Dân Chúa Âu Châu

GNsP (23.05.2016) – Trên các diễn đàn xã hội, nhiều công dân Việt Nam -đặc biệt là các bạn trẻ- lên tiếng, nêu rõ quan điểm chính trị “tẩy chay” cuộc bầu cử khi cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2016-2021 diễn ra vào ngày 22.05.2016.

Các phiếu cử tri của các công dân này đã bị chính họ đem đi đốt, hoặc xé, hoặc viết vài hàng chữ trên tờ phiếu cử tri để khẳng định rõ lập trường của họ, như Blogger Lã Việt Dũng viết: “Quốc hội toàn đảng viên lập ra chỉ để tốn tiền, mị dân. Bầu để chúng nó cướp vàng? Bầu để chúng nó đầu hàng China? Không điên?”. Hoặc bạn trẻ Trịnh Bá Tư, sống ở Hòa Bình, cũng tẩy chay cuộc bầu cử với quan điểm: “Tẩy chay bầu cử vì đảng độc tài – Công an trị”… Thậm chí một bạn trẻ tên Trang, sống ở Sài Gòn, đã thu gom tất cả các phiếu cử tri của gia đình và xé các phiếu này với lập trường: “Tôi không thích nô lệ vào cái đcs VN. Còn đi bầu cử là còn ủng hộ. Việc làm này không ai xúi cả chỉ có lương tâm mách bảo mà thôi.”

Vậy, những công dân kiên quyết không đi bầu cử là vi phạm pháp luật?

Bầu cử là nghĩa vụ của công dân?

Theo Wikipedia cho biết, “bầu cử là một quá trình đưa ra quyết định của người dân để chọn ra một cá nhân nắm giữ các chức vụ thuộc chính quyền. Đây là cơ chế thông thường mà các nền dân chủ hiện dùng để phân bổ chức vụ trong bộ máy lập pháp, thỉnh thoảng ở bộ máy hành pháp, tư pháp, và ở chính quyền địa phương. Bầu cử là một trong những chế định quan trọng trong ngành Luật Hiến pháp, là cơ sở pháp lý cho việc hình thành ra các cơ quan đại diện cho quyền lực của Nhà nước.”

Và, tại Điều 79 Hiến Pháp năm 2013 của Nhà nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam quy định: “1. Đại biểu Quốc hội là người đại diện cho ý chí, nguyện vọng của Nhân dân ở đơn vị bầu cử ra mình và của Nhân dân cả nước.

  1. Đại biểu Quốc hội liên hệ chặt chẽ với cử tri, chịu sự giám sát của cử tri; thu thập và phản ánh trung thực ý kiến, nguyện vọng của cử tri với Quốc hội, các cơ quan, tổ chức hữu quan; thực hiện chế độ tiếp xúc và báo cáo với cử tri về hoạt động của đại biểu và của Quốc hội; trả lời yêu cầu và kiến nghị của cử tri; theo dõi, đôn đốc việc giải quyết khiếu nại, tố cáo và hướng dẫn, giúp đỡ việc thực hiện quyền khiếu nại, tố cáo.
  2. Đại biểu Quốc hội phổ biến và vận động Nhân dân thực hiện Hiến pháp và pháp luật.”

Đó là Hiến pháp hiến định, còn thực tế cuộc bầu cử ở VN đã và đang diễn ra như thế nào, cũng như các Đại biểu Quốc hội này đã giúp được gì cho người dân VN sau khi họ “đắc cử”?

Bầu cử ở Việt Nam

Các Đại biểu Quốc hội được xem là “người đại diện cho ý chí, nguyện vọng của Nhân dân”, nhưng trên thực tế thì các Đại biểu này do chính đảng viên cộng sản được sắp xếp đưa vào đề cử, cụ thể là 870 người chính thức đề cử cho 500 nghế Quốc hội và chỉ có hơn 11% các Đại biểu này không phải là đảng viên ĐCS, nhưng cũng là những người “thân” cộng, bởi những người có tiếng nói khác hoặc có lập trường khác với đcs đã “thất cử” ngay từ vòng hiệp thương như Blogger Hoàng Dũng, Trang Nhung, ca sĩ Mai Khôi…

Chính vì thế, ĐCS đề cử 870 ĐBQH này để “ép” người dân đề cử trong lá phiếu của họ nhằm hợp thức hóa “Nhà nước được thành lập của dân, do dân và vì dân” mặc dù người dân chưa một lần tìm hiểu các thông tin cơ bản, lý lịch, cũng như các phương án làm việc của các ĐBQH sẽ mang lại ích lợi gì cho người dân trong tương lai… Điển hình của vụ viêc này là một tấm hình của một cán bộ sống ở Huế đang ghi chép trên một bàn giấy có ghi “BÀN GẠCH GIÚP” nghĩa là cán bộ này sẽ “bầu hộ” cho những cử tri vắng mặt, hoặc những cử tri đi bầu mà không biết bầu cho ai!

Facebooker Nguyễn Linh nói: “Tại một tổ bỏ phiếu ở TP Huế, có một người trực ngay ở cửa ra vào nơi hòm phiếu với tấm bảng BÀN GẠCH GIÚP, bảo mình đưa phiếu để họ gạch giúp cho. Mình cảm ơn, nói tự làm được và gạch rẹt rẹt trong vòng hai nốt nhạc xong 4 phiếu bầu. Trong khi đó người này cầm cả xấp phiếu bầu của người dân gạch liên tục theo ý ông ta. Vậy là sao ta?”.

Tuy nhiên, báo nhà nước lại nói rằng, tỷ lệ cử tri đi bầu cử trên cả nước đạt 98,77%, khép lại cuộc bầu cử thành công. Báo nhà nước còn mô tả: “Ở tất cả các điểm bầu cử, an ninh trật tự được đảm bảo, công tác tổ chức bầu cử diễn ra tốt đẹp, người dân đi bầu cử phấn khởi, không khí thực sự là một ngày hội của cả nước.”

Nhưng Facebooker Lang Anh nhận xét rằng, các cán bộ nô bộc của Nhà nước có nhiều hành vi vi phạm pháp luật trong cuộc “bầu cử”. Facebooker Lang Anh nói: “Sáng 22/05/2016 tôi đến đơn vị bầu cử của mình và mang theo 04 (bốn) thẻ cử tri. Đứng quan sát tại bàn hướng dẫn và phát phiếu bầu, tôi thấy không có bất cứ một ai đến nhận phiếu bầu phải xuất trình chứng minh thư nhân dân. Cử tri chỉ việc đơn giản đến nhận phiếu bằng thẻ cử tri không dán ảnh, không ai biết người cầm phiếu đó là ai. Và điều kinh khủng là hầu hết những người đến bầu đều cầm vài thẻ cử tri, nghĩa là bầu hộ. Và toàn bộ ban tổ chức bầu cử điềm nhiên phát số phiếu theo đúng số lượng thẻ, họ chỉ giở sổ để đánh dấu những thẻ cử tri đã được xuất trình là đã đến bầu. Không hề có thắc mắc, không hề có chất vấn. Một sự vi phạm pháp luật công khai của chính quyền.”

Và, những hành động này của các cán bộ chứng tỏ một điều rằng “một chính quyền tội phạm” khi “những kẻ phạm pháp công khai và có hệ thống lại chính là các viên chức nhà nước, sẽ không thể dùng từ gì khác hơn ngoài việc gọi chính quyền ấy là tội phạm”, Facebooker Lang Anh nhận định.

Thậm chí, trường Đại học Duy Tân – Đà Nẵng ra chỉ thị “buộc” các sinh viên phải đi “bầu”. Một sinh viên theo học ở đây tên Nga cho biết: “Mỗi công dân đều có quyền đi bỏ phiếu, bầu cử,… nếu như thế thì sao trường lại có thể yêu cầu bắt buộc sinh viên phải đi và nếu không đi sẽ trừ hạnh kiểm… Từ bao giờ mà hạnh kiểm của sinh viên được đánh giá qua việc đi bầu cử hay không?… Cuối cùng, đi bầu cử hay không thì tùy các bạn. Còn tớ, chắc là không. Vì tớ sống theo sự thật và những điều rõ ràng.”

Trước khi cuộc bầu cử diễn ra, trên các trang mạng xã hội xuất hiện các văn bản “Định hướng đắc cử Đại biểu Quốc hội khóa XIV và HĐND các cấp nhiệm kỳ 2016-2021”.

Do đó, Quốc hội và Hội đồng Nhân dân được lập ra do chính các đảng viên cs làm đại biểu thì chỉ là công cụ của đcs, là cánh tay nối dài của nhà cầm quyền để nghe theo những mệnh lệnh hại dân, bán nước bất chấp những luân thường đạo lý, bởi những thảm họa ô nhiễm môi trường xảy ra vào tháng 4.2016 vừa qua tại các tỉnh Miền Trung không được một đại biểu quốc hội nào lên tiếng, thậm chí suốt hơn 1 tháng qua mà vẫn chưa tìm ra được nguyên nhân cá biển chết hàng loạt.

Người dân mong muốn gì ở các cuộc bầu cử?

Chính vì các ĐBQH không “…thu thập và phản ánh trung thực ý kiến, nguyện vọng của cử tri…” đã khiến người dân mất niềm tin vào đcs, đất nước ngày càng rơi vào bế tắc từ khi đcs nắm quyền nên nhiều công dân VN chỉ đi bầu cử khi và chỉ khi “cuộc bầu cử đa đảng được tổ chức, với các ứng viên từ nhiều đảng phái chính trị khác nhau tự do vận động tranh cử một cách công bằng, thì chúng ta mới sử dụng lá phiếu đúng nguyện vọng của mình”, đó là ý nguyện của Cựu TNLT – LS Lê Công Định, sống ở Sài Gòn, cho biết trên facebook cá nhân của ông.

Bạn trẻ Dương Văn Tuyến, sống ở Hà Nội, thẳng thắn nêu quan điểm: “Tôi thẳng thắn quan điểm của một công dân là bãi bỏ và tẩy chay trò bầu cử lố bịch, trơ trẽn này vì không ai biết chính xác về năng lực, phẩm chất đạo đức của đội ngũ đã được sắp đặt vào hàng ghế lãnh đạo ấy. Ở trong trại, chắc chắn mẹ tôi cũng ý thức rõ: Thực tế bọn họ là ai? bọn họ có bảo vệ quyền và những lợi ích hợp pháp của người dân? Hay chỉ những cái bù nhìn vẽ nên từ Đảng CS. Sau hôm nay, truyền thông của Đảng đừng có chém gió bô bô rằng 100% người dân cả nước đi bỏ phiếu.”

Còn bạn sinh viên tên Nga chia sẻ: “Các đại biểu, cử tri ở đây tớ không biết một ai, làm thế nào để biết ai có tài có đức mà xứng đáng bầu chọn vào hàng ngũ, để đại diện cho người dân nói lên sự thật, bảo vệ nhân phẩm, quyền tự do,… nếu đi bầu cử cho có, thì tớ sẽ không làm, vì mình không biết sự thật ai lại ai cả.”

Bức hình của bạn trẻ Trần Long Vi cầm biểu ngữ “bầu cử không phải là nghĩa vụ” đã lan truyền nhanh trên các trang mạng xã hội với thông điệp “tôi không kêu gọi mọi người không đi bỏ phiếu, tôi chỉ muốn các trường học thật sự tôn trọng quyền bầu cử của sinh viên, nhà nước tôn trọng quyền bầu cử của người dân. Vì đó là lẽ phải.”

Và bạn Trần Long Vi cũng kêu gọi người dân: “Dù bạn không hành động để phản đối những điều sai trái nhưng xin bạn hãy giữ sự tin tưởng và cổ vũ cho lẽ phải, đừng bao giờ nghi ngờ lẽ phải, đừng bao giờ làm ảnh hưởng đến những người muốn bảo vệ lẽ phải, cũng là để bảo vệ bạn.”

Phong trao ‘tẩy chay các cuộc bầu cử giả hiệu” đã có từ lâu, xuất phát từ quý cha Phêrô Phan Văn Lợi, cha Phêrô Nguyễn Hữu Giải, cha Tađêô Nguyễn Văn Lý và chính vì điều này đã đẩy các ngài vào tù. Cách đây 5 năm, 4 bạn trẻ sống ở Vinh là Đậu Văn Dương, Trần Hữu Đức, Chu Mạnh Sơn và Hoàng Phong đã bị tuyên án nhiều tháng tù giam khi các bạn trẻ kêu gọi người dân “tẩy chay các cuộc bầu cử giả hiệu này”.

Chính những người tiên phong này đã khai trí giúp người dân thoát nỗi sợ hãi, để có thể mạnh mẽ bày tỏ chính kiến riêng của bản thân và thực trạng của đất nước như hôm nay.

Huyền Trang, GNsP