Dân Chúa Âu Châu

livre-religion.blogs.la-croix.com, David Roure, 2017-11-23

Trong tất cả các tác phẩm viết về Đức Phanxicô, tác phẩm này vượt trội hơn hết để tìm hiểu nền tảng trí tuệ, văn hóa, thiêng liêng và tu sĩ của Đức Phanxicô. 

Phanxicô người Cải cách. Từ Buenos Aires đến Rôma, Austen Ivereigh (François le Réformateur. De Buenos Aires à Rome, de Austen IVEREIGH, Éditions Emmanuel, 2017)

Trong vô số các sách viết về Đức Giáo hoàng hiện nay kể từ ngày ngài được bầu chọn năm 2013, tác phẩm này gần như vượt hẳn hơn mọi tác phẩm khác. Và đúng vậy, quyển này được một ký giả người Anh, ngoài năm mươi, am tường Châu Mỹ La Tinh, vì từ năm 1993, ông đã viết luận án tiến sĩ về lịch sử Giáo hội công giáo và chính trị ở Argentina, đặc biệt trong những năm 1930-1960! Còn ai hơn ông, vì nhà báo này không lười biếng ngồi ở Âu châu (như các bạn đồng nghiệp khác của ông…) để bắt cầu phỏng vấn qua Đại Tây Dương, ông đích thân qua Argentina để hỏi một số lớn người đã từng quen biết Đức Jorge Bergoglio, nhất là các đồng nghiệp Dòng Tên và các linh mục của tổng địa phận Buenos Aires.

Một giám mục “mang mùi chiên”

Vì thế, đây là quyển sách súc tích, có nhiều tài liệu đúng đắn, nhưng lại dễ đọc, thậm chí còn thích thú khi đọc; kể chuyện có ngọn nguồn, lịch sử và người dân Argentina, từ Giáo hội địa phương cho đến các tu sĩ Dòng Tên vào thời họ mới đến đất nước này. Tác giả giải thích rõ thần học phát triển, gọi là thần học dân chúng, vừa giống mà cũng vừa khác thần học giải phóng vì nó từ chối hẳn hòi ý thức hệ mác-xít. Các vấn đề của một đường lối chính trị gần đây rất phức tạp với chủ nghĩa peron, chế độ độc tài của các tướng lãnh quân sự, chủ nghĩa mị dân bài-tu sĩ của vợ chồng tổng thống Kirchner được trình bày rất rõ.

Và nhất là tác giả Ivereigh viết rõ tất cả các khía cạnh phức tạp của Dòng Tên Argentina kể từ khi tu sĩ trẻ Jorge vào Dòng, năm 1958 lúc 21 tuổi, sau đó nhanh chóng cha được chọn làm giám đốc nhà tập (năm 1972, trước khi khấn trọn!) kế đó, năm sau làm bề trên giám tỉnh khi mới 36 tuổi! Đức Phanxicô đã đóng góp rất lớn vào sự tiến triển của các tu sĩ Dòng Tên Argentina trong giai đoạn này, một số người khâm phục, nhưng cũng có một số người chống đối, có khi còn rất mạnh, trong những năm 1980, cha còn bị đưa đi xa. Nhưng cha được Rôma cân nhắc, năm 1992, cha được bổ làm giám mục phụ tá Buenos Aires, năm 1997 làm giám mục phó với quyền kế vị cho hồng y Quarracino mà năm sau cha kế nhiệm chức vụ này. Trong phần thứ nhì của tác phẩm, tác giả đề cập đến các sáng kiến mục vụ, thường là chưa ai làm của “giám mục mang mùi chiên”, của “người sống cho người khác”, của “hồng y cánh tả”, ba biệt danh của ba chương nói về Đức Phanxicô! 

Chủ nghĩa peron và chủ nghĩa độc tài quân sự

Trong phần đầu, tác giả Austen Ivereigh không ngần ngại đề cập đến hai chủ đề đã gây rất nhiều tranh luận từ khi Đức Phanxicô được bầu chọn, các dây liên hệ của ngài với chủ nghĩa peron, kế tiếp đó là liên hệ với chế độ độc tài quân sự. Tác giả đã đưa ra các phân tích vững vàng và thích ứng. Về điểm thứ nhất, tác giả rất rõ ràng: “Jorge Bergoglio không bao giờ ở trong một đảng phái chính trị nào, sau năm 1958 là năm cha vào Dòng Tên, cha không bao giờ đi bầu. Nhưng cha luôn có một cảm tình tự nhiên với truyền thống văn hóa và chính trị mà chủ nghĩa peron đại diện”, chính xác tác giả cho thấy “chủ nghĩa peron là để phục vụ cho tổng thống Peron, chứ đây không phải là một ý thức hệ”. Điểm thứ nhì thì tế nhị hơn, vì người ta còn nhớ, khi vừa được bầu chọn, Đức Phanxicô đã là nạn nhân của một sự cáo buộc, bị các ký giả thiếu thận trọng khai thác trong vụ một đồng hữu Dòng Tên  bị lực lượng quân sự bắt cóc, tra tấn, linh mục này tố cáo Đức Bergoglio thông đồng với những người bắt cóc. Trong một cuộc điều tra kỹ lưỡng, tác giả giải thích rõ vụ dựng đứng này: “Đức Phanxicô ghê tởm loại ý thức hệ an ninh quốc gia của chế độ độc tài quân sự cũng như ý thức hệ mác-xít của những người Montonero (những người thân cận với tu sĩ Dòng Tên bị bắt) dù cho các phong trào này khoác bộ áo công giáo lên người họ. Dù vậy, Jorge Bergoglio có thể tiếp xúc với bất cứ ai, đặc biệt nếu việc tiếp xúc này cứu được mạng sống của người khác!” 

Cá tính này cọng thêm nhiều cá tính khác, cũng như các sáng kiến mục vụ khi ngài làm giám mục được tác giả mô tả kỹ giúp cho độc giả hiểu hơn cách mà giáo hoàng không phải là người Âu châu này làm mà đôi khi những việc làm này làm cho chúng ta bỡ ngỡ khi ngài tiếp nhận, cai trị guồng máy Giáo hội hiện nay. Từ năm 2007, tài liệu Aparecida của đại hội lần thứ năm Celam các giám mục Châu Mỹ La Tinh, trong đó Bergoglio đóng góp rất nhiều, ngài đã chủ trương “một Giáo hội nghèo cho người nghèo, in sâu trong tinh thần công đồng Vatican II, hướng công việc truyền giáo về các vùng ngoại vi, tập trung vào dân thánh trung thành với Chúa, đối thoại trong tinh thần tin tưởng với văn hóa, ít nhất là dám tố cáo những gì xúc phạm đến người nghèo!”  Tác giả Ivereigh có thiện cảm với nhân vật của mình; dù ông không mô tả ra nhưng như tự ông nói, đó “như một thiên thần”. 

Một năng khiếu chính trị đáng nể

Quyển sách gần như ngừng ở giai đoạn mật nghị 2013; tuy nhiên mở đầu mỗi chín chương (trừ chương cuối dành cho mật nghị) tất cả đều bắt đầu bằng một sự kiện Đức Giáo hoàng thực hiện khi bắt đầu được bầu chọn, sự kiện này sẽ được làm sáng tỏ, giải thích mà theo tác giả thì ngài đã làm từ trước khi còn là giám mục! Ngoài ra tác giả còn đưa ra một vài ghi nhận quan trọng về những năm đầu triều giáo hoàng: chẳng hạn theo ông, đó là Thông điệp Chúc tụng Chúa Laudato si’, một thông điệp mang “dấu ấn quan trọng nhất của ngài”, là “hình ảnh tượng đài trong giáo huấn xã hội công giáo. Đây có thể là bản văn quan trọng nhất từ Tông thư Tân Sự (Rerumnovarum) của Đức Lêô XIII năm 1891”.

Xin đọc: Đức Phanxicô đã được đánh dấu từ thời “Bergoglio”

Là người am hiểu, sử gia cũng cho chúng ta biết các khía cạnh ít được biết trong đời sống và cá tính của Đức Giáo hoàng hiện nay: dù một vài khía cạnh bên ngoài, nhưng trước hết là năng khiếu chính trị đáng nể của ngài; tác giả đã kết thúc một chương như sau: “Và đó là nghịch lý tiêu biểu của Bergoglio: tính khắc khổ và bản tính thần nghiệm cố hữu chống lại thói thời thượng thiêng liêng, giám mục mục tử, người ‘có mùi chiên’ cũng là một nhân vật chính trị tinh tế nhất mà nước Argentina được biết kể từ thời tổng thống Peron”, không có gì tóm gọn bằng! Kế đó là dứt khoát, ngài không bao giờ coi thường, thậm chí ngài luôn cổ động cho tấm lòng mộ đạo bình dân đích thực, Iveneigh còn dám khẳng định khi ông khéo léo nói: “Đức Phanxicô đang xây dựng một đường lối mới chiêu dụ người công giáo khi ngài nhiệt tình bảo vệ những người sống bên lề”! Và cuối cùng là sự gần gũi càng ngày càng được thấy rõ ở Argentina với các tín hữu đặc sủng kể cả các tín hữu thuộc giáo phái tin lành: “Khi tờ báo La Nacion đăng bức hình hồng y Bergoglio quỳ gối, hai mắt khép lại, đầu cúi xuống giữa các mục sư đăng đặt tay lên đầu ngài, thì bức hình này đã gây sốc nơi một số người công giáo truyền thống, họ cho ngài là người bội giáo. Ngài đã có cử chỉ dám làm này trong một buổi cầu nguyện đặc sủng có cả ngàn người tham dự ở sân vận động Buenos Aires năm 2006. Khi đó ngài đã ngoài sáu mươi hơn, tinh thần phóng khoáng của ngài với linh đạo đặc sủng – ngợi khen Chúa Thánh Thần, cầu nguyện với nhiều ngôn ngữ, trông chờ phép lạ và những chuyện lạ lùng, giống như thời Giáo hội sơ khởi – đánh dấu một sự tiến triển đáng kể trong đời sống nội tâm của ngài”. Dù thế, ngài luôn trung thành với linh đạo I-Nhã, “phân định thiêng liêng là một trong các chiều kích lớn của Đức Phanxicô”, như một đồng hữu Dòng Tên từng quen biết ngài đã nói ngay từ đầu quyển sách!

Và cũng như hồng y Eduardo Pironio, hồng y Argentina thân cận với Đức Phanxicô đã nói: “Bergoglio vừa đồng minh với người bảo thủ vì tinh thần dấn thân bảo vệ cho công chính xã hội của ngài, vừa đồng minh với cánh tả, vì ngài không ủng hộ ý thức hệ mác-xít của thần học giải phóng”; vì đó “không phải là người cách mạng. Mà sâu hơn, đó là người mang tinh thần Phúc Âm tận căn, với một chiến thuật mục vụ dành ưu tiên hàng đầu cho người nghèo”!

Nếu quý độc giả muốn hiểu kỹ hơn nền tảng trí tuệ, văn hóa, thiêng liêng và tu sĩ của ngài trong vố số các sách nói về ngài kể từ khi ngài được bầu chọn thì đây là quyển sách nói đầy đủ nhất, quý vị sẽ không hối tiếc!

Marta An Nguyễn dịch

Xin đọc: Đức Phanxicô, nhà cải cách

Quyển sách mới nhìn sâu vào tri thức của Đức Phanxicô và lý do ngài là “giáo hoàng của phân cực”

Nguồn: phanxico.vn