Dân Chúa Âu Châu

GiaGià là gì ? Bao nhiêu tuổi thì gọi là già ?

Nếu dễ tính, ta có thể chấp nhận câu trả lời giản dị: già là một giai đoạn của cuộc đời, cũng như giai đoạn dậy thì của thiếu niên, trưởng thành của trung niên. Trong giai đoạn này, tương tự như ở trẻ con, người già có vài điểm giống nhau và đặc thù đủ để tạo thành một mô hình cho tuổi đó. Nhưng, thực tế cho hay một định nghĩa như vậy chưa đủ để thỏa mãn nhiều người.

Trong chu kỳ Sinh Lão Bệnh Tử, ta thấy khâu Lão tiếp liền khâu Sinh. Như vậy phải chăng phương Đông quan niệm rằng con người bắt đầu già ngay khi sinh ra đời?

Rồi nếu ta ngẫm nghĩ về chữ “Old” là già trong tiếng Anh thì ta thấy những sắc dân nói tiếng Anh tuồng như cũng đồng quan niệm với người phương Đông về tiến trình già của con người. Chả thế mà họ gọi một đứa bé vừa sanh ra được một giờ là “one hour old”, mà một người 90 tuổi là “90 years old”. Mới sinh ra đã là “old” mà sống đến 90 tuổi cũng “old” nốt. Phải chăng Đông Tây gặp nhau ở đây?

Ông Oscar R.Ewing, nguyên Giám Đốc Chương Trình An Sinh Liên Bang Hoa Kỳ đã có nhận xét: “Với con người, không có một định nghĩa khoa học nào cho tuổi già của cơ thể con người. Cái mà chúng ta phải liên hệ tới không phải là một nhóm người già mà là một nhóm bị người khác gán cho nhãn hiệu già, mặc dù khả năng của họ khác nhau”.

Vậy thì rất khó mà định nghĩa hai chữ tuổi già hay là đặt một cái mốc để chỉ tuổi già trong quãng đời con người.

Phải chăng tuổi già ở giai đoạn cuối đời của con người? Nhưng đời con người kéo dài bao nhiêu năm?

Cách đây một thế kỷ người Mỹ sống trung bình được 40 năm, nay họ sống trung bình được 75. Còn ở Việt Nam, vào khoảng đầu thế kỷ vừa qua, vua chúa sống đến 40 tuổi là đã ăn mừng “tứ tuần đại khánh”. Trong nhân gian thì “nhân sinh thất thập cổ lai hi”, tuổi 70 cực kỳ hiếm. Vậy vào thời kỳ đó, tuổi già bắt đầu ở quãng nào của tuổi đời? Ngày nay, tuổi thọ trung bình của người Việt đã tăng đáng kể, 71 tuổi và đang còn tăng nữa. Vậy thì tuổi già bây giờ tất phải cao hơn cái tuổi 40 của thời kỳ đầu thế kỷ.

Không căn cứ được vào số năm để xác định tuổi già, thì phải dựa vào cái gì? Hay là cứ ví von như các cụ xưa, hứa với nhau sống cho đến khi “đầu bạc răng long”, hoặc nói về cái mệnh đoản của người con gái đẹp mà ngâm nga câu “Mỹ nhân tự cổ như danh tướng, bất hứa nhân gian kiến bạch đầu”, ý nói rằng người đẹp cũng mệnh đoản như các ông tướng tài, không sống đến lúc bạc đầu. Cái lối ví von để nói về tuổi già thế mà lại có căn bản khoa học đấy: Các cụ đã sử dụng hệ thống tuổi sinh lý. Vì răng long và đầu bạc là dấu hiệu thông thường nhất của tuổi già.

Các khoa học gia đã thử lấy một số thay đổi của cơ thể khi về già làm mốc sinh học (biomarkers) để định nghĩa sự già. Thí dụ tới tuổi nào thì da bắt đầu nhăn, răng rụng, thính giác giảm…Để có giá trị, mốc sinh học phải tiên đoán được, không tránh được và không đảo ngược được. Mốc sinh học thay đổi tùy theo mỗi cá nhân, ví dụ cùng tuổi, nhưng có người da nhăn, có người da không nhăn.

Cho nên, già có thể trông thấy, như tóc bạc, da mồi ; hoặc cảm thấy, thí dụ cảm thấy mình không có sức khỏe, không có nhiều nhiệt huyết như ở tuổi 20; hay già với những thay đổi thực sự của ngũ quan, lục phủ ngũ tạng. Đó là chỉ dấu của thời kỳ lão suy.

Giai đoạn lão suy là giai đoạn con người bắt đầu có những biến đổi cơ thể theo chiều hướng đi xuống, nghĩa là từ tốt sang xấu, cũng như thay đổi về tính tình, cách đối xử.

Da vùng mặt và cổ bắt đầu nhão, tóc bắt đầu bạc thành muối tiêu và với thời gian muối nhiều hơn tiêu, cho đến khi bạc cả đầu, khóe mắt xuất hiện nếp nhăn, răng bắt đầu rụng dần, những chiếc chưa rụng thì lung lay. Công năng cơ thể giảm sút như ăn chậm vì tiêu hóa chậm, ngủ ít, ngắt đoạn vì hệ thống thần kinh suy giảm, đại tiểu tiện chậm vì công năng hệ thống tiêu hóa yếu, nói năng chậm, trí nhớ sút kém.

Thời kỳ lão suy cũng là thời kỳ mà các chứng bệnh liên quan đến tuổi già có thể bắt đầu xuất hiện hoặc tác động mạnh đến toàn bộ cơ thể con người. Ngoài ra vào tuổi lão suy, một số người cũng trở thành thụ động, phụ thuộc, không tham gia, có khuynh hướng sống lẻ loi, không đòi hỏi.

Cũng nên nhớ là sự hóa già ở nữ giới thường muộn hơn và họ thường thọ hơn đàn ông, lý do là nữ giới, dù hay nhiều bệnh hơn, nhưng họ chịu đựng dẻo dai hơn với bệnh tật, và khi về già giác quan của họ còn tinh tường, trí nhớ lâu hơn. Còn ở đàn ông thường bị nhiều stress do việc làm, nhiều bệnh tim mạch, ung thư, tai nạn hơn nên mau già.

Sự hóa già cũng tùy thuộc vào nhiều yếu tố như gene di truyền, nếp sống cá nhân, gia đình, môi trường chung quanh, địa dư, cũng như quan niệm, thái độ của con người trước sự hóa già.

Ngoài ra, mỗi người già theo một diễn biến riêng biệt, và trong cùng con người, mỗi tế bào, mỗi cơ quan già theo nhịp độ, số lượng khác nhau.

Và như nữ tài tử Sophia Loren đã có ý kiến: “Có cả một suối thanh xuân trong cơ thể mọi người. Đó là trí óc của ta, tài năng của ta, sự sáng tạo ta tạo cho đời sống của ta cũng sinh lực từ những người ta thương yêi. Kho ta biết cách sử dũng các nguồn tài nguyên này thì ta đã hoàn toàn thắng được sự hóa già”.

Ý kiến này kể ra cũng hợp lý đấy, bà con nhỉ?!

Bác sĩ Nguyễn Ý Đúc