Dân Chúa Âu Châu

Nói đến văn hóa của một dân tộc, người ta không thể không nghiên cứu các ngày lễ hay hội hè và đình đám của dân tộc đó. Miền Bắc là cái nôi lịch sử của Việt Nam và dĩ nhiên các sinh hoạt của người dân trong suốt hàng ngàn năm lịch sử đã nói lên được các đặc điểm văn hóa của vùng này. Miền Trung và miền Nam cũng có những sắc thái đặc biệt trong nền văn hóa dân tộc mà chúng tôi sẽ lần lượt nghiên cứu và trình bày trong các số kế tiếp.


Chủ đề văn hóa cho Dân Chúa Âu Châu số này, chúng tôi muốn giới thiệu một vài lễ hội không mang tích chất lịch sử đấu tranh giữ nước và chống ngoại xâm của dân tộc ta. Những lễ hội này, nói một cách nôm na, là các cuộc chơi giữa chỗ đông người và có tính chất quần chúng, địa phương.


Dân ta sống về nông nghiệp trải qua nhiều thế kỷ. Phương tiện cày bừa của người miền Bắc xưa không phải là máy móc hay sức người mà là con trâu. Chính vì người và vật cùng sống chết trên cánh đồng, trong mùa gặt và sau vụ gặt, nên hình ảnh con trâu đã đi sâu vào tâm khảm của bác nông phu, các gia đình và làng xóm. Thi vị hơn một chút, chúng ta có thể hình dung ra một cảnh đẹp của cuộc sống êm đềm tại nông thôn thơ mộng vào lúc chiều tà qua hai câu thơ trong bài “Qua Đèo Ngang” của Bà Huyện Thanh Quan:
Gác mái, ngư ông về viễn phố,


Gõ sừng, mục tử lại cô thôn.Hình ảnh trẻ em ngồi trên lưng trâu, gõ sừng trâu và thổi sáo trên đường về thôn dã là hình ảnh rất thân thương và quen thuộc của dân ta. Con trâu được hòa đồng với dân miền quê trong cảnh sống an bình và mộc mạc, nhưng sinh động qua câu: “Chồng cầy, vợ cấy, con trâu đi bừa”.
Mục đồng và con trâu cũng là đề tài cho nhiều bài thơ tình cảm và những bài hát có âm hưởng dân ca đã được phổ biến từ nông thôn tới thị thành. Bài “Ai bảo chăn trâu là khổ?” là một ví dụ.


Trâu còn là đề tài để khuyên nhủ trai gái trong làng đang bơ vơ trước ngưỡng cửa yêu đương như:
Trâu ta ăn cỏ đồng ta,
Tuy rằng cỏ cụt nhưng mà cỏ thơm.
và:
Trâu kia kén cỏ bờ ao,
Anh kia không vợ đời nào có con. Trâu cũng được dùng làm hình ảnh để mỉa mai hay dậy đời như:
Trâu chậm uống nước dơ,
Trâu ngơ ăn cỏ héo.Tuy trâu có tình nghĩa với người dân nông thôn như vậy; nhưng nó vẫn chỉ là một con vật và người ta đối xử với nó như bao con vật khác. Trâu còn khoẻ thì kéo cày, bệnh hoặc khi về già thì bị làm thịt cho các lễ hội của gia đình hay dân làng. Ngoài ra, trâu còn được dùng trong trò chơi giải trí rất phổ thông trong dân chúng tại một số tỉnh ở miền Bắc, tiêu biểu nhất là các cuộc chọi trâu. Hai nơi có tục chọi trâu nổi tiếng tại miền Bắc là Hải Lựu và Đồ Sơn.