Dân Chúa Âu Châu

VRNs (11.04.2015) – Sài Gòn – Chúng tôi tiếp tục hành trình thăm viếng những ông TPB VNCH mà trong danh sách ghi chú không thể về dự các buổi họp mặt. Ít là đối với những người không về dự buổi họp mặt, chúng tôi được một lần tiếp xúc gặp gỡ, tìm hiểu và chia sẻ những gì có thể. Trong danh sách những người đi thăm lần này vùng Bà Rịa Vũng Tàu, chúng tôi ghi nhận còn có các ông TPB Nguyễn Văn Tạo, số quân 65/404854, SN 1945, 70 tuổi. Ông TPB Lê Văn Nê, số quân 59/141661, SN 1939, 76 tuổi.

Hoàn cảnh gia đình chung của hai vị này tương đối ổn định, mặc dầu cùng mang những vết thương và thiếu sót những bộ phận trên cơ thể từ cuộc chiến tranh, nhưng các ông đã được chính gia đình ruột thịt của mình tận dụng những cơ hội tốt để kiến tạo một cuộc sống ổn định cho đến ngày hôm nay. Các ông vì tuổi lớn và bệnh tật nên không thể di chuyển về dự các buổi họp mặt.

Chúng tôi thăm hỏi và gửi quà như các ông TPB khác. Các vị bày tỏ nỗi vui mừng về việc được viếng thăm và gửi lời cám ơn tấm lòng của các vị hảo tâm gần xa.

Một cuộc tìm kiếm nhà khá thú vị, địa chỉ xem ra dễ kiếm vì có tên đường và số nhà nhưng trong thực tế không dễ một tí nào vì tìm đến phường, rồi đến hẻm chúng tôi vẫn không thể mò ra. Sau một hồi, loanh quanh tìm kiếm và hỏi han nhiều người, chúng tôi lần vào một con hẻm chỉ vừa đủ cho một người đi, con hẻm ngoằn ngoèo đến độ chúng tôi mất hẳn phương hướng định vị. Không liều sẽ không thể tìm ra. Chúng tôi quyết tâm liều theo những lời chỉ dẫn rất ngô nghê của dân địa phương, vẫn con hẻm nhỏ hẹp uốn lượn muốn hướng dẫn chúng tôi đến một cảng cá nhỏ và chúng tôi đã tìm ra nhà ông – TPB Nguyễn Văn Bé, số quân NQ/320962, SN 1939, 76 tuổi.

Ông cụt một chân và sống với gia đình trong một ngôi nhà nhỏ bé trong con hẻm kì dị mà chúng tôi vừa đi qua. Nhận được quà của chúng tôi, ông bà vui mừng lí nhí trong miệng lời cám ơn. Chúng tôi không dừng lại được lâu vì chỉ có ba người thôi mà chúng tôi đã bít lối hoàn toàn con hẻm của địa phương.

Chuyến đi hôm nay, kết thúc ở một địa điểm mà không ai trong chúng tôi ngờ tới. Theo địa chỉ, chúng tôi tìm đến một cánh đồng ở cuối một khu phố. Vượt qua một cánh đồng rộng lớn, trước mắt chúng tôi là một trại giam cổng cao tường kín với những hàng kẽm gai giăng mắc khắp nơi. Chúng tôi bỡ ngỡ lần mò đi vòng hết một nửa chu vi trại giam. Một khu nhà ổ chuột, lụp xụp, màu xám ngắt hiện ra trước mắt chúng tôi, cùng với mùi xú uế hôi hám của một bãi rác đang bốc lên cùng với những ngọn khói bạc lững lờ trong một không gian nắng gay gắt không một ngọn gió.

Xuyên qua ‘khu phố’ ổ chuột, trượt theo những ánh mắt tò mò của cư dân vùng bãi rác, nghe tiếng hướng dẫn trong điện thoại chúng tôi đến một bờ cạnh bên kia của bãi rác. Người TPB mang tên Phạm Văn Em, SN 1953, 62 tuổi, thuộc Sư Đoàn 7, đã đứng chờ chúng tôi ở cửa căn lều của ông. Dáng người gầy guộc nhưng đầy lạc quan vui vẻ, ông gây ấn tượng gần gũi ngay phút ban đầu gặp gỡ chúng tôi. Mời chúng tôi vào ‘nhà’, cái nhà được che bằng những tấm nhựa làm poster quảng cáo đã bạc phếch, vách nhà là những tấm ván siêu vẹo hở dọc hở ngang. Hơi nóng hầm hập trong căn lều cộng thêm mùi hôi nồng của bãi rác, chúng tôi khó khăn lắm mới có thể thở được, nhưng không dám tỏ lộ ra bên ngoài. Chúng tôi thấy làm lạ là một không gian sống như thế mà người cư trú trong không gian ấy vẫn cứ cười vui và trong suốt buổi tiếp chuyện không hề có một lời ta thán, hay mở miệng bày tỏ mong muốn xin xỏ một điều gì. Nơi ông nhân cách người quân nhân VNCH như còn nguyên vẹn.

Ông mời chúng tôi gồm 4 người trên ba cái ghế nhựa hình như cũng là sản phẩm từ bãi rác. Còn ông, dĩ nhiên một người trong chúng tôi nữa ngồi trên chiếc giường ọp ẹp của ông. Nhìn thấy một đoàn dê chạy trong khu bãi rác, chúng tôi hỏi ông về nhu cầu sinh sống và ngỏ ý muốn giúp một cặp dê, vì qua câu chuyện chúng tôi được biết với tuổi già ông đã không thể kiếm nhiều vật phế thải từ đống rác, để có thu nhập, nhưng ông lại xin con bê để nuôi, chúng tôi ngạc nhiên và hỏi ông tại sao lại không nhận dê, vì với dê thì giá rẻ chúng tôi dễ giải quyết hơn. Ông phản ứng rất nhanh, một cách bộc phát: “Tui già rồi, mất một mắt, cụt một giò, cụt một tay làm sao mà rượt được con dê?”. Chúng tôi nhận ra rằng, cho đến phút ấy, chúng tôi vẫn chưa hòa nhập, cảm thông được thân phận khuyết tật và sức khỏe tồi tệ của những người TPB như ông.

Trong câu chuyện, ông chia sẻ với chúng tôi một cảm xúc rất chân thành đơn sơ và trở thành một dấu ấn không phai trong đời lính. Ông kể, khi bị thương nằm tại Tổng y viện Cộng Hòa, Tướng Nguyễn Khoa Nam, Tư lệnh Sư Đoàn 7 đã đến tận giường bệnh gắn Chiến thương Bội tinh cho ông. Khi gắn Tướng Nam nói: “Bây giờ, em nghỉ ngơi không lội nữa, để đứa khác nó lội”. Ông bảo: “Tui thương Thầy Nam cho tới bây giờ.” Tình huynh đệ chi binh của người lính VNCH luôn trong sáng và bền vững.

Trước khi chia tay, chúng tôi gặp được người con dâu út của ông trong căn lều đối diện. Một người phụ nữ rất trẻ, nét mặt xinh lành, ông cho biết con trai út của ông vừa mới qua đời do tai nạn giao thông khi đi giao hàng nhặt từ bãi rác, để lại người vợ trẻ và hai đứa con thơ. Ông tâm sự: “Tui suy xụp từ ngày nó chết”, gánh nặng bản thân càng thêm đau khi có thêm hai đứa cháu nội mồ côi. Chúng tôi thấy những giọt nước mắt lăn trên gương mặt lam lũ khắc khổ của ông. Chúng tôi chia sẻ với người góa phụ trẻ ấy một chút quà để an ủi phần nào nỗi mất mát đau thương.

Câu chuyện ông biết đến với Chương trình ‘Tri Ân Anh – TPB VNCH’ rất thú vị. Trong một lần ông bị đau nặng, phải về SG khám chữa bệnh, có một vị bác sĩ hảo tâm khi khám bệnh cho ông thấy hoàn cảnh khó khăn cùng với những khuyết tật trên người, vị bác sĩ này hỏi thăm và biết được ông là TPB VNCH. Vị bác sĩ hướng dẫn ông đến Nhà thờ DCCT mang theo những hồ sơ cần thiết, để ghi danh cho chúng tôi trong chương trình này. Khi kể lại, ông cũng không nhớ vị bác sĩ ấy tên gì và đã lâu ông không gặp người ấy. Thế mới biết, đằng sau của chương trình này có biết bao nhiêu người đã yêu mến, đóng góp cách này cách khác và ủng hộ các ông.

Cuộc gặp gỡ với người TPB Phạm Văn Em trên bãi rác đã để lại cho chúng tôi rất nhiều cảm xúc. Điều chúng tôi nhận thấy, qua những cuộc viếng thăm này, chúng tôi gặp được cụ thể con người, gia đình và hoàn cảnh sống của các ông. Chúng tôi nhận ra rằng, dù sức khỏe yếu kém, dù thân thể không nguyên vẹn, dù tình trạng kinh tế yếu kém, những người lính VNCH trở về sau chiến tranh hơn 40 năm bị đày đọa vẫn giữ y nguyên cái nhân cách đáng kính đáng phục của một người lính. Các ông đã tự lực mưu sinh không sống bám víu và không đánh mất nhân cách của mình. Thật đáng kính phục!

Nguồn: DCCT