Dân Chúa Âu Châu

kính sợ Thiên Chúa

 

LM. THÊÔPHILÊ

Thưa cha,


Tại sao Thánh Kinh dùng từ «kính sợ» khi nói đến tương quan giữa Thiên Chúa với loài người? Phản ứng đầu tiên của con là cho từ này quá tiêu cực không nói lên được sự tin tưởng Thiên Chúa là Cha. Và như thế xem ra như có hai Thiên Chúa hoàn toàn khác nhau giữa Cựu ước và Tân ước.
H.Lydie59.

Cụm từ «kính sợ Thiên Chúa» có thể gợi lại cho một số anh chị em tín hữu những kỷ niệm không mấy tốt đẹp; và đôi khi nó được dùng quá đáng làm sai đi khuôn mặt Thiên Chúa. Nhìn lại trong Cựu ước, Thiên Chúa lại mang hình ảnh kẻ thích trả thù, hay nổi giận, ghen tương và trừng phạt không nương tay, hoàn toàn đối chọi với hình ảnh Thiên Chúa là Tình yêu do Đức Giêsu mạc khải. Nếu vậy, chẳng lẽ có hai Thiên Chúa sao? Vì thế cần phải tìm hiểu rõ ý nghĩa cụm từ «kính sợ Thiên Chúa», hầu mang ý tưởng về Thiên Chúa đúng đắn hơn. Chỉ có một Thiên Chúa với tình yêu mạnh mẽ đã chọn lựa một dân tộc và sống tương quan giao ước mật thiết với họ.


Ai trong chúng ta lại không bị chinh phục với những biểu lộ của sức mạnh thiên nhiên như bão tố, động đất, lũ lụt…, cho dù đôi lúc khoa học đã giải thích được hiện tượng tự nhiên đó. Đối với người thời cổ đại, họ cho những hiện tượng do các thần biểu lộ. Người Do thái mang cùng một não trạng và họ nhìn những hiện tượng thiên nhiên diễn tả vẻ uy nghiêm và sức mạnh của Thiên Chúa. Quyền uy Thiên Chúa được hoàn thành qua dòng lịch sử như biến cố Xuất hành. Trường hợp này Thiên Chúa dùng sức mạnh biểu dương tình yêu của Người dành cho dân tuyển chọn. Vì thế, dân Do thái cho là điều bình thường khi phải tỏ lộ lòng kính sợ và kính trọng Thiên Chúa vì những điều Người thực hiện cho họ vượt trên sức mạnh của con người. Và cũng từ đó, nhận ra thân phận yếu đuối và thấp kém của mình và họ hướng lòng về Thiên Chúa với tâm tình tôn thờ và kinh ngạc thán phục.


Vượt trên thái độ tôn kính vì những biểu lộ về cái lớn lao của Thiên Chúa. Chúng ta còn cần biết qua việc Thiên Chúa cứu độ, cũng như qua mối tương quan giao ước, điều này cũng đòi hỏi phía con người sự trung tín cho đời sống luân lý. Phương diện về lòng «kính sợ» Thiên Chúa trên bình diện này được gắn liền vào ý thức Thiên Chúa thánh thiện và thân phận con người tội lỗi. Ở đây cần gạt bỏ tư tưởng ý thức một cách bệnh hoạn về tội lỗi, vì tội lỗi trước hết là khả năng con người có để có thể lựa chọn, nhưng họ lại lựa tránh qua một bên chương trình cứu độ mà Thiên Chúa trao ban cho họ. Từ đó sinh ra một tinh thần kính sợ trước tất cả những gì có thể gây nên đổ vỡ trong cuộc sống của họ. Bình thường tâm trạng kính sợ này kèm theo lòng ước muốn và tình yêu Thiên Chúa. Nếu như Thiên Chúa chọn dân Ítraen chỉ vì yêu thương chứ không phải căn cứ vào những công trạng của họ, và đối lại họ cũng diễn đạt cho Người một tình yêu bao gồm mọi chiều kích và khả năng con người của họ.


Trong mối tương quan với Thiên Chúa, sự kính sợ được cân bằng bởi lòng tin tưởng. Khi biểu lộ cho riêng một ai đó, Thiên Chúa kêu gọi họ đừng sợ. Đức tin giúp con người bỏ tình cảm sợ hãi, tại vì sự hiện diện yêu thương của Thiên Chúa mang đến sự bảo đảm cho ta. Đó là trường hợp của Đức Maria trong qua biến cố truyền tin (Lc 1,26-38).
Trong Tin Mừng, các môn đệ cũng mang tâm trạng kính sợ khi họ nhận xét ra một hành vi kỳ diệu Đức Giêsu làm, như lúc Người đi trên mặt nước (Mt 14,22-33), khi Người biến hình (Mc 9,2-10)… Tâm trạng kính sợ được đồng nhất hóa với tâm tình kinh ngạc trước cái siêu việt của Thiên Chúa. Bởi vậy, khi nói các Kitô hữu tiên khởi sống «trong sự kính sợ Thiên Chúa», có nghĩa họ cố gắng mang một cuộc sống hợp với ơn gọi làm con của Thiên Chúa, và sống trong tinh thần tôn kính Thiên Chúa đã hoàn thành quyền năng cứu độ của Người trong Đức Giêsu Kitô.


Chúng ta có thể đọc qua một số đoạn Thánh Kinh tiêu biểu về việc kính sợ Thiên Chúa:
- kính sợ trước sự hiện diện của Thiên Chúa: ông Môsê (Xh 3,6); dân Do thái (Xh 20,18-19); Đức Maria (Lc 1,30); Các mục đồng (Lc 2,9); các tông đồ (Lc 5,9-11).
- Lời mời gọi «Đừng sợ» đưa vào sự tin tưởng: các tổ phụ Ítraen (St 15,1); dân đau khổ: (Is 41,10.13-14); các tông đồ (Mc 6,50; Mt 6,25-34; 10,26-31).
- như sự biểu lộ tình yêu Thiên Chúa: Đnl 6,2.5.13; Lc 1,50.
- như ân huệ của Thánh Thần Chúa: Is 11,2
- như nguyên lý khôn ngoan: Châm ngôn 1,7
- như việc đạo đức: Huấn ca 1,11-20.


Tóm lại, «kính sợ Thiên Chúa» là tôn trọng tính siêu việt của Thiên Chúa trong những tương quan của chúng ta đối với Người. Tâm tình này không có gì ngược với tình yêu, nhưng hoàn toàn đối chọi với bản năng tự kiêu của con người. Mang lòng kính sợ Thiên Chúa đưa chúng ta nhìn thấy lại địa vị thụ tạo trước cái bao la của Thiên Chúa.
Về phương diện thiêng liêng, linh mục Guy Marie Oury cho rằng «lòng kính sợ Thiên Chúa đi ngược với xu hướng tự nhiên coi mình như trung tâm vũ trụ và coi mọi sự đều là vệ tinh của chính mình; lòng kính sợ Thiên Chúa đặt con người vào đúng chỗ của mình, vì chính Thiên Chúa mới là hàng đầu, với bản thể vô biên… Khi con người khám phá ra điều đó và nhận thực tại đó, con người run sợ và có một cảm nhận thiêng liêng như một kinh nghiệm cơ bản và cần thiết».