Dân Chúa Âu Châu

Theo Chúa, hãy vác thập giá.

Thứ sáu tuần 18 thường niên – Thánh Cơlara, trinh nữ. Lễ nhớ.

"Người ta sẽ lấy gì mà đổi được sự sống mình".

* Thánh nữ sinh năm 1193 tại Átxidi. Năm 18 tuổi, chị xin thánh Phanxicô cho được theo nếp sống khó nghèo. Thánh Phanxicô đã cho chị ở trong một căn nhà tồi tàn, gần nhà thờ thánh Đamianô ở cửa ngõ thành Átxidi. Em của thánh nữ tên là Anê và một số thiếu nữ khác gia nhập nếp sống của chị: sống thanh bần triệt để. Đó là những nữ tu Phanxicô tiên khởi. Chị qua đời năm 1253.

Lời Chúa: Mt 16, 24-28
Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng các môn đệ rằng: "Nếu ai muốn theo Thầy, thì hãy từ bỏ mình đi, và vác thập giá mình mà theo Thầy. Vì chưng, ai muốn cứu mạng sống mình thì sẽ mất; còn ai đành mất mạng sống mình vì Ta, thì sẽ được sự sống. Nếu ai được lợi cả thế gian mà thiệt hại sự sống mình, thì được ích gì? Hoặc người ta sẽ lấy gì mà đổi được sự sống mình?
"Bởi vì Con Người sẽ đến trong vinh quang của Cha Người, cùng với các thiên thần của Người, và bấy giờ, Người sẽ trả công cho mỗi người tuỳ theo việc họ làm. Thật, Thầy bảo các con: trong những kẻ đang đứng đây, có người sẽ không nếm sự chết trước khi xem thấy Con Người đến trong Nước Người".

* Đọc GIỜ KINH PHỤNG VỤ link CGKPV

* Các BÀI ĐỌC TRONG THÁNH LỄ

SUY NIỆM 1: Giá Trị Của Khổ Ðau
Trong Tin Mừng hôm nay, Chúa Giêsu nói với các môn đệ về những điều kiện để được làm môn đệ Ngài: từ bỏ mình, vác Thập giá, và đi theo Chúa Giêsu. Cả ba kiểu nói đều đồng nghĩa với nhau, và đều nói lên cái cốt yếu của đời sống Kitô hữu, đó là đón nhận đau khổ như chính Chúa Giêsu đã đón nhận cuộc khổ nạn và cái chết dành cho Ngài.
Chúa Giêsu đã đưa ra những điều kiện trên đây liền sau khi Ngài loan báo về cuộc tử nạn của Ngài: Ngài sẽ bị đau khổ và bị treo trên Thập giá. Thập giá vốn là cái giá mà Chúa Giêsu phải trả vì cuộc sống và giáo lý của Ngài. Như vậy tất cả những ai muốn làm môn đệ Ngài đều phải trải qua con đường Thập giá ấy. Thật ra, đau khổ vốn là phần số chung của mọi người: đã mang tiếng khóc vào đời là mang lấy cả thân phận khổ đau, có khác chăng là thái độ của con người trước đau khổ mà thôi.
Chúa Giêsu đã để lại cho chúng ta một thái độ mẫu mực. Ngài không bao giờ lý giải về nguồn gốc của khổ đau, nhưng Ngài đón lấy khổ đau và biến nó thành cội nguồn của yêu thương. Thập giá vốn là tận cùng sự bỉ ổi của con người, nhưng đã được Chúa Giêsu biến thành biểu tượng của tình yêu. Chúa Giêsu chịu treo trên Thập giá, không phải để đề cao đau khổ, mà chính là để biểu lộ tình yêu của Ngài. Như vậy, chính trong mầu nhiệm Thập giá, chúng ta đón nhận khổ đau; chính trong mầu nhiệm Thập giá Chúa Giêsu mà thái độ đón nhận đau khổ của chúng ta mang lấy ý nghĩa.
Bức tượng Mẹ Maria bồng xác Chúa Giêsu trên tay, do danh họa Michel-Angelo thực hiện và hiện được đặt tại Ðền thờ thánh Phêrô ở Rôma, là một trong những kiệt tác về sự đau khổ. Mẹ Maria ôm xác Chúa Giêsu trong vòng tay Mẹ, không gì buồn thảm bằng; thế nhưng đó cũng là một trong những kiệt tác về yêu thương. Tất cả đều tùy thuộc thái độ của con người trước khổ đau. Con người có thể trốn chạy khổ đau, con người có thể suốt một đời phàn nàn về khổ đau. Nhưng con người cũng có thể biến khổ đau thành một hành động yêu thương; đó là thái độ của Chúa Giêsu và cũng phải là thái độ của tất cả những ai muốn làm môn đệ Ngài.
Nơi nào có Thập giá, nơi đó có Thiên Chúa. Nguyện xin Chúa giúp chúng ta luôn tỉnh thức để nhận ra sự hiện diện yêu thương của Ngài ngay trong khổ đau, để giữa những giờ phút tăm tối và thử thách, chúng ta vẫn còn thấy được ý nghĩa của cuộc sống.
(Trích trong ‘Mỗi Ngày Một Tin Vui’)

SUY NIỆM 2: Cần Phải Yêu Tôi
Rồi Đức Giêsu nói với các môn đệ: “Ai muốn theo Thầy, phải từ bỏ chính mình, vác thập giá mình mà theo. Quả vậy, ai muốn cứu mạng sống mình, thì sẽ mất; còn ai liều mạng sống mình vì Thầy, thì sẽ tìm được mạng sống ấy. Vì nếu người ta được cả thế giới mà phải thiệt mất mạng sống, thì nào có lợi gì? hoặc người ta lấy gì mà đổi mạng sống mình? (Mt. 16, 24-26)
Đây là vấn đề lớn được Đức Kitô nói với mỗi người chúng ta! Bạn có yêu tôi không? Bạn có yêu tôi hơn những người kia không? tình yêu của bạn đối với tôi tới mức nào? bạn yêu tôi thì hiến trọn vẹn tình yêu của bạn, ai yêu như thế thì không còn là mình nữa, nhưng hoàn toàn là người mình yêu!
Yêu…
Bạn thấy không: Đức Kitô yêu chúng ta trọn vẹn. Người hiến thân trọn vẹn cho chúng ta và hỏi chúng ta có yêu Người trọn vẹn không? chúng ta hãy hiến dâng mình để sống được cảm nghiệm được tình yêu biết yêu mến độc nhất ấy! Hãy hỏi mình xem đã yêu bao nhiêu. Có giống Người không? có yêu đến cực điểm của con người mình không? có như Người yêu chúng ta đến giọt máu cuối cùng không?
Không phải chúng ta đã làm Đức Kitô chết, nhưng chính Người đã tự hiến mạng sống Người cho mỗi người chúng ta. Và Người có quyền hỏi chúng ta bằng câu cốt yếu độc nhất này: bạn có yêu tôi không?
Dù ở hoàn cảnh nào, nghề nghiệp nào, Đức Giêsu đều hỏi: bạn có yêu tôi không?
Không có thể so sánh với người khác. Đây là câu hỏi cho chính bản thân mình, mỗi cá nhân hãy tự hỏi và tự trả lời một cách tự do, một câu trả lời hợp với khả năng yêu mến của mình.
Ngày nay.
Phải nói rằng Thiên Chúa gần chúng ta một cách kỳ lạ, hằng ngày trong đời sống chúng ta, kích thích từng tiếng nói của chúng ta để lời Ngài 2000 năm được hiện tại hóa vào nếp sống con người chúng ta ngày nay.
Tình yêu không biên giới, không già, khắc phục mọi xa cách không gian và thời gian!
“Thiên Chúa của tôi nói với tôi,
Con ơi! cần phải yêu Cha…” (Verlaine)
J.M

Suy niệm 3:

Con đường của người môn đệ Thầy Giêsu là con đường không êm ả.
Ngay sau khi Thầy Giêsu loan báo lần đầu về số phận sắp đến của mình,
Ngài đã nói đến số phận của các môn đệ (cc. 24-28).
Họ được mời chia sẻ cùng một thân phận với Thầy và như Thầy.
Thầy trò sẽ phải đi qua con đường hẹp, con đường của khổ đau và cái chết.
Nhưng cuối cùng con đường ấy dẫn đến phục sinh (Mt 16, 21).
Phục sinh, sự sống, niềm vui, sẽ chiến thắng.
Chiến thắng ấy chỉ mua được bằng khổ đau và cái chết tự nguyện.
Như thế điều kiện để giữ được sự sống đời sau là dám mất sự sống đời này.
Đây thật là một liều lĩnh của đức tin,
vì nếu không thực sự tin vào đời sau, thì chẳng ai muốn thả mồi bắt bóng.
Cuộc đời này có nhiều điều chân thiện mỹ, có nhiều giá trị đáng trân trọng.
Nhưng lắm khi cũng phải hy sinh chúng cho những giá trị lớn hơn,
cho Đấng là Chân Thiện Mỹ viết hoa, là Giá Trị của mọi giá trị.
Cái tôi của tôi là một giá trị lớn, là quà tặng độc đáo Chúa ban cho tôi.
Chẳng có hai cái tôi giống nhau dưới mắt Chúa.
Cùng với cái tôi, Chúa ban cho tôi tự do, lý trí, trái tim, thân xác…
Chúa còn ban cho tôi vũ trụ vật chất với bao tài nguyên để tôi sống nhờ,
và cả một thế giới với bao cái tôi khác, để tôi sống với như anh em.
Cái tôi là món quà quý nhất Chúa ban cho tôi.
Cái tôi cũng là món quà quý nhất tôi có thể dâng lại cho Chúa.
Nhiều tôn giáo nói đến từ bỏ cái tôi, phá chấp ngã.
Đức Giêsu cũng mời bất cứ ai muốn bước theo Ngài phải từ bỏ chính mình,
không phải vì cái tôi của mình là xấu xa, đáng ghét,
nhưng chỉ vì nó chỉ là thụ tạo trước mặt Đấng Tạo Hóa đã dựng nên nó.
Từ bỏ chính mình là đặt mình ở dưới Thiên Chúa, không coi mình là trung tâm,
và để cái tôi của mình trọn vẹn tùy thuộc vào ý muốn của Ngài.
Thầy Giêsu đã sống từ bỏ mình như vậy trong suốt cuộc đời trần thế.
Ngài luôn sống như một người con thảo, một người được Cha sai.
Lạ thay, chính lúc từ bỏ mình, múc cạn chính mình, hủy mình ra không,
thì Ngài lại được phục hồi chính mình và được siêu tôn trên mọi sự (Pl 2, 9).
Trong Kitô giáo, cái tôi được thanh luyện, nhưng không bị loại bỏ.
Cái tôi ấy cũng không bị Thiên Chúa nuốt chửng hay hòa tan.
“Ai mất mạng sống mình vì Thầy, thì sẽ tìm được mạng sống ấy” (c. 25).
Như thế từ bỏ mình là cách duy nhất để giữ mình cho toàn vẹn.
Chẳng thể nào yêu mến và phục vụ lại không gắn liền với việc từ bỏ mình.
Có khi từ bỏ một định kiến hay tự ái, một quyền lợi hay ảnh hưởng riêng,
cũng khó như một hy sinh mạng sống.
Vác thập giá của mình là vác gánh nặng của bổn phận mỗi ngày,
vác yếu đuối của người anh em mỗi ngày, vác cuộc đời mình mỗi ngày.
Thầy Giêsu đòi chúng ta vác thập giá của mình mà theo Thầy cho đến chết.
Vì Thầy là Con Thiên Chúa, vì Thầy đã lấy lại được sự sống,
nên chúng ta tin tưởng vác thập giá bước đi sau Thầy.

Cầu nguyện :

Lạy Chúa Giêsu,
trước khi con tìm Chúa, Chúa đã đi tìm con.
Trước khi con thấy Chúa, Chúa đã nhìn thấy con.
Trước khi con theo Chúa, Chúa đã đi theo con.
Trước khi con yêu Chúa, Chúa đã mến yêu con.
Trước khi con thuộc về Chúa, Chúa đã thuộc về con.
Trước khi con phụng sự Chúa, Chúa đã phục vụ con.
Trước khi con từ bỏ mình vì Chúa, Chúa đã nộp mình vì con.
Trước khi con sống và chết cho Chúa, Chúa đã sống và chết cho con.
Trước khi con đặt Chúa lên trên hết,
Chúa đã coi con là hạnh phúc tuyệt vời của Chúa.
Lạy Chúa Giêsu là Thầy của con,
Chúa luôn đi trước con.
Chúa làm trước khi Chúa dạy.
Con hiểu rằng mọi điều Chúa đòi hỏi nơi con
đều chỉ vì lợi ích vĩnh cửu của con mà thôi.
Xin cho con đón nhận những cắt tỉa của Chúa
với lòng biết ơn và rất nhiều tình yêu. Amen.

Lm. Ant. Nguyễn Cao Siêu SJ.