Dân Chúa Âu Châu

#GNsP (17.08.2017) – So sánh điểm đầu vào của các trường đại học trong mùa tuyển sinh vừa qua, có một sự thật khiến những người quan tâm đến sự nghiệp giáo dục không khỏi cảm thấy cay đắng, thất vọng đó là tình trạng “vét chạm đáy vẫn không thu hút khách” của các trường sư phạm, nghĩa là mặc dù điểm trúng tuyển rất thấp nhưng tuyển đủ được thí sinh.
Để cứu vãn tình trạng trên, Bộ trưởng bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ cho rằng: “Ngành sư phạm phải học tập kinh nghiệm từ công an, quân đội”.
Tiếng La-tinh có một thành ngữ: “Muốn có hòa bình phải chuẩn bị chiến tranh”. Không ai phủ nhận vai trò của công an, quân đội trong việc bảo vệ Tổ quốc, bảo vệ an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội. Thế nhưng, đối với mọi quốc gia, dân tộc ở mọi thời đại, giáo dục và đào tạo luôn được xem là chính sách, biện pháp quan trọng hàng đầu để phát triển, điều này càng đặc biệt đúng với xu thế phát triển tri thức ngày nay.
Vì sao Nhật Bản có thể phát triển từ trong đổ nát chiến tranh? Trả lời câu hỏi này, tại hội thảo “Khởi nghiệp kiến quốc– Công thức thành công từ các cường quốc và bài học cho Việt Nam” vào ngày 23-11-2014, GS.TS giáo dục Kanda Yoshinobu cho rằng, tất cả là nhờ một nền giáo dục không chỉ bó hẹp trong nhà trường. Người Nhật đã xem học chính là động lực để phát triển.
Dân tộc Do Thái sống lưu vong suốt 2000 năm qua trên khắp thế giới, họ bị hãm hại, tàn sát vô cùng dã man…Israel, một đất nước Do Thái nhỏ bé, phải hứng chịu điều kiện tự nhiên vô cùng khắc nghiệt, 70% diện tích lãnh thổ là sa mạc, còn lại là đồi núi đá trọc, khí hậu cực kỳ khô hạn. Một đất nước không hề có “rừng vàng, biển bạc” thế nhưng điều gì khiến ngày nay họ lại có một nền kinh tế phát triển hùng mạnh ? Thưa rằng chính sự học là chìa khóa mở ra cánh cửa giúp Israel hòa nhập vào nền văn minh, tiến bộ của thế giới.
Trong khi đó, tại Việt Nam thì cái câu “Chuột chạy cùng sào mới vào sư phạm” đã và đang là một thực trạng rất đáng buồn cho những ai quan tâm đến sự nghiệp giáo dục của dân tộc. Và cho đến nay thì người đứng đầu ngành giáo dục lại khẳng định rằng: “Ngành sư phạm phải học tập kinh nghiệm từ công an, quân đội”. Kinh nghiệm đó là “có chính sách ưu tiên về học phí và được phân công công việc sau khi ra trường”. Nghĩa là nếu trở thành công an, quân đội thì người trẻ được sớm ổn định cuộc sống và nếu trở thành giáo viên thì không. Và thực tế thì bộ trưởng GD & ĐT cũng thừa nhận rằng: “Chừng nào đời sống giáo viên chưa đảm bảo, chừng đó các thầy cô chưa thể yên tâm gắn bó với nghề”. Người trót gắn bó thì chưa yên tâm thì dĩ nhiên những người chưa gắn bó thì cũng chẳng dại gì dấn thân vào ngành sư phạm.
Không chỉ ngành sư phạm mà các ngành khác như khoa học cơ bản, nông nghiệp, kỹ thuật, y khoa cũng không ngành nào có điểm sàn cao ngất ngưỡng như ngành công an, quân đội. Hết rồi cái thời “nhất Y, nhì Dược, tạm được Bách Khoa”. Có lẽ các ngành này cũng cần học hỏi ngành công an, quân đội?
Hệ thống giáo dục tại Việt Nam vốn trì trệ, lạc hậu và có quá nhiều bất cập, nay thì với những bài thi chỉ cần 3 điểm thí sinh cũng trở thành những thầy cô giáo tương lai. “Đầu vào là rác thì đầu ra cũng rác”, thử hỏi dân trí của thế hệ trẻ tương lai sẽ đi về đâu? Tất cả những điều này lẽ nào lãnh đạo nhà nước không nhìn thấy hoặc đây không phải là chính sách họ cần phải quan tâm thực hiện ? Tại sao ngành công an, quân đội sinh viên được ưu đãi về học phí, được ưu tiên về việc làm còn ngành sư phạm thì không?
Lịch sử nhân loại cho thấy một triều đại chủ trương trọng “quan võ” khinh “quan văn” thường đó là triều đại của những bạo chúa. Một thể chế mà nền giáo dục không được xem là quốc sách thì việc người dân của đất nước đó chạm đến ngưỡng cửa của ánh sáng văn minh nhân loại là điều rất xa vời.
Điền Phương Thảo
Link tham khảo: http://www.tienphong.vn/giao-duc/nganh-su-pham-phai-hoc-tap-kinh-nghiem-tu-cong-an-quan-doi-1176305.tpo