Dân Chúa Âu Châu

Ukraine cuộc cách mạng mùa đông 2014 Chế độ độc tài đã sụp đổ!

BY: NAM ĐIỀN TỔNG KẾT

TYMOSHENKO: CHế Độ ĐộC TÀI ĐÃ SụP Đổ!

Những biến cố dồn dập xẩy ra vào ngày thứ bẩy 22.02.2014 đã được các hãng thông tấn quốc tế và các đài truyền hình, phát thanh cũng như các mạng lưới truyền thông điện toán loan tin rộng rãi cho thấy một trang sử mới đang được hình thành tại đất nước Ukraine, sau ba tháng khủng hoảng:
Quốc hội Ukraine đã bỏ phiếu truất phế Tổng thống Yanukovych, vài giờ sau khi ông bỏ văn phòng ở thủ đô Kiev để lánh về miền đông. Kế hoạch tới Nga của ông sau đó không thực hiện được do máy bay bị chặn.

Theo hãng thông tấn Reuters và AFP, quốc hội Ukraine hôm thứ bẩy 22.2 đã đồng loạt bỏ phiếu truất phế TT Viktor Yanukovych và quyết định sẽ bầu cử sớm vào ngày 25.5. Tân chủ tịch quốc hội Oleksander Turchynov cho biết ông Yanukovych đã "từ bỏ trách nhiệm theo hiến pháp, đe dọa chức năng của nhà nước, toàn vẹn lãnh thổ và chủ quyền của Ukraine". Các đại biểu quốc hội vỗ tay và hát quốc ca khi thông qua nghị quyết này.

Sự kiện diễn ra chỉ vài giờ sau khi ông Yanukovych rời văn phòng tổng thống ở thủ đô Kiev và tới thành phố Kharkiv, miền đông Ukraine. Người biểu tình tuyên bố chiến thắng ở Kiev sau khi kiểm soát được các tòa nhà chính phủ. Cả văn phòng tổng thống và dinh thự sang trọng của ông Yanukovych ở ngoại ô Kiev đều bị người biểu tình chiếm giữ.
Theo Sky News, Yanukovych cho biết ông sẽ không từ chức và so sánh tình hình hiện nay ở Ukraine với việc quân phát xít lên nắm quyền vào những năm 1930 ở Đức. Trong khi đó, theo chủ tịch Quốc hội Turchynov thì ông Yanukovych vừa bị cấm lên máy bay tới Nga. "Ông ta đã cố lên một máy bay tới Nga nhưng bị cảnh sát biên giới chặn lại. Ông ta hiện đang trốn ở đâu đó tại vùng Donetsk".

Trong một diễn biến khác, cựu thủ tướng Yulia Tymoshenko, người được mệnh danh là "nữ hoàng khí đốt", vừa được trả tự do. Bà bị bắt năm 2011 vì các cáo buộc lạm quyền, bị kết án 7 năm. Quốc hội Ukraine bỏ phiếu bầu nhất trí trả tự cho ngay lập tức cho lãnh đạo hàng đầu phe đối lập. Bà đã vẫy chào những người ủng hộ khi rời khỏi bệnh viện của nhà tù và tuyên bố "chế độ độc tài đã sụp đổ". Bà Tymoshenko nhận được sự chào đón nồng nhiệt khi xuất hiện trên quảng trường Độc lập, tâm điểm của làn sóng biểu tình và bạo lực suốt ba tháng qua khiến hơn 100 người chết và 500 người bị thương.

Trong bài phát biểu chiều tối thứ bẩy 22.2 trên xe lăn ngay khi được thả trước đám đông khoảng 50.000 người tại quảng trường Độc lập, Kiev, bà đã bật khóc. Bà tuyên bố: "Các bạn là những anh hùng! Các bạn là những gì tốt đẹp nhất Ukraine có! Đất nước Ukraine là của những người tự do. Đây là Tổ quốc của các bạn". Người biểu tình đã triệt tiêu được "bệnh ung thư của chế độ độc tài".
Trong một cuộc điện đàm với Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry nói "không khí hòa bình" đã bao trùm Kiev sau khi TT Yanukovych ra đi.
Thỏa thuận hòa bình mà ông Yanukovych và các lãnh đạo đối lập ký hôm 21.2 nay dường như bị xếp xó sau các diễn biến mới nhất. Nó cũng đã không có tác dụng chấm dứt biểu tình khi các đám đông vẫn trụ lại quảng trường Độc lập và kêu gọi Yanukovych từ chức.

ĐIểM LạI NHữNG BIếN Cố CHÍNH TRONG BA THÁNG BIểU TÌNH

- 21.11.2013: Chính quyền Ukraine hoãn các cuộc đàm phán với Liên minh châu Âu nhằm ưu tiên thắt chặt quan hệ kinh tế với Nga, khiến các nhóm đối lập ủng hộ châu Âu phản đối và kêu gọi biểu tình.
- 8.12: khoảng 500.000 người xuống đường ở Kiev, thủ đô Ukraine, để biểu tình, phong tỏa các tòa nhà chính phủ trong một cuộc đối đầu ngày càng leo thang về tương lai của đất nước. Lực lượng biểu tình thân EU chiếm khu vực quảng trường Độc Lập ở thủ đô Kiev. Cuộc biểu tình này kết thúc với việc một đám đông kéo đổ tượng Lenin. Đây là hành động phản đối những cuộc thảo luận bí mật giữa tổng thống Viktor Yanukovych và tổng thống Nga Vladimir Putin. Cuộc biểu tình lớn nhất ở nước cộng hòa trước kia thuộc Liên Xô kể từ sau Cách mạng Cam đòi dân chủ hồi năm 2004 đã khiến chính quyền phản ứng mạnh.
- 11.12.13: Lực lương an ninh buộc phải rút lui khi tổ chức trấn áp người biểu tình.
- 17.12.13: Tổng thống Viktor Yanukovych sang Moscow, nơi ông đạt được gói hỗ trợ kinh tế trị giá 15 tỷ Mỹ kim. Nga đồng ý giảm mạnh giá gas bán cho Ukraine nhằm hỗ trợ nền kinh tế láng giềng.
- 19.01.2014: khoảng 200.000 người tập hợp ở thủ đô Kiev - Ukraine để tham gia tuần hành chống lại TT Viktor Yanukovych và thách thức lệnh cấm biểu tình. Các vụ đụng độ đẫm máu giữa họ và cảnh sát đã xảy ra, khiến hàng chục người bị thương.
- 22.1: Làn sóng biểu tình tiếp tục diễn ra. Cảnh sát phá vỡ các rào chắn ở trung tâm Kiev. Người biểu tình tấn công lực lượng an ninh bằng đá và bom xăng, nhưng bị đáp trả bằng hơi cay, lựu đạn cay và đạn cao su.
- 28.1: Thủ tướng Mykola Azarov từ chức, quốc hội hủy luật chống biểu tình.
- 2.2: Các lãnh đạo phe đối lập kêu gọi phương tây hỗ trợ tài chính và hóa giải mâu thuẫn ở Ukraine, trước hơn 60.000 người biểu tình ở Kiev.
- 7.2: TT Yanukovych gặp đồng minh, TT Nga Vladimir Putin, bên lề lễ khai mạc Thế vận hội Olympic Mùa đông ở thành phố Sochi.
- 16.2: Người biểu tình rút khỏi tòa thị chính Kiev, sau khi chiếm giữ tòa nhà từ hôm 1.12, và các công thự khác trong nước. Những người biểu tình bị bắt được ân xá vào ngày hôm sau. Hàng chục nghìn người tập trung trên quảng trường Độc lập.

- 18.2: Bạo lực nổ ra khi 20.000 người biểu tình tuần hành từ quảng trường Độc lập đến trụ sở quốc hội, yêu cầu ông Yanukovych phải bị tước bỏ những quyền hạn quan trọng. Kiev đóng cửa hệ thống tàu điện ngầm và hạn chế giao thông khi người biểu tình tái chiếm tòa thị chính. Cảnh sát chống bạo động phá hàng rào chắn nhưng hàng nghìn người biểu tình từ chối rời khỏi quảng trường Độc lập, đồng thời dùng gạch đá, pháo hoa và bom xăng để đáp trả. Bất ổn lan rộng đến cả phía tây Ukraine, nơi các tòa nhà của chính quyền cũng bị người biểu tình tấn công.
- 19.2: TT Yanukovych thay thế người đứng đầu lực lượng vũ trang và lực lượng an ninh, tuyên bố chiến dịch "chống khủng bố". Cũng ngày 19.2, trong buổi tiếp kiến khách hành hương vào ngày thứ tư hàng tuần trên quảng trường Thánh Phêro, ĐTC Phanxicô đã lên tiếng kêu gọi chấm dứt đổ máu ở Ukraine, sau khi 26 người thiệt mạng và hơn 200 người bị thương trong các cuộc đụng độ giữa người biểu tình và cảnh sát ở thủ đô Kiev hôm 18.2. Phát biểu trước hơn 50.000 người ở quảng trường Thánh Phêrô, ĐTC Phanxicô tha thiết kêu gọi: "Tôi vẫn lo âu theo dõi thật sát những diễn biến tại Kiev trong những ngày này. Tôi bày tỏ sự cảm thông với người dân Ukraine và cầu nguyện cho các nạn nhân của bạo lực cũng như gia đình họ. Tôi kêu gọi tất cả mọi phe ngừng mọi hành động bạo lực và tìm kiếm một thoả thuận hoà bình tại Ukraine".

Ở Kiev, người biểu tình trên quảng trường Độc lập đã tổ chức một buổi cầu nguyện cho những người đã ngã xuống vào tối thứ năm. Họ thắp sáng bầu trời đêm bằng các màn hình điện thoại di động và hô to "Anh hùng, anh hùng" nhằm ám chỉ những người đã thiệt mạng.
- 20.2: Người biểu tình tấn công cảnh sát ở Kiev, phá vỡ một thỏa thuận ngừng bắn mà ông Yanukovych đưa ra và tái chiếm quảng trường Độc lập. Lực lượng an ninh nã đạn vào người biểu tình. Ban y tế phe đối lập cho biết 60 người đã bị bắn chết trong ngày hôm đó. Các ngoại trưởng của Pháp, Đức và Ba Lan cùng một đại sứ của Nga nhóm họp khẩn cấp. Liên minh châu Âu nhất trí trừng phạt giới chức Ukraine.

- 21.2: Thỏa ước sơ bộ cho chính trị cho tương lai Ukraine đã được TT Yanukovich và các phe đối lập ký sau cuộc họp kéo dài gần 6 giờ đồng hồ qua trung gian của các ngoại trưởng Ba Lan, Pháp, Đức: tổ chức bầu cử tổng thống sớm, tiến hành cải cách hiến pháp và thành lập một chính phủ đoàn kết dân tộc. Quốc hội Ukraine bỏ phiếu tái sinh hiến pháp 2004, giới hạn quyền lực của tổng thống.
Tính từ ngày 18.2 tới ngày 21.2, tổng cộng 77 người đã thiệt mạng, trong đó có cả cảnh sát, vì bạo lực ở thủ đô Ukraine. Ngoài con số này, bộ Y tế nước này xác nhận có 571 người bị thương trong 3 ngày bạo lực ở thủ đô Kiev. Con số thương vong do khủng hoảng Kiev được cho là cao hơn nhiều so với thống kê chính thức

VÌ ĐÂU LÊN NÔNG NỗI? UKRAINE TRONG THế GIằNG CO ĐÔNG - TÂY

Các cuộc biểu tình trên toàn quốc đã được bùng phát từ tháng 11.2013, sau khi TT Yanukovich rút khỏi một thỏa thuận thương mại như dự kiến với Liên minh châu Âu (EU) và thay vào đó quyết định chấp nhận viện trợ của Nga. Trong một quyết định "bất ngờ", chính phủ Ukraine hôm 21.11.2013 đã đình chỉ việc chuẩn bị ký kết thỏa thuận thương mại với Liên minh châu Âu (EU), thay vào đó sẽ khôi phục đàm phán về một thỏa thuận với Nga. Đây được xem là một thắng lợi của TT Nga Vladimir Putin trong nỗ lực duy trì quan hệ và ảnh hưởng đối với nước Cộng hòa có vị trí chiến lược quan trọng nhất thuộc Liên Xô (trước đây).

Các nước phương Tây từng cảnh báo TT Yanukovych về việc trấn áp các cuộc biểu tình thân EU, hối thúc ông quay lại châu Âu và triển vọng về một sự phục hồi kinh tế với sự hỗ trợ của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), trong khi Nga cáo buộc phương Tây can thiệp vấn đề nội bộ của Ukraine.
Ukraine từng xảy ra tình trạng hỗn loạn về chính trị kể từ khi giành độc lập từ Liên Xô cách đây hơn 22 năm, nhưng chưa trải qua bạo lực ở quy mô này trước đây. Các phóng viên nhận định người dân Ukraine đang lo ngại về những gì mà ông Yanukovych có thể đã trao đổi với Nga để được Nga giúp đỡ.
Nhắc lại, thỏa thuận khí đốt giữa tập đoàn Gazprom của Nga và Naftogaz của Ukraine đã sửa đổi lại thỏa thuận gây tranh cãi mà cựu thủ tướng Ukraine Yulia Tymoshenko ký hồi năm 2009. Đây cũng là lý do khiến bà phải ngồi tù hai năm trước.

Ukraine phụ thuộc vào khí đốt nhập khẩu từ Nga và các khu vực công nghiệp sử dụng nhiều năng lượng ở Đông Ukraine đang đặc biệt lo lắng về giá khí đốt. Khoảng 75% sản phẩm kỹ thuật của Ukraine được xuất sang Nga. Nhưng giao thương giữa hai nước đã giảm trong hai năm trở lại đây, cụ thể là giảm 11% năm 2012 và 14,5% trong năm nay. Kiev hiện cần khoảng 17 tỷ đôla trong năm tới để trả tiền nợ khí đốt của Nga.

Hỗn loạn diễn ra ở Ukraine phản ánh cả sự đấu đá giằng xé trong nội bộ nước này lẫn sự giằng co giữa Nga và phương Tây. Thực ra Ukraine vốn đã bị giằng xé giữa 2 xu hướng thân Nga và thân phương Tây trong suốt 22 năm qua kể từ khi tách khỏi Liên Xô và tuyên bố độc lập vào năm 1991.

Nhóm thân Nga (cũng có tham gia biểu tình ủng hộ chính phủ) cho rằng Nga mới là anh em đích thực, chung truyền thống, chung Chính thống giáo. Họ sợ sự "bành trướng" của phương Tây sẽ làm tan rã, chẳng hạn, các giá trị gia đình của Ukraine. Nga lo ngại rằng một thỏa thuận giữa Ukraine với EU sẽ giúp hàng hóa EU đổ ồ ạt vào nước họ qua ngõ Ukraine. Moscow muốn Kiev gia nhập liên minh hải quan thay vì ký thỏa thuận với EU. Liên minh còn gồm cả Belarus và Kazakhstan, tuy nhiên các lãnh đạo biểu tình xem mô hình này là hiện thân mới của Liên Xô.
Các nhóm muốn thoát khỏi "ảnh hưởng của Nga" thì muốn khẳng định bản sắc Ukraine, chủ quyền của nước này (trước Nga), và trông chờ vào những điều kỳ diệu từ EU. Họ cho rằng Ukraine đã trong vòng "cương tỏa" của Nga hàng mấy trăm năm, từ thời Nga hoàng và Liên Xô. Theo họ, việc chơi với EU, ký kết thỏa thuận hợp tác với EU sẽ giúp Ukraine có thêm "tự do", thị trường rộng lớn, việc làm, kinh tế tăng trưởng và hiện đại. Tuy nhiên thoả thuận này cũng đòi hỏi các cải cách sâu rộng và tốn kém mà chính phủ Ukraine cho rằng sẽ đặt nhiều doanh nghiệp đang phụ thuộc vào giao thương với Nga vào tình thế nguy hiểm.

Nhưng ban lãnh đạo hiện thời của Ukraine tính khác. Nền kinh tế nước này chưa thể cạnh tranh với EU được - "sân chơi" EU đặt ra nhiều tiêu chuẩn kỹ thuật ngặt nghèo và hàng hóa EU nhiều khả năng sẽ tràn ngập thị trường nước này. Hơn nữa, EU thường hay đặt điều kiện về chính trị, trong đó có việc đòi Ukraine phải thả đối thủ không đội trời chung của ông Yanukovych là cựu thủ tướng Tymoshenko, người đã bị giam giữ từ năm 2011.
Trong bối cảnh ấy, Nga trở thành lựa chọn tối ưu khi họ có nhiều khả năng đáp ứng nhu cầu tín dụng của Ukraine. Nga vốn không thể để "mất" Ukraine - từng là nước cộng hòa lớn nhất trong Liên Xô và nay vẫn là nước lớn nhất và có vị trí quan trọng nhất trong không gian hậu Xô viết. Thực tế Nga đã ngay lập tức lên tiếng hoan nghênh thái độ quay trục của Ukraine sang Nga.
Một chi tiết đáng chú ý là đương kim TT Ukraine Yanukovych có gốc gác Nga, nói tiếng Nga rất thạo còn nói tiếng Ukraine thì không được trôi chảy cho lắm. Ngược lại bà Tymoshenko cũng rất thạo tiếng Nga (bà sinh ra ở vùng nói tiếng Nga của Ukraine) nhưng vẫn thông thạo bản ngữ Ukraine, tự nhận mình luôn "tư duy bằng ngôn ngữ Ukraine" và phản đối việc sử dụng tiếng Nga làm ngôn ngữ chính thức thứ 2 ở Ukraine.

Cách đây 22 năm, Ukraine trở thành nước độc lập mà không cần một cuộc chiến. Ngay cả xét theo tiêu chuẩn của Đông Âu, lịch sử của Ukraine vô cùng đẫm máu. Ký ức về những biến cố kinh hoàng trong thế kỷ 20 của nước này đã góp phần giảm căng thẳng nội bộ kể từ Ukraine được độc lập vào năm 1991. Nhưng quốc gia này vẫn là một chính thể mỏng manh, chia rẽ giữa người nói tiếng Nga và người nói tiếng Ukraine, bị Moscow thao túng, và hiện nay có nền kinh tế bấp bênh, thâm hụt ngân sách trầm trọng và nợ ngập đầu. Chủ nghĩa dân tộc trước kia chỉ giới hạn ở một số vùng ở miền tây Ukraine, nay đã lan rộng. Những thế lực xung khắc nhau đang tranh giành quyền kiểm soát thủ đô.
Thay vì hiện đại hóa đất nước và xây dựng các thể chế, giới chóp bu quyền lực vơ vét các tài nguyên của đất nước, khiến đất nước dễ bị áp lực từ bên ngoài. Hiện nay một thế hệ người Ukraine mới, những người cảm thấy mình là một phần của Châu Âu, đang đấu tranh để thay đổi toàn bộ hệ thống chính trị và vứt bỏ di sản hậu Xô Viết. Họ không muốn là một phần của cuộc tranh giành quyền lực bên trong cùng một giới chóp bu thối nát. Trên Quảng trường Độc lập, họ nhảy múa và đồng ca một bài tên là "Bức tường" thể hiện tinh thần của họ. "Chúng ta sẽ ở đâu khi cuộc chiến của họ chấm dứt? Liệu chúng ta có thể làm mọi thứ để bức tường này sập đổ?"

Bức tranh Ukraine cũng không phải chỉ có hai màu đen trắng. Không thể nói phiến diện rằng phe biểu tình thì tốt, chính phủ thì xấu, châu Âu hay Hoa Kỳ luôn đúng và Nga thì sai bởi còn có nhiều yếu tố lịch sử, địa lý và dân tộc đan xen trong chuyện Ukraine. Trên thực tế biểu tình ở Ukraine chỉ là sự bùng phát ra ngoài của xung khắc nội bộ ở một xã hội đang đứng ở ngã ba đường. Giới trẻ và người dân phía Tây Ukraine hướng về EU, Hoa Kỳ nhưng láng giềng sát nách họ lại là Nga. Ngày nay, người dân phía Đông có nhiều cảm tình với Nga nhưng người phía Tây tiếp tục nghi ngờ chủ nghĩa Đại Nga và muốn đi về hướng khác. Sau Cách mạng Cam 2004, các nhân vật chính trị Ukraine đều mang khá bè phái, chỉ dựa vào một nhóm ủng hộ cụ thể mà thiếu khả năng liên kết cả nước.

Di sản của quá khứ cũng đang tiếp tục tác động đến tâm tư người dân ở quốc gia 45 triệu dân, thu nhập trên 3000 USD đầu người một năm và thể hiện ra trong các đợt biểu tình.
THAY LờI KếT: VN CÓ THể HọC HỏI ĐƯợC NHIềU ĐIềU Từ CUộC KHủNG HOảNG CHÍNH TRị ĐANG DIễN RA ở UKRAINE?
Nước Ukraine rộng 603.700 km² (gấp đôi Việt Nam) với dân số khoảng 45 triệu là một quốc gia thuộc khu vực Đông Âu. Ukraine đông giáp với Liên bang Nga, bắc giáp với Belarus (Bạch Nga), tây giáp với Ba Lan, Slovakia và Hungary, tây nam giáp với Romania và Moldova và nam giáp với Biển Đen và Biển Azov. Thành phố Kiev là thủ đô của Ukraine. Ukraine là một quốc gia thống nhất gồm 24 tỉnh, một nước cộng hòa tự trị Krym và hai thành phố đặc biệt không thuộc trung ương Kiev và Sevastopol. Đây là một nước theo thể chế cộng hòa bán tổng thống. Ukraine có rất nhiều đảng chính trị, nhiều đảng trong số đó có ít thành viên và không được công chúng biết tới. Các đảng nhỏ thường tham gia vào các liên minh đa đảng (khối bầu cử) cho mục tiêu tham gia vào bầu cử nghị viện.
Về tôn giáo có Chính thống giáo Ukraine - Tòa Thượng phụ Kiev (50.4%), Công giáo Hy lạp Ukraine (8%), Chính thống giáo độc lập Ukraine (7,2%), Công giáo (2,2%), Tin Lành (2,2%), Do Thái (0,6%)

Bài học 1: Dân chúng Ukraine vì đã thấm đòn nhừ tử bài học lịch sử tang thương do chế độ cộng sản đã gây ra, đã để lại và còn đang là căn bệnh ung thư làm tan rã đất nước, chặn họng tự do, kinh tế thụt lùi và càng ngày càng bị thòng lọng kinh tế Nga thắt họng! Đó là căn bệnh ung thu trầm kha cần phải can đảm cắt bỏ.

Bài học 2: Quyết liệt đập tan và kéo đổ tượng Lenin, tượng trưng cho trang lịch sử đau thương của ách thống trị tàn bạo sắt máu của cộng sản búa liềm Nga trong đêm 8.12 kết thúc biểu tình với khoảng 500.000 người xuống đường ở Kiev, thủ đô Ukraine, Cuộc biểu tình lớn nhất ở nước cộng hòa trước kia thuộc Liên Xô kể từ sau Cách mạng Cam đòi dân chủ hồi năm 2004.

Bài học 3: Cương quyết tranh đấu mặc dù tiết đông giá lạnh suốt trong tháng 12.2013 và tháng 1.2014. Dân chúng tiếp tế bánh, rượu, củi đốt, lốp xe và ngay cả gỡ lượm đá trên các đường phố làm khí giới tự vê.

Bài họ 4: Lòng ái quốc chân chính thiêu đốt, đức tin quả cảm nung nấu, tình thần dân tộc độc lập quả cảm, tiếng mẹ đẻ Ukraine được nêu cao…

Giờ đây trong khúc quanh lịch sử này toàn dân Ukraine cần nắm tay nhau, nhìn về tương lai, hàn gắn những đổ vỡ vật chất và tinh thần… Các bức tường phân rẽ về chủng tộc, chính trị, kinh tế, văn hoá và ngay cả tôn giáo vẫn còn đó. Trên Quảng trường Độc lập, đám đông biểu tình đã nhảy múa và đồng ca một bài tên là "Bức tường": "Chúng ta sẽ ở đâu khi cuộc chiến của họ chấm dứt? Liệu chúng ta có thể làm mọi thứ để bức tường này sập đổ?" (theo BBC, Nydailynews, Reuter, AFP, các nhật báo Pháp)