Dân Chúa Âu Châu

Dung mạo yêu thương của Chúa Giêsu.

Thứ Bảy đầu tháng, tuần 4 thường niên.

"Họ như đàn chiên không người chăn".

Lời Chúa: Mc 6, 30-34

Khi ấy, các tông đồ hội lại bên Chúa Giêsu và thuật lại với Người mọi việc các ông đã làm và đã giảng dạy.

Người liền bảo các ông: "Các con hãy lui vào nơi vắng vẻ mà nghỉ ngơi một chút". Vì lúc ấy dân chúng đến tấp nập đến nỗi các tông đồ không có thì giờ ăn uống. Vậy các ngài xuống thuyền, chèo tới một nơi vắng vẻ hẻo lánh. Thấy các ngài đi, nhiều người hiểu ý, và từ các thành phố, người ta đi bộ kéo đến nơi đó và tới nơi trước các ngài.

Lúc ra khỏi thuyền, Chúa Giêsu thấy dân chúng thật đông, thì động lòng thương, vì họ như đàn chiên không người chăn, và Người dạy dỗ họ nhiều điều.

* Đọc GIỜ KINH PHỤNG VỤ link CGKPV

* Các BÀI ĐỌC TRONG THÁNH LỄ

SUY NIỆM 1: Dung mạo Chúa Giêsu

Manio Flajano, văn sĩ, ký giả kiêm đạo diễn người Italia, qua đời năm 1972, đã để lại những trang nhật ký thật cảm động: năm 1942, đứa con gái 8 tuổi của ông bị bệnh sưng màng óc và kéo lê cuộc sống tàn tật đó cho đến năm 1992. Nhìn đứa con mà lòng đau xót, nhưng người cha vẫn đặt tin tưởng, phó thác vào Thiên Chúa. Trong một trang nhật ký, ông viết: "Một người đàn ông nọ dẫn đến cho Chúa Giêsu đứa con gái bệnh tật và nói với Ngài: "Con không muốn chữa lành nó, nhưng chỉ xin Chúa yêu thương nó mà thôi". Chúa Giêsu cúi xuống hôn đứa bé mà nói: "Ta nói thật, người đàn ông này đã xin điều mà có thể cho được". Nói xong, Chúa Giêsu biến đi trong ánh sáng chói ngời bỏ lại một đám đông tiếp tục bàn tán về các phép lạ, còn các nhà báo thì cố gắng mô tả các phép lạ".

Những dòng trên đây của Flajano đưa chúng ta vào trọng tâm của Tin Mừng. Thật thế, Tin Mừng không phải là một mớ lý thuyết hay giáo điều, Tin Mừng cũng không phải là một Thiên Chúa cao xa trừu tượng. Tin Mừng thiết yếu là một con người bằng xương bằng thịt, với một trái tim dễ rung động và biết yêu thương. Ðọc lại các sách Tin Mừng, chúng ta thấy Chúa Giêsu đã không làm phép lạ như một phù thủy múa may cây đũa thần của mình, Chúa Giêsu không bao giờ làm phép lạ để làm lóe mắt thiên hạ. Phép lạ là dấu chỉ của ơn cứu độ, là dấu chỉ của tình yêu Thiên Chúa đối với con người, một Thiên Chúa yêu thương đến độ hóa thân làm người và sống thiết thân với con người.

Trong Tin Mừng hôm nay, thánh Marcô như tóm tắt tất cả dung mạo của Chúa Giêsu trong câu nói: "Chúa Giêsu thấh đông đảo dân chúng thì chạnh lòng thương". Ðây là tất cả mạc khải về tình yêu Thiên Chúa đối với con người: thay cho một Thiên Chúa ở trên cao, thưởng phạt chí công, lạnh lùng nghiêm khắc, Chúa Giêsu đã bày tỏ cho chúng ta một Thiên Chúa đi vào lịch sử con người, một Thiên Chúa sinh ra như một em bé, một Thiên Chúa có trái tim cảm thông và tha thứ, một Thiên Chúa gần gũi với con người, có mặt trong từng nhịp thở của con người.

Chiêm ngắm một Thiên Chúa như thế qua con người Chúa Giêsu Kitô, chúng ta cũng nhận ra được một chân lý về con người, bởi vì như Công Ðồng Vaticanô II trong Hiến chế "Vui mừng và Hy vọng" đã nói: Chỉ trong ánh sáng của Ngôi Lời Nhập Thể, chân lý về con người mới được sáng tỏ. Con người bởi đâu mà đến? sẽ đi về đâu? chúng ta nhận ra điều đó trong Chúa Giêsu đã đành, mà trong Ngài, chúng ta còn phải biết sống thế nào cho phải đạo làm người. Qua cung cách của Ngài, chúng ta thấy phải đối xử thế nào với người đồng loại. Qua cuộc sống yêu thương và yêu thương đến chết trên Thập giá, chúng ta hiểu được rằng hiến thân cho tha nhân là ơn gọi của con người, chỉ có con người mới được mời gọi để sống cho tha nhân mà thôi.

Tin mừng của chúng ta là một con người, đó là Chúa Giêsu Kitô. Chúng ta không ngừng được mời gọi để sống kết hiệp với Ngài, để đón nhận sức sống của Ngài và sống theo lý tưởng của Ngài. Ước gì chúng ta luôn được củng cố trong niềm xác tín rằng Ngài đang hiện diện và đồng hành với chúng ta trong từng phút từng giây cuộc sống.

(Trích trong ‘Mỗi Ngày Một Tin Vui’)

SUY NIỆM 2: Hãy nghỉ ngơi đôi chút

Các Tông Đồ tụ họp chung quanh Đức Giêsu, và kể lại cho Người biết mọi việc các ông đã làm, và mọi việc các ông đã dạy. Người bảo các ông: “Chính anh em hãy lánh riêng ra đến một nơi thanh vắng mà nghỉ ngơi đôi chút.” Quả thế, kẻ lui người tới quá đông, nên các ông chẳng có thì giờ ăn uống nữa. (Mc. 6, 30-31)

Tuần làm việc đã kết thúc. Thế là ngày thứ bảy. Mặc dầu một số lớn các công nhân phải trực ca ở sở, sinh hoạt phố xá vẫn thay đổi nhịp độ kể từ năm giờ chiều thứ sáu đến tám giờ sáng thứ hai. Người ta muốn lấy hơi thở, dù rằng cứ thứ bảy và chủ nhật nào ai nấy lại thường không phải hết cả hơi, vì những công chuyện như: đi chợ mua thực phẩm, đi tiệm sắm đồ, công việc nội trợ, chơi thể thao, thăm viếng gia đình, bạn bè, họp mặt liên hoan…

Nhưng tất cả những hoạt động đầy ắp những ngày cuối tuần này thật ra có giúp ích gì cho việc nghỉ ngơi không? Phải chăng những hoạt động ấy chỉ là tiếp nối cuộc chạy đua với thời gian làm việc trong tuần? Những hoạt động này có tăng thêm sinh khí cho con người, trí tuệ và đời sống thiêng liêng của ta không? Chúng ta có thực sự đạt được việc dành cho mình những giây phút để trở về với lòng mình, mặt đối mặt với Thiên Chúa, hoặc để thưởng thức một công trình âm nhạc hay văn chương, nhờ đó ta tiến gần tới sự thật, sống có bề sâu, sống thánh thiện và mang vẻ đẹp của một con người luôn đổi mới và biết xây dựng mình? Chúng ta có biết bố trí thời giờ dành để tập thể dục giúp cho thân thể được khỏe mạnh để làm việc không?

Những việc kể lại trong Phúc âm hôm nay chứng tỏ rằng Chúa Giêsu muốn cho các môn đệ của Người, sau khi đi truyền giáo về, cần nghỉ “ngày thứ bảy cuối tuần”, cần được nghỉ ngơi. Dầu rằng quanh các ông, dân chúng vẫn tấp nập, kẻ lui người tới, hỏi han thì Chúa vẫn dưa các ông lánh riêng ra đến một nơi thanh vắng để nghỉ ngơi và có thì giờ ăn uống.

Làm việc và nghỉ ngơi thay phiên nhau vẫn là luật căn bản của con người, ai coi thường người ấy làm việc kém năng xuất, nếu không sẽ ốm đau và suy giảm tinh thần. Quá mệt mỏi, lúc nào cũng tù túng trong cùng một bầu khí, hoặc thường xuyên bận bịu với cũng một công việc, con người phải sống trong cái vòng lẩn quẩn hoặc tệ hơn, ta đánh mất ý thức về việc làm của mình.

Vậy thì “Anh em hãy nghỉ ngơi đôi chút”.

Suy Niệm 3: LÁNH SANG NƠI THANH VẮNG (Mc 6, 30- 34)

Sự quan tâm của Đức Giêsu với các môn đệ hôm nay làm cho chúng ta thấy một hình ảnh đẹp tuyệt vời về thái độ liên đới và nghĩ đến môn sinh của mình nơi vị Thầy khả ái.

Sau khi sai các môn đệ đi loan báo Tin Mừng, hôm nay, các ông về hối hả kể cho Đức Giêsu nghe những thành tích của mình. Tuy nhiên, Đức Giêsu đã khuyên các ông: “Anh em hãy lánh đến một nơi thanh vắng mà nghỉ ngơi một chút".

Nghỉ ngơi đôi chút, đây là cách nói thể hiện sự quan tâm của Đức Giêsu đến sức khỏe thể xác, nhưng không dừng lại ở chỗ bề ngoài, mà nó còn đi sâu xa hơn để thấy được ý nghĩa, giá trị của sự nghỉ ngơi tâm linh.

Nếu người môn đệ của Đức Giêsu quá quan tâm đến những thành quả bên ngoài, đến những kết quả bằng con số, thì e rằng họ đang bám víu vào công việc của Chúa hơn là chính Chúa, tức là cậy dựa vào những điều phụ thuộc hơn là chính yếu.

Tuy nhiên, Kinh Thánh kể tiếp, Đức Giêsu và các môn đệ đi sang bờ bên kia, nhưng khi các Ngài tới thì dân chúng đã đến trước rồi, nên Đức Giêsu đã chạnh lòng thương họ như đàn chiên không người chăn dắt, vì thế Ngài đã dạy họ nhiều điều.

Sống trong một xã hội tân tiến như hiện nay, mọi sự trở nên gần gũi khi ngôi nhà thế giới được xích lại nhờ những phương tiện truyền thông. Người ta có thể ngồi trong một căn phòng chỉ mấy mét vuông, nhưng có thể nhìn ra cả thế giới bên ngoài. Nhưng lại chớ trêu thay, những điều đó tưởng chừng như làm cho người ta gần nhau, quan tâm đến nhau hơn thì lại làm cho người ta chỉ biết nghĩ đến mình trong khi biết bao người kêu gào tình yêu, đói khát sự liên đới!

Sứ điệp Lời Chúa hôm nay mời gọi chúng ta một mặt hãy tập trung vào đời sống thiêng liêng, coi đời sống thiêng liêng như là nhu cầu không thể thiếu trong đời sống đạo. Mặt khác, luôn biết quan tâm đến những người xung quanh, để lời nói và hành động của chúng ta được thiết thực khi chúng đi đôi với nhau.

Lạy Chúa Giêsu, xin Chúa ban cho chúng con biết sống tình liên đới với anh chị em, nhất là với người nghèo. Xin Chúa cũng ban cho chúng con biết coi trọng đời sống nội tâm để chúng con tìm thánh ý Chúa và thực thi điều Chúa muốn chúng con làm. Amen.

Ngọc Biển SSP

Suy Niệm 4: Đến một nơi thanh vắng

Suy niệm:

Các môn đệ trở về gặp lại Thầy Giêsu

sau cuộc hành trình tông đồ đầu tiên nhiều thú vị.

Họ cùng nhau tụ họp chung quanh Thầy

và thi nhau kể cho Thầy nghe tất cả những gì họ đã làm và đã dạy.

Thầy Giêsu thấy họ vui vì đã có thể đuổi được quỷ, chữa được bệnh.

Những ông đánh cá ít học, nói năng bỗ bã,

trở thành người rao giảng mạnh bạo Tin Mừng về Nước Trời.

Nhưng Thầy Giêsu cũng thấy nét mêt mỏi nơi khuôn mặt họ.

Các tông đồ không có giờ ăn uống vì bị đám đông bao vây.

“Anh em hãy lánh riêng ra,

đến một nơi thanh vắng mà nghỉ ngơi đôi chút.” (c.31).

Lời mời trên cho thấy mối quan tâm của Thầy đối với các môn đệ,

những người thợ cần được nghỉ ngơi cả thân xác lẫn tinh thần.

Họ cần tách mình ra khỏi đám đông, khỏi công việc,

để đến nơi hoang mạc mà tĩnh tâm.

Tĩnh tâm là nghỉ ngơi bên Thầy trong sự ấm áp của tình thầy trò,

không bị vướng bận bởi công việc phục vụ.

Tĩnh tâm là dành một thời gian để lòng mình lắng xuống,

đọc lại những biến cố đã xảy ra trong đời mình,

nhìn lại những kinh nghiệm mình đã trải qua bằng cái nhìn của Chúa,

cả những khó khăn và thất bại, những bất trung và vấp ngã…

Nhưng tĩnh tâm không phải chỉ để nhìn lui, mà còn để nhìn tới.

Các tông đồ cần vượt qua những hứng khởi nhất thời do thành công.

Họ cần trầm lắng để chuẩn bị cho những khó khăn sắp đến.

Lời mời của Thầy Giêsu vẫn đụng đến chúng ta hôm nay,

những con người tất bật, vội vã, lo âu và căng thẳng,

những con người kiệt sức vì đòi hỏi của công việc hay vì nghiện việc.

Lánh riêng, nghỉ ngơi ở nơi hoang vắng, tĩnh tâm,

đó không phải là những điều dành riêng cho giới tu sĩ.

Đó là nhịp bình thường của những người bỗng thấy mình đang bị cuốn đi,

trôi đi, mất hướng, mất chính mình, trở nên con rối ngờ nghệch.

Tuy nhiên, không dễ tìm được nơi hoang vắng, để cách ly mình khỏi công việc.

Khi Thầy và các môn đệ đến được nơi hoang vắng ưng ý,

thì chỗ đó chẳng còn vắng nữa, vì dân chúng đã đến trước rồi.

Chúng ta vẫn cứ phải tìm chỗ vắng riêng cho mình với Chúa suốt đời.

Cầu nguyện :

Khi bị bao vây bởi muôn tiếng ồn ào,

xin cho con tìm được những phút giây thinh lặng.

Khi bị rã rời vì trăm công ngàn việc,

xin cho con quý chuộng những lúc

được an nghỉ trước nhan Chúa.

Khi bị xao động bởi những bận tâm và âu lo,

xin cho con biết thanh thản ngồi dưới chân Chúa

để nghe lời Người.

Khi bị kéo ghì bởi đam mê dục vọng,

xin cho con thoát được lên cao

nhờ mang đôi cánh thần kỳ của sự cầu nguyện.

Lạy Chúa,

ước gì tinh thần cầu nguyện

thấm nhuần vào cả đời con.

Nhờ cầu nguyện,

xin cho con gặp được con người thật của con

và khuôn mặt thật của Chúa. Amen.

Lm. Ant. Nguyễn Cao Siêu SJ.