Phanxicô mong làm cho các giáo hội địa phương được mạnh hơn, để cho họ tự động hơn trong một vài lãnh vực. Ngài cũng đã bắt đầu đồng ý cho họ dịch các bản văn phụng vụ.

Hiện nay một suy tư về tình trạng các hội đồng giám mục đang được tiến hành. Hồng y Marcello Semeraro, thư ký của Hội đồng các hồng y C9 trả lời cho báo Sự sống: “Cải cách không có nghĩa là mỗi Giáo hội tự xoay xở với các phương tiện riêng của mình. Nguyên tắc là trợ cấp cho mỗi Giáo hội để họ có thể hoàn thành sứ vụ của mình, và nếu họ không làm được thì họ có thể dựa lên sự giúp đỡ mà họ thiếu. Bởi vì thực chất thì cũng giống như nguyên tắc của một gia đình: một người cha dạy cho con mình làm những gì nó phải làm và nếu nó không làm được thì người cha giúp”. Tuy vậy, trong Tông huấn Niềm vui Tin Mừng, ngài đã nêu lên khả năng đồng ý cho một “quyền uy giáo điều nguyên thủy” cho các hội đồng giám mục. Nhưng sự đa dạng trong các diễn giải của Tông huấn Niềm vui Yêu thương – đặc biệt ở điểm tế nhị trong trường hợp của những người ly dị tái hôn, qua đó đã có các kết luận đối nghịch nhau, cho thấy các giới hạn của việc giải trung tâm về sự thống nhất. Vì vậy, nếu những điều cơ bản đã được đặt ra, thì tất cả mọi sự ch3 mới thật sự bắt đầu bây giờ. 

Tranh luận trong Giáo hội: một cách mạng

Đa số các giám mục khi đến Rôma đều ngạc nhiên trước một chuyện: không những họ có thể diễn tả mà họ còn được yêu cầu diễn tả. Linh mục Thomas Reese mô tả: “Đức Gioan-Phaolô II và Đức Bênêđictô XVI có những đức tính rất cao nhưng hai ngài chưa thoải mái với ý tưởng người khác có thể hỏi mình, thảo luận, đưa ra vấn đề… Năm 2014, Đức Phanxicô khuyến khích các giám mục nói với mình và thậm chí bất đồng với mình. Ngài kêu gọi có một cuộc tranh luận mở và ngài đã có được”. Trong chiều hướng này, bằng lời nói, bằng thư, bằng báo chí, ngài làm sáng tỏ tư tưởng của mình về bất khả phân ly trong hôn nhân qua các hồng y – một sự việc chưa từng có trong các triều giáo hoàng hiện đại – có thể được xem như một trong các kết quả nghịch lý của sự giải phóng lời trong Giáo hội, một sự giải phóng mà chúng ta thấy từ năm năm nay.

Để hiểu tiếp cận này, phải đi một vòng qua sự đào tạo về mặt triết học của thanh niên trẻ Bergoglio. Thần học gia Dòng Đa Minh Thomas Michelet giải thích: “Ngài đã được đào tạo và suy nghĩ theo phép biện chứng, một kiểu biện chứng hiện đại, đối thoại không những chỉ là dụng cụ để hiểu biết một thực tại đã có, nhưng đó là nơi mình chứng thực thực tế”. Tóm lại, Đức Phanxicô thích những chuyện căng thẳng vì theo ngài, sự thật được xây dựng khi đang “đi đường”. Điều này được thấy trong tiến trình thượng hội đồng – tiếng Hy Lạp synodos là “cùng đi chung” – giữa những người khác nhau, không đặt lên trước hết mục đích phải đạt.

Ngài thấy cổ máy bị rít, ngài nhúc nhích bộ bánh xe để xem nó có thể làm được gì, mà không biết trước chính xác nó sẽ như thế nào. Linh mục Dòng Đa Minh Thomas Michelet.

Nhiều tiếng nói ngược nhau, có người cho ngài gây chia rẽ. Trên thực tế, ngài ngài chỉ lưu ý đến hành động đa nguyên của Giáo hội, ngài mời gọi lên tiếng. Linh mục Thomas Michelet nói tiếp: “Ngài thấy cổ máy bị rít, ngài nhúc nhích bộ bánh xe để xem nó có thể làm được gì, mà không biết chính xác trước nó sẽ như thế nào. Khi thay đổi hệ thăng bằng, dù cũng đã có một ổn định nào đó, chắc chắn là không thỏa mãn nhưng cũng chạy việc, ngài tái cấu hình lại toàn bộ. Vì thế làm cho tiến trình không được thoải mái”. Và cho cảm tưởng rằng, đối với việc cải cách Giáo triều, ngài vẫn phải còn làm rất nhiều.

Linh đạo hành động này đặc biệt ngài áp dụng trong một lãnh vực, nơi người ta không mong đợi: sự ly giáo với Huynh đoàn Thánh Piô X (FSSPX). Đáng ngạc nhiên vì nó có vẻ như thế, ngài đã có thể làm những gì mà Đức Bênêđictô XVI không thành công. Ngài có nhiều hành vi trong chiều hướng này: công nhận các hôn nhân và xưng tội của Huynh đoàn, điều hành một sự thay đổi mô hình. Khi mà Đức Bênêđictô XVI đưa ra một điều kiện tiên quyết để phục hồi một thỏa thuận về giáo điều thì Đức Phanxicô tái phục hồi dần dần. 

Mở ra với thế giới: điểm mạnh

Hội nhập để đi tới: đó là năng động của triều giáo hoàng. Đó là chìa khóa để Đức Phanxicô được yêu mến, ngài lấy chỗ của nhà lãnh đạo thiêng liêng hoàn vũ, Đức Đạt lai lạt ma, theo lời diễn tả của linh mục Thomas Reese thì ngài làm “tươi mát thương hiệu” Giáo hội. Chắc chắn tinh thần mở ra với thế giới là điểm mạnh của triều giáo hoàng này. Linh mục Andrea Ciucci, điều hợp viên của Hội đồng giáo hoàng về sự sống kể: “Tháng 11 vừa qua, có một cuộc gặp của Hiệp hội y sĩ thế giới cho Âu châu. Họ tìm một nơi để thảo luận về giai đoạn cuối của cuộc đời. Tất cả khi ra về đều hạnh phúc vì họ đã được hài lòng. Khi Giáo hội mở một khoảng không gian thì rất nhiều người quan tâm. Đó là cải cách của Đức Phanxicô, còn hơn là tập họp lại các văn phòng của Giáo triều hay tấn phong hồng y”. 

Điều này nói lên tầm ảnh hưởng mới của ngoại giao Tòa Thánh mà hiệu quả đã được tăng lên gấp mười lần dưới triều giáo hoàng này. Bà Constance Colonna-Césari, tác giả cuốn phim tài liệu xuất sắc Các nhà ngoại giao của giáo hoàng, phát hình trên kênh Arte ngày 9 tháng 1 vừa qua cho biết: “Giáo hội đã tìm lại được tầm quan trọng và sức nặng mà Giáo hội đã có dưới triều Đức Gioan-Phaolô II, nhưng ngắm đến các mục đích khác nhau và dùng các khí cụ mới để đạt được. Ngài có một khả năng đáng kinh ngạc, phản ứng trong một thời gian rất ngắn, ngài ưu tiên sử dụng các cử chỉ giải hòa chủ yếu. Vòng ôm năm 2016 với Thượng phụ chính thống Maxcơva, Kirill, và năm 2017 với giáo sĩ Ahmed el-Tayeb, viện trưởng viện đại học uy tín hồi giáo Al-Azhar, đó là hai ví dụ ngoạn mục điển hình. Một bằng chứng cho thấy tiến trình của thành phố Rôma vĩnh cửu đã tiến hành nhanh dưới thời Đức Phanxicô. Trong số các thành công nổi bật, chúng ta ghi nhận sự thành công trong việc bỏ cấm vận giữa Mỹ và Cuba, hay thỏa hiệp giữa chính quyền Colombia và Lực lượng Vũ trang Farc. 

Nhà rao giảng hòa giải không biết mệt mỏi, Đức Phanxicô không ngần ngại gặp các nhân vật chính trị gây tranh cãi, như gần đây ngài gặp lãnh đạo kháng chiến quân của Miến Điện, ngài bị buộc phải tiếp xúc với các nhà độc tài ngoài ý muốn mình. Vì theo ngài, không thể nào có hòa giải mà không có sự hợp tác của họ. Bối cảnh của một thỏa hiệp gây tranh cãi với chính quyền của chủ tịch Tập Cận Bình trong việc bổ nhiệm các giám mục Trung quốc có phải là một bước đi quá không? Một điều chắc chắn: với ngày kỷ niệm năm năm triều giáo hoàng của mình, Đức Phanxicô đi vào trong một giai đoạn tế nhị hơn của triều giáo hoàng của mình.

Phụ nữ ở đâu?

Dù có nhiều điều tiếng, vẫn chưa có thay đổi lớn về vai trò của người phụ nữ ở Vatican. Ở thượng hội đồng về gia đình, nếu có một tu sĩ (không phải là giám mục) được mời để lên tiếng thì không có một dấu vết nào của một nữ tu… Trong số các dấu hiệu đáng khích lệ, chúng ta thấy có việc bổ nhiệm một nữ ký giả thế tục Tây Ban Nha làm phó giám đốc văn phòng báo chí, một nữ tu truyền giáo làm thư ký cho Bộ lo về Đời sống Tận hiến, hai phụ nữ có gia đình phó làm thư ký của Bộ giáo dân, gia đình và đời sống, hoặc giao cho bà Anne-Marie Pelletier, thần học gia, nhà chú giải Thánh Kinh soạn bài suy niệm Chặng Đàng Thánh giá. Nhưng vấn đề không giới hạn ở các cơ cấu. Trang phụ trương phụ nữ số tháng 3 năm 2018 của báo L’Osservatore Romano đã đăng một bài điều tra về một vài trường hợp khai thác các việc làm của các nữ tu trong Giáo hội. Một thách thức mà Giáo hoàng có vẻ như đã ý thức, ngài viết lời nói đầu cho một quyển sách xuất bản gần đây ở Ý: “Tôi thấy đáng lo ngại, trong Giáo hội vai trò phục vụ mà mọi tín hữu được kêu gọi đã bị đi trệch, trong trường hợp của các phụ nữ, nhắm đến các vai trò có vẻ như phục dịch nhiều hơn là phục vụ đích thực”.

Marta An Nguyễn dịch

Nguồn: phanxico.vn