Dân Chúa Âu Châu

VRNs (08.03.2015) – Sài Gòn – Chính phủ sẽ làm theo khuyến nghị của ông Tony Blair hay vẫn phải kiện định theo Cương lĩnh đảng CSVN?

Ông Đỗ Thiên Anh Tuấn, một giảng viên kinh tế trong Chương trình Fulbright đã nhận xét trên tờ Thanh Niên Online: “10 năm làm Thủ tướng Anh, ông Tony Blair không một lần đến VN, song chỉ từ năm 2012 đến nay, ông lại đến VN 5 lần nhưng trong vai trò một khách mời tham vấn chính sách. Bối cảnh kinh tế VN những lần ông Blair đến VN gần như không có nhiều thay đổi, vẫn là những khó khăn kinh tế và những ngổn ngang của các chính sách cải cách”.

Theo vị chuyên gia này, thông điệp của cựu thủ tướng Anh quá rõ ràng: “DNNN phải được cổ phần hóa, kinh tế tư nhân phải được khuyến khích phát triển mạnh mẽ hơn. Cái tư tưởng nhà nước phải nắm quyền chi phối kinh tế để từ đó thúc đẩy phát triển kinh tế và bảo vệ lợi ích người lao động vốn đã rất thịnh hành vào những thập niên 1940 – 1950 nhưng nay đã quá lỗi thời”.

Báo Thanh Niên Online cũng ghi nhận trong một bài khác, rằng ông Tony Blair đã nói, hôm 04.03.2015, tại một Hội thảo do Bộ kế hoạch và đầu tư của Việt Nam tổ chức: “Tôi đã làm thủ tướng 10 năm, qua 2 nhiệm kỳ và tôi rút ra bài học lớn nhất là: Khó nhất đối với Chính phủ là nhận được ý tưởng tốt và thực hiện được nó vì có nhiều ý tưởng hay nhưng không thực hiện được. Bài học thứ hai là mọi cuộc cải cách đều khó khăn và có sự cản trở”.

Tại Việt Nam, chúng tôi thấy tính tham lam của người Việt Nam được thể hiện trong các chính sách hiện hành ở Việt Nam. Ở trong đó, lòng tham đôi khi cũng là cách che đậy một sự thật hoặc làm trì hoãn sự tiến bộ. Trong mục tiêu cổ phần hóa (CPH) các doanh nghiệp nhà nước (DNNN), Chính phủ VN đã đưa ra quá nhiều mục tiêu, khiến các hoạt động triển khai phải nương nhau, nhằm tránh xung đột, dẫn đến việc cổ phần hóa ì ạch, không mang lại hiệu quả, lại còn tạo kẻ hở cho tham nhũng và thanh trừng phe nhóm. Các mục tiêu CPH do Công ty tư vấn tại VN của ông Tony Blair đưa ra là (1) tiến tới nền kinh tế thị trường, (2) cải thiện hiệu quả khối DNNN, (3) giảm nợ công, (4) áp lực hội nhập quốc tế.

Chúng tôi cho rằng khi xác định mục tiêu vì “áp lực quốc tế” nên phải CPH các DNNN tức là anh không thực lòng muốn làm điều đó, mà chỉ làm cho có để đối phó nhằm đạt được cái gì khác lớn hơn, chứ không phải cho chính lợi ích của doanh nghiệp hay nền kinh tế nói chung.

Còn mục tiêu “giảm nợ công” cũng không thể chất lên vai CPH được, vì nợ công chính yếu là do tham nhũng và hối lộ dẫn đến những đầu tư sai luật, sai nguyên tắc. Thậm chí để tham nhũng và hối lộ dễ, người ta làm ra chính sách mới cho phù hợp với quy trình đó. Theo kiểu nói “xây cất”, tức là có xây dựng thì có tiền cất vào tủ làm của riêng. Một cán bộ của ngành xây dựng trong lúc trà dư tửu hậu đã kể: chỉ một nhân viên chạy dự án làm đường quốc lộ của một công ty cầu đường đã được “cất vào tủ” 2 tỉ, nếu xin được dự án làm 3 km đường.

Ngay cả với mục tiêu “cải thiện hiệu quả khối DNNN” cũng mơ hồ, vì không phải cứ CPH là có nhân tài làm việc và doanh nghiệp phát triển, mà chính yếu do cơ chế bảo đảm “con cháu các cụ cả/con ông cháu cha” được ưu tiên tại vị và yên vị đã buộc các DNNN tiếp nhận những “ông/bà trời con” đó, khiến DNNN một mặt hút hết mọi lợi thế của nền kinh tế về phía mình (do làm lại chính sách), mặt khác tha hồ trục lợi, mà không cần bận tâm đến sự thành đạt của doanh nghiệp và nền kinh tế quốc dân.

Chỉ có mục tiêu “tiến đến nền kinh tế thị trường” là đúng và phù hợp với khả năng của CPH, và do đó, các quy định về việc CPH phải nhằm mục tiêu này, nhờ vậy thúc đẩy tháo gỡ những gánh nặng vô duyên của nền kinh tế quốc doanh và gia tăng lực phát triển cho nền kinh tế quốc gia.

Một chuyên gia Nhật Bản đến Việt Nam nghiên cứu kinh tế, cách nay đã 10 năm, đặt vấn đề với chúng tôi: “Tại sao chính phủ Việt Nam phải làm kinh tế?” Rồi ông tự trả lời: “Chính phủ chỉ cần khuyến khích tư nhân làm kinh tế, rồi chính phủ thu thuế có phải tốt hơn không?”

Trong Hội thảo hôm 04.03, ông Tony Blair không đồng tình với cách CPH theo nguyên tắc chính phủ vẫn sở hữu phần lớn tài sản DNNN, ông nói: “Với cách tiếp cận thu hẹp như vậy về CPH, Chính phủ VN không thể kỳ vọng thấy được những tác dụng tích cực tương tự như quá trình CPH mang lại ở nhiều quốc gia khác”.

Như vậy quan niệm của Đông (Nhật Bản) và Tây (Anh) về kinh tế thị trường giống nhau, nhưng khác với Việt Nam cộng sản. cái khác lớn và rõ ràng hơn cả là các nền kinh tế Nhật Bản và Anh thì đứng top đầu thế giới, còn Việt Nam thì đứng gần cuối.

Về ý định giữ vững DNNN, để bảo vệ quyền lợi của người dân, ông Tony Blair cảnh báo: “Không phải lúc nào nhà nước cũng là người bảo vệ tốt nhất với người dân, vì nó chậm thay đổi”.

Ông Đỗ Thiên Anh Tuấn cho biết: “Nhiều ý kiến của ông Blair được các lãnh đạo VN đánh giá cao và ghi nhận, thậm chí còn “đặt hàng” cho ông với mong muốn tìm ra được những kiến giải cho VN”.

Điều ông Tuấn ghi nhận, chắc ông cũng như nhiều chuyên gia khác đã biết rõ đó chỉ là chuyện “có vẻ” chứ không thật lòng, vì từ khi Hoa Kỳ hợp tác với Việt Nam để đưa bao nhiêu người sang Mỹ học hành và nghiên cứu theo Chương trình Fulbright, nhưng bao nhiêu người trong số họ khi trở về nước được sử dụng, và bao nhiêu quan chức đã thực lòng xin ý kiến họ. Có thể “bụt nhà không thiêng”, nhưng thử nhìn các dự án cải cách tư pháp của Âu châu hợp tác thực hiện ở Việt Nam, tiêu tốn rất nhiều tiền của, trong đó có cả tiền vay nợ quốc tế, nhưng cuối cùng Cương lĩnh đảng CSVN vẫn không công nhận tam quyền phân lập, nên nền tư pháp Việt Nam vẫn cứ trơ trơ ra, không hề thay đổi, mà còn tệ hại hơn với quy định quân đội phải trung thành với đảng cộng sản của Hiến pháp 2013, với các điều luật 79, 88, 258 của Bộ luật hình sự để công an tự do và tự tiện bắt những người bất đồng chính kiến khi muốn.

Khó khăn thứ nhất ông Tony Blair đưa ra khi ông làm thủ tướng trong 10 năm ở Anh là khó nhận được những ý kiến hay của người dân thì ở Việt Nam ngược lại, chính phủ đã đóng cửa IDS, một viện nghiên cứu độc lập với chức năng phản biện, bao gồm rất nhiều nhà trí thức tâm huyết với quốc gia. Các quy tụ của người dân để thảo luận về vấn đề gì đó của quốc gia, mà không do nhà nước hay các cơ quan vệ tinh của đảng cộng sản đứng ra tổ chức thì tức khắc bị công an ngăn cản, quấy rối, đánh đập và bắt bớ.

Ông Tuấn đã nói khéo về vai trò cố vấn cấp cao của ông Tony Blair: “Bối cảnh kinh tế VN [sau – KT thêm] những lần ông Blair đến VN gần như không có nhiều thay đổi, vẫn là những khó khăn kinh tế và những ngổn ngang của các chính sách cải cách”.

Ngay sau Hội thảo, ngày 05.03, tiến sĩ Lê Đăng Doanh, một nhà nghiên cứu kinh tế độc lập cho BBC Việt ngữ biết: “Ông Tony Blair đã đến Việt Nam từ năm 2012 và đã gặp Thủ tướng Việt Nam. Đến năm 2013 thì công ty Tony Blair Associates đã lập một văn phòng cạnh Bộ Kế hoạch Đầu tư và đã có tham vấn, đóng góp ý kiến về các văn bản cổ phần hóa. Mới đây công ty này cũng cố vấn về nghị định hợp tác công tư (PPP)”.

Theo thiển ý của chúng tôi, công ty Tony Blair Associates chỉ thật sự đóng góp hiệu quả cho người dân Việt Nam – Chúng tôi nhấn mạnh đến “cho người dân Việt Nam”, chứ không phải để khai trí cho quan chức chính phủ và làm bình phông mị dân, vì mọi phí tổn trả cho công ty này tại Việt Nam được trích từ tiền thuế của dân, ngay cả dưới hình thức từ vốn ODA thì vẫn là của người dân – nếu họ làm cho Cương lĩnh đảng CSVN không còn ảnh hưởng gì trên Hiến pháp, pháp luật và các thực hành của nó với dân Việt Nam. Nếu không thì công ty này cũng chỉ là cách “câu tiền” của một doanh nghiệp nước ngoài mang bình phông của một nhân vật lớn của nước Anh mà thôi.

K. Thuyên

Nguồn: DCCT