Dân Chúa Âu Châu

BY: HOÀNG THẠCH

 

I- LỤA HÀ ĐÔNG

Nói tới Lụa Hà Đông, dân chúng miền Nam không xa lạ gì với bài thơ Áo Lụa Hà Đông của thi sĩ Nguyên Sa. Nói tới thi sĩ Nguyên Sa, giới học sinh xưa nhiều người không quên giáo sư Trần Bích Lan, hiệu trưởng trường Văn Học ở thủ đô Sài Gòn. Triết học là một trong các môn khó hiểu và nếu không giảng hay dễ làm cho học sinh ngủ gật hoặc cúp cua. Nhưng đối với thày Trần Bích Lan thì học triết học hấp dẫn đến độ học sinh quên ngủ trong lớp. Bài thơ Áo Lụa Hà Đông đã được nhạc sĩ Ngô Thụy Miên phổ nhạc và nhiều ca sĩ đã hát:

Nắng Sài Gòn anh đi mà chợt mát
Bởi vì em mặc áo lụa Hà Đông
Anh vẫn yêu màu áo ấy vô cùng
Anh vẫn nhớ em ngồi đây tóc ngắn
Mà mùa Thu dài lắm ở chung quanh
Linh hồn anh vội vã vẽ chân dung
Bay vội vã vào trong hồn mở cửa
Em chợt đến, chợt đi, anh vẫn biết
Trời chợt mưa, chợt nắng chẳng gì đâu
Nhưng sao đi mà không bảo gì nhau?
Để anh gọi tiếng thở buồn vọng lại.

 

Nói tới Lụa Hà Đông, người Việt trong nước mới biết có một phim đắt tiền nhất từ trước đến nay, một triệu Mỹ-kim, do các công ty Phước Sang, Ánh Việt và phim Việt thực hiện với chủ đề Áo Lụa Hà Đông đã được gửi tới Đại hội Điện ảnh Cannes 2005 để dự thi. Phim do đạo diễn Lưu Huỳnh thực hiện và hai diễn viên chính là Trương Ngọc Ánh và Quốc Khánh. Phim được quay tại Hội An, Huế, Quảng Trị, Hà Nội và Hà Đông.

 

Tại đại hội diện ảnh Cannes, phim Áo Lụa Hà Đông không đạt được giải quan trọng nào. Điều này chứng tỏ mức độ nghệ thuật và cốt truyện phim chưa đạt được trình độ mà giới điện ảnh quốc tế đòi hỏi. Tuy nhiên về phương diện quảng cáo thì Lụa Hà Đông có dịp được biết tiếng trên thị trường thề giới nhiều hơn.
Đưa ra hai sự kiện nêu trên, trong bài này chúng tôi muốn nói tới tới Lụa Hà Đông, một sản phẩm thủ công nghiệp nổi tiếng của Việt Nam có từ thời xa xưa và lưu truyền cho tới ngày nay.

 

Khi nói đến sản phẩm thủ công nghiệp của dân Việt, chúng ta không thể quên hai câu ca dao đã đi vào lịch sử dân tộc:
The La, lĩnh Bưởi, chồi Phùng
Lụa Vân Vạn Phúc, nhiễu vùng Mỗ bên (*)
Tơ lụa Hà Đông là sản phẩm dệt thủ công bằng tơ tằm, rất đặc sắc, độc đáo và xứng đáng tiêu biểu nhất trong số những hàng dệt của Việt Nam. Hàng tơ lụa bền, đẹp. Về màu sắc và mỹ thuật hội họa đã đạt tới đỉnh cao của nghệ thuật.

 

1. Các loại hàng tơ lụa Hà Đông

 

Tơ lụa của Việt Nam có nhiều loại khác nhau như: lụa, là, gấm, vóc, the, lĩnh, bằng, quế, đoạn, sa, đũi, kỳ cầu... Chỉ riêng làng dệt Vạn Phúc (Hà Đông), một trung tâm dệt thủ công lớn và nổi tiếng nhất trong cả nước đã từng làm ra hàng chục loại the, lụa, đũi, gấm, lĩnh, vải...
-Gấm: Đây là loại vải dày, có nhiều màu sắc khác nhau gồm: gấm lam, gấm hồng cánh chấu, gấm đỏ, gấm vàng... Hoa trên gấm thường có màu tươi rực rỡ, được dệt nổi,

giống như thêu chỉ màu, nên hình ảnh coi rất hấp dẫn. Một tấm gấm mầu, thường có 5 hay 7 màu được gọi là gấm ngũ thể hay gấm thất thể. Gấm là mặt hàng quý giá và khó làm nhất trong tất cả các mặt hàng tơ lụa. Người thợ dệt gấm phải đạt tới trình độ tay nghề rất cao, kỹ thuật điêu luyện và có óc thẩm mỹ. Vì yếu tố kỹ thuật và mỹ thuật đòi hỏi cao như vậy, nên từ xưa tới nay có rất ít nghệ nhân biết dệt gấm.
Theo truyền tụng trong dân gian thì dưới thời Lê, chỉ có làng Vạn Phúc là nơi duy nhất biết dệt gấm.

 

2. Những loại vải lụa tiêu biểu

 

-Vân: Là mặt hàng lụa mỏng có hoa nổi, hoa chìm. Hoa nổi trên mặt lụa thì bóng mịn. Còn hoa chìm phải soi lên ánh sáng mới thấy được. Vân được dệt ở làng Vạn Phúc, là một loại sản phẩm đặc biệt và chỉ có thợ Vạn Phúc dệt vân giỏi nhất trong nước. Qua ca dao người ta còn nhớ câu: "The La, lụa Vạn, vải Canh” để chỉ các làng dệt nổi tiếng.
-Lụa: Bao gồm các loại lụa trơn, lụa hoa. Đây là mặt hàng dệt theo kiểu đan lóng mót, mặt lụa rất mịn màng và óng ả.

 

-The, sa, xuyến, băng, quế:

Các loại sản phẩm này có đặc điểm chung, nét đặc sắc là đều dệt hở (thưa) - nghĩa là trên mặt đều có những lỗ thủng nho nhỏ trông rất đẹp. Lỗ hở giữa các loại vải này cũng khác nhau về kích thước, mức độ thưa và dày.
-Lĩnh, đoạn, vóc, sa tanh: Là các loại vải dệt dày. Số lượng sợi dọc nhiều hơn vải lụa. Mỗi tấm vải này có khoảng 8.000 sợi dọc so với lụa tơ chỉ có chừng 3.000.

 

-Sa tanh: là loại vải lụa mỏng, mặt vải dệt bằng sợi bóng láng dễ nhìn ra dưới ánh sáng ban ngày.
-Xuyến: giống Sa tanh một phần, nhưng mỗi hàng chỉ dệt thưa và mỗi hàng chỉ tơ người ta bỏ đi một sợi.
-Băng: loại vải thưa nhìn giống màng nhện.

 

-Sa, xuyến và băng thường dùng để may quần áo lót bên trong.
-Nhiễu: vào những ngày lạnh người ta mặc nhiễu, một loại vải dệt bằng nhiều lớp sợi tơ để chịu được khí lạnh mùa đông.
-Lĩnh: là vải dệt bằng sợi dài và đầy hơn bình thường, bề mặt bóng loáng. Phụ nữ thường mặc quần Lĩnh vào dịp Tết hay các ngày lễ hội.
-Đoạn: giống vải Lĩnh, nhưng dầy hơn và thường dùng cho nam giới.
Nghệ thuật trang trí và hoa văn trên lụa được coi là tiêu điểm nghệ thuật của phương pháp tạo hình trên vải sợi của các nghệ nhân và nghệ sĩ Việt Nam. Các nghệ nhân vẽ mẫu và dệt ở Hà Đông đã dựa vào kho tàng nghệ thuật truyền thống dân tộc, sáng tạo chứ không rập khuôn, nhằm thích ứng với từng loại vải dệt. Đề tài thường là Ngũ phúc, Long vân (rồng mây), Nguyên hoa (hoa chanh, cúc, hồng...), Thọ đỉnh (lư hương và chữ Thọ)... Nhìn chung, hoa văn dệt theo truyền thống bao giờ cũng trình bày đối xứng. Đường nét trang trí không rườm rà, phức tạp mà mềm mại, phóng khoáng.

 

3. Lịch sử về tơ lụa

 

Theo truyền thuyết thì khoảng 3.000 năm trước đây, Công Chúa Hoàng Phủ Thiệu Hoa là người con gái xinh đẹp, nết na, chăm chỉ và có tài thêu dệt, nên được Hùng Định Vương (Hùng Vương I) rất quí yêu. Khi công chúa Thiệu Hoa tới tuổi kết hôn, Vua cha muốn nàng lấy một nhà giáo, nhưng nàng xin cha trì hoãn cuộc hôn nhân. Sau đó nàng di chuyển tới làng Cổ Sát để sinh sống nghề nông và tại đây nàng đã dậy dân dệt vải. Tới tuổi 32 Công chúa đã đi tới hơn 60 làng dọc theo sông Hồng dậy dân nghệ thuật dệt lụa. Sau đó nàng trở về làng Cổ Sát và qua đời tại đây. Ở Cổ sát nay là làng Cổ Đô vùng Ba Vì thuộc tỉnh Sơn Tây, cách Hà Nội khoảng 40 cây số, có đền thờ Công chúa Hoàng Phủ Thiệu Hoa, Tổ Mẫu của ngành Lụa Việt Nam.
 
Lụa còn gọi là nhung được người Việt sản xuất kể từ những năm 1040 dưới đời vua Lý Thái Tông, để khỏi phải nhập cảng từ ngoại quốc. Nhung lụa từ thuở ban đầu chỉ dành cho Hoàng Cung và giới thượng lưu. Chính vì thế mới có câu nói "Sống trong nhung lụa", "bọc trong áo gấm" ám chỉ cuộc sống của giới giầu sang quyền quí.
Từ hơn nửa thế kỷ nay tơ lụa của Việt Nam đã nổi tiếng tại thị trường Ba Lê. Lụa Vạn Phúc đã từng được triển lãm tại Marseilles (1928), Paris (1931-1938), Jakarta (1931-1941). Lụa nổi tiếng nhất của Vạn Phúc là Lụa Vân (vẽ mây). Về thống kê cho thấy, 785 trong số 1.343 gia đình tại Vạn Phúc đã thu được một lợi tức hàng năm là 27 tỉ đồng, bằng 63% ngân sách của tỉnh. Ngày nay hàng ngàn mẫu tây sẽ được canh tác trồng dâu, nuôi tằm để sản xuất tơ lụa. Theo thống kê lợi tức về xuất cảng tơ lụa thu được khoảng 50 triệu Mỹ-kim vào năm 2005.

 

Trong các loại vải quí, có thể nói vải Gấm là Nữ Hoàng của lụa. Gấm dày, được thêu hoa, vẽ vật thật công phu. Trong quá khứ Gấm chỉ dùng để may áo cho vua, vì nó đòi hỏi công trình dệt và thêu rất tinh vi và đẹp mắt. Trên áo Gấm thường được vẽ hình hai con rồng chầu mặt trăng. Để hoàn thành mỗi tấm vải Gấm chính hiệu, người thợ chuyên nghiệp phải mất khoảng gần một năm để vẽ, trang trí và ba tháng để may. Ngày xưa khi dệt và thêu áo Gấm cho vua hay Hoàng hậu xong, mẫu vải phải hủy bỏ ngay để áo gấm đó là kiểu mẫu duy nhất, không ai được phép bắt chước. Nếu chủ may vi phạm sẽ bị án "Tru di tam tộc" (dòng họ ba đời bị giết chết!)

 

Ngày nay giá gấm khoảng 20.000 đồng một mét đối với vải có 50% lụa; 50.000 đồng vải có 75% lụa và 100% lụa thì tùy theo mặt hàng và chất lượng.
 Ngày nay nhiều quí bà ở ngoại quốc đãõ may và mặc áo Gấm rồi, ngang hàng với Hoàng Hậu thời xưa, mà chẳng ai sợ bị tru di tam tộc cả. Như vậy vải gấm không còn là sản phẩm độc quyền dành cho vua chúa và giới quyền quí nữa.

Đúng là: "Có tiền mua tiên cũng được"

 

II - LÀNG NHUỘM ĐAN LOAN

 

Nói đến tơ Lụa Hà Đông thì không thể không nói tới làng nhuộm Đan Loan, nơi biến tơ lụa thành nhiều mầu rực rỡ.
Theo tài liệu thì Làng Đan Loan xưa thuộc Tống Minh Luân, huyện Đường An, nay thuộc xã Nhân Quyền, huyện Bình Giang, tỉnh Hải Dương. Vốn là một làng nhỏ nằm giữa vùng châu thổ sông Hồng. Nơi đây là quê hương của danh nhân Phạm Đình Hổ, người đã để lại cho văn học nước nhà nhiều tác phẩm có giá trị, tiêu biểu như Vũ Trung Tuỳ Bút, Châu Phong Tạp Khảo và nhiều tác phẩm khác.

 

Tuy nhiên làng Đan Loan được biết tiếng không phải vì danh nhân văn học, mà nổi tiếng là một làng nhuộm vải tơ lụa. Từ xa xưa dân chúng trong vùng đã lưu truyền câu ca dao:

 

Hồng hồng, biếc biếc, xanh xanh
Đan Loan, Ngọc Cục thị thành vẻ vang.
Dân làng Đan Loan thì tự trào bằng câu đối:
Thiên hạ thanh hồng do ngã thủ
Triều đình chu tử tự ngô gia

(có nghĩa: Sắc màu xanh đỏ trong thiên hạ đều do tay ta. Quần áo tía hồng ở triều đình cũng từ nhà ta mà có).

 

Làng Đan Loan còn có tên là làng Đọc. Truyền thuyết kể lại rằng: khoảng hai nghìn năm trước, nơi đây là vùng đất hoang vu toàn lau cỏ. Ở Tổng Minh Luân có vợ chồng cụ Độc, tên thì thế nhưng tính tình hiền lành, chịu khó làm ăn và trở nên khá giả. Hai cụ tuổi đã cao mà chưa có con, nên thường đi đến các làng lân cận nhận trẻ mồ côi không nơi cư trú về nuôi. Hai cụ đã kiếm được bẩy trẻ làm con nuôi, đặt tên theo họ là Lê, Phạm, Đào, Bùi, Đoàn, Dương, Vũ. Các con lớn lên, gia đình đông đúc, cụ Độc xin phép dân làng cho ra khai hoang khu đất cách làng cũ chừng 2 cây số, trồng lúa để sinh sống. Bảy người con lớn lên, xây dựng gia đình ở quây quần bên cạnh, trở thành thôn ấp. Dân trong vùng gọi là ấp cụ Độc.

 

Cụ Độc dạy các con cày bừa, cấy gặt và mời thầy đồ về dạy con học chữ. Cụ dựng ngôi nhà gỗ 5 gian để làm trường học, đọc chữ. Vì vậy về sau người ta gọi là làng Đọc. Cái tên làng Đọc vẫn tồn tại cho đến ngày nay.
Làng Đọc là làng khoa bảng, có số Tiến sĩ nhiều thứ hai của huyện Bình Giang, chỉ sau làng Mộ Trạch. Theo nhiều tài liệu lịch sử thì ông Vũ Huyên là con ông Vũ Thạnh, là cháu ông Vũ Huy. Ba anh em, chú cháu cùng làm quan trong triều nên đương thời có người mừng câu đối rằng
‘’Đông triều tam tiến sĩ. Nhất nhật lưỡng vinh qui (cùng một triều đại có 3 Tiến sĩ. Trong một ngày có hai người cùng về vinh qui bái tổ).

 

Cụ Độc là Thuỷ tổ làng, nhưng thành hoàng làng lại là ông bà Triệu Xương. Lịch sử làng đã ghi: Vào thời nhà Đường cai trị nước ta, có một viên quan tên là Triệu Xương cùng vợ là Phương Dung công chúa đi qua vùng này, thấy làng quê trù phú dân làng chịu khó cấy cày, lại ham đọc sách, nên ngự lại làng, dạy cho dân biết nghề nhuộm vải và tơ lụa, là nghề gia truyền bên Trung Quốc. Từ đó dân làng Đọc có thêm nghề nhuộm, (còn gọi là nghề ruộm). Dân làng nhớ công ơn nên thờ ông bà Triệu Xương làm Thành Hoàng làng.

 

Người làng Đọc biết nhuộm nhiều màu sắc, nào màu đỏ, màu hồng, màu xanh, màu tía... do biết cách pha màu nên người ta có thể nhuộm các màu theo ý muốn. Nghề nhuộm đáp ứng được nhu cầu phát triển của xã hội thời đó, nên người làng Đọc đã có cơ hội làm giàu. Nhiều gia đình đã ra thành phố mở những cửa hiệu nhuộm. Những người còn ở lại làng thì với gánh đồ nghề trên vai họ đã đi khắp chợ cùng quê để nhuộm thắm, nhuộm hồng, nhuộm tía và để tiền thiên hạ chảy về làng Đọc. Dân vùng này có câu ca: Tiền làng Đọc, thóc làng Nhữ, chữ làng Trằm.
Vào thời Tiền Lê, những người thợ tài giỏi của làng đã được vua Lê mời vào cung nhuộm vải và tơ lụa, để làm tàn, lọng, áo mũ và nhuộm cả những sợi tơ tằm để làm tua, làm hoa gắn vào mũ áo của vua và các quan lại trong triều. Từ đó làng Đọc được gọi tên mới là làng Đan Loan.
(Theo chữ Hán: Đan là màu đỏ, Loan là con chim Phượng cái màu Đỏ). Ý nói đây là nơi tạo ra nhiều màu sắc, với màu đỏ là màu rực rỡ nhất, những người thợ nhuộm của làng tần tảo, chịu khó như con chim phượng bay đi khắp mọi nơi làm đẹp cho đời. Không sử sách nào ghi người đặt tên cho làng, nhưng đây là cái tên vừa đẹp, vừa hợp với một làng thợ nhuộm.

 

Theo sử liệu có đoạn nói về Phố hàng Đào từ đầu thế kỷ XV của Nguyễn Trãi:
"... Đã làm trung tâm nhuộm và buôn bán vải, lụa lớn nhất kinh đô Thăng Long. Đan Loan, một làng nghèo xứ Đông, cách Thăng Long đến 50 cây số, do có kỹ thuật nhuộm điều đã kéo về hành nghề ở Thăng Long ngày một đông. Vào cuối thế kỷ XVII người làng Đan Loan đã lập được đình ở Hàng Đào, lập được chợ riêng ở phố Hàng Đào. Phố Hàng Đào trở thành phố riêng của dân làng Đan Loan và họ giàu lên nhanh chóng”.
...................
Chú thích (*):
-Mỗ: làng Đại Mỗ, Tây Mỗ, Thường Mỗ
-La: (nay là làng La Khê, La Ca. La Nôi, La Tỉnh, La Phù, Ba La) những làng dệt the. Tiếng Hán La có nghĩa là Lụa.
-Canh: (nay là làng Canh Diễn) dệt vải bằng sợi bông.