Dân Chúa Âu Châu

GNsP (10.10.2016) – Blogger Nguyễn Ngọc Như Quỳnh, còn gọi là Mẹ Nấm, bị Cơ quan An ninh bắt khẩn cấp với cáo buộc “tuyên truyền chống nhà nước” theo Điều 88 BLHS, vào chiều ngày 10.10.2016

Bà Nguyễn Thị Tuyết Lan, mẹ của cô Quỳnh cho hay, mọi thứ đồ đạc trong nhà bị lục tung, kể cả máy tính cá nhân của cô Quỳnh.

Bị bắt vì phản đối Formosa

Bà Lan nói rằng, con gái bà bị bắt vì đã lên tiếng phản đối Formosa, đòi khởi tố Formosa, cũng như kêu gọi giới chức cộng sản minh bạch trong vụ việc bồi thường cho ngư dân Miền Trung khi nhà cầm quyền đã nhận 500 triệu mỹ kim từ Formosa sau vụ thảm họa ô nhiễm môi trường.

Bắt giam Blogger Nguyễn Ngọc Như Quỳnh có thể là kế hoạch của nhà cầm quyền cộng sản VN để đe dọa, trấn áp những tiếng nói bên vực ngư dân Miền Trung trong bối cảnh hàng chục ngàn ngư dân ở các tỉnh Quảng Bình, Hà Tĩnh, Nghệ An xuống đường biểu tình phản đối và đòi đóng cửa vĩnh viễn khu công nghiệp Formosa đã “hủy diệt” nòi giống Việt Nam, cũng như hàng ngàn ngư dân đang trong giai đoạn thu thập hồ sơ khởi kiện Formosa để đòi bồi thường. Blogger Phạm Lê Vương Các nhận xét:

“Blogger Mẹ Nấm bị “bắt thí điểm”?Đây là một động thái thường thấy của chính quyền, khi tình hình chính trị xã hội đang căng thẳng, là sẽ có vài nhà hoạt động bị bắt thí điểm. Formosa sẽ tiếp tục là điểm nóng để giới hoạt động trong thời gian tới “rủ nhau vào tù”.”

Nhà báo Phạm Đoan Trang đặt lại vấn đề: “Mẹ Nấm bị bắt vì “tuyên truyền chống nhà nước” hay “tuyên truyền chống Formosa”?”. Nhà báo Phạm Đoan Trang lý giải rõ hơn trên facebook cá nhân:

“Theo thông tin sơ bộ, tài liệu mà công an căn cứ vào để buộc tội Mẹ Nấm là… một tấm bảng với dòng chữ “Yêu cầu khởi tố Formosa” và lời kêu gọi của Mạng Lưới Blogger Việt Nam, đòi hỏi nhà nước phải minh bạch tình trạng biển nhiễm độc.Cả hai cái gọi là “tài liệu” này đều chẳng có gì bí mật: Mạng Lưới Blogger Việt Nam đã công bố lời kêu gọi của họ cách đây gần ba tháng, từ ngày 19/7/2016 (trùng kỷ niệm ba năm ngày thành lập). Tấm bảng “yêu cầu khởi tố Formosa” thì Mẹ Nấm cũng đã cầm để chụp hình và đăng công khai trên facebook từ nhiều tháng trước.”

“Nếu làm ra, tàng trữ, và phát tán những thứ này là hành vi phạm tội theo Điều 88 Bộ luật Hình sự, thì có lẽ phải hàng chục facebooker Việt Nam cũng đã “dính con 88” chứ không riêng Mẹ Nấm.” Nhà báo Phạm Đoan Trang nhận xét.

Nhà báo Phạm Đoan Trang kết luận: “Điều đáng nói hơn cả, là cả hai “tài liệu” đều chỉ nhằm vào tập đoàn Đài Loan Formosa – thủ phạm chính của thảm họa môi trường ở Việt Nam hiện nay – chứ chẳng có liên quan gì đến Nhà nước CHXHCN Việt Nam. Không hiểu cơ quan an ninh làm cách nào mà diễn giải chúng thành tài liệu “chống phá Nhà nước”.Chống Formosa là chống Nhà nước CHXHCN Việt Nam, điều ấy hẳn đã rõ ràng.”

Nỗi sợ hãi của giới chức cộng sản

Hành vi bắt giam này của giới chức cộng sản xuất phát từ nỗi sợ hãi của thể chế độc tài không còn đủ sức “cai trị” dân bằng công cụ tuyên truyền, buộc phải sử dụng nhà tù và bạo lực để uy hiếp tinh thần và đe dọa người khác. Linh mục Antôn Lê Ngọc Thanh, Dòng Chúa Cứu Thế, bình phẩm: “Khi nỗi sợ hãi ám ảnh các nhà độc tài thì họ sẽ tìm cách thoát ra nỗi ám ảnh đó, nhưng càng dùng nhà tù, càng dùng bạo lực, họ lại càng bị người dân chống đối và quốc tế quay lưng đi”.

Còn bạn Huỳnh Quốc Huy phẫn nộ: “Trò hèn của CSVN.Cứ lên tiếng đấu tranh cho nhân quyền là phạm tội chống nhà nước. Vậy ra nhà nước CSVN là thể chế triệt tiêu nhân quyền?”. Bạn Hoa giận dữ nói: “Nhà cầm quyền VN ngày càng chứng tỏ sự độc tài toàn trị của mình. Họ bất chấp pháp luật, bất chấp các phản ứng quốc tế, thẳng tay đàn áp những người dám cất tiếng nói trung thực, bất đồng chính kiến…”

Bắt giam sai trình tự, thủ tục Bộ Luật Tố tụng Hình sự

Sáng cùng ngày, Blogger Như Quỳnh bị câu lưu tại trại giam Sông Lô, Nha Trang khi cô cùng với bà Nay, mẹ của Tù nhân lương Tâm Nguyễn Hữu Quốc Duy, và hai người bạn đến trại giam thăm gặp theo định kỳ. Tuy nhiên, phía trại giam đã gây khó khăn, không cho cho gia đình gặp mặt, nên bà Quỳnh cùng với hai người bạn và bà Nay đã phản đối hành vi sai trái của cán bộ trại giam. Sau đó, công an trại giam đã bắt tất cả những người này.

Công an đã đưa bà Quỳnh về tư gia. Tại đây, Cơ quan an ninh đọc lệnh khám xét và đưa bà Quỳnh đi.

Theo qui định Điều 87 Bộ Luật Tố tụng Hình sự: “Thời hạn tạm giữ không được quá 3 ngày, kể từ khi Cơ quan điều tra nhận người bị bắt”. Trong trường hợp cần thiết hoặc trường hợp đặc biệt, người ra quyết định bắt được gia hạn tạm giữ 2 lần (tức tổng cộng tạm giữ tối đa là 9 ngày). Trong thời gian này, “nếu không đủ căn cứ khởi tố bị can thì phải trả tự do cho người bị tạm giữ”.

Còn Điều 88 BLHS “Tội tuyên truyền chống Nhà nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam” qui định:

“1. Người nào có một trong những hành vi sau đây nhằm chống Nhà nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam, thì bị phạt tù từ ba năm đến mười hai năm: a) Tuyên truyền xuyên tạc, phỉ báng chính quyền nhân dân; b) Tuyên truyền những luận điệu chiến tranh tâm lý, phao tin bịa đặt gây hoang mang trong nhân dân; c) Làm ra, tàng trữ, lưu hành các tài liệu, văn hoá phẩm có nội dung chống Nhà nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

2. Phạm tội trong trường hợp đặc biệt nghiêm trọng thì bị phạt tù từ mười năm đến hai mươi năm.”

Đặc biệt, theo Điều 117 BLHS năm 2015 (đáng lẽ đã có hiệu lực từ 01.07.2016) qui định cho tội danh này còn có thêm một khoản 3 là “người chuẩn bị phạm tội này, thì bị phạt tù từ một năm đến năm năm”. Rõ ràng cho thấy nhà cầm quyền cộng sản đã đặt ra luật rất mơ hồ và chỉ dùng trấn áp những người bất đồng chính kiến.

Blogger Nguyễn Ngọc Như Quỳnh là một trong những thành viên sáng lập và đắc lực của Nhóm Blogger Việt Nam. Cô tham gia nhiều hoạt động bảo vệ nhân quyền, biểu tình chống Trung Cộng…

Vào năm 2015, Blogger Nguyễn Ngọc Như Quỳnhđược tổ chức Civil Rights Defenders (CRD) trao giải thưởng “Người bảo vệ nhân quyền 2015”.

Sự “nổi dậy” đòi quyền lợi chính đáng của ngư dân Miền Trung tại các tỉnh Quảng Bình, Hà Tĩnh, Nghệ An sau vụ thảm họa ô nhiễm môi trường biển do Formosa “thừa nhận” xả thải độc tố ra biển, nằm ngoài “kiểm soát” của nhà cầm quyền cộng sản trong suốt hơn 5 tháng qua. Giới chức cộng sản tìm mọi cách can thiệp trực tiếp để ngăn cản nhưng bất thành. Nhiều ngư dân ở huyện Quỳnh Lưu, Nghệ An bị đe dọa triệt tiêu đường sống, bắt bớ, bỏ tù nếu tiếp tục xuống đường yêu cầu đóng cửa Formosa… Và nay, người lên tiếng bảo vệ ngư dân nghèo Miền Trung đã bị bắt. Động thái này sẽ khiến các ngư dân hoang mang? Và phải chăng nhằm hướng dư luận sang vấn đề “đàn áp nhân quyền”?

Huyền Trang, GNsP