Dân Chúa Âu Châu

Tên đất nước Việt Nam đã từng bị thay đổi nhiều lần. Kinh đô hay Thủ đô Việt Nam cũng đã mang nhiều danh hiệu khác nhau. Khác với Thăng Long hay Hà Nội, tên gọi của cố đô Huế xuất hiện trong trường hợp nào, không có tài liệu xác nhận, dưới triều Nguyễn cũng như trong các thời kỳ kế tiếp.

Để mở đầu cho loạt bài nói về lịch sử văn hóa miền Trung, trước hết chúng tôi xin giới thiệu cố đô Huế.

I- Đôi dòng lịch sử khai sinh kinh đô Huế
Sự phát triển theo chiều dài Nam tiến của Việt Nam bắt nguồn từ các dữ kiện lịch sử sau đây:
1.1- Vua Trần Nhân Tông đổi Công chúa Huyền Trân lấy hai châu của Chiêm Thành
Việt Nam sử lược có ghi: “năm Tân Sửu (1301) Thượng Hoàng đi sang Chiêm Thành xem phong cảnh, có ước gả Huyền Trân Công Chúa cho vua Chiêm là Chế Mân. Được ít lâu, Chế Mân cho người đưa vàng bạc và các sản vật sang cống và xin cưới. Triều thần có nhiều người không thuận. Chế Mân lại xin dâng châu Ô và châu Rí để làm lễ cưới, bấy giờ Anh Tông mới quyết ý thuận gả. Đến tháng sáu năm Bính Ngọ (1306) cho công chúa về Chiêm Thành. Sang năm sau vua Anh Tông thu nhận hai châu Ô và Rí, đổi tên thành Thuận châu và Hóa châu, rồi sai quan là Đoàn Nhữ Hài vào kinh lý và đặt quan cai trị.”

Buồn cho mối tình Huyền Trân công chúa, người Việt có câu ca dao:
Tiếc thay cây quế giữa rừng,
Để cho thằng Mán thằng Mường nó leo!
1.2- Nguyễn Hoàng khai sinh vương quyền miền Nam
Nguyễn Hoàng là con thứ ba của Nguyễn Kim (bị tướng nhà Mạc là Dương Chấp Nhất đầu độc giết chết năm 1545). Sau khi người anh là Nguyễn Uông bị anh rể Trịnh Kiểm loại trừ, vì nghi ngờ có thể cướp quyền lực của mình, Nguyễn Hoàng quá lo sợ cho thân phận, bèn nhờ người đến hỏi Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm làm cách nào để thoát nạn. Nguyễn Bỉnh Khiêm chỉ nói: “Hoành sơn nhất đái, vạn đại dung thân” (một dẫy Hoành sơn có thể bao dung cho vạn đời).

Nghe vậy, Nguyễn Hoàng mới nói với chị là Ngọc Bảo xin Trịnh Kiểm cho vào trấn thủ tiền đồn phía Nam là Thuận Hóa, nơi thường bị người Chàm quấy phá. Năm 1558, Nguyễn Hoàng và gia đình cùng một số binh sĩ quê Thanh Hóa, Nghệ An đi vào miền Nam. Cùng thời điểm này đất Quảng Nam đã có Tổng binh Nguyễn Bá Quýnh. Năm 1570, Trịnh Kiểm triệu Nguyễn Bá Quýnh về Bắc. Từ đó Nguyễn Hoàng làm chủ phương Nam với lệ mỗi năm phải nộp 400 cân bạc và 500 tấm lụa. Từ năm 1572-1627 Nguyễn Hoàng đã thành công trong việc xây dựng và phát triển 3 tỉnh Quảng Bình, Thuận Hóa và Quảng Nam, trở thành lực lượng đối khác với họ Trịnh tại miền Bắc và sông Gianh là biên giới của hai quyền lực Trịnh-Nguyễn.

II-Tại sao lại gọi là Huế?
Như trên Hóa châu hay Thuận Hóa là đất được vua Chiêm dâng cho nhà Trần trong cuộc tình duyên vương giả mà Huyền Trân Công Chúa là nạn nhân. Chữ Hóa châu dần dà được người ta rút gọn gọi là Hóa, rồi biến thành Huế qua nhiều gian đoạn biến đổi khác nhau.

Theo học giả Thái Văn Kiểm trong quyển Làng Xưa Phố Cũ, tập II, thì trong thời gian đầu Chúa Nguyễn Hoàng (1558-1613) xây dựng thủ phủ tại làng Ái Tử (Quảng Trị). Chúa Sãi Nguyễn Phúc Nguyên (1613-1635) lại dời về làng Phước Yên (Quảng Điền, Thừa Thiên). Năm 1636, chúa Nguyễn Phúc Loan (1635-1648) đổi về làng Kim Long (Hương Trà, Thừa thiên), gần chùa Thiên Mụ. Năm 1687, chúa Nguyễn Phúc Trăn (1687-1691) xây dựng phủ mới tại làng Phú Xuân, ở Đông-Nam kinh thành Huế hiện nay. Năm 1712, chúa Nguyễn Phúc Chu (1691-1725) lại dời phủ ra làng Bắc Vọng (Quảng Điền, Thừa Thiên). Năm 1738, Nguyễn Phúc Khoát, Võ Vương (1738-1765) lại dời phủ chính về Phú Xuân, xưng vương và chọïn Phú Xuân là chính dinh, Đô thành.

Sau khi Nguyễn Phúc Khoát chết thì tình hình miền Nam bất ổn, khai sinh ra triều Nguyễn Tây Sơn đóng đô ở Phú Xuân, rồi triều Nguyễn Gia Long cũng đóng đô ở Phú Xuân; nhưng công trình xây cất được mở rộng hơn. Kinh thành Huế bắt đầu xây dựng năm 1805, chiếm đất của 6 làng: Phú Xuân, Vạn Xuân, Diễn Thái, An Vân, An Hòa, Thế Lợi, An Bửu. -Nguyên ủy chữ Huế

Cuộc hành trình vào Nam của Nguyễn Hoàng, giòng họ và binh lính không chỉ làm cho cuộc sống thay đổi mà cả đến phong tục tập quán của người miền Bắc di dân cũng đổi thay. Tiếng nguyên thủy của người miền Bắc khi sống trên mảnh đất miền Trung bị pha trộn với tiếng nói của người miền núi Trường Sơn, hấp thụ tiếng “ri, mô, tê, răng, rứa” của người Chiêm Thành, dần dà tạo nên một thứ tiếng nói với giọng đặc biệt Huế. Lịch sử của chữ Huế phát sinh từ chúa Võ Vương muốn thay đổi từ chữ Hóa hay vì kỵ húy, tên vợ vua Minh Mạng là (Hồ thị) Hoa, thực tế không có bằng chứng chắc chắn.

Học giả Thái Văn Kiểm cho rằng chữ Huế có thể chứng minh qua các dữ kiện ngôn ngữ và tự điển sau đây:

1-Trên bản đồ “Carte du Tonkin et de l’ Annam của Alexandre de Rhodes”, in năm 1653, có ghi “Province de Thoanoa”. Thoanoa tức là Thuận Hóa. Trong vài hồi ký của ông đã thấy ghi chữ Huế.

2-Trên bản đồ “An Nam Đại Quốc Họa Đo” kèm theo quyển Tự Vị “Dictionarii Latino – nnamitici”    (tome II) của L. Taberd ấn hành năm 1838 tại Serampore (Ấn Độ), chúng ta thấy ghi: Phủ Thừa Thiên Quảng Đức – Huế? Đó là lần đầu tiên, ta thấy tên Huế xuất hiện trong tự điển.

3-Trong quyển Tự Vị Dictionarium Annamitici – Latinum (tome I) của hai vị Giám mục Pigneau de Béhaine (Évêque d’ Adran) và L. Taberd ấn hành năm 1838 tại Seramporei Ấn Độ), chúng ta thấy ghi như sau:

Huế: Province regia Cocincinae
Thuận Hóa: -id-
Chè Huế: Theum illius provincae.
Trước và sau Alexandre de Rhodes, đã có nhiều linh mục phiên âm chữ Hóa:
-Sinoa: xứ Hóa, tức Thuận Hóa (Joao Roiz, 162)
-Sinuua: xứ Hóa (Christoforo Borri, 1621)
-Sinua: xứ Hóa (Alexandre de Rhodes, mai 1631). Chữ Huế cũng có thể viết chữ Nho với chấm thảo.

4-Jean Baptiste Chaigneau mà vua Gia Long đã phong là Đức Thắng Hầu, đã lấy vợ Việt Nam tên là Benotte Hồ thị Huệ, quê ở quán Phủ Cam (Thừa Thiên). Bà sinh mười một người con: trưởng nam là: Michel Đức Chaigneau (25-06-1803) sinh trưởng ở Huế, có viết một thiên ký sự nhan đề Souvenirs de Huế, ấn hành năm 1867 ở Paris, trong đó ông kể lại rất nhiều kỷ niệm thời thơ ấu nơi cố đô Huế, hồi đầu thế kỷ XIX.

5-Vốn là Hoàng hậu, vợ vua Minh Mạng, nhũ danh là Hồ Thị Hoa, con gái ông Hồ Văn Vui, tức Bôi, vị quan coi tàu ngựa của vua Gia Long. Năm Bính Dần 1806, vua Gia Long và Thuận Thiên Hoàng Hậu lựa con gái công thần Hồ Văn Vui làm phối thất cho Thái tử Đởm, sau này lên ngôi là vua Minh Mạng. Gia đình họ Hồ quê quán ở Thủ Đức (Nam Việt)… Theo Đại Nam Chính Biên Liệt Truyện sơ tập bà Hoa có nhiều đức tính: thục, thuận?, hiền, trinh, hết đạo hiếu kính với cha mẹ và người trên. Vua Gia Long ngợi khen, bèn đặt tên là Thật (hay Thiệt). Vua dậy rằng: Phi nguyên tên là Hoa, hoa thì chỉ nghe thơm mà thôi, chi bằng chữ Thật (Thiệt) là gồm cả quả phúc.

Tháng 5 năm Đinh Mão 1807, bà hạ sinh Hoàng tử Miên Tông (sau này là vua Thiệu Trị), sinh được 13 ngày thì bà bị sản hậu mà băng hà, hưởng dương 17 tuổi. Vua Gia Long, Thái tử Đởm và Hoàng gia thương tiếc vô cùng. Vì Húy tên bà mà tên gọi Hoa phải đổi thành Huê, Bông, Ba. Ví dụ như: cửa Đông Hoa cải gọi là Đông Ba, cầu Hoa gọi là cầu Bông, v.v.. Rồi có lẽ chữ Hóa (đọc na ná như Huế) cũng thành chữ húy, cũng như chữ Thật phải đọc thiệt, chữ Anh phải đọc Yêng (Yêng mình đi mô rứa?) để tránh tiếng Ánh là tên của vua Gia Long.”

Tuy nhiên, chúng tôi nhận thấy các bằng chứng qua ngôn ngữ và tự điển của các linh mục và giám mục Tây phương chỉ là sự kiện ghi lại trên thực tế tên kinh đô mà người dân quen gọi. Nhưng văn bản nào xác nhận có Quyết định chính thức đặt tên hay đổi tên Thuận Hóa (hay Hóa) thành Huế về phía vương quyền Việt Nam dưới triều Nguyễn thì vẫn chưa chứng minh được. Chúng tôi chưa sưu tầm được các văn bản hành chánh do triều Nguyễn ban hành Quyết định đặt tên kinh đô hoặc công văn gửi cho các quan địa phương hay cho chính phủ Pháp, trên đó ghi nơi gửi là Phú Xuân, Thừa Thiên hay Thuận Hóa hoặc Huế ngày... tháng … năm nào?

Kế đến, triều đình, các quan và dân chúng kỵ húy tên vợ vua Minh Mạng là Hoa nên gọi là Huế thì chỉ bắt đầu vào thời vua Minh Mạng, còn thời Gia Long, Thiệu Trị thì sao? Nếu các vua trước đã đặt tên cho kinh đô là Phú Xuân hay Thuận Hóa, ai dám cản hay không tuân hành lệnh. Nếu vua Minh Mạch đổi tên kinh đô thì văn bản nào xác định được biến cố này?

(Nếu quí độc giả và học giả có các dữ kiện liên quan đến vấn đề này, kính xin sao cho chúng tôi một bản gửi về tòa soạn Dân Chúa Âu Châu để làm tài liệu nghiên cứu. Xin đa tạ.)

III-Kinh Thành Huế

Kinh thành Huế được xây dựng gần 30 năm (từ 1803 đến 1832), là một dãy thành lũy cao 6,60m, dày 21m, chu vi gần 9.000m. Trên mặt thành ngày xưa có tới 24 pháo đài. Bên ngoài, dọc theo bờ thành có hào sâu bảo vệ. Kinh thành liên lạc với bên ngoài qua 8 cửa trổ theo 8 hướng: Chính Đông, Chính Tây, Chính Nam, Chính Bắc, Tây Bắc, Tây Nam, Đông Bắc, Đông Nam. Ngoài ra hai bên Kỳ Đài còn có hai cửa Thể Nhơn, Quảng Đức và hai cửa bằng đường thủy ở hai đầu sông Ngự Hà là Đông Thành Thủy Quan và Tây Thành Thủy Quan. Phía Hoàng Thành ở góc đông bắc có một thành nhỏ, thời Gia Long gọi là Thái Bình, đến thời Minh Mạng đổi thành Trấn Bình Đài có chu vi gần 1km, bên ngoài có hào rộng ăn thông với hào của Hoàng Thành.

Theo nguyên tắc địa lý phong thủy của Đông Phương và thuyết âm dương-ngũ hành của Dịch học. Kinh thành quay mặt về hướng Nam, dùng núi Ngự Bình làm tiền án và dùng 2 hòn đảo nhỏ trên sông Hương (Cồn Hến - Cồn Dã Viên) làm Rồng chầu Hổ phục (Tả Thanh Long - Hữu Bạch Hổ) để bảo vệ đế đô. Dòng Sông Hương chảy ngang trước mặt dùng làm Minh Đường. Bốn mặt kinh thành đều được bao bọc bởi hệ thống sông ngòi gọi là sông Hộ Thành.

Ở trong lòng Kinh thành, Hoàng thành và Tử cấm thành được gọi chung là Đại Nội. Hoàng Thành được xây dựng để bảo vệ các cơ quan lễ nghi và chính trị quan trọng nhất của triều đình và các điện thờ. Tử Cấm thành bảo vệ nơi làm việc, ăn ở và sinh hoạt hàng ngày của nhà vua và gia đình…
Được xây dựng từ 1804-1833, Đại Nội có mặt bằng theo hình gần vuông, mặt trước và mặt sau dài 622m, mặt trái và phải 604m. Xung quanh thành xây bằng gạch (cao 4,16m, dày 1,04m), bên ngoài có hệ thống hộ thành hào, gọi là Kim Thủy Hồ, để bảo vệ thành. Mỗi mặt trổ một cửa để ra vào: Ngọ Môn (trước), Hòa Bình (sau), Hiển Nhơn (trái), Chương Đức (phải). Cửa chính của Ngọ Môn chỉ dành cho vua đi mà thôi.

-Từ Ngọ Môn đến Điện Thái Hòa là nơi cử hành các lễ lớn của triều đình.
-Triệu Miếu, Thái Miếu, Hưng Miếu, Thế Miếu và Điện Phụng Tiên là nơi thờ các vua chúa nhà Nguyễn.
-Cung Diên Thọ và Cung Trường Sanh là nơi ở của Hoàng Thái Hậu và Thái Hoàng Thái Hậu.
-Phủ Nội Vụ là nhà kho tàng trữ đồ quý, xưởng chế tạo đồ dùng hoàng gia.
-Vườn Cơ Hạ và Điện Khâm Văn là nơi các Hoàng tử học tập và chơi đùa.3.1-Tử Cấm Thành: Có mặt bằng cũng gần vuông, cao 3,7m, mặt trước và sau dài 324m; mặt trái và phải dài 290m. Quanh thành trổ 10 cửa. Đại Cung Môn là cửa chính ở mặt tiền chỉ dành cho vua ra vào, hiện nay đã hư hại hoàn toàn. Bức bình phong to rộng dăng ngang sau lưng điện Cần Chánh (nơi vua làm việc hàng ngày) là

dấu hiệu cho biết thế giới sau đó chỉ dành riêng cho vua và gia đình. Trong đó có hàng trăm cung nữ và hàng chục thái giám thường trú để phục vụ hoàng gia. Trong khu vực này có gần 50 công trình kiến trúc vàng son lộng lẫy bao gồm: điện Càn Thành (nơi vua ở), điện Khôn Thái (nơi vợ chính vua ở),

Duyệt Thị Đường (nhà hát), Thượng Thiện (nơi nấu ăn cho vua), Thái Bình Lâu (nơi vua đọc sách), điện Quang Minh (nơi ở các hoàng tử), điện Trinh Minh (nơi các hoàng hậu ở), điện Kiến trung, vườn Cẩm Uyển...3.2-Ngọ Môn: Vừa là cổng chính, vừa là bộ mặt Đại Nội, được vua Minh Mạng xây dựng vào năm 1833. Ngọ Môn là một tổng thế kiến trúc đa dạng, phía trên là lầu Ngũ Phụng với chức năng như một lễ đài, dùng để tổ chức một số lễ nghi trọng thể như duyệt binh, lễ xướng tên những người thi đỗ tiến sĩ, lễ ban sóc hàng năm và đây cũng là nơi diễn ra lễ thoái vị của vua Bảo Đại - vị vua cuối cùng của Việt Nam vào ngày 30/8/1945.

Theo kinh dịch thì các vị vua bao giờ cũng quay mặt về hướng Nam để cai trị thiên hạ. Thời Gia Long (1802-1819), khi xây dựng kinh đô Huế, các nhà kiến trúc đã cho hệ thống thành quách và cung điện ở vào vị thế tọa càn hướng tốn (Tây Bắc - Đông Nam) cũng có nghĩa là hướng Bắc - Nam, thuộc Ngọ trên trục Tý – Ngọ. Minh Mạng đã đặt tên cho chiếc cổng mới xây ở chính giữa mặt trước hoàng thành là Ngọ Môn, thay cho tên cũ là Nam Khuyết đài.3.3-Điện Thái Hòa: là công trình kiến trúc quan trọng nhất xét về nhiều mặt: chức năng, vị trí, ý nghĩa lịch sử, giá trị văn hóa nghệ thuật. Điện Thái Hòa là địa điểm sinh hoạt quan trọng nhất của triều đình nhà Nguyễn. Đây là nơi diễn ra các lễ đại triều hàng tháng (vào ngày 1 và 15 âm lịch) hoặc các đại lễ khác như lễ Đăng Quang (vua lên ngôi), lễ Vạn Thọ (sinh nhật vua), lễ Hưng Quốc Khánh Niệm... với sự tham gia của vua, hoàng thân, quốc thích và các vị đại thần. Về lịch sử xây dựng ngôi điện này, có thể chia làm ba thời kỳ chính, trong mỗi thời kỳ đều có một số thay đổi, cải tiến về kiến trúc trang trí,...

Trên mái điện, người ta đắp nổi 9 con rồng với một nghệ thuật cực kỳ tinh xảo. Cuối gian giữa của chính điện là ngai vàng được chạm khắc công phu, phía trên là bửu tán được trang trí cực kỳ lộng lẫy. Tám mươi cây cột gỗ lim khá lớn đều vẽ hình rồng vờn mây, màu vàng son rực rỡ.3.4-Ngai Vàng: Phía trước Điện Thái Hoà là sân Đại Triều, hồ Thái Dịch và cầu Trung Đạo. Sân Đại triều chia làm 3 tầng, là nơi dành cho các quan từ nhất phẩm đến cửu phẩm sắp hàng làm lễ. thứ tự các quan được đánh dấu bởi hai hàng phẩm sơn (bia đá nhỏ) dựng ở hai bên sân.3.5-Thế Miếu: Năm 1804, Gia Long cho xây dựng miếu Hoàng Khảo ở vị trí của Thế Miếu ngày nay để thờ cha mình là Nguyễn Phúc Luân. Đến năm 1821 Minh Mạng đã cho dời miếu Hoàng Khảo về phía sau vài chục mét, đổi thành Hưng Miếu, còn xây Thế Miếu lên vị trí ấy (từ 1821-1822) để thờ vua Gia Long và các vua kế vị. Thế Miếu được xây dựng trên mặt bằng 1.500m2, cho đến giữa thế kỷ này (1954) chỉ có 7 án thờ của các vua: Gia Long (1802-1819); Minh Mạng (1820-1840); Thiệu Trị (1841-1847); Tự Đức (1848-1883); Kiến Phúc (1883-1884); Đồng Khánh (1886-1888); Khải Định (1916-1925). Ba ông vua Hàm Nghi (1884-1885); Thành Thái (1889-1907) và Duy Tân (1907-1916) có tinh thần chống Pháp bị triều đình Huế liệt vào hạng xuất đế nên không được đưa vào thờ ở đây. Đến 10/1958, ba vị vua này mới được đưa vào thờ phụng ở Thế Miếu.3.6-Hiển Lâm Các: xây dựng một lần với Thế Miếu từ 1821-1822 (thời vua Minh Mạng), trên khối nền cao hình chữ nhật, từ dưới bước lên mặt nền trước sau có 9 bậc. Hiển Lâm Các được kiến trúc bằng gỗ theo hình thức cao tầng, chức năng chính được xem như là đài kỷ niệm ghi nhớ công lao các vua triều Nguyễn thờ ở Thế Miếu và các đại thần có công thờ ở hai bên Tả Tùng Tự và Hữu Tùng Tự.3.8-Cung Diên Thọ:

Cung Diên Thọ gồm có hơn 10 tòa nhà được bố trí trong khuôn viên tường thành bao bọc hình chữ nhật rộng khoảng 100m, dài gần 150m. Tòa nhà chính nằm giữa dành làm nơi mẹ vua nghỉ và tiếp khách. Ở đây nay chỉ còn cung Diên Thọ, điện Thọ Ninh, tạ Trường Du, am Phước Thọ và lầu Tịnh Minh. Cung Diên Thọ được xây dựng từ năm 1804 và qua nhiều lần đổi tên. 3.7-Phủ Vân Lâu: được xây dựng vào năm 1819 dưới thời vua Gia Long, dùng làm nơi niêm yết những chỉ dụ quan trọng của nhà vua và triều đình, hoặc kết quả các kỳ thi do triều đình tổ chức. Năm 1829, vua Minh Mạng dùng nơi đây làm địa điểm tổ chức cuộc đấu giữa voi và hổ, năm 1830 ông lại tổ chức cuộc vui chơi yến tiệc suốt 3 ngày để mừng sinh nhật của mình. Phủ Văn Lâu là ngôi nhà hai tầng duyên dáng, quay mặt về hướng nam.

Dưới thời vua Thiệu trị, triều đình cho dựng ở hai bên hai tấm bia đá khắc 4 chữ “khuynh cái hạ mã”, nghĩa là ai đi qua đều phải cởi mũ và xuống đi bộ. Phía trước mặt Phủ Văn Lâu là một ngôi nhà nằm kế bên sông Hương gọi là Nghinh Lương Đình. Đây là nơi dùng để các vua tắm sông, hóng gió, ngắm cảnh.3.8-Văn Miếu: Lập ra để tôn vinh các thánh hiền của đạo Nho, đồng thời là nơi đào tạo nhân tài của đất nước. Khởi công xây dựng từ 17:4:1808 đến 12:9:1808 tại một ngọn đồi thấp phía trên chùa Thiên Mụ sát tả ngạn sông Hương.

Văn Miếu quay về hướng Nam tọa lạc trên một mô đất hình vuông, mỗi cạnh chừng 160m, xung quanh có la thành bao bọc. Tất cả chừng 50 công trình kiến trúc lớn nhỏ, trong đó có 32 tấm bia khắc tên, tuổi, quê quán của 239 vị tiến sĩ của các kỳ thi được tổ chức dưới triều Nguyễn và 4 tấm bia khác. Văn Miếu đã nhiều lần được tu sửa, xây dựng thêm các công trình phụ nhất là dưới thời vua Minh Mạng,

Thiệu Trị. Từ thời Minh Mạng về sau mở các khoa thi Hội nên bắt đầu dựng bia tiến sĩ từ 1831-1919. Hơn nửa thế kỷ nay, chiến tranh và thiên nhiên đã tàn phá, Văn Miếu trở thành nơi hoang phế, điêu tàn, vừa qua được tiến hành trùng tu lại với nỗ lực giữ gìn sự tồn tại những di tích có giá trị về nghệ thuật, văn hóa và lịch sử.3.9-Quốc Tử Giám: là trường Đại học quốc gia ngày xưa do triều đình mở ra để đào tạo nhân tài. Ở nước ta, Quốc Tử Giám đầu tiên đã được thành lập vào năm 1076 tại Kinh đô Thăng Long. Dưới thời Gia Long, cùng với việc xây dựng Văn Miếu ở vị trí phía trên chùa Thiên Mụ, trường Quốc Tử Giám cũng được lập ra ở đó. Sang thời Minh Mạng, số lượng người đi học ngày càng đông, quy mô trường ngày càng được mở rộng.3.10-Đàn Nam Giao: được xây dựng vào năm 1806 thời vua Gia Long, là nơi triều đình và nhà vua làm lễ tế trời. Đàn cách Kinh thành Huế khoảng 4km về phía Nam. Đàn gồm 3 tầng, quay mặt về hướng Nam. Tầng thứ nhất hình vuông, màu đỏ, tượng trưng cho người. Tầng thứ hai gọi là Phương đàn cũng hình vuông, màu vàng, tượng trưng cho đất. Tầng thứ ba hình tròn, gọi là Viên đàn, màu xanh, tương trưng cho trời. Kiểu kiến trúc này phản ánh quan niệm về vũ trụ Đông phương: Trời tròn, Đất vuông. Chung quanh đàn Nam Giao, còn nhiều ngôi nhà: Trai Cung (nơi nhà vua ở và chay tịnh khi làm lễ tế trời), Thần Trù (nhà bếp), Thần Khố (nhà kho)... và trồng nhiều thông. Lễ tế trời ở Đàn Nam Giao là một đại lễ, được tổ chức mỗi năm một lần, kéo dài tới 3 ngày (từ thời vua Gia Long đến thời vua Đồng Khánh). Từ sau đời vua Thành Thái (1889-1907) đến năm 1945, ba năm mới tiến hành lễ tế trời một lần. Thời Bảo Đại (1926-1945), lễ tế trời rút lại chỉ còn một ngày.  

 

(Tài liệu nghiên cứu cho chủ đề Huế và miền Trung đúc kết từ các trang Website nói về cố đô Huế và Tự điển Địa danh Văn hóa và Thắng cảnh VN - NXB/KHXH)