Dân Chúa Âu Châu

VRNs (16.04.2015) – Chúng tôi vượt đường dài và vượt cả những con phà nhỏ để tìm đến nhà ông TPB Võ Văn Ưu, SN 1949, 66 tuổi, Sư Đoàn 9 Bộ Binh. Ông đạp phải mìn bị cụt mất hai chân vào tháng 4/1974, lúc đó có hai người con. Sau này thêm được 5 người con nữa. Hiện nay, ông bà đang sống với người con út, những người con khác đi thành phố làm ăn.

Mái nhà ông bà làm bằng ngói đã bị mục nát, vào mùa mưa nước dột đầy trong nhà. Chúng tôi đề nghị thay mái nhà mới cho ông. Ông cũng muốn có một chiếc xe lắc để đi bán vé số vì chiếc xe cũ của ông đã hỏng không thể đi được nữa. Chúng tôi vui mừng vì đã có thể thay mái nhà mới cho ông như hình ảnh kèm theo đây. Và người con trai đã lên Sài Gòn nhận chiếc xe lắc.

Cũng trong tỉnh An Giang, chúng tôi đến thăm ông TPB Phạm Thiện Hửng, SN 1936, 79 tuổi. Ông bị thương vào năm 1969 và mang nhiều thương tật trên cơ thể. Gia đình ông sống trong một ngôi nhà được che bằng những tấm tôn dột nát. Gia đình ông những người con đã trưởng thành đóng góp nâng đỡ hai ông bà sống tuổi già. Ông Hửng chia sẻ: “Thay mặt gia đình tôi xin cám ơn quý ân nhân, không biết lấy chi đền đáp. Cũng mong mọi người sống lâu để lo cho anh em chúng tôi.”

Sau khi chúng tôi trở về thành phố và qua một người bạn TPB khác, chúng tôi được tin ông TPB Phạm Thiện Hửng bị an ninh huyện Phú Tân mời ra trụ sở công an ấp Thượng 1 làm việc và cấm ông không được lên Sài Gòn tham gia ngày họp mặt TPB VNCH do Phòng Công lý-Hòa bình DCCT Sài Gòn tổ chức. Chúng tôi đã xác minh lại thông tin trên và được ông Hửng xác nhận có việc an ninh huyện triệu tập ông và ra lệnh miệng một cách vô lý cho ông.

Về tỉnh Đồng Tháp, chúng tôi đến thăm một người TPB trong một hoàn cảnh hết sức đặc biệt. Ông bị thương vào năm 1974, bị trúng đạn khiến ông bị mù hai mắt, một chân bị gẫy 3 khúc, một chân bị gẫy 4 khúc, bể xương hàm, đứt dây chằng, ruột bị đứt 13 khúc và bị thương nhiều nơi khác. Hiện nay, vết thương ở ruột do không được chăm sóc nên bụng ông bị xẻ ra làm đôi. Sau ngày bị thương không liên lạc được với ai, chỉ được gia đình nuôi dưỡng. Sống chung với em trai và bố già 92 tuổi, ông già bị mù hai mắt, ngày trước đi lính Pháp. Ông bị địa phương hù dọa gắt gao, nên mặc dầu vui khi chúng tôi đến thăm nhưng rất sợ và xin không công khai danh tánh. Ngôi nhà ông sống cùng với cha già 92 tuổi, mái tôn rất nóng nẩy, chúng tôi đề nghị đóng trần nhà cho ông. Rất vui mừng chỉ sau một tuần lễ, chúng tôi đã hoàn thành công việc này.

Ông mong muốn có một cái radio để nghe thông tin từ đài Chân Lý Á Châu. Khi hỏi tại sao lại là đài Chân lý Á châu (Đài Phát thanh của các Hội đồng Giám mục Châu á, có kênh tiếng Việt). Ông chia sẻ, khi bị thương trong 22 ngày hôn mê, tôi kêu nhiều người hỗ trợ tinh thần cho tôi nhưng không ai giúp, tôi đã kêu cầu đến Chúa và Chúa đã giúp tôi. Từ đó, tôi theo Đạo, tôi được thanh tẩy tại Tổng y viện Cộng Hòa. Tên thánh ông là Phêrô. Cha Vinhsơn Phạm Trung Thành xúc động, tháo cởi cây Thánh Giá đang đeo rồi trao tặng cho ông.

Rời căn nhà nóng hầm của người TPB có hoàn cảnh bi đát, chúng tôi đến thăm người TPB cuối cùng trong chuyến đi về miền Tây lần này.

Ông TPB Đỗ Văn Quận, SN 1942, 73 tuổi, Địa Phương Quân. Ông bị thương vào năm 1973, bị cụt hai chân. Hai vợ chồng ông ly dị từ lâu. Có ba người con nhưng đều đi làm ở xa, ba hoặc bốn năm mới về thăm ông một lần. Hằng ngày ông đi bán vé số ở trên huyện, cách nhà khoảng mười mấy cây số. Cơm nước tự lo liệu một mình. Do bị cụt hai chân, đi lại khó khăn nên không đi xa được. Khi nghe tin chúng tôi đến thăm, ông đã vội vàng thu xếp công việc, nghỉ bán sớm để về tiếp chúng tôi. Khi quay trở ra nhớ lại những gì ông nói về việc bán vé số, những cung đường ông đi mỗi ngày, nhìn những cung đường ấy chúng tôi mới mường tượng ra những khó khăn mà ông phải vượt qua mỗi ngày để mưu sinh. Đồng tiền nhỏ nhoi ông kiếm được sao mà khó khăn thế, nhưng sao lại vẫn có những đồng tiền ném qua cửa sổ một cách bất nhân.

Con đường đi đến nhà ông rất là khó khăn, may mắn ông sống lọt thỏm giữa một khu xóm lao động và bà con lại rất chân tình với nhau, đặc biệt với ông. Đón chúng tôi mãi ngoài đầu ruộng, họ dẫn chúng tôi đi qua những bờ ruộng chênh vênh, ngoằn ngoèo qua những khu xóm nghèo và bước vào một căn nhà của ông, một căn nhà mà tất cả những mái giao nhau khiến ánh sáng lọt vào nhà trên giữa ban trưa chỉ là những ánh sáng yếu ớt. May mà phía sau nhà là một con kênh những tấm ván ọp ẹp hở trước hở sau đã mang một bầu khí mát nhẹ nhàng vào trong nhà.

Chúng tôi nhìn thấy chiếc xe lắc của ông đã cũ nhưng ông từ chối không nhận chiếc xe lắc mới bởi vì ông nói rằng xe tuy cũ nhưng chạy vẫn tốt lắm. Cái nhà của ông làm từ 1997, gần hai mươi năm nên cái mái đã bị hư hỏng vào mùa mưa bị dột nhiều lắm. Mỗi lần ốm đau thì có các cháu ở bên cạnh chạy qua giúp đỡ. Sức khỏe bây giờ cũng yếu rồi, không biết còn lăn nổi cái xe đi bán vé số hay không nữa, sống ngày nào biết ngày đấy.

Vì khá mệt mỏi nên chúng tôi gọi cà phê từ một quán cóc của xóm nghèo gần đấy. Cà phê miệt vườn so với các loại cà phê có thương hiệu cách nhau một trời một vực, tuy nhiên khi chia tay chúng tôi đã phải giằng co với ông về việc trả tiền cà phê, ông nhất định không cho ‘bọn nhỏ’ nhận tiền chúng tôi, cuối cùng chúng tôi phải áp lực họ mới nhận tiền.

Khi nói chuyện với nhau, ông Quận cho biết, gần nhà ông có một người bị khuyết tật nữa do chiến tranh nhưng ông không dám giúp người ấy làm hồ sơ gửi cho chúng tôi, vì người ấy là cán bộ thuộc lực lượng Xây dựng Nông thôn trước 1975. Chúng tôi nghĩ, người ấy tuy không thuộc Quân lực VNCH nhưng cũng là một người đã tham gia vào việc bảo vệ và xây dựng Miền Nam Việt Nam đã cống hiến, đã hy sinh và cũng đã cùng chịu mất mát suốt hơn 40 năm qua. Chúng tôi ngỏ ý muốn gặp, ông còn bảo con cháu trong xóm đi chở ‘Năm Đen đến đây’.

Ông ‘Năm Đen’ tên thật là Nguyễn Hữu An, SN 1947, 68 tuổi. Ông bị thương vào năm 1970, tại Ba Càng, bị mù một con mắt và có nhiều vết thương trên cơ thể. Sau này, con mắt còn lại bị viêm nặng nên cũng mờ luôn, không còn nhìn thấy đường để đi nữa. Hiện nay, vợ chồng ông vẫn thuê nhà ở, con cái đi làm ăn ở xa. Chúng tôi tiếp nhận tên và hồ sơ của ông để bổ sung vào danh sách của chương trình, cũng như ông Quận chúng tôi gửi lại cho ông ‘Năm Đen’ một món quà chia sẻ những khó khăn mà ông đã gánh chịu.

Hành trình đi thăm những người TPB VNCH có hoàn cảnh khó khăn vào Mùa Chay 2015, nhưng chương trình dành cho những người này sẽ vẫn còn được tiếp tục trong thời gian tới, vì vẫn còn những người TPB VNCH sống trong những hoàn cảnh khó khăn mà chúng tôi chưa tìm ra hết. Chúng tôi sẽ tiếp tục chia sẻ thông tin đến quý vị trong những lần thăm viếng sắp tới. Để việc truyền thông được bảo toàn và tăng hiệu lực, cùng với website chuacuuthe.com chúng tôi cũng đăng tải các thông tin chính thức của chương trình ‘Tri Ân Anh – TPB VNCH’ tại Fanpage TRI ÂN TPB VNCH.

Pv.VRNs