Dân Chúa Âu Châu

liberation.fr, Bernadette Sauvaget, 2017-08-01

Đức Phanxicô ở Holguín (Cuba) với Chủ tịch Raúl Castro, tháng 9-2015.

Hành động của Tòa Thánh giúp phục hồi quan hệ bang giao giữa Mỹ và Cuba. Photo Tony Gentile. AP

Caucase, Nam Mỹ… Ngược với vị tiền nhiệm của mình, Đức Phanxicô can dự vào các việc trần thế khi ngài khẳng định ý muốn, đem người nghèo và những người kém may mắn của hành tinh ra ánh sáng.

5 giờ 10 phút chiều 2 tháng 6. Tổng thống Pháp Emmanuel Macron có cuộc hẹn điện thoại với Đức Phanxicô. Đó là lần đầu tiên hai người nói chuyện với nhau. Sự việc nhanh chóng xảy ra sau khi có tin Tổng thống Mỹ Donald Trump dự định rút ra khỏi hiệp ước Paris. Thì giờ rất eo hẹp với vị nguyên thủ Quốc gia Pháp. Ông phải từ Trung tâm Nghiên cứu Không gian Quốc gia (Cnes) về gấp, nơi ông có buổi hội thảo video với phi hành gia Thomas Pesquet vừa từ không gian trở về trái đất. Macron đến đúng giờ. Cuộc trao đổi với Đức Phanxicô ngắn gọn, chừng mười mấy phút. “Mục đích là để có sự hậu thuẫn của Đức Giáo hoàng để các nước khác đừng theo chân Mỹ rồi cũng rút khỏi hiệp ước Pháp”, một nguồn tin ngoại giao giải thích.

Cuộc điện thoại là dấu hiệu tầm ảnh hưởng ngoại giao của Đức Phanxicô đã được mọi người biết đến. Một nhà ngoại giao Vatican nói đùa: “Giáo hoàng tựa như cha tuyên úy của các nguyên thủ Quốc gia”. Giáo sư Guzman Carriquiry, người Uruguay quen thuộc với giáo triều La Mã xác nhận ảnh hưởng chính trị rất lớn của Tòa Thánh: “Tất cả các nguyên thủ Quốc gia Châu Mỹ La Tinh đều đến đây gặp ngài, một vài nguyên thủ còn đến đây bốn đến năm lần.” Ngồi trong phòng khách nhỏ bên cạnh văn phòng của mình ở đường Conciliazione, chỉ cách Vatican vài trăm mét, giáo sư Guzmán Carriquiry biết rõ vấn đề mình đang nói. Ông là tổng thư ký Ủy ban Giáo hoàng về Châu Mỹ La Tinh, là một trong những người thân tín với Đức Phanxicô, bạn của ngài từ 40 năm nay và ngài thường tham khảo gần như mỗi ngày với ông.

Với Jorge Mario Bergoglio, Giáo hội công giáo nối lại với hình ảnh giáo hoàng chính trị, ngược với vị tiền nhiệm Bênêđictô, người chủ yếu quan tâm đến vấn đề thần học và thiết đặt lại thứ trật thể chế của mình. Ký giả Andrea Tornielli, người phụ trách trang Vatican Insider, một trang thông tin chuẩn về triều giáo hoàng, phân tích: “Niềm đam mê lớn của Bergoglio vẫn luôn là chính trị”. Trong văn phòng Tòa Tổng Giám mục Buenos Aires nhìn xuống quảng trường Tháng Năm, nơi có các cơ sở của trung tâm quyền lực của Argentina, ngài thường hay tiếp các chính trị gia, các thành viên của các nghiệp đoàn, ngài có tầm ảnh hưởng ngầm đã làm cho giới cầm quyền khó chịu, thậm chí rất lo lắng. Bây giờ ở Rôma, từ cửa sổ Vatican, ngài hướng đến toàn thế giới.

Một cái nhìn rất phê phán

Từ bốn năm nay, Đức Phanxicô thay đổi trọng tâm của đạo công giáo và qua đó là thay đổi địa chính trị của Giáo hội. Ông Iacopo Scaramuzzi, nhà Vatican học phân tích: “Ngài đưa Vatican ra khỏi thời kỳ chiến tranh lạnh”. Đối với Đức Gioan-Phaolô II và Đức Bênêđictô XVI, tương lai của kitô giáo thiết yếu là ở vùng đất Âu châu. Nhưng bây giờ không còn là như vậy. Đức Phanxicô đã có một cái nhìn rất phê phán. Ngày 14 tháng 11 năm 2014, phát biểu trước Hội đồng Âu châu, Đức Giáo hoàng chất vấn: “Nói với Âu châu, chúng ta có thể chất vấn: đâu rồi sức mạnh của Âu châu? Đâu rồi sức kéo để tiến đến một lý tưởng đã làm sinh động lịch sử của Âu châu và đã làm cho Âu châu trở nên hùng cường? Đâu rồi tinh thần làm việc và tính hiếu kỳ của Âu châu? Đâu rồi nỗi khát khao sự thật của Âu châu mà cho đến bây giờ đã nhiệt tình làm lan truyền ra cho cả thế giới? Câu trả lời cho những câu hỏi này tùy thuộc vào tương lai của châu lục.” Theo Đức Phanxicô, Âu châu đã phản bội các giá trị của mình. “Điều này đã tạo ra một cuộc tranh cãi. Từ đó, Đức Phanxicô cố gắng chỉnh lại tầm ngắm”, một nguồn tin ngoại giao của Âu châu ở Rôma cho biết. Không quá thuyết phục. Giáo sư Guzmán Carriquiry công nhận: “Đó là thách thức đối với ngài, đi vào trong trọng tâm của Âu châu bây giờ”. Cho đến bây giờ, các chuyến đi của mình, Đức Phanxicô cẩn thận tránh các nước lớn, ngài đến các nước nhỏ như Albania, Caucase hay.. Thụy Điển.

“Hệ thống các sứ thần”

Đức Phanxicô đặt cái nhìn của mình về thế giới, mắt hướng về miền Nam. Đặc biệt ở Châu Mỹ La Tinh. Một linh mục Dòng Tên Pháp cho biết: “Ngài có mạng lưới của mình và có thể dùng điện thoại gọi trực tiếp cho một nguyên thủ Quốc gia”. Khía cạnh này không phải chỉ do nguồn gốc của giáo hoàng. Vấn đề chiến lược của kitô giáo bây giờ là ở Châu Mỹ La Tinh. Ông Guzmán Carriquiry cho biết: “Hơn 40% tín hữu công giáo sống ở Châu Mỹ La Tinh”. Dù cho càng ngày càng có cạnh tranh khốc liệt với các phong trào tin lành giáo phái phúc âm. Với những người này, Đức Phanxicô tránh đương đầu trực tiếp, ngài giữ quan hệ tốt với một vài phong trào, những phong trào tiến bộ nhất.

Để bảo đảm một tầm ảnh hưởng, Đức Phanxicô “tái chuyên nghiệp hóa” ngoại giao Vatican, một tình trạng không người chăm lo dưới triều Đức Bênêđictô XVI. Đức Phanxicô giao chìa khóa này cho hồng y người Ý Pietro Parolin, cựu Sứ thần Tòa Thánh ở Venezuela. Được người trong giới ca ngợi là nhà ngoại giao lỗi lạc, hồng y Parolin giữ chức vụ Quốc Vụ Khanh (tương đương với chức Thủ tướng), ngài là một trong những người có ảnh hưởng nhất của triều Giáo hoàng Phanxicô. Ký giả Iacopo Scaramuzzi giải thích: “Nhờ hồng y Parolin, Đức Phanxicô có thể dựa trên cái mà Rôma gọi là hệ thống các sứ thần”. Đó là mạng lưới có ảnh hưởng rộng lớn mà Vatican, đi ngược lại với các vụ cấm phạt La Havane, đã có một trong các thành công ngoại giao của mình: phục hồi bang giao giữa Mỹ và Cuba. Năm 2014, Đức Giáo hoàng đã đóng vai trò trung gian cá nhân giữa Barack Obama và Raúl Castro, và Vatican đã làm trọng tài cho các thương thuyết bí mật của hai nước. Một điều không chối cãi, Châu Mỹ La Tinh là ưu tiên hàng đầu lúc này. tháng 9 sắp tới, Đức Giáo hoàng sẽ đến Colombia để ủng hộ hiệp ước hòa bình giữa Chính quyền và Lực lượng vũ trang cách mạng Colombia (Farc).

“Các vùng ngoại vi xã hội”

Nữ ký giả Argentina Silvina Perez, người phụ trách ấn bản Osservatore Romano tiếng Tây Ban Nha cho biết: “Đức Phanxicô, trước hết và trên hết là giáo hoàng của các vùng ngoại vi. Các vùng ngoại vi này là những vùng cả về mặt địa lý lẫn xã hội”. Một trong những câu nói lập đi lập lại của Đức Phanxicô ngay cả trước khi ngài làm giáo hoàng là, người ta chỉ có thể nắm được thực tế khi đi ra khỏi trọng tâm. Để hiểu thành phố Buenos Aires của mình, ngài phải quan sát từ các khu vực nghèo miseria, các khu phố ổ chuột khổng lồ. Vừa mới được bầu, chuyến đi thăm đầu tiên của Đức Phanxicô là đến đảo Lampedusa, biểu tượng dưới mắt ngài cho những gì ngài không ngừng lên án “thái độ dửng dưng hóa toàn cầu”. Các ngoại vi của Đức Phanxicô là người di dân, các nạn nhân của sự thay đổi khí hậu, những người nghèo bị nghiền nát dưới hệ thống tài chính hóa nền kinh tế… và những nước nhỏ mà ngài ưu tiên đến thăm.

Chuyến đi Á châu đầu tiên của ngài năm 2014, ngài đã làm mọi người bất ngờ khi chọn Nam Hàn. Đất nước này là một trong các miền đất chinh phục của giáo phái hiện xuống (một giáo phái năng động nhất và gây tranh cãi nhất của giáo hội tin lành phúc âm) đang ở trong thời kỳ chiến tranh lạnh. Nhưng bây giờ không còn như vậy, phật giáo, công giáo đã tìm lại được sức mạnh. Tháng 9 năm 2014, Đức Phanxicô còn gây ngạc nhiên hơn khi ngài đến đất nước cực kỳ ngoại biên của Âu châu, nước Albania, một trong những nước nghèo nhất của Âu châu.

Tầm nhìn về địa chính trị này được nuôi dưỡng bằng thần học, một thần học xuất thân từ Châu Mỹ La Tinh và các thần học gia của giải phóng, trong những năm 70 đã cổ động cho cái gọi là “chọn lựa ưu tiên cho người nghèo”. Với người công giáo bảo thủ Mỹ, họ nhìn Đức Phanxicô như người theo chủ nghĩa mát-xít. Ký giả Andrea Tornielli chỉnh lại: “Trong tư tưởng của Bergoglio, những chuyện này không có gì là đi ngược với giáo huấn xã hội của Giáo hội”. 

Đi thăm Al-Azhar

Đây không phải là cuộc tranh cãi duy nhất mà Đức Phanxicô có với giới tận căn triệt để, tìn đồ của các xung đột của các nền văn minh, công cụ hóa vấn đề các tín hữu kitô ở Trung Đông, những người gặp khó khăn trong việc phân biệt cái xấu cái tốt của họ. Nhưng đối với hồi giáo, Đức Phanxicô tin chắc vào đối thoại, ngài bác bỏ ý tưởng về một cuộc chiến tôn giáo và cái nhìn hai mặt của thế giới. Tháng tư vừa qua, Đức Phanxicô đã ký hiệp ước hòa giải với nhà cầm quyền hồi giáo khi ngài đến Al-Azhar, một trong các cơ quan cao nhất của hồi giáo sunnit, thể chế này đã nguội lạnh với Giáo hội công giáo từ thời Đức Bênêđictô XVI.

Trong một bài viết gần đây, tạp chí Dòng Tên Ý Civiltà Cattolica tố cáo liên minh “giữa các người theo trào lưu chính thống phúc âm và người công giáo theo chủ trương giữ nguyên vẹn, họ cùng kết nối với nhau trong ước muốn tạo ảnh hưởng tôn giáo trên lãnh vực chính trị”. Bài viết của linh mục Dòng Tên Ý Antonio Spadaro (giám đốc tạp chí) cùng viết với mục sư giáo phái phúc âm Argentina Marcelo Figueroa, được giới chuyên gia cho rằng, đây là kênh chính thức để truyền đi một sứ điệp của Đức Giáo hoàng.

Rõ ràng, Đức Phanxicô lên án nhãn quan thần học-chính trị của thế giới và các mâu thuẫn đang xảy ra, cổ động bởi trào lưu tôn giáo cực hữu, có ảnh hưởng bên cạnh Tổng thống Mỹ (trào lưu này đã có ảnh hưởng dưới hai thời Tổng thống  trước đây, George W. Bush và Ronald Reagan). Đối với các tác giả của bài viết, chìa khóa để hiểu nền ngoại giao hiện nay của Vatican là “thiết lập các quan hệ trực tiếp và trôi chảy với các siêu cường mà không đi vào trong các mạng liên minh hay ảnh hưởng đã được thiết lập”. Cho đến hiện nay, chắc chắn đó là một trong các chuyện cấp bách của Đức Phanxicô.

Giuse Nguyễn Tùng Lâm dịch

Nguồn: phanxico.vn