Dân Chúa Âu Châu

Trong trường hợp có mâu thuẫn hoặc cần sắp xếp ưu tiên cho phù hợp giữa lương cho người lao động,lợi nhuận của doanh nghiệp, thuế thu của nhà nước thì tiêu chí nào phải được đưa ra xem xét đầu tiên?

***

Theo báo cáo Sơ kết 3 năm thực hiện Bộ luật Lao động năm 2012 và các văn bản hướng dẫn thi hành, công bố ngày 21 tháng 9 năm 2016: “Hiện tại, có nhiều doanh nghiệp đang tồn tại 3 loại lương: lương tham gia bảo hiểm xã hội và giải quyết chế độ chính sách, lương để quyết toán thuế, lương thực chi cho người lao động. Điều này gây khó khăn cho cơ quan quản lý nhà nước trong việc quản lý, kiểm tra chính sách tiền lương đối với các doanh nghiệp”.

Vì sao có hiện tượng các doanh nghiệp phải chia ra 3 loại lương?

Theo quy định của luật lao động, số tiền đóng vào quỹ bảo hiểm xã hội và bảo hiểm y tế của mỗi lao động là hơn 30% lương người lao động. Trong đó, doanh nghiệp đóng khoảng 20% và trích lại từ lương người lao động 10%. Nếu lương người lao động thấp thì phần doanh nghiệp phải đóng vào quỹ bảo hiểm cho người lao động cũng sẽ ít đi. Nhưng lương thấp quá sẽ không thu hút được người làm việc. Để đối phó với tình trạng trên doanh nghiệp tính lương thành nhiều phần, gồm phần lương cơ bản để tính mức đóng bảo hiểm và các khoản phụ cấp, thưởng, hỗ trợ khác.

Chia ra nhiều loại như vậy người lao động được lợi gì và thiệt hại gì?

Trước mắt, người lao động sẽ trích lại lương để đóng bảo hiểm ít hơn, số tiền lãnh được ngay lúc này nhiều hơn nhưng thực ra khi cần được chi trả chế độ, chính sách như khám bệnh, đau ốm, trợ cấp thất nghiệp, lương hưu,… người lao động sẽ thiệt thòi phần doanh nghiệp đã không đóng cho họ.

Một cách tính lương rắc rối để lách các quy định về bảo hiểm và về mức thuế phải đóng của doanh nghiệp.

*

Trong trường hợp có mâu thuẫn hay đúng hơn cần sắp xếp ưu tiên cho phù hợp giữa lương cho người lao động, lợi nhuận của doanh nghiệp, thuế thu của nhà nước thì tiêu chí nào phải được đưa ra xem xét?

Đó là tiền lương công bằng cho người lao động, dĩ nhiên chủ doanh nghiệp cũng là người lao động khi họ quản lý doanh nghiệp của họ như bao nhiêu người lao động khác trong doanh nghiệp. Mức lợi nhuận của doanh nghiệp và thuế thu của nhà nước, dù thuế trên nguyên tắc dùng cho công ích, cũng phải xếp sau.

Thế nào là “lương công bằng”? Theo Giáo huấn xã hội của Giáo hội Công giáo, lương trả cho lao động phải thế nào để người lao động có phương tiện chăm lo mọi mặt cần thiết của đời sống: vật chất, xã hội, văn hóa và tâm linh; không những của chính họ mà còn của những người tùy thuộc họ. Dĩ nhiên căn cứ trên chức năng và năng suất của mỗi người, hoàn cảnh của xí nghiệp hay công xưởng và công ích, nhưng không được thấp hơn mức sống. Vì “Tiền lương là phương thế cho phép người lao động hưởng được tài nguyên của trái đất”. (TLHTXHCG số 302)

Cũng không ít ý kiến cho rằng phải để thị trường quyết định mức lương. Năm 1961, trong thông điệp Mẹ và Thày, Đức Giáo hoàng Gioan XXIII đã phản đối tuyên bố trên và khẳng định rằng, mức lương đủ sống là một vấn đề về công lý.

Dĩ nhiên, đối với Việt Nam hiện nay, nguồn gốc của việc tính lương cho người lao động phải lắt léo như vậy không chỉ do lòng tham của chủ doanh nghiệp, mà cũng còn vì sự sống còn của doanh nghiệp. Vì như TS Lê Đăng Doanh trong một lần trả lời phỏng vấn cho biết: “Theo báo cáo của Ngân hàng Thế giới, tỷ lệ thu thuế ở Việt Nam quá lớn, khi DN “làm 10 đồng, phải nộp thuế 4 đồng” cũng là thực tế cần nhìn nhận. Dù Bộ Tài chính ngay sau đó đã đưa ra lý giải nhưng những con số đưa ra tôi cho rằng chỉ là “phần nổi”, số thu vào ngân sách. Thực tế, tôi biết DN phải trả khoản chi ngoài rất cao chứ không hề nhỏ…”. Chi ngoài tức các khoản “lót tay”, “bôi trơn” để hoạt động thuận lợi hơn.

Bởi vậy, khi trao đổi với vài anh chị em làm quản lý một số doanh nghiệp các anh chị cho biết nếu không làm như vậy doanh nghiệp sẽ chết, không tồn tại cạnh tranh lại được với hàng Trung Quốc.

Phần này thuộc về trách nhiệm quản lý của nhà nước. Nhà nước đã không hoàn thành trách nhiệm của họ.

Thuận Kiệt