Dân Chúa Âu Châu

GNsP (22.07.2016) – Tòa Phúc thẩm tỉnh Bình Thuận tuyên y án 10 năm tù giam cho 4 người được xem là “tổ chức, cưỡng ép người khác trốn đi nước ngoài hoặc ở lại nước ngoài trái phép” theo Điều 275 BLHS, vào ngày 21.07.2016.

Lo lắng cho những đứa con không nơi nương tựa là sự bất lực, nỗi trăn trở của người mẹ đang vướng vào vòng lao lý, khi bà Loan và gia đình tìm cách xuất cảnh qua Úc tìm cuộc sống mới nhưng không thành.

Cụ thể, Tòa tuyên phạt bà Trần Thị Thanh Loan 36 tháng tù giam, bà Nguyễn Thị Liên 36 tháng tù giam, ông Hồ Trung Lợi (chồng bà Loan) 24 tháng tù giam, ông Nguyễn Văn Hải (chồng bà Liên) 24 tháng tù giam.

Chứng cứ Viện kiểm sát đưa ra để kết tội những thuyền nhân này là đã tổ chức cho chuyến đi như mua tàu, lái tàu, huy động người tham gia xuất cảnh qua Úc…

Bà Loan và bà Liên đã kháng cáo bản án phúc thẩm, bởi vì hai bà đều mắc bệnh hiểm nghèo trong đó có một người bị bệnh ung thư, cả hai gia đình đều có con nhỏ và thuộc diện hộ nghèo, còn gia đình bà Loan không có nhà để ở và phải thuê nhà trọ sống qua ngày.

Luật sư Võ An Đôn, sống ở Phú Yên, một trong những Luật sư tham gia bào chữa miễn phí cho các thuyền nhân này, nhận xét: “Theo Luật những người xử phạt không quá 3 năm tù, có kinh tế khó khăn, hoặc đang nuôi con nhỏ, hoặc bị bệnh hiểm nghèo… thì được hưởng án treo, những người này đủ điều kiện nhưng Tòa không cho.”

Được biết, trước Tòa các thuyền nhân này đều thành khẩn khai báo, họ phạm tội chưa gây ra hậu quả, nhiều người mắc bệnh nan y… là những tình tiết giảm nhẹ hình phạt được các Luật sư viện dẫn và được VKS đề nghị nhưng không được Tòa chấp thuận.

Lo lắng cho những đứa con không nơi nương tựa là sự bất lực, nỗi trăn trở của người mẹ đang vướng vào vòng lao lý. Bà Loan, một trong những thuyền nhân, nghẹn ngào nói: “Đó là một bản án quá nặng, luật pháp VN không có nhân đạo vì tôi còn có 4 đứa con nhỏ, chồng tôi đi tù, nhà cửa không có thì tôi cũng không biết cuộc sống của các cháu ra sao khi tôi đi tù.”

Gia đình bà Loan và bà Liên tìm cách đóng thuyền, tìm đường xuất cảnh với mong muốn duy nhất là kiếm kế sinh nhai nơi nước người, bởi cuộc sống tại VN của gia đình bà quá khó khăn. Những gia đình này là ngư dân đánh bắt xa bờ, nhưng nhiều lần họ bị hải tặc chặn, cướp tài sản mỗi khi ra khơi. Bà Loan nói:

“Chúng tôi đi qua bên Úc để khôi phục lại cuộc sống vì hoàn cảnh ở VN quá khó khăn. Trước đây, tôi được mẹ chồng cho một lô đất nhưng đất của tôi được nhà nước nói rằng là đất quy hoạch, tôi xây nhà lên thì họ đập phá hết, không có nhà để ở. Gia đình tôi làm ăn càng ngày thất bại vì chúng tôi đi đánh bắt cá gặp tàu hải tặc dí, lấy hết cá nên đi đánh bắt ngày càng thất bại.”

Mong muốn của hai bà mẹ này là được hưởng án treo để có thể ở nhà tiếp tục chăm sóc đàn con dại và thăm nuôi chồng đang thụ án.

Xin được phép tóm tắt lại vụ án, vào ngày 07.03.2015, xuất phát từ cảng La Gi, Bình Thuận, 46 người gồm đàn ông, phụ nữ và trẻ em cùng đi trên một chiếc thuyền đánh cá vượt biển Việt Nam đến hải phận Úc. Hơn 13 ngày lênh đênh trên biển, vào ngày 20.03.2015, 46 người này cập bến biên giới lãnh hải Úc. Tuy nhiên nhóm người này đã bị hải quân Úc bắt giữ, áp giải và trả về lại Việt Nam vào ngày 18.04.2015.

Hai điểm nhấn chính trong vụ án này: Thứ nhất, các gia đình vượt biển này đa số là những người mù chữ, gia đình nghèo đói và khó khăn, không thuộc loại buôn người. Họ gom góp bán hết tài sản ít ỏi để đóng tàu và lo cho các chi phí vượt biển với mong muốn tạo lập lại một cuộc sống tốt hơn ở xứ người. Thứ hai, trước khi trả những thuyền nhân này về lại VN, Bộ di trú Úc nói với những người vượt biển rằng: “Phía Việt Nam cam kết người vượt biển trả về sẽ không bị bắt bớ, tù đày, tạo điều kiện cho các bạn có công ăn việc làm, con em được đến trường và sớm hòa nhập cộng đồng”.

Huyền Trang, GNsP