Dân Chúa Âu Châu

Các Giám mục Hoa Kỳ và Hàn Quốc đã lên tiếng kêu gọi vấn đề ngoại giao

Những cam kết về ngoại giao và chính trị là hết sức cần thiết để giải quyết những bất đồng giữa Hoa Kỳ và Bắc Triều Tiên và đồng thời tránh một cuộc xung đột về quân sự, Chủ tịch Hội đồng Giám mục Hoa Kỳ nhấn mạnh trong bức thư gửi Ngoại trưởng Rex Tillerson.

Lá thư được viết vào ngày 10 tháng 8, Đức Giám mục Oscar Cantu Địa phận Las Cruces, New Mexico, Chủ tịch Uỷ ban Công lý và Hoà bình của các Giám mục Hoa Kỳ đã lặp lại lời kêu gọi gần đây của Hội đồng Giám mục Hàn Quốc nhằm hỗ trợ các cuộc đàm phán để bảo đảm tương lai hoà bình cho bán đảo Triều Tiên.

Đức cha Cantu thừa nhận rằng mối đe dọa leo thang bạo lực từ các nhà lãnh đạo Triều Tiên “không thể bị đánh giá thấp hoặc bỏ qua”, nhưng “sự chắc chắn mạnh mẽ đối với cảnh chết chóc thê thảm cũng như sự tàn phá khủng khiếp từ bất kỳ hành động quân sự nào cũng phải thúc đẩy Hoa Kỳ làm việc với các quốc gia khác trong cộng đồng quốc tế nhằm đưa ra một giải pháp ngoại giao và chính trị dựa trên đối thoại”.

Bức thư được đưa ra vài ngày sau những mối đe dọa liên tiếp giữa Tổng thống Donald Trump và lãnh đạo Triều Tiên, Kim Jong Un. Trump đã đe dọa sẽ cho thấy “một sự cuồng nộ như thế giới chưa bao giờ chứng kiến” để đáp lại những lời cảnh báo của Kim về các cuộc tấn công sắp xảy ra đối với Hoa Kỳ. Trong khi đó, Kim nói rằng nước này đang chuẩn bị bắn tên lửa vào vùng biển quanh Guam, một lãnh thổ Hoa Kỳ ở phía tây Thái Bình Dương với hai căn cứ quân sự.

Tuyên bố giận dữ giữa các nhà lãnh đạo đã leo thang kể từ sau việc thông qua các lệnh trừng phạt kinh tế mới của Liên hợp quốc đe doạ cắt giảm 1/3 sản lượng xuất khẩu của Bắc Triều Tiên. Nga và Trung Quốc, hai trong số ít các đối tác thương mại kinh tế của Bình Nhưỡng, đã ủng hộ các lệnh trừng phạt. Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á cũng thông qua một tuyên bố thể hiện “mối quan tâm nghiêm trọng” đối với các hành động của Bắc Triều Tiên liên quan đến việc phát triển vũ khí hạt nhân và hệ thống phân phối tên lửa.

Lá thư của Đức Giám mục Cantu nói rằng Ủy ban của Ngài đồng tình với lập trường của Hội đồng Giám mục Công giáo Hàn Quốc trong việc ủng hộ đề xuất đàm phán nhân đạo và quân sự của Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in với Bắc Triều Tiên.

“Trong tinh thần liên đới với Giáo hội Công giáo tại Hàn Quốc cùng với những nỗ lực của chính phủ Hàn Quốc, chúng tôi kêu gọi Hoa Kỳ khuyến khích và hỗ trợ các cuộc đàm phán này”, Đức Cha Cantu viết. “Lộ trình này, không giống như những quốc gia khác, cung cấp cho Bán đảo Triều Tiên một tương lai không có các cuộc xung đột hoặc khủng hoảng quân sự, vốn đồng thời có thể đe dọa cả quốc gia và hàng triệu người dân trong khu vực”.

Một nhà cựu ngoại giao của Vatican đã ủng hộ những cuộc đàm phán như vậy.

Trong một cuộc phỏng vấn với Đài phát thanh Vatican, Đức Tổng Giám mục Silvano Tomasi, cựu đại diện của Vatican đối với các cơ quan LHQ tại Geneva, cho biết rằng “thay vì xây dựng những bức tường ngăn cách và tạo ra sự bất đồng hoặc chấp nhận khả năng của việc cầu viện bạo lực”, cả hai quốc gia này phải có cách tiếp cận mang tính xây dựng vốn đem lại lợi ích cho người dân.

Một cựu thành viên của Ủy ban Chuyên gia LHQ được giao nhiệm vụ giám sát và thực hiện các lệnh trừng phạt Bắc Triều Tiên cũng đã kêu gọi thái độ điềm tĩnh để giải quyết những tranh chấp về những bất đồng giữa hai nước.

George A. Lopez, Nguyên Chủ tịch của các nghiên cứu về hòa bình tại Đại học Notre Dame, phát biểu với Catholic News Service hôm 10 tháng 8 vừa qua rằng lợi ích của cả hai nước có thể được giải quyết tại bàn đàm phán.

“Chúng ta cần ai đó để nói về những nhu cầu an ninh cơ bản của cả Triều Tiên và Hoa Kỳ và đã có một diễn đàn để thảo luận về điều đó”, ông Lopez nói. “Nếu Hoa Kỳ ban hành một cam kết đơn giản mà chúng ta không tìm kiếm việc sử dụng trước hết chống lại Bắc Triều Tiên, chúng ta tìm cách để mặc cả về vấn đề này, ta sẽ nhận được một số phản ứng đối với vấn đề đó”.

Các quốc gia châu Á muốn sự ổn định hơn là sự bất ổn định và điều đó sẽ đòi hỏi các cuộc đàm phán phải được tiến hành để đảm bảo việc chung sống hoà bình của cả hai nước, ông Lopez nói. “Vậy làm thế nào để chúng ta có thể đạt được điều đó?”, ông chất vấn.

Bức thư của Đức Giám mục Cantu nhắc nhở Ngoại trưởng Tillerson rằng “cuộc khủng hoảng này nhắc nhở chúng ta rằng việc răn đe hạt nhân và sự hủy diệt chắc chắn đối với cả hai bên sẽ không bảo đảm vấn đề an ninh hay hòa bình. Thay vào đó, chúng càng làm trầm trọng thêm sự căng thẳng và sản xuất vũ khí hạt nhân khi các nước thu được nhiều vũ khí hủy diệt hàng loạt hơn nhằm thị oai hoặc đe dọa các quốc gia khác”.

Vị giám trợ cũng đã trích dẫn một cuộc trò chuyện qua điện thoại hồi tháng Bảy bởi các cơ quan của Hoa Kỳ và các Giám mục Công giáo châu Âu đối với tất cả các quốc gia để phát triển một kế hoạch nhằm loại bỏ các loại vũ khí hạt nhân từ kho vũ khí của họ.

Một tuyên bố chung của HĐGM Hoa Kỳ và Ủy ban Công lý và Hoà bình của các Giám mục Công giáo châu Âu kêu gọi các quốc gia châu Âu làm việc với các quốc gia khác để “lập ra một chiến lược đáng tin cậy, có thể kiểm soát và có thể thực thi đối với việc loại bỏ  hoàn toàn các loại vũ khí hạt nhân”.

Đức Cha Cantu và Đức Tổng Giám mục Jean-Claude Hollerich Địa phận Luxembourg, Chủ tịch HĐGM, đã ký bản tuyên bố.

Marie Dennis, đồng chủ tịch tổ chức Pax Christi International, một tổ chức hòa bình Công giáo, phát biểu với CNS rằng tổ chức này đang cầu nguyện rằng cả hai quốc gia sẽ thoát ra khỏi cuộc đối đầu tiềm tàng. Bà Dennis phát biểu vào hôm 9 tháng 8 vừa qua rằng Pax Christi dự kiến sẽ công bố một tuyên bố về tình hình trong vài ngày tới.

Minh Tuệ chuyển ngữ

Nguồn: dcctvn.org